Mặt sông nơi này rất rộng, có không ít đội thuyền đang qua lại, có thương thuyền, có thuyền hàng, có thuyền khách, có du thuyền, còn có thuyền đánh cá. Sở Phong hưng phấn nói:
- Thuyền đi trên Đại Vận Hà này thật là tấp nập.
Thuyền gia vừa lúc đang thu bát đũa trong khoang thuyền, nghe được Sở Phong nói thế, bèn nói:
- Công tử, số thuyền trên sông này đã giảm đi rất nhiều rồi, nếu như là hai, ba mươi năm trước thì mới gọi là tấp nập chứ, nhiều thuyền đến nỗi muốn quay đầu cũng không được.
- Vậy ư?
Thuyền gia lại nói tiếp:
- Hàng tơ lụa của Tô Hàng là thiên hạ vô song, Hoài An lại là trung tâm vận chuyển muối, thương gia đem tơ lụa của Tô Hàng cùng muối của Hoài An vận chuyển tới kinh thành buôn bán, thường là thu lãi được gấp mấy lần, khi đó trên mặt sông này tàu thuyền qua lại như mắc cửi, có điều hôm nay đã tàn lụi đi rồi!.
- Đó là vì sao?
Sở Phong kỳ quái hỏi
Thuyền gia thở dài nói :
- Hiện tại bách tính thiên hạ đều là bữa đói bữa no, ngay cả trong kinh cũng không ngoại lệ, ăn đã không đủ no, lại còn phải lo mặc, phải lo lắng trăm điều. Huống hồ các quận huyện ven bờ đều bị vơ vét, các thương thuyền thì bị đánh trọng thuế, lợi tức hàng ngày cũng không đủ để nộp, làm sao có thể không lụi tàn chứ !
Nói xong tự thu dọn bát đũa, đi ra phía sau khoang thuyền.
Ba người trầm mặc một hồi, Sở Phong đột nhiên cười ha ha nói:
- Đội thuyền tuy là đã tàn lụi, nhưng Đại Vận Hà này nối thông nam bắc, dù sao vẫn là không thể thiếu. Tuỳ Dương đế kia nổi danh là bạo quân, có điều cũng làm được cho bách tính một việc có ích!
Thiên Ma Nữ lại nói:
- Tuỳ Dương đế lúc trước khai thông Đại Vận Hà này, chẳng qua là vì muốn khi đi du ngoạn khoe khoang, thuận lợi cho bản thân tới Dương Châu thưởng ngoạn quỳnh hoa, biết bao nhiêu bách tính đã vì thế mà bỏ mạng, nào có ai biết cho!
Ngụy Đích liếc nhìn Thiên Ma Nữ, tiếp lời nói:
- Năm đó Tuỳ Dương đế để mở Đại Vận Hà, đã sử dụng toàn bộ quốc lực sức dân, sưu cao thuế nặng, một lần thu thập mấy trăm vạn dịch đinh, dịch đinh cứ mười người thì chết đến bốn, năm. Sau khi Đại Vận Hà được khai thông, hắn ba lần đi tuần du, đều là sử dụng Thuỷ điện long chu, cực kỳ xa xỉ, nhà Tuỳ cũng chính bởi vậy mà suy vong!
Sở Phong kỳ quái hỏi:
- 'Thuỷ điện long chu' là cái gì ?
Ngụy Đích nói:
- Tuỳ Dương đế mỗi lần đi tuần, đều mang theo tam cung lục viện, cộng thêm bách quan văn võ trong triều, còn bản thân thì cưỡi thuyền lớn cao đến bốn tầng, gọi là "Long chu", còn có đến chín chiếc thuyền lớn ba tầng, gọi là "Thuỷ điện", ngoài ra còn vô số đội thuyền lớn nhỏ, đoàn thuyền tuần du kéo dài đến hơn ba trăm dặm, chỉ riêng số dịch đinh dùng trên các thuyền lớn đã gần vạn người, mà người nào cũng mặc y phục sặc sỡ bóng loáng, sáng chói cả mặt sông, hai bên bờ còn có hơn mười vạn đại quân theo hộ giá, đi đến đâu là các quận huyện ven đường đều dâng lên đồ ăn, toàn là sơn hào hải vị, vô cùng xa xỉ lãng phí, thiên hạ chưa thấy bao giờ. Chỉ riêng việc các quận huyện ven bờ hiến đồ ăn mà nói, đã làm cho không biết bao nhiêu bách tính tan cửa nát nhà, tiếng oán thán vang trời vọng đất!
