Tôi với Việt về tới nhà thì trời đã tối hẳn. Trên chiếc sập lớn giữa phòng khách, một mâm cỗ đầy với đầy đủ các món truyền thống như thịt gà, măng, miến, bánh chưng, giò lụa, bóng bì... đã được dọn ra, đương nóng hôi hổi. Mùi thơm cũng bốc lên sực nức, đối lập hoàn toàn với bát cháo trắng lèo tèo vài miếng thịt gà nạc xé vụn để riêng cho tôi.
Đúng là cái Tết đói rách nhất tôi đã phải trải qua trong suốt từng ấy năm mà...!
“Sao? Hai đứa rút được quẻ gì rồi?”
Mẹ vừa nhác thấy bọn tôi đang lục tục cất dép ngoài hiên đã vội hỏi với ra.
“Cũng không tệ lắm ạ!”
Việt cười cười, đon đả đưa tay đón lấy chồng bát đũa và nồi cơm mẹ đang bưng ra. Còn tôi cũng lê những bước rệu rã lên trên sập, chán nản ôm lấy bát cháo Thị Nở của mình. Bên cạnh, bố và anh bắt đầu mở bia khề khà chúc tụng. Dưới bếp, Việt đang phụ mẹ dọn lên những món cuối cùng, nói cười ríu rít.
Thiệt tình… Nhiều lúc tôi cũng chẳng rõ, cậu ấy là khách, hay tôi mới là khách trong nhà mình đây?
“Làm tí bia không con?”
Bố giơ một cốc đầy tràn thứ đồ uống vàng ươm sủi bọt về phía Việt.
“Dạ, bác cho cháu khất đến năm sau. Chứ giờ cháu vẫn chưa đủ mười tám.”
“Ha ha. Thằng nhóc này chuẩn quá đấy! Bác ưng! Ai như con Mai nhà này, mới mấy tuổi đầu đã lén ôm chai bia ra đầu ngõ tập tành nhậu nhẹt với bọn trẻ hàng xóm. Báo hại hôm đó bác cứ bị mấy bả lôi ra chì chiết mãi không thôi!”
Cả nhà cười ầm lên, được dịp thi nhau kể tội tôi hồi còn bé. Nào là chạy diều mải mê đến mức đạp ngay phải bãi “mìn” to chình ình trên cỏ, lại còn mang "sản phẩm" đó theo về đến tận nhà, khóc ầm lên. Nào là giữa cửa tiệm sang trọng, tôi hồn nhiên vồ lấy bát súp húp đánh “soạt” một cái, đến bố mẹ cũng chẳng kịp ngăn, chỉ biết cúi gằm mà ngượng chín. Cứ vậy, mọi người càng nói càng hăng, cười như nắc nẻ, chỉ riêng mình tôi là muốn đào lấy cái lỗ nẻ mà chui xuống.
Công nhận bố mẹ thật biết cách dìm hàng con gái mình, đặc biệt thành công trước mặt bạn trai nó!
Việt không tham gia vào mấy câu chuyện bôi bác trên, chỉ tủm tỉm cười, thi thoảng đưa mắt liếc sang tôi một cái, rất ý nhị. Cái nhìn trìu mến ấy khiến tôi không khỏi thẹn đỏ mặt, chỉ biết giả câm giả điếc vùi mặt vào bát tô to nhanh nhanh chóng chóng ăn cho hết bữa.
***
Uống thuốc xong tôi cảm thấy hơi mệt, bèn về phòng nghỉ trước. Việt vẫn chưa về, hình như đang lôi bộ cờ tướng bằng gỗ bảo bối của bố ra thách đấu nhau. Tiếng những quân cờ nện xuống bàn cành cạch chốc chốc lại vang lên, đầy thân tình và ấm cúng.
“Pháo lồng xe lệch cơ à? Kinh nhỉ… Định lừa bác hả con?”
“Bố ơi, nhóc này gian ác lắm. Cứ thí quân với nó chỉ có thiệt thôi!”
“Ấy. Em đâu dám. Hì hì.”
Có vẻ như Việt rất được lòng bố mẹ, kể cả lão anh trai khó tính của tôi thì phải. Cũng đúng thôi, trước giờ cậu ấy luôn cư xử lễ độ, lại nhiệt tình và có ý thức. Từ nết ăn uống cho tới đi đứng, chào hỏi đều rất đàng hoàng, tỏ ra mình là con nhà được giáo dục kĩ lưỡng. Chỉ cần nhác qua cũng hiểu, chuyện của hai chúng tôi đương nhiên sẽ được gia đình ủng hộ. Có khi Việt đã được mọi người mặc nhiên coi là con rể để dành rồi cũng nên.
Tôi nhắm mắt lại, vắt tay lên trán rồi cứ nằm im trong tư thế mệt mỏi ấy một lúc. Nhìn vẻ đầm ấm của gia đình mình bên dưới kia, đáng lý ra tôi phải thấy hạnh phúc chứ nhỉ? Tại sao lồng ngực lại cứ có gì đó hơi tưng tức, nhức nhối không yên?
