Đạo nhân mắt mù ấy nói không sai tý nào, hai đầu gối của chàng như bị một lưỡi kiếm đâm vào, quả thực là nát gan xé ruột, khó chịu vô cùng. Chàng cố gắng nén cơn đau, mở mắt ra nhìn xung quanh một hồi, chàng nhớ lại khi đạo nhân mắt mù rời khỏi nơi này đã bảo chàng đừng vận khí chống lại cơn đau cho nên chàng lập tức ngừng vận khí điều tức cho toàn thân thoải mái, quả nhiên cơn đau đã giảm đi rất nhiều. Một ngày trôi qua, màn đêm buông xuống.
Phương Triệu Nam đã hết đau, chàng ăn một ít thức ăn rồi nhắm mắt vận khí điều tức. Đêm ấy rất thê lương, ngoại trừ gió núi thổi xào xạc, chàng chẳng nghe thấy tiếng gì nữa.
Ba ngày mau chóng trôi qua.
Quả nhiên cứ trong mười hai canh giờ thì chàng phải chịu đau bốn canh giờ, mà cơn đau càng lúc càng tăng. Khi vết thương phát tác, chàng lại giãn công lực của toàn thân, cơn đau tuy có hơi giảm nhưng cũng rất khó chịu.
Đến chiều ngày thứ tư chàng chợt nghe tiếng vo vo vọng tới, mười con ong mình dài khoảng hơn một tấc bay vào trong đại điện. Phương Triệu Nam đã hết đau chân, nhìn thấy bầy ong bay vào thì không khỏi thất kinh, lòng nhủ thầm:
“Loại ong lớn này thật hiếm có trên đời, chắc chắn có chứa chất độc trong bụng, nếu bị nó chích e rằng không thể chịu nỗi”. Ý nghĩ ấy lướt qua, chàng chụp vội cây gậy tre, nhìn chăm chú, hễ con ong nào bay sát đến thì lập tức vung gậy ra.
Chàng thầm đếm số ong, tính rằng với thủ pháp của mình, trước khi chúng tiến sát tới thì hoàn toàn có thể đánh chết nó. Nào ngờ sự việc lại xảy ra ngoài dự liệu của chàng, mười mấy con ong ấy lượn một vòng trong phòng rồi đột nhiên bay đi mất.
Phương Triệu Nam thở phào, đặt cây tre xuống, nhưng chàng cảm thấy một ý nghĩ không may lướt qua trong đầu, chàng thầm nhủ:
“Ở đây không có hoa cỏ, không có tổ ong, không biết bầy ong lớn này bay từ đâu tới?” đang suy nghĩ, chàng chợt nghe tiếng vo vo vang lên rất lớn, mấy mươi con ong bay trở vào trong đại điện, lần này số lượng ong hơn lúc nãy gấp mấy lần, dù cho chàng hoàn toàn khỏe mạnh cũng khó giết chết được cả bầy ong trong khoảnh khắc. Chợt thấy ong không ngừng bay vào trong đại điện, trong chớp mắt, đã trên dưới một trăm con. Phương Triệu Nam thầm nhủ:
“Tiêu rồi, không ngờ Phương Triệu Nam lại chết bởi loại côn trùng nhỏ bé này”.
Chàng đang than thở chợt có một bóng người xẹt lên, một người thân hình cao gầy xuất hiện ở cửa đại điện. Người ấy ăn mặc rất kỳ lạ, quần ngắn áo ngằn, lộ đôi tay và đôi chân trắng như tuyết, trong tay cầm một cái lồng tre khoảng hai thước, té ra bầy ong này bay ra từ cái lồng tre ấy. Phương Triệu Nam ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy trong mắt của y đầy lửa thù hận, chàng không khỏi giật mình. Chợt nghe y cười hì nói:
“Ngươi là ai?”.
Phương Triệu Nam chợt nhớ đến lời dặn của đạo nhân mắt mù, nói:
“Vãn bối là Phương Triệu Nam”.
Người ấy đưa mắt liếc nhìn Phương Triệu Nam rồi nói:
“Hai chân ngươi sưng rất to, chắc là đã bị thương?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Đúng thế”.
Người ấy biến sắc nói:
“Tên lỗ mũi trâu ấy đã đi đâu rồi, nói mau!” rồi y lắc cái lồng tre, một bầy ong lại bay ra. Chỉ nghe tiếng vo vo vang lên, bầy ong mau chóng bay đến chỗ Phương Triệu Nam. Chàng vung cây gậy lên theo bản năng, nhưng lại mau chóng đặt xuống, trong chớp mắt, chàng đã bỏ ý định đánh bầy ong độc này. Một là vì chàng nhớ đến lời đạo nhân mắt mù, hai là bầy ong quá nhiều, hai chân của chàng lại sưng to, không thể cử động được, chỉ nhờ hai cây gậy thì không thể nào đánh chết được bầy ong độc.
Chợt nghe người mới vào hú lên một tiếng kỳ dị, bầy ong lập tức bay lòng vòng xung quanh chàng. Hàng trăm ngàn con ong kêu lên vù vù chấn động cả màng nhĩ.
Phương Triệu Nam thầm thở dài, nhắm hai mắt lại. Chàng biết không thể nào chống cự lại được bầy ong, chỉ đành chờ bầy ong chích mình. Trong khoảnh khắc sinh tử tồn vong ấy, chàng cố gắng giằn lòng mình xuống, bắt đầu vận khí điều tức theo phương pháp thổ nạp chính tông của phái Thiếu Lâm.
Thiền công của nhà Phật quả nhiên kỳ diệu vô cùng, chàng đã nhập định, mọi ý nghĩ đều bị xua tan, chàng như quên đi bầy ong đang bay xung quanh, chỉ cảm thấy chân khí vận chuyển từ dưới Đan Điền xông lên. Không biết trải qua bao lâu, chàng chợt nghe tiếng cười lớn vang lên bên tai. Chàng mở mắt nhìn ra, chỉ thấy bầy ong đã tản mất, tất cả ong tựa như đều đã bay vào trong lồng tre, trong đại điện chẳng còn con ong nào. Còn người ấy thì đang ngồi trước mặt của chàng. Một cây đèn cầy đang cháy bừng bừng, chiếu sáng cả căn đại điện, không biết trời đã vào đêm từ lúc nào.
Người ấy ngừng cười, nói:
“Tiểu tử, ngươi lớn gan lắm!”.
Phương Triệu Nam tuy thường luyện tập thuật thổ nạp chính tông của phái Thiếu Lâm nhưng chẳng thấy tiến bộ gì. Song lần này thì khác hẳn, chàng cảm thấy tâm trạng thư thái, tinh thần xung mãn, cơn đau ở chân tựa như đã giảm đi rất nhiều, thế rồi điềm nhiên cười:
“Lão tiền bối quá khen!”.
Người cao gần ấy chợt thò tay vào lòng, lấy ra một nắm mật ong nói:
“Ngươi hãy nếm thử mùi vị của mật ong này!”.
Phương Triệu Nam thầm nhủ:
“Nếu lão ta muốn giết mình thì dù mình có phòng bị cũng chẳng thoát!” thế rồi Phương Triệu Nam đưa tay bốc lấy nắm mật ong cho vào miệng. Chàng cảm thấy mùi thơm chìm xuống Đan Điền, quả nhiên đó là một món ăn ngon hiếm có, chàng không ngừng khen:
“Rất ngọt và thơm!”.
Người cao gầy ấy mỉm cười:
“Tiểu tử, đạo nhân mắt mù ấy đi đâu rồi?”.
Phương Triệu Nam nhíu mày nói:
“Lão tiền bối tìm ông ta làm gì?”.
Người cao gầy nói:
“Ta có hẹn với y”.
Phương Triệu Nam nói:
“Tôn tính của lão tiền bối là gì?”.
Người cao gầy ấy ăn một miếng mật ong rồi cười:
“Lão phu đã lâu không đi lại trên giang hồ, bọn hậu sinh các người làm sao biết được, lão phu chính là Dương Cô, giỏi nuôi ong, năm xưa võ lâm đã gọi ta là Phong Vương”.
