Sóc Phương nay có 70 vạn nhân khẩu, trong đó tỉ lệ Hán Hồ đạt tới 4-6, đã gần cân bằng. Qua mấy năm phát triển, người Khất Phục Thị đã hoàn toàn hòa nhập vào trong sinh hoạt của người Hán, đồng thời cùng với lực khống chế của Từ Hoảng với Sóc Phương ngày càng lớn, thế lực người Khất Phục Thị ở Sóc Phương dần biến mất.
Người nguyện ý giáo hóa có thể tiếp tục sinh sống, phàm là người không phục tùng, Từ Hoàng chẳng tỏ ra mềm yếu.
Nay Giải Phiền quân đã có năm vạn người. Đó còn chưa tính truân điền quân ở các nơi, nếu cộng cả vào đã hơn mười lăm vạn.
Bước thứ hai của Lư Thực là viết hai phong thư, một bức viết cho hào tộc Thượng quận, bức còn lại là viết cho Trương Liêu.
Bức thư viết cho Trương Liêu ngôn ngữ vô cùng đơn giản: " Tây Vực có khí thiên tử, Tân đế xuất, Hán thất hưng. Ta không hiểu Văn Viễn lắm, nhưng từ chuyện ngươi nguyện ý trấn thủ Thụ Hàng thành, kiếm chế man nô mà xét, ngươi là kẻ có tình có nghĩa, biết nặng nhẹ. Nay Võ Công hầu cần ngươi giúp đỡ, mời ngươi tới hỗ trợ ta."
Bức thư này nếu là người khác viết Trương Liêu xé không chút do dự, nhưng là do Lư Thực viết, Trương Liêu không thể không suy nghĩ nghiêm túc.
Nếu nói ra, Trương Liêu xuất thân võ tướng, nhiều đời cư ngụ quận Nhạn Môn, kháng cự dị tống, bảo vệ giang sơn Hán thất, khi Đinh Nguyên còn, quan phẩm của hắn còn cao hơn Lữ Bố.
Sau Đinh Nguyên chết, Trương Liêu nương nhờ Đổng Trác, có điều hiển nhiên hắn không được coi trọng như Lữ Bố. Bất quá có hề gì, có thể cùng Lữ Bố chống lại dị tộc là đủ rồi.
Thế nhưng Trương Liêu quá hiểu Lữ Bố, đó không phải là kẻ có tình nghĩa. Ít nhất sau khi Lữ Bố đứng vững chân ở U Châu lại không liên hệ với hắn lấy một lần. Bất kể là vì nguyên nhân gì, với Trương Liêu mà nói, đây là chuyện không thể tha thứ.
Trước kia hắn đóng ở Thụ Hàng thành, thủ hạ chỉ có ba nghìn người mà thôi, mấy năm qua không có Từ Hoảng chi viện mạnh từ Sóc Phương, có lẽ Thụ Hàng thành sớm đã lọt vào tay người Tiên Ti. Trương Liêu hắn cũng không còn mạng nữa.
Không sinh ở đất Hồ, không hiểu họa người Hồ.
Việc làm của Đổng Phi ở Tây Vực mấy năm qua, đúng là vô cùng làm nở mặt người Hán, Trương Liêu cực kỳ kính phục. Cho nên khi phong thư của Lư Thực đặt trên bàn của Trương Liêu, hắn không suy nghĩ nhiều, giao Thụ Hàng thành cho Bàng Đức và Trương Cáp, dẫn 60 thân vệ tới Sóc Phương.
Trong thời gian đợi Trương Liêu, Lư Thực một mặt tích cực dựa theo kế hoạch ở Thú huyện để chuẩn bị, đổng thời cẩn thận điểm binh Sóc Phương. Lư Thực kinh ngạc phát hiện, thủ hạ của Từ Hoảng đúng là nhiều người tài.
