Khách Quý Rắc Rối
Trên bến cảng bên ngoài thành Thọ Dương, giờ lành đã đến, tiếng pháo và tiếng chiêng trống vang dội. Dưới sự chủ trì của "Biên Hoang danh sỹ" Trác Cuồng Sinh, nghi thức tuy đơn giản nhưng long trọng để gắn biển "Biên Hoang nhất hào"* cho chiếc lâu thuyền được cử hành.
Chương trình tham quan Biên Hoang không những chấn hưng kinh tế và ngành du lịch Thọ Dương, mà còn làm Thọ Dương trở thành một thành thị được quan tâm nhất ở phương Nam, quan hệ với Biên Hoang tập được cải thiện vô cùng tốt. Từ giờ khắc này, đối với người Thọ Dương mà nói, Biên Hoang không còn là cấm địa hiểm cảnh nữa, mà là phúc địa tràn đầy hy vọng.
Hàng vạn người Thọ Dương đến tham gia lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên tham quan Biên Hoang. Chỉ có Hồ Bân vì ngại nên ở lại trong Thái thú phủ trong thành, không tham gia thịnh hội.
Khu bến cảng ngập tràn tiếng hoan hô và hò reo của mọi người. Những lữ khách tham gia chuyến tàu đầu tiên tham quan Biên Hoang được Phượng lão đại ân cần gọi tên, tụ tập lại chỗ tấm ván gỗ làm cầu lần lượt lên thuyền.
Cao Ngạn, Diêu Mãnh, Âm Kỳ, Phương Hồng Sinh và một đám huynh đệ đứng xếp hàng hoan nghênh trên sàn thuyền ngay đầu cầu thang để lữ khách có cảm giác gần gũi như về nhà mình.
Khách nam là chủ yếu. Nữ khách không quá mười lăm người. Hấp dẫn mục quang mọi người nhất đương nhiên là Hương Tố Quân. Không những nét mặt nàng hồng hào xinh đẹp, những đường cong trên thân hình nàng cũng vô cùng động nhân. Vả lại, dáng người nàng vô cùng cân đối, lưng đeo trường kiếm, thần tình kiêu ngạo như thể coi khinh nam tử trong thiên hạ như không, phối hợp với trang phục thanh nhã làm người ta phát sinh cảm giác cao không thể với tới. Đó cũng chính là chỗ làm người khác điên đảo nhất.
Trên khán đài tầng ba giám sát khống chế toàn bộ tình hình là Mộ Dung Chiến, Thác Bạt Nghi và Bàng Nghĩa cũng không hẹn mà cùng phát sinh cảm giác kinh ngạc trước sắc đẹp của nàng.
Sau khi nàng lên sàn thuyền, chỉ lạnh lùng nhìn Cao Ngạn gật đầu, cũng đã làm bọn Cao Ngạn thần hồn bay bổng, suýt chút nữa thì quên mất mình đang đứng đây để làm gì.
Theo sát sau lưng nàng một bước không rời là một tiểu tử tên là Triều Cảnh. Người này là nhất biểu nhân tài, phong lưu tiêu sái như ngọc thụ lâm phong, có phong phạm của một danh sỹ thế gia. Hắn mặc nho sinh, ưỡn ngực thẳng lưng, bước đi như long hành hổ bộ. Hai mắt ẩn giấu thần quang, lưng đeo trường kiếm làm người ta cảm thấy hắn văn võ song toàn, không phải là một nhân vật giang hồ tầm thường.
Khi bọn Cao Ngạn còn đang loay hoay thì một tiểu cô nương Miêu tộc theo sau lão Cố béo đã lên đến sàn thuyền. Nàng dùng khăn che kín mặt, nhưng chỉ với hình dáng cơ thể động nhân đã có thể hấp dẫn sự chú ý của người khác giống như Hương Tố Quân.
