Thứ Năm, trời mưa từ sáng. Dù mưa không lớn lắm, nhưng dai dẳng ghê người. Trời bắt đầu đổ mưa từ trưa ngày hôm trước mà vẫn chưa tạnh một lần nào. Vừa ngỡ sắp tạnh, bỗng như sực nhớ ra điều gì, cơn mưa lại ập xuống. Tuy đã qua giữa tháng Bảy. Bầu trời âm u như thể bị đậy nắp, cả thế giới đều mang theo hơi ẩm nặng nề.
Đến gần trưa, Tengo mặc áo mưa, đội mũ, đang định đi ra gần đấy mua đồ, thì chợt phát hiện trong hòm thư có nhét một phong thư màu nâu khá dày có miếng lót bên trong. Trên phong bì không có dấu bưu điện, không dán tem, cũng không viết địa chỉ. Tên tuổi người gửi cũng không có nốt. Ngay giữa trước phong thư có một dòng chữ nhỏ vừa cứng viết bằng bút bi: Tengo. Chữ viết như thể lấy đầu mũi đinh vạch ra trên đất cứng. Tengo vừa nhìn đã như thể lấy đầu mũi đinh vạch ra trên đất cứng. Tengo vừa nhìn đã biết ngay là chữ của Fukaeri. Anh mở phong bì ra, thấy bên trong đựng một băng cát xét dài sáu mươi phút hiệu TDK có vẻ ngoài vô cùng đơn giản. Không có thư, cũng không có lời nhắn nào kèm theo. Băng cát xét không có hộp, cũng chẳng dán nhãn gì cả.
Tengo hơi bối rối, rồi quyết định không đi mua đồ nữa mà trở vào trong nhà nghe băng. Anh đưa băng cát xét lên trước mặt, lắc thử mấy cái. Tuy có vẻ bí ẩn, song nhìn kiểu gì cũng vẫn là loại băng sản xuất hàng loạt. Chắc không đến nỗi vừa bật thử đã phát nổ.
Anh cởi áo mưa, đặt máy nghe băng lên chiếc bàn trong bếp, lấy băng trong phong bì ra, lắp vào. Anh chuẩn bị sẵn giấy và bút bi để ghi lại khi cần. Sau khi quan sát xung quanh, thấy không có người nào ở bên cạnh, anh ấn nút cho băng chạy.
Mới đầu không có âm thanh gì. Khoảng lặng ấy kéo dài một lúc. Khi anh bắt đầu ngờ vực liệu có phải chỉ là băng trắng hay không, thì đột nhiên vang lên tiếng ồn lách cách. Nghe giống tiếng kéo ghế. Còn nghe thấy cả (hình như là) tiếng đằng hắng khe khẽ. Rồi bất ngờ, Fukaeri bắt đầu lên tiếng.
“Anh Tengo”, Fukaeri dường như đang thử giọng. Trong ký ức của Tengo, có lẽ đây là lần đầu tiên cô chính thức gọi tên anh.
Cô lại hắng giọng lần nữa. Hình như là hơi căng thẳng.
Nếu viết thư được thì tốt hơn nhưng em viết không giỏi nên đành thu vào trong băng. So với gọi điện thoại thì thế này nói được thoải mái hơn. Điện thoại không chừng lại có người nghe trộm. Đợi em uống ngụm nước đã.
Vang lên tiếng Fukaeri cầm cốc, uống một ngụm nước, sau đó (có lẽ) là tiếng cô đặt cốc xuống bàn. Kiểu nói chuyện đặc biệt, thiếu trọng âm là dấu câu ấy của cô trong băng so với khi trò chuyện bên ngoài càng khiến người nghe có ấn tượng khác thường hơn. Thậm chí có thế nói là cảm giác phi hiện thực. Nhưng khác với khi trò chuyện trực tiếp, trong băng cát xét cô có thể nói vài câu liền một lúc.
Anh nghe nói chuyện em mất tích chưa. Có lẽ anh đang lo lắng. Nhưng không hề gì đâu, giờ em đang ở nơi không nguy hiểm. Em rất muốn nói với anh chuyện này. Thực ra là không được nhưng em cảm thấy nên nói với anh thì hơn.
(Mười giây im lặng)
Em được yêu cầu không được nói cho bất cứ ai. Là em đang ở đây. Thầy giáo đã yêu cầu cảnh sát tìm em. Nhưng phía cảnh sát không có động tĩnh gì. Trẻ con bỏ nhà ra đi cũng không phải chuyện hiếm thấy. Vì vậy tạm thời em vẫn phải chờ ở đây.
(Mười lăm giây im lặng)
Ở đây xa lắm chỉ cần không ra bên ngoài thì sẽ không bị phát hiện. Rất xa. Azami sẽ mang băng này đưa cho anh. Tốt hơn hết là không nên gửi bưu điện. Phải đề cao cảnh giác. Anh đợi một lát. Để em xem đã thu vào chưa.
(Có tiếng cạch cạch. Một khoảng lặng. Sau đó lại có tiếng cất lên.)
Không sao thu vào rồi.
Nghe được phía xa xa có tiếng lũ trẻ con đang hò hét. Còn lờ mờ nghe thấy tiếng nhạc. Có lẽ vẳng vào qua cửa sổ mở rộng. Gần đó chắc có vườn trẻ.
