Sách Phúc âm
Aulnay - sous - Bois, trong một khu ngoại ô
Marie Beaumont đã đặt đồng hồ lúc 5 giờ sáng. Máy bay của Juliette, con gái bà, sẽ hạ cánh xuống sân bay Roissy lúc 6h35 và bà không muốn đến muộn.
- Em có muốn anh đưa đi không? - chồng bà vừa ú ớ nói từ đầu kia giường vừa kéo ba phần tư tấm chăn quấn lên người.
- Không, anh ngủ thêm chút nữa đi, - Marie vừa thì thầm vừa đặt một tay lên vai ông.
Bà choàng chiếc áo khoác ngủ vào rồi xuống thang vào bếp. Một con chó sủa ăng ẳng khi thấy bà.
- Yên nào, Jasper, - bà quát nó, - vẫn còn sớm lắm.
Bên ngoài, đêm vẫn lạnh lẽo và âm u. Để xua hẳn cơn ngái ngủ, bà tự pha cho mình một tách cà phê tan rồi lại thêm một tách nữa. Vừa nhấm nháp một mẩu bánh mì kiểu Thuỵ Điển bà vừa phân vân muốn nghe tin tức trên radio nhưng rồi lại thôi vì không muốn gây quá nhiều tiếng động. Bà cố nén một cái ngáp dài. Bà ngủ không hề ngon giấc. Đêm qua, lúc gần nửa đêm, bà giật mình choàng dậy, toàn thân ướt đẫm mồ hôi như vừa trải qua một cơn ác mộng. Điều lạ nhất là bà không thể nào nhớ chính xác mình đã mơ thấy gì. Dù sao đi nữa, điều đó cũng khiến bà hoảng hốt đến nỗi không thể ngủ lại và trong lòng mang một mối lo nặng trĩu.
Bà tắm vội vàng, mặc quần áo ấm rồi kiểm tra lại không biết lần thứ bao nhiêu những thông tin mà Juliette đã báo với bà:
Chuyến bay 714
Khởi hành: JFK - 17h00 - sảnh 3
Điểm đến: CDG - 6h35 - sảnh 2F
Bà ấn chìa khoá mở cửa xe. Sân bay cách đây không xa, vào giờ này cũng chẳng có mấy xe cộ trên đường. Chỉ hai mươi phút nữa bà sẽ tới Roissy. Jasper chạy theo xe một quãng năm chục mét song Marie cố tình không cho nó đi cùng.
Suốt dọc đường, bà nghĩ tới Juliette với rất nhiều cảm xúc. Marie có hai cô con gái và bà yêu cả hai cô với cùng một tình yêu mãnh liệt. Với đứa nào bà cũng đều sẵn lòng hy sinh cả cuộc đời mình. Thế nhưng bà phải công nhận rằng bà dành cho Juliette tình cảm trìu mến hơn hẳn. Cô con gái kia của bà, Aurélia, đã kiên quyết chọn cho mình con đường của một người hợp thời mang vẻ "nêu gương sáng" khiến bà ngần ngại trong khi chồng bà lại vô cùng hân hoan.
Juliette và cha không hợp nhau lắm. Ông chưa bao giờ chấp nhận được chuyện cô con gái cả theo học ngành văn học cổ điển mà không xác định đầu ra thực sự là gì. Vì vậy ông đã kịch liệt phản đối ý tưởng thiếu thực tế đó và lại càng phản đối chuyến phiêu du đến Mỹ của cô. Ông muốn cô có một "địa vị thực sự": chằng hạn như trở thành kỹ sư hay chuyên viên kế toán, giống như cô con gái nhà hàng xóm vừa vẻ vang nhận được tấm bằng.
