Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật tổng cộng có mười sáu chương, tên mỗi chương là một chữ, tổng cộng mười sáu chữ, mới gọi là “Thập lục tự”. Mười sáu chữ này lần lượt là “Thiên, địa, nhân, quỷ, thần, Phật, ma, súc, nhiếp, chấn, độn, vật, hóa, âm, dương, không”, mỗi chữ đều là một biểu tượng đặc biệt, tượng trưng cho “thời gian, không gian, vật chất, sinh mệnh”, sau khi tổ hợp chúng lại sẽ được những “quẻ tượng” khác nhau, có thể từ đó giải đọc ra hung cát họa phúc và quá khứ tương lai. Bộ sách cổ chủ yếu ghi chép về âm dương phong thủy học này có thể nói là không gì không bao hàm. Hơn nữa, vì đây là tác phẩm của bậc tiền bối Mô Kim hiệu úy, nên trong sách không chỉ có thuật phong thủy và thuật âm dương, mà còn gồm cả những miêu tả về hình thế, kết cấu, bố cục của rất nhiều mộ cổ của các triều đại. Nguyên lý gốc của bộ kỳ thư này đều bắt nguồn từ mười sáu quẻ Tiên thiên mà Chu Văn Vương luận ra.
Cái khay ngọc chúng tôi tìm được dưới hồ nước, chính là một cái bàn bói cổ dùng để luận quẻ tượng bằng các cơ số “thời gian, không gian, vật chất”.
Năm đó, từng có người đào được món cổ vật làm chấn động cả nước ở đồi Song Cát, huyện Phụ Dương tỉnh An Huy. Đó là một cái “Thái Ất Cửu Cung Chiêm Bàn” bằng đồng thau. Rất nhiều chuyên gia từng suy đoán về tác dụng của nó, song đều không chính xác. Thực tế, nó chính là một dụng cụ bí mật dùng để luận quẻ tượng cơ số thời cổ, nhưng các cơ số nó có thể luận còn xa mới bì kịp cái khay ngọc chúng tôi tìm được ở đây. Cái khay ngọc này làm bằng ngọc kim cương chỉ có ở vùng đáy biển, màu đỏ nhạt, trong suốt như pha lê, thuần khiết không tì vết, không hề bị muối và a xít trong nước biển ăn mòn. Ngọc kim cương tuy gọi là ngọc, song chẳng phải ngọc cứng mà cũng không thuộc loại ngọc mềm. Ngọc mà cổ nhân gọi, đa phần đều sản sinh ở núi Côn Luân, ở dưới đáy sông cùng với cát sỏi, tính chất ấm nhuận, bóng mịn như mỡ, chia thành hai loại cứng và mềm. Ngọc mềm thuộc loại khoáng pyroxene, màu trắng sữa là quý nhất; ngọc cứng thuộc loại khoáng hocblen, tương đối khó hòa tan, màu xanh lục. Ngọc kim cương có vẻ đẹp của ngọc mềm, song lại cứng hơn ngọc cứng, thực chất là một loại đá hiếm, độ cứng gần với thạch anh, song thấp hơn bảo thạch, ở Trung Quốc xưa nay đều cực kỳ hiếm thấy. Cái khay ngọc dùng để bói toán trên tay người bằng đồng này còn tinh diệu tuyệt luân hơn ở chỗ, thông qua sáu hình trụ phía dưới, vận dụng “tam thức” có thể sinh ra vô cùng vô tận cơ số, người thường không thể nào nắm bắt được hết lẽ nhiệm mầu bí ảo của nó.
Nhiều năm trước, tôi vẫn muốn tìm cơ hội đọc trọn vẹn cả quyển Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật nhưng hôm nay khi cầm cái khay ngọc để chiêm bói này trên tay, trong lòng mới bắt đầu hiểu ra, cho dù xem được mười sáu quẻ Tiên thiên, thì với trình độ của kẻ nửa đường xuất gia dở dở ương ương như tôi đây, thực tình cũng căn bản không thể giải đọc được thiên cơ ẩn tàng trong ấy. Trước đây, có thể tôi đã đánh giá quá cao bản lĩnh của mình, bây giờ thì chỉ biết trố mắt ra nhìn, rõ ràng biết là phải làm cho khay ngọc hiển thị quẻ tượng Chấn thượng chấn hạ, nhưng hoàn toàn không biết phải bắt đầu từ đâu với đám cơ số Thái Ất phức tạp rối tinh rối mù này, đành lắc đầu thở dài với Shirley Dương. Xem chừng, lại phải nghĩ cách khác rồi.
