Khi trời sẩm tối, nàng đã ngồi trên chiếc ghế kê ở ban công, dõi mắt trông về phía sân chơi nhỏ ở bên kia đường. Việc này trở thành phần quan trọng nhất trong công việc hằng ngày của nàng, trung tâm cuộc sống của nàng. Dù ngày nắng, ngày râm hay ngày mưa, việc canh chừng này chưa bao giờ gián đoạn. Bước vào tháng Mười, không khí thêm phần lạnh lẽo. Vào những buổi tối lạnh, nàng mặc mấy lớp quần áo trên người, chuẩn bị sẵn chăn cuốn, uống ca cao nóng, nhìn chằm chằm vào cầu trượt, canh chừng mãi đến mười rưỡi tối. Sau đó nàng bước vào bồn tắm làm ấm người, rồi lên giường đi ngủ.
Đương nhiên, chẳng phải không có khả năng Tengo đến đây vào ban ngày, nhưng hầu như không có chuyện như thế. Nếu anh đến sân chơi này thì đó phải là lúc trời đã tối, sau khi đèn thủy ngân đã bật lên, trăng đã sáng trên bầu trời. Aomame ăn vội ăn vàng cho xong bữa tối, mặc quần áo để sẵn sàng lao ra cửa bất cứ lúc nào, chải sẵn đầu tóc, ngồi xuống chiếc ghế làm vườn, cố định ánh mắt vào chiếc cầu trượt giữa sân chơi trong màn đêm. Bên tay nàng luôn đặt khẩu súng lục tự động và chiếc ống nhòm đôi cỡ nhỏ hiệu Nikon. Lo rằng Tengo có thể xuất hiện khi mình đi vệ sinh, nên ngoài ca cao ra, nàng không đụng tới một giọt nước.
Aomame kiên trì canh chừng, không gián đoạn dù chỉ một ngày. Nàng không đọc sách cũng không nghe nhạc, vừa dỏng tai chú ý động tĩnh bên ngoài, vừa nhìn sân chơi nhỏ không chớp mắt. Thậm chí, cả tư thế ngồi của nàng gần như cũng không thay đổi. Nàng chỉ thỉnh thoảng ngẩng đầu và, vào những đêm không mây, nhìn lên bầu trời, để xác nhận vẫn đang có hai mặt trăng. Sau đó, nàng lại nhanh chóng hướng cái nhìn về phía sân chơi nhỏ. Aomame canh chừng sân chơi, hai vầng trăng canh chừng Aomame.
Nhưng Tengo không đến.
Không có nhiều người đến sân chơi vào buổi tối. Đôi khi có những cặp tình nhân trẻ xuất hiện. Họ ngồi trên ghế băng dài, nắm tay nhau như đôi chim nhỏ, liên tục hôn nhau một cách vồ vập. Nhưng sân chơi quá nhỏ, ánh đèn lại quá sáng, nên bọn họ thấp thỏm ở đó được một lúc rồi đành chuyển đi nơi khác. Có người định sử dụng nhà vệ sinh công cộng, nhưng phát hiện cửa khóa, đành ủ rũ (hoặc đùng đùng nổi giận) quay đi. Cũng có tay cổ cồn trắng hết giờ làm ngồi trơ trọi trên băng ghế, gục đầu bất động, chắc là để tỉnh rượu. Hoặc có thể anh ta không muốn đi thẳng về nhà. Cũng có ông già cô đơn nửa đêm dắt chó đi dạo. Cả chó lẫn ông già đều trầm mặc, thoạt nhìn tựa hồ như mất hết hy vọng.
Nhưng hầu hết thời gian, sân chơi không một bóng người. Thậm chí chẳng có lấy một con mèo chạy qua. Chỉ có ánh sáng vô danh tính của ngọn đèn hơi thủy ngân chiếu lên xích đu, cầu trượt, hố cát, buồng vệ sinh công cộng khóa cửa. Nhìn mãi một cảnh tượng như vậy, thỉnh thoảng Aomame đâm có cảm tưởng như mình bị bỏ rơi trên một hành tinh không người. Hệt như trong bộ phim miêu tả thế giới hậu chiến tranh hạt nhân. Bộ phim tên là gì ấy nhỉ?
À, Trên bãi biển[1].
[1] Một bộ phim của đạo diễn Stanley Kramer, với sự tham gia diễn xuất của Gregory Peck, Ava Gardner, Fred Astaire và Anthony Perkins.
Mặc dù vậy, Aomame vẫn dồn toàn bộ tâm trí kiên trì canh chừng sân chơi. Giống như người thủy thủ một mình leo lên cột buồm cao ngất canh gác, dùng kính viễn vọng tìm kiếm đàn cá hoặc hình bóng chẳng lành giữa biển cả mênh mang. Đôi mắt thận trọng của nàng chỉ kiếm tìm một thứ duy nhất: bóng dáng Tengo.