Marie thì luôn bảo vệ con. Bà hiểu rất rõ rằng khát khao của Juliette không gói gọn trong hai chữ "an phận". Một điều chắc chắn: Juliette là người có cá tính và rất dũng cảm. Trong các lựa chọn của mình, cô luôn loại bỏ những gì tầm thường và Marie ngưỡng mộ con bởi điều đó, mặc dù bà cũng ý thức được rằng dưới vẻ bên ngoài cứng cỏi, con gái bà rất yếu đuối. Đã nhiều lần bà bắt gặp giọng nói tuyệt vọng của cô qua điện thoại. Tuy Juliette chưa một lần than vãn song Marie hiểu, những năm tháng sống trên nước Mỹ không phải lúc nào cũng màu hồng. Để giúp đỡ cô, bà vẫn thường giấu chồng gửi cho cô chút tiền. Nhưng điều khiến bà thấy buồn nhất là con gái bà vẫn chưa tìm được một ý trung nhân, nói theo cách người ta vẫn nói cái thời bà còn trẻ. Mặc dù có rất nhiều bài báo nói về những người độc thân thế hệ mới hay sự thoải mái của cuộc sống độc thân, song người ta vẫn luôn cần một người để yêu thương. Và dù đôi khi luôn khẳng định điều ngược lại nhưng con gái bà cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Marie đi vào đường dẫn ra sảnh 2F. Tại sao bà vẫn cảm thấy cái khối lo lắng ấy lớn dần lên trong lòng? Bà tăng nhiệt độ máy sưởi lên một chút rồi kiểm tra lại đồng hồ điện tử trên bảng điều khiển. Tuyệt vời, bà sẽ đến đúng giờ, hy vọng máy bay cũng thế.
Giờ bà đã vào đến một trong các con đường dẫn ra bãi đậu xe của sân bay. Mặc dù mới sáng sớm nhưng chỗ này đã nhộn nhịp khác thường. Bà chạy ngang qua một chiếc xe của hãng truyền hình TF1 rồi lại một chiếc nữa của hãng truyền hình France Télévisions. Xa xa, một người quay phim đang quay cảnh sân bay trong khi một phóng viên đang phỏng vấn các thành viên của phi hành đoàn. Đến lúc này Marie chợt có dự cảm không hay và bà quyết định làm cái việc mà từ lúc thức dậy đến giờ bà vẫn từ chối không muốn làm một cách vô thức: bật đài lên nghe.
Europe 1 xin chào, bây giờ là 6h30, sau đây là các tin chính của chương trình: một tai nạn máy bay thảm khốc đã xảy ra trên biển Đại Tây Dương...
° ° °
Chuyến bay 714 rời đường bay Kennedy vào lúc 17h06 giờ địa phương, với một trăm năm mươi hai hành khách và mười hai thành viên phi hành đoàn, một chuyến bay thông thường tới Paris.
Cơ trưởng Michel Blanchard đã có mười tám năm kinh nghiệm bay. Blanchard biết rất rõ trong trường hợp nào phải làm gì. Ông không giống những chàng trai trẻ cần phải thử vài lần mới lấy được độ cao và hướng đi thích hợp. Đường bay New York - Paris này, ông đã bay nhiều đến mức không nhớ nổi số lần. Luôn luôn suôn sẻ. Ông rất thích thông báo với hành khách về các điều kiện của chuyến bay và báo cho họ những nới cần lưu ý mỗi khi họ bay qua.
Danh khách hàng giống như hình ảnh của một xã hội thu nhỏ: ở đó có những doanh nhân, những gia đình, những đôi tre tuổi và những đôi có tuổi đang dành tặng nhau một kỳ nghỉ cuối tuần trong vị ngọt tình yêu, những nhóm các cụ đã nghỉ hưu... Trong tiếng trò chuyện có cả tiếng Pháp xen lẫn tiếng Anh.
Trong số các hành khách có Carly Fiorentino, ba mươi tám tuổi, phụ trách quan hệ báo chí của một ban nhạc rock nổi tiếng ngày mai sẽ bắt đầu chuyến lưu diễn vòng quanh châu Âu. Carly có bộ tóc đẹp và suôn thẳng, dáng vẻ lịch lãm và đôi kính mát hàng hiệu mà cô ít khi rời xa. Song điều đặc biệt là Carly rất kinh sợ máy bay. Để chế ngự nỗi sợ đó, cô đã thử mọi cách: uống thuốc, tập thở... nhưng chẳng ích gì. Hôm nay, cô thử nghiệm một phương pháp mới: ngay trước khi rời khách sạn, cô uống hết nửa số đồ uống trong tủ lạnh để khi vào máy bay thì đã ngà ngà say. Và cô hy vọng hơi men sẽ giúp cô phủ lấp đi nỗi lo sợ.
Máy bay chạy tới đầu đường băng, dừng lại rồi tăng tốc.
