KẾT THÚC CUỘC CHIẾN ĐẤU KỲ LẠ GIỮA KỴ SĨ DŨNG CẲM TỈNH VIXCAIA VÀ HIỆP SĨ TRỨ DANH XỨ MANTRA
Chương trên kể tới đoạn kỵ sĩ dũng cảm Vixcaia và hiệp sĩ trứ danh Đôn Kihôtê diện đối diện, gươm tuốt trần và giơ cao, sắp sửa giáng cho nhau một đòn ác liệt nhằm xẻ dọc đối thủ từ đầu đến chân như ta bửa một quả lựu làm đôi vậy. Câu chuyện đang hay thì bị đứt quãng, mà tác giả cũng không bảo cho biết phần cuối tìm ở đâu.
Điều này làm tôi rất buồn phiền. Càng thích thú đoạn trên bao nhiêu, tôi càng phiền lòng bấy nhiêu khi nghĩ tới việc phải đi sưu tầm đoạn cuối không thể thiếu được cho một câu chuyện ly kỳ như vậy. Tôi cho rằng đối với một hiệp sĩ tài ba như Đôn Kihôtê, theo lẽ thường, chắc chắn phải có sử gia ghi lại những chiến công có một không hai của chàng, vì ngay những hiệp sĩ giang hồ vô danh tiểu tốt cũng còn được một vài sử gia viết về họ, không những kể lại cuộc đời họ mà còn ghi cả những ý nghĩ nhỏ nhặt và những hành động lố bịch của họ nữa; và một khi hiệp sĩ Platir cùng các hiệp sĩ khác được ghi vào sử sách thì không lẽ gì một hiệp sĩ tài giỏi như vậy phải chịu số phận hẩm hiu. Tôi không thể tin được rằng một câu chuyện hay như vậy bị mất đầu mất đuôi và tôi cho rằng thời gian ác nghiệt - kẻ hủy hoại muôn vật trên đời này - đã khiến cho những tài liệu nói về Đôn Kihôtê phải nằm chết gí ở một xó nào hoặc bị hư hỏng.
Mặt khác, trong phòng sách của Đôn Kihôtê có những cuốn mới xuất bản như Phương thuốc chữa bệnh hay ghen và Những nữ thần và mục phu của Ênarêx, cho nên tôi đoán chừng câu chuyện về Đôn Kihôtê mới xảy ra gần đây thôi, và nếu chưa có ai viết thành sách, chắc rằng trong số những người cùng quê chàng có kẻ còn nhớ. Ý nghĩ đó thôi thúc tôi tìm hiểu sự thật về cuộc đời và những chiến công kỳ diệu của Đôn Kihôtê, hiệp sĩ Tây Ban Nha trứ danh, ánh sáng và tấm gương của giới hiệp sĩ xứ Mantra, người đầu tiên trong thời đại đau khổ này khoác vũ khí lên vai, đi chu du khắp thiên hạ bênh vực kẻ hèn yếu, cứu vớt đàn bà góa, bảo vệ những cô gái lang thang trên lưng ngựa khắp đồi này qua đồi khác mà vẫn giữ vẹn tuyết trinh; thời trước, có những thiếu nữ sống tới tám mươi tuổi, không đêm nào ngủ nhà mà tới lúc chết vẫn nguyên vẹn như mẹ đẻ ra mình, nếu như họ không bị những kẻ ăn bám vô lại hay những tên khổng lồ quái dị cưỡng bức. Cho nên, với những hành động nghĩa hiệp của mình, chàng Đôn Kihôtê dũng cảm của chúng ta xứng đáng được ca tụng nhắc nhở mãi, và người đời cũng sẽ nhớ tới công lao tôi đã phải bỏ ra để tìm kiếm phần cuối câu chuyện lý thú này. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng nếu không có Trời giúp cho và nếu tôi không gặp vận may, thiên hạ sẽ không được hưởng gần hai tiếng đồng hồ thú vị đọc truyện này. Công việc sưu tầm của tôi đã được tiến hành như sau:
Một hôm tôi đang đi lang thang trong phố Alcana ở Tôlêđô, bỗng đâu gặp một chú bé ôm một mớ sách cũ mang bán cho một nhà buôn tơ lụa. Tính tôi ham đọc, kể cả những mẩu giấy vụn vứt ngoài đường, nên tôi bèn hỏi xem một quyển và thấy ngoài bìa ghi chữ Arập. Không đọc được loại chữ này, tôi nhìn quanh quẩn xem có người Môrô nào đọc được và dịch ra tiếng Tây Ban Nha không. Kiếm một người phiên dịch như vậy không khó lắm vì ngay như tìm một người đọc được ngữ cổ hơn cũng dễ thôi. Vừa hay có một người đi tới, tôi bèn ngỏ ý và đưa cho người đó cuốn sách. Anh ta giở sách ra, mới đọc một đoạn đã cười. Tôi hỏi cười gì, anh đáp là cười câu ghi chú ở lề trang sách. Tôi yêu cầu nói rõ hơn, anh ta vẫn cười và đáp:
- Ở lề trang giấy có ghi: "Người ta đồn rằng nàng Đulxinêa ở làng Tôbôxô, mà tác giả nhắc tới nhiều lần trong truyện này, là người đàn bà muối thịt lợn khéo tay nhất xứ Mantra".