Lần trước anh cho em ở lại qua đêm cảm ơn anh. Cần phải làm thế. Cũng cần phải hiều về anh. Cảm ơn anh đọc sách cho em nghe. Tâm trí em bị người Gilyak thu hút rồi. Tại sao người Gilyak lại không đi đường cái rộng lớn mà phải đi xuyên rừng sâu.
(Tengo lẳng lặng thêm dấu chấm hỏi vào đằng sau câu ấy.)
Tuy đường cái tiện lợi song người Gilyak vẫn bỏ đường cái đi trong rừng vì cảm thấy thoải mái hơn. Đi trên đường thì phải học đi lại từ đầu. Nếu phải học đi lại từ đầu thì những thứ khác cũng phải học lại. Em không thể sống như người Gilyak. Em không muốn suốt ngày bị đàn ông đánh đập. Cũng không muốn cuộc sống bẩn thỉu đầy dòi bọ. Nhưng em cũng không thích đi trên đường cái rộng lớn. Em uống ngụm nước đã.
Fukaeri lại uống thêm nước. Xuất hiện một quãng thời gian im lặng, tiếng cốc nước đặt trở lại bàn đánh cạch. Sau đó lại một khoảng trống để lấy ngón tay chùi mép. Chẳng lẽ cô gái này không biết máy ghi âm có nút tạm dừng hay sao?
Em không ở đấy có thế mọi người sẽ thấy khó xử. Nhưng em không định trở thành tiểu thuyết gia sau này cũng không định viết thêm gì nữa. Em nhờ Azami tìm hiểu về người Gilyak rồi. Azami đến thư viện tra cứu tài liệu. Người Gilyak sống ở Sakhalin cũng không có chữ viết như người Ainu và người da đỏ ở Châu Mỹ. Cũng không để lại ghi chép gì. Em cũng thế. Khi đã thành chữ viết thì không phải là lời của em nữa. Anh biến nó thành chữ khá lắm nhưng em cảm thấy không phải tất cả mọi người đều có thể làm tốt được như anh. Nhưng đó không phải là lời của em nữa rồi. Nhưng không cần lo lắng. Không phải lỗi của anh. Chỉ là do em đang tránh xa đường cái thôi.
Đến đây Fukaeri lại dừng lại một lúc. Tengo tưởng tượng ra hình ảnh cô gái đang lẳng lặng bước đi ở nơi cách xa đường cái.
Thầy giáo có sức mạnh to lớn và trí tuệ sâu sắc. Những Người Tí Hon cũng có trí tuệ sâu sắc và sức mạnh to lớn không thua kém gì. Ở trong rừng phải cẩn thận. Thứ quan trọng ở trong rừng sâu có Người Tí Hon. Muốn không bị Người Tí Hon làm hại thì phải tìm được thứ Người Tí Hon không có. Như vậy thì có thể an toàn ra khỏi rừng sâu.
Fukaeri gần như nói một hơi hết cả đoạn, sau đó thở mạnh. Nhưng cô không ngoảnh mặt lại khỏi microphone nên cái âm thanh nghe như một cơn lốc thổi qua khoảng trống giữa các tòa nhà cũng bị thu lại. Âm thanh ấy vừa dứt, lại nghe đằng xa có tiếng còi xe. Tiếng còi nặng nề như tiếng còi tàu chỉ loại xe tải hạng nặng mới có. Ngắn ngủi, vang lên hai lần. Chỗ cô đang ở đường như cách tuyến đường chính không xa lắm.
(Tiếng đằng hắng) Giọng hơi khàn rồi. Cảm ơn anh đã nhớ em. Cảm ơn anh thích hình dáng bộ ngực của em cho em ở lại qua đêm cho em mượn đồ ngủ. Chắc là chúng ta sẽ không thể gặp nhau một thời gian. Vì biến chuyện của Người Tí Hon thành chữ Người Tí Hon có thể sẽ giận. Nhưng không cần lo lắng. Em không quen trong rừng lắm. Hẹn gặp lại.
Một tiếng động vang lên, cuộc ghi âm đến đây là hết.
Tengo ấn nút tắt, dừng băng, và tua lại từ đầu. Vừa nghe tiếng nước mưa nhỏ xuống mái hiên, vừa hít thở sâu mấy lần, anh xoay tít chiếc bút bi bằng nhựa trên tay, rồi đặt xuống bàn. Anh không chép chữ nào, chỉ chuyên tâm lắng nghe giọng nói đặc biệt, vẫn như ngày thường của Fukaeri. Không cần thiết phải cầm bút ghi chép. Các điểm quan trọng trọng tin nhắn của Fukaeri đã hết sức rõ ràng.
(1) Cô không bị bắt cóc, chẳng qua chỉ tạm thời náu thân ở đâu đó. Không phải lo lắng.
(2) Cô không có dự định tiếp tục ra sách. Câu chuyện của cô là để kể bằng miệng, cô không quen với chữ in.
(3) Người Tí Hon sở hữu sức mạnh và trí tuệ không thua kém gì Thầy Ebisuno, cần phải cảnh giác.
Đây là ba điều quan trọng cô muốn thông báo. Ngoài ra còn nhắc đến người Gilyak, một đám người nhất quyết đòi đi cách xa khỏi đường cái.
Tengo vào bếp pha một cốc cà phê. Sau đó anh vừa uống cà phê, vừa mông lung nhìn cái băng cát xét. Kế đó nghe lại từ đầu một lượt. Lần này, cho thật cẩn thận, thỉnh thoảng anh lại ấn nút tạm dừng, chép lại những điểm quan trọng. Sau đó đọc lại những thứ vừa chép. Không phát hiện thêm điều gì mới.
