Giới tư bản kếch xù ở Đức hùn vốn lại kinh doanh. Khắp thế giới đâu đâu cũng thấy chúng quảng cáo rùm beng:
Xin mời quý khách mua
“BỘT NHÀO VÔ TẬN”
Ngon! Bổ!
Một cân đủ nuôi sống con người ta suốt đời!
Trong lời quảng cáo trên chỉ thiếu một điểm: chưa nói gì đến giá rẻ của “bột”. Rodenstock và Krisman tranh cãi với nhau rất lâu về giá cả. Krisman kiên quyết chủ trương ban đầu bán “bột” với giá đắt, chỉ những gia đình giàu có mới mua nổi:
- Chúng ta sẽ moi từ hầu bao bọn có máu mặt một món bở đã, rồi mới tung “bột” ra bán với giá rẻ cho quảng đại quần chúng.
Rodenstock phản dối chử trương đó:
- Ngài chớ nên quên rằng một cân “bột” rất nhanh chóng biến thành hai cân. Người ta sẽ đầu cơ “bột”. Chúng ta không thể nào cấm người mua bán lại thứ “bột” đó. Chúng ta phải rất nhanh chóng tiến hành chiến dịch của chúng ta để thu hồi vốn và kiếm một món lãi trước khi số “bột” đưa ra thị trường bị bọn đầu cơ phá giá.
Chẳng bao lâu “bột” xuống giá, nhưng do một nguyên nhân khác: những gia đình giàu có tỏ thái độ hoài nghi đối với thứ “bột” đó. Họ không muốn từ bờ bao nhiêu món sơn hào hải vị đầy hấp dẫn để ngồi ăn cái thứ bột đã gây cho họ cảm giác kinh tởm ấy.
Còn những người nghèo chỉ háo hức đổ xô vào mua khi giá “bột” đã rẻ hơn.
Các nhân viên của công ty len lỏi khắp mọi ngõ ngách trên thế giới. Hàng nghìn mẫu hàng, cuộn phim và các nhà quảng cáo đã giới thiệu với khách hàng những phẩm chất tuyệt diệu và tiện lợi của “bột mì vĩnh cửu”. Việc kinh doanh của công ty thu được kết quả rực rỡ hơn. Song cuộc đấu tranh xoay quanh “bột mì” chẳng bao lâu lại bùng ra.
Lần này thì giáo sư Broie là người đi khai chiến. Khi giáo sư biết tin một công ty cổ phần đã tung “bột mì vĩnh cửu” ra thị trường, ông liền gửi cho các tòa soạn của nhiều tờ báo một bức thư ngỏ kịch liệt phản đối việc sử dụng phát minh của ông. Ông kiên quyết đòi chính phủ phải đình chỉ ngay hoạt động của công ty.
“Tôi đã bỏ ra bốn mươi năm trời của đời mình, - Giáo sư viết - không phải để đem phát minh của mình làm giàu cho một nhúm người đầu cơ. Tôi phản đối điều đó. Nhưng điều khiến tôi phản đối kịch liệt hơn, chính là việc người ta đem phát minh của tôi phổ biến rộng rãi vào lúc tôi chưa hoàn thành công cuộc thí nghiệm của mình. Đó không những là một sự vi phạm ngang ngược đối với bản quyền tác giả, mà còn là mối đe dọa đối với xã hội, bởi vì “bột” chưa được nghiên cứu xong là một chất dinh dưỡng mới”.
- Lão ta muốn dọa nạt khách hàng của chúng ta, - Krisman nói khi đọc xong bức thư của giáo sư - một việc làm vô ích. Chúng ta có những nhận xét của các bác sĩ về tính chất vô hại của “bột” và giấy phép của hội đồng giám định y khoa. Tất cả những người ăn “bột” của chúng ta đều rất khỏe mạnh, chịu ơn chúng ta và là phương tiện quảng cáo tốt nhất cho chúng ta. Không, thưa ngài giáo sư, ngài đã chậm rồi, và ngài sẽ không phá nổi công việc của chúng tôi đâu!
