- Ta không muốn cho Mẫn Tuệ phải mệt nhọc vì quân vụ tại tiền dinh và ta cũng muốn đặt người đúng chỗ. Vì thế, nếu có mặt Đức Uy và Mẫn Tuệ tại Tây ngũ tỉnh này, ta xem như có mặt ta, như vậy, Đức Uy cháu thấy rồi chớ, ta làm như thế, một phần có vì Dương gia, một phần cũng vì nghĩ đến phân nửa giang sơn của Tây ngũ tỉnh.
Mẫn Tuệ khảng khái :
- Nếu cha đã nói thế thì con tình nguyện tạm thời ở lại đây phụ lực với Lý đại ca.
Dương đô đốc cười, nụ cười hình như có phần gắng gượng :
- Đức Uy, ta chỉ có mỗi một mình Mẫn Tuệ, bao nhiêu năm nay, cha con còn nương tựa vào nhau, ta vì thương con mà dung dưỡng nuông chiều thành có thói quen, bây giờ ta giao nó cho cháu, xin cháu hãy vì ta mà nương dạy lần lần...
Cảm nghe trong câu nói của vị Đô đốc có gì như ẩn khuất, Đức Uy tỏ vẻ băn khoăn :
- Lão bá...
Dương đô đốc khoát tay mỉm cười :
- Đức Uy, hãy để cho ta nói cạn. Đối với một võ quan như ta, đối với chút thân hữu dụng cho quốc gia khi biến loạn, không có gì đáng ngại cả. Cho dầu ngày mai, máu thịt này có trải giữa sa trường thì đâu đó cũng là đền trọn nợ áo cơm.... Ta không được yên tâm là vì chút gái thơ ngây, ta đem gởi gắm nó cho cháu, để lòng ta được bình thản mà lo cho nước...
Mẫn Tuệ đứng phắt lên :
- Cha...
Dương đô đốc khoát tay cười :
- Cha sẽ đi ngay khi trời sáng, còn chút việc hãy để cho cha an bày. Mẫn Tuệ, là đứa con của một người vì xã tắc, chấp can qua, cho dầu là gái, con cũng phải tỏ ra xứng đáng là kẻ can trường, đừng theo thói nhi nữ thường tình mà mất phong cách của con nhà võ. Ngồi xuống đi con...
Thật đúng như Dương đô đốc nói nàng không phải như hạng nhi nữ thường tình, sau câu nói của cha là nàng đã ngồi lại ngay và bình tĩnh hơn bao giờ hết. Nàng đã nhìn thấy một sự thật không có cách khác hơn.
Dương đô đốc nhìn thẳng vào mặt Đức Uy :
- Tâm sự của ta xem như đã hết, chuyện thứ nhất cháu đã bằng lòng, thế còn chuyện thứ hai?
Đức Uy cắn chặt hai hàm răng lại và cuối cùng hắn nói một câu bằng tất cả thái độ cứng rắn của mình :
- Xin lão bá yên lòng, tiểu điệt sẽ hết lòng chiếu cố Dương muội muội.
Dương đô đốc cười và thở hơi dài như trút xong gánh nặng :
- Xong rồi, Đức Uy ta yên lòng lắm...
Đức Uy do dự một chút như phải đắn đo câu chuyện, cuối cùng hắn nói :
- Lão bá, chắc lão bá không còn chi cần dạy bảo thêm?
Dương đô đốc cười :
- Hết rồi, nhưng sao đó, Đức Uy cháu định đi đâu à?
Đức Uy nói :
- Không, tiểu điệt còn có chuyện thưa cùng lão bá...
Dương đô đốc gật đầu :
- Nói đi, Đức Uy.
Đức Uy lại trầm ngâm :
- Trước hết.... Thật ra thì có lẽ tiểu điệt không nên nói, nhưng vì tiểu điệt cảm thấy câu chuyện có phần không được sáng tỏ...
Dương đô đốc cau mặt :
- Hiền điệt muốn nói...
Đức Uy đáp :
- Hoàng thượng được thánh chỉ triệu hồi, tự nhiên vì chiến sự Bắc phương đã có nhiều biến chuyện bất lợi, thế tại sao Đô đốc phủ lại không được về tin đó...