Lão béo phệ này thô tục không thể chịu nổi, lão vòng tay chào hỏi ân cần, nhưng không biết tại sao, mọi người nhìn đều cảm thấy chán ghét. Cao Ngạn và Diêu Mãnh càng hận không thể đá cho lão một cước văng khỏi thuyền, chỉ đưa cô nương Miêu tộc kia đến Biên Hoang thôi để nàng có thể làm lại cuộc đời vốn đang trong giai đoạn thanh xuân phơi phới.
Tiểu mỹ nữ Miêu tộc cứ cúi gằm đầu bám sát sau lưng lão Cố béo, được huynh đệ Hoang nhân dẫn đường tiến vào khoang thuyền. Nàng ta không hề nhìn Cao Ngạn hoặc Diêu Mãnh đến nửa mắt làm họ cảm thấy như nàng sống tạm qua những ngày tháng đen tối không có ánh mặt trời dưới dâm uy của Cố lão phệ.
Nhìn theo bóng lưng yêu kiều động nhân của nàng khuất dần vào trong khoang thuyền, hai gã vẫn chưa khôi phục lại thần trí thì tiếng cười lanh lảnh bỗng nổi lên trước mặt suýt chút nữa thì làm bọn gã điếc tai.
Chỉ thấy một gã béo tuổi khoảng hai mươi, chiếc đầu nhỏ bé không so sánh được với thân hình phì nộn đang tươi cười ôm quyền thi lễ với bọn họ.
Nếu như so với lão béo phệ xấu xí lúc nãy thì người này có thể coi là một gã béo dễ nhìn.
Diêu Mãnh nói: "Thì ra là Đàm Bảo, Đàm công tử, có cơ hội sẽ nói chuyện sau nhé. Nếu chúng ta đứng đây nói chuyện sẽ gây trở ngại những người phía sau lên thuyền."
Chỉ nghe Diêu Mãnh nói câu này là biết hắn đã từng bị cái miệng tràng giang đại hải thao thao bất tuyệt của Đàm Bảo làm phiền muốn chết nên mới không khách khí, đi trước một bước bịt miệng gã lại.
Đàm Bảo không hề tỏ vẻ khó chịu, cười bồi thêm: "Một ngày đẹp! Một ngày đẹp! Hôm nay đúng là một ngày vô cùng tốt đẹp. Trời trong xanh, rõ ràng ông trời đã chiếu cố chúng ta. Vị này chắc là Cao gia rồi! Ta chỉ muốn hỏi một câu thôi là khi nào thì lâu thuyền tham quan Biên Hoang tập này sẽ khởi hành thế?"
Khi gã nói "Vị này chắc là Cao gia rồi!" thì ánh mắt đầy vẻ ngưỡng mộ lại nhìn Diêu Mãnh. Hiển nhiên hắn tưởng Diêu Mãnh là Cao Ngạn.
Diêu Mãnh ngạc nhiên: "Ai nói cho ngươi biết ta là Cao gia?"
Đàm Bảo ngây người: "Ngươi không phải là Cao gia sao? Tối qua ngươi đến khách sạn chào hỏi bọn ta…" Tiếp đó, quay sang Âm Kỳ nói tiếp: "Vị tiên sinh này chẳng phải đã giới thiệu ngươi là người chủ trì chuyến tham quan Biên Hoang lần này sao?"
Âm Kỳ điềm đạm đáp: "Là một trong số những người chủ trì. Đàm công tử đã nghe sót mấy chữ rồi!"
Hắn lại chỉ Cao Ngạn nói: "Vị này mới là Cao gia."
Vẻ mặt Đàm Bảo lộ vẻ hồ nghi, trừng trừng nhìn Cao Ngạn.
Phía sau bỗng truyền tới một giọng nói hùng tráng: "Tên tiểu tử béo tròn kia, nếu muốn nói chuyện thì mau lăn sang một bên mà nói cho lão tử, không được cản đường Vương mỗ."
Bọn Cao Ngạn nhìn về phía phát ra tiếng nói, chỉ thấy người đó đứng trong số những khách nhân đang đợi lên thuyền. Thân hình y cao hơn người cao nhất trong bọn tới nửa cái đầu, nhìn qua như hạc giữa bầy gà. Y dáng vẻ thô hào, tuổi tác gần ba mươi, thể hình to lớn hung hãn, lưng đeo trường đao, râu tóc rối bù, có bộ dạng lang bạt không để ý đến bề ngoài, nhưng vẫn có uy thế mười phần hơn người, khiến người khác cảm thấy hắn không tầm thường.