Maude Golddard, bảy mươi tuổi, một tiểu thương đã nghỉ hưu, túm lấy bàn tay ông chồng. Đây là lần đầu tiên họ tới New York. Họ tới thăm cậu cháu trai đã kết hôn với một cô gái Mỹ và dựng lên một trang trại nuôi vịt và cừu non trong thung lũng Hudson. Một nỗi khiếp sợ dâng lên trong dạ dày Maude. Chồng bà nhìn bà và bà gượng nở một nụ cười để không khiến ông lo lắng. Như đoán ra nỗi sợ hãi đó, ông đặt một nụ hôn lên đôi mắt bà. Maude tự nhủ rằng nếu như hôm nay bà phải chết, thì ít ra bà cũng được ở trong vòng tay ông, và ý nghĩ hơi điền rồ này khiến bà bình tâm trở lại.
Máy bay cất cánh hoàn toàn êm xuôi. Lúc máy bay rời khỏi mặt đất, Antoine Rambert ngạc nhiên khi cảm thấy nhoi nhói phía dưới bụng. Người phóng viên từng trải này đã đi khắp nơi trên trái đất, có mặt ở mọi cuộc chiến lớn trong thời gian gần đây: Kosovo, Tchétchénie, Afghanistan, Irak... Đã nhiều lần anh lọt giữa những làn đạn với nỗi nguy hiểm cận kề song cái chết chưa từng khiến anh sợ hãi. Chắc chắn một chuyến đi ngắn trên chiếc máy bay dân sự này không thể khiến anh bối rối. Thế nhưng từ khi con trai anh chào đời cách đây vài tháng, anh bỗng phát hiện ra mình cũng có những yếu điểm và anh buộc phải thừa nhận mình không còn vô cảm với nỗi sợ nữa.
Lạ thật, anh nghĩ, có con khiến người ta vừa mạnh mẽ hơn lại vừa yếu đuối đi.
Anh chưa từng nghĩ ra điều này trước đây.
Sau khi rời không phận New York, máy bay được trạm điều hành bay Boston tiếp nhận. Theo lời mời của cơ trưởng, hành khách được ngắm nhìn hàng ngàn sắc độ của bầu trời màu cam đang rực lên như một ngọn lửa trong bếp lò.
Vừa chuẩn bị các khay thức ăn, Marine, một trong số các tiếp viên, vừa nghĩ tới vị hôn phu của cô sẽ tới đón cô ở sân bay Orly lúc 6 giờ sáng. Jean- Christophe luôn lấy ngày nghỉ giảm giờ làm vào thứ Hai và thường thì anh chuẩn bị cho cô một bữa sáng ngon tuyệt với nước cam, dứa và kiwi. Rồi họ sẽ làm tình và ngủ tới tận trưa. Cô nóng lòng muốn đến nơi và khe khẽ hát bài Ngày thứ Hai trời nắng của Claude Francois.
Lúc 17h34, tức là chưa đầy nửa tiếng sau khi cất cánh, máy bay đang bay ở độ cao ba mươi bộ thì viên phụ lái là người đầu tiên ngửi thấy một mùi hơi lạ: một làn khói hăng hắc và ngai ngái vừa tràn vào buồng lái...
Hai phút sau, một luồn khói nhỏ len lỏi vào buồng lái.
Khỉ thật, cả đội bay cùng chung một ý nghĩ.
Rồi luồn khói tan biến nhanh như khi xuất hiện khiến sự căng thẳng giảm hẳn đi.
- Có sự cố trong hệ thống điều hoà không khí, - cơ trưởng nói bằng giọng bình tĩnh, Blanchard phát đi thông điệp "pan pan" mà ngôn ngữ ngầm định của ngành hàng không thường dùng để ám chỉ một tình huống nghiêm trọng nhưng không tuyệt vọng.
Carly tìm hai viên thuốc trong ngách túi. Đống rượu ấy khiến cô đau đầu, khuếch đại tiếng ồn xung quanh khiến mỗi tiếng động đều làm cô thấy đáng ngờ. Thêm vào đó, dạ dày cô đau thắt từng cơn còn thằng bé ngồi ghế bên cạnh bắt đầu làm cô cảm thấy bực bội với nụ cười ngốc nghếch của nó. Cô kiểm tra xem đèn hiệu fasten seat belts đã tắt chưa để đi ra toilet trước khi phải xếp hàng đứng chờ.