Sở Phong quay đầu sang hỏi Thiên Ma Nữ:
- Nàng nói Đại Vận Hà này là công hay tội ?
Thiên Ma Nữ trầm mặc một hồi, nói:
- Tội tại đương đại, công tại thiên thu!
Sở Phong gật đầu nói:
- Ta hình như đã nghe ai đó nói qua về Đại Vận Hà này, "Đối với dân Tuỳ, làm hại vô số, đối với dân Đường, làm lợi vô cùng", Tuỳ bị hại mà Đường thì được lợi, chắc cũng chính là ý này đây.
Ngụy Đích nói:
- Đó là lời của Bì Nhât Hưu thời Vãn Đường nói, ông ta còn có hẳn một bài thơ viết về Đại Vận Hà này!
- Ờ?
- Thơ viết:
"Cũng bởi sông này Tuỳ bại vong.
Nhưng nay nghìn dặm sóng vô cùng.
Long chu Thuỷ điện không tồn tại.
Lấy gì so sánh Đại Vũ công"[1]
(tạm dịch)
Sở Phong cười ha ha nói:
- Lấy gì so sánh Đại Vũ công? Ha ha, lại đi so sánh với kỳ công trị thủy của Đại Vũ, xem ra ông Bì Nhật Hưu này rất tôn sùng Đại Vận Hà! Có điều cũng chỉ có dòng Đại Vận Hà cuồn cuộn nghìn dặm này mới có thể chứng kiến thời huy hoàng của triều Tuỳ, cũng coi như so sánh được với Vạn Lý Trường Thành trải dài nghìn dặm có thể chứng kiến sự bá quyền nghìn đời bất diệt của Tần Thuỷ Hoàng!
Ngụy Đích nhìn hắn, cười nói:
- Huynh hay thích cảm khái lịch sử như vậy sao!
Sở Phong thở dài, nói:
- Đừng cười ta, cái đó là do lão đạo sĩ ở trước mặt ta cứ cảm khái này, cảm khái nọ, cho nên dần dần ta cũng thành bộ dạng như vậy.
Ngụy Đích cười "Hích" một tiếng, Thiên Ma Nữ cũng mỉm cười, Ngụy Đích hỏi:
- Lão đạo sĩ cứ cảm khái thế này, cảm khái thế kia, ngươi không cảm thấy phiền à?
- Sao lại phiền? Lão cảm khái thế này, thì ta cảm khái theo thế này, lão cảm khái thế kia, thì ta lại cảm khái theo thế kia, lão nghe ta cảm khái còn rất vui vẻ ấy chứ?
Ngụy Đích lại cười "Hích" một tiếng nói:
- Ta biết vì sao lão đạo sĩ lại dẫn ngươi lên núi rồi, hoá ra là lão gặp được tri âm!
Sở Phong than thở:
- Lão đạo sĩ rất tốt với ta, dạy ta võ công, dạy ta trèo cây, dạy ta nấu nướng, dạy ta viết chữ, dạy ta uống rượu, dạy ta phẩm trà, lại còn thường xuyên kể chuyện xưa cho ta nghe…
- À? Thế lão kể những chuyện gì cho huynh nghe?
- Đa phần là những chuyện về thần tiên ma quái, nhưng cũng rất thú vị, có cơ hội ta từ từ nói cho các nàng nghe, có được không nào?
Ngụy Đích và Thiên Ma Nữ chỉ mỉm cười, nhưng cũng không nói gì.
Sở Phong đột nhiên nói:
- Thiên Ma Nữ, hay là chúng ta dẫn Tiểu Ô ra ngoài, cho nó nhìn nhắm phong cảnh trên sông đi?