Có lẽ Tengo sống ở nơi khác, đêm hôm ấy anh chỉ ngẫu nhiên đi qua chỗ này. Nếu đúng thế thật, khả năng anh trở lại sân chơi này lần nữa gần như bằng không. Nhưng Aomame cảm thấy không phải vậy. Khi Tengo ngồi trên cầu trượt, trong cách ăn mặc hay cử chỉ của anh có gì đó khiến nàng cảm nhận được rằng anh chỉ đang đi tản bộ quanh nơi ở. Trong lúc đi dạo, anh tiện đường ghé vào sân chơi và trèo lên cầu trượt. Có lẽ để ngắm trăng. Nếu vậy, hẳn anh phải ở gần đây, trong tầm có thể đi bộ tới được.
Ở khu Koenji, muốn tìm một nơi có thể ngắm trăng không phải dễ. Nơi này hầu như bằng phẳng, gần như không có kiến trúc nào đủ cao để có thể đứng lên nhìn trời. Thế nên cầu trượt trong sân chơi về đêm là một chỗ không tệ để đứng ngắm trăng. Yên tĩnh, không bị làm phiền. Khi nào lại muốn ngắm trăng, nhất định anh sẽ tới chỗ này. Aomame suy đoán như vậy, nhưng ngay sau đó lại nghĩ: không phải, e rằng sự việc không thuận lợi như thế. Không chừng anh ấy đã tìm được nơi có thể ngắm trăng rõ hơn trên nóc tòa nhà nào khác rồi cũng nên.
Aomame lắc đầu một cái, gọn nhưng kiên định. Mình không nên nghĩ quá nhiều. Cần giữ vững niềm tin rằng rồi sẽ có ngày Tengo trở lại sân chơi này, mình hãy tiếp tục ở đây kiên trì chời đợi. Mình không còn lựa chọn nào khác. Mình không thể rời khỏi nơi đây, sân chơi này hiện giờ là điểm liên kết duy nhất giữa mình và anh ấy.
Aomame đã không kéo cò.
Đó là chuyện hồi đầu tháng Chín. Nàng đứng ở chỗ dừng xe khẩn cấp của tuyến đường cao tốc Thủ Đô số 3, giữa hàng xe cộ đông nghịt, tắm mình trong ánh ban mai chói mắt, họng súng đen ngòm của khẩu súng Heckler & Koch nhét trong miệng. Nàng vận bộ đồ của Junko Shimada, chân đi giày cao gót Charles Jourdan.
Người ta ngồi trong xe dõi mắt quan sát nàng, hoang mang không biết sắp xảy ra chuyện gì. Có người đàn bà trung niên ngồi trong chiếc Mercedes Benz thể thao màu bạc. Có những người đàn ông cháy nắng ngồi trên ghế lái xe tải thật cao nhìn xuống. Trước mặt họ, Aomame định dùng viên đạn chín ly bắn tung óc mình. Ngoại trừ tự sát, không còn cách nào khác để thoát khỏi năm 1Q84. Làm vậy nàng sẽ đổi lấy được tính mạng cho Tengo. Ít nhất, Lãnh Tụ đã hứa với nàng như thế. Ông ta đã thề như thế, để cầu xin một cái chết nhanh chóng.
Aomame không thấy hối tiếc gì về chuyện mình cần phải chết. Có lẽ từ khi nàng bị kéo vào thế giới của năm 1Q84 này, mọi thứ đã được định sẵn. Mình chỉ làm theo đúng những bước đã sắp xếp từ trước mà thôi. Trong cái thế giới hoang đường có hai mặt trăng lớn nhỏ lơ lửng trên bầu trời, và có cái thứ gọi là Người Tí Hon chi phối vận mệnh của mọi người này, tiếp tục sống một thân một mình thì rốt cuộc có ý nghĩa gì?
Thế nhưng, rốt cuộc nàng đã không siết cò. Trong khoảnh khắc cuối cùng, nàng buông lỏng ngón trỏ bàn tay phải rồi rút nòng súng ra khỏi miệng. Kế đó, nàng hít sâu một hơi, sau đó thở ra, giống như một người rốt cuộc cũng từ đáy biển sâu trồi lên mặt nước, tựa hồ muốn thay toàn bộ không khí trong cơ thể mình.