Những người cũ như Phan Chương, Lăng Tháo, Tô Tắc, Tôn Càn không cần phải nói. Ngay cả Ngụy Viện vốn chỉ làm nha môn tướng ở trong quân Tịnh Châu cũng đã trưởng thành, có thể độc lập đảm đương một mặt.
Ngụy Viện thiện kỵ chiến, chỉ huy 700 tinh kỵ, được Từ Hoảng gọi là Giải Phiền chi sĩ, sức chiến đấu cường hãn..
Giải Phiền quân vốn có ý là giải tỏa phiền não cho vua, Từ Hoảng giải phiền não cho Đồng Phi, Ngụy Viện giải phiền não cho Từ Hoảng.
Ngoài ra Lư Thực còn phát hiện ra hai người nữa, hai người này đều từ U Châu tới, hỏi ra mới biết là bộ hạ của Công Tôn Toản, học sinh cũ của ông ta, một tên là Triệu Vân, võ dũng vô song, nghe nói từng đánh ngang ngửa với Lữ Bố. Một tên Điền Dự, dùng binh quỷ quyệt, hiển đạo tiến lui.
Hai đứa học sinh năm xưa của Lư Thực, Lưu Bị đã bị ông ta đuổi khỏi sư môn, Công Tôn Toản là học sinh làm Lư Thực khá kiêu ngạo. Cái chết của Công Tôn Toản cũng là một đả kích lớn với Lư Thực, không ngờ ở Sóc Phương lại có bộ hạ của học sinh năm nào. Lư Thực không kiềm được hai hàng nước mắt.
Lữ Bố đánh lén Lệnh Chi, chiếm cứ nửa Liêu Tây, Công Tôn Phạm đốt lửa tự thiệu, cả nhà chiến tử, không một ai đầu hàng.
Triệu Vân và Điền Dự khi đó trấn thủ Lô Long Tắc, biết tin cái chết của Công Tôn Phạm, lập tức rút quân, trốn vào Bạch Lang Thành.
Tiếc là Lữ Bố không muốn tha cho bọn họ như thế, dưới thành lại một trận tử chiến nữa với Lữ Bố, binh mã của Triệu Vân tử thương thảm trọng, dẫn theo hơn trăm tàn binh bại tướng, lưu lãng mãi, cuối cùng quyết định nương nhờ vào Sóc Phương.
Khi đó Triệu Vân và Điền Dự không có tên tuổi gì, Từ Hoảng không để ý lắm, nếu không hắn đã viết thư cho Đổng Phi kể chuyện hai người, thế nên mới gặp được Lư Thực.
Sau khi Trương Liêu tới nơi, Lư Thực phái hắn và Triệu Vân dẫn một vạn người lẻn vào Thượng Quận.
Một vạn quân rất nhiều, nhưng có hào tộc địa phương yểm hộ, lẻn vào thẩn không biết, quỷ không hay. Chỉ đợi tin tức từ Mi Huyện.
*************
Vệ Ký đã choáng váng rồi, trố mắt nhìn binh mã ở phía trước, không có chút phản ứng gì.
Hắn không có phản ứng, không có nghĩa là Triệu Vân không phản ứng, giục Bạch Long mã, nắm ngân thương, múa vù vù như có sinh mạng:
- Vệ gia tiểu tặc, để mạng lại đây.
Chung Thân, Chung Tấn thấy vậy cũng vọt ngựa nghênh đón:
- Mau bảo vệ đại công tử rời đi, ta đoạn hậu.
Trong lúc nói chuyện Triệu Vân đã tới nơi, anh em Chung gia liên thủ giáp kích, người cầm đại phủ, người dùng đại đao. Lúc này không thể với diện gì nữa.
Hai anh em này liều mạng bám lấy Triệu Vân, bên kia thân binh của Vệ Ký đưa hắn bỏ chạy.
Triệu Vân thấy Vệ Ký chạy, lòng nổi giận, hôm nay nếu bắt được Vệ Ký, gặp Võ Công hầu còn có quà gặp mặt, hai tên các ngươi làm hỏng chuyện tốt của ta. Tay lập tức tăng thêm sức, thương ảnh trùng trùng, biến ra vô số ánh hoa, có tên là là Bạo Vũ Lê Hoa thương.