Phương Triệu Nam cười thầm:
“Gọi ông là Phong Vương cũng đúng lắm”.
Nhưng miệng thì mỉm cười:
“Té ra là Dương lão tiền bối”.
Phong Vương Dương Cô gật đầu:
“Mấy mươi năm nay, không ai gọi ta như thế ...”.
Rồi đột nhiên nghiêm mặt nói:
“Ngươi vẫn chưa trả lời câu hỏi của lão phu, tên đạo sĩ mắt mù ấy đâu rồi?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Ông ta đã đi hái thuốc chưa trị cho đôi chân của vãn bối”.
Dương Cô nói:
“Khi nào thì quay về”.
Phương Triệu Nam nói:
“Trước khi đi, ông ta có dặn tiền bối lâu thì mười ngày, mau thì bảy ngày”.
Dương Cô nói:
“Bây giờ đã mấy ngày rồi?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Cả hôm nay nữa là năm ngày”.
Dương Cô nói:
“Vậy rất tốt, lão phu sẽ đợi y”.
Phương Triệu Nam nói:
“Lão tiền bối có phải là bạn cũ của ông ta không?”.
Dương Cô nói:
“Là bạn hay thù cũng rất khó nói, ngươi đừng lắm chuyện ...” rồi lảng sang chuyện khác:
“Ngươi bao nhiêu tuổi rồi?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Vãn bối hai mươi mốt tuổi”.
Dương Cô chợt thở dài, nói:
“Lão phu đã chín mươi ba tuổi, hỡi ơi! Sau khi ta chết chỉ e thuật nuôi ong sẽ thất truyền”.
Phương Triệu Nam nhìn chiếc lồng tre đựng ong, muốn noi gì đấy nhưng lại thôi.
Dương Cô chớp mắt rồi nói:
“Tên tiểu tử nhà ngươi cũng có gan lắm, tư chất thuộc hàng thượng thừa, đáng tiếc lại đã bị lão đạo sĩ mắt mù nhận làm môn hạ!”.
Phương Triệu Nam nói:
“Vãn bối đã có sư thừa khác, cho nên không phải là môn hạ của đạo trưởng”.
Dương Cô vui mừng nói:
“Lão đạo sĩ có mắt mà không tròng, không thấy ra được tư chất của ngươi”.
Phương Triệu Nam nói:
“Đạo trưởng ấy tuy hai mắt mù lòa nhưng ông ta rất biết nhìn người”.
Phong Vương Dương Cô lạnh lùng hừ nói:
“Nói bậy!”.
Phương Triệu Nam hơi ngạc nhiên nói:
“Vãn bối sai chỗ nào?”.
Phong Vương Dương Cô bực tức nhắm mắt, không đáp.
Phương Triệu Nam cũng im lặng chẳng nói gì.
Một đêm trôi qua, Dương Cô tựa như vẫn chưa hết giận, Phương Triệu Nam kêu mấy tiếng mà ông ta vẫn không hề chớp mắt, suốt cả ngày cả hai người chẳng nói câu nào.
Cứ như thế, hai người cứ ngồi đối diện nhau cả hai ngày hai đêm, ai làm việc nấy chẳng nói với nhau nửa lời. Đến ngày thứ tám, chợt ở ngoài đại điện có tiếng lẹt xẹt, một giọng nói khàn khàn vọng vào:
“Tên nuôi ong kia, ngươi đến đã lâu chưa?”.
Dương Cô nhảy vọt lên nói:
“Hay lắm! Ta tưởng suốt đời này không tìm được ngươi, không ngờ cuối cùng ta cũng tìm ra”.
Đạo sĩ mắt mù gõ bốp cây trượng một tiếng, một miếng gạch vỡ nát. Dương Cô vỗ vào cái lồng gỗ, cao giọng nói:
“Ta đã bỏ ra mười lăm năm thử nuôi ba mươi sáu loại ong độc, giao phối thành một loại ong tuyệt độc, nhưng mật của nó là thứ mật thơm ngon nhất trên đời”.
Đạo sĩ mắt mù cười lạnh:
“Dù mật ong của ngươi có thơm ngon cũng đâu có liên quan gì đến kẻ mù như ta ...”.
Phong Vương Dương Cô cười rằng:
“Sao, ngươi không tin ư?”.
Đạo sĩ mắt mù nói:
“Thì thế nào?”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Hừ! Ngươi hãy nếm thử xem sao!” rồi lấy ra một thỏi mật ong đưa cho đạo nhân mắt mù. Đạo nhân mắt mù cũng không khách sáo, nhận lấy thỏi mật ong ấy.
Phương Triệu Nam thấy hai người đã lớn tuổi, nhưng lời nói thì vẫn như trẻ con, không khỏi mỉm cười.
Phong Vương Dương Cô thấy đạo nhân mắt mù ăn xong, lạnh lùng hỏi:
“Thế nào?”.
Đạo nhân mắt mù cười ha hả:
“Mùi vị tuy ngon, đáng tiếc ngươi không ăn được bao lâu nữa!”.
Phong Vương Dương Cô tức giận nói:
“Tại sao?”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Bởi vì chỉ một chốc nữa đây ngươi sẽ chết”.
Phong Vương Dương Cô tức giận nói:
“Lão tạp mao đui mắt kia, khẩu khí lớn lắm, hãy thử mùi vị ong độc của ta thế nào đã!”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Khoan đã, khoan đã, ta có lời muốn nói”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Chuyện gì, nói mau! Ta đã tìm ngươi mấy mươi năm nay, lúc này đã không chờ được nữa rồi!”.
Đạo nhân mắt mù lạnh lùng nói:
“Hãy đợi ta trị thương cho tên tiểu tử này xong chúng ta hãy đánh nhau một trận cũng không muộn”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Được lắm! Ta sẽ chờ ngươi nửa canh giờ, sau nửa canh giờ, bất luận ngươi có trị được hay không, ta cũng sẽ thả ong độc ra!”.
Đạo nhân mắt mù ấy không tranh cãi nữa, ông ta bước tới bên cạnh Phương Triệu Nam, rõ ràng ông ta tựa như tranh thủ thời gian chữa trị cho chàng. Phương Triệu Nam thở dài, nói:
“Lão tiền bối đã vất vả, không biết có hái được thuốc không?”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Ngươi vận khí rất tốt, ta cũng đã hái được thuốc, nay thời gian không nhiều, ta sẽ trị cho ngươi rồi nói tiếp”. Thế rồi ngồi xổm xuống, đặt hai tay lên hai đầu gối Phương Triệu Nam, xoa bóp một hồi, sau đó lấy ra một bó cỏ xanh, nói:
“Vốn là phải nấu bó thuốc này rồi uống vào, đáng tiếc thời gian không còn nữa, ngươi hãy mau ăn bó cỏ này vào!”.
Phương Triệu Nam hơi do dự, cầm lấy bó cỏ nhìn kỹ một hồi, chỉ thấy có ba màu cỏ không giống nhau trộn lẫn với nhau, thế rồi chàng cầm bó cỏ ăn hết cả.
Đạo nhân mắt mù ấy lại lấy ra một bó cỏ nữa, vò một hồi rồi bôi lên vết thương ở hai gối Phương Triệu Nam.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Nay đã có đủ thuốc, trong vòng bốn ngày vết thương của ngươi sẽ bớt sưng, ngày thứ năm sẽ hoàn toàn lành lặn, ngày thứ bảy có thể đi lại được, đến ngày thứ mười thì hoàn toàn bình phục”.
Phương Triệu Nam cảm thấy bó cỏ lúc nãy vừa đắng vừa chua, rất khó ăn, nhưng nghĩ đến trách nhiệm nặng nề của mình, cho nên chàng cố nuốt bó cỏ ấy cho xong.
Đạo nhân mắt mù ho mạnh một tiếng rồi nói:
“Loại thuốc lúc nãy vừa chua vừa đắng rất khó ăn ...”.
