Mãi đến trung thu năm ấy, làng Mùi mới lại thấy bóng AQ ... Cả làng ngạc nhiên bảo nhau: AQ đã về! Bấy giờ người ta mới có kẻ tự hỏi: Lâu nay nó đi đâu nhỉ? Xưa kia, mỗi lần lên huyện về, AQ vẫn hớn hở chuyện trò với mọi người. Nhưng lần này, không thế. Vì vậy không ai chú ý đến. Dễ thường AQ cũng có thỏ thẻ một vài câu với lão từ đền Thổ Cốc, nhưng lệ thường ở làng Mùi, chỉ có những lúc nào Cụ Cố họ Triệu, Cụ Cố họ Tiền, hoặc thầy Tú Triệu lên huyện kia thì người ta mới coi là việc quan trọng. Còn ngoài ra, cả lão Tây giả kia có đi về cũng chẳng ai quan tâm nữa là AQ! Vì vậy nên lão từ cũng không đồn đại gì về việc AQ đi cả, thành thử trong làng không ai biết mối manh gì.
Lần này AQ ở huyện về khác hẳn mấy lần trước. Trông y có vẻ là lạ. Trời đã nhá nhem tối. Y vào quán rượu, cặp mắt ngái ngủ. Y tới trước quầy, nắn trong lưng ra một tay đầy tiền đồng và bạc hào, xỉa ra và nói:
- Tiền mặt đây này, rượu đâu đưa ra đây?
Y mặc chiếc áo kép mới, lưng đeo một cái ruột tượng nặng trĩu làm cho cái thắt lưng sả hẳn xuống đằng trước thành một đường vòng cung. ở làng Mùi, vẫn có cái thói hễ thấy ai hơi có máu mặt thì người ta vẫn nghĩ: đối với hạng người này thà kính trọng họ một chút còn hơn là tỏ vẻ khinh bỉ. Bây giờ, dù biết rằng vẫn là AQ đấy, nhưng không phải như thằng AQ với tấm áo rách dạo trước nữa. Cổ nhân có câu: "Sĩ biệt tam nhật, tiện đương quát mục tương đãi" (Chú thích của người dịch: Một câu danh ngôn của Lã Mông đời Tam quốc nói với bạn. ý nghĩa: Ba ngày không gặp mặt một kẻ sĩ thì khi gặp lại, nên biết trọng đãi hơn mọi hôm, vì họ có thể tiến bộ khác trước nhiều rồi.)
Vì vậy mà cả làng Mùi, từ anh hầu sáng, ông chủ quán, khách uống rượu cho đến kẻ qua đường, đối với AQ ai nấy đều tỏ ra vừa ngờ vực vừa kính trọng. Bác chủ quán gật đầu luôn mấy cái rồi lạ trò chuyện vồn vã:
- Kìa A Q! Đã về đấy à?
- Vừa về xong.
- Phát tài chứ? ... Thế lâu nay ...
- Ở trên huyện mà!
Tin đó sáng hôm sau đã lan ra khắp làng. Cả làng ai cũng ước ao biết rõ lai lịch cái túi tiền và cái áo mới của AQ. Bởi vậy, ngoài quán rượu, trong tiệm trà cho đến dưới hiên đình, người ta chỉ trầm trồ dò la từng ấy chuyện. Kết quả là AQ lại được người ta trọng vọng thêm.
Theo lời AQ thì lâu nay y làm công ở nhà Cụ Cử trên huyện. Chỉ một chút đó cũng đã làm cho người nghe lấy làm kiêng nể rồi. Cụ Cử vốn là họ Bạch, nhưng vì cả vùng chỉ có một cụ là đậu cử nhân, nên trong lúc xưng hô, cũng không cần phải dùng chữ "Bạch" mào đầu lên trên hai chữ cử nhân nữa. Chỉ gọi cụ Cử là ai cũng hiểu rồi. Lối xưng hô này chẳng phải riêng gì cho làng Mùi. Chung quanh vùng này có trăm dặm đường đất, ai cũng gọi như vậy. Đến nỗi có nhiều người yên trí rằng cụ là họ Cử tên Nhân! Làm công ở nhà cụ Cử là một điều đáng trọng rồi, thế mà AQ còn nói: y không thích làm đó nữa vì cái cụ Cử này thật ra cũng "mẹ kiếp chúng nó" lắm! Mấy người được nghe câu chuyện này vừa tiếc rẻ vừa khoái chí. Khoái chí ở chỗ AQ không thèm làm việc với cụ Cử mà tiếc rẻ là sao lại không làm.