Đây là thương pháp thành danh của Đồng Uyên năm xưa, nay trong tay Triệu Vân, càng thêm xuất thần nhập hóa.
Chung Tấn sơ hở, bị Triệu Vân gạt khỏi chiến mã, Chung Thân rống lên:
- Chớ làm bị thương huynh đệ của ta.
Rồi vung đại phủ bổ xuống.
Nào ngờ Triệu Vân như không nhìn thấy cây đại phủ đó, ngựa phía dưới như có linh tính nhảy sang bên một bước, né được một phủ ngàn cân đó, hai người sạt qua nhau, Triệu Vân tay trái rút bảo kiếm, hàn quang đánh về phía Chung Thân.
Trong kiếm pháp đây gọi là Phản Thủ kiếm, nếu Đổng Thiết mà ở đây, nhất định nhìn ra lai lịch chiêu kiếm của Triệu Vân, Chung Thân thì không tài nào né tranh được, chỉ nghe phụt một tiếng, Bạch Long mã cũng hí dài, đạp chân xuống, Chung Tấn còn chưa kịp ôm lấy đầu Chung Thân, hai huynh đệ đã chết tại chỗ.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Chung Tấn từng làm thái thú Thượng Dung, Chung Thân cũng làm tới thái thú Vọng Lăng, hai người này tham gia đại chiến Xích Bích phe Tào Tháo, trên đường bại trận bị Triệu Vân chém chết.
Lịch sử đôi khi khó mà nói rõ được, lúc này địa phương có khác, nhưng hai huynh đệ họ Chung vẫn chết dưới tay Triệu Vân.
Giết Chung Thân, Trung Tấn xong, Triệu Vân thúc ngựa đuổi theo Vệ Ký, đột nhiên một bàn tay vươn ra tóm lấy giây cương của hắn, Điền Dự nói:
- Tử Long, đừng truy kích tên đó.
- Vì sao?
Triệu Vân không hiểu hỏi:
Điền Dự cười thản nhiên:
- Vệ Ký chẳng qua chỉ là một con chó mà thôi, không đáng để trong lòng. Chúng ta mau chóng hội họp với Văn Viễn tướng quân, ta có một kế nếu thành công, bằng trăm lần giết Vệ Ký, chính hợp làm lễ tấn kiến của chúng ta.
Khi Triệu Vân và binh mã Trương Liêu tụ họp, không nhịn được hỏi lần nữa:
- Quốc Nhượng có diệu kế gì?
Đúng vậy, mặc dù làm việc dưới trướng của Từ Hoảng, nhưng nói ra bất kể là Trương Liêu hay Triệu Vân, đều chưa lập được chút công tích gì. Nay sắp gặp Đổng Phi, cả hai đều muốn có chiến công hiển hách, làm lễ ra mắt.
Điền Dự nói:
- Lần này Vệ Ký xuất binh gần như điều hết binh lực Vệ gia. Nay Hà Đông trống rống, Viên Thiệu giao phong với Lữ Bố. Sao không nhân cơ hội này đánh tới An Ấp, lật tung cái ổ của Vệ Ký.
"Mẹ nó, biết ngay bọn đọc sách không có đứa nào tử tế!" Trương Liêu thầm chửi trong lòng, nhưng đã tán thành kế sách của Điền Dự.
Triệu Vân nhìn Trương Liêu, hai người cùng cười, đồng thanh nói:
- Cứ theo kế của Quốc Nhượng, thừa cơ đoạt Hà Đông.
Mãi cho đến sáng sớm ngày hôm sau, tùy tùng Bàn Xà vệ mới phát hiện ra cái chết của Quách Gia.
Nơi này là Hứa Xương, theo lý thì thủ vệ sâm nghiêm, hơn nữa Bàn Xà lại là đại hành gia ám sát, tính cảnh giác cực cao.