Fukaeri liệu có gạch đầu dòng ra trước rồi theo đó mà đọc không nhỉ? Tengo cho rằng không phải vậy. Cô không phải loại người đó. Chắc chắn cô đã nói những điều vừa mới nghĩ ra lúc ấy vào microphone (và không cả ấn nút tạm dừng).
Rốt cuộc cô đang ở nơi nào? Tiếng ồn bị ghi lại ở phía sau không cho Tengo đầu mối gì hơn. Phía xa có tiếng đóng cửa lạch cạch. Tiếng hò hét của lũ trẻ có vẻ như vẳng vào cửa sổ đang mở. Có phải vườn trẻ không? Tiếng còi xe tải hạng nặng. Nơi Fukaeri đang ở dường như không phải sâu trong rừng, mà rất giống một góc nào đó trong thành phố. Thời gian chắc khoảng cuối buổi sáng. Hoặc quá trưa một chút. Tiếng đóng cửa cho thấy cô không ở đó một mình.
Có một điểm đã hết sức rõ ràng, đó là Fukaeri chủ động ẩn nấp ở nơi đó. Việc thu băng không phải do người khác ép buộc. Chỉ nghe cách nói chuyện của cô là rõ. Mới đầu ít nhiều có thể cảm nhận được sự căng thẳng của cô, ngoại trừ điều đó, cô có vẻ đã nói đúng những điều mình đang nghĩ một cách thoải mái vào microphone.
Thầy giáo có sức mạnh to lớn và trí tuệ sâu sắc. Nhưng Người Tí Hon cũng có trí tuệ sâu sắc và sức mạnh to lớn không thua kém gì. Ở trong rừng phải cẩn thận. Thứ quan trọng ở trong rừng sâu trong rừng sâu có Người Tí Hon. Muốn không bị Người Tí Hon làm hại thì phải tìm được thứ Người Tí Hon không có. Như vậy thì có thể an toàn ra khỏi rừng sâu.
Tengo bật lại phần đó nghe thêm một lượt. Fukaeri nói hơi nhanh một chút. Khoảng ngừng giữa các câu cũng gấp hơn một chút. Đối với Tengo hoặc Thầy Ebisuno, Người Tí Hon là thứ có thể mang đến nguy hiểm. Nhưng ngữ điệu của Fukaeri không có vẻ gì cho thấy cô coi Người Tí Hon là thế lực tà ác. Nghe giọng cô, có cảm giác họ ở thể trung lập, có thể ngả về bất cứ phe nào. Ngoài ra còn một điểm nữa khiến Tengo lo lắng.
Vì biến chuyện của Người Tí Hon thành chữ Người Tí Hon có thể sẽ giận.
Giả dụ Người Tí Hon nổi giận thật, đối tượng khiến họ nổi giận đương nhiên bao gồm cả Tengo nữa. Vì anh là một trong những kẻ đầu trò công bố sự tồn tại của họ trước công chúng dưới dạng chữ in. Dù có thanh minh rằng mình không có ý gì xấu cũng chưa chắc họ đã nghe.
Người Tí Hon rốt cuộc sẽ gây nguy hiểm gì? Nhưng Tengo làm sao có thể biết được điều này. Tengo tua lại về đầu băng, cho vào phong bì, cất trong ngăn kéo. Anh mặc lại áo mưa, đội mũ lên, đi ra ngoài mua đồ cơn mưa rả rích.
Sau chín giờ tối hôm ấy, Komatsu gọi điện đến. Lần này, Tengo cũng biết là điện thoại của anh ta trước khi cầm ống nghe. Lúc đó anh đang nằm trên giường đọc sách, đợi chuông đổ ba lần mới chậm rãi bò dậy, vào bàn ăn trong bếp bắt máy.
“A, Tengo này,” Komatsu nói, “Cậu có đang uống rượu không đấy?”
“Không. Hoàn toàn tỉnh táo”.
“Khi nào chúng ta nói chuyện xong, có khi cậu sẽ muốn uống một ly.”
“Hẳn là tin vui rồi.”
“Chưa chắc. Tôi không nghĩ là vui đến thế. Nhưng có thể có chút hài hước kiểu nghịch lý.”
“Giống truyện ngắn của Chekhov.”
“Chính thế,” Komatsu nói, “Giống truyện ngắn của Chekhov. Nói hay lắm, Tengo. Cách so sánh của cậu lúc nào cũng ngắn gọn đích đáng.”
Tengo im lặng. Komatsu nói tiếp:
“Sự việc hơi phức tạp. Sau khi Thầy giáo Ebisuno báo cảnh sát và yêu cầu họ tìm kiếm Fukaeri, cảnh sát đã chính thức tiến hành điều tra. Nhưng cảnh sát chắc sẽ không ra tay thật đâu, dù sao thì cũng không có người đòi tiền chuộc. Chỉ có điều nếu làm ngơ rồi chẳng may xảy ra chuyện gì thì sẽ khó xử lý nên họ mới làm ra vẻ thế thôi. Tuy nhiên giới truyền thông thì sẽ không buông tay đứng nhìn đâu. Chỗ tôi đây cũng có mấy báo đến dò la rồi. Dĩ nhiên tôi vẫn giữ nguyên thái độ ‘chẳng biết gì hết’. Mà thực ra hiện giờ tôi cũng chẳng có gì để nói cho họ cả. Cái đám ấy chắc chắn sẽ điều tra ra được quan hệ giữa Fukaeri và Thầy giáo Ebisuno, và lai lịch của cha mẹ cô ấy với vai trò là những nhà cách mạng. Hẳn là những sự việc này sẽ dần lộ ra hết. Vấn đề là tạp chí tuần san. Đám phóng viên tự do và cộng tác viên sẽ ùn ùn kéo đến như bầy cá mập ngửi thấy mùi máu tanh. Bọn đấy người nào cũng lão luyện, một khi đã cắn trúng thì nhất quyết không chịu buông ra. Dù sao thì cũng là chuyện kiếm ăn. Ai còn để ý gì đến chuyện riêng tư với chả chừng mực. Tuy đều là dân viết lách, nhưng so với một thanh niên viết văn điềm đạm như cậu thì khác nhau nhiều lắm.”