Không ngờ, Cổ Thái lại đột nhiên đứng lên, nói là có thể thử dùng khay ngọc luận ra quẻ Chấn, cả tôi và những người khác đều không ngờ cậu ta lại hiểu môn này, vừa kinh ngạc vừa ngờ vực, nhất thời hoang mang không dám tin những lời ấy lại thốt ra từ miệng thằng nhóc mò ngọc ở miền hải đảo hoang vu.
Phải một lúc sau, bọn tôi mới định thần được. Minh Thúc nghi hoặc nhìn Cổ Thái nói: “Nhóc con này, sao cậu lại biết được quẻ số Tiên thiên chứ hả? Giờ tính mạng của cả bọn chúng ta đều phải dựa vào nó đấy, không phải là lúc đùa được đâu, rốt cuộc...”
Không đợi Minh Thúc nói hết, Tuyền béo cũng chõ miệng vào: “Nghề nào nghiệp ấy, bán thuốc cao với bốc quẻ thì phải nhờ đến cậu Nhất nhà ta. Tổ tiên nhà cậu ta kiếm cơm bằng cái nghề ấy mà, vả lại, chân lý xưa nay luôn nằm trong tay số ít, chứ không phải tùy tiện kẻ nào có óc đều hiểu được đâu. Thằng nhãi đánh cá nhà cậu đừng có bốc phét nữa, không khéo lại khiến cả bọn mất mạng thì một mình cậu chẳng gánh được đâu. Cậu có biết cái mạng của Tuyền béo đại nguyên soái này bao nhiêu tiền một cân không hả?”
Cổ Thái bị Minh Thúc và Tuyền béo xả cho một chặp, càng đớ người ra, một chút lòng tin ít ỏi bay biến, lắp ba lắp bắp chẳng nói nên lời nữa.
Nhìn bộ dạng của cậu ta, tôi giật mình tỉnh ngộ, tổ tiên của Đản nhân chẳng phải chính là chủ nhân của Quy Khư hay sao? Người nước Hận Thiên tinh thông quẻ số, lẽ nào những điều cơ mật thời xa xưa ấy, lại vẫn được các Long hộ bảo lưu cho đến tận bây giờ? Cần phải hỏi Cổ Thái cho rõ ràng mới được, cậu ta chỉ là một đứa trẻ mồ côi sống trên đảo vắng, làm sao có thể nói ra câu “Chấn là quẻ nhất âm nhị dương” chứ.
Nghĩ tới đây, tôi vội xua tay nói với cả bọn: “Mấy người đừng có mà đoán bừa, có phải chân lý xưa nay vẫn luôn nằm trong tay số ít không? Đương nhiên không phải rồi, có điều, trong một thời điểm nào đó, thì cũng đúng là nằm trong tay số ít người thật. Bao đời Long hộ trải qua mấy nghìn năm mà vẫn lưu truyền được hình xăm Thấu hải trận cho đến tận ngày nay, tự nhiên là cũng có thể biết được quẻ số Tiên thiên rồi, chi bằng cứ để cậu ta thử một phen cũng có mất gì đâu.”
Shirley Dương đưa cái khay ngọc kim cương cho Cổ Thái. Cô biết cậu ta ăn nói vụng về, bèn bảo cậu chàng không cần nghĩ ngợi gì nhiều, cứ thoải mái mà thử. Đa Linh không biết Cổ Thái có hiểu “quẻ tượng cơ số” gì không, luôn miệng nhắc nhở cậu ta không được làm bừa.
Cổ Thái tập trung toàn bộ tinh thần nhìn chằm chằm vào các loại ký hiệu trên khay ngọc, dường như có thứ gì đã gác xó trong đầu từ rất lâu rồi không dùng đến, cần phải vắt óc lục tìm mới nhớ lại được. Quẻ số trong Quy Khư hàm chứa cả Tiên thiên Bát quái lẫn Hậu thiên Bát quái. Tương truyền, Tiên thiên Bát quái là do Phục Hy sáng tạo ra, nên còn gọi là “Phục Hy Tiên thiên Bát quái”; Hậu thiên Bát quái là phát minh của Chu Văn Vương dựa theo số cửu cung trên Hà đồ Lạc thư; Chu Văn Vương thần thông quảng đại, đã dung hợp Tiên thiên Bát quái và Hậu thiên Bát quái để luận, thấu được mọi lẽ biến hóa của đất trời, đó chính là “mười sáu quẻ Toàn thiên”.