Nhưng vấn đề ở chỗ, Quách Gia là khách quen của Hồng Tụ quán, hơn nữa còn rất thân thiết với Ngư nương.
Quách Gia không phải mới đến Hồng Tụ quán, cho nên dù Bàn Xà vệ có cảnh giác đến mấy thì cũng không thể đề phòng ám sát bất thình lình. Nếu không phải trời sáng, Quách Gia không đi từ trong ra, thì chỉ sợ Bàn Xà vệ cũng không thể nào biết được.
Kỳ thật những người bên người Tào Tháo hầu hết đều có Bàn Xà vệ.
Những người thường ngày tiếp xúc với Tuân Úc, Quách Gia, Lỗ Túc đều được điều tra. Ngư nương là nhân sĩ Kinh Tương, có thể nói là một người Kinh Tương chính gốc, hơn nữa hành vi của nàng trong ba năm đều được điều tra, cũng không thấy có gì bất thường.
Vì vậy ai cũng không ngờ tới...
Khi Tào Tháo nghe tin Quách Gia chết thì ngất tại chỗ.
Thậm chí đến lúc tận mắt nhìn thi thể của Quách Gia hắn vẫn không thể tin đây là sự thực. Quan hệ của Quách Gia với tất cả mọi người trong Tào doanh có thể nói là cực kì tốt, từ văn thần cho đến võ tướng hắn đều có giao tình.
Nhất là mấy người Tuân Úc, Lỗ Túc, Trần Quần có giao tình sinh tử với hắn càng thấy bi ai không hiểu.
- Phụng Hiếu, Phụng Hiếu sao lại chết như vậy? Phụng Hiếu, ngươi từng đồng ý với ta, sẽ giúp ta phục hưng Hán thất, vì sao lại bỏ đi sớm như vậy... Mất Phụng Hiếu như chặt mất tay của ta, sau này còn ai nhắc nhở ta mỗi lúc nguy nan?
Tào Tháo phục trên thi thể Quách Gia khóc rống, khiến cho mọi người không cầm được nước mắt.
Tuân Úc hỏi:
- Có bắt được hung thủ không?
Sắc mặt của Tuân Du nhăn nhó, khẽ nói:
- Hung thủ chính là Ngư nương của Hồng Tụ quán, nàng đã tự sát bỏ mình.
- Ngư nương?
Là hảo hữu của Quách Gia, Tuân Úc đương nhiên biết chuyện tình yêu của hắn.
Có điều hắn không thể ngờ người ám sát Quách Gia lại chính là người mà hắn cho là tri kỉ - Ngư nương.
- Công Đạt, sao không sớm phát hiện ra thân phận của Ngư nương?
Tào Tháo nổi giận:
- Nếu như Bàn Xà của ngươi có thể sớm phát hiện manh mối, thì Phụng Hiếu chẳng phải là... Bàn Xà vệ của ngươi để làm cảnh sao? Sao không ngăn nữ nhân kia ám sát Phụng Hiếu? Vì sao? Vì sao?
Cái chết của Quách Gia đã tác động rất mạnh đến Tào Tháo.
Một mặt Tào Tháo tiếc thương cho Quách Gia tráng niên chết sớm, mặt khác hắn cũng là âm thầm kinh hãi, những thích khách này quá xuất quỷ nhập thần. Năm trước hắn đã quét sạch một lần, không ngờ vẫn còn có kẻ lọt lưới. Xem ra những người này đã ẩn náu bên người hắn nhiều năm, nếu như ám sát kia nhằm vào hắn, liệu hắn có thể tránh được?
Tào Tháo càng nghĩ càng cảm thấy sợ, ánh mắt nhìn những người trong phòng cũng đã có chút khác thường.
Tào Tháo vốn là người có lòng nghi ngờ rất nặng, lúc này lại thêm cái chết của Quách Gia, khiến cho nghi ngờ trong hắn càng thêm nặng. Mặc dù biết rõ người có thể đi vào gian phòng này đều là người một nhà, nhưng sâu trong nội tâm...
