Minh Thúc bôn ba ở Nam Dương suốt một thời gian dài, thấy cái đồng hồ vàng bốc mùi xác thối nồng nặc, liền nhận định ngay nó đã bị trúng thuật Giáng Đầu. “Giáng, Cổ, Thống” được gọi là Tam đại tà thuật của Nam Dương. “Thống” là thuật dùng các loại pháp môn mà người bình thường không thể tưởng tượng được để chế thành kỳ độc; nguyên lý của “Cổ” không nằm ngoài một chữ “hoặc”, là một loại tà pháp khiến người ta mê thất tâm trí bằng sâu độc; còn thuật “Giáng Đầu”, là yêu thuật sử dụng phù chú, tinh thể, hồn ma làm trung gian hại người, trong đó, các loại “thi giáng, quỷ giáng” đều có thể nhanh chóng hại chết rất nhiều người và súc vật, mức độ nguy hại không thua gì ôn dịch truyền nhiễm, cực kỳ khó đối phó.
Ở vùng Nam Dương, các thủy thủ và thương nhân tàu trên biển, quanh năm phải giành giật miếng ăn trên đầu ngọn sóng, nếu bất hạnh gặp phải sự cố trên biển, thân thể mồi cho cá thì thôi, nhưng có một số xác chết bị phong bế bên trong xác tàu, hoặc bị sóng biển đánh dạt lên bờ, ngư dân Nam Dương có rất nhiều người coi việc vớt thanh đầu là con đường làm giàu nhanh chóng, hễ gặp xác chết là lột hết đồ đạc đáng tiền trên người, sau đó bỏ xác cho trương phình thối rữa chứ chẳng thèm chôn cất. Vì vậy, để đề phòng bất trắc, một số thủy thủ đã dùng thuật Giáng Đầu ám lên các đồ trang sức vàng bạc mang theo người, nhằm báo phục lũ hải tặc giết người cướp của, hoặc những kẻ mưu cầu món lợi bất nghĩa trên thân thể người chết. Kẻ nào lấy vật của người chết vì tai nạn trên biển, ắt sẽ trúng phải tà thuật, chết thảm vô cùng.
Những chuyện này, tôi và Tuyền béo đều từng nghe loáng thoáng, có điều lúc lặn vào trong xác tàu Mariana, trông thấy cái đồng hồ vàng chóe kia, Tuyền béo lại không sao kìm được cái bản tính tham lam món lợi nhỏ của cậu ta, lòng tham nổi lên thì có mười vạn Kim cương La hán hợp lực cũng không đè xuống nổi, nên mới tiện tay dắt dê mà cầm lên.
Có điều, sinh khí trong Quy Khư quá thịnh, thuật Giáng Đầu không hiển lộ, về sau ai nấy cuống lên chạy tháo mạng, Tuyền béo đánh rơi mất cái đồng hồ ở đâu không rõ. Lẽ ra đánh rơi rồi thì coi như xong, thế cũng là một điều may mắn, nhưng chẳng ai ngờ được, cái đồng hồ vàng mang vạ ấy lại rơi vào tay Đa Linh.
Con tàu mai rùa mà chúng tôi đang ngồi đây, thực ra không to hơn cái bè là mấy, sáu người ngồi là đã phải chen chúc rồi, vừa không có nước, lại cũng không có lương thực, có chịu được sóng gió hay không còn chưa biết, huống hồ giờ lại thêm một Đa Linh bốc mùi xác thối, toàn thân bắt đầu xuất hiện các đốm ban chỉ có ở xác chết. Theo kết luận của Minh Thúc, cô đã trúng phải thuật Thi giáng, tuy vẫn còn sống, nhưng thân thể đang dần biến thành một cái xác thối rữa, nếu không nhanh chóng ném xuống biển, những người trên tàu này chắc chắn sẽ nhiễm phải ôn dịch mà chết.
Minh Thúc thê thiết kêu rống lên: “Chú Nhất, chú Tuyền béo... cả cô Shirley Dương nữa, mọi người phải cân nhắc cho kỹ, đừng vì một con bé mò ngọc không đâu mà khiến tất cả mất mạng. Sau này trở về đảo Miếu San Hô, Minh Thúc tôi nhất định sẽ bỏ tiền làm lễ siêu độ cho con bé. Nó trúng phải thuật Giáng Đầu rồi, đằng nào cũng chết, chúng ta hà tất phải chết theo nó làm gì chứ.”
Cổ Thái thấy Đa Linh bắt đầu xuất hiện đốm ban như xác chết, lại thấy Minh Thúc làm bộ làm tịch, muốn thuyết phục chúng tôi ném Đa Linh vẫn đang sống sờ sờ xuống biển, lập tức trợn trừng mắt lên như một con thú nổi điên, rút dao găm ra định liều mạng với lão khọm già Hồng Kông ấy.
Minh Thúc là lão già gian xảo thành tinh, làm sao lại sợ một thằng nhãi mười mấy tuổi đầu như Cổ Thái được? Trong mắt thoáng lóe lên ánh hung quang, rõ ràng là đã động sát cơ, lão lẳng lặng đặt tay lên cán con dao găm lặn nước. Tôi thấy ý tứ của lão khọm đã quá rõ ràng, việc trước mắt quan hệ đến sinh tử tồn vong, nói không chừng cũng chỉ còn cách giết luôn cả Cổ Thái, ném xác xuống biển để khỏi lưu lại hậu họa sau này.