Vẫn theo lời AQ thì lần này y trở về làng một phần nữa cũng là vì y ghét bọn người trên huyện. Thì ví dụ chúng nó cứ gọi cái ghế dài kia là tràng kỷ, lại như lúc rán cá chúng nó cứ gia vị bằng nhánh hành. Nhất là cái thói xấu y vừa khám phá ra, tức là cái kiểu bọn đàn bà con gái lúc chúng nó đi đứng cứ ưỡn ẹo trông đến khó coi. Tuy vậy, AQ cũng nhận rằng: trên huyện cũng có những điều đáng phục. Tức như ở làng Mùi đánh bài thì chỉ biết chơi thứ bài ba mươi hai con, và chỉ có một mình lão Tây giả là biết chơi "mạt chược". Mà trên huyện thì đứa oắt con mới nảy mũi ra cũng chơi mạt chược thạo rồi! Cứ để chú Tây giả ở làng đánh thử với một thằng ranh con trên ấy thì lập tức thấy rằng chả khác gì "quỉ sứ vào điện Diêm vương"! Câu chuyện này những kẻ được nghe ai cũng đều lấy làm xấu hổ.
- Này, các bác đã thấy chặt đầu người hay chưa nhỉ? Úi chào! Vui lắm! Giết tụi cách mạng ấy mà! Úi chao chao! Vui, vui quá cơ!
AQ vừa nói vừa lắc lư cái đầu, nước bọt cứ bắn vào mặt bác Triệu Tư Thần đứng trước y. Câu chuyện chặt đầu này, ai nghe cũng phải rùng mình rởn gáy. Nhưng AQ lại nhìn quanh quất một hồi, bỗng dang cánh tay phải ra, nhằm vào cái cổ cò hương của lão Vương Râu đang đứng nghe chăm chú bổ ngay vào gáy:
- S ... sật!
Lão Vương Râu hết hồn hết vía thụt ngay cả đầu lẫn cổ xuồng, nhanh như chớp nhoáng, như đá tóe lửa, trong lúc đó thì người nghe đứng xung quanh vừa sợ hãi, vừa thích thú. Sau đó, có mấy ngày trời, lão Vương Râu vẫn còn choáng váng cả đầu óc, nhất định không dám lại gần AQ nữa; những người khác cũng vậy.
Trước con mắt dân làng Mùi lúc bấy giờ, địa vị AQ dù chưa có thể nói rằng oai hơn Cụ Cố họ Triệu, nhưng nói xấp xỉ thì cũng chẳng sai bao nhiêu.
Chẳng bao lâu, danh tiếng AQ đã lừng lẫy đến trong chốn khuê phòng làng Mùi. Thực ra, trong làng Mùi chỉ có hai nhà có thể gọi là khuê phòng: ấy là nhà họ Triệu và nhà họ Tiền. Ngoài ra chín phần mười, chả nhà nào là có khuê phòng cả; nhưng buồng đàn bà con gái nào mà chẳng gọi là khuê phòng? Cho nên danh tiếng AQ đồn đại khắp khuê phòng cũng cho là một sự lạ đi! Các bà hễ gặp nhau là trầm trồ những chuyện như là: thím Bảy Trâu vừa mua lại của AQ được một chiếc quần lụa màu xanh lam, cũ một tí, nhưng "chỉ có chín hào bạc thôi!", hoặc là bà mẹ bác Triệu Bạch Nhẫn - một tin khác nói chính là bà mẹ bác Triệu Tư Thần cơ, chứ không phải là bà mẹ bác Triệu Bạch Nhẫn, chưa có tin nào đúng hơn, chờ kiểm tra lại đã - cũng mua được một cái áo trẻ con bằng vải sa tây điều còn khá mới, mà chỉ có ba quan tiền, cứ chín mươi hai đồng ăn một quan! Thế rồi các bà người nào cũng cứ mong gặp AQ, người thiếu quần lụa thì mong hỏi quần lụa, người thiếu áo sa tây thì lăm le mua áo vải sa tây. Thấy AQ, không những họ không trốn tránh nữa mà thậm chí lại có nhiều lúc AQ đi đã khá xa rồi, họ còn chạy theo, gọi đứng lại để hỏi: "Chú AQ này, còn cái quần lụa nào nữa không! Hết cả rồi à? ... Thế, áo vải tây điều cũng được. Còn đấy chứ? ..."