Tuân Du có thể nói cái gì được?
Thực tế hắn cũng đã kiểm tra qua lai lịch của Ngư nương, nhưng không phát hiện được gì đáng ngờ.
Sau đó khi Quách Gia biết được, liền hết lời đảm bảo cho Ngư nương. Lúc đó dù cho Tuân Du có muốn tra thêm cũng khó.
Nhưng không ngờ Quách Gia lại chết trong tay nữ nhân này.Cái chết của Quách Gia đã khơi mào cho phong trào ám sát khắp Quan Đông.
Đầu tiên là Hạ Hầu Uyên, khi hắn tuần sát dân chạy nạn thì đột nhiên bị tập kích. Cũng may Hạ Hầu Uyên là võ tướng, hơn nữa bên người cũng có Bàn Xà vệ bảo hộ nên mới thoát chết. Có điều mặc dù hắn tránh được một kiếp nhưng cũng bị trọng thương.
Thanh Châu biệt giá Mãn Sủng đang ngủ thì đột nhiên phát hiện trên giường có rắn độc, suýt chút nữa theo ông bà về Tây thiên.
Còn Tuân Du, thủ lĩnh của Bàn Xà bị tập kích liên tục trong vòng ngày, sợ đến nỗi phải trốn trong phủ đệ không dám ra khỏi cửa.
Không riêng địa phận cai quản của Tào Tháo, các nơi chư hầu Viên Thiệu, Công Tôn Độ, Lưu Biểu, Lưu Chương cũng xuất hiện ám sát.
Trong đó có sủng thiếp Lưu thị của Viên Thiệu trúng độc mà chết, ấu tử Viên Mãi cũng bị người giết chết.
Về phần bộ khúc của hắn có Tuân Thầm, một trong Tuân thị bát long, khi tuần tra doanh trại bị ám tiễn bắn trúng lưng, mất mạng đương trường; thuộc cấp Trương Nam trên đường về nhà bị hơn mười thích khách vây công, đầu một nơi thân một nẻo. Dù Hàn Cử Tử kịp thời vây bắt thích khách, thế nhưng hơn mười tên thích khách sau khi huyết chiến thì không tên nào tham sống.
Biệt giá Diêm Nhu của Công Tôn Độ lúc ăn cơm may nhờ có ái khuyển phát hiện thức ăn có độc mới may mắn thoát chết.
Ngoài ra thuộc cấp Nghiêm Hưng của Lưu Bị, phụ thân Quan Định của nghĩa tử Quan Bình của Quan Vũ, bộ hạ Trương Doãn của Lưu Biểu, biểu huynh Tôn Giảo của Tôn Sách đều bất ngờ qua đời. Thủ đoạn ám sát thì nhiều vô kể, khiến người khác không thể phòng bị.
Chết một, hai người thì cũng thôi. Nhưng ám sát đại quy mô thế này từ xưa đến nay chưa bao giờ có.
Nhân tâm khắp Quan Đông hoảng sợ, mỗi bộ hạ các chư hầu suốt ngày bất an. Trời mới biết lúc nào thích khác tìm đến bọn họ. Hơn nữa trong rất nhiều lần ám sát như vậy, cũng chỉ có vài lần bắt được thích khách, còn lại tất cả đều chạy mất dạng.
Thích khách ân cần hỏi thăm đến tất cả gốc gác của chư hầu.
Hơn nữa từ hành động có thể thấy được, đối tượng bị ám sát cũng không hẳn là tầng lớp cao tầng, mà là tất cả những người có liên quan của chư hầu.
Cái này gọi là thế nào?
Nếu như dùng ngôn ngữ của hậu thế, thì đây chính là hành động khủng bố.
Kẻ cầm đầu quyết đoán cẩn thận, khiến người khác cảm thấy một loại sợ hãi chưa từng có bao giờ. Thậm chí cả nhân vật mạnh như Lữ Bố, khi nghe tin ám sát liên tiếp truyền tới cũng phải tự tăng cường phòng bị cho bản thân.