Nghe thấy nhắc tới tên "Đulxinêa ở làng Tôbôxô", tôi giật nảy người, đoán chừng cuốn sách cũ này viết về Đôn Kihôtê. Nghĩ vậy, tôi bèn nhờ anh ta xem ngay cho câu đầu. Anh đọc và dịch thẳng từ tiếng Arập sang tiếng Tây Ban Nha như sau: Truyện Đôn Kihôtê xứ Mantra của ngài Amêtê Bênenhêli, sử gia Arập. Tôi phải cố nén nỗi vui mừng khi tai nghe thấy tên cuốn sách đó, và tôi phỗng tay trên của anh bán hàng tơ lụa, mua luôn của chú bé cả mớ sách cũ với giá là năm hào. Nếu thằng bé tinh ý nắm được mưu đồ của tôi, chắc nó sẽ bán với giá trên sáu đồng. Mua xong, tôi dẫn anh chàng người Môrô đến một cái hành lang của ngôi nhà thờ lớn trong tỉnh và nhờ anh dịch tất cả những đoạn nói về Đôn Kihôtê ra tiếng Tây Ban Nha, không thêm không bớt, hứa khi xong việc anh muốn gì được nấy. Anh ta chỉ đòi hai yến nho khô và một tạ lúa mì, hứa sẽ dịch thuật đúng, thật nhanh. Muốn cho công việc được dễ dàng và không để lỡ một dịp may hiếm có, tôi đưa anh về nhà tôi dịch luôn một mạch trong gần hai tháng trời. Nội dung câu chuyện như sau:
Trong cuốn đầu tiên có một bức tranh rất sinh động tả cuộc chiến đấu giữa Đôn Kihôtê với chàng kỵ sĩ tỉnh Vixcaia, cả hai đều vung gươm lên trong tư thế như đã kể ở trên, một người che khiên, người kia che nệm; hình vẽ con la rất giống, đứng xa hàng dặm cũng biết là một con la thuê. Dưới chân chàng kỵ sĩ có ghi mấy chữ: Đôn Xantrô đê Axpêtia - hẳn đó là tên anh ta; dưới chân con Rôxinantê cũng có hai chữ: Đôn Kihôtê. Vẽ con Rôxinantê mới thật là tuyệt: cổ dài ngẳng, thân hình quắt queo chỉ thấy xương, thật hợp với cái tên mà chủ nó đặt cho. Bên cạnh Rôxinantê là hình Xantrô Panxa một tay cầm dây tròng cổ lừa, dưới chân ghi: Xantrô Xancax. Sở dĩ có cái tên như vậy vì trong tranh vẽ một người bụng phệ, mình ngắn, chân chim, do đó mới có biệt hiệu là Panxa([1]) hay Xancax([2]) mà ta thường thấy gọi trong truyện. Ngoài ra, còn một số chi tiết khác không quan trọng lắm và cũng không ảnh hưởng tới nội dung câu chuyện này, một câu chuyện hay nếu có thật.
