CHƯƠNG 1
Người ngoài hễ đặt chân đến phủ Tùng Dương mà hỏi thăm nơi nào hay ho thì trước tiên sẽ nghe được câu vè cửa miệng này.
Cái gọi là “ăn ở thành Đông” là chỉ đường Thuận Phúc trong thành Đông. Bước vào đầu ngõ là có thể thấy hàng bán bánh bao, bánh tùng cao đủ món, cốc rượu lá sen, những quầy hàng san sát cạnh nhau khiến người ta hoa cả mắt. Tiếng rao hàng liên tiếp vang lên chẳng những không chút chói tai mà lại có sự hài hòa lạ lùng. Nếu yêu thích thanh tĩnh thì hãy bước vào tửu lâu, tìm một nhã gian để ngồi, còn có thể gọi một nàng ả đào đến hát một điệu nghe, thanh âm lắng trong mùi rượu thì khác nào tận cơn ý vị.
Bên ngoài Thịnh Đức môn ở thành Tây tập họp những cửa tiệm vải vóc trứ danh nhất thành, trong đó bao gồm đại danh đỉnh đỉnh Thiên Cẩm phường, Tường Vân trai và Hoa Nguyên đường. Vải vóc nơi đây chẳng những muôn màu đa dạng mà còn bám sát trào lưu kinh thành, tất nhiên có biết bao phu nhân trong phủ Tùng Dương nườm nượp chen lấn mà chọn.
Thành Nam là chốn những tài tử Tùng Dương tụ hội với nhau. Vì sao hễ là tài tử có chút tiếng tăm đều đến thành Nam thì vẫn là chuyện kỳ quái mà dân chúng Tùng Dương không sao hiểu được. Ai ai cũng nói phong thủy nơi đây tốt lành nên những nhà muốn con mình vượt long môn đều mau mắn chuyển đến thành Nam, khiến nơi đây trở thành nơi tấc đất tấc vàng. Ngày thường, những tài tử này nhàn hạ chẳng làm gì nên kết giao nhau ngâm vịnh thơ với tán thưởng hoa. Nếu có người du học từ nơi khác đến thì còn có thể thấy một hội văn thơ đối họa nữa. Nói là có hiểu biết cũng được mà bảo học đòi văn vẻ cũng hay, những khi có thi đua tranh tài thì số người vây xem tuyệt không phải ít.
Nhưng nơi mà dân chúng phủ Tùng Dương thích nhất vẫn là thành Bắc. Triều đình kiểm soát chặt chẽ kỹ phường chèo và tứ đổ tường, không phải kỹ viện hay sòng bạc nào cũng có thể tùy tiện mở tiệm, tất cả đều nằm trong vòng vây bọc ở phố Thăng Bình thành Bắc. Mỗi nơi đều phải có văn thư của quan phủ, phàm là tự ý tụ tập đánh bạc hay dung dưỡng xướng kỹ đều xử phạt nghiêm khắc như nhau.
Trông ra mặt trời đã tỏ, thế là người buôn bán làm ăn, kẻ hối hả gấp rút, người mang chim rảo bước, hết thảy tầng lớp kiểu cách đều túa ra làm các đường phố náo nhiệt và rộn rịp cả lên. Chỉ có nhìn vào phố Thăng Bình là một loạt nhà đều kín cửa lặng ngắt như tờ.
Vì sao à? Đêm xuân ngắn ngủi, sợ là phải ngủ đến mặt trời lên ba sào mới chịu dậy.
Một bóng dáng nhỏ gầy xuất hiện ngoài đầu phố vắng vẻ, y lưỡng lự một lúc rồi mới đi vào một nhà có bảng “Cẩm Xuân viên” mà gõ cửa.
Lúc này đang là đầu xuân nên tiết trời còn nhuốm chút rét, gió lạnh thẩm thấu hất tung vạt áo đơn bạc của y. Thân người y co rúm lại đứng chờ người trông cửa đến.
Nắng ban mai nhàn nhạt chiếu lên người y phác họa dáng hình thanh tú. Chất ngây thơ còn chưa dứt khỏi gương mặt nhỏ nhắn kia, y cũng chừng mười sáu, mười bảy tuổi là cùng. Ngũ quan vô cùng thanh nhã nhưng tiếc là sắc mặt rất nhợt nhạt, có lẽ do đông lạnh mà ra. Trông thần sắc y rõ ràng hận không thể quay đầu chạy mất, nhưng vẫn thật thà đứng đây gõ cửa.
Gõ một hồi cửa mới mở ra, tên tiểu tư trông cửa ngáp ngắn ngáp dài hỏi: “Ai đó? Mới tảng sáng đã đập cửa rầm rập hà.”
“Tiểu Cửu ca, là ta đây.”
Thằng nhóc Tiểu Cửu nhìn kỹ diện mạo người mới tới thì kinh hãi, tỉnh ngủ hơn phân nửa: “A Đoan, sao lại là ngươi? Chẳng phải ngươi tới tiệm đồ cổ của Tạ chưởng quỹ học nghề sao? Thế nào lại chạy về đây? Tạ chưởng quỹ kêu về à?” Đi học nghề ở nhà người ta mà không có sự cho phép của chưởng quầy thì không thể một mình về nhà, bằng không là tội tự ý trốn đi, nhẹ thì ăn đòn mà nặng thì tống cổ ra cửa.
A Đoan thấp giọng nói: “Tiểu Cửu ca, huynh để ta vào trong trước đi, ở đây lạnh quá.”