Con tàu mai rùa trôi lênh đênh trên mặt biển dưới bầu trời đầy sao, gió biển nhè nhẹ phơ phất thổi lên cánh buồm da, biển cả tĩnh lăng đến lạ thường, nhưng không khí trên tàu căng thẳng đến mức cơ hồ như đông đặc lại. Tình hình xem ra cực kỳ nan giải. Tuy Minh Thúc chỉ bo bo muốn giữ cái mạng của mình đòi ném Đa Linh xuống biển, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là hành động chó cùng rứt giậu, cơ bản là hơi xác thối từ Đa Linh mỗi lúc một nồng nặc, một khi để cô bé biến thành xác thối, những người khác chắc chắn sẽ bị truyền nhiễm, đến lúc đó thì cả bọn đều chết hết ở đây. Có điều, tôi cũng tuyệt đối không thể nhìn người sống sờ sờ bị ném xuống biển cho cá ăn được.
Tôi đành đứng chắn vào giữa Cổ Thái và Minh Thúc, để hai người họ tạm thời không thể hạ thủ với nhau. Minh Thúc hét lên với tôi: “Chú Nhất, không phải chúng ta vô tình vô nghĩa, muốn trách thì trách con bé Đa Linh ấy tự nhặt cái đồng hồ vàng lên chứ. Minh Thúc tôi chừng này tuổi đầu rồi, cái gì cần hưởng thụ cũng đã hưởng thụ hết, giờ chết cũng chẳng còn gì tiếc nuối. Nhưng các cô các chú còn trẻ, tương lai còn dài, đừng chán sống như thế...”
Cổ Thái ở sau lưng tôi rống lên: “Anh Nhất, đừng ném chị tôi xuống biển, chị ấy còn thở mà... còn sống mà!” Shirley Dương cũng rối rít nói: “Anh Nhất, chớ có nghe lời Minh Thúc, thế là mưu sát đấy! Chúa sẽ không tha thứ cho đâu.”
Hoàn cảnh của tôi lúc này thực vô cùng khó xử, một mạng người đổi lấy năm mạng người, bên nào nặng bên nào nhẹ đã rất rõ ràng, nhưng đây đâu phải chợ rau chợ cá mà dễ dàng cân đo đong đếm như thế. Tôi lại liếc mắt nhìn sang chỗ Tuyền béo, chỉ thấy cậu ta cảm khái mà rằng: “Nhất ạ, lựa chọn chúng ta đang phải đối mặt bây giờ, không khỏi khiến tôi nhớ đến bộ phim Buổi đầu chiến tranh của điện ảnh Albania, nhân dân Albania anh hùng là ngọn đèn sáng của châu Âu. Trong phim, đội du kích anh dũng sáu người ấy có một nữ du kích xinh đẹp bị thương, để yểm hộ cho các đồng chí an toàn rút lui, cô đã không chút do dự lựa chọn ở lại ngăn cản quân Đức, kết quả là bị bọn Đức bắn chết trên ngọn núi cao. Sự nghiệp mò ngọc vớt thanh đầu của chúng ta, tuy rằng không thể gạch dấu bằng với cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít vĩ đại của nhân dân thế giới được, nhưng mà...”
Tôi nghe Tuyền béo ba hoa tràng giang đại hải mà phát ngán, chuyện gì qua cái mồm cậu ta xong cũng đều biến vị, hỏi cũng như không, vội vàng ngắt lời: “Đa Linh không phải đội viên đội du kích, có can hệ gì đến điện ảnh Albania đâu?” Có điều, dây dưa trì hoãn được một chút, trong đầu tôi đã nảy ra ý, bèn quay đầu lại nói với Minh Thúc: “Lúc Nguyễn Hắc hấp hối, đã nhờ chúng ta đưa Đa Linh và Cổ Thái sang Pháp, lúc đó mọi người đều chính miệng đáp ứng, nhưng giờ xác Nguyễn Hắc vẫn còn chưa lạnh mà đã định ném xác đồ đệ ông ta xuống biển, thậm chí còn định giết Cổ Thái diệt khẩu, thế là lẽ gì chứ? Tôi từng đánh trận, cũng từng nổ súng giết người, bao nhiêu năm nay đã trải qua nhiều chuyện sinh sinh tử tử, nhưng bác bảo tôi hạ thủ giết người bạn cùng mình vào sinh ra tử, thì thế nào tôi cũng không ra tay được.”
Minh Thúc thấy tôi không chịu, vội vàng khuyên can: “Có bảo cậu phải đích thân động thủ đâu, chúng ta ném con bé xuống biển cho nó tự sinh tự diệt là được rồi. Không phải chúng ta ác độc gì, nhưng trên con tàu nát này, trừ phi Nam Hải Quan Âm hạ phàm, bằng không thử hỏi có ai cứu được người trúng thuật Giáng Đầu chứ? Đừng mềm lòng nữa...”
Tôi vỗ vai Minh Thúc nói: “Bác nói đúng rồi đấy, Quan Âm Nam Hải thì chúng ta không mời được, nhưng đồ của Phật gia thì vừa khéo có một món.” Nói đoạn, tôi liền cho tay vào túi Tuyền béo lấy ra chiếc áo phỉ thúy vớt được trong xác tàu đắm. Cỗ bảo y này tám chín phần là để cung phụng Phật tổ trong một ngôi chùa lớn nào đấy bên Thái, không hiểu sao lại bị trộm ra, rồi chìm theo tàu Mariana xuống đáy biển vực xoáy San Hô. Bộ y phục này, vốn là thánh tích được bao đời cao tăng khai quang, mặc lên người thì đông ấm hè mát, chẳng những diên niên ích thọ, tiêu trừ bệnh tật mà còn có thể trừ ma đuổi tà nữa.