Mai này! Bà với anh chàng vừa rồi, là thật hả?
Vậy còn Minh thì sao?!
Xin lỗi…!
Lời của Vân Anh ban nãy cứ liên tiếp hiện lên trong đầu tôi, lặp đi lặp lại không ngừng. Thời gian trôi qua sao nhanh quá! Ngoảnh đi ngoảnh lại đã ba năm. Không ngờ lại có một ngày tôi với Vân Anh có thể ngồi với nhau và nhắc đến chuyện cũ một cách bình thường như vậy. Vân Anh giờ trông khác nhiều, xinh hẳn ra, và có gì đó không còn giống với cô lớp trưởng năng nổ và tự tin hồi xưa nữa. Tôi nhìn thấy sự bình yên trong đôi mắt nó.
Nếu được như vậy, thì tốt quá rồi... Vì bao lâu nay, tự trong thâm tâm tôi vẫn luôn biết, Vân Anh chẳng có lỗi gì trong câu chuyện tình cảm thời trẻ con ấy hết.
Hồi đó, phải chứng kiến Minh với Vân Anh ngày ngày quấn quít, không biết trái tim tôi đã chết đi sống lại bao nhiêu lần. Cái cảm giác người mình thích lại thích bạn thân mình còn khổ sở gấp nhiều lần so với việc chỉ đơn thuần bị cự tuyệt. Lúc nào cũng phải giằng co giữa tình bạn và sự đố kị, giữa lẽ phải với những ghen tuông nhỏ nhen, giữa ham muốn được làm một người tốt và nỗi cay đắng dồn nén đã lâu chỉ chực trào ra, đủ biến mình thành một kẻ xấu xa ích kỷ.
Không thể phủ nhận tôi đã từng rất sốc khi Vân Anh nói rằng muốn quen Minh. Vì hơn ai hết, nó là người hiểu rõ nhất tình cảm dành cho Minh của tôi sâu sắc đến mức nào. Nhưng xét cho cùng, thời điểm ấy Minh cũng đâu có thích tôi! Chỉ là xui xẻo khi người lọt vào mắt cậu ấy lại là cô bạn tôi thân thiết nhất.
Đau, nhưng không thể trách! Tổn thương, cũng là điều tất yếu mà tôi buộc phải vượt qua thôi…
…
Hôm bế giảng đúng là Minh đã ngồi đợi ở sân bóng đến tận tối mịt. Nhưng… không phải để gặp tôi!
Vậy ra nụ hôn ấy, lời bày tỏ ấy của Minh đều là thật. Cái mà cậu ta bảo rằng “so với Việt còn lâu hơn và nhiều hơn” là ám chỉ điều này phải không?
Nghĩ tới đây, tôi lại lồm cồm bò dậy, khẽ vặn đèn lên rồi ngồi vào bàn học. Chiếc thẻ kẹp sách từ trưa đến giờ vẫn nằm nguyên trong túi áo khoác, dưới ánh đèn vàng đang ánh lên những đường vân tinh tế cầu kì. Những bông hoa anh đào màu hồng phớt trên đó được in chìm sống động tới mức, dường như chỉ cần chút gió nhẹ thổi qua cũng khiến nó lác đác rơi.
Một thứ đẹp đẽ đến nhường ấy, tại sao lại bị xé toạc một cách thô bạo như vậy?
Tôi lật đật mở ngăn kéo bàn lục tìm băng dính và hồ dán, rồi bắt đầu cặm cụi ngồi đính lại vết rách nọ, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Khi chạm tay qua chữ I love you kia, tim tôi lại vô thức nhói lên. Chữ love giờ đây đã bị chia ra làm hai nửa, có dán khéo thế nào cũng không thể che đậy được sự thật, rằng nó đã từng bị tách đôi.
Là Minh đã xé sao?
Hẳn là cậu ấy đã tới đây, rồi lại thất thểu bỏ về trong màn mưa như đêm giao thừa ngày hôm đó. Không áo khoác, không khăn quàng, không mũ nón, không ô che. Từ đầu đến cuối chỉ phủ lên mình cái cảm giác cô độc, và lạnh lẽo.
Một tràng cười sảng khoái từ dưới phòng khách lại vọng lên. Tôi nghe thấy tiếng đập bàn đập ghế xen lẫn với những lời trò chuyện, sôi nổi ồn ào. Cái khung cảnh này… sao lại có thể đối lập với hình ảnh của Minh vừa hiện ra trong đầu tôi đến thế? Đối lập đến mức thảm thương.
Đến mức chua xót…!
Tôi gục mặt xuống bàn, cố gắng nuốt xuống những dòng lệ nóng hổi đang chực tràn ra nơi đáy mắt
Nếu như mọi chuyện đều là thật… Vậy thì ba năm qua, tôi ra sức chạy trốn, còn Minh lại ra sức lạnh lùng, rốt cuộc để làm cái gì?