Phương Triệu Nam mỉm cười:
“Vãn bối đã ăn hết”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Ăn hết thì rất tốt, rất tốt ...” nói xong mấy chữ rất tốt thì đột nhiên im lặng. Phương Triệu Nam biết ông ta có lời khó nói, thế rồi mới bảo:
“Lão tiền bối còn có gì căn dặn?”.
Đạo nhân mắt mù thở dài nói:
“Lão phu chưa bao giờ cầu xin ai chuyện gì, hôm nay đành phải cầu xin người ta một lần”.
Phương Triệu Nam nói:
“Lão tiền bối cứ căn dặn, vãn bối sẽ cố gắng hết sức”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Một lát nữa đây, ta phải quyết đấu một trận sinh tử với lão già thích chơi ong kia, lão già ấy võ công cao cường, không kém gì ta, cho nên rất khó dự liệu được rằng sẽ thắng hay bại. Ta đã lớn tuổi, có chết cũng chẳng tiếc gì, nhưng có một tâm nguyện vẫn chưa làm được, khiến ta chết không nhắm mắt”.
Phương Triệu Nam nói:
“Lão tiền bối cứ căn dặn, chỉ cần vãn bối không chết, chắc chắn sẽ hoàn thành tâm nguyện ấy cho lão tiền bối”.
Đạo nhân mắt mù chậm rãi lấy ra một cái tráp ngọc dài khoảng một thước và nửa cây trâm thoa gãy, nói:
“Tâm nguyện này nói dễ không dễ, bảo khó không khó, hỡi ơi! Chẳng qua là không biết khi nào mới làm được mà thôi”.
Phương Triệu Nam nhìn thấy cây thoa gãy trong tay ông ta, chợt nhớ đến ông già họ Trần, trước khi chết đã dặn Trần Huyền Sương rằng, cứ đến ngày Trung Thu thì đến đầm Hắc Long ở đỉnh Thái Sơn để lấy một thanh bảo kiếm ...
Chợt nghe đạo nhân mù nói:
“Lão phu được người ta nhờ vả, cứ vào đêm Trung Thu mỗi năm phải đến đầm Hắc Long chờ một người, nếu nửa cây thoa gãy trong tay của y khớp với cây thoa này của ta thì phải trao tráp ngọc này cho bất luận người ấy là ai, không cần biết y là nam hay nữ, đến từ nơi nào, sau khi ráp hai cây thoa gãy lại với nhau thì phải trao tráp ngọc cho y, lão phu đã đợi mấy mươi năm, rốt cuộc chẳng thấy người đến lấy kiếm. Nay ta chưa biết sống chết ra sao, dù cho không chết cũng e rằng trọng thương tàn phế, vậy ta trao tráp ngọc, thoa gãy lại cho ngươi, ngươi hãy giữ giùm ta ...” nhưng ông ta hơi ngập ngừng rồi nói:
“Nhưng cứ mỗi đêm Trung Thu ngươi cứ đến đầm Hắc Long, chờ cho đến nửa đêm mà không thấy có ai đến, ngươi có thể rời khỏi nơi ấy”.
Phương Triệu Nam vốn muốn cho ông ta những điều mình đã biết, nhưng e rằng nói không cẩn thận lại chuốc thêm nhiều phiền phức cho nên im lặng nhận thoa gãy và tráp ngọc.
Đạo nhận ấy đột nhiên thi triển thuật Truyền Âm Nhập Mật nói:
“Lão phu cũng không để ngươi thiệt thòi, giờ đây ta sẽ truyền cho ngươi hai chiêu chưởng pháp, hai chiêu này là tuyệt học cả đời của ta. Điều đáng tiếc là lão già chơi ong đứng bên cạnh, ta không thể nào nói kỹ càng cho ngươi biết, chỉ đành truyền khẩu quyết cho ngươi, còn ngươi có thể lãnh ngộ được hay không thì phải coi sự may mắn của ngươi”.
Phương Triệu Nam nói:
“Lão tiền bối ...”.
Đạo nhân mù mắt nói:
“Lúc này thời gian quý như vàng bạc, không nên để hao phí ...” rồi mặc kệ Phương Triệu Nam có nghe hay không, ông ta liền dùng thuật Truyền Âm Nhập Mật giảng giải hai chiêu khẩu quyết ấy. Phương Triệu Nam chỉ đành lắng nghe, ghi nhớ từng chữ. Đạo nhân mù mắt đọc xong khẩu quyết thì đột nhiên đứng dậy, cầm cây gậy trong tay nói:
“Lão già chơi ong, chúng ta tỷ thí đi thôi!” rồi hai chân nhún nhẹ, người đã lướt ra khỏi đại điện. Ông ta hai mắt tuy mù nhưng thân pháp rất linh hoạt, vừa nhún người thì đã vọt ra giữa sân.
Phong Vương Dương Cô cười ha hả rồi nói:
“Hay lắm! Chúng ta mấy mươi năm không gặp, lão già đui nhà ngươi không mất hào khí năm xưa”.
Đạo nhân mù mắt nói:
“Họ Dương kia, trước khi chúng ta động thủ, ta có một chuyện muốn thỉnh cầu”.
Dương Cô cầm cá lồng gỗ bước ra, miệng đáp:
“Ngươi hãy nói!”.
Đạo nhân mù mắt nói:
“Tên tiểu tử kia chẳng quen biết gì với ta, chỉ là đến nhờ ta chữa trị đôi chân mà thôi, oán thù của chúng ta tốt nhất đừng nên liên lụy đến người khác”.
Phong Vương Dương Cô cười lạnh nói:
“Chỉ cần y không ra tay quấy rối, ta sẽ hứa với ngươi, nếu y tự tiện làm càn, vậy thì coi như đã tự tìm đường chết, chẳng liên quan gì đến ta!”.
Đạo nhân mù mắt nói:
“Như vậy cũng công bình ...” đột nhiên cao giọng nói với Phương Triệu Nam:
“Tên tiểu tử nghe đây, ta đã hái đủ thuốc trị thương cho ngươi, chỉ cần ngươi tự chữa theo cách của ta đã dạy thì sẽ hoàn toàn hồi phục. Ta và lão già họ Dương kết thù sâu nặng, y đã bỏ ra mấy mươi năm để nuôi loại ong tuyệt độc, mục đích là muốn tìm ta tính sổ, do đó bất luận khi chúng ta động thủ ai thắng ai bại, ngươi cũng không được ra tay tương trợ”.
Phương Triệu Nam ngạc nhiên, không nói lời nào.
Đạo nhân mù mắt ấy lại quát:
“Ngươi phải hứa với lão phu, lão phu mới yên tâm”.
Phong Vương Dương Cô đột nhiên quay đầu, hai mắt lộ tia hung quang, nhìn thẳng vào mặt Phương Triệu Nam nói:
“Nếu ngươi nhất định giúp y thì lúc này hãy cứ ra tay, nếu đợi ta đả thương y mà ngươi mới tương cứu, lúc đó chẳng khác gì lấy trứng chọi với đá”.
Phương Triệu Nam nói:
“Đạo trưởng ấy có ơn trị thương đối với tại hạ, theo quy củ võ lâm, tại hạ không thể chắp tay đứng nhìn ...”.
Đạo nhân mù mắt nói:
“Ai cần ngươi báo đáp, hừ! Không hiểu thời thế!”.
Phương Triệu Nam không thèm để ý đến lời nói của đạo nhân mù mắt, nói:
“Nhưng hai vị lão tiền bối đang phải tính nợ cũ, chuyện xưa đã qua, vãn bối không biết hai vị đã kết oán thù như thế nào, càng không thể luận bàn ai đúng ai sai, do đó trong nhất thời không thể nào quyết định có nên ra tay tương trợ hay không”.
Phong Vương Dương Cô tức giận quát:
“Hay lắm, khẩu khí không nhỏ tý nào!”.