Mẫn Tuệ tiếp theo ngay :
- Đúng rồi, nếu tình hình chiến cuộc Bắc phương nguy kịch, tự nhiên đã có tin tức đến cho cha, hay là bọn gian nịnh trong triều...
Dương đô đốc cười :
- Hiền điệt và Mẫn Tuệ đã thổi phồng lá gan của chúng lớn quá rồi. Đường đường là một Hữu Quân Đô Đốc, chúng dám hại ta sao? Vả lại, nếu không phải phụng Thánh chỉ thì Tào Hóa Thuần không khi nào dám xuất kinh vượt muôn dặm đến Trường An, coi chừng đa nghi đó.
Đức Uy nói :
- Đã đành như thế, nhưng chuyện vẫn có chỗ đáng xét, nếu quả Hoàng thượng có ý triệu lão bá hồi Kinh, tự nhiên nghĩa phụ cháu phải biết, nếu đã biết thì Tổng đường “Cùng Gia bang” đã có tin đến cháu rồi...
Dương đô đốc nói :
- Đây là “mật chỉ”, chỉ có một mình Hoàng thượng biết thôi, còn như tin tức Bắc phương thì có nguy nhưng chưa đến nỗi xâm phạm Kinh sư, vì thế nên không cần báo tin cho ta biết, chắc hẳn như thế chớ không có gì mờ ám đâu. Và chính vì chưa nguy hiểm đến Kinh sư nên Lão hầu gia không báo tin cho cháu.
Mẫn Tuệ nói :
- Nếu chưa có gì nguy ngập thì tại sao Hoàng thượng lại phải Mật chỉ triệu hồi gấp rút như thế ấy?
Dương đô đốc cười :
- Làm một vì vua trong một nước, ai lại không mong cho tình hình sớm được sáng sủa hơn có phải thế không?
Tự nhiên Dương đô đốc không thể nói rằng nhà vua quá nhát, quá sợ.
Đức Uy trầm ngâm :
- Tiếc vì thời gian quá gấp rút, nếu không có lẽ tiểu điệt sẽ dùng bồ câu đưa tin của “Cùng Gia bang” để hỏi lai?nghĩa phụ...
Dương đô đốc cười :
- Hiền điệt và Mẫn Tuệ lo xa quá, khi được Hoàng thượng triệu hồi, chứng tỏ ít nhiều Hoàng thượng đã có nghĩ đến ta là một lão thần trung nghĩa, đáng lý phải khánh chúc, chứ sao hiều điệt và Tuệ nhi lo sợ quá vậy.
Đức Uy lắc đầu :
- Dầu gì đi nữa, còn có thể là tiểu điệt cố gắng an bày thì mới yên lòng, bây giờ tiểu điệt sẽ nhờ “Cùng Gia bang” thông tri cho các Phân đường, dốc lực lượng tiếp liên bảo hộ lão bá về đến Kinh sư, thông báo cho đến nghĩa phụ rồi cháu mới có thể yên tâm...
Dương đô đốc chắc lưỡi :
- Vì một ta mà phiền đến quá nhiều...
Đức Uy cương quyết :
- Nếu không thì, lão bá cho dầu không phòng gian nịnh trong triều thì cũng phải phòng giang hồ đạo tặc, chính Dương muội từ Kinh sư về đây còn bị chúng theo, huống chi là lão bá.
Dương đô đốc lắc đầu :
- Cho dầu lọt vào tay chúng, ta không để chúng lợi dụng uy hiếp triều đình. Đường đường một đại quan thác thổ phong cương, ta không dám tuẫn tiết hay sao?
Đức Uy nói :
- Lão bá, sự an nguy của lão bá quan hệ trọng đại đến triều đình, nếu lão bá có gì thất thố thì đại trụ của triều đình bị gãy.
Dương đô đốc cười :
- Đức Uy, hiền điệt đặt ta cao quá rồi đó.
Đức Uy nghiêm mặt :
- Lão bá, đó là sự thật.
Dương đô đốc gật đầu :
- Được rồi, thôi cứ y theo hiền điệt an bày.
Đức Uy trầm ngâm :
- Đáng lý tiểu điệt nên hộ tống...
