Thấy Sở Phong hỏi tiếp theo đi xem cái gì, Tấn tiểu thư nói:
- Xem cây!
- Xem cây? - Sở Phong khó hiểu.
Lan Đình lại nói:
- Chẳng lẽ là Chu bách Tùy hòe.
- Đúng vậy!
Sở Phong hỏi:
- Chu bách Tùy hòe là gì?
Phi Phượng nói:
- Dốt! Chu bách Tùy hòe ở đây tất nhiên là cây bách của triều Chu, cây hòe của triều Tùy rồi.
Sở Phong lặng lẽ quay đầu hỏi công chúa:
- Có phải như vậy không?
Công chúa mím môi gật đầu.
Phi Phượng nói:
- Công chúa không có ngu như ngươi đâu!
Sở Phong nói:
- Này! Phi Phượng, muội đừng có lúc nào cũng châm chích ta có được không?
- Không đấy! Ta thích!
- Muội thích à? Muội là con ong vò vẽ!
- Ngươi nói cái gì?
- Ta nói muội là con ong vò vẽ, chỉ có ong vò vẽ mới thích đi chích người!
- Tiểu tử thối! Ngươi dám nói ta là ong vò vẽ, xem ta có đâm ngươi thành tổ ong vò vẽ không!
- Được! Đến đây, ai sợ ai!
Hai người vừa quậy, vừa theo Tấn tiểu thư đi tới bên trái Nữ Lang từ.
Chỉ thấy cổ thụ che trời, sum xuê xanh tốt, trong đó có một cây bách cong xuống mặt đất, tựa như cự long đang nằm trên đất. Thân cây thô chắc, sáu bảy người mới có thể ôm hết.
- Đây là cây Chu bách sao? - Sở Phong hỏi.
Tấn tiểu thư gật đầu:
- Lại còn gọi là Ngọa Long bách, được trồng từ thời Tây Chu, đã che mát cho sông Tấn đã trăm nghìn năm rồi.
- Trăm nghìn năm trải qua mưa gió, thân lá đã cỏ điêu tàn, nhưng càng thể hiện những năm tháng tang thương, sinh cơ ngoan cường, có thể nói "Địa linh thảo mộc đắc dư nhuận, úc úc cổ bách hàm thương yên".
(đất linh cỏ cây được lợi, cổ bách năm tháng ngậm thương đau)
Mọi người cảm khái than thở một phen, Sở Phong hỏi:
- Thế gốc cây nào là Tùy hòe?
Tấn tiểu thư nói:
- Công tư chớ vội, mời đi theo ta.
Tấn tiểu thư dẫn mọi người tới trước một tòa miếu thờ, nhưng cũng là một miếu Quan Đế.
Vào miếu Quan Đế, lập tức nhìn thấy cây Tùy hòe cứng cáp cao ngất. Thân cây to lớn vững chắc, cành khô nhánh mới đan xen, tỏa bóng mát xung quanh, sức sống tràn trề.
Lan Đình nói:
- Thảo nào Chu bách Tùy hòe cùng được hậu thế tán tụng, Chu bách chỉ sự tang thương, còn Tùy hòe lại chỉ sinh cơ, thật khiến người ta ca ngợi.
Tấn tiểu thư nói:
- Các vị không biết, gốc hòe này đã khô héo 500 năm trước, cành lá đã héo hết, chỉ bởi vì dùng một chút dược cao đã khiến nó lại khôi phục sinh cơ.
- Ồ?
Mọi người cảm thấy kinh ngạc.
Tấn tiểu thư nói:
- Nói đến thì rất mơ hồ. Tháng trước thôn dân các nơi trong Tấn Dương tới đây tổ chức hội chùa, có một lão đạo sĩ đã dán lên cây hòe một miếng thuốc cao, nhưng không có người hỏi đến. Vì vậy hắn nói: 'Tiên dược như vậy, người mua không được, phàm nhân vô phúc, khô hòe nên sống lại', nói xong dán cao dược lên thân cây hòe khô, rồi nghênh ngang mà đi. Không tới một tháng, cây hòe này sống lại, còn tươi tốt hơn lúc trước.
- A?
Lan Đình hô lên kinh ngạc:
- Ngạn ngữ nói 'Thiên niên bách, vạn niên tùng, lão hòe nhất thụy kỷ bách xuân', chẳng lẽ lại là sự thật sao?