Âm Kỳ quát vọng xuống: "Vương Trấn Ác huynh nói đúng lắm!" Đoạn kéo Đàm Bảo đang nói chuyện sang một bên.
Cao Ngạn định thần ngắm nhìn Vương Trấn Ác. Gã là thủ tịch phong môi của Biên Hoang tập. Võ công tuy chưa ra gì, nhưng nhãn lực lại thuộc loại nhất đẳng. Chỉ nhìn một cái gã đã biết người này võ công cao cường, không dưới Hương Tố Quân và Triều Cảnh, lại làm người ta liên tưởng tới loại tử sỹ và thích khách.
Tiếng Diêu Mãnh bên cạnh gã nói: "Cao gia! Đây là Lưu Mục Chi, Lưu tiên sinh."
Lưu Mục Chi mặc trang phục văn sĩ, vai đeo bọc hành lý, tay xách một rương nhỏ bằng trúc. Bề ngoài chỉ là một người đọc sách tầm thường. Tuổi tác chừng ba lăm ba sáu, có một chòm râu rất đẹp làm người ta chú ý. Hắn không những có phong thái xuất trần, lại có thân hình cao gầy tiên phong đạo cốt. Hai mắt toát ra vẻ hiền hoà và lấp lánh đầy trí tuệ, làm người ta cảm thấy bên trong vẻ văn nhược thư sinh đó có ẩn tàng một cỗ lực lượng to lớn.
Hắn tuyệt không giống một con mọt sách, sách không lúc nào rời tay như Phượng Tường đã hình dung.
Lưu Mục Chi tiêu sái chào hỏi bọn họ rồi theo một huynh đệ Hoang nhân vào trong khoang thuyền.
Lúc này, Âm Kỳ tay nắm vai Đàm Bảo quay lại rồi sai người dẫn hắn vào phòng đã được chỉ định. Âm Kỳ đến bên Cao Ngạn, thì thầm vào tai gã: "Đàm tiểu tử khẳng định là vì tránh hoạ mới tham gia du ngoạn Biên Hoang. Vì thế hắn mới ra sức lôi kéo bọn ta hơn những người khác."
Khách nhân tiếp tục lũ lượt lên thuyền.
Đến khi Vương Trấn Ác bước lên sàn thuyền, Âm Kỳ, Cao Ngạn và Phương Hồng Sinh không hẹn mà cùng ngấm ngầm giới bị, đề phòng hắn đột nhiên biến thành thích khách hành động. May là Vương Trấn Ác chỉ lãnh đạm chào một tiếng rồi tự tiến vào trong khoang.
Người cuối cùng đi lên chính là Trác Cuồng Sinh. Lão cười: "Xin Cao gia hạ lệnh khai thuyền."
Cao Ngạn hứng chí phát xuất mệnh lệnh. Chiếc "Hoang mộng nhất hào" từ từ rời bến trong tiếng hò reo của quần chúng trên bờ.
Cao Ngạn cười: "Tên tiểu tử Đàm Bảo quả là hồ đồ, làm sao lại tưởng tiểu Diêu là lão tử ta? Đến một người anh minh thần võ nhất mà hắn cũng không biết, làm sao vỗ mông ngựa được đây?"
Âm Kỳ cười: "Không phải là hắn hồ đồ, mà là ta cố ý làm bọn họ nhận lầm Diêu Mãnh là lão ca ngươi đó."
Diêu Mãnh giật mình kinh hãi hỏi: "Ngươi sao không sớm nói cho ta biết để ta chuẩn bị. Nếu bị thích khách tưởng ta là Cao tiểu tử rồi làm thịt thì ta chết đi như một tên quỷ hồ đồ à?"