Tuy nói Phật khí đã khai quang có thể đuổi tà, nhưng đây chỉ là truyền thuyết ở vùng Nam Dương, chẳng biết thật giả thế nào, song tôi lại biết, ngọc được coi là tinh hồn của đá, thường có câu “nhất phỉ thúy, nhì ngọc thạch, ba mã não”, chỉ là ngọc cổ đã có thể ngăn thi thể thối rữa, là phỉ thúy lại càng tốt hơn, chỉ cần bọc tấm “Phật y” bằng phỉ thúy này lên người Đa Linh, biết đâu có thể ngăn thuật Giáng Đầu phát tác. Nói gì thì nói, đây cũng là một biện pháp khả thi, ít nhiều cũng tốt hơn là mọi người cùng nhiễm ôn dịch hoặc ném Đa Linh xuống biển.
Mọi người nghe tôi nói xong, đều lộ vẻ mừng rỡ, vừa nãy đúng là cuống quá hóa hồ đồ, không ai nghĩ đến tấm Phật y cứu mạng này, cả bọn vội vàng giúp Đa Linh mặc lên người. Chất ngọc đã trấn áp được hơi xác, dần dần mùi hôi thối thậm chí không còn phảng phất trong gió biển nữa, nhưng Đa Linh vẫn sốt cao, miệng không ngừng nói mơ, có giữ được tính mạng hay không là điều rất khó nói.
Để Đa Linh dễ thở hơn, Shirley Dương cắt một đường ngắn ở gần cổ áo cô bé, thì phát hiện trên cổ Đa Linh đeo một mặt dây chuyền hình chiếc hộp nhỏ, có thể đóng mở. Cô tiện tay mở ra, bên trong có ảnh một đôi vợ chồng, Cổ Thái bảo, đó là ảnh cha mẹ ruột Đa Linh.
Tôi thấy tò mò, cũng ngó đầu vào xem, không ngờ vừa liếc mắt nhìn, lập tức sững người ngạc nhiên. Người Pháp trong tấm ảnh bé tí xíu ấy nhìn trông quen mắt quá, giống hệt như bóng ma tôi trông thấy trong xác tàu Mariana? Lẽ nào thuyền trưởng tàu Mariana chính là người cha quốc tịch Pháp đã thất tán của Đa Linh? Sau khi theo quân Pháp rút khỏi Việt Nam, ông ta bèn ở lại Nam Dương làm nghề buôn lậu, chuyên đánh đồ cổ? Nếu đúng là vậy thật, thì vị thuyền trưởng buôn lậu cổ vật này, dùng tà thuật Giáng Đầu để hại người, không ngờ lại hại đúng con gái ruột của mình. Xem trong cõi u minh đúng là có nhân quả tuần hoàn, sợ rằng Đa Linh vĩnh viễn không thể tìm được người thân ở bên Pháp rồi.
Trong đầu nghĩ vậy, song tôi cũng không nói với những người khác, tránh để Đa Linh và Cổ Thái biết rồi lại lo lắng đau lòng. Sau khi sắp xếp cho Đa Linh xong xuôi, mặt trời đã nhô lên trên biển, ai nấy vừa đói vừa khát, đành dùng bí thuật của Ban Sơn đạo nhân truyền lại, bắt cá ăn cho đỡ đói, vớt “giếng biển” giải khát, sử dụng phương pháp cổ xưa nguyên thủy nhất để giải quyết tình hình khốn đốn trước mắt.
Minh Thúc và Shirley Dương dùng gân cá mập trên tàu làm thành một cái lưới không lớn lắm, cũng may còn mang theo được hơn ba chục viên minh châu, lấy ra làm mồi, dụ bọn cá chuồn lao lên ngay sát mạn tàu, có con còn tự nhảy luôn vào khoang tàu. Ở Nam Hải có một loại sứa trong suốt, dân mò ngọc gọi là “giếng biển”, chúng cũng bị ánh sáng của minh châu thu hút, nổi lên mặt biển. Loại sứa này, sau khi vớt lên, dùng dao găm rạch ra, bên trong có một túi mềm trong suốt, tựa như túi mật, đựng nước trong vắt, vừa mát vừa ngọt, tuy mỗi con sứa biển chỉ được chừng một ngụm, song cũng tạm đủ để giải quyết mối nguy trước mắt.
Có điều, ánh sáng của minh châu vùng biển vực xoáy San Hô này quá thịnh, buổi đêm không thể đem ra dùng được, sợ sẽ dụ lũ cá lớn dưới đáy biển trồi lên làm lật cả tàu bè. Cứ thế, chúng tôi áp dụng phương pháp cổ xưa của Ban Sơn đạo nhân, bắt cá vớt sứa ăn qua ngày. Cũng may, Minh Thúc có kinh nghiệm hàng hải rất phong phú, nhận biết được các dòng chảy, sau mấy ngày trôi nổi lênh đênh, cuối cùng chúng tôi cũng thoát khỏi vùng vực xoáy San Hồ, gặp được tàu bè qua lại gần đảo Miếu San Hô.
Lúc bọn tôi về đến đảo, giáo sư Trần và Răng Vàng đã nóng ruột gần phát điên, khổ nỗi tàu bè vào trong vực xoáy San Hô lại không liên lạc được nữa, cũng chẳng có ai dám mạo hiểm tiến vào đó tìm kiếm. Hai người họ đành đợi hết ngày này qua ngày khác, trông ngóng đến mòn con mắt, rốt cuộc nhóm trục vớt chúng tôi cũng đã trở về.
Chúng tôi lên bờ, chẳng kịp thuật lại những chuyện kinh hoàng đã trải qua cho giáo sư Trần nghe, lập tức cùng Tuyền béo, Cổ Thái khiêng Đa Linh chỉ còn thoi thóp chút hơi tàn, chạy thẳng đến chỗ tay buôn chợ đen Võ thọt trên đảo, bảo y mau mau tìm bác sĩ.