“Vì vậy tốt nhất tôi cũng nên cẩn thận, phải không?”
“Hoàn toàn chính xác. Tốt nhất là phải cảnh giác, hết sức đề phòng. Ai biết được chúng sẽ đánh hơi được thứ gì trong một xó xỉnh nào đấy.”
Trong đầu Tengo mường tượng cảnh một con thuyền nhỏ bị từng đàn cá mập bao vây. Nhưng đó chẳng qua chỉ là một khung hình manga có kết thúc vụng về. “Phải tìm được thứ mà Người Tí Hon không có,” Fukaeri đã nói. Nhưng đó rốt cuộc là thứ gì?
“Nhưng anh Komatsu này, tình hình trở nên như thế này, liệu có phải chính là ý đồ của Thầy giáo Ebisuno hay không?”
“Ờ, có lẽ như thế,” Komatsu trả lời, “Không khéo chúng ta đã bị dắt mũi đẹp rồi. Nhưng ngay từ đầu tôi đã nhận thấy ý đồ này. Thầy giáo tuyệt đối không che giấu ý đồ của mình. Cho nên, theo ý này, cũng có thể coi đây là cuộc giao dịch công bằng. Lúc ấy chúng ta hoàn toàn có thể từ chối: “Thầy giáo ơi, làm vậy hơi nguy hiểm. Chúng tôi không dám lao vào đâu”. Không nghi ngờ gì, một người biên tập viên bình thường được. Sự việc khi ấy đã bắt đầu được khởi động, vả lại tôi cũng có ham hố, có lẽ đã lơi lỏng phòng bị.”
Đầu đây phía bên kia im lặng một lúc. Mặc dù ngắn, nhưng là sự im lặng đậm đặc.
Tengo nói: “Tức là, kế hoạch của anh đến ngang chừng đã bị Thầy giáo Ebisuno giành mất quyền chủ động, phải không?”
“Có thế nói như vậy. Nghĩa là toan tính của ông ấy mạnh hơn, nổi trội hơn.”
Tengo hỏi: “Anh có nghĩ Thầy Ebisuno xử lý được vụ ồn ào này không?”
“Dĩ nhiên tôi nghĩ là ông ấy làm được. Bởi vì ông ấy là người tính toán sâu xa, lại rất tự tin. Có thể sẽ thuận buồm xuôi gió như dự tính. Nhưng việc cũng có thể ra ngoài tầm kiểm soát nếu nó vượt quá những dự liệu của Thầy giáo Ebisuno. Một con người xuất sắc đến đâu thì năng lực cũng chỉ có hạn. Tốt hơn hết là chúng ta cứ thắt chặt dây an toàn.”
“Anh Komatsu, nếu đang ngồi trên chiếc máy bay sắp rơi, thì dù anh buộc dây an toàn chặt mấy cũng chẳng ích lợi gì đâu.”
“Nhưng ít nhất cũng có thể làm mình bớt lo.”
Tengo bất giác mỉm cười, một nụ cười yếu ớt. “Đây là vấn đề chính của cuộc nói chuyện này đúng không? Tuy không thể coi là vui, nhưng cũng có chút hài hước kiểu nghịch lý?”
“Khiến cậu bị cuốn vào chuyện này, tôi thấy thật không phải. Thật đấy,” Komatsu nói bằng giọng thiếu biểu cảm.
“Tôi thì chẳng sao. Đằng nào cũng chẳng có gì để mất. Không gia đình, cũng chẳng có địa vị xã hội, càng không có tiền đồ gì to tát. Tôi chỉ không yên tâm về Fukaeri. Cô ấy chỉ mới mười bảy tuổi”.
“Dĩ nhiên tôi cũng lo chứ. Không thể nào không lo được. Có điều, lúc này, ở đây, chúng ta có nghĩ ngợi nọ kia thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, Tengo ạ. Chúng ta nên nghĩ cách buộc mình vào chỗ nào chắc chắn, không để cuồng phong thổi bay đi đâu đó trước đã. Độ này cậu nên đọc báo kỹ càng một chút nhé.”
“Dạo này, ngày nào tôi cũng chú ý đọc báo.”
“Tốt lắm,” Komatsu nói, “À này, cậu có đầu mối gì về tung tích của Fukaeri không? Cái gì cũng được.”
“Chẳng có gì cả,” Tengo trả lời. Anh không giỏi nói dối, Komatsu lại có trực giác nhạy bén đến lạ thường. Nhưng dường như Komatsu không nhận ra sự run rẩy rất nhỏ trong giọng Tengo. Chắc là vì đầu anh ta đã đầy chặt những chuyện riêng rồi.
“Có tin gì thì liên lạc sau nhé,” Komatsu nói xong, liền dập máy.