Câu chuyện dần dà từ chốn khuê phòng vào đến chốn khuê các. Số là trong lúc đắc ý, thím Bảy Trâu đã đem chiếc quần lụa lên trình cụ Cố bà họ Triệu xem qua. Cụ Cố bà lại nói lại với cụ Cố ông và cứ khen lấy khen để. Ngay tối hôm ấy, ngồi trước mâm cơm, cụ Cố ông đưa chuyện đó ra thảo luận cùng cậu Tú, rồi cho rằng: cái thằng AQ này nhất định là có những sự tình khả nghi, chúng ta cửa ngõ cũng nên cẩn thận một tí ... Nhưng chả biết nó còn có gì mua được nữa hay không? Có lẽ cũng còn có thứ tốt đấy. Phần thì hiện nay cụ Cố bà còn cần một cái áo gi-lê thứ tốt nhưng phải cho rẻ.
Cuộc hội nghị gia tộc họ Triệu quyết định sẽ nhờ thím Bảy Trâu lập tức đi tìm AQ cho được. Do đó, mới có ngoại lệ thứ ba này nữa: tối hôm ấy được phép chong đèn chờ AQ đến.
Đĩa dầu vơi mãi, vơi mãi ... AQ vẫn chưa đến. Cả nhà họ Triệu đều đã sốt ruột, ngáp lên ngáp xuống. Kẻ thì trách AQ hững hờ, người thì oán thím Bảy chậm chạp. Cụ Cố bà những ngại rằng câu chuyện dạo mùa xuân độ nọ có lẽ làm cho AQ sợ phạm vào một điều khoản trọng yếu trong tờ cam đoan mà không dám đến chăng ... Nhưng cụ Cố ông bảo: không ngại gì, vì chính "ta" truyền gọi nó kia mà! Thì ra, cụ Cố ông là người cao kiến có khác! Quả nhiên, một lát sau, AQ cùng thím Bảy Trâu đã ở ngoài cửa bước vào. Thím Bảy thở hồng hộc, chân bước miệng nói:
- Chú ấy cứ chối đây đẩy một không có, hai không có. Con thì con nói: Không biết! Chú cứ đến mà bẩm với hai cụ. Chú ấy còn nói ... Con thì con nói ...
Dưới thềm, AQ toét miệng ra một cái, giống như cười, nhưng vẫn không phải là cười, rồi nói to:
- Cụ ạ!
Cụ Cố vừa nói vừa bước tới gần AQ, đưa mắt nhìn y từ đầu đến chân:
- AQ này, nghe nói độ ngày mày đi ra phát tài lắm phải không? Thế thì tốt, tốt lắm. Này! à mà nghe nói mày còn một ít đồ cũ ... Còn bao nhiêu cứ đưa đây xem xem ... Này! không có ý gì đâu ... Chả là ta cần dùng ...
- Con vừa bảo thím Bảy đấy! Hết cả rồi.
- Hết rồi kia à?
Giọng cụ nghe như thất thanh:
- Sao đã hết chóng làm vậy?
- Chả là gặp chỗ quen biết ... Vả lại có bao nhiêu đâu ạ! Anh em họ giật hết.
- Chắc cũng còn một ít chứ?
- Giờ chỉ còn một bức nghi môn thôi ạ!
Cụ Cố bà lật đật nói:
- Thế thì đưa đến cho xem vậy!
Cụ Cố ông có vẻ lạnh nhạt:
- Vậy thì sáng mai! Cứ đưa đến đây nhé. Này, AQ này, từ rày, bất cứ đồ lề gì, hễ có là cứ đưa đến đây, ta xem trước nhé...
