Triệu Bá Ung bước ra khỏi hàng, lời kể hùng hồn, Chương thị trung nghe lọt tai được đoạn đầu thì mừng thầm, những lời này không khác gì đổ dầu vào lửa, chỉ có chọc giận Nguyên Thú đế, dính líu nhiều người hơn.
Chương thị trung trộm nhìn sắc mặt Nguyên Thú đế, trong nháy mắt lòng ngập tràn nỗi sợ.
Quả nhiên mặt ông đã tối sầm lại, mà Triệu Bá Ung thì không nhận ra nên cứ nói mãi không ngừng, đến cả lão cũng không kìm được nghi ngờ sự thông minh thường ngày của Triệu tế chấp chạy đi đâu mất rồi, sao mà câu nào cũng như đang nói khích Nguyên Thú đế?
Đang lúc hoảng sợ, chợt nghe thấy Triệu Bá Ung đột nhiên chuyển đổi đề tài, từ chiếu thư tiền triều đến ví dụ Long Võ đế phế trừ chính lệnh của tiên đế, rồi dấu hiệu thịnh thế của Đại Cảnh nằm ở chỗ biến hóa linh hoạt...!Từng câu từng chữ đều khuyên nhủ Nguyên Thú đế phế trừ đan thư thiết quyển mà Thánh tổ ban cho Hoa thị.
Ý đồ chỉ liếc thôi đã thấy ngay —— ban chết cho Tĩnh vương!
Ban chết cho Tĩnh vương không phải là tâm nguyện của Nguyên Thú đế hay sao?
Đạt được mong muốn, Nguyên Thú đế có còn tức giận hay không, đại ngục có còn tiếp tục diễn ra không?
Phát hiện điểm bất thường, Chương thị trung vừa định bước ra khỏi hàng liền nghe thấy giọng nói đều đều vang lên: "Tội Tĩnh vương không thể dung thứ, chúng thần khẩn cầu bệ hạ phế trừ đan thư thiết quyển, ban chết cho Tĩnh vương!"
Chương thị trung ngạc nhiên quay đầu, phát hiện ba vị Tể tướng đã dẫn dắt triều thần quỳ xuống hết cả, nhìn lại mới thấy lão và hai quan bồi thẩm chủ trì đại ngục vẫn đang đứng yên tại chỗ, vô cùng nổi bật.
Biểu cảm trên mặt Nguyên Thú đế thay đổi: "Chương thị trung không có cùng quan điểm sao?"
"Thần..."
Chương thị trung vắt óc cũng không nghĩ ra được kế ứng phó, lão không hề nghĩ đến chuyện trăm quan vì để bảo vệ mà tự vả miệng mình, cũng là đám người này, mấy ngày trước còn cố gắng bảo vệ đan thư thiết quyển Thánh tổ ban cho, ngăn cản Nguyên Thú đế giết Tĩnh vương nhiều lần, lời chó má gì cũng nói được.
Ngự sử trung thừa già cỗi lúc này cũng run lẩy bẩy, nhớ lại ngày trước lão tràn đầy khí thế, tức giận dùng màn đập đầu vào cột nhà uy hiếp Nguyên Thú đế, bây giờ đã phục sát đất, vừa run vừa nói Tĩnh vương không chết thì không thể xoa dịu lòng căm phẫn của dân chúng."
Lão thật sự đang lo nghĩ cho triều đình và bệ hạ sao?
Không, lý do là vì cháu rể của lão cũng bị bắt vào đại lao bộ Hình!
Không chỉ một mình Ngự sử trung thừa vì tình riêng mà vứt hết mặt mũi, quan triều quỳ xuống trước điện, ai dám nói mình không phải cầu vì tình riêng?
Tuy nhiên, lợi ích của riêng bọn họ cùng với tâm nguyện của Nguyên Thú đế không hẹn mà hợp, ăn khớp với nhau, kết cục đã định xong.
"Thần khẩn cầu bệ hạ xử tử Tĩnh vương để răn đe!"
Chương thị trung cắn răng hùa theo số đông, trong lòng thầm oán rốt cuộc là kẻ nào nghĩ ra kế này hại lão khổ tâm trù mưu vô ích, còn phải nghĩ cách để lấy lại chiết tử mà mình đã đưa vào điện Diên Hòa.
Chỉ cần Nguyên Thú đế nhìn thấy được tấu chương viết đầy tên bổ khuyết là sẽ đoán ra tâm tư của lão ngay, còn không phải sau đó sẽ tìm cơ hội chèn ép lẽo và môn đảng hay sao?
Nghĩ đến những gì sẽ xảy ra sau này, cổ họng Chương thị trung ngọt ngắt, suýt chút nữa là nôn ra máu.
Thậm chí lão bực bội không hiểu nổi, ba vị Tể tướng trong triều gồm Triệu tế chấp, Lư tri viện và Cao đồng tri từ trước đến giờ bên nào cũng cho là mình đúng, sao đột nhiên lại có cùng nhịp bước được?
Nguyên Thú đế vô thức vuốt ve nhẫn ban chỉ, cả người thả lỏng, sống lưng thẳng tắp cũng hơi sụp xuống, biểu cảm không thay đổi quá rõ ràng nhưng không khống chế được khóe môi hơi cong lên: "Đan thư thiết quyển mà Thánh tổ ban cho Hoa thị mang ý nghĩa khác thường, nói phế liền phế sẽ làm tổn hại đến uy tín triều đình và mặt mũi hoàng gia."