Sau khi đặt ống nghe xuống, việc đầu tiên Tengo làm là lấy ly thủy tinh ra, rót vào chừng hai xăng ti mét rượu whiskey Bourbon. Đúng như Komatsu nói, nghe điện thoại xong phải uống một ly thật.
Thứ sáu, người tình đến nhà anh như thường lệ. Trời đã ngừng mưa nhưng bầu không khí vẫn bị phủ kín bởi mây đen nặng nề. Hai người ăn uống đơn giản rồi lên giường. Lúc làm tình, đầu óc Tengo vẫn nghĩ vẫn nghĩ vẫn vơ, nhưng không ảnh hưởng gì đến khoái cảm nhục thể do hành vi tình dục mang tới. Cô vẫn khéo léo vắt hết những dục vọng Tengo tích lũy suốt cả tuần trong cơ thể ra, nhanh nhẹn xử lý sạch sẽ. Bản thân cô cũng hoàn toàn thỏa mãn. Tựa như một viên kiếm toán lão luyện tìm thấy lạc thú trong những thao tác phức tạp của việc tính toán sổ sách. Dù thế, có vẻ cô cũng nhận ra trong lòng Tengo đang có điều gì thấp thỏm.
“Độ này hình như mình uống nhiều whiskey lắm thì phải,” cô nói. Bàn tay cô đặt trên ngực rắn chắc của Tengo như vẫn đang thưởng thức dư âm của cuộc làm tình. Ngón vô danh đeo chiếc nhẫn cưới kim cương nhỏ nhưng sáng lấp lánh. Cô đang nói đến chai whiskey Bourbon hiệu Kentucky đã đặt trong tủ bếp từ lâu. Giống như rất nhiều người đàn bà trung niên vẫn duy trì quan hệ tình dục với những người đàn ông trẻ tuổi hơn mình, cô thường để ý đến hết thảy mọi thay đổi xung quanh.
“Gần đây anh thường tỉnh dậy lúc nửa đêm,” Tengo trả lời.
“Không phải mình đang yêu đấy chứ.”
Tengo lắc đầu, “Không phải”.
“Công việc không thuận lợi à?”
“Trước mắt thì tiến triển thuận lợi. Ít nhất cũng có tiến triển.”
“Dầu vậy, hình như mình vẫn còn chuyện gì chưa yên tâm.”
“Cũng không hẳn. Chỉ là không ngủ được thôi. Có điều tình trạng này rất hiếm. Anh vốn là người đặt đầu xuống gối là ngủ khò khò ngay.”
“Tengo của em đáng thương quá,” cô nói, rồi lấy lòng bàn tay không đeo nhẫn nựng nịu tinh hoàn của Tengo, “Vậy thì, mình mơ thấy chuyện gì không hay à?”
“Anh gần như chưa bao giờ nằm mơ,” Tengo đáp. Đây là sự thực.
“Em thì thường xuyên nằm mơ. Mà cứ mơ đi mơ lại nhiều lần cùng một giấc mơ ấy. Thậm chí ngay cả trong mơ cũng nhận ra ‘ồ, lần trước mình đã mơ giấc mơ này rồi’. Mình có cảm thấy kỳ lạ không?”
“Mình thường mơ thấy gì?”
“Chẳng hạn như là, phải rồi, như là giấc mơ về căn nhà nhỏ trong rừng sâu.”
“Căn nhà nhỏ trong rừng sâu.” Tengo nói, nghĩ đến những người ở trong rừng sâu. Người Gilyak, Người Tí Hon, và cả Fukaeri nữa. “Căn nhà nhỏ đó như thế nào?”
“Mình muốn nghe thật à? Nghe người khác kể chuyện mơ, mình không thấy vô vị à?”
“Sao lại vô vị. Nếu được, anh cũng muốn nghe thử,” Tengo thành thực trả lời.
“Một mình em đi trong rừng. Không phải khu rừng sâu đầy bất trắc mà Hansel và Gretel bị lạc đâu. Một khu rừng sáng sủa. Đó là một buổi chiều, thời tiết ấm áp dễ chịu, em bước đi với cảm giác nhẹ nhõm. Đột nhiên phía trước xuất hiện một căn nhà nhỏ. Có ống khói và mái che trước hiên nhà. Trên cửa sổ treo rèm kẻ ca rô. Tóm lại vẻ bề ngoài nhìn rất thân thiện. Em gõ cửa, cất tiếng chào. Nhưng không ai trả lời. Em bèn gõ cửa mạnh hơn, cánh cửa liền tự mở ra. Thì ra nó không đóng chặt. Em vừa nói ‘Xin chào. Có ai không ạ? Tôi vào được không?’ vừa đi vào bên trong.”
Cô dịu dàng nghịch tinh toàn của Tengo, ngước nhìn gương mặt anh. “Bầu không khí ấy, anh hiểu được không?”
“Hiểu được chứ.”
“Căn nhà nhỏ ấy chỉ có một phòng. Kết cấu rất đơn giản. Một cái bếp nho nhỏ, có giường, có chỗ ăn. Chính giữa nhà có một bếp lò đốt bằng củi, trên bàn ăn bày biện đẹp đẽ các món cho bốn người. Khói bốc lên nghi ngút từ các đĩa. Nhưng trong nhà chẳng có một ai. Cảm giác giống như tất cả đã chuẩn bị xong xuôi, đang định dùng bữa thì xảy ra chuyện quái dị gì đó, chẳng hạn đột nhiên xuất hiện một con quái vật, nên mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy hết ra bên ngoài. Bàn ghế vẫn còn ngay ngắn, tất cả đều yên ổn, hoàn toàn không có gì khác thường. Chỉ là không có người.”