Máy ipod gắn trên tai, Mile, mười bốn tuổi đứng lên nhường lối cho người ngồi bên cạnh, một phụ nữ già ít nhất là ba mươi lăm tuổi và thằng bé tranh thủ lúc cô ta vắng mặt để dán mắt vào ô cửa sổ tròn. Nó mê tít máy bay và mỗi lần bay đều cảm thấy như mình đang ngự trị cả thế giới. Ái chà, thật hạnh phúc làm sao! Nó còn thầm hy vọng sẽ có vài vòng chao đảo trên chặng bay. Nó vặn to tiếng nhạc và nóng ruột mong được nhào lộn giữa khoảng không trong tiếng nhạc rap của Snoop Doggy Dog.
Thưa các quỳ bà và quý ông, đây là cơ trường của chuyến bay, Michel Blanchard. Vì một trục trặc kỹ thuật không nghiêm trọng, chúng tôi sẽ buộc phải hạ cánh xuống Boston để tiến hành kiểm tra. Để đảm bảo an toàn và sự thoải mái cho quý vị, xin vui lòng đóng bàn phía trước lại, cài dây an toàn và ngồi yên tại chỗ cho tới khi đèn tín hiệu tắt.
Máy bay bắt đầu giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Sau khi trao đổi với các đơn vị lưu không, cơ trưởng được phép chuyển hướng máy bay tới sân bay Boston Logan. Thật không may, trong buồng lái, làn khói xuất hiện trở lại.
Đến lúc đó tổ lái mới nhận ra rằng một đám cháy đang lan dần phía trên trần...
Theo đúng quy định, máy bay đã được những nhân viên lành nghề kiểm tra kỹ càng trước khi cất cánh. Chiếc máy bay này hoạt động chưa được tám năm. Nó đac phải trải qua đủ các cuộc kiểm tra gắt gao và khám xét định kỳ bắt buộc đối với một chiếc máy bay: quy trình kiểm tra A được tiến hành ba trăm giờ bay một lần, quy trình kiểm tra C sau mỗi hai mươi tư ngàn giờ bay, tức là khoảng sáu năm một lần. Tại đợt kiểm tra này, máy bay sẽ dừng hoạt động hoàn toàn trong vòng sáu tuần. Các thợ máy và kỹ sư sẽ tháo dỡ toàn bộ máy bay ra để kiểm tra.
Đây là một hãng hàng không phương Tây khá lớn - một trong những hãng an toàn nhất thế giới - chứ không phải một chiếc máy bay được thuê bởi một hãng hàng không giá rẻ. Tất cả các thành viên đều đã thực hiện rất chỉn chu phần việc của mình. Không hề có một sơ suất nào và cũng không ai tìm cách tiết kiệm chi phí trong việc bảo dưỡng.
Thế nhưng, Chúa mới biết được vì sao một đám cháy lại bùng lên ngay phía trên trần, sau buồng lái. Vì một lý do nào đó, vi mạch báo cháy không hoạt động và đây là ngyuyên nhân giải thích tại sao khi phi hành đoàn nhận thức được chuyện gì đang diễn ra thì đám cháy đã lan rộng và không thể kiểm soát được nữa.
Carly đóng cửa buồng vệ sinh lại và đứng nhìn khoảng không gian chật chội.
Thế này mà có những người cứ kêu là đã từng làm tình ở đây, cô mơ màng nghĩ. Mình rất muốn biết họ làm thế nào...
Rồi cô vã một ít nước lạnh lên mặt. Cô quyết định rồi: cô sẽ không bao giờ đặt chân lên máy bay nữa. Thật là khủng khiếp khi không thể làm chủ được số phận của chính mình. Nếu cần, cô sẵn sàng đổi nghề. Ôi dào, lần nào cô chẳng nói thế.
Trên một mặt tường toilet, ai đó đã để lại mấy chữ nhỏ xíu khiến cô tò mò. Cô ghé sát lại đọc: Men plan, God laughs . Cô còn đang suy nghĩ về những lời này thì đột nhiên, đèn báo hiệu return to seat bắt đầu nhấp nháy phía trên đầu cô.
Cùng lúc đó, trong một khu ngoại ô vùng Queens, mẹ của Billy đặt một bát xúp lên trên chiếc giá chất đầy đĩa CD mà cũng là bàn ngủ đầu giường của cậu.