Đại thái giám lặng lẽ liếc mắt nhìn Nguyên Thú đế đang cố ra vẻ, trong lòng thừa biết bệ hạ chỉ đang giả vờ.
Triệu Bá Ung: "Làm ác không trị, có tội không phạt mới có thể làm tổn hại uy tín triều đình.
Bệ hạ phế đan thư thiết quyển để bảo vệ quốc pháp là đã thể hiện được cử chỉ công chính liêm minh của hoàng gia rồi."
Cao đồng tri bước ra khỏi hàng: "Triệu tế chấp nói phải.
Cái gọi là Làm việc phải không màng lợi riêng, lợi riêng không mất thì công bằng mất, nước không có công bằng thì nước mất, diệt trừ Tĩnh vương chính là hành động bỏ đi cái lợi bảo vệ công bằng cho nhân gian."
Trần Sư Đạo cũng bước ra, thấp mi rũ mắt nói: "Một người phạm pháp nếu như chí hiếu chí thiện, mà triều đình lại cảm thông cho người đó nghĩa là triều đình có lòng bao dung, nhưng tất cả phẩm chất và tư cách của Tĩnh vương đều kém, từng lời nói hành động đều làm hại triều đình và trăm họ, thử hỏi hắn có xứng đáng để được triều đình tha thứ cho lỗi lầm của mình hay không? Thánh tổ ban cho đan thư thiết quyển là đế khen ngợi tổ tiên Hoa thị có công dựng nước.
Tổ tiên Hoa thị vì Đại Cảnh mà lập biết bao nhiêu công lao hiển hách, cũng vì triều đình và trăm họ gầy đựng nền móng vững chắc, hưng thịnh một thời, còn Tĩnh vương đã giúp được việc lớn gì cho triều đình đâu?"
() Nguyên văn là Võng khai nhất diện (網開一面).
Ban đầu, thành ngữ này đọc là Võng khai tam diện (網開 三 面).
Ngày nay thành ngữ này được dùng để chỉ tấm lòng nhân hậu, khoan dung, độ lượng của một người, thông qua việc cho người có lỗi một lối thoát hoặc cho phép họ có một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của mình.
"Nói đúng ra thì Tĩnh vương cũng chỉ là cháu ngoại của Hoa thị, không mang họ Hoa, không thể kéo dài huyết mạch, vậy thì hắn có tư cách gì hưởng thụ đan thư thiết quyển? Tĩnh vương thân là người thuộc hoàng thất, nhận được sự cung phụng của vạn dân nhưng không có chí tiến thủ, không nhớ ân đức của tổ tiên, trái lại lợi dụng chức quyền để lấn át trăm họ, vì lý gì mà triều đình cứ mãi mở lòng khoan dung?"
Lời nói của Trần Sư Đạo còn sắc bén nghiêm nghị hơn ba vị Tể tướng.
"Hôm nay nếu bệ hạ còn không xử phạt tội nặng của Tĩnh vương, trả lại công bằng cho dân, thần sẽ học hỏi Ngự sử đài, đập đầu cột nhà, đổ máu tại chỗ thử xem, thế là đúng với chí hướng văn chết răn, tướng chết trận!"
Cánh tay Nguyên Thú đế căng cứng, dùng hết sức lực kiềm chế đến nỗi cơ gò má hơi giật lên, mặc dù cảm thấy kỳ quái vì có thế nào cũng không thể cất tiếng cười to được, nhưng tâm trạng thật sự rất sung sướng.
Từ khi lên ngôi đến nay, ông đã muốn giết Tĩnh vương rất nhiều lần mà đều bị cản lại, hết lần này đến lần khác bị đám đại thần văn võ này khuyên can, rồi mấy lão già Ngự sử đài cứ rêu rao đập đầu trên điện Thùy Củng mà đã thấy chết đâu, Nguyên Thú đế cũng không muốn nhận lấy tiếng xấu hôn quân, vậy nên cứ lần lượt nhượng bộ.
Mà nay cuối cùng cũng có người muốn đập đầu nhưng là ép ông giết Tĩnh vương, cũng là chết vì khuyên răn, sao có thể khiến cho người ta vui sướng như vậy?
Rồi ông lại nhìn Ngự sử đài, so sánh với Trần Sư Đạo, cùng là nguyên lão ba triều, sao giữa người và người lại có chênh lệch lớn đến thế?
Nguyên Thú đế tằng hắng: "Trẫm sẽ suy nghĩ thử xem."
Bịch một tiếng, Trần Sư Đạo quỳ xuống dập đầu, giọng nói run rẩy: "Bệ hạ...!Nhất định không được mềm lòng nương tay!"
"..."
Trong điện hoàn toàn yên tĩnh.
...!Đến mức này luôn sao?
Trước đây không nhìn ra Trần thị lang giỏi như vậy.
Lần trước lúc bị oan ở tù, còn tưởng rằng Trần Sư Đạo chỉ là một lão nho sinh bảo thủ không hiểu nhân tình quan trường, không ngờ ông chỉ giả heo ăn cọp, đợi cơ hội đến một cái là lập tức mạnh mẽ bắt lấy, những người khác có muốn cũng đã chậm mất một bước rồi.