Ba năm, Minh đã có tâm trạng thế nào khi phải nhìn tôi với Việt quấn quít ngay trước mắt? Có đau lòng không? Có giống như cảm giác khi tôi từng nhìn cậu và Vân Anh bên nhau ngày đó không?
Tôi đã từng nghĩ rằng mọi tổn thương và đau khổ, chỉ cần mình tôi chịu là đủ rồi cơ mà? Tại sao lại vẫn cứ vô tình mà trút nó lên vai người khác? Minh thích tôi, tại sao khi tôi muốn làm quen lại từ chối? Tại sao đến khi gặp lại vẫn không bày tỏ?
Mà không, là tôi đã không cho cậu ấy cơ hội bày tỏ đó thôi…!
Nếu như ngày đó tôi dũng cảm hơn và tới sân bóng để gặp cậu, thì mọi chuyện có lẽ đã chẳng phải khó xử đến mức này! Cả tôi, Việt, và Minh, cũng chẳng phải làm đau lẫn nhau hết lần này đến lần khác.
Chỉ tiếc là, tới khi tôi nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn. Có lẽ Vân Anh đã vì thế mà buồn lắm. Minh cũng thế. Việt cũng vậy.
Còn tôi, sẽ phải sửa chữa sai lầm ấy bằng cách nào bây giờ?
…
Tôi đã bảo với Vân Anh rằng, mình không thể phụ lòng Việt.
Nói vậy, lẽ nào tôi có thể phụ lòng Minh được hay sao…?
***
Kì nghỉ tết rồi cũng hết, chúng tôi quay lại trường học, tiếp tục vắt kiệt sức vào những buổi chữa đề, luyện thi liên miên. Năm cuối cấp, chuyện chủ yếu trên lớp chỉ xoay quanh việc đăng kí trường nào, thi thử được bao nhiêu điểm, có lò nào dạy hay không.
Ba người chúng tôi vẫn phải đối mặt với nhau hàng ngày. Nhưng một lần nữa, dường như lại xuất hiện khoảng cách vô hình nào đó cứ chắn ngang, tách hẳn tôi ra khỏi hai người bọn họ. Tôi không dám tỏ ra quá thân thiết với Việt trước mặt Minh, vì sợ Minh sẽ buồn. Nhưng tôi cũng càng không dám lại gần Minh, vì biết Việt sẽ đau. Cuộc sống học đường ngột ngạt đến mức, ngoài việc cố vùi đầu vào sách vở, tôi chẳng còn biết phải cư xử thế nào cho thoải mái hơn.
“Này, lại giận nhau à?” Phương chọc chọc bút vào tay tôi. “Tưởng sau hôm đó hai người làm lành rồi cơ mà!”
Tôi cười như mếu nhìn sang Phương, lắc đầu.
“Việt yêu cậu nhiều lắm đấy! Tớ chưa từng thấy tên đó điên tình vì ai đến vậy đâu! Làm gì thì làm, cố mà ổn định tâm lý cho nhau, sắp thi rồi!”
Phương chẹp miệng rồi tiếp tục quay sang nghiên cứu đống đề Toán, bỏ lại tôi với một nét mặt so với khóc còn thảm hơn.
Ngày gặp Vân Anh ở chùa, trên cả đường về Việt đã không hề hỏi tôi một câu nào, y như sau cái lần nhìn thấy tôi và Minh đứng với nhau dưới trời đêm hôm đó. Dường như Việt đang cố gắng làm đúng như những gì cậu đã nói, rằng sẽ đợi tôi. Đợi đến khi trái tim tôi bình ổn trở lại.
Tôi rất cảm kích, nhưng đồng thời cũng cảm thấy mình trở nên tội lỗi và xấu xa hơn.
Giờ đây, tôi đã không còn phân biệt nổi cảm xúc trong lòng mình hiện tại là gì nữa. Mọi thứ giống hệt như một cuộn chỉ rối. Thử kéo chỗ này, lại thêm nút chỗ kia.
Tôi thực sự, không thể phụ lòng bất cứ ai được. Bất kể là Minh, hay Việt!
Cả hai người đều đã vì tôi mà đau khổ, đều khiến tôi cảm thấy day dứt nếu như tiếp tục làm đau họ thêm một lần nữa.
Tại sao tôi luôn bị đặt trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan như thế này?! Chưa bao giờ hai từ “lựa chọn” lại khiến tôi khổ tâm đến vậy. Có chọn ai, thì cả ba vẫn sẽ bị tổn thương thôi.
Không! Chính xác là dù có lựa chọn hay không lựa chọn, dù có quyết đoán hay không quyết đoán, thì tất cả cũng đều đã tổn thương rồi. Tổn thương ngay từ khi mọi thứ còn chưa bắt đầu.
Sai lầm ngày đó của tôi, không thể sửa chữa được!
Không thể nào sửa chữa được…!