Aomame ngưng tìm đến cái chết là vì nàng nghe thấy một tiếng gọi xa xăm. Khi đó, nàng đang ở trong một thế giới vô thanh. Từ khoảng khắc nàng dồn sức vào ngón tay đặt trên cò súng, mọi âm thanh ồn ã xung quanh hoàn toàn tan biến. Nàng ở giữa một không gian tĩnh lặng thẳm sâu như dưới đáy hồ bơi. Dưới đó, cái chết không đen tối, cũng chẳng làm người ta sợ hãi. Nó tự nhiên như nước ối với thai nhi, tự nó tỏ tường, không cần nói thành lời. Không tệ, Aomame nghĩ, thậm chí gần như nhoẻn miệng cười. Kế đó, nàng nghe thấy tiếng gọi.
Tiếng gọi ấy dường như đến từ nơi xa xăm nào đó, một khoảng thời gian xa xăm nào đó. Nàng chưa bao giờ nghe thấy âm thanh ấy. Quành qua rất nhiều chỗ ngoặt, nó đã đánh mất âm sắc và đặc tính ban đầu. Thứ còn lại chỉ là tiếng vọng trống rỗng đã bị lột đi ý nghĩa. Mặc dù vậy, trong âm hưởng ấy, Aomame vẫn nhận ra cảm giác ấm áp mà đã nhiều năm nay nàng không biết đến. m thanh ấy dường như đang gọi tên nàng.
Aomame thả lỏng ngón tay đặt trên cò súng, nheo mắt lại, dỏng tai lắng nghe, cố sức nghe rõ nội dung của tiếng gọi ấy. Thế nhưng chỉ riêng tên nàng thôi cũng phải khó khăn lắm nàng mới nhận ra, hoặc nghĩ là mình nhận ra. Còn lại, chỉ có tiếng gió rít qua hang trống, Không lâu sau, tiếng gọi xa dần, mất đi mọi nghĩa, rồi bị hút vào trong tĩnh lặng. Hư không bao bọc quanh nàng biết mất như thể có cái nút đã bị lôi ra, những tiếng ồn ào xung quanh thình lình ùa vào. Khi định thần lại, Aomame không còn quyết chết nữa.
Có lẽ mình sẽ gặp lại Tengo lần nữa ở sân chơi nhỏ ấy, Aomame nghĩ. Sau đó chết cũng không muộn. Mình hãy tận dụng cơ hội này đánh cuộc một phen đi. Chỉ cần còn sống… chỉ cần không chết… thì sẽ có khả năng gặp lại Tengo. Mình muốn sống! Nàng nghĩ một cách rõ ràng trong óc. Một tâm trạng kỳ diệu. Trước đây đã lần nào nàng có tâm trạng như thế này chưa nhỉ?
Nàng hạ chốt cò của khẩu súng bán tự động xuống, đóng khóa an toàn lại, nhét vào cái túi đeo chéo qua người. Sau đó, nàng chỉnh lại tư thế, đeo kính râm lên, đi ngược dòng xe cộ trở về chỗ chiếc taxi mình vừa ngồi. Mọi người lặng lẽ dõi theo điệu bộ đi giày cao gót sải bước trên đường cao tốc của nàng. Không cần đi quá xa, chiếc taxi nàng vừa ngồi tuy đã rơi vào dòng xe tắc nghẽn nhưng vẫn chầm chậm nhích lên, lúc này vừa khéo tới gần chỗ nàng.
Aomame gõ gõ lên ô cửa ghế lái, tài xế hạ kính xuống.
“Tôi có thể vào lại trong xe không?”
Tay tài xế do dự. “… thứ cô vừa nhét vào miệng khi nãy hình như là súng lục đúng không?”
“Đúng thế.”
“Hàng thật hả?”
“Sao có thể là thật chứ,” Aomame hơi dẩu môi ra trả lời.
Tài xế mở cửa xe. Aomame ngồi vào trong. Nàng cởi chiếc túi [bad word] chéo khỏi vai, đặt xuống ghế, lấy khăn tay ra lau miệng. Trong miệng nàng vẫn còn tàn lưu mùi kim loại và dầu súng.
“Ừm, có tìm thấy cầu thang thoát hiểm không?” tài xế hỏi.
Aomame lắc đầu.
“Tôi đã nói rồi mà. Chưa bao giờ nghe nói ở chỗ đó có cầu thang thoát hiểm cả,” tay tài xế nói. “Vậy, chúng ta vẫn theo kế hoạch ban đầu, xuống ở lối Ikejiri nhé?”
“Ừm, cứ vậy đi,” Aomame nói.
Tài xế hạ kính xe, giơ tay ra, tấp vào làn đường bên phải phía trước một chiếc xe buýt lớn. Con số trên đồng hồ tính tiền vẫn hệt như lúc nàng xuống xe ban nãy.
Aomame ngồi trên ghế, chậm rãi hít thở, hướng mắt về phía tấm biển quảng cáo Esso quen thuộc. Con hổ nghiêng mặt về phía này, tay cầm ống bơm xăng, miệng cười toe toét. Bên cạnh có hàng chữ: Hãy để chú hổ bơm xăng cho xe của bạn.