Âm Kỳ nhát gừng: "Có ta bên cạnh, ngươi chẳng phải là đã mạnh càng mạnh, còn sợ ai nữa?"
Trác Cuồng Sinh giơ ngón tay cái lên khen Âm Kỳ: "Đúng là chiêu rất hay để thử thách. Chúng ta có nên thanh minh chuyện này với khách nhân không?"
Âm Kỳ đáp: "Cứ để nhập nhằng một chút thế càng tốt…."
Bỗng nhiên trong khoang thuyền vọng ra tiếng tranh cãi.
Năm người không dám nói chuyện phiếm nữa, thầm nghĩ chẳng lẽ hành khách vừa mới lên thuyền đã phát sinh tranh chấp rồi, thật là khó phục vụ họ.
Khi họ vẫn chưa biết là chuyện gì thì một gã thiếu niên cao thủ Triều Cảnh nổi giận bừng bừng chạy ra cửa khoang quát lớn: "Ai là người chủ trì con thuyền này?"
Âm Kỳ nhẹ nhàng đáp: "Mọi người ở đây đều là người phụ trách. Triều công tử có chỗ nào bất mãn chăng?"
Triều Cảnh hơi ngạc nhiên, tựa hồ hắn do dự không biết nên nói với ai trong số năm vị này. Hắn tức giận gầm lên: "Thế này là thế nào? Ta đã sớm nói là phải ở căn phòng sát vách với phòng Hương tiểu thư. Bây giờ không chỉ là cách hai phòng, mà là một ở tầng trên trời, một ở tầng dưới đất. Các ngươi để ta ở tầng ba cao nhất, nàng ta lại ở tầng thấp nhất là tầng một. Các ngươi tính toán thế nào vậy?"
Cao Ngạn cười bồi: "Xin Triều huynh bớt giận. Ngươi yêu cầu với ai vậy?"
Triều Cảnh đưa mắt nhìn Cao Ngạn, mặt lộ sát khí, chắc là hắn bất mãn Cao Ngạn hỏi hắn như thế. Sắc mặt hắn lại hoà hoãn lại, cho thấy hắn đã phục hồi sự lạnh lùng của một cao thủ, trầm giọng: "Là một người họ Phượng. Ngươi tưởng ta nói lung tung chăng?"
Phương Hồng Sinh nói đỡ: "Triều công tử hiểu nhầm rồi. Cao gia chỉ muốn biết xem người nào trong bọn ta đã sơ suất thôi."
Chỉ cần nhìn cách Triều Cảnh gọi Phượng lão đại, đại danh đỉnh đỉnh là "một người họ Phượng" là đủ biết hắn trong mắt không coi ai ra gì. Không những không xem đệ nhất đại bang của Thọ Dương ra gì, mà còn không để Hoang nhân vào trong mắt nữa.
Trác Cuồng Sinh theo dõi toàn bộ câu chuyện, đương nhiên không tính toán gì với hắn. Lão cười nhẹ tiếp lời: "Xin hỏi Triều công tử, Phượng lão đại lúc đó đã đáp ứng yêu cầu đặc biệt của công tử như thế nào?"
Song mục Triều Cảnh loé tinh quang, đặt tay lên cán kiếm trên lưng. Lập tức mọi người cảm thấy hàn khí bức tới, trong lòng vô cùng ngạc nhiên, biết người này võ công cực cao, hơn cả dự tính của họ.
Ai nghĩ trong đám du khách tham gia chuyến du lịch này lại có một kiếm thủ siêu phàm đáng sợ như thế. Hơn nữa, một lời không hợp hắn liền định dùng võ lực uy hiếp.
Diêu Mãnh là cao thủ số một của Dạ Oa tộc. Bản thân luôn luôn kiệt ngạo bất thuần**, làm sao tiêu thụ được nỗi tức này. Nhưng vì nghĩ cho đại cục nên hắn không muốn thuyền chưa rời khỏi Dĩnh Khẩu đã phải gặp cảnh đổ máu. Miễn cưỡng áp chế tính khí trong lòng, nhưng vẫn không khách khí, cười lạnh hỏi: "Triều huynh rốt cuộc là yêu cầu đổi phòng hay là muốn làm loạn đây?"