Thảng hoặc ta có chút nghi ngờ sự chân thật của tài liệu này thì chỉ có thể đổ tội cho tác giả là người Arập là những người hay nói dối; tuy nhiên, vì thù ghét dân tộc ta, họ chỉ có thể nói bớt đi chứ không tô thêm. Và nếu họ phải cầm bút ca ngợi những chiến công của một hiệp sĩ cừ khôi nước Tây Ban Nha, họ sẽ không làm. Thật ra, điều này không hay ho gì vì nhà viết sử phải chính xác, chân thật, không cảm tính, không vì tư lợi, uy vũ, hằn thù hay sở thích mà tách khỏi chân lý. Lịch sử đòi hỏi những điều cơ bản đó. Nó bất chấp cả thời gian, ghi lại những sự việc đã qua để làm gương cho đời nay và làm điều răn cho đời sau. Tôi biết là truyện này rất hấp dẫn, nếu nó có thiếu sót nào, theo tôi, điều đó do tác giả gây ra chứ không do đề tài câu chuyện. Theo bản dịch, phần hai mở đầu như sau:
Hai chiến sĩ dũng cảm cùng vung gươm lên, sát khí đằng đằng, khiến trời rung đất chuyển. Thanh gươm của chàng kỵ sĩ hăng máu bổ xuống trước với một sức mạnh ghê gớm, tưởng chỉ một nhát đó cũng đủ kết thúc cuộc chiến đấu và cả cuộc đời phiêu lưu giang hồ của chàng hiệp sĩ xứ Mantra. Nhưng thần May rủi còn muốn cho Đôn Kihôtê làm người để chàng lập sự nghiệp lớn hơn nên đã xoay chiều lưỡi gươm, nhờ đó mà Đôn Kihôtê chỉ bị sống gươm chém vào vai; cả một bên áo giáp sắt, một phần cái mũ và nửa tai trái của chàng văng xuống đất, nom thật thảm hại.
Lạy Chúa! Ai có thể tả được hết nỗi tức giận sôi sục trong tim chàng hiệp sĩ xứ Mantra khi thấy mình bị đối xử như vậy. Chàng đứng hẳn lên bàn đạp, hai tay siết chặt thanh gươm, bổ một nhát như cả một trái núi lao xuống đầu đối phương. Tuy đã có cái nệm đỡ đòn rất tốt, chàng kỵ sĩ cũng bị hộc cả máu mồm, máu mũi, máu tai, vội ôm lấy cổ con la cho khỏi ngã, rồi anh ta lả đi, hai chân rời khỏi bàn đạp, hai tay buông thõng. Trước đòn sấm sét, con la cũng hoảng quá chạy lồng lên, vật luôn chủ xuống đất.
Đôn Kihôtê thản nhiên đứng nhìn; tới khi thấy đối thủ ngã lăn dưới đất, chàng mới nhảy xuống ngựa rảo bước tới gần, gí gươm vào giữa trán bắt phải đầu hàng nếu không sẽ chặt đầu. Anh chàng kỵ sĩ cuống cuồng, cứng cả lưỡi, và chắc là anh ta sẽ chết thôi vì Đôn Kihôtê lúc này như điên như dại. May sao mấy người phụ nữ trong xe, từ nãy đến giờ hồi hộp chứng kiến cuộc giao tranh khủng khiếp, chạy vội lại tha thiết van xin chàng hiệp sĩ rủ lòng thương tha tội chết cho kỵ sĩ của họ. Đôn Kihôtê nghiêm giọng đáp với một vẻ đầy tự hào:
- Thưa quý phu nhân xinh đẹp, tôi rất sung sướng thể theo lời yêu cầu đó với điều kiện là anh chàng hiệp sĩ này phải hứa tới làng Tôbôxô trình diện trước nàng Đulxinêa vô song để tùy nàng định đoạt số phận cho.
Mấy người phụ nữ đáng thương chẳng cần biết Đôn Kihôtê đặt điều kiện gì, cũng chẳng hỏi xem Đulxinêa là ai, hứa bừa rằng kỵ sĩ của họ sẽ thi hành nghiêm chỉnh lệnh của chàng.
- Nếu đã hứa thì tôi tha tội chết cho nó, Đôn Kihôtê nói, trừng trị như vậy cũng đủ rồi.