- Nghỉ ngơi đi nhé, con yêu.
Bà đặt một nụ hôn lên trán cậu bé.
- Con không quá buồn vì để lỡ chuyến thăm quan nước Pháp cùng cả lớp chứ?
Nằm bẹp trên giường với một chiếc khăn ướt phủ trán, Billy lắc đầu.
Mẹ cậu vừa ra khỏi phòng, cậu bé đã bật dậy và hất tung bát xúp qua cửa sổ. Cậu ghét đặc cái món này. Sáng nay bác sĩ đến nhà và Billy đã lừa ông một cú ngoạn mục bằng cách giả vờ cảm nặng.
Cậu buộc phải làm như vậy. Hôm qua cậu lại mơ thấy cơn ác mộng kinh khủng và rất thật ấy, trong cơn ác mộng đó cậu thấy một ngọn lửa nuốt chửng chiếc máy bay và rất nhiều người kêu khóc.
Cậu rất muốn báo cho những người khác nhưng thời gian gần đây cậu đã quyết định thôi không nói về những dự cảm của mình nữa. Dù thế nào cũng chẳng bao giờ có ai tin cậu.
Cậu vùi mình trong đống chăn và lén bật màn hình trò chơi điện tử mà cậu vẫn dùng thay ti vi. Lúc này, một trận bóng đá vẫn đang thu hút mọi người song cậu biết điều đó không kéo dài lâu.
Dù sao thì cậu cũng cầu mong mình nhầm lẫn.
Lúc 17h32, cơ trưởng Blanchard bắn ra những tín hiệu tuyệt vọng Mayday! Mayday! Mayday! để báo rằng máy bay của ông đang gặp nguy hiểm trầm trọng và khẩn cấp. Ông thông báo ý định hạ cánh khẩn cấp xuống Boston.
Cũng vào giờ đó, trong một căn phòng của Waldorf Astoria, Bruce Booker, hai mươi lăm tuổi, mở choàng mắt, cố nén một cái ngáp dài và nhận ra mình đã lỡ chuyến bay. Nốc quá nhiều rượu, cocain, đó là chưa kể hai cô gái gọi mãi đến gần sáng mới rời khỏi phòng cậu. Cậu đã đặt chỗ trên chuyến bay 714 này từ nhiều tuần trước. Cậu phải đến Paris, ở lại đó vài ngày rồi gặp bạn bè ở một sân trượt tuyết tại Thuỵ Sĩ.
Thế là lỡ mất rồi!
Cậu nhìn vào gương và thấy mình thật bệ rạc. Cậu phải trưởng thành đi thôi, phải thay đổi đám bạn bè, thay đổi các giá trị, mọi thứ. Nhưng cậu không đủ dũng cảm. Đôi khi, cậu nghĩ rồi cũng đến một ngày, một sự kiện gì đó sẽ xảy ra khiến cậu có đủ dũng cảm bước sang một chặng đường khác. Một điều gì đó khiến cậu trở thành người tốt hơn. Nhưng cậu không biết điều đó sẽ xảy ra như thế nào.
Cậu cởi quần áo, đứng vào dưới vòi sen và rên rẩm.
Chỉ vài phút nữa thôi, cậu sẽ bật ti vi lên và cuộc sống của cậu sẽ biến đổi.
Trong buồng lái mọi chuyện đang trở nên tồi tệ. Khói dày đặc và hơi nóng khiến các phi công gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát màn hình điều khiển bay, thật ra mà nói thì chẳng ai còn nhìn thấy điều gì đang diễn ra bên ngoài nữa.
Lúc 17h37, bóng chiếc máy bay vẫn được nhìn thấy qua radar kiểm soát.
Rồi tiếp đó là những giây đồng hồ khủng khiếp khi chiếc máy bay chìm trong tiếng gào rú và bắt đầu rung lên bần bật. Mặt nạ dưỡng khí rơi lả tả từ trên trần xuống và các nữ tiếp viên hướng dẫn cách làm phồng áo phao mặc dù biết rất rõ điều đó chẳng giúp ích được gì.
Sẽ là bịa đặt nếu nói rằng mọi thứ diễn ra rất nhanh và chẳng ai kịp nhận thấy những ngọn lửa đang ngoạm dần thân máy bay và sự hoảng loạn ngự trị trong máy bay kéo dài đủ để khiến cho ai nấy đều hiểu kết cuộc sẽ như thế nào.