Cậu Tú nói:
- Đây không bao giờ trả rẻ đâu mà! Nghe chưa?
Mợ Tú vội liếc nhìn nét mặt AQ xem nó có chú ý gì đến lời cậu Tú hay không.
Cụ Cố bà nói:
- Ta cần mua một cái áo gi-lê.
AQ miệng vâng vâng dạ dạ, nhưng lại uể oải lùi ra về. Cũng chẳng ai biết y có nhớ cho hay không, thành ra cụ Cố ông cũng vừa thất vọng, vừa bực mình, vừa lo ngại, đến nỗi quên không ngáp dài nữa. Cậu Tú cũng bất bình với thái độ của AQ, nói:
- Cái thằng Oẳng pa tàn này, phải coi chừng! Hay là gọi ngay lão khán đến bảo phải đuổi ngay đi, không cho ở trong làng nữa là hơn hết!
Nhưng cụ Cố ông cho rằng không nên làm thế, sợ nó lại thù oán lôi thôi. Vả lại xưa nay những đứa làm nghề ấy chả bao giờ chúng nó làm thói "gà què ăn quẩn cối xay", vậy nên làng ta chẳng ngại gì sự đó. Còn nhà mình thì ban đêm ngủ cho tinh tỉnh một tí là được rồi. Nghe bấy nhiêu lời nghiêm đường dạy, cậu Tú rất tán thành, vì vậy cậu cũng lập tức thủ tiêu đề nghị đem AQ "trục xuất cảnh ngoại". Một mặt khác, cậu ân cần dặn dò thím Bảy Trâu nhất thiết không để cho câu chuyện hôm nay tiết lộ ra ngoài.
Nhưng ngày hôm sau, lúc thím Bảy đem chiếc quần đi nhuộm đen thì thím lại đem cả những chỗ khả nghi về AQ rêu rao với mọi người. May mà thím không nhắc nhở gì đến chuyện cậu Tú có ý "trục xuất" AQ. Nhưng thế cũng đã là một điều bất lợi cho AQ rồi! Trước hết, bác khán tìm ngay vào nhà y lấy quách bức nghi môn. Y cố biện bạch rằng, cái bức nghi môn đó Cụ Cố bảo phải đem lên trình cụ xem đã, nhưng bác khán vẫn nhất định chiếm lấy. Bác lại nhân dịp này vòi thêm một ít "tiền rượu" hàng tháng nữa. Một sự thiệt thòi khác cho AQ là từ hôm ấy về sau, lòng kính nể và sợ sệt của dân làng Mùi đối với y cũng giảm bớt nhiều. Tuy chưa dám khinh ra mặt đâu, nhưng xem có ý đã không muốn lại gần y nữa. Không muốn gần y không phải vì sợ đánh "sật" một cái vào gáy như trước, mà là người ta chỉ "kính nhi viễn chi" nữa thôi.
Một bọn vô công rồi nghề lại cố đi dò xét về AQ cho ra manh mối. Thì AQ cũng chả giấu giếm gì ai cả! Y cứ ngạo nghễ nói toạc tất cả những điều y đã làm. Do đó, người ta mới biết y chẳng qua chỉ là một vai phụ không có gan trèo tường mà cũng không có gan chui ngạch. Y chỉ đứng ở mé ngoài chuyền đồ ra mà thôi. Và, có một đêm, y vừa bệ được một cái gói, còn lão trùm đang chui vào một lần nữa, thì trong nhà hô hoán lên; thế là y chuồn thẳng, và ngay đêm ấy, lập tức bỏ huyện về tuốt làng Mùi. Rồi từ đấy trở đi, y cũng giải nghệ luôn nốt.
Đoạn tiểu sử này càng làm tai hại cho danh giá AQ. Số là xưa nay dân làng Mùi còn giữ cái thái độ "kính nhi viễn chi" với AQ chỉ vì lo y thù hằn. Ai ngờ chẳng qua y chỉ là một thằng ăn trộm mà lại không có gan đi ăn trộm nữa thì quả thật không có gì đáng sợ.