Triều Cảnh đưa mắt nhìn Diêu Mãnh, tinh quang lấp loáng. Mọi người đều đang đề phòng hắn xuất thủ thì Triều Cảnh lại bỏ tay khỏi cán kiếm, tỏ vẻ nhẫn nại, không vui nói: "Lão nói rằng sau khi lên thuyền sẽ tự có an bài thoả đáng."
Mọi người thầm nghĩ Phượng lão đại quả là lão giang hồ, đã chuyển củ khoai nóng bỏng này sang chỗ họ.
Bọn Trác Cuồng Sinh đều cảm thấy khó xử. Đổi phòng chỉ là việc nhỏ, vấn đề là phá vỡ sự an bài sắp xếp để đảm bảo an ninh của họ. Nhìn thần thái ngang ngược và ngông cuồng của Triều Cảnh thì nếu không đạt mục đích có vẻ như hắn sẽ không chịu dừng lại. Việc này thật không biết nên giải quyết thế nào.
Cao Ngạn cười hi hi nói: "Tầng dưới chuyên dành cho nữ quyến đi một mình, do tỷ muội Hoang nhân bọn ta phục vụ. Nếu an trí Triều huynh xuống tầng dưới thì chỉ sợ không được tiện lắm! Hắc! Ta có một đề nghị hay là nếu Triều huynh có thể thuyết phục được Hương tiểu thư, mời nàng ta chuyển lên tầng ba thì bọn ta quyết sẽ không dị nghị gì. Triều huynh có đồng ý cách giải quyết đó không?"
Mọi người thầm khen tuyệt, nghĩ tên tiểu tử Cao Ngạn này quả có chút thông minh. Chỉ vài câu là chuyển hết trách nhiệm giải quyết cho tên xú tiểu tử mục trung vô nhân đó.
Triều Cảnh ngây người một lát, rồi sắc mặt lúc đỏ lúc trắng, muốn nói lại thôi. Bỗng nhiên xoay mình, phẩy tay trở vào trong khoang thuyền.
Trác Cuồng Sinh nhìn theo lưng hắn than: "Ta dám đánh cuộc tên tiểu tử này tham gia du ngoạn Biên Hoang khẳng định là có mưu đồ khác. Nếu không thì hắn đã không nhẫn nhịn như thế."
Mọi người đều có cùng cảm nhận, nhưng ai cũng thấy phiền phức. Chỉ còn cách đi một bước tính một bước mà thôi. Chẳng lẽ lại đem những khách nhân khả nghi xuống hầm thuyền nghiêm hình bức cung sao?"
Thạch Đầu thành nằm ở phía tây nam chân Thạch Đầu sơn. Chu vi bảy dặm một trăm bộ, thân thành dùng nham thạch thiên nhiên của Thạch Đầu sơn tạo thành, dựa vào thế núi mà xây dựng. Hai mặt tây, bắc có sông nước, tận cùng là vách núi dựng đứng, thành cao hào sâu, vô cùng hiểm yếu. Tường thành dùng gạch xây vừa dầy vừa chắc chắn, làm Thạch Đầu thành trở nên một căn cứ quân sự quan trọng ở tây bắc Kiến Khang.
Ở phía tây Thạch Đầu thành có một khối nham thạch màu đỏ tím nhô hẳn ra. Vì mưa gió bào mòn, tạo thành bề mặt lồi lõm loang lổ, trông xa như là một khuôn mặt quỷ khổng lồ. Vì thế Thạch Đầu thành còn bị gọi vui là Quỷ Diện thành. Truyện được copy tại
Trong thành có xây dựng kho Thạch Đầu, tàng trữ vật phẩm quân dụng. Kiến trúc cao nhất trong thành là phong hỏa đài***, là tổng đài phong hỏa của khu vực Kiến Khang.