"Khụ! Ừ!" Nguyên Thú đế không nhịn được nữa, khóe môi lại cong lên thêm một chút nữa, vội vàng xuống khỏi long ỷ, đỡ Trần Sư Đạo dậy rồi sắp xếp lại biểu cảm sau đó siết chặt tay Trần Sư Đạo, vỗ lên mu bàn tay ông, kìm lòng không đặng nữa nói: "Sao lại thế được? Sao lại làm thế! Khanh là lão thần ba triều, là trọng thần, là xương cánh tay của trẫm! Dám nói dám khuyên, ngay thẳng chính trực, nếu như trẫm không nghe theo lời khuyên, làm tổn thương lòng thành khẩn yêu triều đình của lão thần thì sao."
Buông tay Trần Sư Đạo ra, Nguyên Thú đế nhìn quanh điện một vòng, lên tiếng thỏa hiệp: "Chư vị khanh gia một lòng một dạ với triều đình, tất nhiên trẫm sẽ không phụ lòng thỉnh nguyện của các ngươi.
Có điều nói thế nào thì đan thư thiết quyển cũng vẫn là di huấn của Thánh tổ, trẫm không phế trừ nó thì sẽ không thể nói rõ với triều đình và trăm họ, còn nếu phế trừ tức là bất hiếu.
Nhưng trẫm thà làm đứa con cháu bất hiếu của Hoắc thị, chứ không muốn làm tội nhân của Đại Cảnh! Từ hôm nay trở đi, trẫm sẽ thu hồi đan thư thiết quyển trong tay Tĩnh vương, về sau nó chỉ thuộc về con cháu trực hệ Hoa thị, nếu như phạm tội nặng như mưu triều soán vị, cấu kết với ngoại địch thì không được miễn xá."
"Còn Tĩnh vương, phạm tội gì dùng pháp đó."
Lư tri viện nhân lúc Nguyên Thú đến chuẩn bị nói bãi triều thì vội vàng lên tiếng: "Bệ hạ, Đô tào Hoài Nam Tư Mã Kiêu không tham ô thuế Hoài Nam, kết tội tư thông với An Hoài Đức có thể là do Tĩnh vương thêu dệt để hãm hại Đông cung.
Danh sách đồng đảng tra khảo trong miệng lão ta, e là do lão không chịu nổi hình phạt, bị hoảng nên nói bậy nói bạ thôi.
Các quan triều và quan viên Hoài Nam đang bị nhốt trong tù hiện tại có những người không đáng tội chết.
Như vậy đại ngục trước mắt..."
Nguyên Thú đến nhìn Lư tri viện, quét qua đám người Đông cung đang hạ thấp cảm giác tồn tại của mình xuống hết mức, ông xoay nhẫn ban chỉ, cảm giác vui vẻ khi giải quyết được họa lớn trong lòng không hề khiến cho ông trở nên hồ đồ.
"Có tội hay không thì bộ Hình sẽ tự kiểm tra thẩm vấn.
Tuy nhiên với hình phạt nghiêm khắc như thế thì cũng dễ khiến cho nhiều người chết oan.
Trịnh Sở Chi, cả những quan bồi thẩm khác nữa, trẫm lệnh cho các ngươi lúc luận tội không được lạm dụng cực hình, không được để nhân viên thương vong, chỉ cần điều tra rõ, lấy được chứng cung rồi thì giao cho Đại lý tự phúc thẩm, sau đó đến nói rõ ràng cho trẫm, chém ai lưu đày ai, trẫm sẽ định đoạt."
Lời này vừa dứt, Trịnh Sở Chi thở phào nhẹ nhõm, nhưng hai tên quan bồi thẩm đã lạm dụng tư hình làm chết hai đại quan tứ phẩm thì tê liệt ngã xuống đất, mặt mũi tái nhợt tựa như sắp tắt thở đến nơi.
Nguyên Thú đế nhận ra được sự khác thường bèn hỏi: "Hai vị khanh gia có ý kiến gì khác sao?"
Hai người liên tục lắc đầu, lau mồ hôi lạnh: "Không, không có, bệ hạ anh minh, thần không có ý kiến khác."
Nguyên Thú đế nhìn bọn họ chằm chằm: "Tốt nhất nên vậy.
Trẫm không muốn vừa mới thả người trong sạch ra đã lại nhốt người mới vào đâu."
Hai người không nhịn được run rẩy, Nguyên Thú đế cũng lười nhìn bọn họ nữa.
"Đô tào Hoài Nam tuy không tham ô tiền thuế, nhưng không thể phủ nhận hắn có âm thầm qua lại với An Hoài Đức.
Tư Mã Kiêu ham mê nữ sắc, thu nhận hối lộ của cấp dưới, dẫn đến hậu trạch không an ổn, bị đàn bà tính kế là sự thật.
Đô tào quản thủy vận một tỉnh, nhưng đường sông Hoài Nam dưới tay hắn quản lý lại xảy ra hiện tượng sụp đổ, có người tham ô mà Tư Mã Kiêu không biết cũng là sự thật." Nguyên Thú đế lạnh nhạt tuyên bố: "Tra cho rõ chân tướng, xử lý theo luật là được.