Thiên Ma Nữ nói:
- Ngươi biết nó sẽ nhìn phong cảnh trên sông sao?
Sở Phong nói:
- Hai mắt nó so với nắm tay của ta còn lớn hơn, sao lại không nhìn chứ? Huống hồ nó có một mình, khẳng định là đã buồn bực đến phát điên rồi!
Thiên Ma Nữ cười nói:
- Ngươi không phải Tiểu Ô, sao lại biết là nó buồn bực đến phát điên ?
Sở Phong hỏi ngược lại:
- Nàng cũng không phải ta, sao lại biết ta không biết được Tiểu Ô có buồn bực đến phát điên hay không chứ?
Thiên Ma Nữ nghe vậy ngẩn ra, Sở Phong đi đến khoang thuyền phía sau dắt Tiểu Ô đi ra.
Ngụy Đích chợt mở miệng nói:
- Cô nói hắn là người thông minh, sao ta thấy hắn vẫn ngốc vậy?
Lời này của nàng vừa như lẩm bẩm, lại vừa như hỏi Thiên Ma Nữ.
Thiên Ma Nữ nói:
- Hắn có lúc thông minh, có lúc ngốc nghếch, lúc nào cũng khiến người khác không ngờ được!
Sở Phong quả thật đang rất cao hứng kéo Tiểu Ô tới đầu thuyền. Tiểu Ô vừa thấy hai bên đều là mặt sông cuồn cuộn sóng nước, cũng không biết là hưng phấn hay hoảng hốt mà lại nhảy dựng lên.
Oa! Nguy hiểm quá, Tiểu Ô thể hinh to lớn cường tráng, nặng hơn nghìn cân, nó nhảy một bước về phía trước khiến cả chiếc thuyền lớn như vậy cũng bị chìm xuống phần đầu, đuôi thuyền theo đó cũng bị hất lên, Sở Phong, Thiên Ma Nữ, Ngụy Đích bị dọa cho hoảng sợ, suýt nữa bị ngã xuống, Thiên Ma Nữ vội vàng kéo lấy Tiểu Ô, không ngừng quát bên tai nó, Tiểu Ô lúc này mới trấn tĩnh lại, trừng con mắt to như chuông đồng nhìn xuống mặt sông, dường như đang cảm thấy rất mới mẻ.
Thiên Ma Nữ giọng oán trách nói với Sở Phong:
- Ngươi xem, thiếu chút nữa là xảy ra chuyện rồi!
Sở Phong lại nói:
- Tiểu Ô là do nhìn thấy Đại Vận Hà mới kích động vậy chứ, nàng còn nói nó không biết thưởng thức phong cảnh!
Lúc này thuyền gia hai chân run run đang chạy tới, vừa thấy con ngựa đen cao to đang đứng sừng sững ở mũi thuyền thì vô cùng sợ hãi, nói:
- Công tử, việc này… việc này…
Sở Phong vẻ mặt áy náy nói:
- Thuyền gia yên tâm, con ngựa này vốn ở thảo nguyên đã quen, chưa từng thấy qua sông lớn như vậy, nên vừa rồi mới nhất thời hưng phấn quá độ, động tác có hơi quá khích, hiện tại đã không có việc gì rồi, ông cứ yên tâm!
Thuyền gia nhìn thấy Tiểu Ô đang ngẩng đầu đứng yên ở mũi thuyền, thấy cũng có thể yên tâm, nhưng thuyền này chính là vốn liếng duy nhất của lão, nên bèn năn nỉ:
- Công tử, chiếc thuyền cũ kỹ này của lão không chịu nổi những chấn động như vừa rồi nữa đâu, hay là công tử cứ mang con ngựa này ra đằng sau đi…
Sở Phong vỗ ngực nói:
- Thuyền gia cứ yên tâm là sẽ không có việc gì, chắc chắn là không có việc gì, cho dù thuyền có bị lật thật đi nữa, thì ta cũng có thể đem nó lật lại như cũ.
