Shirley Dương đột nhiên đề cập đến việc không thể soi vào mặt sau của tấm gương Tần Vương Chiếu Cốt kính, tôi mới nhớ ra lúc ở Bắc Kinh, giáo sư Trần đã từng đặc biệt gặp riêng tôi để dặn dò việc này. Có điều, sau khi ra khơi gặp phải khá nhiều chuyện, Nguyễn Hắc lại vừa qua đời, nên nhất thời tôi cũng không nghĩ tới, chỉ lo mau mau chóng chóng vớt món thanh đầu ấy lên khỏi con tàu đắm. Lúc này nghe Shirley Dương nói thế, tôi mới sực nhớ, tấm gương đồng ấy từng dùng để trấn trên người cương thi không dưới nghìn năm, bên trong tích tụ đầy hơi xác chết, vốn là một vật hết sức bất tường.
Nhưng Tần Vương Chiếu Cốt kính đồng thời cũng là một món quốc bảo quý giá vô cùng. Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đến giai đoạn của Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Trung Quốc có đến mấy chục tấm gương cổ mang đầy sắc thái truyền kỳ thần bí, trong đó Tần Vương Bát kính là nổi tiếng nhất, đều là vật truyền từ thời Chiến Quốc. Trong tám tấm gương này, có một tấm gọi là Tam Thế kính, người đứng trước tấm gương đồng này có thể trông thấy hình dáng của mình ở kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, vậy nên được gọi là Tam Thế kính. Vật này có tồn tại hay không, giờ các nhà khảo cổ học cũng chưa thể xác minh được, rất có thể cũng giống như chiếc Pháp Gia cổ kính, chỉ là một tấm gương cổ có ý nghĩa tượng trưng mà thôi. Trong thời đại của Bách gia chư tử ấy, các loại đồ vật đại diện cho tư tưởng học thuyết của một nhà hay một vị hiền nhân nào đó là hết sức phổ biến. Có điều, đó cũng chỉ là suy đoán của các nhà sử học, còn tấm gương Tam Thế đó thì sớm đã bị hủy trong cuộc chiến chư hầu cuối thời nhà Hán, không còn trên đời này nữa rồi.
Trong Tần Vương Bát kính, duy chỉ có Chiếu Cốt kính là có thể xét ngang hàng với Tam Thế kính. Tương truyền, thời xưa có một cái đầm, nước vừa sâu vừa lặng, trong nước thường có khí hồng biến ảo. Đầm nước ấy có rất nhiều cá, dân chúng quanh vùng đều sống bằng nghề đánh bắt cá, quanh năm không phải lo đói khổ. Đột nhiên, một hôm trời nổi cơn gió, sấm chớp đì đùng, một quầng sáng trắng từ trên trời chiếu thẳng xuống đầm, từ đó trở đi, cá trong đầm tuyệt tích, không còn một con nào nữa. Dân chúng bèn cử những người giỏi bơi lội nhất lặn xuống tìm kiếm tung tích đàn cá, nhưng bao nhiêu người đi là bấy nhiêu người không trở về, khiến cho ai nấy đều kinh hãi khôn cùng. Để tra rõ căn nguyên, mọi người đành tìm đủ mọi cách tát cạn nước đầm, cuối cùng phát hiện ra một con cá mè lớn ở đáy đầm, toàn thân phủ vảy ngọc, xem chừng có vẻ sắp thành tinh đến nơi. Các loài thủy tộc trong đầm, không phân lớn nhỏ, tất cả đều đã bị con cá mè này xơi tái.
Ngư dân giết con cá mè, mổ bụng ra liền phát hiện được vô số xác người xác cá đã thối rữa láo nháo bên trong. Lúc phân tách các thi thể, có người vô ý tìm thấy một tấm gương cổ, mặt sau có thể soi được cả xương cốt cùng lục phủ ngũ tạng, dòng máu lưu động trong cơ thể người ta, hình ảnh hiện lên hết sức rõ rệt. Mọi người cho là vật quý bèn hiến lên trên, về sau, nước Tần diệt sáu nước thống nhất thiên hạ, tấm gương Chiếu Cốt này được thu về cấm cung Đại Tần, sử sách gọi là Tần Vương Chiếu Cốt kính.
