Sáng nay, lúc làm buổi sáng thì cô đập phải một quả trứng bị ung. Ra cửa thì bước bằng chân trái. Nhưng Phượng không hề nghĩ mình sẽ gặp phải chuyện đen đủi như thế.
Ở nhà Phượng chỉ có cây đàn guitar cũ. Nhưng cô thoải mái nhất là khi sáng tác bằng piano. Hiện cô đang ấp ủ một vở kịch mới. Vì thế trong thời gian này cô thường xuyên mò đến nhà hát để mượn piano ở đó.
Đang lái xe trên con đường quen thuộc với mật độ giao thông trung bình. Đột nhiên chiếc ô tô phía sau lao sang làn xe máy, húc vào đuôi xe của Phượng. Kẻ trong ô tô chỉ chịu tác động nhỏ, còn đối với người đi xe máy là lực đẩy khủng khiếp.
Chỉ trong tích tắc, não bộ của cô cảm nhận rõ đuôi xe máy nảy lên. Tay cô trượt khỏi tay lái. Xe đổ ụp sang bên phải. Toàn bộ sức nặng của xe dập xuống bắp chân. Cả người cô lao xuống đường. Cơn đau đột ngột tới mức cô không kịp hét lên.
Ô tô đỗ xịch phía sau. Giao thông nghẹn ứ. Vài người đi xe máy tốt bụng dừng lại kiểm tra tình trạng của cô. Sức nặng của thân xe cộng thêm gia tốc đập vào ống đồng của cô. Cổ chân cô bị vặn lại. Không ổn rồi.
Mọi người vây quanh hỏi xem cô còn tỉnh táo không. Phượng cắn răng, ra hiệu cho họ nâng xe lên. Một người dắt xe cô vào lề đường, hai người dìu cô ngồi xuống vỉa hè. Cô hàng nước vội lấy cái ghế nhựa cho Phượng ngồi.
Bắp chân trái tiêu rồi, đầu gối phải đập mạnh xuống nền xi măng. Toàn thân run rẩy, oằn xuống như bị rút xương. Đám đông vây quanh hỏi han nhưng cô đau tới mức không trả lời nổi. Một ông chú kêu lên.
“Khổ thân. Thấy chân cẳng như thế nào cháu? Cái thằng lái ô tô thần kinh đâu rồi? Đang yên đang lành rồ ga đâm đuôi xe người ta.”
“A, đây rồi. Nói chuyện với tài xế xem giải quyết thế nào.”
Hắn bước xuống xe. Giày da, áo sơ mi lụa bóng bẩy của Versace, vòng vàng đeo nặng cổ, đôi mắt híp nham hiểm, mày trái đeo chiếc khuyên màu bạc.
Phượng chết sững. Mặt cắt không còn giọt máu.
Là Đạt.
Dáng vẻ hắn lấc cấc tới mức tất cả mọi người ở đây đồng loạt dán mác kẻ không ra gì cho hắn. Ánh mắt mọi người khó chịu nhìn Đạt.
Hắn đi về phía Phượng, cúi xuống nói với giọng giả bộ quan tâm.
“Xin lỗi em. Anh lái xe bất cẩn quá. Đây là lỗi của anh. Để anh đưa em tới bệnh viện nhé.”Thấy kẻ lái ẩu có vẻ nhận lỗi, người đi đường đều bận công chuyện nên bắt đầu tản đi bớt. Chỉ còn mình Phượng và Đạt. Cô ngồi sững trên cái ghế nhựa, đôi môi run run không nói được lời nào.
Cô bất giác đưa tay chạm lên miệng. Hàm răng của cô vẫn còn ở đây. Đối mặt với Đạt, ác mộng kiếp trước lập tức ùa về. Căn phòng tối tăm. Tiếng cười hả hê man rợ. Và lời hắn nói:
“Tao làm xong thì đến lượt chúng mày.”
Phượng thét ầm đến rách họng, hoảng sợ ôm đầu.
Cô bán nước giật mình.
“Ôi, làm sao thế cháu? Nó làm gì cháu à?”
Cô hàng nước nhìn thấy Phượng run lẩy bẩy, mặt xám ngoét. Còn cái tên dáng vẻ hư hỏng kia đang cúi đầu áp sát vào cô.
Đạt còn chưa làm gì, thấy oan ức bèn cãi lại.
“Bà già, cô ta tự nhiên hét lên! Tôi đã làm gì đâu.”