Chỉ trong vài phút, Mike hoàn toàn biến sắc.
Hoá ra, điều này không phải chỉ xảy đến với người khác, nó hoảng sợ nghĩ.
Carly nghĩ cô đã thất bại trong cuộc sống và ân hận vì đã không ghé thăm bố thường xuyên hơn. Từ một năm nay, lần nào cô cũng trì hoãn những buổi đến thăm ông, thường chẳng có lý do gì chính đáng cả.
Cô nhìn sang bên và nhận ra cô sẽ chết cạnh một thằng bé mười bốn tuổi mà trước đó nửa giờ cô còn chưa quen biết. Thế nhưng cô vẫn đưa tay ra và Mike vừa túm chặt lấy vừa khóc.
Vùi mình vào ngực chồng, Maude nghĩ rằng họ đã sống tốt song họ vẫn muốn sống lâu hơn nữa. Đúng là người ta rất dế quen với hạnh phúc.
Trong chiếc túi phía trước ghế ngồi của bà có một cuốn sách dạy cách giảm bớt lo lắng đối với những hiểm hoạ khi du lịch bằng máy bay. Theo thống kê thì mỗi ngày trên thế giới có đến sáu ngàn chuyến bay và cứ một triệu chuyến mới có một chuyến gặp sự cố nghiêm trọng, điều đó khiến cho máy bay trở thành phương tiện đi lại an toàn nhất. Mà tất cả những điều đó đều rất chính xác.
Lúc 17h38, một trạm thu tự chế đã tình cờ thu được những lời cuối cùng của cơ trưởng Blanchard: "Chúng tôi đang rơi! Chúng tôi đang rơi!".
Vài giây sau, máy bay hoàn toàn biến mất khỏi màn hình kiểm soát đúng vào lúc những người dân Charly Cross, Một thị trấn thuộc vùng New England, nghe thấy một tiếng nổ khủng khiếp.
Những phút cuối đời, Antoine Rambert, người phóng viên chiến tranh, chợt nghĩ về con trai. Rồi cho dù vẫn nghĩ mình không phải người đa cảm, anh vẫn nhớ tới nụ hôn đích thực đầu đời của mình trên sân trường trung học tại Milan cách đây hai mươi năm. Cô gái ấy tên là Clémence Laberge, cô mới mười sáu tuổi và có đôi môi thật mềm mại. Một giây trước khi máy bay rơi xuống đại dương, Antoine tự nhủ rằng suy cho cùng, Brassens đã không nhầm: Suốt đời người ta không quên được người con gái đầu tiên mình ôm trong vòng tay...
° ° °
Người nóng bừng và run lẩy bẩy, Marie Beaumont tiến vào sân bay giống như bước vào lò mổ. Tại sao bà không chịu để chồng đưa đi nhỉ? Có một mình, bà cảm thấy sẽ không đứng vững nổi. Trong thoáng chốc, lòng bà tràn ngập một niềm hy vọng điên rồ. Biết đâu Juliette lại bay chuyến sau...
Biết đâu vẫn còn một chút may mắn. Một trên một ngàn? Một trăm ngàn? Một triệu? Không. Marie biết điều đó là không thể: chỉ trước chuyến bay vài tiếng đồng hồ con gái bà còn gọi điện để khẳng định lại số hiệu chuyến bay.
Bà tiến về phía cửa ra dành cho hành khách từ New York tới. Nơi này đã đầy rẫy máy quay và cảnh sát. Bộ trưởng Bộ Giao thông đã có mặt và đang thông báo với các nhà báo rằng trong lúc này họ không loại bỏ một giả thuyết nào có thế là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Marie thầm cầu xin Chúa, cầu xin định mệnh và may mắn bất ngờ...
Hãy cứu lấy nó! Cứu lấy nó và tôi sẽ làm bất cứ điều gì theo ý Người! Bất cứ điều gì! Hãy trả lại con gái cho tôi! Con gái bé bỏng của tôi! Người ta không thể chết khi mới hai mươi tám tuổi! Không phải hôm nay! Không phải như thế!
Lòng đầy ân hận, bà tự trách đã để con đi một mình tới cái đất nước điên rồ ấy. Sao bà không giữ con ở bên mình lâu hơn nữa chứ? Giữ ở nhà thôi?