“Trên bàn bày những món gì?”
Cô nghiêng đầu suy nghĩ giây lát. “Em không nhớ nữa. Chà, món ăn gì nhỉ? Nhưng mà, món ăn gì không phải là vấn đề ở đây, vấn đề là những món ăn ấy vừa nấu xong vẫn còn đang nóng. Dù sao thì em cũng ngồi xuống một chiếc ghế, đợi những người sống ở đó trở về. Lúc ấy, em thấy cần phải đợi họ trở về. Cần như thế nào thì em chẳng rõ. Đây là nằm mơ mà, chẳng phải thứ gì cũng giải thích rõ ràng được. Có lẽ là cần họ nói cho biết đường về nhà như thế nào, hoặc là không thể không lấy được thứ gì đó, lý do đại loại là như vậy. Vậy là em đợi họ mãi, nhưng mà đợi bao lâu cũng chẳng có ai trở về. Món ăn vẫn tiếp tục bốc khói. Nhìn thấy thế, bụng em bỗng đói cồn cào. Nhưng đói đến mấy, chủ nhân không có nhà, em cũng không thể tự ý động đến thức ăn ở trên bàn được. Mình nói có phải không?”
“Anh nghĩ chắc là phải,” Tengo trả lời, “Nhưng những việc trong mơ thì anh cũng không dám chắc.”
“Ngoảnh đi ngoảnh lại, mặt trời đã lặn. Căn nhà nhỏ trở nên tăm tối. Rừng sâu xung quanh càng lúc càng thêm âm u. Em muốn bật đèn trong nhà lên, nhưng không biết phải bật thế nào. Dần dà em bắt đầu thấy bất an. Và bỗng nhiên em nhận ra một điều. Thật quái lạ là hơi nóng bốc lên từ các món ăn từ nãy giờ vẫn chẳng bớt đi chút nào. Đã mấy tiếng đồng hồ, vậy mà thức ăn vẫn cứ bốc hơi nghi ngút. Em bắt đầu cảm thấy lạ. Chắc chắn là có vấn đề gì rồi. Lúc ấy thì tỉnh giấc.”
“Em không biết sau đó xảy ra chuyện gì à?”
“Tiếp sau chắc chắn là xảy ra chuyện gì đó,” cô nói, “Trời tối, em lại không biết đường về nhà, một mình ở trong căn nhà nhỏ kỳ lạ ấy. Có chuyện gì đó sắp xảy ra. Em có cảm giác đó không phải chuyện hay ho gì. Nhưng lần nào cũng chỉ đến đó thì tỉnh giấc. Mà cứ mơ đi mơ lại không biết bao nhiêu lần.”
Cô ngừng sờ mó tinh hoàn, áp mặt vào ngực Tengo. “Giấc mơ này có lẽ ám chỉ một điều gì đấy.”
“Chẳng hạn như là gì?”
Cô không trả lời câu hỏi này của anh, ngược lại còn đặt câu hỏi: “Tengo à, mình có muốn nghe em nói xem chỗ đáng sợ nhất của câu chuyện này là gì không?”
“Muốn.”
Cô thở sâu một hơi, luồng hơi ấy như thể làn gió nóng thổi qua eo biển hẹp, phả vào nụ hoa Tengo. “Tức là, không khéo chính em lại là con quái vật ấy. Có một lần em sực nghĩ đến khả năng này. Bởi vì khi em đi đến, những người ấy trông thấy em đã cuống quýt đến bỏ cả cơm mà chạy ra khỏi nhà. Chỉ cần em còn ở đó, họ sẽ không quay lại. Mặc dù thế, em vẫn phải ở trong căn nhà nhỏ đó chờ họ về. Nghĩ đến đó, em sợ lắm. Thật là u ám phải không?”
“Hoặc là,” Tengo nói, “Có lẽ đó chính là nhà em, em ở đó đợi chờ bản ngã đang chạy trốn của mình.”
Vừa nói dứt lời, Tengo mới nhận ra mình không nên nói vậy. Nhưng lời đã nói ra thì khó mà rút lại được. Cô im lặng một hồi lâu, sau đó bóp vào hai hòn bi của anh một cái, mạnh đến độ khiến anh gần như không thở nổi.
“Sao anh nói gì mà lạnh lùng thế?”
“Anh không có ý gì cả. Chỉ ngẫu nhiên nghĩ đến thôi.” Khó khăn lắm Tengo mới rặn ra được một câu.
Cô thả lỏng bàn tay đang bóp vào tinh hoàn của anh ra, thở dài một tiếng, sau đó nói: “Giờ hãy kể giấc mơ của mình đi, kể xem mình nằm mơ thấy gì.”
Tengo cuối cùng đã điều hòa lại nhịp thở, nói: “Vừa nãy anh nói với mình rồi, anh gần như chẳng bao giờ mơ, đặc biệt là khoảng thời gian gần đây.”
“Nhưng ít nhiều gì thì mình cũng từng mơ rồi chứ. Trên đời này chẳng có ai chưa bao giờ ngủ mơ cả. Mình nói kiều ấy, tiến sĩ Freud sẽ không vui đâu.”