Tiểu Cửu nắm tay y thì thấy bàn tay nhỏ nhắn kia lạnh cóng mới vội cởi áo mình ra khoác lên người y rồi kéo vào trong.
“Ca ca ta đâu rồi?” A Đoan ngó quanh quất bên trong rồi hỏi. Hiển nhiên y rất sợ hãi vị “ca ca” này, vậy mà nội nhắc tới thôi đã run lẩy bẩy rồi.
Tiểu Cửu trề môi: “Hiếm sao đêm qua hắn có khách, chưa chắc lát nữa dậy nổi đâu.”
“Vậy ta… vậy ta về phòng trước.”
“Khoan đã.” Tiểu Cửu thấy y úp úp mở mở, nói chuyện ngập ngừng thì sinh nghi: “Không phải ngươi tự ý trốn về đó chứ?”
Sắc mặt A Đoan càng xanh xám hơn.
Tiểu Cửu hoảng hốt: “Bộ ngươi muốn chết thiệt sao? Để ca ca ngươi hay được thì coi có lột da ngươi ra không? Còn không mau đi về!”
Nghĩ đến gương mặt hung thần ác sát của huynh trưởng, quả thật lòng A Đoan rất sợ sệt nhưng vẫn cứng rắn lắc đầu.
Tiểu Cửu giậm châm bảo: “Lúc này ngươi còn kiên cường chịu đựng nỗi gì chứ? Tên chưởng quầy ác độc đó sao không ác với ca ca ngươi đi. Hắn làm gì ngươi rồi? Mau nói coi!”
A Đoan vẫn lắc đầu, nước mắt đã lăn dài trên má.
Tiểu Cửu thấy y khóc như hoa lê ẩm mưa thì đã mềm lòng tức khắc: “Đừng khóc, đừng khóc mà, ngươi không muốn về thì chúng ta nghĩ cách khác vậy. Vầy đi, ngươi trốn vào phòng ta trước đi nha? Mà, ây da không được, phòng ta tai mắt tùm lum hà, chưa tới nửa buổi tin sẽ truyền tới tai ca ca ngươi cho coi.” Cha của tiểu Cửu là tay đánh thuê ở đây, từ nhỏ hắn lớn lên trong này, nhờ thể diện của ông già mà làm chút chuyện tạp dịch kiếm miếng ăn. Còn như chỗ ở thì tất nhiên là ngủ chung với mấy tên đánh thuê tạp dịch kia.
“Ta nhớ ra rồi, lần trước trong Hồng Hương các sau hậu viện có một tiểu quan treo cổ, lão cha nói chỗ đó là điềm gở nên đã cho khóa lại không dùng tới, ngươi trốn tạm ở đó đi.”
A Đoan hẵng còn do dự: “Nếu chưởng quầy tìm tới, ta phải làm sao đây?”
“Ta sẽ ngặm tăm cái miệng, chết cũng bảo không thấy người đâu hết. Miệng mồm của ta còn không phải là nói dối một cây sao chứ?”
A Đoan ngẫm nghĩ xong lại khẽ gật đầu: “Tiểu Cửu ca, cũng may là có huynh.”
Trong khi hai người đang nói chuyện thì đột ngột một thanh âm vang lên: “Ta còn tưởng là ai, hóa ra là A Đoan thiếu gia của chúng ta đây sao? Chẳng phải nói đã đi học nghề rồi à? Chưa chi quay lại nhanh vậy?”
Lúc đó thực đúng là sấm sét giữa đồng hoang khiến cho A Đoan và tiểu Cửu sợ tới điếng hồn. Trong tình thế cấp bách, tiểu Cửu quýnh quáng bịt miệng người kia: “Tiểu tổ tông của ta ơi thấp giọng chút cái đi, đừng kinh động tới người ngoài chớ.”
“Buông tay ra! Ngươi là cái thớ gì mà dám chạm vào ta hả?” Sắc mặt người kia sầm xuống, vung tay tát tiểu Cửu một cái.
Xướng quán ở phủ Tùng Dương không ngoài hai loại, một là thanh lâu còn một là tướng công quán. Trong xướng quán phân chia cấp bậc rất rành rọt, cao nhất hiển nhiên là đám bảo đầu, sau là đánh thuê, kế nữa là kỹ nữ rồi tiểu quan, chót nhất chính là thứ tạp dịch ai cũng có thể khinh miệt. Nhưng giả như kỹ nữ hay tiểu quan là cây hái ra tiền của quán thì địa vị càng khác biệt hơn, ngay cả bảo đầu cũng phải cẩn thận hầu hạ.
Thật bất hạnh thay, tiểu Cửu chính là loại tạp dịch hèn mạt nhất tướng công quán, trong khi người đánh hắn lại là hồng tiểu quan được “lão cha” cưng nhất trong phố Thăng Bình.
“Lão cha” chính là chủ nhân nơi này. Thực ra hắn chẳng già nỗi gì nhưng lại có tật thích bảo tiểu quan gọi mình là “lão cha.”
Tiểu Cửu bị quất vào tay thì giận lắm đó mà cũng không dám hó hé gì, còn phải cười ra mặt: “Cẩm Tâm, xin ngươi thương xót đừng để ca ca y nghe được mà.”
Cẩm Tâm cười cợt: “Ta cốt ý muốn cho ca ca nó nghe thấy, ngươi làm gì được ta?” Hắn lên giọng: “Cả ngày luôn miệng lải nhải A Đoan nhà ta tương lai phải là đại chưởng quỹ của tiệm đồ cổ, là người có tiền đồ xán lạn, không giống với bọn ta bán thân sống qua ngày. Giờ thì sao hả? Chưa tới mấy ngày đã bị người ta đuổi cổ ra ngoài rồi. Cho nên mới nói số ai đã định sẵn hết rồi, muốn trèo cao cũng phải coi thân phận mình có bao nhiêu cân lượng chứ!”