Ở Trung Quốc thời cổ, có một quan niệm truyền thống đã ăn sâu bén rễ vào tư tưởng mọi người, ấy chính là “tà bất thắng chính”. Hồi xưa, thường có người dùng đấu mực, dây mực của thợ thuyền làm vật khắc chế cương thi, thực ra không phải vì đấu mực, dây mực có thể trừ tà, mà bởi những thứ ấy, là vật các thợ thuyền dùng để đo lường, dùng làm tiêu chuẩn trong khi chế tác vật phẩm, cổ ngữ có câu “Dây mực thẳng, không thể bắt nó gấp khúc được”, chính là lẽ ấy. Bởi đấu mực, dây mực là vật mốc để có sự chính xác, nên có thể khắc tà trừ yêu. Còn gương đồng ở thời cổ đại có địa vị còn đặc biệt hơn nữa, vốn dùng để chỉnh trang y phục đầu tóc, cũng có ý nghĩa “tà khó có thể xâm nhập vào nẻo chính”, nên khi các nơi có hiện tượng yêu dị, hoàng đế thường hay thỉnh các loại cổ kính ra để trấn áp yêu tà, ngăn chặn những điềm bất tường khiến thiên hạ đại loạn.
Tần Thủy Hoàng đi tuần thú phương Nam, gặp cái xác đàn ông cao lớn uy vũ nổi dập dềnh trên biển, thịt cứng như sắt, râu dài phất phơ, cho là cương thi thượng cổ, bèn sai đám tội phạm đi đày đào hang vào núi chôn cất cương thi, sau đó dùng Tần Vương Chiếu Cốt kính trấn áp. Mãi đến nghìn năm sau, khi ngọn núi sụp đổ, tấm gương cổ mới được nhìn thấy ánh mặt trời lần nữa. Truyền thuyết Tần Vương Chiếu Cốt kính trấn áp cương thi này không thấy ghi chép trong chính sử, nhưng tấm gương cổ ấy thì đích thực có tồn tại trên đời, sau mấy phen luân chuyển, cuối cùng đã chìm theo tàu Mariana xuống chốn Quy Khư này. Nếu có thể vớt lên, nó sẽ là tấm gương duy nhất trong Tần Vương Bát kính còn bảo tồn được nguyên vẹn cho tới ngày nay, giá cả hẳn phải cao đến ngất trời.
Còn việc Tần Vương Chiếu Cốt kính đã trải qua nghìn năm chiếu lên mặt cương thi Nam Hải thì chúng tôi không dám đoán bừa, nhưng tấm gương cổ này dường như đúng là phải chịu một lời nguyền gì đó, sẽ mang đến tai họa khó bề tưởng tượng cho chủ nhân. Gần như bất cứ người nào có được nó cũng đều chẳng có kết quả tốt đẹp gì, không hiểu những vận đen đủi ấy có liên quan gì đến truyền thuyết nó đã trấn áp cương thi suốt cả nghìn năm hay không nữa.
Đầu óc tôi như cái máy chiếu phim video, nhanh chóng phát lại một lượt tất cả những truyền thuyết về Tần Vương Chiếu Cốt kính mà giáo sư Trần từng nhắc đến. Dù ra sao thì ra, lần này đã gặp được con tàu, cũng chỉ biết gắng hết sức vớt món đồ ấy lên thôi, bằng không tấm gương cổ này sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ có cơ hội thấy lại ánh mặt trời nữa.
Đây cũng coi như là chúng tôi trả lại một phần ân tình cho giáo sư Trần, còn việc ông già ấy có được Tần Vương Chiếu Cốt kính liệu có gặp phải vận rủi gì hay không thì không phải là chuyện cần nghĩ đến lúc này.