Sau thời Tây Chu thì mười sáu quẻ Toàn thiên đã không còn xuất hiện nữa. Một vị Mô Kim hiệu úy đời Thanh tình cờ phát hiện ra quẻ tượng Toàn thiên trong mộ cổ thời Tây Chu, mới dựa vào đó mà biên ra bộ Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật. Vì cuốn sách này đã bị hủy mất một nửa, nên những gì tôi biết và học được chỉ giới hạn ở bí thuật phong thủy, còn quẻ tượng âm dương biến hóa thập phần tinh vi thì tôi gàn như hoàn toàn không hiểu. Mãi đến nửa năm gần đây tôi mới dần dà tiếp xúc với một số nhân sĩ trên giang hồ, nhưng “Dịch” lại là đạo biến hóa không ngừng nghỉ, nội dung đa phần đều phải tính toán suy diễn, nếu chỉ biết qua loa đại khái thì so với không biết còn tệ hơn nhiều.
Có điều Cổ Thái vừa buột miệng nói ra quẻ Chấn nhất âm nhị dương, tôi đã hiểu ngay cậu ta biết gì đó, vả lại, phỏng chừng, nội dung mà cậu ta biết có lẽ còn thuộc về quẻ số Tiên thiên nữa. Bát quái trong “Dịch” bao gồm “Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Khôn, Đoài, Ly, Khảm”, theo thứ tự của Tiên thiên Bát quái lần lượt là “Càn nhất, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ, Tốn ngũ, Khảm lục, Cấn thất, Khôn bát”, Chấn nằm ở vị trí thứ tư; còn trong Hậu thiên Bát quái, quẻ Chấn lại nằm ở vị trí thứ ba, đi qua vị trí “trung ngũ” ở giữa, thứ tự lần lượt là “Khảm nhất, Khôn nhị, Chấn tam, Tốn tứ, Càn lục, Đoài thất, Cấn bát, Ly cửu”, sử dụng nguyên lý đem cơ số thể hiện sự biến hóa của thời không theo hình xoáy ốc để luận các việc sẽ xảy ra trong tương lai, đây là loại quẻ số hiện nay vẫn lưu truyền khá nhiều.
Chỉ thấy Cổ Thái lần lượt chuyển động các hình trụ, mấy trăm lỗ thủng trên cái khay ngọc nhanh chóng thay đổi, đóng mở liên tiếp, các cơ số mới nảy sinh dần dần hình thành nên quẻ tượng. Mấy người kia nhìn động tác của Cổ Thái đều ngơ ngác chẳng hiểu gì, chỉ có tôi là nhìn ra được một chút manh mối.
Quẻ Chấn là quẻ nhất âm nhị dương, số dương là chín, số âm là tám, dựa vào vị trí thứ tư của quẻ này để luận, nhất dương là bốn chín ba mươi sáu, nhất âm liền được tám bốn ba mươi hai, thêm nhất âm nữa lại được tám bốn ba mươi hai, cộng lại vừa khéo được số một trăm, sinh ra “bách lý” bên trong quẻ tượng.
Còn đoạn hào từ “Chấn lai hích hích. Tiếu ngôn ách ách”, làm sao có thể dựa vào cơ số để diễn dịch ra thì tôi nhìn mà chẳng hiểu gì cả. Có điều, tôi biết trong quẻ số Tiên thiên, quẻ số của hai mặt đối lập nhau cộng lại đều bằng chín, là số lớn nhất trong các số dương. Trời là dương, đất là âm, trong Hậu thiên Bát quái, tổng của hai mặt đối lập đều là mười, ý chỉ đất. Các cơ số mà Cổ Thái đang suy diễn, đa phần đều là số dương, xem ra, các phản ứng mà quẻ tượng chỉ đến, toàn bộ đều là hiện tượng tự nhiên, đối ứng với ẩn ý “việc tế trời không thể ngừng lại” của quẻ Chấn đây.