(Cây bách nghìn năm, cây tùng vạn năm, cây hòe một giấc ngủ trăm năm)
Sở Phong vội hỏi:
- Lão đạo sĩ đó có phải mặc đạo bào, đầu tết đạo kế, để râu dài, còn đeo một hồ lô rượu nữa phải không?
Tấn tiểu thư ngạc nhiên nói:
- Có đạo sĩ nào mà không phải như vậy đâu?
Sở Phong ngẩn ra:
- Râu ông ấy…là màu đen.
Tấn tiểu thư cười khúc khích không ngừng.
Phi Phượng nói:
- Ngươi cho rằng ông ấy là lão đạo sĩ của ngươi hả?
Sở Phong nói:
- Ông ấy vân du tứ hải, nói không chừng cũng từng đi tới Tấn Dương. Nhưng ta không nghe ông ấy nói qua có thuốc cao linh nghiệm như vậy.
Phi Phượng cười nói:
- Lão đạo sĩ của ngươi phải đi bán thuốc cao để mưu sinh, đủ biết thất bại thế nào rồi, may mà ông ấy lại dạy dỗ ra một tên đồ đệ như ngươi!
- Muội biết cái gì, cái này gọi là 'Đại ẩn ẩn vu thị' (quy ẩn ở phố chợ là khôn).
Xem xong Chu bách Tùy hòe, Lan Đình đột nhiên nói:
- Nghe đồn bên trong Tấn Từ còn có ngự bút của Đường Thái Tông?
Tấn tiểu thư cười nói:
- Nghe nói Y Tử không chỉ y thuật cao siêu, còn là đại gia về thư pháp, xem ra lời đồn quả không sai.
Nói xong liền dẫn mọi người đến trước một bia đình, trên đình treo một tấm biển, có viết: Trinh quán bảo hàn.
Bên trong đình đặt một thạch bia lớn bằng đá xanh, hai bên trán bia khắc một đôi li, đầu cụp xuống, thân và đuôi uốn quanh, vô cùng hùng vĩ.
Trên bia có khắc hơn một nghìn chữ, được viết theo lối chữ thảo, lực bút mạnh mẽ khỏe khoắn, chính giữa mặt bia có khắc chín chữ "Ngày 26 tháng giêng năm Trinh Quán thứ 20".
Bài khắc trên bia là ngự bút của Đường Thái Tông, người khai sáng thời kỳ Trinh Quán thịnh trị.
Công chúa khẽ thì thầm:
- Kim khuyết cửu tầng, bỉ bồng lai chi dĩ lậu; ngọc lâu thiên nhận, sỉ côn lãng chi phi kỳ. Lạc nguyệt đê vu quế diên, lưu tinh khởi vu châu thụ. Bích vụ tử yên, úc cổ kim chi sắc; huyền sương hàng tuyết, kiểu đông hạ chi quang...
Đọc xong liền gật đầu nói:
- Bài bia khắc này có thể nói là diễn tả hết thần vận của Tấn Từ.
Sở Phong hỏi Lan Đình:
- Y Tử cô nương, bút pháp này thế nào?
Lan Đình nối:
- Nét bút phóng khoáng thoải mái, khi hùng vĩ lúc mạnh mẽ, không hổ là thủ bút của đế vương!
Sở Phong gật đầu nói:
- Bút pháp của đế vương tất phải có khí chất của đế vương, không thể phỏng theo được.
Quan sát một phen, Sở Phong đột nhiên nói:
- Từ công tiểu thư, Tấn Từ này vốn là do Đường Thúc Ngu xây dựng, sao đi nửa ngày không thấy đền của Đường Thúc Ngu?
Tấn tiểu thư nói:
- Tấn Từ có từ đời Tống, điện Thúc Ngu bị lạnh nhạt đã lâu.
- A? Sao lại vậy?
Tấn tiểu thư nói:
- Tấn Dương xưa nay địa linh nhân kiệt, hậu thế vì sợ Tấn Dương sinh ra chân long Thiên tử, tranh đoạt thiên hạ, nên chỉ chuyên sùng bái Nữ Lang từ, đề cao địa vị người mẹ, hơn nữa bách tính Tấn Dương mỗi khi gặp hạn hán đều đến đây cầu mưa, và rất linh nghiệm, đều tưởng đó là phúc ấm của thánh mẫu, cho nên chỉ có Nữ Lang từ là độc tôn, ngược lại Thúc Ngu điện ngày càng vắng vẻ. Nói đến thì hiện giờ hạn hán đã lâu, bách tính Tấn Dương cũng sắp tới đây cầu mưa rồi.