Hắn hét quàng quạc vậy làm người trong phòng không biết chuyện gì đều túa ra xem.
A Đoan thấy cả đám người bu đến thì sớm muộn huynh trưởng mình cũng sẽ ra tới thôi. Huynh trưởng rất xem trọng sĩ diện, nếu bị nhiều người chê cười thế này nhất định sẽ nổi trận lôi đình. Y vội cúi gầm đầu đi về phòng.
“Ơ này, đừng đi vội chứ.” Cẩm Tâm sao lại buông tha y dễ dàng được, hắn bèn chắn ngang y. Luận tuổi tác thì hai người này không chênh lệch mấy, có điều bình thường Cẩm Tâm cao khỏe hơn nên kéo A Đoan cái một khiến y không nhúc nhích được.
A Đoan giãy giụa không ra, mặt mày đỏ bừng cả lên: “Buông tay ra!”
Hai người đang giằng co lại nghe một người lên tiếng: “Sáng sớm đã chí chóe nhặng xị, cãi cọ gì đó?” Thanh âm này không chỉ có âm lượng mà còn rất nghiêm khắc. Vừa nghe tiếng đã biết người mới đến không phải loại dễ đối phó.
Vừa nghe tiếng nói này tay chân A Đoan đã mềm nhũn còn mắt Cẩm Tâm thì sáng rỡ, hắn biết sắp có kịch hay coi rồi.
Mấy người vây quanh đều tản ra hai bên nhường đường cho nam tử vừa lên tiếng. Những tiểu quan này cũng giống Cẩm Tâm, trên mặt nở ra nụ cười giả lả chờ xem trò vui.
Chỉ thấy người mới xuất hiện vận một bộ áo màu xanh điểm hoa sậm, không biết có cố ý hay không mà cổ áo mở phanh lộ ra phần da trắng ngần. Hắn thừa biết không ít khách làng chơi đang dán mắt vào phần lõa lồ phía trên mình, chẳng những không che lại mà còn cố tình kéo ra khiến cổ áo càng rộng hơn.
Cẩm Tâm nhìn theo cổ áo hắn mà mắng thầm: Thứ lão đê tiện không biết xấu hổ, phóng đãng trong phòng chưa đủ sao mà còn muốn kéo ra tới ngoài viện, sợ không ai thấy à!
Ngoài miệng hắn lại xởn lởn: “Thanh Lạc à, chưa tới mùa nóng mà ngươi ăn bận kiểu đào hát là sao vậy? Ngoài này gió mát lắm, khoác áo vào trước đi. Dù sao ngươi cũng không giống chúng ta, lớn tuổi rồi coi chừng đổ bệnh là khổ đó.”
Hắn vừa dứt lời thì đám tiểu quan bu quanh đều che miệng khúc khích cười.
Người nam tử này gọi là Thanh Lạc, xem chừng cũng hai mươi tuổi đầu là cùng. Hai mươi tuổi vẫn còn là thanh niên, khổ nỗi làm tiểu quan thì tuổi hắn đã lớn rồi. Thân thể không còn mềm mại như thiếu niên mà chất nam tính đặc thù cũng ngày càng rõ rệt, khách ủng hộ hắn dần dà giảm đi thấy rõ. Chính hắn cũng thừa hiểu tình trạng này chẳng thể dài lâu nên cũng đang rầu rĩ. Giờ nghe Cẩm Tâm mỉa mai thì càng bực bội thêm, đôi mắt phượng trợn trừng muốn phát cáu.
A Đoan thấy hai người họ đang đấu võ mồm, không để ý gì mình nên len lén thụt lùi khỏi đám đông, thầm nghĩ thừa dịp lộn xộn âm thầm bỏ đi, nhưng có kẻ không cho y cơ hội. Không biết là ai đẩy nhẹ sau lưng y vào vòng lốc xoáy khiến y giật mình kêu lên, lộ tẩy hành tung của mình.
“A Đoan, sao ngươi lại về đây?”
Thanh Lạc nghe tiếng liền quay đầu lại, vô tình thấy cái kẻ đáng ra không nên ở trong này mới phải.
“Đệ…” A Đoan thấy huynh trưởng thì sắc mặt đã trắng bệch, líu lưỡi không nói ra lời.
Tiểu Cửu mau miệng: “Là Tạ chưởng quỹ bảo A Đoan trở về… a, để lấy quần áo thay cho giao mùa.” Nói tới đặt chuyện thì óc hắn xoay chuyển rất nhanh.
Thanh Lạc bán tín bán nghi: “Không phải đã đưa ngươi một số đồ rồi sao?”
Không đợi A Đoan trả lời, một giọng nói đã cất lên từ phía sau: “Không phải ngươi tự ý trốn về đó chứ?”
Thanh Lạc quay đầu lại, người mở miệng chính là Cẩm Tâm nhưng nghe giọng điệu kia thì rõ là nhái giọng tiểu Cửu, trong lòng hắn khẽ giật thót.
Chỉ nghe Cẩm Tâm nói tiếp: ” Bộ ngươi muốn chết thiệt sao? Để ca ca ngươi hay được thì coi có lột da ngươi ra không? Bằng không vầy, ngươi trốn tạm trong Hồng Hương các trước đi, nếu Tạ chưởng quỹ tới hỏi ta sẽ nói không thấy người đâu cả.”