Tôi tóm tắt những chi tiết quan trọng nhất, nói lại một lượt cho Tuyền béo và Cổ Thái, bảo cả bọn chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng ứng phó với những sự việc phát sinh ngoài ý muốn. Mấy người đều đã đeo đồ lặn, lưng cõng bình dưỡng khí, chỉ chờ lệnh là xuất phát. Tôi đưa mắt liếc Shirley Dương, hỏi cô xem đã có thể bắt đầu hành động chưa. Shirley Dương khẽ gật đầu, nói với các thành viên trong nhóm: “Mọi người phải nhớ kỹ ba việc, thứ nhất, tình hình bên dưới hết sức phức tạp, không được liều lĩnh nóng nảy; thứ hai, từng người tiến lên, xếp hàng một hành động, cách nhau từ nửa mét đến một mét; thứ ba, chú ý an toàn, không được cậy tài…”
Tôi khi ấy không nghĩ ra là Shirley Dương đang nói tôi và Tuyền béo không được cậy tài, còn tưởng cô không yên tâm về Cổ Thái, bèn vỗ vỗ lên đầu cậu ta, nhắc nhở rằng: “Nghe thấy chưa hả, nói cậu đấy, đừng có giở cái chủ nghĩa anh hùng cá nhân ấy ra nữa nhé, ngoan ngoãn mà đi theo Tuyèn béo, giúp vận chuyển đồ đạc dưới nước, cậu ta sẽ làm mẫu cho cậu, tóm lại là Tuyền béo làm cái gì thì cậu làm theo cái đó, cậu ta nhảy lầu thì cậu cũng nhảy theo luôn.”
Tuyền béo cũng nói: “Bản tư lệnh đã thường xuyên nhấn mạnh, cục bộ là phải phục tùng toàn thể, cá nhân dĩ nhiên phải phục tùng tập thể, đây là truyền thống tốt đẹp của tập thể quang vinh Mô Kim hiệu úy chúng ta. Thằng nhãi mò ngọc nhà cậu, đừng có mà làm xấu mặt đội ngũ quang vinh này của chúng tôi đấy nhé.”
Cổ Thái gãi gãi đầu, hình như không hiểu bọn chúng tôi đang nói gì cho lắm, chỉ gật lia gật lịa, tỏ ý cậu ta sẽ tuyệt đối không tự tiện hành động. Dặn dò xong xuôi, cả bọn liền đeo kính lặn, từng người từng người xuống nước. Trinh sát hải quân dạn dày kinh nghiệm Shirley Dương dẫn đầu, tôi cầm đèn pha chiếu dưới nước bám sát phía sau, kế đó là Cổ Thái và Tuyền béo, bốn người cứ thế men theo mạn tàu Mariana lặn xuống dưới sâu.
Theo sắp đặt, mỗi thành viên trong nhóm hành động chúng tôi đều có nhiệm vụ riêng. Shirley Dương cầm súng phóng lao đi trước dẫn đường, tôi ở phía sau dùng đèn pha chiếu sáng theo hướng tiến lên của cô. Tuyền béo ở sau lưng tôi thì xách theo cái kích thủy lực và một số công cụ phá dỡ dưới nước khác. Còn Cổ Thái, cậu ta không quen đeo bình dưỡng khí, để mình trần, mặc một cái quần đùi da bó sát người, cũng không cần kính lặn và chân nhái, miệng ngậm con dao lưỡi cong của Minh Thúc, tay xách hòm dụng cụ, thắt lưng đeo một bình thuốc xua cá mập và dụng cụ chuyên dùng để đổi hơi của dân mò ngọc, gọi là “khí loa”, chỉ dựa vào mấy thứ trang bị đơn giản này, cậu ta cũng có thể hoạt động dưới nước khoảng hai tiếng đồng hồ, thêm nữa, dù lặn xuống rất sâu, khi trở lên cũng không cần giảm áp. Cậu ta giống như cá kình dưới biển vậy, không bao giờ lo mắc căn bệnh khí ép của những người hay lặn nước.
Sau khi xuống nước, Shirley Dương dừng lại bên mạn tàu đắm một chút, tay vươn ra, lòng bàn tay úp xuống, khẽ phẩy phẩy một cái theo phương ngang. Tôi hiểu ý, liền vịn lên vai cô, từ phía sau chiếu cột sáng của “con mắt Poseidon” vào vùng nước tối om như mực. Chùm sáng chiếu tới, chỉ thấy dưới đáy nước la liệt đá phiến đá tảng, cả một đống hoang tàn đổ nát, cơ hồ như có một phần rất lớn không do hải nhãn hút vào. Nhìn tình hình, phỏng chừng có một phần tương đối của đống hoang phế ấy vốn được xây dựng trong Quy Khư này, có điều trải qua mấy nghìn năm, tất cả đã bị nước biển và những thứ hải nhãn cuốn vào xô ngã nghiêng ngả, hoàn toàn không còn diện mạo khi xưa nữa.