([1]) Phiên âm chữ Panza = bụng
([2]) Phiên âm chữ Zancas = đôi chân gầy guộc.
Chương trên kể tới đoạn kỵ sĩ dũng cảm Vixcaia và hiệp sĩ trứ danh Đôn Kihôtê diện đối diện, gươm tuốt trần và giơ cao, sắp sửa giáng cho nhau một đòn ác liệt nhằm xẻ dọc đối thủ từ đầu đến chân như ta bửa một quả lựu làm đôi vậy. Câu chuyện đang hay thì bị đứt quãng, mà tác giả cũng không bảo cho biết phần cuối tìm ở đâu.
Điều này làm tôi rất buồn phiền. Càng thích thú đoạn trên bao nhiêu, tôi càng phiền lòng bấy nhiêu khi nghĩ tới việc phải đi sưu tầm đoạn cuối không thể thiếu được cho một câu chuyện ly kỳ như vậy. Tôi cho rằng đối với một hiệp sĩ tài ba như Đôn Kihôtê, theo lẽ thường, chắc chắn phải có sử gia ghi lại những chiến công có một không hai của chàng, vì ngay những hiệp sĩ giang hồ vô danh tiểu tốt cũng còn được một vài sử gia viết về họ, không những kể lại cuộc đời họ mà còn ghi cả những ý nghĩ nhỏ nhặt và những hành động lố bịch của họ nữa; và một khi hiệp sĩ Platir cùng các hiệp sĩ khác được ghi vào sử sách thì không lẽ gì một hiệp sĩ tài giỏi như vậy phải chịu số phận hẩm hiu. Tôi không thể tin được rằng một câu chuyện hay như vậy bị mất đầu mất đuôi và tôi cho rằng thời gian ác nghiệt - kẻ hủy hoại muôn vật trên đời này - đã khiến cho những tài liệu nói về Đôn Kihôtê phải nằm chết gí ở một xó nào hoặc bị hư hỏng.
Mặt khác, trong phòng sách của Đôn Kihôtê có những cuốn mới xuất bản như Phương thuốc chữa bệnh hay ghen và Những nữ thần và mục phu của Ênarêx, cho nên tôi đoán chừng câu chuyện về Đôn Kihôtê mới xảy ra gần đây thôi, và nếu chưa có ai viết thành sách, chắc rằng trong số những người cùng quê chàng có kẻ còn nhớ. Ý nghĩ đó thôi thúc tôi tìm hiểu sự thật về cuộc đời và những chiến công kỳ diệu của Đôn Kihôtê, hiệp sĩ Tây Ban Nha trứ danh, ánh sáng và tấm gương của giới hiệp sĩ xứ Mantra, người đầu tiên trong thời đại đau khổ này khoác vũ khí lên vai, đi chu du khắp thiên hạ bênh vực kẻ hèn yếu, cứu vớt đàn bà góa, bảo vệ những cô gái lang thang trên lưng ngựa khắp đồi này qua đồi khác mà vẫn giữ vẹn tuyết trinh; thời trước, có những thiếu nữ sống tới tám mươi tuổi, không đêm nào ngủ nhà mà tới lúc chết vẫn nguyên vẹn như mẹ đẻ ra mình, nếu như họ không bị những kẻ ăn bám vô lại hay những tên khổng lồ quái dị cưỡng bức. Cho nên, với những hành động nghĩa hiệp của mình, chàng Đôn Kihôtê dũng cảm của chúng ta xứng đáng được ca tụng nhắc nhở mãi, và người đời cũng sẽ nhớ tới công lao tôi đã phải bỏ ra để tìm kiếm phần cuối câu chuyện lý thú này. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng nếu không có Trời giúp cho và nếu tôi không gặp vận may, thiên hạ sẽ không được hưởng gần hai tiếng đồng hồ thú vị đọc truyện này. Công việc sưu tầm của tôi đã được tiến hành như sau:
Một hôm tôi đang đi lang thang trong phố Alcana ở Tôlêđô, bỗng đâu gặp một chú bé ôm một mớ sách cũ mang bán cho một nhà buôn tơ lụa. Tính tôi ham đọc, kể cả những mẩu giấy vụn vứt ngoài đường, nên tôi bèn hỏi xem một quyển và thấy ngoài bìa ghi chữ Arập. Không đọc được loại chữ này, tôi nhìn quanh quẩn xem có người Môrô nào đọc được và dịch ra tiếng Tây Ban Nha không. Kiếm một người phiên dịch như vậy không khó lắm vì ngay như tìm một người đọc được ngữ cổ hơn cũng dễ thôi. Vừa hay có một người đi tới, tôi bèn ngỏ ý và đưa cho người đó cuốn sách. Anh ta giở sách ra, mới đọc một đoạn đã cười. Tôi hỏi cười gì, anh đáp là cười câu ghi chú ở lề trang sách. Tôi yêu cầu nói rõ hơn, anh ta vẫn cười và đáp:
- Ở lề trang giấy có ghi: "Người ta đồn rằng nàng Đulxinêa ở làng Tôbôxô, mà tác giả nhắc tới nhiều lần trong truyện này, là người đàn bà muối thịt lợn khéo tay nhất xứ Mantra".