Rồi cái chức quan Đô tào Hoài Nam cũng đừng làm nữa, đức không xứng với vị, khiến người ta phải chê cười, trở về làm quốc cữu cho tốt rồi thôi."
Nghe vậy, Đông cung và Ngũ hoàng tử cũng thở phào một hơi.
Tuy tổn thất một chức Đô tào Hoài Nam, nhưng lại giữ được Tư Mã thị, trải qua một lần xoay chuyển quan trường này, thế lực của Đông cung bị áp chế mạnh mẽ, cơ mà kết quả thế này còn tốt hơn nhiều so với việc bị nhổ tận gốc.
Nguyên Thú cảm thấy hơi mệt mỏi bèn khoát tay: "Bãi triều đi."
"Triệu tế chấp dừng bước." Thái tử ngăn Triệu Bá Ung lại: "Hôm nay Triệu tế chấp ở trên điện bên vực lẽ phải vì trăm quan, cô thay triều thần văn võ trong thiên lao cảm ơn tế chấp có lòng tốt.
Triệu Bá Ung bước sang một bên, tránh lời cảm ơn của Thái tử: "Cũng chỉ là chức trách của bề tôi mà thôi, điện hạ quá khen."
Thái tử không nhịn được nhìn Triệu Bá Ung, khẩn thiết hỏi: "Hôm nay Tế chấp ra mặt, là bởi vì Tứ lang sao?"
Tứ lang?
Triệu Bá Ung cau mày, cũng ngẩng đầu lên nhìn lại, vừa đúng lúc thấy được tình cảm mà Thái tử chưa kịp che giấu, ông vừa sốc vừa không kiềm được cơn giận: "Triều cục ra sao, Tứ lang không hề hay biết.
Thái tử tự trọng."
Thái tử né tránh ánh mắt của ông, "Cô không có ý gì khác...!Đúng rồi, cuối tháng này ở ngoại ô có một bữa tiệc ngắm mai, văn nhân nhã sĩ trong Kinh Đô đều sẽ tham dự, cô muốn —— "
"Trời đông tuyết phủ gây trở ngại cho thân thể Tứ lang, cả mùa đông này Tứ lang cũng sẽ không ra ngoài."
Giọng nói và ánh mắt của Triệu Bá Ung lạnh đến mức có thể đóng băng, mà Lư tri viện phát hiện ra động tĩnh của bọn họ ở bên này, liên tục nhìn lại, Thái tử sợ nói tiếp sẽ khiến cho người ta nghi ngờ bèn vội giữ khoảng cách.
"Năm sau Tứ lang sẽ tham gia kì thi, cần tĩnh tâm học tập, nếu như điện hạ thật lòng lo nghĩ vì tương lai của Tứ lang, thì xin đừng làm Tứ lang phải bận lòng."
"Cô...!Cô biết rồi."
Triệu Bá Ung nghe hắn đáp vậy không vui cũng chẳng giận, bước đi trước một bước.
Đợi đến khi triều thần đã đi cả, Chương thị trung mới rẽ vào điện Diên Hòa định lấy lại chiết tử, nhưng làm sao được khi hàng ngũ canh gác rất nghiêm ngặt, không tìm được cơ hội đi vào.
"Chương thị trung, ngài ở đây làm gì thế? Muốn gặp bệ hạ sao?"
"Ối!" Chương thị trung bị dọa giật mình, quay đầu lại nhìn thấy quan nội thị Cao đô tri mới thở phào nhẹ nhõm, đột nhiên nhớ ra người này có thể tùy ý ra vào trong điện, thế là lão viết hai chữ lo lắng lên mặt, nói: "Đô tri cứu mạng ta với!"
Cao đô tri bối rối: "Sao thế? Ngài cứ từ từ nói."
Chương thị trung: "Ta có một bản tấu chương liên quan đến Lưỡng Giang, vì thời gian eo hẹp, không chú ý nên đã đưa nhầm vào điện Diên Hòa, sáng nay người bên dưới báo lại, nói là trong đó có một chuyện nghĩ sai rồi, là tin đồn mà thôi.
Ta nghĩ là bệ hạ chưa phê duyệt tấu chương nên muốn lấy về, nhưng mà lại không vào trong được...!Cao đô tri, ngài giúp ta một tay với."
Cao đô tri: "Đừng vội, là chiết tử ngày hôm qua sao?"
Chương thị trung: "Hình như ta để nó trong chiết tử sáng nay ấy."
Cao đô tri: "Được rồi, ta giúp ngài lấy ra."
Chương thị trung: "Đa tạ Cao đô tri! Cao đô tri đại thiện."
Cao đô tri vào điện Diên Hòa giúp Chương thị trung tìm bản tấu chương kia, mở ra xem mới thấy trong đó là tên của chừng trăm người, có cả mấy cái tên rất quen thuộc, gã nhớ mang máng là quan viên Lưỡng Giang.
Bị lòng hiếu kỳ thôi thúc, Cao đô tri đọc lướt tấu chương nhanh như gió, trong lòng tự hiểu rõ mục đích của Chương thị trung khi nộp tấu chương này lên.
"Cùng là quan triều, người khác đều muốn đồng tâm hiệp lực, Chương thị trung này thì ngược lại, định nhân cơ hội đạp xương cốt đồng liêu để mà leo lên." Cao đô tri lắc đầu giễu cợt, giấu chiết tử vào trong tay áo rồi đi ra ngoài.