***
Tháng 3 năm đó, như thông lệ hai năm một lần, trường tôi lại tổ chức hội trại chào mừng ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Khối mười hai còn bận học nên không tham gia cắm trại hay thi thố gì, chỉ phải chuẩn bị mấy tiết mục văn nghệ góp vui cho hội diễn. Có vậy mà lớp tôi cũng tranh cãi om sòm.
“Chịu thôi! Đi học cả ngày, cơm còn chẳng kịp ăn, lấy đâu ra thời gian mà tập hát với cả hò!”
“Phải đấy! Sao lớp trưởng không xin miễn cho tụi mình đi? Học chuyên ban nặng bỏ xừ lên được, có rảnh rang như mấy đứa lớp thường đâu!”
“Thôi bạn nào có khiếu thì ra mặt giùm cái! Chứ bọn này đầu hàng rồi.”
Tôi chống tay lên cằm, chán nản nhìn mấy thành phần ngại khó ngại khổ của lớp, lòng thầm hồi tưởng lại cảnh mình với Vân Anh vẫn thường xuyên ra tay dẹp loạn khi xưa. Xem chừng, làm cán bộ lớp thời nào cũng vất vả như nhau cả.
“Các bạn trật tự!” Minh đập tay xuống bàn. “Tôi biết các bạn ở đây ai cũng bận, nhưng trách nhiệm chung với tập thể thì không thể cứ đem lý do cá nhân ra để thoái thác. Tôi hỏi lại lần nữa, có bạn nào tình nguyện tham gia không?”
Tất thảy đồng loạt im lặng.
“Được! Vậy để tôi đi trước.” Minh viết lên bảng mấy dòng. Tiếng phấn ken két vang lên đầy mạnh mẽ. “Tôi sẽ phụ trách một tiết mục. Hát và đệm bài Tuổi hồng thơ ngây, không ai phản đối chứ?”
Hẳn là không ai muốn phản đối rồi.
“Tiết mục còn lại? Các bạn sẽ nhận hay để tôi gánh nốt?”
Tiếp tục im lặng.
Hình ảnh Minh khoanh tay giữa lớp lúc này, chẳng khác gì những lần tôi một mình đứng lên nhận trách nhiệm khi xưa. Nhưng hồi đó, tôi vẫn luôn có Vân Anh ở cạnh cùng gánh vác và chia sẻ. Còn Minh giờ đây, luôn chỉ có một mình...
“Ô kê! Vậy tiết mục thứ hai…”
“Để tớ!”
Cả lớp vội vã quay đầu lại. Minh cũng hơi sững người, viên phấn trong tay cậu mới chỉ giơ lên nửa chừng đã dần dần hạ xuống.
“Tớ… tớ sẽ nhận phần còn lại.”
Đến lúc nhận ra mình lại hành động trước cả suy nghĩ, tôi đã thấy mình đang đứng lên ngay giữa lớp rồi. Có muốn rút lại cũng chẳng kịp nữa!
“Bạn Thanh Mai?” Minh lập tức lấy lại vẻ nghiêm túc. “Tôi rất ghi nhận đóng góp này của bạn. Bạn sẽ biểu diễn tiết mục gì?”
“Tớ hát cũng không phải hay lắm, nhưng có tủ bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Thế được không?” Tôi líu ríu nói.
“Rất được!” Minh gật đầu, rồi chẳng hỏi han gì hơn, đã quay người lại viết tên tôi lên bảng, ngay phía dưới tên cậu. “Thống nhất vậy nhé! Chốt lại, tôi và bạn Mai sẽ…”
“Khoan đã!”
Một giọng nói nữa lại cất lên, cắt ngang lời của Minh. Cả lớp tiếp tục ngơ ngác quay xuống, lần này bao gồm cả tôi.
“Bài hát này dành cho song ca mà?” Việt nhún vai đứng dậy. “Giọng tớ cũng không tệ, muốn được hát bài này cùng với Mai, có ai phản đối không?”
Cả lớp đều biết tôi với Việt quen nhau, hoan hô còn không kịp nữa là phản đối.
“Được, vậy tiết mục thứ hai dành cho Việt với Mai! Còn mười ngày nữa đến hội diễn. Từ tuần sau, nếu không bận cuối mỗi giờ học hai bạn ở lại lớp một chút, chúng ta cùng tập!”
Minh lại quay lên, viết tên Việt xuống dưới tên của tôi. Cả giọng nói lẫn thái độ của cậu đều rất mực lãnh đạm, làm tôi chẳng thể đọc ra được chút biểu cảm gì trong đó. Phương ngồi bên liên tục huých vai tôi nháy nháy mắt. Còn Việt lại mỉm cười.
Chỉ có tôi là đần mặt ra trước tình huống trớ trêu này. Tại sao ngay cả trên bảng đen, tên của tôi cũng bị kẹp giữa tên hai người bọn họ như vậy?
Rốt cuộc, là tôi lại vừa đào xong một cái hố để tự chôn mình tiếp, có phải không...?!