Phương Triệu Nam thở dài một tiếng, nói:
“Tốt nhất hai vị lão tiền bối nên vứt bỏ oán thù năm xưa, để vãn bối đừng nhìn thấy một trận chém giết của các vị tiền bối”. Hai câu nói của chàng tựa như có sức mạnh rất lớn, trên mặt hai người đồng thời lộ vẻ buồn bã.
Ánh hung quang trong mắt Phong Vương Dương Cô dần dần biến mất. Đạo trưởng mù mắt ấy thì chậm rãi cúi đầu.
Phương Triệu Nam nói:
“Hai vị lão tiền bối đã đến tuổi cổ lai hi, chắc là biết Nam Bắc Nhị Quái ...”.
Phong Vương Dương Cô chợt ngẩng đầu lên, mắt quắc lên, miệng thì gằn giọng quát:
“Câm mồm! Oán thù mấy mươi năm trong lòng của lão phu sao có thể bị những lời ngon tiếng ngọt của ngươi che đậy ...” ông ta ngẩng đầu, lẩm bẩm nói:
“Chả lẽ công sức mấy mươi năm qua của ta có thể uổng phí sao?”.
Đạo nhân mù mắt chợt rút ra một vật dài khoảng một thước, sáng lấp lánh, trông giống như một đốt tre, lạnh lùng nói:
“Họ Dương kia, tuy ta mù hai mắt nhưng cũng chưa chắc sẽ bại trong tay của ngươi. Nếu ngươi không muốn ngừng lại thì hãy cứ ra tay để phân thắng bại, dù sao không phải ta chết thì ngươi chết!”.
Phong Vương Dương Cô cười ha hả nói:
“Nói đúng lắm!” rồi ông ta vỗ cái lồng, lập tức có mấy chục con ong bay ra. Những con ong này trông rất to lớn nhưng bay còn nhanh hơn cả ong bình thường, chỉ trong chớp mắt đã bay tới trước mặt đạo nhân mù mắt. Chợt nghe đạo nhân mắt mù quát lớn một tiếng, cây gậy gỗ trong tay vung ra, một luồng kình phong quét tới. Bầy ong đang bay tới theo đường thẳng, bị luồng kình phong ấy quét phải thì lập tức tản ra lao về phía đạo nhân mù mắt. Phong Vương Dương Cô buông giọng cười lớn:
“Lão đạo sĩ mù, chỉ e hôm nay ngươi khó thoát!”.
Đạo nhân mù mắt cười lạnh một tiếng, cái ống bằng vàng trong tay chợt vung lên, một tia lửa từ trong ống phun ra, ánh lửa kéo dài đến cả thước, hơn mười con ong lập tức bị đốt chết. Phong Vương Dương Cô thấy thế thì khựng người lại, nói:
“Hay lắm! Ngươi đã có chuẩn bị trước!”.
Phương Triệu Nam đang lo lắng cho đạo sĩ mù, ông ta chỉ dùng cây gậy gỗ và ống đồng thì không thể nào chặn được bầy ong trong tay của Phong Vương Dương Cô, nhưng không ngờ ống đồng của ông ta có thể phun ra lửa. Thế rồi chàng mừng thầm:
“Không ngờ đạo trưởng mù này đã chuẩn bị trước, xem ra lửa chứa trong ống đồng là khắc tinh của bầy ong ...”.
Chợt nghe đạo nhân mù mắt nói:
“Ngươi bỏ ra mấy mươi năm để tạo ra giống ong này, ta sao có thể thua ngươi được, đương nhiên phải nghĩ ra cách đối phó với bầy ong độc của ngươi!”.
Phong Vương Dương Cô tựa như rất yêu quý bầy ong của mình, thấy bầy ong chẳng làm gì được đạo sĩ mù mắt thì không muốn để chúng tìm đường chết nữa. Ông ta đặt cái lồng gỗ xuống, tức giận quát:
“Xem thử ống đồng phun lửa của ngươi có thể làm lão phu bị thương được chăng?” ông ta quát lớn một tiếng rồi lao tới. Đạo sĩ mù mắt mau chóng cất ống đồng vào người, nói:
“Lão phu tuy mù hai mắt nhưng cũng không muốn nhờ ống đồng phun lửa đả thương người khác ...” đang nói thì vung cây trượng gỗ quét ra.
Phong Vương Dương Cô rất lanh lẹ, khi lướt người tiến lên thì hai tay đã lấy ra một đôi vòng sắt, chỉ nghe tiếng cong cong vang lên, ba cái vòng sắt trên tay trái đánh vào cây gậy gỗ, cái vòng sắt trên tay phải thì điểm vào trước ngực đối phương.
Đạo nhân mù mắt tuy chẳng thấy gì, nhưng ông ta ra tay cũng nhanh nhẹn như người sáng mắt, ông ta vội vàng thối lui ba thước, rồi cổ tay vung lên, điểm thẳng cây gậy gỗ tới phía trước.
Phong Vương Dương Cô quát lớn một tiếng, hai vòng đồng thời thi triển thế công nhanh chóng, chỉ nghe tiếng long cong vang lên, ánh bạch quang loang loáng, chiêu nào cũng đều rất hiểm hóc.
Đạo nhân mù mắt thì vẫn thủ thế rất nghiêm ngặt, cây gậy gỗ phối hợp với thân pháp, chặn đòn và trả đòn đều rất ung dung.
Phương Triệu Nam thấy hai người toàn sử dụng những chiêu thần kỳ thì không khỏi bị cuốn hút, quên cả cơn đau ở gối.
Chợt thấy thân pháp của hai người càng lúc càng nhanh, biến hóa trong chiêu số càng lúc càng quỷ dị, sau một trăm hiệp, bóng người hơi chậm lại nhưng chỉ nghe trượng ảnh vù vù, vòng sắt kêu lên cong cong, trong vòng một trượng, bụi đất tung lên mù mịt, lúc này đã không còn thấy thân ảnh của hai người nữa.
Khi Phương Triệu Nam đang ngẩn người ra nhìn thì chợt cảm thấy vết thương ở hai chân đau nhói lên, chàng biết thương thế đã đến lúc phát tác, thế là vội vàng thả lỏng cơ bắp nhắm mắt, cố gắng vận khí điều tức. Không biết trải qua bao lâu, cơn đau ở gối đã bớt. Bên tai không còn nghe tiếng vòng sắt long cong và tiếng trượng phong vù vù nữa, chàng thầm nhủ:
“Chả lẽ hai ông già ấy đều đã chết?”.
Nghĩ đến cái thảm cảnh một người nằm phơi xác ngoài sân, chàng cho nên cảm thấy mi mắt rất nặng, không thể nào mở ra được. Chàng ngưng thần lắng nghe, bên tai vẫn có tiếng kêu vo vo không ngớt. Đó là bầy ong trong lồng gỗ của Phong Vương Dương Cô, nhưng không biết chủ nhân của nó còn sống hay đã chết. Phương Triệu Nam không thể nào đè nén sự hiếu kỳ trong lòng, chàng chậm rãi mở mắt ra. Cảnh tượng trước mắt không phải như chàng nghĩ, đạo sĩ mắt mù và Phong Vương Dương Cô vẫn bình yên, cuộc chiến của hai người đang lúc ác liệt. Cả hai người lúc này không giao đấu bằng chiêu số nữa mà chuyển sang tỷ thí nội lực.
Chỉ thấy hai người đều ngưng thần đứng yên, đạo nhân mắt mù giơ cây trượng ngang trước ngực, nghiêng tai lắng nghe, Phong Vương Dương Cô thì mở to đôi mắt nhìn đạo nhân mắt mù, hai người đều đổ mồ hôi ròng ròng.
Phương Triệu Nam biết cả hai bên đã vận dụng công lực của toàn thân, nếu đẩy ra chắc chắn sẽ giống như dời núi lấp biển. Chỉ nghe Phong Vương Dương Cô trầm giọng quát:
“Lão đạo sĩ mù, không ngờ mấy mươi năm qua võ công của ngươi tiến bộ rất nhiều”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Quá khen, quá khen, võ công của Dương huynh cũng ngày càng cao cường!”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Mấy mươi năm qua, ta ngày nào cũng nghiên cứu võ công, không ngờ vẫn không thể thắng được tên mù nhà ngươi”.