“Hãy để chú hổ bơm xăng cho xe của bạn,” Aomame đọc nhẩm.
“Cô nói gì cơ?” tài xế nhìn nàng trong gương chiếu hậu, hỏi.
“Không có gì. Lẩm nhẩm một mình thôi.”
Cứ sống ở đây thêm một thời gian nữa, xem xem rốt cuộc sẽ xảy ra chuyện gì. Còn chết, sau này chết cũng không muộn. Chắc thế.
Ngày thứ hai sau khi nàng từ bỏ ý định tự sát, Tamaru gọi điện tới. Aomame nói với anh ta: kế hoạch thay đổi, tôi quyết định cứ ở lại đây. Không đổi tên, cũng không làm phẫu thuật sửa đổi gương mặt.
Ở đầu dây bên kia, Tamaru im lặng. Mấy giả thuyết khác nhau đang lặng lẽ xếp hàng và tổ hợp trong tâm trí anh ta.
“Tức là cô không muốn chuyển đến nơi khác?”
“Đúng thế,” Aomame trả lời ngắn gọn. “Tôi muốn ở lại đây thêm một thời gian nữa.”
“Chúng tôi không bố trí chỗ đó thành nơi ẩn náu lâu dài.”
“Chỉ cần tôi trốn trong nhà không đi đâu thì hẳn sẽ không bị phát hiện.”
“Tốt nhất chớ nên đánh giá thấp đám người ấy,” Tamaru nói. “Chắc chắn bọn chúng sẽ điều tra đến tận chân tơ kẽ tóc về cô, lần theo hành tung của cô. Mà không chỉ mình cô gặp nguy hiểm đâu, rất có thể còn ảnh hưởng đến người xung quanh nữa. Nếu chuyện đó xảy ra, hoàn cảnh của tôi sẽ khó xử lắm.”
“Tôi lấy làm áy náy vì chuyện này, nhưng giờ tôi vẫn cần một khoảng thời gian nữa.”
“Vẫn cần một khoảng thời gian nữa, nói thế hơi mập mờ,” Tamaru nói.
“Xin lỗi anh, tôi chỉ có thể diễn đạt như thế thôi.”
Tamaru trầm ngâm suy nghĩ. Dường như anh ta nghe được quyết tâm kiên định trong giọng nói của Aomame.
Anh ta nói: “Tôi là người đặt trách nhiệm lên hàng đầu. Gần như ưu tiên hơn bất cứ thứ gì. Cô hiểu không?”
“Tôi nghĩ là tôi hiểu.”
Tamaru im lặng, rồi sau đó nói: “Được rồi. Tôi chỉ muốn bảo đảm cho chắc mình không hiểu lầm thôi. Cô khăng khăng như thế hẳn là có lý do.”
“Tôi có lý do,” Aomame đáp.
Tamaru đằng hắng một tiếng gãy gọn trong ống nghe. “Trước đây tôi nói với cô rồi, chúng tôi đã lập kế hoạch chu đáo chặt chẽ và chuẩn bị đầy đủ. Chúng tôi sẽ đưa cô tới một nơi an toàn và xa xôi, xóa bỏ mọi dấu vết, thay đổi gương mặt cô, tên họ cô. Tuy không thể nói là hoàn mỹ, nhưng ít nhất cũng gần như hoàn mỹ. Về những điểm này, hẳn chúng ta đã thỏa thuận rồi.”
“Đương nhiên tôi hiểu. Không phải tôi bất đồng gì với bản thân kế hoạch ấy. Chỉ là về phía tôi đang xảy ra chuyện ngoài dự tính, nên tôi cần ở nơi này thêm một thời gian nữa.”
“Tôi không có quyền trả lời cô là Có hay Không,” Tamaru nói, sâu trong cổ họng phát ra một âm thanh khe khẽ. “Tôi cần chút thời gian mới trả lời cô được.”
“Tôi lúc nào cũng ở đây,” Aomame nói.
“Vậy thì tốt,” Tamaru nói, đoạn gác máy.
Gần chín giờ sáng hôm sau, chuông điện thoại đổ ba lần rồi ngưng, kế đó lại vang lên. Trừ Tamaru, không còn ai khác nữa.
Tamaru không hỏi han gì, đi thẳng vào vấn đề ngay: “Cô định ở lại đó trong thời gian dài, Bà Chủ cũng lấy làm lo lắng. Nơi đó không bố trí đủ các phương án bảo đảm an toàn, chẳng qua chỉ là trạm trung chuyển thôi. Quan điểm chung của chúng tôi là hy vọng cô có thể nhanh chóng chuyển đến một nơi xa xôi an toàn hơn trong thời gian ngắn nhất. Có gì cô chưa hiểu không?”