Tôi với Việt về tới nhà thì trời đã tối hẳn. Trên chiếc sập lớn giữa phòng khách, một mâm cỗ đầy với đầy đủ các món truyền thống như thịt gà, măng, miến, bánh chưng, giò lụa, bóng bì... đã được dọn ra, đương nóng hôi hổi. Mùi thơm cũng bốc lên sực nức, đối lập hoàn toàn với bát cháo trắng lèo tèo vài miếng thịt gà nạc xé vụn để riêng cho tôi.
Đúng là cái Tết đói rách nhất tôi đã phải trải qua trong suốt từng ấy năm mà...!
“Sao? Hai đứa rút được quẻ gì rồi?”
Mẹ vừa nhác thấy bọn tôi đang lục tục cất dép ngoài hiên đã vội hỏi với ra.
“Cũng không tệ lắm ạ!”
Việt cười cười, đon đả đưa tay đón lấy chồng bát đũa và nồi cơm mẹ đang bưng ra. Còn tôi cũng lê những bước rệu rã lên trên sập, chán nản ôm lấy bát cháo Thị Nở của mình. Bên cạnh, bố và anh bắt đầu mở bia khề khà chúc tụng. Dưới bếp, Việt đang phụ mẹ dọn lên những món cuối cùng, nói cười ríu rít.
Thiệt tình… Nhiều lúc tôi cũng chẳng rõ, cậu ấy là khách, hay tôi mới là khách trong nhà mình đây?
“Làm tí bia không con?”
Bố giơ một cốc đầy tràn thứ đồ uống vàng ươm sủi bọt về phía Việt.
“Dạ, bác cho cháu khất đến năm sau. Chứ giờ cháu vẫn chưa đủ mười tám.”
“Ha ha. Thằng nhóc này chuẩn quá đấy! Bác ưng! Ai như con Mai nhà này, mới mấy tuổi đầu đã lén ôm chai bia ra đầu ngõ tập tành nhậu nhẹt với bọn trẻ hàng xóm. Báo hại hôm đó bác cứ bị mấy bả lôi ra chì chiết mãi không thôi!”
Cả nhà cười ầm lên, được dịp thi nhau kể tội tôi hồi còn bé. Nào là chạy diều mải mê đến mức đạp ngay phải bãi “mìn” to chình ình trên cỏ, lại còn mang "sản phẩm" đó theo về đến tận nhà, khóc ầm lên. Nào là giữa cửa tiệm sang trọng, tôi hồn nhiên vồ lấy bát súp húp đánh “soạt” một cái, đến bố mẹ cũng chẳng kịp ngăn, chỉ biết cúi gằm mà ngượng chín. Cứ vậy, mọi người càng nói càng hăng, cười như nắc nẻ, chỉ riêng mình tôi là muốn đào lấy cái lỗ nẻ mà chui xuống.
Công nhận bố mẹ thật biết cách dìm hàng con gái mình, đặc biệt thành công trước mặt bạn trai nó!
Việt không tham gia vào mấy câu chuyện bôi bác trên, chỉ tủm tỉm cười, thi thoảng đưa mắt liếc sang tôi một cái, rất ý nhị. Cái nhìn trìu mến ấy khiến tôi không khỏi thẹn đỏ mặt, chỉ biết giả câm giả điếc vùi mặt vào bát tô to nhanh nhanh chóng chóng ăn cho hết bữa.
Uống thuốc xong tôi cảm thấy hơi mệt, bèn về phòng nghỉ trước. Việt vẫn chưa về, hình như đang lôi bộ cờ tướng bằng gỗ bảo bối của bố ra thách đấu nhau. Tiếng những quân cờ nện xuống bàn cành cạch chốc chốc lại vang lên, đầy thân tình và ấm cúng.
“Pháo lồng xe lệch cơ à? Kinh nhỉ… Định lừa bác hả con?”
“Bố ơi, nhóc này gian ác lắm. Cứ thí quân với nó chỉ có thiệt thôi!”
“Ấy. Em đâu dám. Hì hì.”
Có vẻ như Việt rất được lòng bố mẹ, kể cả lão anh trai khó tính của tôi thì phải. Cũng đúng thôi, trước giờ cậu ấy luôn cư xử lễ độ, lại nhiệt tình và có ý thức. Từ nết ăn uống cho tới đi đứng, chào hỏi đều rất đàng hoàng, tỏ ra mình là con nhà được giáo dục kĩ lưỡng. Chỉ cần nhác qua cũng hiểu, chuyện của hai chúng tôi đương nhiên sẽ được gia đình ủng hộ. Có khi Việt đã được mọi người mặc nhiên coi là con rể để dành rồi cũng nên.
Tôi nhắm mắt lại, vắt tay lên trán rồi cứ nằm im trong tư thế mệt mỏi ấy một lúc. Nhìn vẻ đầm ấm của gia đình mình bên dưới kia, đáng lý ra tôi phải thấy hạnh phúc chứ nhỉ? Tại sao lồng ngực lại cứ có gì đó hơi tưng tức, nhức nhối không yên?