Võ thọt thấy bọn tôi người nào người nấy cháy nắng đen nhẻm, da phồng rộp, quần áo rách rưới bẩn thỉu, không khỏi giật bắn mình, không thể ngờ lại có người sống sót từ vùng biển vực xoáy San Hô trở về, hỏi rõ sự tình mới biết Đa Linh đã trúng phải thuật Thi giáng. Cái đảo Miếu San Hô bé bằng nắm tay này thì lấy đâu ra bác sĩ, vả lại, có bác sĩ Trung y bác sĩ Tây y gì cũng vô dụng, Đa Linh bị trúng tà thuật của Nam Dương chứ đâu phải mắc bệnh thường. Nếu không có mấy trăm phiến ngọc phỉ thủy phủ lên người, e rằng toàn thân sớm đã phù thũng thối rữa biến thành xác chết từ lâu rồi.
Võ thọt bảo, có điều các vị cũng chớ lo cuống lên, trong làng chài có một vị sư phụ biết thuật Giáng Đầu, mau đến gặp ông ấy xem thế nào. Nói đoạn, y vội dẫn chúng tôi đến nhà ông thầy mo kia. Ông thầy mo thấy Đa Linh bị trúng thuật Thi giáng, không dám chậm trễ, vội đốt nến trắng gí khắp người cô bé một lượt. Da Đa Linh lập tức tiết ra mấy giọt chất lỏng trắng nhầy nhầy.
Ông vu sư cứ lắc đầu lia lịa, nói cô này xem ra hết cứu rồi. Thuật Thi giáng và Quỷ giáng quá độc địa, tuy Đa Linh không bốc mùi xác thối nữa, nhưng hơi người sống đã tan hết, được bọc trong áo phỉ thúy của Phật gia dù có thể không chết, thì cũng chỉ như người thực vật thôi, vĩnh viễn chẳng bao giờ tỉnh lại. Xem tình hình này, mấy hôm nữa sợ rằng có đút cháo đút nước cũng không nuốt được, trừ phi bỗng có thi đơn nghìn năm, nói không chừng mới cứu nổi cái mạng nhỏ của cô bé về.
Tôi biết ở vùng Nam Dương này người ta cũng công nhận các thuyết về nội đơn với ngoại đơn. Thi đơn cũng là một loại nội đơn, một thứ ung nhọt hoặc kết thạch (giống như sỏi thận) vẫn tiếp tục phát triển trong cơ thể sau khi sinh vật chết đi. Nhưng tình huống cơ thể sinh nội đơn sau khi chết thực sự quá hiếm hoi. Nội đơn là thứ phải nhờ vào linh khí của trời đất, tinh hoa của nhật nguyệt mới ngưng luyện thành hình, cả đời này tôi mới chỉ trông thấy có một lần, chính là thi đơn trong cơ thể con chồn lông vàng. Còn những xác cổ khác, cùng lắm cũng chỉ ngậm trong miệng một viên ngọc, lấy đâu ra nội đơn với chẳng ngoại đơn gì chứ.
Thi thể và nội đơn của con hoàng đại tiên ấy đều đã bị hủy mất rồi, cái thứ hiếm có khó tìm ấy, nếu không phải cơ duyên đặc biệt, cả đời e rằng đến một lần gặp cũng chẳng có. Tôi thở dài một tiếng, tuy có phụ sự nhờ vả của Nguyễn Hắc, song đích thực chúng tôi đã tận hết sức mình rồi.
Lúc này, giáo sư Trần đã biết được đầu đuôi sự tình qua Shirley Dương. Ông già cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm rất lớn đối với sự việc của Đa Linh, vẻ âu lo lồ lộ trên nét mặt, muốn giúp mà cũng chẳng có cách nào. Nhưng rồi, hình như ông lại sực nhớ ra điều gì đó, vội lẳng lặng kéo tôi sang một bên, thấp giọng thì thào: “Nội đơn sống trong xác cổ thực sự là vô cùng hiếm, tôi sống ngần này tuổi đầu rồi cũng chưa gặp bao giờ. Nhưng tôi nhớ từ rất nhiều năm trước... hồi ấy đương là thời kỳ quân phiệt hỗn chiến, ở vùng giao giới giữa Hồ Nam và Quý Châu từng xảy ra một vụ xác cổ quấy nhiễu dân tình. Tương truyền, đấy là cương thi đời Nguyên trong mộ cổ Bình Sơn ở Tương Tây, lúc thi biến, trong miệng từng phun ra một viên nội đơn màu đỏ chói...”
Có điều trời không tuyệt đường người, những chấn động dự dội do tuyết lở gây ra đã khiến triền núi dốc ngược trước mặt chúng tôi nứt ra một khe hở lớn hướng thẳng xuống dưới.
Cơn lũ tuyết mù mịt trên trời đã đổ ập xuống, mọi người chẳng kịp đắn đo, liền gắng sức lao vào khe nứt trong núi đá, độ dốc bên dưới rất lớn, chẳng ngờ khoảng cách trên dưới lại khác xa đến vậy, năm người cuộn lại với nhau ngã lăn xướng dưới, lộn nhào mấy vòng rơi xuống đáy một cái hang lớn.
Ngay sau đó, một khối tuyết lớn cũng ập xuống bịt kín khe nứt, vô số bông tuyết tung lên xối xả, khiến ai nấy đều ho lên sặc sụa. Tiếng uỳnh uỳnh trên đầu mãi lâu sau mới yên trở lại, nghe những tiếng động ấy, không biết bên trên đã có mấy vạn tấn tuyết trút xuống nữa.