Dương đô đốc vội khoát tay :
- Không được, Đức Uy, hiền điệt phải biết so với sự quan trọng mất còn của Tây ngũ tỉnh, ta chỉ như hột cát, đây là phân nửa giang sơn và hàng vạn ức bá tánh, ta đi rồi mà không có mặt hiền điệt nữa thì giang sơn này nghiêng đổ còn chi? Đức Uy, cháu thương ta, cháu đừng làm ta mang tội.
Mẫn Tuệ vụt nói :
- Con ở lại đây cũng không giúp thêm gì được nhiều cho Lý ca, hay là cha...
Dương đô đốc phất tay áo rộng :
- Mẫn Tuệ, con đừng nói xàm, con biết hơn cha hay sao?
Như thấy con xịu mặt, Dương đô đốc vội cười :
- Hai anh em sao mà nói chuyện không đâu như thế? Ta lìa nơi đây về Kinh là chuyện vạn bất đắc dĩ, Mẫn Tuệ và hiền điệt phải ở lại đây gìn giữ cho ta được yên lòng, nếu không muốn cho tổn hại thanh danh của ta thì hai anh em phải lo bảo vệ Tây ngũ tỉnh, nói cùng mà nghe, cho dầu ta có mệnh hệ nào mà Tây ngũ tỉnh vẫn yên thì đó cũng là điều phải làm. Vả lại, Lý Đức Uy sẽ nhờ anh em “Cùng Gia bang” dọc đường bảo hộ như vậy đã chẳng an toàn rồi sao?
Bên ngoài chợt nghe có tiếng bước chân gấp rút...
Dương đô đốc nói :
- Chắc Thiểm Tây đô chỉ huy sứ đã tới, nhớ nghe, hai anh em phải vì ta mà bảo hộ Tây ngũ tỉnh.
Quả nhiên, có tiếng Lý Hóa Nghĩa :
- Bẩm Đô đốc đại nhân, có Đô chỉ huy sứ đến.
Dương đô đốc nói :
- Bảo rằng ta cho mời vào.
Lý Đức Uy đứng dậy :
- Lão bá, xin cho tiểu điệt đến “Cùng Gia bang”.
Dương đô đốc nói :
- Khoan, cháu hãy đến gặp Đô chỉ huy sứ đã.
Lý Đức Uy nói :
- Gấp lắm, phải thông tri cho anh em bố trí, còn có Dương muội ở đây cũng đủ rồi, để cháu đi cho sớm.
Dương đô đốc gật đầu :
- Được rồi, đi về cho gấp nghe, Đức Uy.
Đức Uy vòng tay và xăn xái quay ra.
* * * * *
Chỉ có Khúc Cửu Dương, Cung Tất Hiển và Vân Tiêu tại Phân đường, còn tất cả đều đi vắng.
Vừa thấy Lý Đức Uy, Khúc Cửu Dương nói nhanh :
- Lý thiếu hiệp, tất cả đã đi cả rồi, vẫn chưa có tin gì về Thất Cách Cách cả.
Lý Đức Uy lắc đầu :
- Tôi đến không vì việc đó, tôi đến để báo tin cho chư vị, sáng ngày mai Dương đô đốc hồi Kinh.
Bọn Khúc Cửu Dương rúng động :
- Sao? Chuyện gì đã xảy ra?
Lý Đức Uy lặp lại :
- Sáng mai Đô đốc đại nhân lên đường về Kinh.
Khúc Cửu Dương thảng thốt :
- Tại làm sao vậy? Tại làm sao lại về Kinh?
Vân Tiêu cau mặt :
- Dương đô đốc quân vụ nặng nề, người về Kinh gấp như thế thì Tây ngũ tỉnh này làm sao?
Lý Đức Uy thuật chuyện Thái giám Tào Háo Thuần mang mật chỉ...
Là một tay nóng như lửa đốt, Cung Tất Hiển lớn tiếng :
- Triều đình làm như thế là nghĩa lý làm sao? Tại sao lại xem đại cuộc như trò chơi vậy chớ? Đô đốc đi như thế chẳng hóa ra dâng cả năm tỉnh miền Tây này cho giặc hay sao? Bộ chỉ có Kinh sư là trọng còn năm Tỉnh này là đồ bỏ hay sao? Lý thiếu hiệp, chấp chưởng “Ngân Bài lệnh” làm gì, tại sao không ngăn lại...