Ngày hè nắng chói chang, thế nhưng tâm tất cả mọi người đều lạnh giá.
Đối với chư hầu Quan Đông, mùa hè này quả thật vô cùng khó khăn.
Mặc dù không có chứng cứ, nhưng tất cả mọi người đều biết, người đứng sau hành động khủng bố này chính là Đổng Phi tại Quan Trung.
- Ám sát? Ta không hề biết.
Đổng Phi rất vô tội nhìn Hoàng Thừa Ngạn ở trước mặt, lắc lắc đầu nói:
- Nếu như không ai báo cho ta biết, thì ta cũng không biết việc này. Hoàng tiên sinh, có lẽ ngài đã hiểu lầm ta rồi, gần đây ta lúc nào cũng tập trung vào tam học.
Y quả thật không biết việc này.
Nhưng y cũng biết việc này là do ai làm ra...
Đổng Phi chưa bao giờ nghĩ tới việc ám sát Quách Gia. Mặc kệ Quách Gia căm thù y thế nào, trong lòng Đổng Phi thủy chung vẫn coi hắn là sư huynh. Về phần những người khác thì y càng không rõ, có những tên mà y còn chưa từng nghe qua.
Tỉ như Tôn Giảo, tỉ như Quan Định.
Vì thế Đổng Phi liền đi tìm Giả Hủ.
Câu trả lời của Giả Hủ là: có thể dùng một hai người giải quyết việc, hà tất cần anh hùng ra mặt? Nếu lúc trước Tào Tháo không ám sát, thì Ngưu Phụ tướng quân làm sao lại chết? Ra vẻ sĩ diện, tỏ vẻ anh hùng chưa bao giờ là mục đích của ta.
Phải, đúng thật không phải là phong cách của Giả Hủ.
Lúc đó Giả Hủ còn cười nói: Chúa công, Quan Trung chỉ có thể có một anh hùng, đó chính là chúa công ngài. Cho nên Hủ quyết định làm một tiểu nhân, một tiểu nhân vạn ác bất từ. Hơn nữa ngài cũng từng đồng ý với ta sẽ mặc kệ ta mọi chuyện ta làm.
Giả Hủ nói lời này rất đường hoàng.
Hơn nữa Giả Hủ chỉ cần mở miệng là có thể nói người chết thành người sống, trong ba năm đã làm cho thanh danh Đổng Phi thanh khiết.
Có điều đến lúc rời khỏi Đỗ Bưu bảo, Đổng Phi mới kịp nhận ra: Giả Hủ đích thật là tiểu nhân, chuyện hắn làm đúng là chuyện tiểu nhân làm, nhưng danh tiếng đều được gán cho Đổng Phi. Y định quay về tìm Giả Hủ hỏi chuyện, nhưng lại nghĩ hắn sẽ không thừa nhận... Không chừng sau khi trở về lại bị hắn lừa một phen.
Dù sao tiểu nhân thì là tiểu nhân có sao?
Tào Tháo kia khi tàn sát sĩ tộc Duyễn Châu đã dám huênh hoang: Thà rằng ta phụ người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta.
Ta làm tiểu nhân thì có làm sao?
Có điều Đổng Phi nhận ra phiền phức của y lúc này mới thật sự bắt đầu. Bởi vì phụ thân Hoàng Thừa Ngạn của Hoàng Thạc đã không quản vất vả để đến Trường An.
Hoàng Thừa Ngạn nhìn thấy mặt cũng không thèm hỏi chuyện nữ nhi, trái lại liền nhắc tới ám sát khủng bố ở các nơi.
- Đại đô đốc là anh hùng thế gian, sao có thể làm theo phương pháp tiểu nhân? Đại trượng phu quyết thắng sa trường, lén lút ám sát sao gọi là anh hùng?