Đạo sĩ mắt mù nói:
“Hừ! Mấy mươi năm qua ta cũng đâu có nghỉ ngơi!”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Xem ra cuộc chiến hôm nay lại khó phân thắng bại!”.
Đạo nhân mắt mù mỉm cười:
“Chắc là sẽ lưỡng bại câu thương ...”.
Ông ta nói chưa dứt thì Dương Cô đã đột nhiên vung cái vòng sắt quét tới.
Đạo sĩ ấy tựa như đã biết Phong Vương Dương Cô sẽ bất ngờ tấn công, khi đang nói chuyện vẫn ngầm vận khí giới bị, Phong Vương Dương Cô vừa vung cái vòng lên thì ông ta đã nhận ra, thế là ông ta hóp bụng, thối lui ra sau ba bước, quét nhanh cây gậy gỗ vào cái vòng sắt.
Phong Vương Dương Cô khó khăn lắm mới chiếm được một chiêu tiên cơ, nào có thể để cho đạo nhân mắt mù giành lại, thế là ông ta trầm cổ tay xuống, né cái vòng sắt ra, đánh vào huyệt Đan Điền của đạo nhân mắt mù.
Đạo nhân mắt mù không ngờ rằng Phong Vương Dương Cô lại đột nhiên dùng binh khí làm ám khí, ông ta chợt thấy huyệt Đan Điền đau nhói, bất đồ thối lui đến hai bước.
Phong Vương Dương Cô lách người, thừa cơ lao tới vỗ xéo ra một chưởng. Đạo nhân mắt mù đã bị thương ở huyệt Đan Điền, thần trí đã không còn tỉnh táo nữa, làm sao có thể tránh được đòn đánh của Phong Vương Dương Cô, chỉ nghe bốp một tiếng, trên vai ông ta đã trúng chưởng.
Phương Triệu Nam thầm lo lắng:
“Hỏng rồi! Võ công ông ta có cao cường hơn nữa cũng khó chịu nổi một chưởng và một vòng của Phong Vương Dương Cô ...” quả nhiên, đạo nhân mắt mù ấy lảo đảo rồi té phịch xuống đất.
Chợt nghe Phong Vương Dương Cô cười lớn:
“Hà ha! Lão đạo sĩ mù, oai phong ngày xưa của ngươi ở đâu? Oán thù mấy mươi năm của Dương mỗ hôm nay coi như có thể được trả”.
Phương Triệu Nam kêu lớn:
“Ngừng tay! Dùng kế ám toán một người mắt mù đâu có phải là nhân vật anh hùng!”.
Phong Vương Dương Cô xoay người lại, định thả ong trong lồng ra đốt chết đạo sĩ mắt mù, nghe Phương Triệu Nam quát thế thì ngừng lại, quay đầu lại nói:
“Tên tiểu tử kia, ngươi mắng ai?”.
Phương Triệu Nam lạnh lùng nói:
“Ông ám toán một người đã mù hai mắt, đâu có phải là hành vi của đại trượng phu?”.
Phong Vương Dương Cô lạnh lùng nói:
“Lão phu và y có thù sâu như biển, có gì mà ám toán với không ám toán? Hừ! Ngươi hãy bớt nhiều chuyện lại có lẽ vẫn còn mạng, nếu nói thêm vài câu nữa ...”.
Chợt thấy Phương Triệu Nam biến sắc.
Té ra đạo sĩ mắt mù nhân lúc Dương Cô đang nói chuyện với Phương Triệu Nam thì lặng lẽ bò dậy, hít một hơi chân khí cúi cùng, nhặt lấy cây gậy, ngầm vận công lực, quét ra một gậy. Sau khi cây gậy ấy đánh trúng Phong Vương Dương Cô thì lực đạo trên gậy mới nhả ra.
Đến khi Phong Vương Dương Cô nhận ra được điều ấy, cây gậy đã đánh trúng vào xương hông, chỉ nghe bốp một tiếng, xương hông lập tức gãy lìa, cả người cũng bị nội lực của cây gậy hất bay lên rồi rơi xuống cách đó bảy tám thước.
Đạo nhân mắt mù đánh trúng Phong Vương Dương Cô thì buông giọng cười lớn:
“Lão họ Dương kia, đạo gia mù cả cuộc đời chưa bao giờ chịu thiệt, ngươi ném ám khí trúng ta, ta trả lại một gậy, cả hai chúng ta đều không ...” đến đó thì giọng nói tắt hẳn, người lảo đảo, cây gậy rơi xuống đất, rồi ông ta cũng té phịch xuống. Phương Triệu Nam thấy hai cao thủ tuyệt thế võ lâm sau khi đánh hàng trăm chiêu mà vẫn kẻ tám lượng người nửa cân, tưởng rằng cả hai sẽ bỏ qua nhưng nào ngờ cả hai người đều bị thương do ám toán lẫn nhau.
Chợt thấy Phong Vương Dương Cô gắng gượng sức tàn bò tới cạnh cái lồng gỗ, rõ ràng ông ta định thả ong để đối phó với đạo sĩ mắt mù đã bị trọng thương.
Phương Triệu Nam cảm thấy đau đớn, chàng không khỏi rơi hai dòng nước mắt, chàng chậm rãi nhặt cây gậy tre bên cạnh rồi nhảy vọt ra chỗ Phong Vương Dương Cô, hạ giọng hỏi:
“Lão tiền bối bị thương có nặng không?”.
Dương Cô tưởng chàng có ý hại mình, ông ta ngừng lại lạnh lùng nói:
“Chắc ngươi muốn hại lão phu phải không?”.
Nội phủ của ông ta đã bị đạo nhân mắt mù đánh chấn thương, ông ta cố gắng dùng hết sức tàn bò tới bên cạnh cái lồng gỗ. Khi thấy Phương Triệu Nam phóng vọt ra, trong lòng biết không thể làm được điều ấy, cho nên ngụm chân khí đề tụ ở Đan Điền lập tức tản mất, miệng há ra phun một búng máu tươi.
Phương Triệu Nam thở dài, chậm rãi ngồi xuống nói:
“Lão tiền bối đừng hiểu nhầm, tại hạ không có ý xấu, hỡi ơi! Hai vị đã là người có tuổi, sao đến lúc này vẫn nghĩ không thông?”.
Dương Cô ho nhẹ một tiếng, lại phun ra một ngụm máu nữa, nói:
“Đáng tiếc ngươi đã nói quá trễ!”.
Phương Triệu Nam thấy trong ngụm máu của ông ta có từng mảnh nội tạng, thầm nhủ:
“Nội tạng của ông ta đã bị đánh nát, xem ra khó sống nổi nữa ...” đang suy nghĩ chợt nghe đạo nhân mắt mù nói:
“Lão già họ Dương, chắc ngươi đã báo được thù! Nội phủ của ta cũng bị ngươi đánh chấn thương, huyệt Đan Điền đã bị trọng thương, không thể sống qua một canh giờ nữa!”.
Phong Vương Dương Cô thở phì phò mấy hơi rồi nói:
“Nội tạng của ta cũng bị một trượng của ngươi đánh nát, chỉ e ta không thể sống qua một canh giờ nữa!”.
Phương Triệu Nam thở dài:
“Hai vị tiền bối lúc này đã hối hận rồi ư?”.
Đôi mắt đã thất thần của Phong Vương Dương Cô đột nhiên quắc lên, ông ta lạnh lùng nói:
“Lão phu chưa bao giờ phải hối hận chuyện gì cả!”.