“Cậu không làm gì thì người ta kêu đấy! Mà chả đâm xe vào người ta kìa. Vừa đau người vừa hỏng xe. Đền đi.”
“Đền thì đền. Nghĩ ông đây thiếu mấy đồng rách à?”
Thái độ của Đạt khiến người xung quanh khó chịu. Em gái hắn nói con ả này dễ dãi lắm, chỉ cần thấy trai giàu liền xán vào ngay. Hắn chỉ cần đóng vai thiếu gia nhà giàu, galan, hào phóng, cô nàng chắc chắn vội ngả vào lòng hắn ngay. Đứa nào chả vậy.
Nghĩ đoạn, Đạt nhìn Phượng, làm bộ ngon ngọt.
“Lên xe anh, anh đưa em tới bệnh viện.”
Chưa để cô đáp hắn đã cúi xuống tính bế cô lên. Phượng cuống cuồng quơ tay.
“Không. Không. Tôi không đi.”
Cô hấp tấp cầu cứu người xung quanh.
“Cô ơi, cháu không đi. Cháu không đi với hắn đâu.”
Xung quanh là cô hàng nước, chú xe ôm và người bán tạp hóa hóng chuyện. Họ chỉ bập bõm nắm được tình hình bên này. Nhưng thấy Đạt dáng vẻ không tử tế gì, nói chuyện kiểu lưu manh, thái độ xấc xược.
Ai biết đâm xe có phải dàn cảnh bắt cóc hay dụ dỗ con gái gì không. Thái độ của cô bé ngã xe lại bất thường. Mọi người trở nên cảnh giác.
Đạt nổi cáu.
“Đã bảo anh đâm xe vào em nên anh sẽ đền bù. Đưa em vào viện cơ mà. Lên xe, thích xe mới anh mua cho.”
“Không. Không đi. Cô ơi, cứu cháu.”
Cô hàng nước ra khỏi quầy, chắn trước Phượng như gà mẹ bảo vệ con non.
“Cái cậu này! Người ta không thích thì đừng có ép. Nếu cậu thích đền thì xòe tiền mặt ra đây. Cậu mà còn ép uổng nó nữa là chúng tôi nghi ngờ cậu có ý đồ bất chính đấy.”
“Bà già này, thích chết à!”
Anh sửa xe bặm trợn gần đó đi ra.
“Này cậu kia, ăn nói cho cẩn thận! Đừng tưởng đi được cái bốn bánh mà huênh hoang.”
Đạt gân cổ.
“Thằng này, mày thích gì?”
Thấy hàng xóm bị bắt nạt, người xung quanh chạy qua bảo vệ.
“Giọng điệu này không trộm thì là cướp rồi. Không để cô bé này đi theo cậu ta là đúng mà.”
“Đưa tiền thuốc men, tiền sửa xe đây! Đưa xong biến. Đừng tưởng bắt nạt người già mà dễ.”
Đạt chửi rủa vài câu, bị đám đông dồn ép lên xe rồi biến đi mất hút. Bác hàng nước rót cho Phượng cốc nhân trần. Cô thở dốc, trán đổ mồ hôi lạnh như thể vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh.
“Ngồi một tí, đỡ đau thì để cô gọi ông chồng cô ra. Chồng cô là xe ôm. Bây giờ đang bận chạy xe cho khách. Lát ông ý về cô bảo ông ý đưa cháu đi bệnh viện.”
Ông anh hàng sửa xe nói:
“Xe cứ để đây anh sửa cho. Lúc nào tiện em qua lấy cũng được.”
Phượng cảm động cảm ơn mọi người.
Chồng cô hàng nước đưa Phượng tới bệnh viện. Chân phải của cô cần bó bột một tháng. Còn lại đều là vết thương ngoài da. Chú xe ôm tốt bụng chờ cô khám xong rồi đưa cô về tận nhà. Phượng gọi điện cho Nhà hát xin nghỉ dài ngày rồi gục xuống giường.
Toàn thân đau đớn. Nhưng cảm giác duy nhất lúc này của cô là…
Tuyệt vọng.
Giống như cái boomerang. Dù cô nỗ lực ném nó xa và mạnh tới mức nào, nó vẫn sẽ quay trở lại điểm ban đầu. Rốt cuộc…không có lối thoát.
Phượng vùi mặt vào chăn. Vai cô run lên như đang khóc. Dù xung quanh không có người, cô vẫn giấu đi nước mắt của mình.