Nghe thấy nhắc tới tên "Đulxinêa ở làng Tôbôxô", tôi giật nảy người, đoán chừng cuốn sách cũ này viết về Đôn Kihôtê. Nghĩ vậy, tôi bèn nhờ anh ta xem ngay cho câu đầu. Anh đọc và dịch thẳng từ tiếng Arập sang tiếng Tây Ban Nha như sau: Truyện Đôn Kihôtê xứ Mantra của ngài Amêtê Bênenhêli, sử gia Arập. Tôi phải cố nén nỗi vui mừng khi tai nghe thấy tên cuốn sách đó, và tôi phỗng tay trên của anh bán hàng tơ lụa, mua luôn của chú bé cả mớ sách cũ với giá là năm hào. Nếu thằng bé tinh ý nắm được mưu đồ của tôi, chắc nó sẽ bán với giá trên sáu đồng. Mua xong, tôi dẫn anh chàng người Môrô đến một cái hành lang của ngôi nhà thờ lớn trong tỉnh và nhờ anh dịch tất cả những đoạn nói về Đôn Kihôtê ra tiếng Tây Ban Nha, không thêm không bớt, hứa khi xong việc anh muốn gì được nấy. Anh ta chỉ đòi hai yến nho khô và một tạ lúa mì, hứa sẽ dịch thuật đúng, thật nhanh. Muốn cho công việc được dễ dàng và không để lỡ một dịp may hiếm có, tôi đưa anh về nhà tôi dịch luôn một mạch trong gần hai tháng trời. Nội dung câu chuyện như sau:
Trong cuốn đầu tiên có một bức tranh rất sinh động tả cuộc chiến đấu giữa Đôn Kihôtê với chàng kỵ sĩ tỉnh Vixcaia, cả hai đều vung gươm lên trong tư thế như đã kể ở trên, một người che khiên, người kia che nệm; hình vẽ con la rất giống, đứng xa hàng dặm cũng biết là một con la thuê. Dưới chân chàng kỵ sĩ có ghi mấy chữ: Đôn Xantrô đê Axpêtia - hẳn đó là tên anh ta; dưới chân con Rôxinantê cũng có hai chữ: Đôn Kihôtê. Vẽ con Rôxinantê mới thật là tuyệt: cổ dài ngẳng, thân hình quắt queo chỉ thấy xương, thật hợp với cái tên mà chủ nó đặt cho. Bên cạnh Rôxinantê là hình Xantrô Panxa một tay cầm dây tròng cổ lừa, dưới chân ghi: Xantrô Xancax. Sở dĩ có cái tên như vậy vì trong tranh vẽ một người bụng phệ, mình ngắn, chân chim, do đó mới có biệt hiệu là Panxa([1]) hay Xancax([2]) mà ta thường thấy gọi trong truyện. Ngoài ra, còn một số chi tiết khác không quan trọng lắm và cũng không ảnh hưởng tới nội dung câu chuyện này, một câu chuyện hay nếu có thật.