“Tôi hiểu.”
“Nhưng cô lại là người bình tĩnh và cẩn trọng. Cô trong phạm những sai lầm ngu xuẩn, mà làm việc cũng rất vững chãi. Về cơ bản, chúng tôi hết sức tín nhiệm cô.”
“Cám ơn.”
“Nếu cô đã kiên trì muốn ở lại đó thêm một thời gian thì nhất định là có lý do. Chúng tôi không biết lý do ấy là gì, nhưng tôi tin chắc chắn đó không phải là ý bốc đồng nhất thời. Vì vậy, Bà Chủ muốn gắng hết sức làm theo mong muốn của cô.”
Aomame không nói một lời.
Tamaru tiếp tục: “Cô có thể ở lại đó đến cuối năm. Nhưng đó là giới hạn cuối cùng.”
“Thế tức là sang năm mới tôi buộc phải dọn khỏi nơi đây?”
“Đúng thế, chúng tôi đã cố gắng hết mức để tôn trọng ý nguyện của cô.”
“Tôi hiểu rồi.” Aomame nói, “Ở đây đến cuối năm, sau đó chuyển đến một nơi khác.”
Nhưng nàng đã không thật lòng. Nàng không có ý định rời khỏi căn hộ này một bước chừng nào chưa gặp được Tengo. Nhưng nếu nàng đưa ra yêu cầu như vậy lúc này thì chỉ gây thêm phiền phức mà thôi. Từ giờ đến cuối năm vẫn còn ba tháng, sau đó nàng sẽ nghĩ xem phải làm gì.
“Rất tốt,” Tamaru nói. “Từ nay, chúng tôi sẽ tiếp tế cho cô thực phẩm và vật dụng hằng ngày mỗi tuần một lần. Người phụ trách tiếp tế sẽ đến vào một giờ chiều thứ Ba hằng tuần. Họ có chìa khóa nên sẽ tự mở cửa vào. Nhưng họ chỉ vào nhà bếp, không đi đâu khác. Trong khi họ đến, cô hãy ở phòng ngủ bên trong, khóa trái cửa lại. Không được lộ mặt, cũng không được lên tiếng. Khi rời đi, họ sẽ đứng ở hành lang ấn chuông cửa một lần. Lúc ấy cô có thể ra khỏi phòng ngủ. Nếu cô cần thứ gì đặc biệt hay mong muốn gì đặc biệt, thì cho tôi biết luôn đi. Tôi sẽ cho vào nhóm hàng tiếp tế lần sau.”
“Nếu có thiết bị rèn luyện cơ bắp trong nhà thì tốt quá,” Aomame nói. “Tập luyện không có thiết bị thì hiệu quả bao giờ cũng có hạn.”
“Hàng chính quy dùng trong phòng tập thì hơi khó kiếm, nhưng máy tập gia dụng không tốn diện tích mấy thì tôi có thể chuẩn bị cho cô.”
“Chỉ cần thứ đơn giản thôi là được,” Aomame nói.
“Xe đạp tại chỗ, với mấy thiết bị phụ trợ tăng cường sức mạnh cơ bắp, thế đã đủ chưa?”
“Đủ rồi. Nếu có thể, thêm một cây gậy đánh bóng mềm bằng kim loại nữa.”
Tamaru im lặng trong mấy giây.
“Gậy đánh bóng mềm có nhiều công dụng,” Aomame giải thích. “Chỉ cần đặt nó bên cạnh thì tôi sẽ thấy yên tâm. Thứ ấy gần như đã lớn lên cùng với tôi mà.”
“Hiểu rồi. Tôi sẽ chuẩn bị cho cô,” Tamaru nói. “Nếu nghĩ ra còn cần thứ gì nữa, cô cứ viết ra giấy, đặt lên mặt quầy bếp. Lần tiếp tế sau tôi sẽ chuẩn bị cho cô.”
“Cám ơn. Bây giờ tôi vẫn chưa nghĩ ra còn thiếu thứ gì.”
“Còn sách và băng video, những thứ kiểu như thế?”
“Tôi chẳng nghĩ ra thứ gì mình đặt biệt muốn cả.”
“Đi tìm thời gian đã mất của Proust thì sao?” Tamaru hỏi, “nếu cô chưa đọc, đây có lẽ là cơ hội tốt để đọc cả bộ đấy.”
“Anh đọc chưa?”
“Chưa. Tôi chưa bao giờ vào tù, cũng chưa từng lẩn trốn ở đâu đó một thời gian dài. Người ta nói không có cơ hội kiểu như vậy thì có lòng đọc hết cả bộ Đi tìm thời gian đã mất lắm.”
“Anh có quen ai đọc hết cả bộ chưa?”