Mãi đến trung thu năm ấy, làng Mùi mới lại thấy bóng AQ ... Cả làng ngạc nhiên bảo nhau: AQ đã về! Bấy giờ người ta mới có kẻ tự hỏi: Lâu nay nó đi đâu nhỉ? Xưa kia, mỗi lần lên huyện về, AQ vẫn hớn hở chuyện trò với mọi người. Nhưng lần này, không thế. Vì vậy không ai chú ý đến. Dễ thường AQ cũng có thỏ thẻ một vài câu với lão từ đền Thổ Cốc, nhưng lệ thường ở làng Mùi, chỉ có những lúc nào Cụ Cố họ Triệu, Cụ Cố họ Tiền, hoặc thầy Tú Triệu lên huyện kia thì người ta mới coi là việc quan trọng. Còn ngoài ra, cả lão Tây giả kia có đi về cũng chẳng ai quan tâm nữa là AQ! Vì vậy nên lão từ cũng không đồn đại gì về việc AQ đi cả, thành thử trong làng không ai biết mối manh gì.
Lần này AQ ở huyện về khác hẳn mấy lần trước. Trông y có vẻ là lạ. Trời đã nhá nhem tối. Y vào quán rượu, cặp mắt ngái ngủ. Y tới trước quầy, nắn trong lưng ra một tay đầy tiền đồng và bạc hào, xỉa ra và nói:
- Tiền mặt đây này, rượu đâu đưa ra đây?
Y mặc chiếc áo kép mới, lưng đeo một cái ruột tượng nặng trĩu làm cho cái thắt lưng sả hẳn xuống đằng trước thành một đường vòng cung. ở làng Mùi, vẫn có cái thói hễ thấy ai hơi có máu mặt thì người ta vẫn nghĩ: đối với hạng người này thà kính trọng họ một chút còn hơn là tỏ vẻ khinh bỉ. Bây giờ, dù biết rằng vẫn là AQ đấy, nhưng không phải như thằng AQ với tấm áo rách dạo trước nữa. Cổ nhân có câu: "Sĩ biệt tam nhật, tiện đương quát mục tương đãi" (Chú thích của người dịch: Một câu danh ngôn của Lã Mông đời Tam quốc nói với bạn. ý nghĩa: Ba ngày không gặp mặt một kẻ sĩ thì khi gặp lại, nên biết trọng đãi hơn mọi hôm, vì họ có thể tiến bộ khác trước nhiều rồi.)
Vì vậy mà cả làng Mùi, từ anh hầu sáng, ông chủ quán, khách uống rượu cho đến kẻ qua đường, đối với AQ ai nấy đều tỏ ra vừa ngờ vực vừa kính trọng. Bác chủ quán gật đầu luôn mấy cái rồi lạ trò chuyện vồn vã:
- Kìa A Q! Đã về đấy à?
- Vừa về xong.
- Phát tài chứ? ... Thế lâu nay ...
- Ở trên huyện mà!
Tin đó sáng hôm sau đã lan ra khắp làng. Cả làng ai cũng ước ao biết rõ lai lịch cái túi tiền và cái áo mới của AQ. Bởi vậy, ngoài quán rượu, trong tiệm trà cho đến dưới hiên đình, người ta chỉ trầm trồ dò la từng ấy chuyện. Kết quả là AQ lại được người ta trọng vọng thêm.
Theo lời AQ thì lâu nay y làm công ở nhà Cụ Cử trên huyện. Chỉ một chút đó cũng đã làm cho người nghe lấy làm kiêng nể rồi. Cụ Cử vốn là họ Bạch, nhưng vì cả vùng chỉ có một cụ là đậu cử nhân, nên trong lúc xưng hô, cũng không cần phải dùng chữ "Bạch" mào đầu lên trên hai chữ cử nhân nữa. Chỉ gọi cụ Cử là ai cũng hiểu rồi. Lối xưng hô này chẳng phải riêng gì cho làng Mùi. Chung quanh vùng này có trăm dặm đường đất, ai cũng gọi như vậy. Đến nỗi có nhiều người yên trí rằng cụ là họ Cử tên Nhân! Làm công ở nhà cụ Cử là một điều đáng trọng rồi, thế mà AQ còn nói: y không thích làm đó nữa vì cái cụ Cử này thật ra cũng "mẹ kiếp chúng nó" lắm! Mấy người được nghe câu chuyện này vừa tiếc rẻ vừa khoái chí. Khoái chí ở chỗ AQ không thèm làm việc với cụ Cử mà tiếc rẻ là sao lại không làm.