Đổng Phi thầm nghĩ: ta từ trước tới giờ cũng chưa từng muốn làm anh hùng.
Có điều y không muốn đắc tội với Hoàng Thừa Ngạn, cũng không có nghĩa người khác không thể đắc tội với Hoàng Thừa Ngạn.
Trong thư phòng ngoại trừ Đổng Phi thì còn có hai tiểu gia hỏa không chịu ra ngoài. Một người là Thái Tiết, cũng chính là tiểu Văn Cơ, một người nữa là Đổng Ký, năm nay vừa tròn mười một tuổi, dáng người vẫn rất kém như hồi mới sinh.
Có điều đừng thấy bề ngoài của hắn như vậy mà coi thường.
Thuở nhỏ từng theo Hoa Đà học Ngũ Cầm Dẫn Đạo thuật, sau đó lại học kiếm cùng Đổng Thiết, thân thể trông vậy mà cực khỏe.
Võ nghệ so ra còn kém hai đệ đệ của hắn, nhưng luận tâm nhãn thì người trong nhà chưa chắc có mấy người hơn được hắn.
Thấy lão nhân này ngông nghênh răn dạy lão tử nhà mình, Đổng Ký cảm thấy mất hứng.
- Lão tiên sinh, ngài nói lời này có chút bất công rồi... Cha là anh hùng đương đại, nặng tình nặng nghĩa, có thể vì con trai bằng hữu mà một mình nhập hiểm, càng khai cương khuếch thổ, tăng diện tích cho Đại Hán ta, có thể nói là xưa nay chưa từng có.
Vậy mà từ thời tổ phụ của ta, tiểu nhân nắm quyền đã bao lần tính toán già trẻ Đổng gia ta?
Cha hoàn toàn vì tình nghĩa mà thâm nhập tái ngoại, lại bị người gây khó dễ. Lão tiên sinh, tổ phụ ta chết vì tiểu nhân, cha ta cũng suýt vì tiểu nhân mà chết, đại mẫu (bà nội) cũng gặp đau khổ, tiểu nương (mẹ) càng cửu tử nhất sinh... Lúc đó sao không có ai đứng ra nói cho cha ta một câu công đạo? Không có ai đứng ra nói một câu đại trượng phu quyết chiến sa trường?
- Cái này...
Hoàng Thừa Ngạn không còn lời nào để nói, lão không thể nào nói: Ngươi chỉ là người thô bỉ, sao có tư cách so với người trong thiên hạ?
Nhưng lão cũng không dám nói ra, bởi nếu nói ra thì dù Đổng Phi không so đo với lão, thì khi tin này truyền ra ngoài lão cũng đừng hòng sống rời khỏi Trường An.
Đổng Ký tiếp tục nói:
- Cha là anh hùng cái thế, cha đã nói không làm thì nhất định là không làm. Hơn nữa hai nước giao binh vốn dùng hết thủ đoạn. Không phải ngươi chết thì là ta vong. Đừng nói giết một hai người, dù giết vạn, vạn người thì cũng có làm sao? Tiểu tử tài mọn nhưng cũng biết, nếu giết một người mà giữ được vạn người thì người này đáng giết.
Quách Gia kia là người thế nào?
Đó là thủ tịch trí nang của Tào hắc tử.
Giết hắn là có thể bảo toàn cho một vạn, mười vạn người Quan Trung... Về phần người của Tào hắc tử thì chẳng có liên quan gì tới Quan Trung.
Lời nói dõng dạc đường hoàng, Hoàng Thừa Ngạn mặt đỏ tới mang tai, không biết nói thế nào.
Ngươi phản bác? Lời tiểu tử này toàn sự thực. Ngươi tức giận với một hài tử hơn tuổi? Vậy thì quá mất mặt rồi.
Lão đành hừ một tiếng, ra vẻ bí hiểm, trên mặt lộ vẻ ta không thèm tính toán với tiểu tử xấu xa ngươi. Mà Đổng Ký cũng hiểu đạo tiến lùi, sau khi thi lễ thật sâu thì lui về ẩn mình sau Đổng Phi.