Thì ra mấy lời khi nãy đều đã bị hắn nghe thấy hết! A Đoan và tiểu Cửu đều kêu khổ trong lòng.
Vì thế Thanh Lạc mới biết đệ đệ của mình trốn về đây làm hắn giận run cả người. Xưa nay hắn rất hiếu thắng nhưng thấy bao nhiêu con mắt trước mặt nên cũng không dễ nổi cơn ngay, hung hăng lườm A Đoan một cái, thầm nghĩ lát về ta tính sổ với ngươi, chuyện khẩn cấp giờ là phải đuổi tên Cẩm Tâm muốn bêu xấu mình đi cho khuất mắt. Hắn cười khẩy một cái: “Hóa ra sáng sớm ngươi thủ sẵn ở đây là muốn kiểm soát ta. Hây, vậy mà làm ta nghĩ không đâu, tưởng ngươi hầu hạ Thẩm đại nhân không tốt nên bị đá lăn xuống giường rồi chứ.”
Cả đám vây xem lại khanh khách cười Cẩm Tâm. Bọn họ cũng không nghiêng hẳn bên nào, chỉ thấy bên nào bẽ mặt là cười hùa thôi.
Cẩm Tâm đỏ mặt: “Ngươi nói nhảm gì đó? Là Thẩm đại nhân bảo muốn ăn sủi cảo nên ta mới đi dặn nhà bếp làm đây.”
Thanh Lạc đánh tiếng thở dài: “Nói vậy Thẩm đại nhân phải đợi hồi lâu nữa mới ăn được món sủi cảo này rồi. Đợi chút nữa làm bữa trưa một thể cho rồi, chỉ không biết bụng của đại quan nhân có chịu nổi hay không đây?”
Cẩm Tâm hung hãn trừng mắt với hắn: “Không mượn ngươi lo hão, liệu thân lo huynh đệ bảo bối của ngươi đi.” Hắn ưỡn ngực, hất mặt đi về hướng nhà bếp.
“Nhìn cái gì mà nhìn, hết tuồng rồi!” Một tay Thanh Lạc xua người còn tay kia lôi A Đoan về phòng mình.
Tất cả các tiểu quan đều ở hậu viện. Những gian phòng lộng lẫy đằng tiền viện đều dùng cho lúc tiếp khách, chỗ ở thật của bọn họ vô cùng sơ sài.
Phòng của Thanh Lạc có hai gian với một bức màn ngăn ở giữa. Phòng vốn đã chật hẹp mà còn chia ra thì còn tù túng hơn. Khó khăn lắm mới tống được A Đoan đi nên Thanh Lạc định bỏ cái màn này cho thành một gian rộng, nhìn vào cũng thoải mái chút. Ai ngờ A Đoan lại không biết tốt xấu mà chạy trở về!
Nghĩ tới đây lửa giận trong lòng Thanh Lạc lại bốc lên, quay lại xô A Đoan một cái: “Đứa dốt đặc này, ai cho ngươi tự ý chạy về đây hả?”
Nãy giờ A Đoan vẫn không nói câu nào, cúi gầm mặt theo sát hắn, giờ bị xô một cái nên ngã nhào ra đất: “Đệ…”
“Đệ cái gì mà đệ? Ngươi biết ta đã tốn bao nhiêu bạc để Tạ chưởng quỹ nhận ngươi không hả? Giờ ngươi trở giọng bảo đi là đi, ngươi tưởng bạc ta kiếm là tự nhiên gió thổi tới sẵn nhà sao?” Thanh Lạc càng nói càng nóng máu, vung tay vô cớ đánh A Đoan mấy cái.
Trước giờ A Đoan bị hắn đánh đã quen nên cũng không dám né tránh, chỉ biết ôm đầu co cụm cho bớt đau. Bình thường Thanh Lạc gai mắt nhất chính là bộ dáng nhu nhược để người ta đánh mắng này của y, thấy vậy hắn chẳng buồn đánh nữa mà túm áo y: “Thứ vô dụng, ta không muốn phải nuôi ngươi cả đời! Đi, mau theo ta về tiệm đồ cổ của Tạ chưởng quỹ!”
A Đoan đang ngoan ngoãn để mặc hắn đánh chửi nhưng vừa nghe vậy đã lồm cồm bò dậy: “Đừng mà… Ca, đệ cầu xin huynh, đệ không muốn về đó đâu!”
“Ngươi không muốn học nghề mà mơ làm đại thiếu gia à, số ngươi tốt tới vậy sao? Ai nuôi ngươi chứ? Đi về!”
“Đừng mà!” A Đoan vừa giãy giụa vừa cầu xin: “Ca, đệ xin huynh, huynh muốn đệ làm tạp dịch hay khuân vác gì cũng được hết, nhưng xin đừng kêu đệ về cái tiệm đó. Tên Tạ chưởng quỹ đó không phải… không phải là người tốt!”
Thanh Lạc giật mình, ngừng tay lại: “Tại sao hắn không phải là người tốt?”
“Hắn… hắn bắt đệ phải…” A Đoan nhớ tới mấy lần bức bách của Tạ chưởng quỹ thì nước mắt lại tuôn tràn như thác.
“Được rồi, đừng có khóc.” Thanh Lạc thấy nước mắt là đã bực bội, “Nếu ngươi thật có bản lĩnh thì khóc cho tên già háo sắc đó chết đuối còn hơn. Hừ, cái lão quỷ râu xanh này thường ngày mò tới kỹ viện còn chưa đủ, giờ tính động tay động chân với đồ đệ nữa sao? Hắn không sợ phạm quy ước của phường hội mà tống cổ lão đi à?”