Mai này! Bà với anh chàng vừa rồi, là thật hả?
Vậy còn Minh thì sao?!
Xin lỗi…!
Lời của Vân Anh ban nãy cứ liên tiếp hiện lên trong đầu tôi, lặp đi lặp lại không ngừng. Thời gian trôi qua sao nhanh quá! Ngoảnh đi ngoảnh lại đã ba năm. Không ngờ lại có một ngày tôi với Vân Anh có thể ngồi với nhau và nhắc đến chuyện cũ một cách bình thường như vậy. Vân Anh giờ trông khác nhiều, xinh hẳn ra, và có gì đó không còn giống với cô lớp trưởng năng nổ và tự tin hồi xưa nữa. Tôi nhìn thấy sự bình yên trong đôi mắt nó.
Nếu được như vậy, thì tốt quá rồi... Vì bao lâu nay, tự trong thâm tâm tôi vẫn luôn biết, Vân Anh chẳng có lỗi gì trong câu chuyện tình cảm thời trẻ con ấy hết.
Hồi đó, phải chứng kiến Minh với Vân Anh ngày ngày quấn quít, không biết trái tim tôi đã chết đi sống lại bao nhiêu lần. Cái cảm giác người mình thích lại thích bạn thân mình còn khổ sở gấp nhiều lần so với việc chỉ đơn thuần bị cự tuyệt. Lúc nào cũng phải giằng co giữa tình bạn và sự đố kị, giữa lẽ phải với những ghen tuông nhỏ nhen, giữa ham muốn được làm một người tốt và nỗi cay đắng dồn nén đã lâu chỉ chực trào ra, đủ biến mình thành một kẻ xấu xa ích kỷ.
Không thể phủ nhận tôi đã từng rất sốc khi Vân Anh nói rằng muốn quen Minh. Vì hơn ai hết, nó là người hiểu rõ nhất tình cảm dành cho Minh của tôi sâu sắc đến mức nào. Nhưng xét cho cùng, thời điểm ấy Minh cũng đâu có thích tôi! Chỉ là xui xẻo khi người lọt vào mắt cậu ấy lại là cô bạn tôi thân thiết nhất.
Đau, nhưng không thể trách! Tổn thương, cũng là điều tất yếu mà tôi buộc phải vượt qua thôi…
…
Hôm bế giảng đúng là Minh đã ngồi đợi ở sân bóng đến tận tối mịt. Nhưng… không phải để gặp tôi!
Vậy ra nụ hôn ấy, lời bày tỏ ấy của Minh đều là thật. Cái mà cậu ta bảo rằng “so với Việt còn lâu hơn và nhiều hơn” là ám chỉ điều này phải không?
Nghĩ tới đây, tôi lại lồm cồm bò dậy, khẽ vặn đèn lên rồi ngồi vào bàn học. Chiếc thẻ kẹp sách từ trưa đến giờ vẫn nằm nguyên trong túi áo khoác, dưới ánh đèn vàng đang ánh lên những đường vân tinh tế cầu kì. Những bông hoa anh đào màu hồng phớt trên đó được in chìm sống động tới mức, dường như chỉ cần chút gió nhẹ thổi qua cũng khiến nó lác đác rơi.
Một thứ đẹp đẽ đến nhường ấy, tại sao lại bị xé toạc một cách thô bạo như vậy?
Tôi lật đật mở ngăn kéo bàn lục tìm băng dính và hồ dán, rồi bắt đầu cặm cụi ngồi đính lại vết rách nọ, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Khi chạm tay qua chữ I love you kia, tim tôi lại vô thức nhói lên. Chữ love giờ đây đã bị chia ra làm hai nửa, có dán khéo thế nào cũng không thể che đậy được sự thật, rằng nó đã từng bị tách đôi.
Là Minh đã xé sao?
Hẳn là cậu ấy đã tới đây, rồi lại thất thểu bỏ về trong màn mưa như đêm giao thừa ngày hôm đó. Không áo khoác, không khăn quàng, không mũ nón, không ô che. Từ đầu đến cuối chỉ phủ lên mình cái cảm giác cô độc, và lạnh lẽo.
Một tràng cười sảng khoái từ dưới phòng khách lại vọng lên. Tôi nghe thấy tiếng đập bàn đập ghế xen lẫn với những lời trò chuyện, sôi nổi ồn ào. Cái khung cảnh này… sao lại có thể đối lập với hình ảnh của Minh vừa hiện ra trong đầu tôi đến thế? Đối lập đến mức thảm thương.
Đến mức chua xót…!
Tôi gục mặt xuống bàn, cố gắng nuốt xuống những dòng lệ nóng hổi đang chực tràn ra nơi đáy mắt
Nếu như mọi chuyện đều là thật… Vậy thì ba năm qua, tôi ra sức chạy trốn, còn Minh lại ra sức lạnh lùng, rốt cuộc để làm cái gì?