Tuy nhiên, bức thư của giáo sư đã gây ra một ấn tượng mạnh mẽ trong xã hội. Những cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra. Chính phủ thấy mình đã sai lầm khi cho phép một công ty cổ phần kinh doanh “bột mì vĩnh cửu”.
“Bột mì vĩnh cửu” xuất hiện trên thị trường làm đảo lộn giá cả hàng hóa. Toàn bộ giới tư bản thương mại và công nghiệp sống trong tình trạng cực kỳ lo âu, hồi hộp. “Bột mì vĩnh cửu” là phương tiện tác động vô cùng mạnh mẽ đến nền kinh tế không chỉ ở một nước mà trên phạm vi toàn thế giới, một phương tiện như vậy không thể để lọt vào tư nhân được.
Các báo chí của chính phủ đã chứng minh rằng nhà nước phải tuyên bố độc quyền kinh doanh đối với thứ “bột” đó.
Các báo chí của công nhân không tán thành ý kiến ấy. Dựa vào nguyện vọng của người phát minh, họ đòi phải tuyên bố “bột” là tài sản chung và phải được đem ra phát không cho tất cả mọi người.
Trong khi các cuộc tranh luận sôi nổi nói trên đang tiếp diễn thì ở làng chài, những sự kiện mới lại tiếp tục xảy ra.
Vào một buổi sáng mùa xuân, dân chài sửng sốt trước một cảnh tượng khác thường. Giáo sư Broie tay vung vẩy, đầu trần, tóc rối bù tất bật chạy trên đường làng về phía ngôi nhà mới của lão Hans. Lão Hans vừa ngủ dậy và đang thưởng thức món cà-phê kem sữa thơm phức cùng với người hầu gái của mình. Nhìn thầy giáo sư, theo thói quen cũ, lão kính cẩn đứng dậy, chỉ chiếc ghế bành tiện nghi bên cạnh mình và nói:
- Xin kính mời giáo sư ngồi. Ngài có uống cà-phê không ạ?
Giáo sư mệt lử gieo mình xuống chiếc ghế bành.
Ông mệt vì chạy nhanh đến nỗi không nói được nên lời và chỉ lắc đầu từ chối. Nghĩ một chút, giáo sư nói:
- Ông Hans, ông còn thứ “bột” mà tôi đã cho ông không?
Lão Hans rất cảnh giác:
- Không ạ, thưa ngài giáo sư. Tôi xin nhận lỗi. Tính yếu đuối của con người đã khiến tôi phạm lỗi. Thấy mọi người bán, nên tôi cũng bán. Còn ít “bột” cuối cùng tôi cũng đã nướng nốt vào sòng bạc mất rồi.
Giáo sư trừng mắt nghiêm khắc nhìn thẳng vào lão Hans khiến lão không chịu nổi phải quay mặt đi.
- Ông nói thật đấy chứ, ông Hans?
- Thưa, quả là tôi nói thật đấy ạ.
- Tôi không tin ông, ông Hans ạ, ông đã nhiều lần lừa dối tôi. Ông đã nuốt lời hứa.
- Tôi xin nhận lỗi, thưa ngài giáo sư.
Broie bực tức xua tay:
- Bây giờ không phải lúc xin lỗi. Ông có biết ông làm gì không, ông Hans? Vì không nghe lời tôi, ông đã gây ra biết bao nhiêu tai họa và sẽ còn gây ra nhiều chuyện rắc rối nữa. Ông hãy chú ý nghe tôi, ông Hans. Hiện nay, tôi đã làm thí nghiệm xong xuôi thứ “bột” đó. Tôi khẳng định là không nên ăn “bột”. Con chó mà tôi cho ăn “bột” trước ông một tuần đã lăn ra chết một cách thảm thương. Và nếu ông không chịu trả lại tôi ngay bây giờ toàn bộ số “bột” còn lại của ông thì ông cũng sẽ chết một cách đau đớn. ông sẽ xạm người lại, cơn kinh giật sẽ quật ông ngã xuống, ông sẽ sùi bọt mép như một người mắc bệnh dại. Và ông sẽ chết.