A Đoan lí nhí nói: “Hắn nói với đệ ‘Ca ca ngươi là tiểu quan thì ngươi cũng không trong sạch nỗi nào đâu.’ Còn bảo nếu đệ dám hé môi, hắn sẽ nói với người ta là đệ cám dỗ hắn. Dù sao với xuất thân của đệ thì ai lại đi tin đệ mà không tin hắn.”
“Cái lão già ôn dịch đó không phải người mà! Lấy bạc ta rồi mà dám giở trò sau lưng ta!” Thanh Lạc hận tới nghiến răng ken két, nghĩ tới mớ tiền đổ sông đổ biển kia thì còn đau lòng xót dạ hơn, cơn căm hận này buộc phải trút lên đầu A Đoan.
“Thứ hèn nhát, nếu không phải ngươi yếu đuối vậy thì sao hắn không kiêng nể gì chứ?” Hắn nói một câu lại xỉa mạnh lên trán A Đoan.
Thân người A Đoan bị hắn xỉa lắc lư mà cũng không dám tránh né.
Xỉa xói đã tay rồi Thanh Lạc cũng thấy mệt, thở dài một hơi: “Bỏ đi, lão già kia không phải thứ tốt lành gì, ngươi không cần về nữa. Mấy hôm nay con của Hồng cô ngã bệnh nên không ai giặt quần áo cho ta, ngươi đi giặt hết đi.”
A Đoan như nghe được lệnh ân xá bèn mau mắn đứng dậy, gom hết áo quần rải rác trên giường và ghế ôm đi giặt.
Bên tai còn nghe huynh trưởng nhắc với theo: “Đời ta không biết tạo ra nghiệt chướng gì mà lại đưa ta cái thứ ăn hại như thuốc cao dính da chó, quăng mãi không được, phiền chết được mà.”
Khóe mắt A Đoan đỏ hoe, ôm áo quần cúi đầu đi ra ngoài.
***
Bỏ thùng vào giếng đang định kéo lên, bất chợt lòng bàn tay y rát đau, buông dây thừng xuống nên thùng nước rớt tõm xuống giếng. A Đoan phát hiện lòng bàn tay đã bị trầy sướt cả da. Lúc đó bị huynh trưởng xô ngã nên mới bị thương. Khi ấy sợ hãi quá mức nên y cũng không nhận ra.
A Đoan khẽ nhíu mày, đợi tới giờ này lại bị thương.
Kiếm miếng vải vụn băng tay lại xong, y mới kéo thùng nước lên. Vì gắng chịu đau nên mồ hôi ứa ra ướt cả trán, y cúi nhìn thì máu đã thấm ra lớp vải.
Dè dặt thò tay vào chậu gỗ, nước giếng đầu xuân vẫn còn cái lạnh của đông giá nên lạnh đến thấu xương. Y cắn chặt răng, gồng mình nhúng tay vào.
Thực ra y cũng không xa lạ gì mấy cơn lạnh này. Ở cửa hàng của Tạ chưởng quỹ, mấy công việc giặt giũ quét tước đều do một tay y làm. Ăn uống kham khổ không nói gì đi, phải như Tạ chưởng quỹ không có ý đồ bất chính thì y vẫn bám trụ ở đó rồi. Có khổ cực đi nữa cũng còn tốt hơn ở đây nhìn người ta nặng nhẹ mình là ăn không ngồi rồi.
Y hiểu rõ huynh trưởng xem y như một gánh nợ. Tất nhiên thôi, lúc huynh trưởng bị đưa vào xướng quán này thì đã cắt đứt quan hệ với bọn họ. Đáng tiếc ông trời trêu ngươi, một nạn đói ập tới khiến cha mất sớm, mẹ đang bệnh nặng nên không thể không mang y còn nhỏ giao cho huynh trưởng đã bị họ vứt bỏ bấy lâu nay.
Mấy năm nay huynh trưởng ghét y ra mặt, thật đau đớn trong lòng. Nhiều khi thấy hận không chết luôn với cha mẹ cho rồi, còn hơn lẻ loi trên đời thế này…
“Sao đó A Đoan, đang giặt quần áo à?”
A Đoan ngẩng đầu lên, thấy người mới tới thì lắp bắp kinh hãi: “Lão cha…”
“Lão cha” chính là bảo đầu của xướng quán, ngay cả Thanh Lạc thấy hắn cũng còn phải cung kính thì huống chi là cái thân ăn nhờ ở đậu của A Đoan, y cuống quít đứng lên, “Lão cha muốn tìm ca ca của con sao?”
Lão cha tủm tỉm cười: “Không phải, người ta tìm là con đó.”
A Đoan rúng cả mình, trực giác bảo rằng không lẽ ông ta không cho mình ở lại đây nữa sao? Phải làm sao đây giờ? Y không khỏi biến sắc, lo lắng hỏi: “Không biết A Đoan đã làm sai điều gì ạ?”
Lão cha đỡ một bên vai y dịu dàng bảo: “Đừng sợ, ta mới nghe con đã về nên tới nhìn mặt cái thôi… Ây da, tay con bị thương rồi, vậy mà Thanh Lạc còn bắt con giặt giũ nữa, đúng là không biết thương người gì hết.”
Hắn muốn sờ tay A Đoan nhưng y lại bối rối tránh né làm tay hắn trơ ra.
A Đoan cho là hắn sẽ nổi đóa lên nên trong lòng càng thêm hốt hoảng, vậy mà hắn cũng chỉ cười cười, không so đo gì. “Thật ra với nhân phẩm của con thì làm mấy công chuyện này đúng là oan ức mà.”