Tôi nghĩ những kiến trúc đá cổ xưa này có lẽ được xây dựng để phục vụ việc khai thác khoáng thạch trong Quy Khư. Trong di tích có rất nhiều mảnh xác tàu đắm, có những con tàu lớn chìm dưới nước, hoen gỉ toàn bộ, cũng có những xác tàu bám đầy san hô chết màu xám xịt. Nếu nói mỗi con tàu đắm ở đây là một mộ phần dưới đáy biển, thì những trụ đá, phiến đá đổ nát kia, chính là bia mộ không tên của những phần mộ ấy.
Giữa nghĩa địa dưới đáy biển hình thành từ những khối đá, tàu đắm và cây san hô gãy đổ chất chồng ấy bơi lội lượn lờ vô số loài cá kỳ dị. Mấy con cua và tôm lớn lấp ló ở những khe đá, khẽ nhúc nhích chuyển động. Trên người chúng tôi có mang thuốc xua cá mập đặc chế theo bí phương của Ban Sơn đạo nhân, không cần phải lo lắng gì đến lũ cá mập hung tàn, nhưng nghe Minh Thúc nói, trong các loài hung ác nhất dưới đáy biển, thì cua nhện ở vùng biển sâu đứng hàng đầu, bọn cá lớn có thể nuốt cả thuyền nhỏ hẵng còn kém nó một bậc. Loài này hết sức hung mãnh, dù là cá mập cá voi cũng không thể địch được. Đặc biệt là lũ cua nhện khổng lồ ở vùng biển sâu, con nào con đó to như cái xe, đến cả rắn biển khổng lồ vẫn được gọi là “Long vương gia” bị cặp càng của chúng kẹp chặt cũng khó lòng giữ nổi tính mạng, còn loại tàu ngầm cỡ nhỏ, ăn một phát kẹp đó coi như gãy lìa luôn.
Tôi chiếu đèn pha quét qua quét lại hai ba lượt, không thấy có cua nhện khổng lồ mà Minh Thúc nhắc đến, thầm chửi lão giặc già chỉ giỏi bốc phét dọa người, rồi đưa tay ra hiệu cho cả bọn tiếp tục lặn sâu xuống. Tàu Mariana đè ngang trên một đống đổ nát, thân lệch nghiêng, đuôi thúc vào thân một con tàu gỗ cổ xưa. Dựa theo thông tin từ bản vẽ kết cấu thân tàu, chúng tôi dự định lặn thẳng xuống khoang hàng ở phần đáy gần chỗ đuôi tàu, tìm kiếm Tần Vương Chiếu Cốt kính.
Nhưng khi đến quãng giữa con tàu đắm, chúng tôi cảm thấy dòng chảy ngầm bên cạnh bắt đầu mạnh dần, thân thể không tự chủ được bị cuốn xuống vùng nước sâu hơn. Con tàu gỗ cổ xưa là tàu chở hàng cỡ lớn, lúc chìm có thể đã bít vào một cửa hang có dòng nước xoáy hút xuống đáy biển. Tuy đóng bằng gỗ thượng hảo hạng, chìm dưới đáy biển bao nhiêu năm như thế mà vẫn không mục nát, nhưng bây giờ con tàu cổ này cũng sắp bị con tàu chở khách nặng nề kia đè cho vỡ toang ra rồi. Dòng chảy ngầm bên dưới rất mạnh, cuộn lên những xoáy nước đen ngòm, vô cùng khó chống đỡ. Chúng tôi vội bám chặt lan can sắt bên mạn tàu Mariana, gắng sức lắm mới trụ được.
Shirley Dương bảo tôi nhìn thử đồng hồ đo áp suất nước, độ sâu hiện tại là bảy mét rưỡi. Cô ngoảnh đầu lại, làm dấu tay ra hiệu “mười lăm”, ý nói sâu dưới mười lăm mét sẽ không an toàn nữa, phạm vi của nhóm lặn cần phải hạn chế trong khoảng mười lăm mét dưới mặt nước. Vậy là chúng tôi đành từ bỏ kế hoạch lặn thẳng xuống đuôi tàu chui vào khoang chứa hàng, điều chỉnh phương án tại chỗ, quyết định vào trong khoang ngay từ đoạn giữa thân tàu.