Lão Hans tái mặt đi, ngồi xê ra mép ghế. Chết cơ à! Đã lâu lão không nghĩ đến cái chết lão tận hưởng một cuộc sống an nhàn, phè phỡn. Chết bây giờ chăng? Không được uống cà-phê kem sữa phải rời bỏ những chiếc ghế bành mềm mại và những cái đệm giường độn lông chim êm ru ư? Không, thế thì kinh khủng quá!
Lão nhìn giáo sư, và bỗng mắt lão ánh lên một vẻ ranh ma:
- Còn ngài, thưa giáo sư? Ngài chẳng bảo rằng ngài cũng đã ăn “bột” đó đấy ư? Ngài cũng sẽ về chầu giời à?
Broie bối rối, nhưng ông trấn tĩnh ngay:
- Phải, có lẽ cả tôi cũng sẽ chết. Nhưng tôi đã uống thuốc giải độc.
- Thế thì lẽ tất nhiên ngài cũng sẽ không từ chối cho tôi thuốc giải độc chứ?
- Không, tôi không cho - Broie giận dữ trả lời cộc lốc - Dù rằng như thế tôi có phải tội đi chăng nữa, tôi vẫn không cho ông thuốc giải độc đâu. Ông có tội, ông phải hứng lấy hậu quả. Nếu ông muốn sống thì, yêu cầu ông mang “bột” ra đây ngay bây giờ.
Lão Hans tươi tỉnh hẳn lên:
- Được thế thì việc gì phải bàn cãi nữa. Không ai muốn chết cả. Tôi xin mang lại đây ngay bây giờ, thưa ngài giáo sư.
Lão Hans đi sang một phòng khác, khép ngay cửa lại, tìm tòi mãi ở trong ấy và sau cùng lão bước ra. Lão thở dài mệt nhọc, đưa “bột” cho giáo sư.
Broie nhìn kỹ vào chiếc hộp kim loại cỡ nhỏ.
- Tất cả đấy chứ?
- Chả lẽ tôi lại lừa dối ngài một lần nữa hay sao, thưa giáo sư...
- Tốt lắm. Nếu ông lừa dối thì chỉ có hại cho ông thôi.
- Thế còn thuốc giải độc cho tôi, thưa ngài giáo sư?
- Tôi sẽ đem đến cho ông. Ông không lo.
Khi Broie bước ra khỏi phòng, lão Hans đắc chí phá lên cười ha hả, lão quay lại phía người hầu gái của mình và nói:
- Tao vẫn để lại cho mình một ít “bột”. Rất ít thôi. Tao thấy giáo sư cũng đã giấu diếm. Đó không phải là đầu độc nữa, ông ta lấy “bột” để đối lấy một thứ gì khác chứ.
Trước cửa nhà lão Hans, dân chài đã tập trung rất đông chờ nghe tin tức sốt dẻo của lão. Nhưng họ lại được nghe chính giáo sư báo cho họ tin đó. Ông cũng nói với họ những lời lẽ như ông vừa nói với lão Hans. Ông cam đoan với họ rằng sau một tuần lễ nữa họ sẽ chết, nếu không uống thuốc giải độc.
Còn thuốc giải độc, ông hứa sẽ đưa cho họ, nếu họ chịu mang “bột” lại đổi lấy thuốc. Đám dân chài nghe, người thì ngạc nhiên, kẻ thì hoảng sợ. Nhưng cả bọn đều cam đoan rằng họ không còn đến một hột “bột” nào. Họ nói đã bán hoặc nướng vào sòng bạc cả rồi.
Giáo sư giậm chân, thét lên dọa họ, nhưng chẳng có hiệu quả gì. Ông vẫn không thu lại được tí “bột” nào, nhưng vẫn phải cho họ thuốc giải độc. Chỉ có ba người hứa sẽ mang “bột” lại. Còn những người khác tỏ thái độ thù địch ra mặt.
- Hứa phát không cho mọi người bây giờ lại đòi thu lại sạch!