Vẫn theo lời AQ thì lần này y trở về làng một phần nữa cũng là vì y ghét bọn người trên huyện. Thì ví dụ chúng nó cứ gọi cái ghế dài kia là tràng kỷ, lại như lúc rán cá chúng nó cứ gia vị bằng nhánh hành. Nhất là cái thói xấu y vừa khám phá ra, tức là cái kiểu bọn đàn bà con gái lúc chúng nó đi đứng cứ ưỡn ẹo trông đến khó coi. Tuy vậy, AQ cũng nhận rằng: trên huyện cũng có những điều đáng phục. Tức như ở làng Mùi đánh bài thì chỉ biết chơi thứ bài ba mươi hai con, và chỉ có một mình lão Tây giả là biết chơi "mạt chược". Mà trên huyện thì đứa oắt con mới nảy mũi ra cũng chơi mạt chược thạo rồi! Cứ để chú Tây giả ở làng đánh thử với một thằng ranh con trên ấy thì lập tức thấy rằng chả khác gì "quỉ sứ vào điện Diêm vương"! Câu chuyện này những kẻ được nghe ai cũng đều lấy làm xấu hổ.
- Này, các bác đã thấy chặt đầu người hay chưa nhỉ? Úi chào! Vui lắm! Giết tụi cách mạng ấy mà! Úi chao chao! Vui, vui quá cơ!
AQ vừa nói vừa lắc lư cái đầu, nước bọt cứ bắn vào mặt bác Triệu Tư Thần đứng trước y. Câu chuyện chặt đầu này, ai nghe cũng phải rùng mình rởn gáy. Nhưng AQ lại nhìn quanh quất một hồi, bỗng dang cánh tay phải ra, nhằm vào cái cổ cò hương của lão Vương Râu đang đứng nghe chăm chú bổ ngay vào gáy:
- S ... sật!
Lão Vương Râu hết hồn hết vía thụt ngay cả đầu lẫn cổ xuồng, nhanh như chớp nhoáng, như đá tóe lửa, trong lúc đó thì người nghe đứng xung quanh vừa sợ hãi, vừa thích thú. Sau đó, có mấy ngày trời, lão Vương Râu vẫn còn choáng váng cả đầu óc, nhất định không dám lại gần AQ nữa; những người khác cũng vậy.
Trước con mắt dân làng Mùi lúc bấy giờ, địa vị AQ dù chưa có thể nói rằng oai hơn Cụ Cố họ Triệu, nhưng nói xấp xỉ thì cũng chẳng sai bao nhiêu.
Chẳng bao lâu, danh tiếng AQ đã lừng lẫy đến trong chốn khuê phòng làng Mùi. Thực ra, trong làng Mùi chỉ có hai nhà có thể gọi là khuê phòng: ấy là nhà họ Triệu và nhà họ Tiền. Ngoài ra chín phần mười, chả nhà nào là có khuê phòng cả; nhưng buồng đàn bà con gái nào mà chẳng gọi là khuê phòng? Cho nên danh tiếng AQ đồn đại khắp khuê phòng cũng cho là một sự lạ đi! Các bà hễ gặp nhau là trầm trồ những chuyện như là: thím Bảy Trâu vừa mua lại của AQ được một chiếc quần lụa màu xanh lam, cũ một tí, nhưng "chỉ có chín hào bạc thôi!", hoặc là bà mẹ bác Triệu Bạch Nhẫn - một tin khác nói chính là bà mẹ bác Triệu Tư Thần cơ, chứ không phải là bà mẹ bác Triệu Bạch Nhẫn, chưa có tin nào đúng hơn, chờ kiểm tra lại đã - cũng mua được một cái áo trẻ con bằng vải sa tây điều còn khá mới, mà chỉ có ba quan tiền, cứ chín mươi hai đồng ăn một quan! Thế rồi các bà người nào cũng cứ mong gặp AQ, người thiếu quần lụa thì mong hỏi quần lụa, người thiếu áo sa tây thì lăm le mua áo vải sa tây. Thấy AQ, không những họ không trốn tránh nữa mà thậm chí lại có nhiều lúc AQ đi đã khá xa rồi, họ còn chạy theo, gọi đứng lại để hỏi: "Chú AQ này, còn cái quần lụa nào nữa không! Hết cả rồi à? ... Thế, áo vải tây điều cũng được. Còn đấy chứ? ..."