“Có lẽ là mơ rồi, nhưng hễ mở mắt ra là anh quên sạch mọi chuyện. Tuy rằng có để lại cảm giác rằng nhưng mình vừa mơ, nhưng nội dung thế nào thì không nhớ nổi.”
Cô nâng niu dương v*t mềm nhũn của Tengo trên tay, cẩn trọng áng chừng trọng lượng của nó, như thể trọng lượng này đang nói lên một sự thực quan trọng đó. “Cũng được. Không nói chuyện nằm mơ nữa. Nhưng mà, nói về cuốn tiểu thuyết mình đang viết cho em nghe đi.”
“Cuối tiểu thuyết anh đang viết, nếu có thể được, anh không muốn nói đến.”
“Này nhé, em không bảo mình kể đủ tình tiết từ đầu đến cuối. Em đâu đến nỗi yêu cầu quá đáng như thế. Vì em biết Tengo tuy cao lớn kềnh càng thế này, nhưng lại là một thanh niên rất nhạy cảm. Chỉ cần mình kể cho em một chút về các thứ như là chuẩn bị viết thế nào, những chuyện ngoài lề không quan trọng nữa, nói sơ mấy câu là được rồi. Em mong rằng mình có thể chỉ nói với em chuyện gì đấy mà người đời vẫn còn chưa biết. Vì mình vừa nói với em một câu thật lạnh lùng, em muốn mình bồi thường. Mình hiểu ý em không đấy?”
“Anh nghĩ là hiểu,” Tengo đáp với giọng không được tự tin lắm.
“Thế mình nói đi.”
dương v*t vẫn được cô nâng niu trên tay. Tengo nói: “Đó là câu chuyện về bản thân anh. Hoặc có thể nói, là câu chuyện về một nhân vật lấy anh làm nguyên mẫu.”
“Có lẽ là vậy,” người tình của anh nói, “Thế thì, em có xuất hiện trong câu chuyện ấy không?”
“Không. Vì anh ở trong một thế giới không phải thế giới này.”
“Trong thế giới không phải thế giới này và không có em.”
“Không chỉ mình em. Những người ở thế giới này, đều không ở trong thế giới không phải thế giới này.”
“Thế giới không phải thế giới này có gì khác thế giới này chứ? Mình có phân biệt được, lúc này mình đang ở thế giới nào không?”
“Phân biệt được chứ. Vì anh viết ra mà.”
“Ý em nói là, đối với những người ngoài mình ra ấy. Chẳng hạn như, vì một nguyên do nào đó, em đột nhiên lạc vào thế giới ấy.”
“Anh nghĩ chắc là phân biệt được,” Tengo trả lời, “Ví dụ như, trong thế giới không phải là thế giới này có hai mặt trăng. Vì vậy có thể phân biệt được.”
Thế giới trên bầu trời cùng lúc có hai vầng trăng là chi tiết được rập khuôn theo Nhộng không khí. Tengo định viết cho thế giới ấy một câu chuyện dài hơn và phức tạp hơn, đồng thời là câu chuyện của chính bản thân anh. Chi tiết trong hai tác phẩm tương đồng, sau này có thể sẽ thành vấn đề. Nhưng hiện giờ, dẫu thế nào Tengo cũng khát khao viết ra câu chuyện của thế giới có hai mặt trăng. Còn chuyện kia thì để sau hãy tính.
Cô nói: “Thế nghĩa là đến tối ngẩng đầu lên nhìn trời, nếu thấy hai mặt trăng cùng lúc, thì cần hiểu rằng: ‘À, đây là thế giới không phải thế giới này!’ đúng không?”
“Đúng, đó là dấu hiệu.”
“Hai mặt trăng đó không chồng lên nhau chứ?” cô hỏi.
Tengo lắc đầu. “Không hiểu vì nguyên nhân gì, giữa hai mặt trăng luôn giữ một khoảng cách nhất định.”
Người tình của anh một mình suy ngẫm về chuyện của thế giới đó trong giây lát. Ngón tay cô vạch lên ngực Tengo những hình thù gì đó.
“À, mình biết hai từ lunatic và insane có gì khác nhau không?” cô hỏi.
“Đều là tính từ biểu thị tâm thần không được bình thường. Khác biệt nhỏ nhặt thì anh chịu.”
“Insane có lẽ là để chỉ việc đầu óc bẩm sinh đã có vấn đề. Cần phải được điều trị một cách chuyên môn. Trong khi đó lunatic là chỉ hiện tượng bị mặt trăng, tức luna, tạm thời tước đoạt mất lý trí. Hồi thế kỷ 19 ở Anh, những người được thừa nhận là lunatic thì cho dù phạm tội gì cũng sẽ được giảm nhẹ một bậc. Nguyên nhân là bởi không thể trách họ được, vì họ bị ánh trăng dẫn dụ. Thật khó tin là điều luật ấy đã thực sự tồn tại trong quá khứ. Nghĩa là, nghĩa là pháp luật đã từng công nhận quan niệm cho rằng mặt trăng sẽ khiến con người ta trở nên điên cuồng.”
“Sao mình biết những chuyện này thế?” Tengo kinh ngạc hỏi.
“Có gì lạ chứ? Em sống lâu hơn mình mười mấy năm rồi mà. Biết nhiều hơn mình chút ít cũng có gì đặc biệt đâu.”
Chính xác là vậy, Tengo thừa nhận.
