Một phút yên lặng tan trên lưỡi mềm
Riêng còn một chút quấy rầy
Ấy là tia nắng một trời bụi vương
Căn hộ của tôi trông ra một cái sân được quây kín bởi các khối nhà hai tầng. Khu chung cư này chắc đã được hai mươi năm tuổi rồi. Nhìn qua cửa sổ ta có thể thấy cây cối đã lớn hết cả. Những khoảnh sân cát chẳng còn ai chơi. Bọn trẻ từng nghịch cát mười lăm năm trước nay đã rời tổ ấm, chỉ còn các ông bố bà mẹ luống tuổi vẫn ở lại. Những con người tử tế, chậm chạp và không có các thói quen phiền phức.
Thế nên cửa sổ nhà tôi rất yên tĩnh. Nó quay ra hướng nam, để cho ánh nắng mặt trời luồn qua những khe cửa lá sách vạch nên những lằn sáng trên bộ xa lông trắng của tôi. Thỉnh thoảng ngoài cầu thang cũng vang lên tiếng bước chân, nhưng không thường xuyên, vì tôi ở tầng trên cùng. Khi tôi mở cửa sổ, gió trời thường vờn qua cây si to tướng mà Örjan đã trồng bằng phương pháp giâm cành. Nhưng tôi chịu lạnh kém nên không thể mở cửa sổ quá lâu, mà ngược lại, tôi phải bật máy sưởi hết công suất để nhiệt độ trong nhà thường xuyên được duy trì ở mức trên hai mươi ba độ.
Tôi rất thích nằm dài trên ghế xa lông, quấn mình trong chiếc áo choàng màu trắng, và ngắm những sọc nắng mặt trời trong phòng.
Thỉnh thoảng tôi cũng giơ một tay lên để ánh nắng vẽ những lằn sáng trên đó. Những âm thanh duy nhất mà tôi nghe thấy là tiếng rì rì của tủ lạnh và tiếng con ruồi của mùa thu muộn điên cuồng lao đầu cồm cộp vào lớp kính cửa sổ.
Tôi thừa biết chuyện với Benny là hoàn toàn bất khả thi.
Cũng giống như khi người ta ngồi dưới bóng cây tiêu huyền trong những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, nhấm nháp ly rượu Hy Lạp mát lạnh. Họ mơ rũ bỏ tất cả để sống ở đó không cần biết đến ngày mai. Nhận một công việc, bất kể là việc gì, tìm một ngôi nhà trắng có mảnh sân ngập nắng và những chậu rau thơm. Thế nhưng người ta biết thừa là năm tiếng đồng hồ sau, họ sẽ hạ cánh xuống sân bay Arlanda dưới làn mưa bụi, và ngày hôm sau sẽ lại ngắc ngoải trên chiếc ghế văn phòng, thứ duy nhất còn sót lại chính là làn da rám nắng. Nhưng rồi nó cũng sẽ trôi đi theo dòng nước nhà tắm sau ba tuần lễ.
Tôi mơ tưởng về chuyện giữa Benny và tôi như thế đấy – phải có một cách để gìn giữ tất cả! Nhét anh chàng vào trong tủ quần áo và khóa chặt cửa, cho đến khi tôi đi làm về. Giống như trong bộ phim Tây Ban Nha có anh chàng Antonio Banderas góp mặt ấy.
Tôi thử mường tượng mình trong cuộc sống của Benny, nhưng chịu không thấy hình ảnh nào của tôi trong đó.
Tôi đâu ngờ có thể tồn tại một sự khác biệt văn hóa đến thế ở một nơi chỉ cách nhà tôi có bốn mươi cây số, trong trang trại của một anh chàng Thụy Điển trạc tuổi tôi.
Có khi tôi còn dễ thích nghi hơn nếu đi yêu một anh chàng Hồi giáo sùng đạo.