- Nếu mày đã đầu độc, thì mày cũng phải giải độc cho chúng tao chứ! - Những tiếng la hét đe dọa vang lên.
- Hỡi những kẻ bất hạnh, mong rằng bà con hãy hiểu cho tôi, tôi rất thương và lo lắng cho bà con...
- Chúng tao biết mày thương như thế nào rồi...
- Chính bà con không biết những tai họa gì, những nỗi khủng khiếp nào đang chờ đợi bà con đâu.
Hết lời thuyết phục họ mà không có kết quả, giáo sư mệt nhoài ngồi bệt xuống bậc thềm nhà, lấy tay che mặt.
- Kinh khủng thật, kinh khủng thật! - Ông lắc đầu khe khẽ nói.
Một số dân chài tỏ về thương ông:
- Chúng ta nên nộp cho ông ít “bột” để khỏi phiền toái.
Broie nghe thấy câu nói đó. Ông ngẩng đầu nói:
- Nộp toàn bộ hoặc đừng nộp gì cả! Nộp ít một không có tác dụng gì đâu, bà con ạ.
- Ta thật không tài nào hiểu nổi - Một ông lão đánh cá bước lên phía trước nói - Tại sao chúng tôi cứ phải nộp tất cả cho ông thì mới không bị đầu độc?
- Nếu bà con không nộp tất cả thì tôi sẽ không cho thuốc giải độc.
- Tại sao mày không cho chúng tao hả?
Tâm trạng của đám dân chài lại đột ngột thay đổi.
- Nếu mày không cho chúng tao thì mày sẽ phải về chầu trời sớm hơn chúng tao. Mày phải cho chúng tao ngay bây giờ.
Đám đông vây chặt quanh Broie, túm lấy tay ông và lôi giáo sư sềnh sệch về nhà ông như một người bị bắt. Những cánh tay của đám dân chài nhấc bổng ông lên và ông chỉ còn kịp nói như mê sảng:
- Kinh khủng quá!... Tai hại quá!...
Về đến nhà, ông lảo đảo bước vào phòng thí nghiệm của mình và bưng ra một cái bình lớn chứa một chất lỏng trong suốt.
- Đây, đề nghị bà con uống từng ngụm một, mang cho ông Hans một ít và cho tất cả những ai đã ăn “bột”.
Đám dân chài ra về, bàn luận với nhau về hành vi kỳ lạ của giáo sư.
Lão là người mất trí đấy mà.
- Có gì là lạ cơ chứ? Lão ta xưa nay vẫn lập dị như thế.
Còn giáo sư về phòng làm việc của mình, tay run rẩy viết một bức điện gửi một nghị sĩ quen biết:
“Xin ngài báo cho chính phủ phải thu hồi và hủy bỏ ngay lập tức toàn bộ trữ lượng ‘bột mì vĩnh cửu’. Báo ngay điều đó cho các nước khác. Nếu không thì sẽ có sự ngộ độc trên quy mô lớn. Broie”.
Nhà nước đã giành lấy độc quyền kinh doanh “bột mì vĩnh cửu”, do đó muốn thảo luận bức điện của Broie, người ta phải triệu tập một phiên họp nội các. Để tránh tuyệt đối giữ bí mật. Ông bộ trưởng Bộ tài chính vốn đặt hi vọng lớn vào “bột” để cái thiện tình hình tài chính nhà nước và củng cố giá trị đồng mác nên hăng hái thuyết phục các thành viên của nội các đừng quá quan tâm đến bức điện.
- Đó chăng qua chỉ là thủ đoạn xảo tra của nhà phát minh, bất mãn vì không làm nổi vai trò “một vị cứu tinh của nhân loại”, hay đúng hơn đó chỉ cơn mê sảng của một kẻ điên dại. Các giáo sư tài giỏi nhất của chúng ta đã tiến hành phân chất cẩn thận “bột” và không tìm thấy trong “bột” một chất độc hại nào.