Hoài Nam vừa mới gặp nạn lụt, quan trường lại trải qua một trận động đất, chính là thời điểm hỗn loạn, nếu như lúc này Lưỡng Giang cũng nhảy ra trước mặt Nguyên Thú đế chắc chắn sẽ lại khiến cho dư luận xôn xao nữa.
Cao đô tri giao lại chiết tử cho Chương thị trung, lời nói mang ý sâu xa: "Đại nhân, theo như những gì ta hiểu về bệ hạ của chúng ta, thì ngài ấy thật sự không thích kết bè đảng và đám bè lũ xu nịnh đâu, hy vọng đại nhân tự biết trân trọng bản thân mình."
Chương thị trung lúng túng cười trừ, vừa về phủ đã lập tức thiêu hủy tấu chương đó.
Hai tên quan bồi thẩm nghe theo lời lão nghiêm hình tra hỏi hai vị đại quan tứ phẩm làm người ta chết thảm trong ngục, vừa mới đó đã vội chạy đến Chương phủ thăm hỏi, nhưng lại bị chặn ngoài cửa.
Quản gia truyền lại lời dặn của Chương thị trung, nhét vào trong tay mỗi người một lọ thuốc màu đen, nửa dặn nửa uy hiếp: "Hai vị là người thông minh, hẳn phải biết người nào có liên quan đều phải...!Chắc các vị cũng không muốn người nhà bị liên lụy, đều hy vọng sau khi chết rồi, có người chăm sóc người nhà mình thật tốt chứ?
Thoáng chốc, sắc mặt hai người nọ ảm đạm, run rẩy cầm lấy lọ thuốc nói: "Xin ông truyền lời giúp cho, nếu như không chăm sóc tốt cho người thân của bọn ta, thì bọn ta có thành quỷ cũng không thể an lòng!"
Quản gia: "Đại nhân chúng ta đã nói là sẽ làm."
Hoài Nam.
Khang vương nhận được thư từ phủ Kinh Đô, không khỏi cười phá lên: "Tuyệt vời!"
Tri phủ Từ Châu Hạ Quang Hữu nghe tiếng mà đến bước vào trong phòng khách: "Hạ quan tham kiến vương gia, vương gia đang xem gì thế?"
Khang vương thuật lại đơn giản chuyện xảy ra ở phủ Kinh Đô, sóng lòng Hạ Quang Hữu dâng trào, kích động không thôi: "Vậy là hiện tại họa quan trường Hoài Nam đã qua rồi sao?"
Khang vương nở nụ cười: "Đúng vậy nhỉ?"
Hạ Quang Hữu cầm lấy thư xem tới xem lui, nỗi xúc động cứ dâng lên không ngừng: "Hay, hay quá, tài trí của tiểu Triệu đại nhân có thể sánh với Gia Cát, tâm địa hiền lành, vốn đã thoát thân khỏi đại án Hoài Nam, lại vì không đành lòng thấy người vô tội gặp nạn mà kiên quyết nghĩ kế tương trợ, đúng là hiền thần! Đúng là hiền thần!"
Khang vươn không vui, "Ngươi coi kĩ xem, cháu ta mới là người đứng sau màn quyết định tình hình kia mà."
Nụ cười trên mặt Hạ Quang Hữu tự dưng phai nhạt đi một chút: "À, tiểu quận vương quả là không tệ."
Khang vương cau mày, cảm thấy thái độ của Hạ Quang Hữu rất kỳ lạ.
Hạ Quang Hữu lơ đễnh nói: "Suy cho cùng thì vẫn là tiểu Triệu đại nhân trù tính toàn cục, xem thư thì thấy hình như tiểu Triệu đại nhân đã viếng thăm phủ Triệu tế chấp và phủ Cao đồng tri nhỉ.
Đúng rồi, trong thư còn nói Trần thị lang ngự tiền đòi chết răn —— nhớ không lầm, Trần đại nhân là ân sư của tiểu Triệu đại nhân nhỉ? Có thầy ắt sẽ có trò, có lẽ là tiểu Triệu đại nhân đã đi thuyết phục Trần đại nhân đấy."
"..." Khang vương rút thư lại, có hơi ghét bỏ mà cách xa Hạ Quang Hữu, suy đi nghĩ lại rồi cảnh cáo: "Ngươi có biết Triệu Bạch Ngư và Lâm An quận vương đã thành thân rồi không, bọn họ là do bệ hạ ban hôn, người ngoài không thể nhúng tay vào?"
"Dĩ nhiên là hạ quan biết." Hạ Quang Hữu nhìn Khang vương bằng ánh mắt kì quái, sau đó than thở: "Cực khổ cho tiểu Triệu đại nhân rồi."
Khang vương xoa xoa tay, rút một phong thư khác trong tay áo ra.
Hạ Quang Hữu thấy vậy hỏi: "Là thư của tiểu Triệu đại nhân sao?"
Khang vương: "Là thư nhà."
Hạ Quang Hữu nghe vậy liền tự giác tránh tầm mắt đi, không theo dõi thư nhà của Khang vương nữa, có điều chưa từng nghe nói Khang vương lập gia đình.