A Đoan thấp giọng thưa: “Không sao, con đã quen rồi.”
Mắt lão cha láo liên cười: “A Đoan à, con có nhớ Tào viên ngoại hay không? Chính là người đã từng nâng đỡ ca ca của con đó?”
Lập tức A Đoan nhớ tới cái diện mạo phốp pháp kia. Trước kia Tào viên ngoại này là khách quen của huynh trưởng, có điều hai năm nay rất ít lui tới, có tới thì cũng ti hí mắt nhìn chòng chọc mình khiến cả người sượng ngắt. Trong lòng A Đoan rất sợ hãi con người đó.
“Chắc con cũng có nghe ca ca nhắc tới, Tào viên ngoại được xem là đại phú ông trong thành này. Nếu ai bước vào cửa được thì tha hồ mà hưởng vinh hoa phú quý cả đời, bao nhiêu người thèm muốn mà không được. Đây cũng coi là duyên phận, viên ngoại thấy ai cũng chướng mắt nhưng lại rất coi trọng con nên thương lượng với ta muốn nhận con làm nam thiếp. Cái này là số đỏ từ kiếp trước đó nên ta mới bàn ngay với ca ca con. Ai dè ca ca con đúng là ngu muội, hôm sau đã đưa con đi học nghề mất rồi. Làm ta hận quá chừng đi! Cũng may, vận khí mà ập tới núi ngăn cũng chẳng đặng, khi không con lại chạy về đây nên ta mới bỏ nhỏ với riêng con, xem ý con thế nào?”
Hắn nói mà nước miếng văng tứ bề, A Đoan càng nghe càng thấy hãi hùng. Chưa nói tới chuyện làm nam thiếp là hạ tiện cả đời, chỉ nội nhớ tới bộ dáng ục ịch của Tào viên ngoại kia thôi y muốn nôn tháo cả cơm hôm qua.
Lão cha còn dai dẳng vặn hỏi: “Thế nào? Con có chịu không? Tô Châu qua rồi không còn đò ngang đâu con.”
Sắc mặt A Đoan tái nhợt: “Không…”
Vừa nghe chữ “không” là lão cha đã đổi sắc mặt, phùng mang trợn trắng: “Ngươi không muốn sao? Đây là chuyện tốt trời cho đó.”
“Con…” Bản tính của A Đoan nhu nhược nên bị hăm vậy trong lòng đã chết khiếp, muốn cự tuyệt cũng nói không ra lời.
“A Đoan, A Đoan, hóa ra ngươi ở đây! A, lão cha cũng ở đây sao?” Tiểu Cửu từ xa chạy lại nên bầu không khí căng thẳng cũng giảm bớt. Hắn định tìm A Đoan mà không ngờ lại đụng mặt người không nên xuất hiện ở chỗ này.
Lão cha thấy có người tới thì cũng thôi dồn ép, buông một câu lạnh tanh: “Cái nên nói ta đã nói hết rồi, chuyện này đối với ngươi hay ca ca ngươi đều tốt mà ngươi cũng không biết suy xét.” Chốt lại một câu rồi hắn đùng đùng bỏ đi.
“Sao vậy A Đoan? Lão cha tới tìm ngươi có chuyện gì à? Ông ta nói gì vậy? Sắc mặt ngươi khó coi quá, bộ lạnh lắm sao? Cả người run bần bật rồi nè.”
A Đoan chỉ khẽ lắc đầu, ngồi xuống ghế gỗ mà giặt đồ tiếp.
Tiểu Cửu giật áo quần ra đoạn cầm hai tay của y: “Đừng giặt nữa, coi tay bị thương vậy cẩn thận nó trầy nặng hơn đó.”
A Đoan rút tay về thì thầm: “Không sao.” So với bị huynh trưởng ghét bỏ chút chuyện cũng làm không xong thì vết thương có nặng hơn chẳng là gì.
“Được rồi, ngươi đi nghỉ trước đi. Yên tâm, ca ca ngươi giờ không có đây đâu chứ không ta cũng không dám tới tìm ngươi.”
A Đoan ngẩn ngơ: “Huynh ấy đi đâu vậy?”
“Có biết đâu. Ta chỉ nhác thấy hắn ra khỏi quán đi về phố. Theo cái tính ham tiền của hắn thì phân nửa là càng nghĩ càng ấm ức nên đi đòi bạc bái sư từ tên Tạ chưởng quỹ đó rồi.”
A Đoan tròn xoe mắt: “Đòi tiền lại được sao?”
“Hờ, tên Tạ chưởng quỹ đó có tiếng là vắt chày ra nước, bạc nuốt vào bụng mà nhổ ra mới là lạ. Cho nên ta mới muốn nhắc ngươi phải cẩn thận chút, nếu ca ca ngươi không đòi được bạc thì thể nào cũng trút giận lên mình ngươi thôi.”
Thân người A Đoan không tự chủ run lên, y cúi đầu, nước mắt lại ứa ra.
“Đừng khóc mà, nếu ca ca ngươi không chứa ngươi thì còn có ta. Hai năm nay ta cũng dành dụm được một khoản, đủ an bài một chỗ cho ngươi mà.”
A Đoan nghe lời nói chân thành của hắn thì biết, trong Cẩm Xuân viên này chỉ có tiểu Cửu là quan tâm tới mình. Lòng thấy ấm áp hẳn, y mỉm cười: “Đa tạ huynh.”