Ba năm, Minh đã có tâm trạng thế nào khi phải nhìn tôi với Việt quấn quít ngay trước mắt? Có đau lòng không? Có giống như cảm giác khi tôi từng nhìn cậu và Vân Anh bên nhau ngày đó không?
Tôi đã từng nghĩ rằng mọi tổn thương và đau khổ, chỉ cần mình tôi chịu là đủ rồi cơ mà? Tại sao lại vẫn cứ vô tình mà trút nó lên vai người khác? Minh thích tôi, tại sao khi tôi muốn làm quen lại từ chối? Tại sao đến khi gặp lại vẫn không bày tỏ?
Mà không, là tôi đã không cho cậu ấy cơ hội bày tỏ đó thôi…!
Nếu như ngày đó tôi dũng cảm hơn và tới sân bóng để gặp cậu, thì mọi chuyện có lẽ đã chẳng phải khó xử đến mức này! Cả tôi, Việt, và Minh, cũng chẳng phải làm đau lẫn nhau hết lần này đến lần khác.
Chỉ tiếc là, tới khi tôi nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn. Có lẽ Vân Anh đã vì thế mà buồn lắm. Minh cũng thế. Việt cũng vậy.
Còn tôi, sẽ phải sửa chữa sai lầm ấy bằng cách nào bây giờ?
…
Tôi đã bảo với Vân Anh rằng, mình không thể phụ lòng Việt.
Nói vậy, lẽ nào tôi có thể phụ lòng Minh được hay sao…?
Kì nghỉ tết rồi cũng hết, chúng tôi quay lại trường học, tiếp tục vắt kiệt sức vào những buổi chữa đề, luyện thi liên miên. Năm cuối cấp, chuyện chủ yếu trên lớp chỉ xoay quanh việc đăng kí trường nào, thi thử được bao nhiêu điểm, có lò nào dạy hay không.
Ba người chúng tôi vẫn phải đối mặt với nhau hàng ngày. Nhưng một lần nữa, dường như lại xuất hiện khoảng cách vô hình nào đó cứ chắn ngang, tách hẳn tôi ra khỏi hai người bọn họ. Tôi không dám tỏ ra quá thân thiết với Việt trước mặt Minh, vì sợ Minh sẽ buồn. Nhưng tôi cũng càng không dám lại gần Minh, vì biết Việt sẽ đau. Cuộc sống học đường ngột ngạt đến mức, ngoài việc cố vùi đầu vào sách vở, tôi chẳng còn biết phải cư xử thế nào cho thoải mái hơn.
“Này, lại giận nhau à?” Phương chọc chọc bút vào tay tôi. “Tưởng sau hôm đó hai người làm lành rồi cơ mà!”
Tôi cười như mếu nhìn sang Phương, lắc đầu.
“Việt yêu cậu nhiều lắm đấy! Tớ chưa từng thấy tên đó điên tình vì ai đến vậy đâu! Làm gì thì làm, cố mà ổn định tâm lý cho nhau, sắp thi rồi!”
Phương chẹp miệng rồi tiếp tục quay sang nghiên cứu đống đề Toán, bỏ lại tôi với một nét mặt so với khóc còn thảm hơn.
Ngày gặp Vân Anh ở chùa, trên cả đường về Việt đã không hề hỏi tôi một câu nào, y như sau cái lần nhìn thấy tôi và Minh đứng với nhau dưới trời đêm hôm đó. Dường như Việt đang cố gắng làm đúng như những gì cậu đã nói, rằng sẽ đợi tôi. Đợi đến khi trái tim tôi bình ổn trở lại.
Tôi rất cảm kích, nhưng đồng thời cũng cảm thấy mình trở nên tội lỗi và xấu xa hơn.
Giờ đây, tôi đã không còn phân biệt nổi cảm xúc trong lòng mình hiện tại là gì nữa. Mọi thứ giống hệt như một cuộn chỉ rối. Thử kéo chỗ này, lại thêm nút chỗ kia.
Tôi thực sự, không thể phụ lòng bất cứ ai được. Bất kể là Minh, hay Việt!
Cả hai người đều đã vì tôi mà đau khổ, đều khiến tôi cảm thấy day dứt nếu như tiếp tục làm đau họ thêm một lần nữa.
Tại sao tôi luôn bị đặt trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan như thế này?! Chưa bao giờ hai từ “lựa chọn” lại khiến tôi khổ tâm đến vậy. Có chọn ai, thì cả ba vẫn sẽ bị tổn thương thôi.
Không! Chính xác là dù có lựa chọn hay không lựa chọn, dù có quyết đoán hay không quyết đoán, thì tất cả cũng đều đã tổn thương rồi. Tổn thương ngay từ khi mọi thứ còn chưa bắt đầu.
Sai lầm ngày đó của tôi, không thể sửa chữa được!
Không thể nào sửa chữa được…!