Câu chuyện dần dà từ chốn khuê phòng vào đến chốn khuê các. Số là trong lúc đắc ý, thím Bảy Trâu đã đem chiếc quần lụa lên trình cụ Cố bà họ Triệu xem qua. Cụ Cố bà lại nói lại với cụ Cố ông và cứ khen lấy khen để. Ngay tối hôm ấy, ngồi trước mâm cơm, cụ Cố ông đưa chuyện đó ra thảo luận cùng cậu Tú, rồi cho rằng: cái thằng AQ này nhất định là có những sự tình khả nghi, chúng ta cửa ngõ cũng nên cẩn thận một tí ... Nhưng chả biết nó còn có gì mua được nữa hay không? Có lẽ cũng còn có thứ tốt đấy. Phần thì hiện nay cụ Cố bà còn cần một cái áo gi-lê thứ tốt nhưng phải cho rẻ.
Cuộc hội nghị gia tộc họ Triệu quyết định sẽ nhờ thím Bảy Trâu lập tức đi tìm AQ cho được. Do đó, mới có ngoại lệ thứ ba này nữa: tối hôm ấy được phép chong đèn chờ AQ đến.
Đĩa dầu vơi mãi, vơi mãi ... AQ vẫn chưa đến. Cả nhà họ Triệu đều đã sốt ruột, ngáp lên ngáp xuống. Kẻ thì trách AQ hững hờ, người thì oán thím Bảy chậm chạp. Cụ Cố bà những ngại rằng câu chuyện dạo mùa xuân độ nọ có lẽ làm cho AQ sợ phạm vào một điều khoản trọng yếu trong tờ cam đoan mà không dám đến chăng ... Nhưng cụ Cố ông bảo: không ngại gì, vì chính "ta" truyền gọi nó kia mà! Thì ra, cụ Cố ông là người cao kiến có khác! Quả nhiên, một lát sau, AQ cùng thím Bảy Trâu đã ở ngoài cửa bước vào. Thím Bảy thở hồng hộc, chân bước miệng nói:
- Chú ấy cứ chối đây đẩy một không có, hai không có. Con thì con nói: Không biết! Chú cứ đến mà bẩm với hai cụ. Chú ấy còn nói ... Con thì con nói ...
Dưới thềm, AQ toét miệng ra một cái, giống như cười, nhưng vẫn không phải là cười, rồi nói to:
- Cụ ạ!
Cụ Cố vừa nói vừa bước tới gần AQ, đưa mắt nhìn y từ đầu đến chân:
- AQ này, nghe nói độ ngày mày đi ra phát tài lắm phải không? Thế thì tốt, tốt lắm. Này! à mà nghe nói mày còn một ít đồ cũ ... Còn bao nhiêu cứ đưa đây xem xem ... Này! không có ý gì đâu ... Chả là ta cần dùng ...
- Con vừa bảo thím Bảy đấy! Hết cả rồi.
- Hết rồi kia à?
Giọng cụ nghe như thất thanh:
- Sao đã hết chóng làm vậy?
- Chả là gặp chỗ quen biết ... Vả lại có bao nhiêu đâu ạ! Anh em họ giật hết.
- Chắc cũng còn một ít chứ?
- Giờ chỉ còn một bức nghi môn thôi ạ!
Cụ Cố bà lật đật nói:
- Thế thì đưa đến cho xem vậy!
Cụ Cố ông có vẻ lạnh nhạt:
- Vậy thì sáng mai! Cứ đưa đến đây nhé. Này, AQ này, từ rày, bất cứ đồ lề gì, hễ có là cứ đưa đến đây, ta xem trước nhé...