Lý Đức Uy lắc đầu :
- Ngân Bài lệnh là Hoàng gia, mật chỉ là Hoàng thượng ký, tôi làm sao được bây giờ, tôi làm sao dám bảo Dương đô đốc khánh chỉ? Mà tôi có liều thì Đô đốc làm sao lại dám nghe?
Cung Tất Hiển vỗ bàn, nhưng là người trấn tĩnh hơn Khúc Cửu Dương ngăn lại :
- Thiếu hiệp, nếu con người khác thì còn có chỗ bàn, chớ tên Tào Háo Thuần này thì đáng nghi ngờ lắm... thiếu hiệp nên nhớ, hồi trước triều Nam Tống đã xuống luôn mười hai đạo Kim Bài triệu hồi Nhạc Võ Mục chớ?
Cung Tất Hiển lớn tiếng :
- Chúng dám không? Chúng mà dám hại Dương đô đốc thì kẻ nhập Kinh thứ nhất là Cung Tất Hiển này đây.
Khúc Cửu Dương cau mặt :
- Cung tam đệ, có mặt “Ngân Bài thiếu chủ” tam đệ nên thận trong vậy chớ.
Lý Đức Uy lắc đầu :
- Cung lão nói đúng rồi, nhưng nếu Dương đô đốc có chuyện gì thì chắc cha con tôi phải là người về Kinh trước nhất.
Khúc Cửu Dương hỏi :
- Trước mắt bây giờ chuyện như lửa cháy, chúng ta phải tính sao đây?
Lý Đức Uy nói :
- Tôi đến đây là vì chuyện ấy, xin quý Bang cho tất cả các Phân đường theo dõi ủng hộ Dương đô đốc về tới Kinh sư và thông báo giùm tự sự cho nghĩa phụ tôi được biết.
Khúc Cửu Dương nói :
- Đúng rồi, kế bây giờ cũng chỉ đến mức ấy thôi, xin thiếu hiệp yên tâm, “Cùng Gia bang” sẽ dốc toàn lực ủng hộ Đô đốc hồi Kinh.
Lý Đức Uy nói :
- Tại hạ xin đa tạ, bây giờ quân vụ Tây ngũ tỉnh tạm thời giao lại cho Đô chỉ huy sứ Thiểm Tây, Dương đô đốc đã ân cầ? bảo tại hạ phải ở sát một bên tá trợ, sau này xin chư vị cố giúp cho.
Khúc Cửu Dương đáp :
- Xin thiếu hiệp yên lòng, cho dầu phải đi vào nước lửa “Cùng Gia bang” cũng không hề nao núng, đối với thiếu hiệp, huống chi đây là việc đại sự quốc gia, cứ có chuyện là thiếu hiệp cứ tự nhiên điều động.
Cung Tất Hiển nói :
- Đại ca, lần này Dương đô đốc về Kinh thật quá nhiều nguy hiểm, hôm trước chỉ có Dương tiểu thơ mà họ theo đến Trường An vì thế cho nên việc bảo hộ Dương đô đốc tôi sợ các Phân đường không đủ sức.
Khúc Cửu Dương nói :
- Ta cũng lo điểm đó lắm nhưng gấp quá, chẳng còn cách nào hơn, nếu báo tin điều động thêm người thì e không được.
Cung Tất Hiển nói :
- Hay để bọn Đào Nhứt Thọ ở lại đây cho Lý thiếu hiệp sai khiến, tôi và đại ca cùng theo bảo hộ Dương đô đốc.
Khúc Cửu Dương gật đầu :
- Đúng rồi, phải như thế, chớ cho Dương đô đốc bình an tới Kinh rồi chúng ta trở lại.
Lý Đức Uy nói :
- Như thế này hay biết bao nhiêu nhưng đã nhọc các Phân đường rồi còn phải thêm nhị lão...
Khúc Cửu Dương nói :
- Thiếu hiệp đừng nên nói như thế, nếu bảo hộ Dương đô đốc cho an toàn, thì dốc hết lực lượng “Cùng Gia bang” cũng được kia mà.
Chợt nghe có tiếng động bên ngoài, Khúc Cửu Dương nói :
- Chắc đã có tin...
