Anna và Leroy không cùng một dân tộc nên mối tình của họ bị cộng đồng dân cư và hai bên dòng họ phản đối mạnh mẽ. Họ phải rời quê hương Colorado đến New Mexico để làm lễ cưới rồi mới quay trở về quê hương sinh sống, nhưng cuộc sống của họ vẫn không được yên ổn.
Vào thời đó, kết hôn ngoại tộc là một chuyện không thể chấp nhận được. Dù cho Anna và Leroy đã có với nhau năm đứa con nhưng họ vẫn thường xuyên phải chịu đựng sự phản đối, từ những cái nhìn khinh bỉ cho đến các lời nói kỳ thị ở những nơi công cộng. May mắn là cả Anna và Leroy đều có đủ lý trí và lòng can đảm để vượt qua. Họ thật sự hạnh phúc khi bước vào mái ấm của mình.
Vượt lên sự kỳ thị chủng tộc, Anna không những có được một gia đình hạnh phúc mà còn trở thành chủ tịch của Tổ chức bình đẳng sắc tộc tại địa phương. Bà luôn mong muốn mọi người có cái nhìn cởi mở hơn với những người có hoàn cảnh như bà. Anna nhớ lại: "Khi người ta nhìn tôi và Leroy, họ sẽ nghĩ ra vô số chuyện về chúng tôi. Tôi cũng muốn nghĩ rằng họ không còn thiển cận, nhưng họ vẫn thế".
Tuy nhiên, Anna không thích đắm mình mãi trong những giây phút đau lòng. Bà tập trung hướng đến những khoảnh khắc ngọt ngào vì bà cảm nhận được trọn vẹn giá trị hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình: "Cuộc sống của chúng tôi chưa bao giờ dễ dàng, nhưng nó thật tuyệt diệu. Và tuy tốc độ phát triển có chậm hơn mong muốn nhưng xã hội vẫn tiến bộ, mọi người đã ý thức hơn về một thế giới trong đó chúng ta gắn bó với nhau như những con người bình đẳng".
Xã hội ngày càng phát triển và suy nghĩ của con người ngày càng cởi mở hơn. Chúng ta đừng phá vỡ các mối quan hệ bằng những định kiến hẹp hòi, cổ hủ. Số liệu những cuộc hôn nhân hợp chủng bền vững cao gấp ba lần những cuộc hôn nhân đa chủng hay bị tách biệt khỏi cộng đồng là một minh chứng cho thói quen chậm thay đổi quan niệm ở mỗi chúng ta.