Phiên họp rất sôi nổi. Nhưng rút cục mọi người chỉ thỏa thuận với nhau một điểm: không nên vội vã công bố lệnh hủy diệt “bột”, khi việc này chưa được hoàn toàn sáng tỏ. Nội các lập tức ủy nhiệm cho bộ trưởng Bộ y tế dựa vào các chuyên gia nghiên cứu một lần nữa “bột” và cả nhũng người đã ăn thứ “bột” đó. Người ta cũng quyết định cử hai giáo su đến gặp Broie: một bác sĩ tâm thần và một nhà hóa học, là những người quen biết cua Broie, làm ra vẻ bạn hữu hỏi thăm sức khỏe của giáo sư và cố gắng tìm hiểu tai họa gì đang đe dọa những người ăn “bột”.
Vài ngày sau, các bác sĩ được trao nhiệm vụ nghiên cứu “bột” và những người ăn thứ “bột” đó đã đệ trình báo cáo. Họ nói rằng cuộc nghiên cứu “bột” lần này cũng dẫn đến những kết quả giống lần trước. “Bột” rất bổ, giàu sinh tố, dễ tiêu hóa đến mức rất phù hợp với dạ dày của những người ốm và thậm chí cả của trẻ sơ sinh như một chất dinh dưỡng bổ sung cho sữa mẹ và hoàn toàn vô hại. Tất cả những người ăn thứ “bột” này đều cảm thấy mình khỏe khoắn. Những người thiếu máu và kiệt sức đã bình phục sau một thời gian ngắn. Tình trạng sức khỏe của những người ho lao ăn thứ “bột” này đã chuyển biến khá hơn trước rõ rệt.
Bộ trưởng Bộ Thương mại nghe xong bản báo cáo, thở dài nhẹ nhõm:
- Còn tôi, xin thú thực, vì tò mò và vì nhiệm vụ tôi đã nếm thử một miếng “bột” rủi ro đó. Từ khi đọc bức điện của Broie, lúc nào tôi cũng cảm thấy hình như trong dạ dày mình cái thứ trứng ếch sẽ nở ra muôn vàn chú ếch con.
Chẳng bao lâu, hai giáo sư được cử đến đảo Fer cũng đã trở về.
Hai ông báo tin rằng tâm trạng Broie hết sức trầm uất.
- Không thể nói là Broie đã mắc bệnh loạn thần kinh, - Bác sĩ tâm thần báo cáo - nhưng tình trạng hệ thống thán kinh của Broie không được tốt lắm.
Tính tình ông thay đổi đột ngột chứng tỏ ông bị suy nhược thần kinh nặng. Từ trạng thái ức chế hoàn toàn, đột nhiên ông chuyến sang trạng thái hưng phấn mạnh mẽ. Ông đón tiếp chúng tôi không được niềm nở cho lắm. Ông từ chối không chịu cho biết điều gì cụ thể về mối lo lắng của mình. Ông cứ một mực nói: “Kẻ nào gieo gió thì phải gặt bão. Tôi đã làm tròn nghĩa vụ của mình và đã báo trước cho các ông tai họa. Bây giờ xin các ông cứ hành động tùy theo ý muốn của các ông và chịu lấy hoàn toàn trách nhiệm”.
Bản báo cáo này đã làm các vị bộ trưởng bối rối đôi chút. Giá nhà nước chưa độc quyền kinh doanh “bột” thì đỡ lôi thôi biết bao? Nhưng lúc này gánh lấy trách nhiệm cho chính phủ trước một tai họa nào đó... Song, lợi ích thực tế đã thắng. Người ta quyết định không đếm xỉa gì đến bức điện của Broie.
Krisman, người moi được tin về bức điện đó, nói với Rodenstock:
- Chính phủ đã cướp đoạt “bột” của chúng ta. Được thôi? Chúng ta đã kịp thu hồi vốn liếng dù chỉ kiếm được một món lãi không lớn lắm. Bây giờ nếu có xảy ra chuyện gì rắc rối xung quanh thứ “bột” này thì chúng ta cũng sẽ không bị kết tội là đã đầu độc thiên hạ nữa.