Trong hang tối mịt chẳng thể nhận ra thứ gì, mọi người coi như thoát chết, mãi lâu sau mới có người cất tiếng, nghe rõ là giọng vùng Đông Bắc, thoạt nghe đã biết ngay là anh Đô: “Người nào còn thở được thì gắng ới lên một tiếng! Hồ Bát Nhất, Cả Oa, anh Lưu, cô Lạc! Mọi người ở đấy cả chứ?”
Tôi cảm thấy toàn thân xương cốt rã rời, đau đến nói chẳng ra hơi, chỉ ê ê vài tiếng ra hiệu mình vẫn còn sống.
Cả Oa đáp lại một tiếng, rút đèn pin soi chung quang, Lạc Ninh ngồi trên đất, đôi mắt ngây dại, hình như không bị thương gì, anh Lưu nằm bên cạnh cô, hai mắt nhắm nghiền hôn mê bất tỉnh, chân trái của anh đã gãy, nửa khúc xương trắng hếu chọc cả ra ngoài.
Khe núi chúng tôi rơi vào vừa sâu vừa hẹp, ngoài vùng đèn pin soi được đều là một bóng tối đen như hũ nút, bị hạn chế tầm nhìn, nên chẳng biết phía xa kia địa hình thế nào.
Anh Đô đưa tay thử hơi thở của kỹ sư Lưu, rồi lập tức run rẩy thõng xuống: “Thôi rồi! Tắt thở rồi!”
Tôi trườn người qua sờ vào động mạch cổ của anh, đúng là đã chết rồi, tim cũng ngừng đập, đành thở dài bảo anh Đô: “Mình chôn anh ấy đi thôi!”
Tôi lấy xẻng công binh ra định đào hố, Cả Oa đứng cạnh vội ngăn lại, chỉ xuống dưới đất, lắp bắp: “Bọ.. lửa!” Cả Oa nhắc nhở, tôi mới nhớ ra lúc nãy vì muốn đào hố chôn xác người kỹ sư bị ngã chết, kết quả là đào ra được một con bọ quái quỷ, cả đội mười bốn người, vậy mà chỉ trong vài phút kinh hồn khiếp vía ấy đã chết mất mười người, xem ra đất đai nơi này không thể tùy tiện đào bới được, có trời mới biết dưới đó cá cái quỷ gì.
Nhưng dẫu thế nào cũng chẳng thể để thi thể đồng đội phơi ra bên ngoài như thế này được, đành phải áp dụng biện pháp chiết trung vậy.
Tôi cầm đèn pin soi cho Cả Oa và anh Đô đi nhặt đá vụn chung quanh mang về đắp lên xác anh Lưu, coi như dựng một ngôi mộ đá thô sơ cho anh vậy.
Trong khi suốt quá trình đó, Lạc Ninh từ đầu chí cuối cứ ngồi bất động một chỗ, lặng nhìn ngôi mộ đá của anh Lưu, cuối cùng chẳng thể cầm lòng hơn, khóc òa lên nức nở, nỗi đau đè nén trong lòng bấy lâu trào dâng lên như nước vỡ bờ.
Tôi định khuyên giải cô, nhưng quả thực cũng không biết phải nói gì nữa, bị tiếng khóc của cô làm xúc động, mũi tôi cũng thấy cay cay, lòng như dao cắt, nhớ lại tối qua cả đội cùng ngồi quây quần quanh lửa trại hát vang khúc quân ca, tiếng ca ấy cơ hồ vẫn còn văng vẳng bên tai, vậy mà hôm nay hầu hết đồng đội đã mãi mãi ngủ yên dưới dòng sông Côn Luân lạnh giá.
Tôi dìu Lạc Ninh đứng dậy, cùng cúi đầu mặc niệm anh Lưu và những đồng đội khác. Thời đó, bất kể là trường hợp nào cũng phải trích dẫn lời trong Tuyển tập Mao Trạch Đông, tôi cất giọng đọc trước: “Khắp trời rải trắng, trong tuyết hành quân lòng sốt sắng.”
Ba người còn lại cùng đồng thanh tiếp lời: “Chóp mũ non cao, vượt ải tung bay ngọn cờ đào. Duy kẻ hy sinh chí khí lớn, dám xoay nhật nguyệt đổi trời nao!”
Nói đoạn, mọi người cùng giơ tay phải tuyên thệ: “Các chiến hữu, các đồng chí, xin hãy yên lòng ra đi, con người ta có cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng cũng có cái chết nặng hơn núi Thái Sơn, cái chết vì lợi ích của nhân dân là cái chết nặng hơn núi Thái Sơn, các anh đã hy sinh cho lợi ích của nhân dân. Chúng tôi nhất định sẽ kế thừa ý chí của các bậc tiền bối cách mạng, nhất định sẽ nối gót bước tiếp con đường cách mạng đã nhuộm đỏ máu các đồng chí, tiến hàng triệt để công cuộc Đại Cách mạng Văn hóa của giai cấp vô sản, thắng lợi cuối cùng vĩnh viễn thuộc về giai cấp công nông binh chúng ta!”
Lúc ấy tôi vẫn là tân binh, chưa từng tham gia lễ truy điệu đồng đội bao giờ, chẳng biết nên nói thế nào mới phải, chỉ nhớ trong các cuộc họp người ta đều nói như vậy, mà trong tình huống bấy giờ, cũng chẳng cần biết có thích hợp hay không nữa rồi.
Một lúc rất lâu sau, mọi người mới bình tĩnh lại, xử lý qua loa các vết thương trên người, cũng may chỉ toàn thương nhẹ, không ảnh hưởng gì tới việc đi lại. Chúng tôi ăn vài miếng bánh khô rồi tụm lại bàn xem tiếp theo nên làm gì. Thoát ra từ khe núi bị tuyết lấp kín là điều không thể, tôi đoán cả khe núi lúc nãy có lẽ đã bị tuyết lấp phẳng, giờ chỉ còn cách tìm đường ra khác mà thôi.