- Thì ra là như vậy. Nhưng mà Tấn Từ đến cùng vẫn là đền thờ Thúc Ngu, thế nào cũng phải đi chiêm ngưỡng Đường Thúc Ngu một chút.
Tấn tiểu thư cười nói:
- Sở công tử không cần sốt ruột, mời đi theo ta.
Tấn tiểu thư dẫn mấy người Sở Phong đi theo hướng bắc, đi qua Thủy Mẫu lâu, leo lên hơn mười bậc thang, tiến vào một sơn môn cao chót vót, đi qua tiền viện, liền đến trước Thúc Ngu điện.
Nguyên lai Thúc Ngu điện là một miếu thờ được xây dựa vào núi, mặc dù không hùng vĩ bằng Nữ Lang từ, nhưng tràn đầy khí thế, tựa như có phong thái vương giả.
Lan Đình nói:
- Nhân giả nhạc sơn, trí giả nhạc thủy. Nơi này sơn thủy đối diện nhau, lựa chọn nơi đây làm đền thờ Đường Thúc Ngu, quả thật rất thích hợp.
Đi vào trong điện, chỉ thấy trong điện có đặt đền thờ, trên trụ gỗ trước đền có điêu khắc bàn long, bên trong điện cung phụng tượng ngồi Đường Thúc Ngu, mạc mãng bào, tay cầm ngọc khuê, vẫn còn toát ra nhân trí, phong thái đế vương.
Sở Phong thấy ngọc khuê Đường Thúc Ngu cầm trong tay lại là một chiếc lá đồng, bèn nói:
- Quả nhiên là 'tiễn đồng phong đệ', không biết lá đồng kia có phải là lá năm đó Thành vương đưa cho Thúc Ngu công không?
Tấn tiểu thư cười nói:
- Lá đồng năm đó sao mà còn được. Đây là lá đồng lấy ngọc khuê tước thành.
Sở Phong lại thấy phía trước tượng Thúc Ngu có đặt một thanh trường kiếm nhỏ rất mỏng và dài, dễ dàng từ trên vẻ bạc phơ của vỏ kiếm thì có thể nhìn ra kiếm này đã có niên đại từ rất lâu.
Tấn tiểu thư nói:
- Đây là Tấn Linh kiếm, từ ngày đúc thành, nó vẫn được cung phụng tại nơi này, chưa hề ra khỏi vỏ.
- Chưa hề ra khỏi vỏ? - Sở Phong hỏi: - Ngay cả Từ Công tiểu thư cũng chưa từng nhìn qua lưỡi kiếm của nó sao?
Tấn tiểu thư lắc đầu nói:
- Nghe thân kiếm này mỏng như cánh ve, đáng tiếc là chưa được nhìn thấy.
Sở Phong nói:
- Sao Từ Công tiểu thư không thử rút ra nhìn xem?
Tấn tiểu thư nói:
- Cũng không phải là ta không muốn nhìn xem, chỉ là tổ huấn của Tấn Từ 'hậu nhân Tấn Từ không được rút kiếm', cho nên...
Sở Phong cười nói:
- Vậy thì đơn giản. Tôi không phải là hậu nhân của Tấn Từ, để tôi rút ra xem!
Nói đoạn hắn quả thật đưa tay qua định nắm lấy chuôi kiếm.
- Sở công tử! - Tấn tiểu thư biến sắc kinh hô.
Sở Phong thu tay ngay lại, cười ha ha nói:
- Tôi chỉ đùa với Từ Công tiểu thư một chút thôi, nhất thiết đừng trách, tại hạ sao dám bất kính với Tấn Công.
Bàn Phi Phượng lạnh lùng nói:
- Ta thấy Tấn tiểu thư nến chặt cái tay hắn đi!
Tấn tiểu thư dán mắt nhìn vào Tấn Linh kiếm:
- Lần đầu tiên ta thấy được thanh kiếm này, cũng muốn rút ra khỏi vỏ nhìn xem ra sao, đáng tiếc ta lại là hậu nhân của Tấn từ, không được rút kiếm. Lúc đó ta còn thề…
- Thề cái gì? - Sở Phong hỏi.