“Nói cho chính xác hơn, em được dạy điều đó trong môn văn học Anh ở trường Đại học Nữ Nhật Bản. Trong giờ học Dickens. Một thầy giáo quái dị chuyên kể mấy chuyện linh tinh chẳng liên quan gì đến tình tiết trong truyện. Điều em muốn nói là, giờ một mặt trăng đã đủ khiến người ta phát điên rồi, nếu trên trời có hai mặt trăng cùng lúc thì đầu óc con người không phải càng trở nên điên cuồng sao? Cả mực thủy triều cũng thay đổi, kỳ kinh của đàn bà chắc chắn sẽ tăng thêm. Những chuyện bất bình thường sẽ nhiều vô kể.”
Tengo nghĩ ngợi một lúc. “Cũng đúng.”
“Trong thế giới đó, con người ta có thường phát điên lên không?”
“Không, không có. Tóm lại là không bị điên. Thực ra, những việc họ làm cơ bản là giống với những gì chúng ta làm ở thế giới này.”
Cô dịu dàng bóp nhẹ vào dương v*t Tengo. “Trong cái thế giới không phải thế giới này, những việc người ta làm cơ bản giống với những gì ta làm ở đây. Nếu là như thế, thì ý nghĩa của thế giới không phải thế giới này rốt cuộc là gì?”
“Ý nghĩa của thế giới không phải thế giới này ấy à. Đó chính là quá khứ của thế giới này sẽ được viết lại ở thế giới đó,” Tengo đáp.
“Anh lại có thể thỏa sức viết lại quá khứ à?”
“Phải.”
“Anh có muốn viết lại quá khứ không?”
“Mình không muốn viết lại quá khứ à?”
Cô khẽ lắc đầu. “Em chẳng bao giờ muốn viết lại mấy thứ như lịch sử hay quá khứ gì đấy. Thứ em muốn viết lại, chính là hiện tại ở trước mắt chúng ta đây.”
“Nhưng nếu viết lại quá khứ, hiện tại ắt cũng sẽ thay đổi, bởi hiện tại là do quá khứ tích tụ mà thành.”
Cô lại thở dài một hơi, nâng bàn tay đang đỡ dương v*t của Tengo lên xuống mấy lần. Tựa hồ đang vận hành thử thang máy. “Chỉ có thể chắc chắn một điều. Mình từng là một thần đồng toán học, là người có đẳng cấp cao trong môn Nhu đạo, giờ thì đang viết một tiểu thuyết dài. Mặc dù vậy, mình chẳng hiểu gì về thế giới này. Không một chút gì.”
Nghe cô quả quyết như thế, Tengo không thấy ngạc nhiên lắm. Chẳng hiểu gì có thể nói là một trạng thái hết sức bình thường đối với anh dạo gần đây. Đâu phải là phát hiện gì mới mẻ.
“Nhưng mà cũng chẳng sao, dẫu chẳng hiểu gì,” người tình hơn tuổi của Tengo xoay người lại, áp chặt đôi bầu vú lên người Tengo, “Thì Tengo của em cũng vẫn là một giáo viên dạy toán ở trường dự bị, ngày qua ngày viết tiểu thuyết, đắm chìm trong mộng cảnh. Mình cứ mãi như vậy đi. Em rất thích chim của mình. Bất kể là hình dáng, kích cỡ hay cảm giác khi nó ở trên tay. Bất kể là lúc cứng hay lúc mềm. Lúc khỏe mạnh hay lúc ốm yếu. Vả lại khoảng thời gian gần đây, nó chỉ thuộc về mình em. Chắc là thế chứ, phải không mình?”
“Hoàn toàn chính xác,” Tengo thừa nhận.
“À, lần trước em nói với mình chưa nhỉ? Em là người hay ghen tuông lắm đấy.”
“Mình nói rồi. Ghen tuông đến bất chấp cả logic.”
“Bất chấp mọi logic. Từ xưa đến nay vẫn vậy.” Nói rồi các ngón tay cô bắt đầu chầm chậm hoạt động. “Em làm mình cương lên ngay bây giờ đây. Mình có ý kiến gì không?”
Không có ý kiến gì, Tengo đáp.
“Giờ mình đang nghĩ gì thế?”
“Đang nghĩ đến cảnh mình hồi còn là sinh viên, nghe giảng môn văn học Anh ở trường Đại học Nữ Nhật Bản.”
“Bài khóa là tác phẩm Martin Chuzzlewit. Em mười tám tuổi, mặc váy liền lá sen, tóc buộc đuôi ngựa. Là một sinh viên cực kỳ nghiêm túc, hồi đó vẫn còn trinh. Cứ như em đang kể về kiếp trước của mình ấy nhỉ. Nhưng tóm lại là, sự khác biệt giữa lunatic và insane là kiến thức đầu tiên em lĩnh hội được sau khi vào đại học. Thế nào? Tưởng tượng một chút đã thấy hưng phấn lên chưa?”
“Dĩ nhiên.” Anh nhắm mặt lại, tưởng tượng một nữ sinh cực kỳ nghiêm túc, mặc váy diềm lá sen và buộc tóc đuôi ngựa, vả lại còn là trinh nữ, nhưng lòng ghen tuông thì mạnh hơn mọi thứ logic. Vầng trăng tỏa sáng trên bầu trời London của Dickens. Những người lunatic và những người insane đang vật vờ nơi đó. Họ đội những chiếc mũ tương tự nhau, để bộ râu tương tự nhau. Làm sao phân biệt được họ bây giờ? Hễ cứ nhắm mắt lại là Tengo không còn tự tin về việc rốt cuộc mình đang ở trong thế giới nào.
> Mời bạn đọc tiếp