Chúng tôi bám lan can tàu lặn xuống độ sâu khoảng hơn mười mét thì phát hiện ra một nơi thích hợp để chui vào, mé bên thân tàu có một cửa khoang mở ra, bên trong ngập đầy nước đen kịt, ngay ở cửa kẹt cứng một cây san hô linh chi. San hô linh chi là một loại hoa đá biển, thường gặp còn có san hô mẫu đơn, san hô sừng hươu và san hô tường vi, loại nào cũng cực kỳ cứng chắc. Có điều, thứ này cũng không thể ngăn được lưỡi cưa kim cương chuyên dụng của chúng tôi. Tôi vẫy tay với Tuyền béo, bảo cậu ta đổi vị trí lên trước, lấy dụng cụ ra cắt đứt cây san hô linh chi chắn trước cửa khoang tàu. Những người khác dàn hàng ngang sau lưng cậu ta, đề phòng có con cá dữ nào thình lình tấn công.
Vì đã chuẩn bị đầy đủ từ trước, chỉ giây lát sau, nhóm chúng tôi đã phá thành công cửa khoang tàu. Hành lang bên trong con tàu chở khách này không hề chật hẹp, nhưng thân tàu đang nghiêng, vách tường trần sàn bên trong điên đảo lộn phộc, vật tham chiếu thay đổi, khiến người chui vào nảy sinh ảo giác, cứ như thể trời xoay đất chuyển, cảm giác chật hẹp khó chịu lạ thường.
Chúng tôi tiến vào bên trong con tàu đắm, tuy tránh được dòng chảy ngầm bên ngoài, nhưng cảm giác không gian đảo lộn trong khoang tàu khiến việc tìm kiếm vị trí của mục tiêu gặp khó khăn rất lớn, cứ chốc chốc lại buộc phải dừng, không ngừng đối chiếu với bản vẽ kết cấu tàu để phán đoán phương hướng. Bên trong con tàu có một số vị trí bị va đập và dồn ép, các bộ phận bằng kim loại gấp khúc biến dạng, đủ các loại tạp vật trôi nổi dập dềnh bên trong khiến tầm nhìn của chúng tôi càng bị rút ngắn.
Bên trong tàu Mariana ngập tràn bầu không khí âm u chết chóc, dăm con cá hình dáng kỳ dị bơi ra bơi vào, bộ dạng đờ đẫn vô hồn, dường như không hề biết sợ mấy người chúng tôi. Tôi vừa lần mò tìm đường trong hành lang, vừa suy nghĩ không biết trong khoang tàu này có còn thủy thủ hay hành khách nào chưa kịp thoát ra hay không? Lúc tàu gặp nạn, họ đã nhảy xuống biển hay cùng táng thân với con tàu nơi đáy biển này? Cả bọn đi một hồi lâu mà không thấy người chết nào, sợ rằng lúc tàu đắm, các thi thể bị dòng nước cuốn đi cả rồi.
Có Shirley Dương dẫn đường, tôi không phải tốn nhiều công sức, cứ vừa nghĩ ngợi lung tung vừa cùng cả nhóm tiến lên, vòng vèo đi lên đi xuống giữa mấy tầng trong khoang tàu, chầm chậm tiến về phía khoang chứa hàng. Đột nhiên, Tuyền béo ở phía sau vỗ lên vai tôi một cái, tôi tưởng đằng sau sự việc gì, vội vàng kéo Shirley Dương ở phía trước, cả nhóm dừng sững lại.
Bên trong khoang tàu không có tia sáng nào, chúng tôi không thể chỉ dựa vào một ngọn đèn pha công suất lớn, tất cả tự động bật đèn pin thợ lặn và bóng đèn đeo trên người lên. Bốn chúng tôi dựa vào bức vách bằng sắt, dàn hàng ngang đứng lại. Tôi ngoảnh đầu nhìn Tuyền béo, thấy cậu ta chỉ chỉ tay vào một cánh cửa ở mé bên hành lang. Cánh cửa ấy nửa đóng nửa mở, chỗ khe cửa kẹp một cánh tay người gần như chỉ còn xương, xung quanh có hai ba con cá nhỏ đang gặm nốt chút thịt thừa còn sót lại.