Thái Tiết giả vờ đọc sách, nhưng lại lén giơ ngón tay cái với Đổng Ký.
Đổng Ký cười, khoanh tay không nói gì nữa.
- Tiểu nhi trẻ người non dạ, tiên sinh chớ trách, chớ trách.
Đổng Phi vội đứng lên hoà giải, có điều trong lòng cũng cảm thấy lời con trai nói không tệ, rất có trật tự, rất tốt.
Hoàng Thừa Ngạn bèn mỉm cười:
- Xem ra chẳng bao lâu nữa dưới trướng đại đô đốc lại xuất hiện một nhân vật khó lường... Được thôi, các ngươi muốn làm cái gì thì làm cái đó, chẳng có quan hệ với ta. Lần này ta tới Trường An chỉ muốn dẫn Nguyệt Anh về nhà.
- Ôi, điều này...
- Đại đô đốc là người hiểu biết, lại có giao tình với Gia Cát. Tử Du hiện nay đang phục vụ dưới trướng đại đô đốc, chắc hẳn đô đốc sẽ không làm khó lão phu chứ.
Đổng Phi xua tay rối rít:
- Đương nhiên là không... Thật ra Nguyệt Anh tiểu muội ở đây là ủy khuất cho nàng. Trước kia ta bận việc chinh chiến, sau khi về Trường An công việc bề bộn cũng không chiếu cố tiểu muội cho tốt, còn mong tiên sinh thứ lỗi... Văn Cơ, Lục Cân, hai ngươi mau tìm Nguyệt Anh tỉ tỉ, nói Hoàng bá phụ tới rồi.
Thái Tiết và Đổng Ký đáp tiếng, sau đó chạy khỏi thư phòng.
Hoàng Thừa Ngạn thấy thái độ của Đổng Phi như vậy cũng thở phào nhẹ nhõm.
Dù thế nào cũng đợi sự việc kết thúc rồi nói, về phần bạo hổ này dùng thủ đoạn thế nào thì cũng chẳng liên hệ với ta...
- Ta không muốn về.
Hoàng Nguyệt Anh trả lời rất kiên quyết:
- Ta không muốn gả cho người nhà Gia Cát, ta muốn ở lại Trường An.
Có câu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, có điều vào thời kì loạn lạc này, lễ pháp cũng không còn quá cứng nhắc. Chỉ là Hoàng Thừa Ngạn vẫn không thể tiếp nhận, theo lão thấy bất luận về xuất thân hay tướng mạo, Gia Cát Lượng cũng là một nhân tuyển xứng đáng. Hơn nữa tướng mạo của Hoàng Nguyệt Anh... Người ta muốn ngươi đã là tốt rồi.
Nhưng càng như vậy, phản kháng của Hoàng Nguyệt Anh càng thêm mãnh liệt.
Hoàng Nguyệt Anh nói đạo lý rõ ràng, bên cạnh lại có một tiểu hài tử xấu xa châm dầu vào lửa, mấy lần nói cho Hoàng Thừa Ngạn á khẩu không nói được lời nào.
Tiểu hài tử xấu xa kia chính là Đổng Ký.
Bởi Hoàng Thừa Ngạn lúc trước tự dưng chỉ trích lão tử hắn, cho nên Đổng Ký cảm thấy không vừa mắt với Hoàng Thừa Ngạn.
Vì vậy bất cứ việc gì có thể chọc tức lão, Đổng Ký nhất định sẽ không bỏ qua.
Hơn nữa tính tình của Hoàng Nguyệt Anh kiên cường, việc đã quyết thì rất ít khi thay đổi. Mặc cho lão gia tử nói như thế nào, Hoàng Nguyệt Anh vẫn không muốn trở lại, khiến cho lão nổi trận lôi đình mấy ngày liền.
Ngược lại một nhà Đổng Phi lại vui vẻ bên cạnh xem náo nhiệt.