Tấn tiểu thư cười:
- Lúc đó ta chỉ mới 12-13 tuổi cũng không nhớ rõ nữa.
Sở Phong thấy trên chuôi của Tấn Linh kiếm có một lỗ nhỏ hình bầu dục, hết sức kì quái liền hỏi:
- Trên chuôi kiếm có một cái lỗ kìa?
Tấn tiểu thư nói:
- Nó đã có sẵn rồi.
Lan Đình nói:
- Thời cổ bảo kiếm đều được khảm châu ngọc, chẳng lẽ cái lỗ này là nguyên là khảm châu ngọc, nhưng bị người khác lấy mất rồi?
Tấn tiểu thư nói:
- Cái này ta cũng không được biết.
Tham quan hết Thúc Ngu điện, xem như đã dạo chơi hết Tấn Từ, Tấn tiểu thư dẫn mọi người đi ra từ một nơi khác, lại đi qua một từ đường, trên biển viết bốn chữ to"Công Thâu Tử Từ".
Sở Phong dừng cước bộ, hỏi:
- Công Thâu Tử, chẳng phải là Lỗ Ban sao?
- Đúng vậy.
Nguyên lai, Công Thâu Tử tức Công Thâu Ban, chính là người thợ nổi tiếng nhất thời cổ đại, nguyên là người nước Lỗ, thời cổ thì "Ban (般)" và "Ban (班)" đều thông dụng, cho nên Công Thâu Ban được gọi là Lỗ Ban, tên thật của hắn là "Công Thâu Ban" cũng không nhiều người biết.
Sở Phong hỏi:
- Ở đây sao lại có từ đường của Công Thâu Ban?
Tấn tiểu thư nói:
- Vừa rồi Tấn Linh kiếm thờ phụng ở trước tượng Đường Thúc Ngu, là do Công Thâu Bàn đúc.
- Ồ?
Sở Phong kinh ngạc:
- Truyền thuyết Công Thâu Ban có kĩ thuật điêu luyện sắc xảo, từng tước trúc thành chim khách, thả bay lên trời được, ba ngày chưa rơi. Ông ta tự mình đúc Tấn Linh kiếm, nhất định đó là bảo vật hiếm thấy trên đời, đáng tiếc không thể rút ra xem, đáng tiếc! đáng tiếc!
Phi Phượng nói:
- Có cái gì đáng tiếc, lẽ nào nó biết bay thật được sao?
Mọi người liền cười ồ lên.
Lúc này, có một trung niên phụ nhân dáng dấp quản gia đi tới, khom lưng nói với Tấn tiểu thư:
- Tiểu thư, tiệc rượu đã chuẩn bị xong.
Tấn tiểu thư gật đầu nói:
- Vân Nương bày tiệc rượu ở ven hồ Lưu Sơn đi.
- Vâng, tiểu thư!
Vân Nương đi rồi, Tấn tiểu thư nói:
- Sắc trời đã tối, Sở công tử chi bằng ở đây ăn một bữa cơm nhạt? Nhất thiết đừng ngại!
Sở Phong đương nhiên cầu còn không được, đi hơn nửa ngày rồi, bụng hắn đã sớm nhộn nhạo.
Tấn tiểu thư dẫn mọi người đi về phía hồ Lưu Sơn, chợt có một tỳ nữ y phục xanh biếc đi tới, chính là Lục Y:
- Tiểu thư, ba tên ác thiếu gia kia lại tới nữa rồi.
Tấn tiểu thư nhăn mặt nhíu mày nói:
- Em đi trả lời với họ, nói ta không được khỏe, không thể bắt chuyện, mời bọn họ về đi.
Lục Y nói:
- Chỉ sợ họ không tin!
- Không sao! Em cứ nói như vậy đi!
Lục Y đi rồi, Sở Phong hỏi:
- Từ Công tiểu thư, ba tên ác thiếu gia kia là ai?
Tấn tiểu thư mỉm cười:
- Chẳng qua là mấy tên hoàn khố đệ tử du thủ du thực cả ngày, không cần để ý tới.
Ngay sau đó mọi người đi tới hồ Lưu Sơn.