Nếu chỉ là một cánh tay người chết, hiển nhiên không thể thu hút ánh mắt Tuyền béo được. Trên khúc xương cổ tay trắng ơn ởn ấy còn đeo một quả đồng hồ vàng phản chiếu ánh sáng lấp lóa, mặt đồng hồ khảm rất nhiều kim cương, ở dưới nước tối om lại càng thêm rực rỡ bắt mắt. Cái đồng hồ này chắc đến tám chín phần là hàng hiệu do Thụy Sĩ sản xuất. Bấy giờ, cũng chỉ biết đồng hồ Thụy Sĩ rất đắt tiền, nom riêng chất liệu nếu đúng là vàng và kim cương thật, thì đã chắc mười mươi là giá trị bất phàm rồi, thủy thủ hay người làm công bình thường không thể đeo được, chắc rằng cánh tay này nếu không phải của thuyền trưởng thì cũng là của tay nhà giàu nào đó đi trên tàu.
Tôi thầm nhủ, cái đồng hồ vàng nạm kim cương này cũng có thể coi là một món thanh đầu, đằng nào phen này chúng tôi cũng đang làm dân mò ngọc, mà dân mò ngọc ngoài mò ngọc ra còn vớt cả thanh đầu và đánh cá nữa, không thể quên việc chính được, đâu có lý nào thấy thanh đầu trong tàu đắm mà lại không lấy? Lãng phí là tội nặng lắm, chúng tôi đương nhiên không thể nào đã biết sai lại còn cố tình vi phạm rồi.
Tuyền béo tính tình nóng nảy, không đợi chúng tôi phản ứng gì, vừa thấy cả bọn dừng lại, tự tiện bơi đến lột luôn cái đồng hồ vàng. Cậu ta giật một cái, cả cánh tay lẫn đồng hồ bị lôi tuột khỏi cánh cửa. Thì ra cánh tay ấy vốn đã lìa thân từ lâu, không rõ do tai nạn khi tàu gặp sự cố trên biển hay là bị lũ cá cắn đứt lìa sau lúc tàu chìm xuống nước nữa.
Nhân lúc Tuyền béo lấy cái đồng hồ khỏi khúc xương tay, tôi cúi đầu nhìn bản vẽ đặt trong túi plastic. Căn phòng có cánh tay hình như là phòng của thuyền trưởng. Nếu tìm được chìa khóa tủ chứa đồ trong khoang đáy, thì vừa khéo có thể bớt đi khá nhiều phiền phức. Con tàu nằm giữa đống đổ nát ở vị trí hết sức chênh vênh, nếu bị ngoại lực tác động quá lớn, rất có khả năng sẽ đổ sụp, thậm chí chìm sâu thêm, lúc ấy thì sẽ cực kỳ khó xử lý.
Nghĩ tới đây, tôi vẫy tay ra hiệu với Shirley Dương, dẫn đầu cả bọn lặn vào gian phòng đó trinh sát. Tôi đẩy cửa, các tạp chất dạng hạt lơ lửng dày đặc bên trong, đứng trước cửa dùng đèn pin chiếu vào không nhìn rõ được thứ gì, rốt cuộc tôi đành chống tay lên vách tường, cuộn người chui vào bên trong. Thân tàu bị hư tổn khiến bùn cát tràn vào ngập ngụa, phủ màu xám xịt khắp nơi. Tôi tiện tay quệt một cái vào bức vách chênh chếch bên dưới, liền thấy trên tường lờ mờ có bóng người lắc lư chuyển động, tim gan thoắt lạnh buốt, bên trong vách tường sao lại có bóng người chứ? Tôi đang định nhìn kỹ hơn, chợt cảm thấy dòng nước phía sau có dị động, vội vàng ngoảnh nhìn, chỉ thấy trên người bọn Tuyền béo máu tươi túa ra đặc quánh, hòa vào nước biển, cơ hồ sắp nhuộm đỏ toàn bộ khoang tàu.