Đạo nhân mắt mù ấy đột nhiên đứng dậy, lảo đảo bước tới, khi còn cách Phong Vương Dương Cô bốn năm thước thì té xoài xuống đất, miệng thì nói:
“Ta thật hối hận, ôi! Ta đã không thể sống được nữa, mà lại đánh ngươi một trượng khiến cho chúng ta lâm vào tình thế lưỡng bại câu thương”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Nhưng rốt cuộc ngươi nén không được nên mới ra tay!”.
Phong Vương Dương Cô lại thở phì phò rồi nôn ra một ngụm máu tươi, nói:
“Lão đạo sĩ mù kia, ngươi có điều gì muốn nói thì hãy nói cho mau! Ta đã sắp không thể nghe được nữa rồi!”.
Chỉ nghe đạo nhân mắt mù nói:
“Ta không thể nói được nữa, ta phải giữ lại một chút khí lực để truyền võ công cho thiếu niên họ Phương này”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Đúng! Chúng ta đã chết thì phải để lại võ công trên đời mới phải, song, ngươi hãy nhường cho ta trước! Ta bị thương nặng hơn ngươi đương nhiên sẽ chết sớm hơn ngươi ...”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Được thôi!” rồi ngầm đề tụ chân khí, giữ một hơi nguyên khí cuối cùng không để tản đi.
Phong Vương Dương Cô ngẩng đầu lên, nhìn Phương Triệu Nam nói:
“Tiểu tử, hãy mau đến đây!”.
Phương Triệu Nam dùng hai tay chống xuống đất, phóng vọt tới, nói:
“Lão tiền bối có gì căn dặn?”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Lúc này ta đã sắp chết, cho nên ngươi không được lên tiếng, ngươi phải lắng nghe lời ta, ngươi nói một câu thì võ công của lão phu sẽ bị thất truyền một chiêu”.
Phương Triệu Nam lại thấy ông ta nôn ra một ngụm máu tươi nữa, nào dám cãi lời ông ta, vội vàng nói:
“Vãn bối đang lắng nghe”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Trước tiên ta dạy cho ngươi gọi bầy ong này, ta sẽ tặng chúng cho ngươi”.
Phương Triệu Nam nói:
“Điều này, vãn bối làm sao dám ...”.
Phong Vương Dương Cô nói:
“Ngươi không được cắt lời ...” rồi tiếp theo truyền cho chàng thuật giữ ong, lấy mật, bí quyết nuôi ong, phương pháp đơn công, quần công và khẩu quyết giữ mạng hộ thân. Ông ta đã là người sắp chết, lúc nào cũng có thể đứt hơi, Phương Triệu Nam không muốn ông ta có điều gì tiếc nuối cho nên cố gắng ghi nhớ hết tất cả mọi khẩu quyết.
Phong Vương Dương Cô sau khi truyền bí quyết nuôi ong, ông ta chưa kịp truyền võ công thì đột nhiên thấy trước mắt tối sầm, đứt hơi mà chết.
Phương Triệu Nam thở dài, ôm quyền lạy:
“Lão tiền bối hãy an nghỉ!”.
Chợt nghe đạo nhân mắt mù nói:
“Sao? Phong Vương Dương Cô đã chết rồi ư?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Chết rồi!”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Ngươi hãy mau đây! Ta sẽ truyền cho ngươi một chiêu võ công”.
Phương Triệu Nam vội vàng nhảy vọt tới, hạ xuống bên người ông ta, nói:
“Lão tiền bối còn có chuyện gì cần người giúp đỡ không? Cứ nói trước cho vãn bối, sau đó rồi truyền võ công cũng không muộn”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Ta có rất nhiều chuyện, nhưng đã không kịp nữa ...”.
Phương Triệu Nam thầm nhủ:
“Lão tiền bối chưa thâu nhận đệ tử nào ư?”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Tuy đã nhận một đứa nhưng tâm địa của nó xấu xa đã bị ta đuổi đi”.
Phương Triệu Nam kêu à một tiếng, đột nhiên nhớ lại thiếu niên nhảy vào xe mình lúc trước ...
Chợt nghe đạo nhân mắt mù nói:
“Chẳng phải ta đã truyền cho ngươi hai chiêu chưởng thế ư?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Đúng vậy!”.
Đạo nhân mắt mù nói:
“Ta đã giấu không truyền cho ngươi chiêu thứ ba, chiêu thứ ba này vốn là một chiêu tuyệt học, giờ đây ta sẽ truyền cho ngươi ...”.
Thế rồi ông ta lập tức giảng giải khẩu quyết, mặc cho vết thương của mình, vẫn cố gắng không ngừng múa may. Phương Triệu Nam vừa ghi nhớ khẩu quyết vừa luyện tập theo ông ta. Chàng luyện tập mấy lần thì quả nhiên hiểu được chỗ ảo diệu, khi chàng ngừng lại thì đạo nhân mắt mù ấy đã chết từ lâu.
Phương Triệu Nam tận mắt chứng kiến hai cao thủ tiền bối trong võ lâm quyết đấu với nhau, cùng bị trọng thương mà chết, không khỏi buồn bã rơi nước mắt. Chàng dời hai cái xác đến một góc sân, đào một cái lỗ rồi đặt hai cái xác xuống. Phương Triệu Nam chắp tay cầu khấn:
“Hai vị lão tiền bối khi còn sống là kẻ địch của nhau, sau khi chết thì chôn chung với nhau, mong hai vị xuống dưới suối vàng thì có thể trở thành bạn bè”. Rồi chàng chậm rãi lắp đất lại.
Một nắm mồ chôn hai cao thủ võ công cao cường, một ngôi miếu hoang tàn có thêm một ngôi mộ mới càng tăng thêm sự lạnh lẽo.
Phương Triệu Nam ngồi lặng ở dưới đất, không biết trải qua bao lâu, chợt có tiếng ho vọng tới. Chàng ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy một ông già toàn thân mặc đồ trắng đứng cách đó ba bốn thước, ánh mắt lờ đờ, người gầy như que củi, trông giống như người đã chết nhưng bị người ta moi ra từ trong quan tài.
Phương Triệu Nam kinh hoảng, cung tay nói:
“Lão tiền bối”.
Ông già áo trắng đưa mắt nhìn cái lồng gỗ, hỏi:
“Ngô Hạt Tử đi đâu rồi?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Có phải vị đạo trưởng ấy không?”.
Ông già áo trắng nói:
“Đúng thế, ta tìm lão đạo sĩ mù ấy trị thương”.
Phương Triệu Nam nói:
“Lão tiền bối đã trễ một bước!”.
Ông già áo trắng nói:
“Y đã đi đâu?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Ông ta đã chết”.
Ông già áo trắng đột nhiên thở dài, nói:
“Chết như thế nào? Có phải bị người ta giết không?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Đúng thế, ông ta đã chết trong tay Phong Vương Dương Cô!”.
Ông già áo trắng nói:
“Còn Dương Cô?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Đã chết, hai người quyết đấu với nhau đều bị trọng thương, đã chết cùng một lúc”.
Ông già áo trắng đột nhiên thay đổi thần sắc, nói:
“Có thật không?”.
Phương Triệu Nam nói:
“Nếu lão tiền bối không tin, hãy đào mộ lên xem thử!”.
Ông già áo trắng nói:
“Tiêu rồi, tiêu rồi! ”rồi chậm rãi xoay người lảo đảo bước về phía trước.
Phương Triệu Nam nhìn bóng dáng ông ta, thầm nhủ:
“Thương thế ông ta không nhẹ, xem ra người trong giang hồ dù võ công cao cường thế nào cuối cùng cũng không thể thoát khỏi cái chết”.
Ngoài ông già áo trắng ấy, chẳng có người khách nào đến thăm miếu hoang nữa.
Phương Triệu Nam vừa trị thương theo cách đạo sĩ mù đã dặn, vừa đả tọa điều tức và luyện thuật nuôi ong, ba ngày sau, chàng đã không còn sợ bầy ong nữa.