Quả nhiên, Lăng Phong reo lên :
- May quá, đã có Lý thiếu hiệp ở đây.
Đức Uy rúng động.
- Sao đó?
Lăng Phong nói :
- Thành tây có một tòa trang viện đồ sộ, xe của Thất Cách Cách vào đó, nhưng không trở ra.
Khúc Cửu Dương hỏi :
- Tòa trang viện đó của ai?
Lăng Phong lắc đầu :
- Không rõ, nhưng bên ngoài toàn bọn Mãn Châu canh gác.
Khúc Cửu Dương trầm ngâm :
- Không lẽ vì một Tổ cô nương mà lại đi làm tội một vị Cách cách trong hoàng tộc.
Lý Đức Uy nói :
- Chuyện đó không gấp, chờ khi Dương đô đốc đi rồi sẽ tính sau.
Lăng Phong ngạc nhiên :
- Dương đô đốc đi đâu?
Khúc Cửu Dương thuật lại đại lược và Lăng Phong phản ứng ngay :
- Như vậy là thất sách, theo đệ tử thì dầu cho Kinh sư thất thủ, đến Tây ngũ tỉnh có lẽ ổn hơn,hiểm địa ta đang giữ chặt, chớ nếu Tây ngũ tỉnh mà mất thì Kinh sư sẽ bị cô lập.
Khúc Cửu Dương cau mặt :
- Không được nói xàm.
Lý Đức Uy gật đầu :
- Lăng huynh đệ nói phải lắm đó Khúc tiền bối, chỉ có điều bây giờ không thể kháng chỉ được, chúng ta có thể làm là ráng lo bảo vệ năm tỉnh miền tây này thôi.
Điều quan trọng là chúng ta hãy chú trọng đến những ý kiến của tùng lớp thảo dân nhỏ tuổi trong bá tánh, chính ý kiến vừa rồi của Lăng huynh đệ chưa ai biết đến hoặc chưa ai dám nói thế mà lại là ý kiến thật đúng đắn.
Khúc Cửu Dương và Cung Tất Hiển đưa mắt nhìn nhau tỏ vẻ kinh ngạc...
Lý Đức Uy nói tiếp :
- Đã từng theo nghĩa phụ từ nhỏ, nên tai?hạ biết rằng trong dân gian có nhiều kẻ sĩ học vấn có thể thấp, nhưng trí dũng và sự hiểu biết khá rộng, sở dĩ gia phụ không chịu về Kinh mà cứ ở chốn sàn dã cũng vì người nhận thấy rằng có bảo vệ giang sơn này hay không là do bá tánh chớ không phải do triều đình, và người cố công lặn lội cũng vì trăm họ sanh linh mà hành động chớ không phải chỉ lo cho một dòng dõi họ Châu đâu.
Nhị vị Hộ pháp “Cùng Gia bang” không dám góp lời, vẻ mặt họ vô cùng trang trọng.
Có lẽ đây là lần thứ nhất trong đời, họ nghe con trai của một hầu gia nói chuyện kinh thiên động địa...
Lý Đức Uy nói tiếp :
- Dương đô đốc là một đại thần, hưởng bổng lộc triều đình, phụng chỉ hồi kinh, đó là chuyện tất nhiên, không ai có thể ngăn cản được, Thánh chỉ cũng không ai cải được. Chuyện đến bây giờ nói gì cũng không kịp nữa rồi, là kẻ giang hồ, chúng ta chỉ cố gắng bảo vệ người và bảo vệ giúp đỡ cố thủ năm tỉnh Miền Tây.
Khúc Cửu Dương nói :
- Chuyện đáng đề phòng là làm sao cho tin tức đừng lọt ra ngoài chẳng những có hại cho hành trình của Dương đô đốc mà nếu kẻ địch biết binh vô chủ, là chuyện bảo thủ Tây ngũ tĩnh sẽ vô cùng nguy hiểm...
Lý Đức Uy vòng tay :
- Muôn việc xin nhờ tiền bối lo liệu, nếu có tin cấp tốc, xin báo cho tại hạ biết ngay...
* * * * *
Về tới Đô đốc phủ, Lý Đức Uy thấy đèn còn sáng nhưng không nghe động tĩnh, cả hai hộ vệ thường trực thơ phòng cũng không còn.