Cả Oa vỗ vỗ vào túi đạn rỗng trên mình tỏ ý đạn không còn nhiều nữa, lúc vào núi, vì phải mang theo nhiều thiết bị cho nên chúng tôi chỉ được phân đạn dược theo định mức thấp nhất, mỗi người chỉ trang bị có ba băng đạn, dù sao thì cũng không phải nhiệm vụ chiến đấu, vùng này cũng không có thổ phỉ gì. Vừa nãy khi tuyết lở bọn tôi lại vất một phần đạn dược, giờ mỗi người chỉ còn lại tầm hai mươi viên, tổng cộng còn có hai quả lựu đạn nữa. Dưới đất chắc chẳng có thú dữ, đạn nhiều cũng chẳng để làm gì, đủ phòng thân là được.
Nhưng lương khô thì đã hết sạch, thứ ăn được thì vừa nãy ăn cả rồi, trong hai ngày tới nhất thiết phải nghĩ cách tìm được lối ra, nếu không cũng sẽ chết đói ở đây mất. Điều may mắn duy nhất trong nỗi bất hạnh chính là trên người Lạc Ninh vẫn còn một chiếc la bàn.
Độ sâu của khe nứt này quá sức tưởng tượng của chúng tôi, sau khi đi một đoạn về hướng Nam thì hết đường, vết nứt chuyển sang hướng Bắc, theo cảm giác thì hình như chúng tôi đang đi phía dưới Sông Băng.
Trong bóng tối, chúng tôi đi độ mười tiếng đồng hồ, càng đi địa thế càng dốc xuống, không gian cũng mỗi lúc rộng ra, Lạc Ninh dùng máy đo khí áp đo thử, đổi chỉ số khí áp ra thành độ cao so với mặt nước biển tương đương thì chỉ có hơn bốn trăm mét, xấp xỉ với vùng Tứ Xuyên và thấp hơn rất nhiều so với độ cao hơn bốn nghìn mét của cao nguyên Thanh Tạng, nếu cứ đi xuống dưới nữa thế này, sợ rằng sẽ đi vào tâm trái đất mất.
Địa thế cuối cùng cũng bằng phẳng lại, bên tai loáng thoáng nghe thấy tiếng nước chảy xiết, dường như cách đây không xa có một con sông ngầm lớn. Tôi thấy có lẽ đường không dốc nữa, liền lấy đèn pin soi khắp chỗ xem liệu có đường nào lên trên không, bỗng nhiên phát hiện ra ánh sáng đèn pin gặp phải vách đá, lóe lên những tia phản quang yếu ớt, như soi vào vô số mảnh gương vỡ vậy.
Lạc Ninh kinh ngạc thốt lên: “Là mi ca đấy!”
Ba chúng tôi thấy Lạc Ninh bảo là mi ca cũng chẳng biết là thứ gì, nhưng nghe giọng cô dường rất kinh hãi, nên đều ngỡ có chuyện khẩn cấp, vội vã chạy lên trên che chắn cho cô, chúng tôi rút cây súng trường tự động kiểu trên lưng xuống với tốc độ nhanh nhất có thể, mở chốt an toàn lên đạn tanh tách, chuẩn bị ngắm bắn.
Lạc Ninh ngạc nhiên hỏi: “Mấy anh làm gì vậy?”
Tôi vừa giương súng phòng bị, vừa hỏi lại Lạc Ninh: “Mi ca gì? Con nào? Ở đâu?”
Lạc Ninh trả lời: “Không phải là con gì, ý tôi bảo rằng chung quang đây toàn là các tinh thể, mi ca và thạch anh thông thường đều xuất hiện ở cùng một địa tầng, a, quả nhiên cũng có thạch anh này!”
Tuy Lạc Ninh chủ yếu phụ trách công việc đo vẽ bản đồ, nhưng thường xuyên làm việc cùng đội thăm dò địa chất, kiến thức của cô về các khoáng chất cũng không ít, tinh thể tựa như những mảnh thủy tinh xung quanh chúng tôi là một loại tinh thể monoclinic, chỉ xuất hiện trong lớp nham tầng song chất từ thời thái cổ, có rất nhiều ở lòng đất vùng Hà Bắc. Nhưng loại mi ca ở đây hình trụ lục giác, lại có màu sắc rất đậm. Chất lượng hơn hẳn loại hàng nội địa, chỉ nhìn màu sắc mi ca, có thể biết vị trí chúng tôi đứng hiện giờ đã sâu đến mức khó có thề tưởng tượng nổi rồi.
Lạc Ninh bị cuốn hút bởi những khối mi ca hiếm có, xem hết khối này đến khối khác, tôi tiện tay nhặt một khối nhỏ lên xem, nhưng chẳng thấy nó có chỗ nào giá trị hết.
Lúc ấy bỗng dưng nghe thấy tiếng anh Đô gọi Cả Oa: “Cả Oa! Mày làm gì thế? Mau đứng dậy đi!”
Tôi liền soi đèn pin, thấy Cả Oa đang bò rạp người trên mặt đất, dập đầu vái lạy theo kiểu người Tạng, thằng nhóc này làm gì vậy nhỉ? Đập đầu lạy ai? Tôi lại soi đèn lên phía trước mặt cậu ta, không khỏi thở hắt ra một hơi lạnh toát.