Mười ngày trôi qua nhanh chóng, vết thương của Phương Triệu Nam đã thuyên giảm, lương khô cũng đã hết, nhưng chàng có thể dùng mật ong thay thế thức ăn cho nên không bị đói. Mấy ngày nữa lại trôi qua, thuốc của đạo nhân mắt mù đã dùng hết, vết thương ở đầu gối cũng đã hoàn toàn hồi phục, cuộc sống yên tĩnh trong nửa tháng đã khiến cho chàng muốn quy ẩn chốn núi rừng. Nhưng nhớ lại Trần Huyền Sương và Châu Huệ Anh đang gặp nguy hiểm, thù lớn của ân sư chưa trả, chàng chỉ đành xách lồng gỗ rời khỏi miếu hoang đi về phía chùa Thiếu Lâm.
Từ sau khi gặp Quỷ Tiên Vạn Thiên Thành, chàng mới biết võ công của mình vẫn chưa đến đâu nên quyết lòng đến Tung Sơn để cầu tuyệt học.
Oo Lại nói Mai Giáng Tuyết đi một hồi thì đến trước một tòa am ni cô, nàng chợt cảm thấy đói bụng cho nên bước vào. Tòa am ni cô này rất nhỏ nhưng được quét dọn sạch sẽ, trong đại điện có hai ngọn bạch lạc đang cháy, một ni cô mặc áo màu xám đang ngồi đọc kinh, Mai Giáng Tuyết bước vào, hạ giọng nói:
“Sư phụ, tiểu nữ đang đói, muốn xin một bữa cơm chay”.
Ni cô ấy chậm rãi quay mặt, nhìn Mai Giáng Tuyết rồi nói:
“Cô nương từ đâu đến đây?”.
Mai Giáng Tuyết mỉm cười, nói:
“Tiểu nữ đến từ Huyết Trì”.
Ni cô ấy ngẩn người ra, nói:
“Huyết Trì! Cái tên nghe không may ...” bà ta ngập ngừng rồi lại nói:
“Cô nương muốn đi đâu?”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Điều đó thì tiểu nữ không biết, ôi! Chắc là sẽ đến một nơi! Trời đất rộng lớn thế này, chả lẽ không có nơi cho tiểu nữ đặt chân hay sao?”.
Ni cô ấy chậm rãi đứng dậy, nói:
“Chắc cô nương đã đói!” rồi bà ta bước ra ngoài.
Mai Giáng Tuyết đi sau ni cô ấy bước vào trong một sương phòng, nàng thấy trên bàn đã bày sẵn thức ăn, thế rồi mới nói:
“Không dám làm phiền sư phụ nữa”. Rồi nàng cầm đũa, ni cô ấy nhìn một hồi rồi lặng lẽ lui ra ngoài.
Mai Giáng Tuyết ăn hai bát cơm mới đặt đũa xuống, dựa vào vách tường ngủ thiếp đi.
Nàng đã nhiều lần trải qua ác chiến, chân khí hao phí rất nhiều, lại thêm trong lòng lo lắng cho nên ngủ rất say. Không biết đã trải qua bao lâu, chợt nàng cảm thấy như bị người ta lay vào người, nàng mở mắt ra, chỉ thấy một ni cô già mặt đầy vết nhăn đứng trước mặt, nói:
“Lão ni đã dọn giường ngủ cho cô nương, xin mời hãy lên giường ngủ!”.
Mai Giáng Tuyết ngạc nhiên:
“Đã làm phiền sư phụ”.
Nàng đứng dậy đi theo sau vị ni cô ấy. Đêm khuya yên tĩnh, vầng trăng treo cao, vị lão ni ấy chậm rãi bước qua mảnh sân yên ắng, đến trước một căn phòng cửa đã đóng chặt. Vị lão ni chậm rãi đẩy hai cánh cửa, quay đầu lại nói với Mai Giáng Tuyết:
“Cô nương, cô nương hãy nghỉ ngơi ở đây”. Thế rồi bà ta bước vào, đốt ngọn đèn cầy trong phòng lên. Vị lão ni chỉ cái giường gỗ nói:
“Chăn màn đều đã chuẩn bị xong, cô nương có thể yên giấc”.
Giọng nói của bà ta rất hiền hòa, ân cần, như đối đãi với con gái từ xa trở về.
Mai Giáng Tuyết chợt dâng lên cảm giác ấm áp, nàng thở dài nói:
“Lão sư phụ cũng nên yên giấc”.
Bà ta nở nụ cười nói:
“Cô nương hãy ngủ đi!” rồi bà ta chậm rãi lui ra ngoài. Mai Giáng Tuyết đóng cửa lại, nằm lên giường nhưng vẫn không cảm thấy buồn ngủ, lòng nàng như trăm mối tơ vò. Nàng nhớ đến Phương Triệu Nam, Trần Huyền Sương và Cát Vĩ, Cát Hoàng ... chuyện xưa cứ hiện ra trong đầu nàng. Nàng thở dài, lẩm bẩm:
“Mình đã trải qua nhiều biến cố nhưng rốt cuộc mình được những gì? Sao không học theo vị lão ni ấy, cạo đầu bái Phật, sống một cuộc sống yên tĩnh ...”.
Chợt nghe thấy tiếng của đàn ông vọng tới:
“Cô nương thân mang tuyệt kỹ, trong võ lâm có mấy người là địch thủ của cô nương ...”.
Mai Giáng Tuyết quát:
“Ai?
Bên ngoài cửa sổ có tiếng đáp:
“Ta!” rồi kẹt một tiếng, cửa sổ bật ra, một thiếu niên toàn thân mặc kình trang nhảy vọt vào. Mai Giáng Tuyết đưa mắt lạnh lùng nhìn người ấy, nói:
“Đây là nơi cửa Phật yên tĩnh, ngươi đến đây làm gì?”.
Té ra thiếu niên mặc kình trang ấy chính là Cát Vĩ, Cát Vĩ ngạc nhiên nói:
“Huynh đệ chúng tôi đã học được rất nhiều võ công nhưng tài trí có hạn có nhiều chỗ không hiểu, mong cô nương chỉ điểm”.
Sau khi y thay đổi y phục mới dung quang sáng ngời, mày kiếm mắt sao, trông ra rất anh tuấn.
Mai Giáng Tuyết lạnh lùng nói:
“Ta đã có lòng bước vào cửa Phật, từ khắc này trở đi, huynh đệ các ngươi nếu cứ đeo lấy ta, không nghe lời ta, đừng trách ta trở mặt vô tình!”.
Cát Vĩ ngạc nhiên rồi đột nhiên cười ha hả nói:
“Theo tại hạ thấy, cô nương không thể xuất gia được”. Thế rồi y ho nhẹ một tiếng nói:
“Chuyện La Huyền nhờ cô nương chắc chắn rất khó khăn, cô nương vẫn chưa làm được, sao có thể cắt tóc làm ni cô, thoát khỏi hồng trần?”.
Mai Giáng Tuyết trầm ngâm không nói, rõ ràng lời của Cát Vĩ đã lay động lòng nàng.
Chợt nghe Cát Vĩ nói tiếp:
“Còn có một chuyện khiến cho cô nương không thể nào ở lại cửa Phật”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Chuyện gì?”.
Cát Vĩ nói:
“Nếu cô nương cắt tóc làm nước cô, không biết phải ăn nói với Phương Triệu Nam thế nào?”.
Mai Giáng Tuyết sững người, nói:
“Chúng tôi chỉ có danh phu thê, y làm sao quản được ta ...” nàng hơi ngập ngừng rồi nói tiếp:
“Nhưng ta phải làm chuyện La Huyền đã nhờ, ôi! Nếu các người làm giúp ta, ta có thể ở lại cửa Phật, sống cuộc đời an bình ...”.
Rồi nàng đưa mắt nhìn Cát Vĩ trầm ngâm một lúc lâu mới nói:
“Không biết huynh đệ hai người có chịu hứa với ta một chuyện không?”.
Cát Vĩ nói:
“Cô nương cứ sai khiến, bọn chúng tôi muôn chết không từ”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Ta muốn nhờ hai người thay ta hoàn thành tâm nguyện của La Huyền”.