“Tôi có quen một số người từng ngồi tù rất lâu, nhưng họ đều không phải loại đặc biệt hứng thú với Proust.”
Aomame nói: “Để tôi xem thử. Khi nào kiếm được sách thì lần tiếp tế sau mang đến cho tôi nhé.”
“Thực ra tôi đã chuẩn bị rồi,” Tamaru nói.
Một giờ chiều ngày thứ Ba, “nhân viên tiếp tế” đến rất đúng giờ. Theo chỉ dẫn, Aomame lánh vào phòng ngủ trong, khóa chặt cửa, cố không gây ra tiếng động nào. Nàng nghe thấy tiếng mở khóa cửa trước, có hơn một người đẩy cửa đi vào. Aomame không hề biết “nhân viên tiếp tế” mà Tamaru nhắc tới là người thế nào. Xét qua tiếng động và cảm giác, đại khái nàng có thể phán đoán là có hai người, nhưng không nghe thấy họ nói chuyện. Họ chuyển đồ vào, lẳng lặng sắp xếp bày biện. Aomame có thể nghe thấy tiếng họ dùng vòi nước rửa đồ, cho vào tủ lạnh. Chắc họ đã trao đổi từ trước xem ai làm việc gì. Nàng nghe tiếng họ mở bao bì, tiếng họ gấp hộp và giấy gói. Hình như họ còn thu dọn rác trong bếp nữa. Aomame không thể tự mang rác đi xuống bãi đổ rác dưới nhà, nên phải để người khác mang đi hộ.
Họ làm việc nhanh gọn, không phát ra tiếng động thừa nào, bước chân cũng rất nhẽ. Sau khoảng hai mươi phút thì họ xong việc, mở cửa đi ra. Có tiếng khóa cửa từ phía ngoài. Đoạn họ ấn chuông cửa một lần làm ám hiệu. Để cho chắc chắn, Aomame đợi thêm mười lăm phút nữa, sau đó mới đi ra khỏi phòng ngủ. Nàng xác nhận không còn người nào khác, rồi mới chốt cửa ngoài từ bên trong.
Trong cái tủ lạnh cỡ lớn chất đầy thức ăn cho một tuần. Lần này không còn là loại thức ăn đóng gói chỉ cần cho vào lò vi ba làm nóng qua là có thể ăn luôn, mà chủ yếu là các loại thực phẩm tươi: các loại rau và hoa quả, cá và thịt, đậu phụ, tảo quần đới và đậu natto, sữa bò, pho mát và nước cam, một chục trứng gà. Để không tạo rác thải thừa thãi, tất cả mọi thứ đều được lấy khỏi hộp chứa, bọc lại bằng màng bảo vệ thực phẩm. Họ nắm khá chuẩn xác những thứ thực phẩm thường ngày Aomame cần. Sao họ biết được nhỉ? Chiếc xe đạp tập thể dục đã được lắp sẵn cạnh cửa sổ, tuy là loại nhỏ nhưng là hàng cao cấp. Màn hình có thể hiển thị vận tốc, quãng đường đi được và năng lượng tiêu hao, còn có thể theo dõi được số vòng bánh xe quay mỗi phút và nhịp tim. Còn một thiết bị dạng ghế băng dài để tập cơ bụng, cơ lưng là cơ tam giác, có thể dùng công cụ kèm theo để tháo lắp dễ dàng. Aomame hiểu rõ loại thiết bị tập này như lòng bàn tay. Đây là kiểu mới nhất, cấu tạo rất đơn giản, nhưng rất hiệu quả. Có hai thứ này, nàng có thể đảm bảo được lượng vận động cần thiết.
Cây gậy đánh bóng bằng kim loại cũng có đó, đựng trong bao mềm. Aomame rút nó ra khỏi bao, vung vẩy mấy phát. Gậy mới tinh màu ánh bạc rít lên những tiếng sắc nhọn trong không khí. Sức nặng quen thuộc khiến tâm trạng Aomame tĩnh lại. Cảm giác cầm nó trên tay khiến nàng nhớ về thời thiếu nữ nàng đã cùng trải qua với Otsuka Taamaki.
Trên bàn ăn đặt bộ Đi tìm thời gian đã mất của Proust. Không phải sách mới, nhưng có vẻ là chưa ai đọc bao giờ. Tổng cộng bảy tập, nàng cầm một quyển lên, lật giở sột soạt. Ngoài ra còn mấy quyển tạp chí, tuần san và nguyệt san. Còn có năm băng video chưa bóc mác. Không biết ai chọn, đều là những bộ phim mới nàng chưa xem. Aomame không có thói quen tới rạp chiếu phim, nên có nhiều phim mới nàng chưa xem bao giờ.