Cậu Tú nói:
- Đây không bao giờ trả rẻ đâu mà! Nghe chưa?
Mợ Tú vội liếc nhìn nét mặt AQ xem nó có chú ý gì đến lời cậu Tú hay không.
Cụ Cố bà nói:
- Ta cần mua một cái áo gi-lê.
AQ miệng vâng vâng dạ dạ, nhưng lại uể oải lùi ra về. Cũng chẳng ai biết y có nhớ cho hay không, thành ra cụ Cố ông cũng vừa thất vọng, vừa bực mình, vừa lo ngại, đến nỗi quên không ngáp dài nữa. Cậu Tú cũng bất bình với thái độ của AQ, nói:
- Cái thằng Oẳng pa tàn này, phải coi chừng! Hay là gọi ngay lão khán đến bảo phải đuổi ngay đi, không cho ở trong làng nữa là hơn hết!
Nhưng cụ Cố ông cho rằng không nên làm thế, sợ nó lại thù oán lôi thôi. Vả lại xưa nay những đứa làm nghề ấy chả bao giờ chúng nó làm thói "gà què ăn quẩn cối xay", vậy nên làng ta chẳng ngại gì sự đó. Còn nhà mình thì ban đêm ngủ cho tinh tỉnh một tí là được rồi. Nghe bấy nhiêu lời nghiêm đường dạy, cậu Tú rất tán thành, vì vậy cậu cũng lập tức thủ tiêu đề nghị đem AQ "trục xuất cảnh ngoại". Một mặt khác, cậu ân cần dặn dò thím Bảy Trâu nhất thiết không để cho câu chuyện hôm nay tiết lộ ra ngoài.
Nhưng ngày hôm sau, lúc thím Bảy đem chiếc quần đi nhuộm đen thì thím lại đem cả những chỗ khả nghi về AQ rêu rao với mọi người. May mà thím không nhắc nhở gì đến chuyện cậu Tú có ý "trục xuất" AQ. Nhưng thế cũng đã là một điều bất lợi cho AQ rồi! Trước hết, bác khán tìm ngay vào nhà y lấy quách bức nghi môn. Y cố biện bạch rằng, cái bức nghi môn đó Cụ Cố bảo phải đem lên trình cụ xem đã, nhưng bác khán vẫn nhất định chiếm lấy. Bác lại nhân dịp này vòi thêm một ít "tiền rượu" hàng tháng nữa. Một sự thiệt thòi khác cho AQ là từ hôm ấy về sau, lòng kính nể và sợ sệt của dân làng Mùi đối với y cũng giảm bớt nhiều. Tuy chưa dám khinh ra mặt đâu, nhưng xem có ý đã không muốn lại gần y nữa. Không muốn gần y không phải vì sợ đánh "sật" một cái vào gáy như trước, mà là người ta chỉ "kính nhi viễn chi" nữa thôi.
Một bọn vô công rồi nghề lại cố đi dò xét về AQ cho ra manh mối. Thì AQ cũng chả giấu giếm gì ai cả! Y cứ ngạo nghễ nói toạc tất cả những điều y đã làm. Do đó, người ta mới biết y chẳng qua chỉ là một vai phụ không có gan trèo tường mà cũng không có gan chui ngạch. Y chỉ đứng ở mé ngoài chuyền đồ ra mà thôi. Và, có một đêm, y vừa bệ được một cái gói, còn lão trùm đang chui vào một lần nữa, thì trong nhà hô hoán lên; thế là y chuồn thẳng, và ngay đêm ấy, lập tức bỏ huyện về tuốt làng Mùi. Rồi từ đấy trở đi, y cũng giải nghệ luôn nốt.
Đoạn tiểu sử này càng làm tai hại cho danh giá AQ. Số là xưa nay dân làng Mùi còn giữ cái thái độ "kính nhi viễn chi" với AQ chỉ vì lo y thù hằn. Ai ngờ chẳng qua y chỉ là một thằng ăn trộm mà lại không có gan đi ăn trộm nữa thì quả thật không có gì đáng sợ.