Tôi không kìm được, phải thốt lên với Cổ Thái: “Nhóc con, cậu giỏi thật đấy, cả quẻ tượng Tiên thiên cũng luận ra được.” Cổ Thái nghe tôi nói vậy, liền biết phương pháp của mình không sai. Những thứ này, cậu ta đều được cha ruột đích thân truyền thụ cho từ hồi mười hai mười ba tuổi. Cha cậu ta bảo, đó là những bài thần chú cổ xưa mà con cái của Long hộ Lạt gia phải học thuộc lòng từ nhỏ, nhưng chẳng rõ có tác dụng gì. Vả lại, xưa nay cậu ta cũng chẳng biết những câu chữ thâm ảo khó hiểu ấy là quẻ tượng cơ số gì cả, không ngờ lúc này chúng lại có tác dụng lớn như vậy, cha mẹ cậu ta ở trên trời có linh, hẳn cũng thấy được an ủi lắm.
Cái khay ngọc dùng để bói toán chia làm mấy tầng, mỗi tầng đều có vô số những lỗ nhỏ to như ngón tay, hoặc lớn hoặc nhỏ, phân bố không đều. Khi Cổ Thái luận ra cơ số cuối cùng, một số lỗ trên các tầng liền thông suốt với nhau, xếp thành tiêu ký của quẻ Chấn. Cánh tay của người đồng đỡ khay ngọc chợt vang lên tiếng chốt lẫy chuyển động, sau mấy tiếng “cạch cạch”, từ các lỗ chứa đầy cát đen trên thân tượng nhô ra mấy chục cái đầu giao nhân đúc bằng đồng. Bọn giao nhân hình dạng hết sức hung dữ, to cỡ cánh tay trẻ sơ sinh, con nào con nấy há mồm như thể đang ngậm ngọc, nhưng khoang miệng trống không.
Cả bọn thấy Cổ Thái khởi động được cơ quan trên người đồng, đang định reo vang mừng rỡ, chẳng ngờ trên thân thể tượng đồng bốn tay đang nâng đỡ cái khay ngọc ấy lại thò ra mấy chục cái đầu giao nhân bằng đồng, liền không khỏi ngây hết cả người ra, nhất thời không thốt lên được tiếng nào. Mấy người đều nhìn chằm chằm vào những cái miệng trống rỗng ấy, trong lòng chợt dấy lên câu hỏi: “Cái thứ quỷ quái gì nữa đây?”
Tôi thò tay sờ sờ chỗ miệng giao nhân bằng đồng, thứ cát màu đen tuy có khả năng hội tụ âm khí, nhưng xoa tay lên, không cảm thấy bên trong có lực hút gì mấy. Cái rãnh trong miệng giao nhân ấy, rõ ràng là dùng để cố định một viên Nam châu lớn, tôi ngạc nhiên nói: “Trong... trong miệng con giao nhân trợn mắt lên này, hình như để đặt minh châu Nam Hải...”
Shirley Dương nói: “Trên cái đỉnh chín chân có hình khắc núi tiên dưới đáy biển chôn lấp một vầng trăng. Phỏng chừng, còn phải đặt minh châu vào miệng giao nhân, rồi đưa tượng đồng này xuống chỗ dưới nước, khi ấy ngọn núi ở Quy Khư sẽ nứt ra, cương thi trong quan tài sẽ theo dòng nước nổi lên mặt biển. Lẽ nào lại đúng là như vậy?”
Minh Thúc thấy có hy vọng thoát thân, rối rít nói: “Những kẻ làm nghề mò ngọc mưu sinh, chẳng ai là không biết truyền thuyết cổ xưa về ngọn núi tiên nơi đáy biển chôn lấp mặt trăng cả. Trăng là tinh hoa của nước, minh châu là tinh hoa của trăng, kỳ thực minh châu cũng tức là minh nguyệt vậy. Ngọc kim cương là ngọc cổ dưới đáy biển, châu ngọc tương ứng, ánh sáng tỏa ra hẳn còn rạng rỡ hơn cả ánh trăng ấy chứ. Chỉ có điều, muốn nhét đầy những cái đầu giao nhân trên tượng đồng này, sợ phải dùng đến mấy chục viên minh châu thượng phẩm mất.” Đa Linh và Cổ Thái ở bên cạnh cũng gật đầu, ý rằng Minh Thúc nói không sai, truyền thuyết có vầng trăng bị chôn ở núi tiên nơi đáy biển đích thực được lưu truyền rộng rãi trong giới mò ngọc, không ai là không biết.