Tháng năm đó, như thông lệ hai năm một lần, trường tôi lại tổ chức hội trại chào mừng ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Khối mười hai còn bận học nên không tham gia cắm trại hay thi thố gì, chỉ phải chuẩn bị mấy tiết mục văn nghệ góp vui cho hội diễn. Có vậy mà lớp tôi cũng tranh cãi om sòm.
“Chịu thôi! Đi học cả ngày, cơm còn chẳng kịp ăn, lấy đâu ra thời gian mà tập hát với cả hò!”
“Phải đấy! Sao lớp trưởng không xin miễn cho tụi mình đi? Học chuyên ban nặng bỏ xừ lên được, có rảnh rang như mấy đứa lớp thường đâu!”
“Thôi bạn nào có khiếu thì ra mặt giùm cái! Chứ bọn này đầu hàng rồi.”
Tôi chống tay lên cằm, chán nản nhìn mấy thành phần ngại khó ngại khổ của lớp, lòng thầm hồi tưởng lại cảnh mình với Vân Anh vẫn thường xuyên ra tay dẹp loạn khi xưa. Xem chừng, làm cán bộ lớp thời nào cũng vất vả như nhau cả.
“Các bạn trật tự!” Minh đập tay xuống bàn. “Tôi biết các bạn ở đây ai cũng bận, nhưng trách nhiệm chung với tập thể thì không thể cứ đem lý do cá nhân ra để thoái thác. Tôi hỏi lại lần nữa, có bạn nào tình nguyện tham gia không?”
Tất thảy đồng loạt im lặng.
“Được! Vậy để tôi đi trước.” Minh viết lên bảng mấy dòng. Tiếng phấn ken két vang lên đầy mạnh mẽ. “Tôi sẽ phụ trách một tiết mục. Hát và đệm bài Tuổi hồng thơ ngây, không ai phản đối chứ?”
Hẳn là không ai muốn phản đối rồi.
“Tiết mục còn lại? Các bạn sẽ nhận hay để tôi gánh nốt?”
Tiếp tục im lặng.
Hình ảnh Minh khoanh tay giữa lớp lúc này, chẳng khác gì những lần tôi một mình đứng lên nhận trách nhiệm khi xưa. Nhưng hồi đó, tôi vẫn luôn có Vân Anh ở cạnh cùng gánh vác và chia sẻ. Còn Minh giờ đây, luôn chỉ có một mình...
“Ô kê! Vậy tiết mục thứ hai…”
“Để tớ!”
Cả lớp vội vã quay đầu lại. Minh cũng hơi sững người, viên phấn trong tay cậu mới chỉ giơ lên nửa chừng đã dần dần hạ xuống.
“Tớ… tớ sẽ nhận phần còn lại.”
Đến lúc nhận ra mình lại hành động trước cả suy nghĩ, tôi đã thấy mình đang đứng lên ngay giữa lớp rồi. Có muốn rút lại cũng chẳng kịp nữa!
“Bạn Thanh Mai?” Minh lập tức lấy lại vẻ nghiêm túc. “Tôi rất ghi nhận đóng góp này của bạn. Bạn sẽ biểu diễn tiết mục gì?”
“Tớ hát cũng không phải hay lắm, nhưng có tủ bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Thế được không?” Tôi líu ríu nói.
“Rất được!” Minh gật đầu, rồi chẳng hỏi han gì hơn, đã quay người lại viết tên tôi lên bảng, ngay phía dưới tên cậu. “Thống nhất vậy nhé! Chốt lại, tôi và bạn Mai sẽ…”
“Khoan đã!”
Một giọng nói nữa lại cất lên, cắt ngang lời của Minh. Cả lớp tiếp tục ngơ ngác quay xuống, lần này bao gồm cả tôi.
“Bài hát này dành cho song ca mà?” Việt nhún vai đứng dậy. “Giọng tớ cũng không tệ, muốn được hát bài này cùng với Mai, có ai phản đối không?”
Cả lớp đều biết tôi với Việt quen nhau, hoan hô còn không kịp nữa là phản đối.
“Được, vậy tiết mục thứ hai dành cho Việt với Mai! Còn mười ngày nữa đến hội diễn. Từ tuần sau, nếu không bận cuối mỗi giờ học hai bạn ở lại lớp một chút, chúng ta cùng tập!”
Minh lại quay lên, viết tên Việt xuống dưới tên của tôi. Cả giọng nói lẫn thái độ của cậu đều rất mực lãnh đạm, làm tôi chẳng thể đọc ra được chút biểu cảm gì trong đó. Phương ngồi bên liên tục huých vai tôi nháy nháy mắt. Còn Việt lại mỉm cười.
Chỉ có tôi là đần mặt ra trước tình huống trớ trêu này. Tại sao ngay cả trên bảng đen, tên của tôi cũng bị kẹp giữa tên hai người bọn họ như vậy?
Rốt cuộc, là tôi lại vừa đào xong một cái hố để tự chôn mình tiếp, có phải không...?!