Thảng hoặc ta có chút nghi ngờ sự chân thật của tài liệu này thì chỉ có thể đổ tội cho tác giả là người Arập là những người hay nói dối; tuy nhiên, vì thù ghét dân tộc ta, họ chỉ có thể nói bớt đi chứ không tô thêm. Và nếu họ phải cầm bút ca ngợi những chiến công của một hiệp sĩ cừ khôi nước Tây Ban Nha, họ sẽ không làm. Thật ra, điều này không hay ho gì vì nhà viết sử phải chính xác, chân thật, không cảm tính, không vì tư lợi, uy vũ, hằn thù hay sở thích mà tách khỏi chân lý. Lịch sử đòi hỏi những điều cơ bản đó. Nó bất chấp cả thời gian, ghi lại những sự việc đã qua để làm gương cho đời nay và làm điều răn cho đời sau. Tôi biết là truyện này rất hấp dẫn, nếu nó có thiếu sót nào, theo tôi, điều đó do tác giả gây ra chứ không do đề tài câu chuyện. Theo bản dịch, phần hai mở đầu như sau:
Hai chiến sĩ dũng cảm cùng vung gươm lên, sát khí đằng đằng, khiến trời rung đất chuyển. Thanh gươm của chàng kỵ sĩ hăng máu bổ xuống trước với một sức mạnh ghê gớm, tưởng chỉ một nhát đó cũng đủ kết thúc cuộc chiến đấu và cả cuộc đời phiêu lưu giang hồ của chàng hiệp sĩ xứ Mantra. Nhưng thần May rủi còn muốn cho Đôn Kihôtê làm người để chàng lập sự nghiệp lớn hơn nên đã xoay chiều lưỡi gươm, nhờ đó mà Đôn Kihôtê chỉ bị sống gươm chém vào vai; cả một bên áo giáp sắt, một phần cái mũ và nửa tai trái của chàng văng xuống đất, nom thật thảm hại.
Lạy Chúa! Ai có thể tả được hết nỗi tức giận sôi sục trong tim chàng hiệp sĩ xứ Mantra khi thấy mình bị đối xử như vậy. Chàng đứng hẳn lên bàn đạp, hai tay siết chặt thanh gươm, bổ một nhát như cả một trái núi lao xuống đầu đối phương. Tuy đã có cái nệm đỡ đòn rất tốt, chàng kỵ sĩ cũng bị hộc cả máu mồm, máu mũi, máu tai, vội ôm lấy cổ con la cho khỏi ngã, rồi anh ta lả đi, hai chân rời khỏi bàn đạp, hai tay buông thõng. Trước đòn sấm sét, con la cũng hoảng quá chạy lồng lên, vật luôn chủ xuống đất.
Đôn Kihôtê thản nhiên đứng nhìn; tới khi thấy đối thủ ngã lăn dưới đất, chàng mới nhảy xuống ngựa rảo bước tới gần, gí gươm vào giữa trán bắt phải đầu hàng nếu không sẽ chặt đầu. Anh chàng kỵ sĩ cuống cuồng, cứng cả lưỡi, và chắc là anh ta sẽ chết thôi vì Đôn Kihôtê lúc này như điên như dại. May sao mấy người phụ nữ trong xe, từ nãy đến giờ hồi hộp chứng kiến cuộc giao tranh khủng khiếp, chạy vội lại tha thiết van xin chàng hiệp sĩ rủ lòng thương tha tội chết cho kỵ sĩ của họ. Đôn Kihôtê nghiêm giọng đáp với một vẻ đầy tự hào:
- Thưa quý phu nhân xinh đẹp, tôi rất sung sướng thể theo lời yêu cầu đó với điều kiện là anh chàng hiệp sĩ này phải hứa tới làng Tôbôxô trình diện trước nàng Đulxinêa vô song để tùy nàng định đoạt số phận cho.
Mấy người phụ nữ đáng thương chẳng cần biết Đôn Kihôtê đặt điều kiện gì, cũng chẳng hỏi xem Đulxinêa là ai, hứa bừa rằng kỵ sĩ của họ sẽ thi hành nghiêm chỉnh lệnh của chàng.
- Nếu đã hứa thì tôi tha tội chết cho nó, Đôn Kihôtê nói, trừng trị như vậy cũng đủ rồi.
([1]) Phiên âm chữ Panza = bụng
([2]) Phiên âm chữ Zancas = đôi chân gầy guộc.