Tôi nghiến răng, xem ra quả này không thả con săn sắt thì đừng hòng bắt được cá rô rồi, chỉ có cách đem hết minh châu chúng tôi mò được ở vực xoáy San Hô nhét vào mồm giao nhân, sau đó thả người đồng xuống đáy hồ, chỗ bên dưới cây san hô thôi vậy. Còn chuyện có thể khiến núi tiên tách ra, nước biển dâng đẩy cương thi lên mặt biển hay không, thì đến lúc ấy mới biết được, hiện tại, tôi không thể nào tưởng tượng nổi trăm viên minh châu làm sao có thể dẫn đến biến hóa lớn chừng ấy nữa.
Tuyền béo vội vàng ôm chặt lấy cái túi đựng minh châu: “Này cái cậu Nhất kia, tôi bảo cho cậu biết nhé, cách này không dùng được đâu, nhiều đầu cá thế này, phải nhét bao nhiêu cho đủ đây? Tôi không thể không nhấn mạnh lại một lần nữa, tham ô lãng phí là tội nặng lắm đấy!”
Tôi lắc đầu nói với Tuyền béo: “Phạm tội cái quái gì chứ? Nguyên tắc của Mô Kim hiệu úy là bỏ tiền bỏ của chứ không bỏ mạng, chúng ta đều là người có bản lĩnh, nhưng nếu không sang được Mỹ thì vớt bao nhiêu đồ quý giá cũng chẳng ý nghĩa gì cả, với lại, cậu còn con người cá với áo phỉ thúy của nhà Phật giá trị liên thành nữa cơ mà. Sang đến Mỹ, chúng ta tiêu pha tiết kiệm một chút thì cũng đủ đập phá nửa đời rồi.”
Nói thì nói thế, nhưng nhìn cái túi đựng Nam châu, tôi lại không kìm được ý nghĩ bùng lên trong đầu: “Liều mạng mò vớt nửa ngày dưới biển chỉ được có ba mươi hai viên minh châu, sau khi Nguyễn Hắc qua đời, lại bỏ vào miệng ông ta một viên để giữ gìn thi thể, giờ chỉ còn lại ba mươi mốt viên, mỗi viên đều là tinh hoa hải khí của dư mạch Nam Long ngưng tụ mà thành, nếu tất cả chìm hết xuống đáy biển thì dẫu là ai cũng đều thấy đau lòng thôi. Vả lại, số lượng cũng cách biệt lớn quá, ba mươi mốt viên này còn lâu mới đủ dùng.”
Shirley Dương cầm mấy viên minh châu cho vào miệng giao nhân, quả nhiên bất kể viên ngọc to nhỏ thế nào, đều bị cái đầu giao nhân bằng đồng ấy hút chặt. Có điều, ít nhất cũng cần hơn sáu chục viên minh châu ánh sáng chiếu xa cả trăm bước mới đủ nhét hết chỗ đầu cá này. Ngay cả Shirley Dương cũng không thể không lắc đầu thở dài, không ngờ người nước Hận Thiên ngày xưa lại “chịu chơi” đến thế. Dẫu là chui vào trong mộ Đường Thái Tông hay Tống Thái Tổ cũng chưa chắc tìm được mấy chục viên minh châu quý giá thế này, giờ đây bảo chúng tôi phải tìm đâu ra cho đủ hơn sáu chục viên đây chứ?
Cổ Thái nhận ra mọi người đang âu sầu ủ rũ, dường như là thiếu Nam châu, bèn vội chỉ tay xuống nước, khua chân múa tay loạn xị, lắp ba lắp bắp: “Bên dưới có long huyệt!” Minh Thúc thấy vậy vội bảo cậu ta nói rõ ràng ra, nghe xong thì dịch lại với chúng tôi. Thì ra, Cổ Thái là Long hộ, có rất nhiều khả năng thiên bẩm dưới nước, đặc biệt là sở trường “nhìn sắc nước, nhận long huyệt.”
Vừa rồi, Cổ Thái cùng tôi với Tuyền béo lặn xuống bên dưới cây san hô có giao nhân xuất hiện, đã thấy đáy nước có một khe sâu. Cậu ta tinh thông thủy tính, thoạt nhìn dòng chảy kỳ lạ phía dưới, liền biết ngay bên trong khe sâu ấy ắt có trai ngọc sống đã nghìn năm. Đó là một vùng “châu mẫu hải”[] quanh năm không thấy ánh mặt trời, quá nửa là có trai cụ trai kỵ ẩn náu. Trai ốc dưới biển không giống trai ốc nước ngọt, một con chỉ có một viên ngọc, mà trai cụ hay còn được gọi là châu mẫu dưới đáy biển, lắm khi một con có đến cả trăm viên ngọc cũng không chừng.