Trong túi giấy lớn của cửa hàng bách hóa đựng ba chiếc áo len mới tinh, từ dày đến mỏng. Hai áo sơ mi bằng vải nỉ dày, và bốn áo T-shirt dài tay. Tất cả đều màu trắng, kiểu dáng đơn giản. Kích cỡ vừa khít. Họ còn chuẩn bị cả bít tất dày và quần bó. Nếu nàng ở đây đến tháng Mười hai, những thứ này sẽ rất cần. Thật là tỉ mỉ chu đáo hết mức.
Màng mang đống quần áo vào phòng ngủ, cho vào ngăn kéo hoặc treo lên mắc áo trong tủ âm tường. Lúc nàng quay ra bếp uống cà phê, có điện thoại gọi đến. Chuông đổ ba lần, ngưng, sau đó lại reo.
“Đồ đưa tới chưa?” Tamaru hỏi.
“Cám ơn. Tôi thấy những thứ cần thiết đều đủ cả. Thiết bị tập thì còn hơn cả đủ nữa. Tiếp sau tôi chỉ còn việc đọc Proust nữa thôi.”
“Nếu có chỗ nào sơ xuất, cứ nói với tôi, đừng ngại.”
“Có gì tôi sẽ nói,” Aomame nói. “Có điều, muốn tìm ra chỗ sơ xuất của anh e là không dễ.”
Tamaru hắng giọng. “Có lẽ thế này hơi thừa… nhưng tôi có thể chân thành khuyên cô một câu được không?”
“Anh cứ nói thẳng.”
“Không gặp ai, không nói chuyện với ai, một mình bị giam kín ở nơi chật hẹp trong thời gian dài. Chỉ khi tự thân thử qua mới biết chuyện này tuyệt đối không dễ. Dù là người kiên cường đến mấy, lâu rồi cũng sẽ phải kêu lên. Đặc biệt là khi phía sau có người đang truy đuổi.”
“Những nơi tôi sống trước đây đều chẳng rộng rãi cho lắm.”
“Đó có lẽ là một thế mạnh của cô,” Tamaru nói. “Dù vậy, chú ý một chút vẫn hơn. Nếu trạng thái căng thẳng liên tục kéo dài thì trong vô thức thần kinh sẽ giống như sợi dây chun bị kéo quá căng. Một khi đã quá giới hạn, sẽ rất khó hồi phục nguyên trạng.”
“Tôi nhất định sẽ cẩn thận,” Aomame nói.
“Lần trước tôi đã nói, cô là người rất cẩn trọng. Cô thực tế và rất nhẫn nại. Cũng không tự tin quá mức. Nhưng, một khi không tập trung chú ý, người cẩn trọng mấy cũng sẽ phạm phải một hai sai lầm. Sự cô độc sẽ biến thành axit ăn mòn người ta.”
“Tôi không cảm thấy cô độc,” Aomame tuyên bố. Nửa là nói với Tamaru, nửa là nói cho chính nàng nghe. “Một mình, nhưng không cô độc.”
Đầu bên kia điện thoại lặng lẽ trong giây lát. Dường như Tamaru đang ngẫm nghĩ giữa sự khác biệt giữa “một mình” và “cô độc.”
“Dù thế nào chăng nữa, tôi cũng sẽ cẩn trọng hơn. Cám ơn lời khuyên chân thành của anh,” Aomame nói.
“Có một việc, mong cô hiểu cho,” Tamaru nói. “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ cô. Nhưng nếu xảy ra chuyện gì khẩn cấp… chúng tôi không thể biết trước sẽ xảy ra điều gì, có thể cô sẽ phải một mình ứng phó. Dù tôi phản ứng nhanh tới thế nào thì cũng có thể không kịp thời đến nơi. Vả lại, trong một số trường hợp, có lẽ tôi cũng chẳng đến được. Chẳng hạn, khi chúng tôi cho rằng không thể dính dáng gì đến cô nữa.”
“Tôi hoàn toàn hiểu. Tôi ở lại đây là vì lý do cá nhân, đương nhiên sẽ chú ý tự bảo vệ mình… với cây gậy đánh bóng, và cả thứ anh đưa tôi nữa.”
“Thế giới này tàn nhẫn lắm.”
“Nơi nào có hy vọng, nơi ấy có thử thách,” Aomame đáp.
Tamaru lại im lặng một thoáng, sau đó nói: “Cô nghe chuyện về bài thi tốt nghiệp dành cho nhân viên thẩm vấn trong cơ quan cảnh sát mật thời Stalin chưa?”
“Chắc là chưa,”
“Anh ta được đưa vào một căn phòng hình vuông. Bên trong chỉ đặt một cái ghế gỗ nhỏ hết sức bình thường. Sau đó cấp trên ra lệnh: “Bắt cái ghế kia thành thật khai nhận, viết thành biên bản. Trước khi hoàn thành nhiệm vụ, không được bước chân ra khỏi phòng!”