Những chỗ hiểm yếu bên sông ở thượng du và hạ du đều thiết lập phong hỏa đài nên chỉ cần phong hỏa ở Thạch Đầu Thành nổi lên thì chỉ trong vòng nửa ngày có thể truyền khắp dải Trường Giang, đến tận Giang Lăng.
Thạch Đầu thành là trọng trấn và căn cứ thuỷ sư quan trọng nhất mặt tây của quân đô thành Kiến Khang. Trong bất cứ tình huống nào, triều đình Kiến Khang tuyệt không cho phép thế lực khác chiếm giữ Thạch Đầu thành.
Ngày trước, Tạ Huyền chỉ cần đoạt Thạch Đầu thành là có thể bức Tư Mã Diệu và Tư Mã Đạo Tử không thể không nhất nhất đáp ứng mọi yêu cầu của ông ta. Chúng chỉ còn cách ngồi nhìn Tạ An ung dung rời Kiến Khang đến Quảng Lăng.
Lần này, Lưu Lao Chi dùng sức mạnh lấy Thạch Đầu thành làm nơi đóng quân của Bắc Phủ binh, quả thật đã xúc phạm đến đại kỵ của triều đình họ Tư Mã. Lưu Lao Chi không phải là không hiểu vấn đề này, nhưng thế còn tốt hơn là bị Tư Mã Đạo Tử hại chết rồi do Tạ Diễm đến thay thế hắn.
Trong tình hình vi diệu như thế, Lưu Dụ mạo hiểm tranh thủ sự ủng hộ tạm thời của cha con Tư Mã Đạo Tử. Quan hệ kiểu này tuyệt không thể lâu dài. Nhưng cái mà Lưu Dụ cần chỉ là một cơ hội. Cơ hội đó có tới hay không còn phải xem sự phối hợp của các điều kiện khác nữa. Mọi sự đều chưa thể biết được.
Lưu Dụ theo bờ sông tiến lại thấy chỗ bến thuyền của Thạch Đầu thành có đậu gần năm mươi chiến thuyền của thuỷ sư Bắc Phủ binh. Có thể tưởng tượng nếu tiến hành y theo kế hoạch thì Bắc Phủ đại quân sẽ chia thành hai đường thuỷ bộ tiến quân về phía nam. Bộ binh do Tạ Diễm chỉ huy, thuỷ quân do Lưu Lao Chi chủ trì, đến bờ Nam duyên hải Đại Giang sẽ phối hợp với bộ binh tác chiến.
Lưu Lao Chi khẳng khái nghe lời như thế sao? Từ khi Tấn thất chuyển về phương Nam, vấn đề nội bộ của Tấn thất luôn chưa được giải quyết triệt để. Vào thời Tạ An chủ trì chính trị, ông ta luôn toàn lực điều hoà quan hệ giữa trung ương và địa phương. Cũng vì Hoàn Xung tính cách ôn hoà nên giữa Kinh Dương mới được bình an vô sự.
Đến khi Tạ An và Tạ Huyền liên tiếp mất đi, Tấn thất mất hai đại trụ cột. Thêm vào đó, Tư Mã Đạo Tử chuyên quyền quá đáng, chuyên dùng bọn nịnh bợ, hối lộ ngang nhiên, chính sự càng lúc càng loạn. Khi Tôn Ân thừa cơ khởi sự, Bắc Phủ hùng binh lại rơi vào tay người đầy dã tâm là Lưu Lao Chi. Nam phương rốt cuộc sẽ biến thành một trường thối nát rối bời thế nào, Lưu Dụ thật không dám tưởng tượng. Gã cũng hoài nghi kể cả nếu mình có thể nắm quyền Bắc Phủ binh thì có đủ sức vãn hồi hay không.
Đương nhiên, con đường đó còn rất dài và đầy gian khổ. Nhưng ít nhất thì hiện tại gã đã tranh thủ được không gian dễ thở hơn một chút. Chỉ đợi khi gặp Lưu Lao Chi xem thằng cha này sẽ nói gì.