Nước mắt hẵng còn long lanh trong mắt y, nụ cười khẽ này càng tôn gương mặt nhỏ nhắn thanh tú kia rạng rỡ hơn, như đóa hoa cúc rộ bên gốc cây làm dấy lên nỗi tiếc thương không lời. Tiểu Cửu bất giác nhìn đến ngây dại.
***
Thấp thỏm đợi đến chiều cũng chưa thấy huynh trưởng trở về, tim A Đoan đã muốn bung khỏi ***g ngực. Vừa lo lắng không biết hắn có xảy ra chuyện gì không, lại sợ hắn không đòi bạc được sẽ trút giận lên mình.
Thấy sắc trời đã tối, rốt cuộc A Đoan kềm chế không được bèn bước ra khỏi phòng.
Lúc này khách làng chơi đang rộn rạo khắp Cẩm Xuân viên. Thường ngày Thanh Lạc tuyệt không cho phép y đặt chân ra khỏi cửa, sợ là chạm mặt phải tên khách đểu cáng nào sẽ rước lấy phiền hà.
A Đoan đi tới tiền viện nhưng chỉ thấy đèn đóm rực rỡ, đoàn người ngược xuôi cười đùa không ngớt bên tai. Trong lòng y thót sợ bèn vội vàng cúi gầm mặt, men nhanh theo ven tường.
“Ô, chờ đã, tiểu mỹ nhân kia…”
Tiếng nói ngả ngớn truyền tới tai, A Đoan chăm chăm nhìn thẳng, bước chân càng mau hơn.
“Ta kêu ngươi đó, đứng lại coi.”
Đột nhiên một bàn tay bắt lấy cổ tay A Đoan khiến y thất kinh. Chỉ thấy người nắm y là một nam tử thanh niên say ngà ngật vận cẩm y ngọc bào, chắc là khách làng chơi ở đây rồi.
“Diện mạo đúng là thanh tú thật.” Rõ ràng tên nam tử thấy dung mạo của A Đoan đã có chút giật mình, quay sang bảo người thiếu niên phấn son xinh đẹp bên cạnh, “Ngọc Yên, ngươi đúng là không biết điều, trong viên khi nào xuất hiện một đứa nhỏ xuất chúng vậy cũng không giới thiệu cho ta nữa.”
Thiếu niên tên Ngọc Yên kia hừ lạnh một hơi: “Người ta không phải làm nghề này, ngài đừng có mà ngó nghiêng bậy bạ, đi mau!” Khách của mình lại bị người khác câu dẫn khiến hắn mất hứng vô cùng, trừng mắt liếc xéo A Đoan một cái rồi kéo người kia đi khỏi.
Tới khi hai người kia đi khá xa rồi A Đoan mới thở phào nhẹ nhõm. Bị khiếp đảm một bận nên trông thấy người rộn rịp trước mặt, y đã không có dũng khí đi qua. Còn đang phân vân thì chợt nghe một thanh âm sắc bén vang lên: “Ngươi không yên thân đợi ở trong phòng mà ra đây làm gì?”
A Đoan hoảng hốt quay đầu lại, chỉ thấy huynh trưởng đang nổi giận đùng đùng đứng trước mặt. Vui mừng hết mức nên đã quên bẵng cơn sợ, y lí rí nói: “Đệ thấy huynh đi lâu vậy còn chưa về nên lo cho huynh…”
“Không cần, nếu ngươi thật sự lo lắng cho ta thì bớt gây phiền toái chút đi, không chừng ta còn sống thêm được hai năm nữa. Đi, về phòng mau!”
A Đoan không dám nhiều lời, ngoan ngoãn đi theo huynh trưởng. Lúc này y mới để ý huynh trưởng đi hơi khập khiễng, may là có người kế bên đỡ lấy. Dáng của người đang dìu huynh trưởng rất cao lớn, cao hơn hắn tới nửa cái đầu và cao hơn y cũng phải một cái đầu. Trong màn đêm không nhìn rõ khuôn mặt, nhưng từ bộ áo quần cao sang kia thì dễ thấy xuất thân người này không phải tầm thường.
Mặc dù có chút hiếu kỳ đối với người lạ này nhưng A Đoan vẫn chú ý đến thân thể huynh trưởng nhiều hơn: “Ca, chân của huynh làm sao vậy?”
Hắn hỏi nhầm chỗ nên vừa buột miệng Thanh Lạc đã bốc hỏa, hung hăng gằn lại: “Không phải tại ngươi thì còn ai!”
Thì ra hắn đi kiếm Tạ chưởng quỹ đòi lại bạc. Thứ nhất là thái độ của hắn luôn dữ dằn, trước giờ Tạ chưởng quỹ cũng phải sợ hắn ba phần, thứ hai, chung quy là đối phương đuối lý nên bốp chát một hồi không hiểu sao Tạ chưởng quỹ lại trả tiền cho hắn thật. Ai ngờ trời có mưa gió bất trắc, mới ra khỏi đầu ngõ đã bị một tên cơ bắp che mặt giật mất.
“Hừ, nếu không phải tên đầu gỗ chết đờ này chắn đường, mắt mũi để đâu đụng ngã ta thì ta đã tóm gáy tên ăn cướp đó rồi.” Dứt lời Thanh Lạc trừng mắt lườm người nam tử bên cạnh một cái.
Nam tử thản nhiên đáp lời: “Thì ra ta đứng yên ở đó cũng xô người ngã được à?”
“Ai bảo ngươi không có mắt đứng chắn giữa đường! Giờ ta bị thương rồi không phải sao?”
Nam tử kia không buồn tiếp lời nữa như hết biết nói rồi, mà cũng trông như lười cãi với hắn nữa.