“Châu mẫu” còn to hơn “xà cừ” gấp mười lần, chỉ có ở trong những hang động hoặc khe sâu dưới đáy biển. Ở vùng biển sản sinh ra nhiều ngọc quý, bên dưới ắt hẳn phải có “châu mẫu”. Tương truyền, “châu mẫu” là do trai già hóa thành tinh, đã ngậm đến trăm viên minh châu rồi, nên dù trên trời trăng sáng mấy, nó cũng vẫn nằm im trong khe sâu, tuyệt đối không ló ra ngoài.
Dân mò ngọc dù có người lần theo dấu, tìm được đến chỗ gần nơi có trai cụ trai kỵ, cũng rất khó phát hiện ra con trai khổng lồ đã gắn thành một thể với rặng đá ngầm. Thậm chí, có nhiều người bị nó mê hoặc, rốt cuộc biến thành thực phẩm nuôi “trai tinh”. Trai cụ ngậm một số lượng lớn minh châu ẩn mình dưới nước, sẽ sản sinh ra mạch xung tần số thấp, tuy không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể người, nhưng sẽ làm nhiễu loạn nghiêm trọng tín hiệu điện tử. Vùng biển vực xoáy San Hô thường xảy ra hiện tượng tàu bè mất điều khiển gây tai nạn, ngoài nguyên nhân thời tiết trên biển biến ảo khó lường ra, e rằng con châu mẫu dưới đáy biển này cũng khó tránh khỏi can hệ.
Lúc trước, bọn tôi chưa kịp dành thời gian nghĩ kỹ xem cỗ xương rồng trong hình xăm ấy rốt cuộc là thứ gì, vả lại những ghi chép liên quan đến châu mẫu tuy nhiều, song trên thực tế rất ít người bắt được loại linh vật này, hơn nghìn năm nay chưa ai từng trông thấy, thành ra ngay từ đầu bọn tôi đã không nghĩ theo hướng này. Tới khi Cổ Thái nhìn sắc nước, nhận ra có châu mẫu nơi đáy nước, chúng tôi mới biết thì ra hình xương rồng xăm trên lưng cậu ta, chính là ký hiệu của long huyệt. Dân mò ngọc xưa nay đều cho rằng, “ngọc” là thứ rồng ngậm trong miệng, vùng biển nào có ngọc, họ đều gọi là “long huyệt” hay “long cư”.
Lúc này, xung quanh bộ xương cá voi tĩnh lặng như tờ, hơi lạnh trong không gian càng thêm nồng đậm, cả bọn bàn bạc sơ sơ, rồi quyết định đánh liều một phen. Nếu dưới khe sâu ấy có châu mẫu ngậm trăm hạt minh châu, thì đành phải liều mạng lặn xuống giết trai đoạt ngọc thôi. Nhưng hành động lần này có thể nói là hung hiểm khó khăn dị thường, vì chúng tôi không ai có kinh nghiệm đối phó với loại trai cụ trai kỵ đã sống vạn năm thành tinh này bao giờ, tương truyền giống này có thể biến ảo ra cảnh tượng làm mê hoặc người ta, vả lại còn ẩn náu rất sâu giữa dòng nước xiết bên dưới khe vực, xung quanh sôi sục xoáy nước liên miên không dứt, dẫu liều mạng cũng chưa chắc tiếp cận được.
Bọn chúng tôi đang chưa biết tính sao thì Minh Thúc chợt nảy ra một kế. Trong cái vỏ ốc ở di tích bên trên, chúng tôi từng kiếm được mấy món dụng cụ chuyên dùng để giết trai lấy ngọc thời thượng cổ, trong đó có một cái xác mồi làm bằng bộ da phụ nữ. Thứ này có thể dụ bọn trai cụ trai kỵ há miệng, có điều, để cõng cái xác mồi đầy âm khí nghi ngút ấy lên lưng, miệng ngậm dao găm bổ vào giữa dòng chảy hỗn loạn, ngoại trừ cần một lá gan lớn hơn trời và khả năng bơi lội xuất sắc ra, còn phải có tâm thái không coi chuyện sinh tử vào đâu nữa. Người có thể nhận trách nhiệm này, ngoại trừ Long hộ ra thì chẳng còn ai khác. Giờ phút này, bản lĩnh lặn nước hơn người của Cổ Thái bỗng chốc đã trở thành tia hy vọng cuối cùng của chúng tôi.