Tư Mã Đạo Tử quyết sẽ không nói rõ tạm thời dừng các kế hoạch đối phó Lưu Dụ gã. Vì thế, Lưu Lao Chi sẽ tìm thiên phương bách kế để hại chết gã, chỉ xem xem là hắn tự tay hạ thủ hay là mượn sức người khác để đạt được mục đích.
Gã và Lưu Lao Chi đã ở vào tình cảnh xung khắc như nước với lửa. Có thể nói, một ngày Lưu Dụ gã còn tại thế thì Lưu Lao Chi chưa thể ngồi yên trên ghế Bắc Phủ đại thống lĩnh.
Ý nghĩ này đang nối tiếp ý nghĩ khác thì gã đã đến Thạch Đầu thành.
Thạch Đầu thành phía trước có hai cổng, mặt nam có hai cổng, mặt đông một cổng còn mặt tây bắc giáp sông.
Lưu Dụ theo đường dịch đạo**** ven sông để đến Đông môn thì có một đội kỵ mã từ phía sau phi đến làm cát bụi bốc lên mù trời.
Lưu Dụ tránh vào bên đường cho mã đội chạy qua. Thấy họ như cơn gió phóng thẳng vào trong thành, trong lòng bất chợt nổi lên cảm giác mình là người cô độc ngoài cuộc.
Những kỵ sỹ vừa chạy qua gã không biết một ai. Họ hiển nhiên cũng không biết Lưu Dụ gã là người nào. Hoặc có thể những người đó là tân binh mới được chiêu mộ!
Suy nghĩ đó làm gã phát sinh cảm giác cổ quái xa lạ đối với Bắc Phủ binh.
Trong tâm tình đó, nghĩ đến việc mình có thể thay thế vị trí của Lưu Lao Chi, bỗng nhiên trở nên xa rời hiện thực, thật là hy vọng ngông cuồng không thực tế.
Lưu Dụ ngấm ngầm thở dài, đè nén tâm tình đi thẳng về phía đông môn Thạch Đầu thành.
Lính giữ cổng lộ vẻ chú ý, một người quát lớn: "Dừng bước!"
Lưu Dụ đứng lại, báo lên tên tuổi cấp bậc.
Bỗng có hơn mười người từ Đông môn xông ra. Tiểu tướng đi đầu quát lớn: "Người đến quả thực là Lưu Dụ sao?"
Lưu Dụ ngấm ngầm cảm thấy không thỏa đáng gắng hỏi: "Chính là bản nhân. Có vấn đề gì sao?"
Tiểu tướng lại quát: "Phụng lệnh Đại thống lĩnh, lập tức áp giải Lưu Dụ đến trước mặt Đại thống lĩnh. Lưu Dụ ngươi nếu thức thời vụ thì không nên phản kháng. Nếu không, sẽ phải đau khổ đó. Động thủ cho ta!"
Lưu Dụ thấy bọn lính canh cổng như hổ báo xông tới, tâm thần kịch chấn, thầm nghĩ chẳng lẽ Lưu Lao Chi dám công nhiên giết gã như thế. Hay là hắn muốn bức gã xuất đao giết người, phạm vào tội phản loạn làm gã vĩnh viễn không thể trở về Bắc Phủ binh, chỉ còn cách sợ tội mà trốn đến Biên Hoang tập.
Gã đang nghiến răng tức giận thì thân thể đã bị bảy tám thứ binh khí dài ngắn khác nhau chĩa vào.
Lưu Dụ cười nhẹ: "Huynh đệ! Nhẹ tay một chút đi. Không nên coi thường mạng người a!"
Nếu đổi lại là trước khi gã đạt thành hiệp nghị với Tư Mã Đạo Tử thì gã khẳng định mình sẽ vung đao phản kháng. Giờ thì gã không thể không lấy cái mạng nhỏ của mình ra mà đặt cược một ván, xem Lưu Lao Chi có thể lấy cớ gì mà giết gã được?
Chú thích:
* nhất hào = số một
**Cương quyết không chịu phục tùng
*** Đài đốt lửa hiệu
**** Đường chuyển thư tín (đường chuyển công văn thư tín thời xưa, dọc hai bên đường có xây những trạm dịch)