Khang vương xem thư nhà xong thì chân mày cau lại, Chương thị trung và Lưỡng Giang?
Đại án gian lận thi cử cũng không thể chấn chỉnh được quan trường Lưỡng Giang hay sao?
Nhờ Nguyên Thú đế không tức giận và không có nỗi lo về sau đại ngục, hiệu suất luận tội vụ án của Trương Sở Chi tăng cao, nhanh chóng tra rõ sự thật lẫn chứng minh quan triều vô tội trong sạch.
Tất nhiên không phải là tất cả quan triều đều trong sạch, vẫn có kinh quan thu nhận hối lộ của Tĩnh vương và An Hoài Đức mà thuận lợi đẩy cửa, những kẻ như vậy nên tịch thu tài sản thì tịch thu, nên chém đầu phải chém đầu, nhất định không được nhân nhượng.
Trái lại hai đại quan tứ phẩm bị quan bồi thẩm dùng hình ép chết quả thật là chẳng có tội gì, Trịnh Sở Chi mang chứng cung có con dấu của Đại Lý tự đi bắt người, nào ngờ hai người họ đã sợ tội tự sát ngay trong nhà mình.
Nếu đã đền tội, lại có Chương thị trung ở bên cạnh cầu tha thứ, tội mới không đội lên đầu người nhà, Nguyên Thú đế chỉ ra lệnh tước đoạt công danh và chức quan của hai người, tịch thu gia tài, quan trạch phải trả về cho triều đình, chuyển đi khỏi Kinh Đô ngay trong ngày hôm đó.
Tư Mã Kiêu ở trong tù bị dùng hình, thân thể đổ bệnh gốc, đường làm quan đến đây là chấm dứt, cũng may lão giữ lại được cái mạng, còn mang được cái danh quốc cữu, nửa đời sau không phải lo ăn lo mặc, chẳng qua là số tiền thuế Hoài Nam mà lão ăn chặn đều phải giao ra hết cho Tri phủ Từ Châu Hạ Quang Hữu, giữ lại dành riêng cho việc quản lý lẫn tái xây dựng đường sông ở Hoài Nam.
Tiền tham ô không thể không nhả ra, bởi vì sổ sách thật nằm trong tay Triệu Bạch Ngư.
Đông cung, Ngũ hoàng tử và Tư Mã thị có mà táng gia bại sản thì mới gom góp đủ bạc để trả về Hoài Nam.
Mấy năm nay lợi dụng chức vụ để hốt bạc, cơ hồ đã đền sạch cả rồi, còn dư lại chẳng có mấy, bây giờ Đông cung nghèo đến mức chỉ còn mỗi cái khố.
Vì vậy, mặc dù Triệu Bạch Ngư đã ra tay giúp Đông cung, đám người Thái tử vẫn vừa yêu vừa hận y, yêu y mưu trí vô song, hận y không ra sức vì Đông cung.
Trái lại ở Định Châu xa xôi, Trịnh quốc công và Lục hoàng tử nghe ngóng được triều cục trong Kinh Đô chỉ mấy ngày mà biến đổi bất ngờ thì cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, bắt đầu nhìn lại sự việc từ gốc đến ngọn.
Trịnh quốc công hiểu được đại khái đã tính toán xong rồi, còn Lục hoàng tử thì cứ mãi nghĩ đi nghĩ lại.
Từ lúc Triệu Bạch Ngư đảm nhiệm chức Khâm sai đến Hoài Nam, đến khi vén màn đại án Hoài Nam, còn cả Hoắc Kinh Đường tưởng chừng như vô hình lại thoắt ẩn thoắt hiện xuyên qua đầu đuôi, Lục hoàng tử đoán được tận tám chín phần mười.
Hoắc Kinh Đường có ưng giỏi chó tài, tuy nhiên chỉ có Nguyên Thú đế mới có thể ra tay thúc giục, Lục hoàng tử chưa phát hiện được điều gì kì lạ, nhưng Triệu Bạch Ngư biết cách gây khó dễ và nắm bắt lòng người như thể đã dày công tôi luyện lại khiến cho hắn khó mà không ngạc nhiên cho được.
Muốn ngồi vững ngôi vị hoàng đế, muốn quan trường như cá gặp nước phải biết bắt bí lòng người, khiến người ta trở thành con cờ của mình, vừa có thể khuấy động mây gió, vừa có thể rút lui toàn vẹn bất cứ lúc nào.
"Triệu Bạch Ngư..." Lục hoàng tử vô thức lên tiếng.
Trịnh quốc công nghe thấy được bèn hỏi: "Người này thế nào?"
"Nếu như có thể ra sức vì ta thì sẽ như hổ thêm cánh." Lục hoàng tử bật cười, bổ sung thêm một câu, "Còn nếu như không thể, thì cũng là hiền thần Đại Cảnh."
Đánh giá quá cao.
Trịnh quốc công gật gù, không phát biểu ý kiến của mình.
Phủ Lâm An quận vương.
Hoắc Kinh Đường nằm trên ghế, nhắm mắt niệm kinh Phật, bên ngoài tuyết rơi nhiều, trong phòng đốt một chậu than không khói, Triệu Bạch Ngư đang ngồi sau bàn đọc sách bắt chước vẽ lại danh họa của danh gia.
Không khí trong phòng yên tĩnh mà hòa hợp vô cùng.