“Nghe có vẻ siêu thực quá nhỉ.”
“Không đúng. Không phải siêu thực, mà là chuyện thực trăm phần trăm. Stalin đã thực sự sáng lập nên một thể chế điên rồ lệch lạc như thế. Trong thời gian ông ta cầm quyền, có khoảng mười triệu người bước lên đường chết, gần như toàn bộ là đồng bào của ông ta. Chúng ta thực sự sống trong một thế giới như thế đấy. Cô phải khắc ghi sự thật này vào trong đầu.”
“Anh biết rất nhiều câu chuyện làm ấm lòng người.”
“Không hẳn. Chỉ là dự trữ một ít để dùng khi cần đến. Tôi không được học hành quy củ, chỉ có thể ghi nhớ dần dần những thứ thoạt trông thấy có vẻ hữu dụng. Nơi nào có hy vọng, nơi ấy có thử thách. Cô nói đúng. Hoàn toàn chính xác. Chỉ là hy vọng quá ít, vả lại quá nửa là trừu tượng, còn thử thách lại nhiều đến khiến người ta phát ngấy, mà đa phần đều cụ thể. Đây là một trong những điều tôi phải trả giá mới học được.”
“Thế những người muốn làm nhân viên thẩm vấn ấy đã bắt cái ghế phải khai nhận chuyện gì?”
“Đây là một vấn đề đáng để đào sâu suy nghĩ,” Tamaru nói. “Kiểu như công án Thiền vậy.”
“Thiền của Stalin,” Aomame nói.
Sau một thoáng, Tamaru gác máy.
Chiều hôm đó, Aomame dùng xe đạp tại chỗ và ghế tập để vận động. Nàng hưởng thụ lượng vận động vừa phải nhờ có các thiết bị ấy, sau một thời gian dài không tập. Tập xong, nàng đi tắm cho hết mồ hôi, rồi vừa nghe FM vừa làm bữa tối đơn giản. Chập tối, nàng xem thời sự trên ti vi (không có tin nào làm nàng chú ý). Mặt trời vừa lặn là nàng đi ra ban công ngồi canh chừng sân chơi, cùng với tấm chăn mỏng, ống nhòm và súng lục. Và cây gậy kim loại mới tinh, sáng bóng.
Nếu Tengo vẫn không xuất hiện ở sân chơi cho đến khi năm 1Q84 đầy những bí ẩn này kết thúc, mình vẫn sẽ tiếp tục cuộc sống đơn điệu ở một góc khu Koenji này. Làm cơm, tập thể dục, xem thời sự, đọc Marcel Proust, đợi Tengo. Đợi anh ấy giờ là nhiệm vụ trung tâm của cuộc đời mình. Ngay bây giờ, sợi dây mong manh ấy khiến mình gắng gượng sống tiếp. Giống như con nhện mình nhìn thấy lúc đi xuống cầu thang thoát hiểm trên đường cao tốc Thủ Đô. Con nhện đen nhỏ đan một mành lưới nhỏ đến đáng thương trong góc giá sắt bẩn thỉu, nín thở tiềm phục ở đó. Mạng nhện bị cơn gió thổi qua trụ cầu làm cho lắc lư không ngớt, rách nát và bám đầy rác rưởi. Lúc nhìn thấy con nhện, mình từng thương xót cho nó, nhưng giờ đây bản thân mình cũng trong cảnh ngộ gần như thế.
Phải kiếm một băng cát xét có thu bài Sinfonietta của Janáček, Aomame nghĩ. Cần khi tập thể dục. Như thể thứ âm nhạc ấy kết nối mình với một nơi nào đó, nơi nào đó không thể xác định, nó đưa mình đến với một sự vật nào đấy. Phải thêm vào danh sách đồ tiếp tế gửi cho Tamaru lần tới mới được.
Giờ là tháng Mười, nàng chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa thôi. Chiếc đồng hồ không ngừng nghỉ ghi nhận thời gian trôi. Nàng vùi mình trong chiếc ghế làm vườn, tiếp tục quan sát sân chơi và cầu trượt qua khe hở của tấm lá sách bằng nhựa. Ánh sáng của ngọn đèn hơi thủy ngân khiến sân chơi nhỏ ấy trở nên nhợt nhạt. Cảnh sắc làm nàng nghĩ đến hành lang vắng lặng không người của công viên hải dương về đêm. Những con cá tưởng tượng vô hình đang lặng lẽ bơi qua lại giữa những ngọn cây, không bao giờ ngừng sự chuyển động lặng lẽ ấy. Trên trời có hai mặt trăng, đang chờ đợi nàng chứng thực.
“Tengo,” Aomame thì thầm. “Giờ anh đang ở đâu?”