Thuyền gia vừa nghe xong, càng thêm lo lắng, giọng cầu xin nói:
- Xin công tử thương xót, lão còn phải dựa vào thuyền này…
Sở Phong thấy mất hứng, trừng mắt:
- Thuyền gia ta đã nói không việc gì là sẽ không có việc gì!
Thuyền gia vừa nhìn thấy thần sắc của Sở Phong, không dám nói thêm nữa, đành miễn cưỡng lui về phía sau.
Thiên Ma Nữ nhìn Sở Phong nói:
- Ngươi không nên đối xử với thuyền gia như vậy !
Sở Phong nói:
- Ta mà không hung hăng như vậy, thì ông ta vẫn còn dông dài không để yên đâu!
Ngụy Đích nói:
- Thuyền gia cũng khó khăn lắm, nghề chở khách này cũng miễn cưỡng cũng chỉ lo được hai bữa cơm trong ngày thôi.
Sở Phong lại không đồng ý nói:
- Các nàng sao lại người xướng người hoạ thế. Ta phải đem toàn bộ ngân lượng trong người ra mới mượn được thuyền này đấy.
Ngụy Đích lắc đầu nói:
- Huynh cho là ngươi đã trả cho thuyền gia rất nhiều tiền sao? Ngân lượng này một nửa phải giao cho châu phủ làm thuế ngân, nửa còn lại cũng phải nộp cho quận huyện làm phú ngân một nửa, lại phải nộp chút "Hiếu kính" cho "Đại gia" ở địa phương, cuối cùng thuyền gia chỉ được hưởng phần ít ỏi còn lại.
Sở Phong khoa tay múa chân, ngạc nhiên nói:
- Nói vậy số tiền ông ta nhận được chỉ còn một phần tám thôi sao?
Ngụy Đích gật đầu
Sở Phong trầm mặc nói:
- Ta chỉ biết những cửa hàng bày ra trên phố mới phải nộp "Hiếu kính" thôi, không ngờ đi thuyền cũng phải nộp "Hiếu kính" nữa. Bạn đang đọc truyện được lấy tại chấm cơm.
Ngụy Đích nói:
- Nếu như không "Hiếu kính", thuyền này của thuyền gia chắc chắn đã bị người ta đập nát rồi.
Sở Phong nói:
- Ta đi xin lỗi ông ta !
Nói xong quả thật muốn xoay người bước đi, Nguỵ Đích vội vàng nói:
- Dừng lại, huynh làm như vậy sẽ càng làm ông ta sợ hơn.
- Vậy… vậy phải làm sao?
Sở Phong nhìn Ngụy Đích, Ngụy Đích cười nói:
- Từ giờ huynh phải khách khí hơn với thuyền gia là được.
Sở Phong gật đầu nói:
- Ừh, thật ra vừa rồi ta cũng chỉ doạ ông ta thôi mà, muội xem ta thiện lương thế này, sao có thể hung dữ như vậy! Có điều từ nay ta sẽ khiêm nhường hơn, sẽ không gọi ông ta là thuyền gia nữa!
Ngụy Đích kỳ quái nói:
- Vậy huynh gọi ông ta như thế nào?
Sở Phong nghiêm mặt nói:
- Để tỏ lòng kính trọng, ta sẽ gọi ông ấy là lão thuyền gia!
Ngụy Đích cùng Thiên Ma Nữ không hẹn mà cùng bật cười
***
[1]Một trong hai bài thơ trong tác phẩm[Biện Hà Hoài Cổ] của Bì Nhật Hưu, Nguyên văn HV:
Tẫn đạo tuỳ vong vi thử hà,
Chí kim thiên lý lại thông ba,
Nhược vô thuỷ điện long chu sự,
Cộng Vũ luận công bất giác đa.
Dịch nghĩa:
Tuỳ suy vong cũng bởi dòng sông này,
Nhưng đến nay từng con sóng lại xô nhau đến ngàn dặm,
Nếu như không có Thuỷ điện Long chu,
Thì lấy gì mà so sánh với công lao của vua Vũ.