Trong lòng đất ai ngờ lại sừng sững một ngôi tháp gỗ hình chữ “kim” (…) ghép bởi hàng ngàn cây gỗ lớn, trên tháp lấp lánh muôn vàn tia sáng đỏ, mượn nguồn ánh sáng yếu ớt ấy, có thể thấy nền tháp rộng gần hai trăm mét, đầm bằng đất và đá; thân tháp dựng bằng gỗ bách ngàn năm, cả thảy có chín tầng, mỗi tầng đều chất đầy những bộ hài cốt khô đét mặt trang phục cổ quái, già trẻ gái trai có đủ, trên mỗi cây gỗ lại khắc đầy những văn tự kỳ bí của người Tạng. Đây là một ngôi mộ sao? Quy mô lớn như vậy, là ai đã dựng nó dưới lòng đất này chứ?
Lạc Ninh từ nãy tới giờ vẫn mải xem xét mi ca, nghe thất chúng tôi xì xào, cũng chạy tới gần xem sao.
Tôi huơ tay tỏ ý bảo anh Đô đừng nói xen vào, tiếp tục hỏi Cả Oa: “Đây là tháp gì vậy? Những chữ viết trên kia cậu đọc hiểu không?”
Cả Oa lắc đầu lia lịa.
Tôi nói tiếp: “Dớ dẩn thật! Không hiểu thì dập đầu làm gì? Thấy nhiều xương cốt quá nên sợ ngây ra hả?”
Mặt Cả Oa đầy vẻ hoảng loạn, cậu ta run run nói bằng thứ tiếng phổ thông không mấy sõi: “Nhât bao Oa noi, Oa không biêt noi, cư băt Oa noi, đây.. là… là… lầu ma… chin… chín tầng.”
Nửa câu trên tôi nghe không hiểu lắm, nhưng bốn chữ cuốn cùng thì nghe rất rõ ràng, lại hỏi dồn: “Lầu ma chín tầng nào? Dùng để làm gì? Chẳng phải là để chôn người chết sao?”
Chưa đợi Cả Oa trả lời, Lạc Ninh đã rón rén chạy từ chân tháp lại, rồi ra hiệu cho chúng tôi không được lên tiếng, sau đó chỉ về phía ngọn tháp sau lưng khẽ bảo: “Chớ có kinh động đến chúng.”
Tôi nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của Lạc Ninh, biết rằng chắc gặp phải rắc rối rồi, nhưng không biết cô định nói đến thứ gì, nên bèn hạ giọng hỏi: “Kinh động cái gì? Xác chết trong tháp ư?”
Lạc Ninh vô cùng căng thẳng đáp: “Không, là lũ bọ lửa, chúng ngủ trong xác chết, nhiều không đếm xuể!”
Nghe Lạc Ninh nói vậy tôi mới phát giác, hóa ra những điểm sáng đỏ chi chít trên thân tháp chính là do lũ bọ trong suốt kia phát ra.
Tuy nói rằng tôi ít nhiều cũng có khí phách không biết sợ của một quân nhân cách mạng, nhưng hễ nghĩ đến con bọ lửa cổ quái kia, trong lòng tôi lại cảm thấy hoảng sợ vô cùng. Cái loại sinh vật nằm ngoài thường thức này thực sự quá khó đối phó, nỗi sợ mà cảnh tượng thảm khốc trong khe núi để lại trong tôi quả thực quá đỗi ghê gớm.
Tôi ra hiệu cho cả bọn lặng lẽ rút về đường cũ. Nhưng mới được vài bước, Cả Oa bỗng hẫng chân ngã xuống một cái rãnh.
Cái rãnh này khuất mắt, lại song song với đường chúng tôi đi, cho nên lúc vào đây chẳng ai phát hiện ra cả. Rãnh tuy chỉ sâu hơn một mét, nhưng Cả Oa vẫn kêu lên một tiếng khe khẽ, tôi vội nhảy xuống dìu cậu ta lên, chỉ thấy Cả Oa ôm chân, vẻ mặt hết sức đau đớn.
Bấy giờ Lạc Ninh và anh Đô cũng theo nhau xuống dưới rãnh, đèn pin vừa soi tới, liền phát hiện ra Cả Oa bị một khúc xương nhọn sắc đâm thủng cả giày lẫn chân, máu chảy xối xả. Dưới rãnh, khắp nơi toàn xương động vật trắng nhờ chồng chéo lên nhau, số lượng quá nhiều, khó mà tính được. Xem ra cái rãnh chắc là hố tuẫn táng trâu, ngựa, dê chó gì đó.
Để khỏi kinh động đến lũ bọ lửa trong tháp, anh Đô lấy tay bịt miệng Cả Oa lại không để cậu ta kêu thành tiếng, tôi rút phăng khúc xương ra khỏi chân Cả Oa, Lạc Ninh liền lấy thuốc Vân Nam bạch dược trong túi cấp cứu rắc lên vết thương, rồi lấy bông băng giúp Cả Oa cầm máu.
Trên tay tôi dính đầy máu chảy ra từ chân Cả Oa, tiện tay bèn quệt luôn vào bộ quân trang mấy cái, trong đầu chợt nghĩ ra một ý nghĩ, cái hố tuẫn táng trâu ngựa này rõ ràng rất quái lạ, nó không phải hình tròn cũng chẳng phải hình vuông mà lại đào thành một cái rãnh dài, thông thẳng đến tòa tháp gỗ nơi đặt thi thể, hình dạng như vậy thật khớp với loại bố cục được đặt tên là “Nhiếp” được nhắc đến trong Phong thủy bí thuật, nếu thực là thế thì ở vị trí song song với rãnh này hẳn còn một rãnh tuẫn táng khác có quy mô tương tự.