Bỗng nhiên có một con mèo mun nhảy từ ngoài cửa sổ vào, trông nó nặng cỡ bảy tám kí, cả người đầy thịt.
Mèo mun này tên Hoa Tuyết, nó là con mèo mà Hoắc Kinh Đường mang theo về từ ngoại ô vào cái ngày mà hắn bị trúng cổ độc hồi kinh, có lẽ lớn tầm năm tuổi.
Tuyết trắng dính khắp người Hoa Tuyết, nó giũ mình để tuyết rơi xuống, tan ra thấm ướt thảm, sau đó nhảy lên bàn đọc sách chậm rãi lượn quanh chỗ Triệu Bạch Ngư, nũng nịu kêu rồi lỡ chân đạp vào nghiên mực, giật mình meo một tiếng để lại vài dấu hoa mai trên giấy Tuyên, tặng luôn cho Triệu Bạch Ngư mấy vết mực đen lên áo bào màu xanh nhạt.
Triệu Bạch Ngư xoa cái gáy của con mèo mun mập ú, Hoa Tuyết vô cùng thoải mái nên ngẩng đầu kêu rừ rừ, chẳng được bao lâu đã bị Triệu Bạch Ngư nhẫn tâm đuổi xuống bàn.
Hoa Tuyết kêu meo meo nhìn Triệu Bạch Ngư bằng ánh mắt khó hiểu.
Triệu Bạch Ngư chỉ vào Hoắc Kinh Đường ý bảo nó chạy qua đó, Hoa Tuyết đứng sững tại chỗ một hồi mới rảo bước đến ghế nằm, dồn sức bật nhảy, thân thể mập mạp dán sát lên bụng của người đang chợp mắt.
Hoắc Kinh Đường chợt mở mắt, bàn tay nhanh lẹ bóp gáy mèo mun nhấc nó lên.
Hoa Tuyết giãy giụa như một phản xạ tự nhiên, lông đen rụng xuống mặt Hoắc Kinh Đường, Triệu Bạch Ngư thấy vậy thì bắt đầu nhịn cười.
"Đừng nhịn, muốn cười thì cứ cười đi."
Triệu Bạch Ngư cười hi hi mấy tiếng, cười xong bèn hỏi: "Chàng thấy Hoa Tuyết có nên giảm cân một tí không?"
Hoắc Kinh Đường cau mày: "Tích mỡ mùa đông thôi." Hắn ném Hoa Tuyết xuống đất, thấy nó tiếp đất thành công thì hài lòng nói: "Thấy chưa, thân thủ nhanh nhẹn, có đứa mèo mập nào làm được vậy không hả? Đến mùa xuân sang năm là gầy lại ngay ấy mà."
Triệu Bạch Ngư không muốn nói ngày hôm trước y còn nghe thấy Hải thúc than phiền rằng Hoa Tuyết quá mập rồi, và Hoắc Kinh Đường thì cứ luôn lấy lý do tích mỡ mùa đông để từ chối cắt giảm khẩu phần ăn của nó.
Có điều Hoa Tuyết mập thật, ngày khác phải dặn Hải thúc kiểm soát cân nặng của nó mới được, nếu Hoắc Kinh Đường hỏi tới thì cứ để y chịu trách nhiệm vậy.
"Lau mặt đi."
"Tiểu lang đến lau giúp ta."
"Chàng không có tay à?"
"Không có khăn."
Triệu Bạch Ngư đặt bút xuống, rút khăn tay ra thấm nước rồi đến lau sạch lông mèo trên mặt cho Hoắc Kinh Đường, liếc thấy chiếc khăn cũ mà hắn thường cột trên cổ tay ẩn núp trong tay áo bèn hỏi: "Đây không phải là khăn hả?"
"Không được." Hoắc Kinh Đường kiên quyết từ chối, ôm eo Triệu Bạch Ngư lầu bầu: "Không được làm bẩn nó."
Triệu Bạch Ngư chẳng hiểu gì: "Chẳng lẽ đây là tín vật mà tiểu lang hay cô nương nào đó tặng chàng sao?"
Hoắc Kinh Đường nhìn y chằm chằm: "Là của một tiểu lang tặng cho."
Triệu Bạch Ngư: "Ai?"
Hoắc Kinh Đường vẫn cứ nhìn y không chớp mắt, không nói lời nào.
Triệu Bạch Ngư rụt cổ, đưa mắt nhìn hoa văn của chiếc khăn tay cũ trên cánh tay Hoắc Kinh Đường, trong đầu có một vệt sáng lóe lên: "Là cái của ta —— chàng vẫn luôn mang theo bên mình sao?!" Y bối rối trong chớp nhoáng, rồi lại lấy làm lạ nói: "Đâu phải ta tặng chàng, là chàng không trả cho ta mà."
Hoắc Kinh Đường buông eo Triệu Bạch Ngư ra rồi xoay người lại, dùng cái ót nhìn Triệu Bạch Ngư.
Triệu Bạch Ngư kề sát lại: "Giận à?"
Hoắc Kinh Đường cất giọng như chẳng có chuyện gì xảy ra: "Không giận.
Vi phu sẽ không tức giận với tiểu lang đâu."