Lý Đức Uy hồi hộp đằng hắng lên tiếng.
Có tiếng của Mẫn Tuệ :
- Lý đại ca, vào mau đi.
Lý Đức Uy bước vào hỏi nhanh :
- Lão bá đâu?
Mẫn Tuệ đáp :
- Đã đi rồi.
Sắc diện của nàng thật bình tĩnh, chừng như bao nhiêu sầu não lo âu đã dồn vào tận đaý lòng.
Đức Uy rúng động :
- Đi bao giờ?
Mẫn Tuệ đáp :
- Vừa mới đi chưa được bao lâu.
Lý Đức Uy cau mặt :
- Sao lão bá bảo sáng sớm...
Mẫn Tuệ đáp :
- Nỗi lo của cha tôi nặng lắm, người bảo đi sớm giờ nào thì về Kinh sớm giờ ấy, sau khi giao hoàn công việc, không kịp thu xếp gì cả, chỉ đem cho vài bộ y phục rồi lên đường.
Lý Đức Uy chắc lưỡi :
- Tại sao hiền muội không cản lại?
Mẫn Tuệ nói :
- Ai nói không cản, nhưng Lý huynh đã biết, làm sao cản được?
Không ngờ Mẫn Tuệ nói hết câu, Lý Đức Uy quay mình phóng trở ra chỉ kịp cho biết là đến Phân đường “Cùng Gia bang” là mất dạng...
Mẫn Tuệ đứng nhìn theo và bây giờ nước mắt nàng mới trào ra.
Nàng vô cùng xúc động, một phần cha con xa cách, chưa biết trên đường về Kinh của cha mình có yên ổn hay không, phần thì cảm động trước thâm tình của Đức Uy, người mà nàng đặt nhiều hy vọng... chung thân!
* * * * *
Chỉ còn một mình Vân Tiêu tại Phân đường và Đức Uy đã hỏi ngay :
- Nhị lão đâu rồi?
Vân Tiêu đáp :
- Đã lên đường rồi thưa thiếu hiệp.
Đức Uy sửng sốt :
- Làm sao nhị lão biết?
Vân Tiêu đáp :
- Cũng may, khi thiếu hiệp vừa ra thì tôi thấy có đoàn kỵ mã xuất hành, từ xa tôi nhận ra Dương đô đốc, vì thế, nhị vị Hộ pháp đã lật đật đi theo không kịp chuẩn bị gì cả.
Đức Uy thở phào :
- Vì chuyện đó mà tôi gấp trở lại đây, cũng may như thế thì tạm thời được yên lòng.
Vân Tiêu nói :
- Xin thiếu hiệp yên tâm, có nhị vị Hộ pháp và các Phân đường bảo hộ, chắc chắn Dương đô đốc tới Kinh được an toàn.
Đức Uy thở ra :
- Bây giờ thì đến phiên lo ngại về tình hình Tây ngũ tỉnh. Tôi chưa biết vị Đô chỉ huy Thiểm Tây là con người ra sao, không biết có thể lo tròn trách nhiệm hay không? Cũng không biết bốn tỉnh cách vị Chỉ huy sứ kia có nghe theo hiệu lịnh của ông ta không nữa...
Vân Tiêu nói :
- Đã đảm nhiệm nổi Đô chỉ huy sứ một tỉnh trọng yếu, thì chắc phải có tài. Còn về chuyện các vị các tỉnh có nghe không thì cũng đáng lo, cái bệnh của những vị quan này tôi biết rõ lắm, nếu là thượng ty của họ thì khỏi nói, đàng này chỉ là ngang hàng nhau, muốn cho họ nghe cũng chắc là chuyện vạn nan, những vị Đô chỉ huy sứ mỗi tỉnh, họ đã coi phạm vi trách nhiệm đều là tư sản của họ, đụng tới là khó khăn ngay, vì thế, sự hợp tác chắc chắn là nhiều trở ngại. Chẳng hạn như có chuyện cần điều động một số quân các tỉnh đến Trường An, chuyện đó nhất định sẽ không bao giờ vị Đô chỉ huy sứ Thiểm Tây làm được.
Đức Uy gật đầu :
- Nỗi lo lắng của tôi chính là chuyện đó, rất mong triều đình sớm phái đại quan tới thay đổi cho Dương đô đốc, nếu không, nếu chưa người mà phát sinh đại sự thì e khốn dốn.