Hai rãnh tuẫn táng song song, kẹp chặt ngôi mộ kết cấu tháp gỗ, tạo thành thế “lưỡng long tranh châu”, theo lý đó mà suy đoán thì rãnh bên kia hẳn tuẫn táng nhũng đồ dùng thường nhật của chủ mộ. Có điều không biết hai rãnh tuẫn táng này là do thiên nhiên hình thành hay do con người tạo ra nữa, nhưng xem chừng khả năng thứ nhất có vẻ nhiều hơn.
Tiếng nước chảy gần đây nghe rất lớn, dựa theo tiếng nước chảy mà phán đoán thì khả năng nó nằm ở hướng Tây Bắc, cũng có nghĩa là phía sau lầu ma chín tầng có một con sông ngầm dưới đất, bởi “rồng” không thể rời khỏi nước được.
Nếu quả thật mọi việc như tôi dự đoán thì bản đồ khu vực dưới lòng đất này sớm đã nằm gọn trong đầu tôi rồi, chỉ có điều phải tìm ra nốt cái rãnh tuẫn táng thứ hai mới có thể chứng thực được những suy đoán của tôi mà thôi.
Anh Đô hẩy vai tôi gọi: “Nhất! Có chuyện gì thế?”
Tôi đang bần thần, bị hẩy một cái liền định thần lại, vội hỏi Lạc Ninh: “Kỹ sư Ninh, cô có thể tính ra được vị trí chúng ta đang đứng hiện giờ không? Đại khái nó nằm ở chỗ nào trong bản đồ vậy?”
Lạc Ninh lấy la bàn ra tham chiếu với bản đồ rồi tính toán một lúc, cô trầm ngâm giây lát rồi trả lời: “Chúng ta đã đi một mạch về hướng Bắc phải mười mấy giờ đồng hồ rồi, dựa theo tốc độ của chúng ta thì chắc đã vượt qua Sông Băng trên đầu từ lâu, có lẽ đã sắp ra khỏi dãy Côn Luân rồi.”
Tôi nói ra những suy nghĩ vừa rồi, đoạn nói: “Bây giờ nếu đi ngược trở lại, chỉ có thể về tới chỗ khe núi bị tuyết bịt kín, và nếu tôi đoán không nhầm, chúng ta đi men theo con sông ngầm này, chắc sẽ tìm được đường ra. Nhưng làm như vậy thì phải mạo hiểm đi qua bên dưới lầu ma chín tầng, là phương án tìm ra sự sống trong cái chết.”
Bốn người bàn bạc một hồi, cảm thấy nếu làm vậy tuy đầy rẫy nguy hiểm, nhưng cũng đáng để mạo hiểm một lần, có điều tôi quyết định phải đi tìm rãnh tuẫn táng thứ hai trước đế chứng thực cái đã.
Trước khi hành động, tôi hỏi Cả Oa, rốt cuộc lầu ma chín tầng là gì.
Cả Oa nói tiếng phổ thông rất vất vả, lắp bắp mãi cuối cùng tôi mới hiểu được phần nào, ở Huyết Vị, quê nhà cậu ta, cũng có một di tích giống y như tòa lầu ma chín tầng này, tương truyền “lầu ma chín tầng” chính là kiểu lăng tẩm quàn cữu của các vua chúa Ma quốc thời cổ đại, khi Ma quốc diệt vong, ngôi mộ đó đã bị vị vua anh hùng Kasar phá hủy, ngày nay trên cao nguyên Tây Tạng chỉ còn lại một đống khung gỗ đổ nát và bản trường ca truyền miệng của mục dân, đời đời ca tụng chiến công lừng lẫy như mặt trời của đức vua Kasar.
Mỗi khi mục dân người Tạng đi qua di tích này, họ đều phải rạp người vái lạy, ngâm hát sử thi. Điều này hoàn toàn không phải vì sợ hãi lăng tẩm của vua chúa Ma quốc, mà để bày tỏ lòng tôn kính với vua Kasar. Truyện "Ma Thổi Đèn "
Cả Oa còn nói mấy chuyện liên quan đến tôn giáo, nhưng tôi không hiểu lắm, lũ bọ như thứ lửa ma kia có phải là những vong linh đang yên nghỉ trong mộ hay không cũng khó mà biết được.
Tôi để ba người bọn Lạc Ninh ở nguyên chỗ cũ, một mình bò lên trước, cách rãnh tuẫn táng trâu ngựa độ hơn trăm mét quả nhiên có một rãnh tuẫn táng khác đầy những ủng da cổ, đồ đồng, đồ trang sức, thú gỗ, thẻ gỗ ghi văn tự cổ của người Tạng, người Mông, lương thực và một lượng lớn những đồ gấm lụa tùy táng.
Xem ra tôi suy đoán quả không sai, dòng sông ngầm phía sau lầu ma chín tầng chắc chắn thông ra bên ngoài, liền lẳng lặng quay lại rãnh tuẫn táng động vật gọi ba người kia tiếp tục lên đường.
Tôi đi trước mở đường, anh Đô vác súng theo sau, thứ đến là Cả Oa, vết thướng ở chân cậu ta không nhẹ, Lạc Ninh phải đi phía sau dìu cậu ta.
Lầu ma chín tầng rất lớn, hang động ngầm này vốn dĩ rất rộng, nhưng tòa lầu này và hai dải mi ca hai bên gần như đã chặn tắc con đường đi về phía Bắc, hai mé bên cạnh chỉ còn lại hai khe rất hẹp, miễn cưỡng có thể lách qua.
Chúng tôi đi qua bên dưới tòa tháp trong một nỗi lo nơm nớp, nhìn những con bọ lập lòe như những đốm lửa trong tháp, cảm giác tim mình như muốn bắn ra khỏi lồng ngực, quãng đường dưới chân tháp chỉ vẻn vẹn hai trăm mét, nhưng bước nọ cách bước kia sao mà xa xôi đến thế!