"À, vậy có thể trả khăn lại cho ta không? Ta dùng quen —— "
Hoắc Kinh Đường chợt trở mình, vươn cánh tay dài câu lấy eo Triệu Bạch Ngư kéo y xuống đè lên ghế, nửa người áp sát cơ thể Triệu Bạch Ngư, ôm đầu y chôn vào trong lồng ngực của mình rồi ngang ngạnh nói: "Đi ngủ."
"Ban ngày ban mặt ngủ cái gì? Hoắc Kinh Đường, chàng đừng quậy mà."
Hoắc Kinh Đường giơ chân gác lên hai chân Triệu Bạch Ngư, càng bị nói càng làm tới.
Triệu Bạch Ngư bất động, không tài nào nghĩ ra được vì sao cửa đóng kín một cái là Hoắc Kinh Đường lại trở nên giống đứa con nít như vậy.
"Ta có món quà thật sự dày công chuẩn bị muốn tặng cho chàng này, chàng không buông ta ra là ta không lấy ra được đó."
Hoắc Kinh Đường thoáng thả Triệu Bạch Ngư ra, hé mở một mắt: "Là cái gì?"
"Buông trước đã nào."
Hoắc Kinh Đường do dự: "Em đừng lấy lại khăn tay đã tặng ta nhé."
"Ta không tặng...!Thôi được rồi, cho chàng, tặng chàng luôn đấy."
Hoắc Kinh Đường hài lòng buông Triệu Bạch Ngư ra, trông như chẳng làm gì cả nhưng thật ra đang dán mắt vào y.
"..." Triệu Bạch Ngư liền trở nên hồi hộp, không lấy nổi quà ra.
Y ho nhẹ hai tiếng rồi móc trong ngực áo ra hai món quà khác nhau, một món là thẻ làm dấu sách được y tự chế lại từ dây leo hoa mà Hoắc Kinh Đường gửi đến, món còn lại chính là tranh thủy mặc vẽ lại chậu cây hắn tặng, bên dưới tàng cây còn vẽ thêm Quan Âm mặt mùi hiền lành.
Chẳng qua tướng mạo của Quan Âm không giống với Quan Âm thường gặp trong chùa hay miếu, trái lại là nét mặt hơi quen thuộc.
Triệu Bạch Ngư nhỏ giọng nói: "Thôi phó quan kể chuyện cho Nghiên Băng nghe, nói thời niên thiếu chàng giống mẹ ruột, giống nhất là đôi mắt, còn nói mẹ chàng —— "
"Là mẹ." Hoắc Kinh Đường sửa lại.
Triệu Bạch Ngư bật cười: "Còn nói mẹ cũng tin vào Bồ Tát.
Ta liền nghĩ nếu như mẹ ở trên trời có linh, nói không chừng đã cảm nhận được lòng thành của chàng, biết đâu sẽ xuất hiện dưới cây vân tùng mà chàng tự tay chăm sóc, hoặc là giữa những dòng kinh Phật mà chàng chép, cũng có thể ở trong tranh vẽ Quan Âm...!Ta tìm Hải thúc hỏi tranh vẽ của chàng lúc trước và dung mạo của mẹ, dựa vào tưởng tượng trong lòng để vẽ —— " Y có chút thấp thỏm, cũng hơi áy náy, "Không giống lắm, đúng không?"
"Không đâu." Hoắc Kinh Đường vuốt ve hình ảnh nữ tử bên dưới tàng cây vân tùng: "Giống lắm."
Nói rồi, hắn xoa nắn ngón tay của Triệu Bạch Ngư: "Tiểu lang có lòng rồi."
Triệu Bạch Ngư mỉm cười, ánh mắt cong thành mảnh trăng lưỡi liềm: "Chàng vui là được."
Hai người đang tình tứ thắm thiết, bên ngoài vọng vào tiếng bước chân vội vã, màn cửa bị vén lên, kèm theo gió tuyết tràn vào trong phòng chính là giọng nói oang oang của Thôi phó quan: "Tướng quân, tiểu Triệu đại nhân, tin tốt đây! Đại ngục ngưng rồi!"
"Ớ —— " Thôi phó quan một chân bước vào phòng, chân sau vẫn còn ở ngoài bậc cửa, "Hình như tôi đến không đúng lúc nhỉ?"
"Không, rất đúng lúc." Hoắc Kinh Đường ngước mặt cười ôn hòa với Thôi phó quan, con ngươi người nọ kịch liệt co lại, dùng mắt thường cũng có thể thấy là đang sợ quắn lên.
"Tuyết rơi ngập cả phủ rồi, không đủ người, ngươi đi quét đi."
Thôi phó quan ngơ ngác, gã đã đắc tội cái tên tướng quân nhỏ mọn hồi nào vậy?
Hoắc Kinh Đường gằn từng chữ rõ ràng: "Quét không sạch thì đừng sống nữa."
==
Min: Tướng quân ở trước mặt người ngoài thì lạnh lùng sát phạt, ở trước mặt ông cha thì ngang bướng thiếu đòn, ở với đám thuộc hạ thì phũ phàng nhỏ mọn, còn về đến nhà đóng cửa ở với vợ thì làm chồng trẻ con nhỉ =)))))))) mà anh giai dỗi vợ hơi nhiều nhé, dỗi ba láp ba xàm gì đâu xong để người ta dỗ rồi bảo anh không giận đâu.