Tự dưng tôi bắt đầu tưởng tượng ra một người đàn ông cao gầy, da ngăm đen, có đôi mắt u sầu, buộc phải đi lưu vong do chính trị và đang sống trong một căn hộ rẻ tiền với bốn bức tường đặc kín những câu thơ tiếng Ả-rập. Ban ngày, anh đi quét đường dù đã có bằng đại học, còn buổi tối anh tham gia những buổi họp hành nảy lửa với đám bạn bè chính trị và văn thơ, nếu không thì chúng tôi cùng nhau đi xem những bộ phim trắng đen kinh điển. Rồi tôi sẽ tìm hiểu nền văn hóa của anh và dịch những bài thơ anh viết. Tôi sẽ đi quyên tiền ngoài đường cho cuộc đấu tranh chống lại tên độc tài đã khiến anh phải tha hương. Chúng tôi sẽ ngồi trên những tấm thảm tuyệt đẹp, thưởng thức những món ăn cay nồng lạ miệng…
Nhưng nấu món thịt viên trong căn bếp thảm thương của Benny, và quanh năm suốt tháng là nô dịch cho hai mươi tư con bò sữa ư? Cố công đánh sạch nhà tắm cáu bẩn, nhọc sức nhóm củi để đun nước nóng và ngồi chém gió về mấy bài báo trong tờ Nhà nông ư? Tôi á?
Có thể tôi phân biệt chủng tộc, nhưng không phải như bình thường.
Tuy vậy, trong suốt nhiều ngày liền, bàn tay tôi cứ lướt qua lướt lại trên chiếc điện thoại. Khi thì nó không đổ chuông, khi thì tôi không nhấc máy.
Để chống lại cảm giác “hồi teen” đáng xấu hổ này, tôi bắt mình không được ở nhà buổi tối. Tôi làm thêm giờ, đi xem phim, lê la quán xá với những cô bạn đồng nghiệp độc thân. Bọn họ thấy tôi cực kỳ vui tính và hòa đồng. Tôi cũng đồng ý với họ.
Thời tiết chuyển sang mưa thu, đến nắng cũng chẳng còn để tôi đùa nghịch. Dưới bầu trời u ám, căn hộ của tôi không khác nào phòng đợi của một ông nha sĩ. Thứ duy nhất khác biệt đôi chút là vầng mặt trời màu huỳnh quang phía sau cặp đôi trong vỏ sò, trên tấm áp phích mà Benny đã tặng tôi dịp sinh nhật.
Không có giờ nào trôi qua mà tôi không nghĩ đến Benny. Ở thư viện, tôi vùi đầu đọc tờ Nhà nông trước sự kinh ngạc thấy rõ của Liliane. Tôi bảo chị ta mình được người ta nhờ tìm một bài báo. Về việc nạo vét kênh mương.
Có những lúc Olof nhìn tôi như thể sắp hỏi tôi chuyện gì đó, nhưng anh ta biết nên khôn hồn lánh đi chỗ khác.
Một hôm, tôi nảy ra ý tưởng điên rồ là đi ăn trưa trong một quán cà phê được nhiều đàn ông nhập cư lui tới. Ngồi một mình, tôi nhìn họ một cách dai dẳng và mơ màng đến độ họ hoàn toàn hiểu lầm, và bị lôi vào những cuộc đối thoại vớ vẩn mà tôi chỉ muốn quên đi. Hơn nữa, nguyên nhân tôi tới đó không rõ ràng, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn, đến nỗi tôi ngượng chín mặt.
Càng ngày, sự tuyệt vọng của tôi càng gia tăng. Märta thì mãi vẫn chưa quay về. Tôi thường xuyên ngâm mình trong bồn tắm quá nửa đêm, đến mức da dẻ trắng bệch và nhăn nheo lại. Tôi lôi về nhà hàng đống sách bỏ túi thể loại văn học kỳ ảo. Tôi kỳ cọ bằng bánh xà phòng hình con bướm cho đến khi nó chỉ còn là một khối màu hồng cong queo.
Tại sao một điều tưởng chừng rất đúng đắn đối với tôi lại trở nên nghịch lý đến thế này?
Benny chắc cũng đang tự hỏi mình câu ấy. Vì anh hoàn toàn bặt vô âm tín.