Cát Vĩ nói:
“Đáng tiếc võ công huynh đệ chúng tôi còn kém cỏi”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Ta sẽ truyền võ công của La Huyền cho các ngươi!”.
Cát Vĩ vui mừng nói:
“Nếu cô nương chấp nhận, bọn chúng tôi sẽ dốc hết sức mình”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Nơi này rất yên tĩnh, ta quyết định tạm thời ở lại, ban ngày sẽ lễ Phật đọc kinh, đêm sẽ tìm nơi yên tĩnh truyền võ công cho huynh đệ các người”.
Cát Vĩ nói:
“Cứ một lời như thế, ta sẽ lập tức tìm một nơi yên tĩnh, đêm mai sẽ đến mời cô nương”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Song có một chuyện ta phải nói rõ trước”.
Cát Vĩ nói:
“Đừng nói là một chuyện, dù hàng trăm chuyện, huynh đệ chúng tôi cũng sẽ chấp nhận”. Rồi xoay người chạy ra ngoài.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Đứng lại! Chuyện này rất hệ trọng, cần phải nói rõ!”.
Cát Vĩ chỉ đành ngừng chân, nói:
“Chuyện gì? Cô nương hãy cứ nói”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Sau khi ngươi học võ công, thực hiện xong di ngôn của La Huyền phải chặt một cánh tay”.
Cát Vĩ ngẩn người ra, nói:
“Tại sao?”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Trên đời này có quá nhiều kẻ xấu, những kẻ gian ác đều là người mang tuyệt thế võ công, ta truyền võ công cho các người, nếu không chặt tay đi, sau này không ai chống lại được hai người, huynh đệ các người làm ác há chẳng phải ta đã đi lại vết xe đổ của La Huyền, tạo ra thêm hai Nhạc chủ Minh Nhạc hay sao?”.
Cát Vĩ nghiêm mặt, kiên quyết nói:
“Tại hạ hứa với cô nương, trên đời này đâu có chuyện gì thập toàn thập mĩ, chặt đứt một cánh tay có xá chi! Nhưng ca ca của tại hạ, tại hạ không thể làm chủ được, đợi sau khi thương lượng với y, ngày mai sẽ đến trả lời cô nương!”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Nếu y chấp nhận, canh hai đêm mai các người đến đây gặp ta, nếu không chấp nhận thì đừng đến nữa!”.
Cát Vĩ nói:
“Tại hạ xin cáo biệt, nếu đại ca của tại hạ không chịu hứa, đêm mai một mình tại hạ sẽ đến đây”. Rồi không đợi Mai Giáng Tuyết trả lời, y xoay người vọt ra bên ngoài.
Sáng sớm hôm sau, Mai Giáng Tuyết đã thức dậy, chưa kịp rửa mặt chải tóc đã đi ra ngoài đại điện.
Bên ngoài đại điện, ni cô già ấy và một ni cô tuổi trẻ hơn bắt đầu thắp hương bái Phật. Mai Giáng Tuyết quỳ lạy tượng Phật rồi ngồi xếp bằng trên cái bồ đoàn trước bàn thờ. Sau khi hai ni cô bái xong tượng Phật thì bắt đầu đọc kinh.
Ni cô già lấy ra một quyển kinh trên bàn thờ đưa cho Mai Giáng Tuyết, thì thầm:
“Biển khổ không bờ, quay đầu là bến”.
Mai Giáng Tuyết nhận lấy quyển kinh mở ra rồi đọc theo hai người ấy. Đọc kinh buổi sáng xong, mặt trời đã mọc, ni cô già nhận lại quyển kinh, thì thầm nói với Mai Giáng Tuyết:
“Cửa Phật rộng mở, thuyền từ phổ độ, nếu cô nương cảm thấy ni am này có thể tạm thời làm chốn dung thân, vậy xin mời hãy ở lại”.
Mai Giáng Tuyết thở dài:
“Trong lòng đệ tử quả thật rất ngưỡng mộ cuộc sống yên tĩnh của hai vị sư phụ, song đệ tử thân đầy tội nghiệt, kết thù vô số, nếu ở nơi đây chỉ e rằng sẽ đem lại tai họa cho hai vị!”.
Ni cô ấy mỉm cười, nói:
“Cửa Phật rộng mở nhưng thuyền từ không chở người vô duyên, đến là đi, đi là đến, ở lại hay không xin tùy ý”. Nói xong thì chậm rãi bước ra bên ngoài.
Mai Giáng Tuyết nhẹ thở dài, cất bước ra ngoài đại điện. Trong lòng nàng đầy mâu thuẫn, nàng vừa cảm thấy chốn cửa Phật thanh tịnh, có thể quên đi vô số phiền não nhưng lại cảm thấy thân đầy tội nghiệt, khó bước lên con thuyền tư bi”.
Trong nhất thời, nàng do dự khó quyết. Một ngày trôi qua, trời đã vào đêm, đến canh hai, Cát Hoàng và Cát Vĩ đã tới.
Cát Vĩ cung kính ôm quyền làm lễ với Mai Giáng Tuyết:
“Huynh đệ chúng tôi luôn nhớ đến thù cha, dù ngày sau phải chặt một cánh tay cũng phải theo cô nương học võ công”.
Cát Hoàng nói:
“Cách đây mười dặm có một khu rừng rậm, trong rừng có một hồ nước rộng khoảng một mẫu, nơi đó ít người tới, là một nơi tập võ rất tốt”.
Mai Giáng Tuyết nói:
“Hai người dắt ta đi xem thử!” rồi nàng đứng dậy bước ra ngoài.
Ba người đều có khinh công tuyệt thế, cho nên trong chớp mắt đã vượt mười dặm đường, dưới ánh trăng, chỉ thấy một khu rừng rậm.
Mai Giáng Tuyết nhìn một hồi thì thầm ngạc nhiên:
“Nơi này xung quanh không có núi, là vùng đồng bằng, không biết tại sao lại có một khu rừng rậm”.
Chợt nghe Cát Vĩ nói:
“Tại hạ sẽ dẫn đường”. Rồi y lách người chui vào trong rừng.
Mai Giáng Tuyết đi sau hai người, đi khoảng nửa canh thì phía trước nghe thấy tiếng sóng vỗ oàng oạc.
Quả nhiên, trong khu rừng rậm này có một hồ nước rộng khoảng một mẫu. Xung quanh hồ nước là bãi cỏ rộng rãi, quả thật là một nơi tập võ rất tốt. Mai Giáng Tuyết nhìn một hồi thì gật đầu:
“Nơi này rất bí mật!”.
Cát Vĩ nói:
“Huynh đệ của chúng tôi đã dựng một ngôi nhà cỏ cho cô nương bên bờ hồ để cô nương khỏi đi lại vất vả”.
Mai Giáng Tuyết trầm ngâm một hồi:
“Được thôi! Song hai ngôi nhà cỏ phải cách nhau một mặt hồ, một căn là để huynh đệ các người ở, ngoại trừ khi truyền dạy võ công, nếu ta không gọi thì không được bước đến gần nơi ta ở năm trượng”.
Cát Vĩ nói:
“Cô nương truyền dạy võ công cho chúng tôi đã như sư phụ của chúng tôi, chúng tôi xin nghe theo tất cả”.
Ba ngày sau, Mai Giáng Tuyết quả nhiên dời vào ở trong rừng, huynh đệ họ Cát đã chuẩn bị đầy đủ cho nàng.
Mai Giáng Tuyết vẫn giữ bộ mặt lạnh lùng như băng, ngoại trừ truyền võ công cho hai người, chưa bao giờ nói chuyện với nhau, cách vài ngày thì nàng lại trở về am ni cô đọc kinh văn. Khi Mai Giáng Tuyết truyền dạy võ công cho huynh đệ họ Cát, Phương Triệu Nam cũng khổ luyện võ công thượng thừa của Thiếu Lâm do Giác Phi và Giác Mộng truyền dạy.