Hai nhân viên sân bay Paris nhận ra tâm trạng hoảng loạn của bà liền bước lại gần. Họ nhẹ nhàng dìu bà đi về phía phòng khủng hoảng và hỗ trợ tâm lý vừa được thiết lập để đón tiếp người nhà các nạn nhân.
Từ vài tiếng đồng hồ nay, bác sĩ Nathalie Delerm, bác sĩ trưởng của sân bay Paris, phải trải qua một ngày khủng khiếp nhất trong sự nghiệp. Bà đã đón tiếp khoảng mười gia đình và đó mới chỉ là khởi đầu. Nhóm nhân viên y tế do bà phụ trách gồm có hai bác sĩ tâm lý, ba bác sĩ tâm thần và năm y tá. Họ làm việc tại một phòng khách trong sân bay, cách xa sự ồn ào và họ có trách nhiệm thông báo và giải toả nỗi đau đớn cho các gia đình nạn nhân. Nathalie nắm chặt trong tay tờ danh sách hành khách mà người ta đã đưa cho bà. Mọi thứ luôn diễn ra theo cùng trình tự: thoạt tiên là một giọng nói, gần như đứt quãng, đầy lo lắng: "Xin cho biết em trai/ em gái/ cha mẹ/ các con/ người yêu/ bạn trai/ chồng/ vợ/ gia đình/ bạn bè tôi... có trên chuyến bay 714 không? Nathalie sẽ hỏi tên rồi tra trong danh sách. Việc đó chỉ mất vài giây nhưng như kéo dài ra trong một khổ hình đáng sợ... Nathalie trả lời "không" và điều đó đồng nghĩa với sự giải thoát, với tấm lòng biết ơn trời đất, với ngày đẹp nhất trong đời... Bà trả lời "có" và thế là mọi thứ sụp đổ.
Thật khó có thể đoán trước được phản ứng của mọi người. Một số người, suy sụp bởi nỗi đau, đột nhiên trở nên câm lặng hoàn toàn. Những người khác, ngược lại đổ sụp xuống trong tiếng gào hét thảm thiết vang vọng khắp sân bay.
Nathalie biết ngày hôm nay sẽ để lại ấn tượng mãi mãi trong đời bà. Bà đã từng tham gia vào đội cứu hộ trong thảm hoạ Charm el - Cheikh và bà chưa bao giờ thực sự quên đi những ngày đó. Song dù thế nào thì bà cũng không muốn là người đứng ngoài. Bà sẽ giúp những người kia nói lên nỗi đau của họ, giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu, khiến cho thảm hoạ này trở nên bớt đau khổ hơn đối với những người đang phải nếm trải nó.
Khi Marie bước vào, Nathalie liền tiến tới trước mặt bà.
- Tôi là bác sĩ Delerm.
- Tôi muốn hỏi tin tức con gái tôi, Juliette Beaumont, - Marie lắp bắp, - nó đã có mặt trên chuyến bay...
Bà gần như đã lấy lại được vẻ bề ngoài bình tĩnh, dù cơn lốc trong lòng bà vẫn đang cuộn lên như đe doạ phá tung tất cả.
Nathalie liếc mắt nhìn danh sách, nhưng rồi chợt khựng lại.
Juliette Beaumont... ? Bà đã nhận được những chỉ thị đặc biệt đối với trường hợp này. Ngay khi bà nhận ca trực, các nhân viên an ninh đã yêu cầu bà phải ngay lập tức báo cho họ biết bất cứ người nào đến hỏi thông tin về hành khách này.
- À... xin và chờ một lát, - Nathalie vụng về đề nghị, và ngay sau đó lại tự trách mình.
Quá muộn rồi. Quá xúc động và tin chắc vào số phận bất hạnh, Marie đang lặng lẽ khóc.
Nathalie bước lại gần hai người trong trang phục cảnh sát đang trực và giải thích tình hình cho họ.
Ngay lập tức, Marie thấy hai bóng người cao lớn mặc áo màu xanh lính thuỷ vây lấy bà như một bức tường thành vững chắc.
- Bà Beaumont phải không?
Hai mắt ầng ậng nước, không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra, bà gật đầu.
- Xin bà vui lòng theo chúng tôi.