Vân Tiêu nói :
- Nếu cần, thiếu hiệp có thể sử dụng “Ngân Bài lệnh”...
Đức Uy lắc đầu :
- Đến mức cùng chắc cũng phải tòng quyền, nhưng theo tôi biết thì Ngân Bài lệnh có hiệu quả hay không còn phải kèm theo sức mạnh, chuyện đó chỉ có thể đối phó với cá nhân mà thôi, đối với bọn quan lại ngoan cố, chúng có đủ cách không chịu thi hành...
Vân Tiêu nói :
- Nhưng thật ra đây cũng chỉ là dự đoán, chớ chưa chắc đã có gì nguy hiểm...
Đức Uy gật đầu :
- Cũng mong như thế...
Vân Tiêu vụt nói :
- Thiếu hiệp, có một việc mà tôi lo lắng không yên, không biết thiếu hiệp có chú ý hay không? Trong vòng mấy ngày nay, Trường An tình hình yên tịnh, sự yên tịnh có vẻ bất bình thường, trừ bọn Mãn Châu vì chuyện Tổ cô nương mà hoạt động, còn phe Bạch Liên giáo, Lý Tụ Thành và bọn Cúc Hoa đảo không thấy máy động chi cả.
Đức Uy gật đầu :
- Có, tại hạ có thấy điều đó, nhưng tôi cũng không biết tại sao? Không hiểu có phải vì Bạch Liên giáo vì chuyện Triệu Nghê Thường, Cúc Hoa đảo vì theo dõi cuộc chọi nhau của họ Tổ và Nam Cung Nguyệt mà họ lơi hoạt động hay không?
Vân Tiêu nói :
- Theo tôi thấy thì chuyện kết minh giữa Cúc Hoa đảo và Mãn Châu là chuyện không bị gián đoạn. Riêng Tổ gia và Nam Cung Nguyệt thì kể như tan và chính vì thế nên Cúc Hoa đảo coi như độc chiếm, chỉ riêng đám Lý Tụ Thành và Bạch Liên giáo thì quả tình bí mật.
Đức Uy nói :
- Bọn Bạch Liên giáo xâm nhập Thiểm Tây mục đích là để hành thích Dương đô đốc để trả oán chuyện tảo trừ năm xưa, đồng thời nhân đó cướp đoạt tài sản, đối với đám đó không đáng lo ngại lắm. Chỉ có phe của Lý Tụ Thành, nghe đâu thực lực chúng mạnh lắm, nhưng mình lại chưa biết gì về chúng, chưa thấy bóng dáng chúng ra sao, đó là chuyện đáng ngại vô cùng...
Trầm ngâm một chút, Đức Uy vụt nói tiếp :
- Không biết Lệ Tam Tuyệt và vị chủ nhân của hắn có phải là phe của Lý Tụ Thành hay không nữa, tôi có nghe nhưng không chắc đúng.
Vân Tiêu vụt vỗ tay :
- Thôi đúng rồi, nếu thiếp hiệp không nhắc là tôi đã quên rồi. Có thể lắm, tôi có nghe đám Lý Tụ Thành đều mặc áo vàng mà Lệ Tam Tuyệt và chủ nhân của hắn lại mặc áo vàng...
Đức Uy nói :
- Nếu bọn Lệ Tam Tuyệt là thuộc hạ của Lý Tụ Thành, thì chúng là hàng tiền phong len lỏi vào Trường An thôi, bị một vố khá đau này, chắc chúng chưa dám làm gì hơn nữa...
Vân Tiêu nói :
- Nếu quả Lý Tụ Thành đã chú ý năm tỉnh miền Tây thì một thất bại nhỏ đó chưa đủ cho hắn chùn chân đâu.
Đức Uy nói :
- Tự nhiên là không chùn nhưng cái đáng lo là vì không thấy sự hoạt động của chúng đó thôi.
Vân Tiêu nói :
- Như thế, trừ việc tìm Triệu cô nương, thăm dò kiết hung về Thất Cách Cách, nên đặc biệt chú ý về đám đó.
Đức Uy gật đầu và từ giã trở về Đô đốc phủ.