A Đoan nghe cuộc đối thoại thì cũng hiểu sơ sơ. Chắc hẳn lúc huynh trưởng chạy theo bắt tên trộm đã sơ ý đụng trúng người nam tử này nên bị thương ở chân. Còn người này hơn phân nửa là không làm gì được tính cãi chầy cãi cối của huynh trưởng nên mới đồng ý đưa hắn về.
Trong lúc lời qua tiếng lại vậy thì đã về tới nơi, A Đoan đẩy cửa ra, người nam tử kia đỡ Thanh Lạc ngồi xuống giường xong mới nói: “Giờ đưa ngươi về nhà thì ta đi được rồi.”
“Khoan đã.” Thanh Lạc níu cánh tay hắn, còn chưa chịu từ bỏ ý đồ. “Ngươi đi vậy sao?”
Nam tử kia nén cơn giận: “Ngươi còn muốn gì nữa? Đi xem thầy lang cũng đã xem qua, tẩy mùi rượu đổ trên người cũng đã tẩy, vết thương vặt vãnh này hai ngày là khỏi thôi, ngươi còn bất mãn gì chứ?”
“Nói là nói vậy, ngươi có biết ta làm nghề gì không hả?”
Lúc nam tử kia dìu hắn vào đây thì cũng biết chỗ này là xướng quán nên thấy cả người không được tự nhiên, hận không thể tránh xa chỗ này càng sớm càng tốt. Hắn nhíu mày: “Ở trong này còn làm được nghề gì tử tế chứ?”
Nhìn sự khinh miệt trên mặt đối phương, Thanh Lạc bật cười lên: “Ngươi cũng biết thân thể bọn ta chính là tiền vốn. Bây giờ chân ta bị thương thế này còn người lại bốc mùi rượu nồng nặc, ngươi kêu ta tiếp khách thế nào đây? Chuyện làm ăn hai ngày tới của ta coi như ngóc mỏ rồi.”
“Bớt vòng vo chút, ngươi muốn bao nhiêu đây?” Rốt cuộc nam tử cũng hiểu ra là hắn muốn gạ tiền.
Thanh Lạc cười toe toét, tay vấn một lọn tóc mà khoe: “Với giá của ta thì hai ngày này cũng phải năm mươi lượng.”
A Đoan đứng thin thít bên cạnh nghe chuyện, lúc này mới giật mình. Y thầm nghĩ huynh trưởng thật sự là nói thách không chớp mắt mà, huynh ấy tiếp khách ba tháng còn không lời tới năm mươi lượng, người kia chắc chắn là không chịu rồi.
Ngờ đâu người kia không nhưng nhị gì, rút ra tờ ngân phiếu năm mươi lượng: “Đủ chưa?”
Thanh Lạc cũng không ngờ đối phương lại thẳng thắn vậy. Cầm lấy ngân phiếu, đôi mắt phượng khẽ cong tựa trăng lưỡi liềm mà cười: “Đủ rồi, đủ rồi… Có bạc rồi ta cũng không truy cứu nữa, chẳng qua là ta xui xẻo thôi. A Đoan, mang chậu nước ấm tới cho ta ngâm chân, hây, thật là đau chết người ta mà.”
“Dạ.” Biết rõ hắn làm vậy chỉ để cho người khác xem nhưng A Đoan cũng không dám chần chừ, vội vàng ra ngoài làm.
Không bao lâu đã nấu nước ấm xong, đang bưng chậu nước vào phòng thì đột nhiên một bóng đen sấn ra từ góc phòng khiến A Đoan nhảy dựng. Nhìn kỹ thì thấy đúng là người nam tử khi nãy, hóa ra hắn còn chưa đi.
“Ngươi gọi là A Đoan?” Ánh mắt người nọ hưng phấn lóe sáng như sao trong đêm tối.
A Đoan ngơ ngẩn gật đầu.
Người nọ cúi gần, bất chợt vươn tay nâng khuôn mặt y lên ngắm nghía.
Hành vi này thực sự rất giống như loại chòng ghẹo. A Đoan muốn giằng ra nhưng còn đang bưng chậu nước ấm, sợ làm đổ nước nên y run rẩy nói: “Xin ngài… buông ta ra, bằng không ta… ta sẽ gọi người tới đó.”
Nam nhân khẽ cười, quả nhiên buông tay ra thật: “Ngươi luôn ở phủ Tùng Dương này sao?”
Không biết ý hắn muốn gì, A Đoan chỉ biết nơm nớp lo sợ: “Ta vốn ở dưới quê, lúc mười hai tuổi mới theo ca ca tới đây, đến giờ cũng được bốn năm rồi.”
“Bốn năm.” Người kia như đang suy ngẫm gì đó, sau khẽ gật đầu. “Vậy là đúng rồi.”
A Đoan ngạc nhiên hỏi: “Đúng cái gì?”
“A Đoan, A Đoan! Mới kêu ngươi đi đun nước mà ngươi chết đâu rồi?” Trong phòng vang ra tiếng quát tháo, lại là Thanh Lạc đang chờ tới sốt ruột.
“Dạ tới ngay, tới ngay đây!” A Đoan lật đật đáp lời. Thấy nam tử kia đã đi mất nên dù có nhiều điểm ngờ vực y cũng không rảnh mà đi truy hỏi.
Vừa bước vào thì thấy Thanh Lạc nằm nghiêng trên giường đang vân vê tờ ngân phiếu không dứt. “Nếu sớm biết hắn rộng rãi vậy thì nói một trăm lượng có phải hơn không?”
A Đoan không nói lời nào, y bất mãn cách thức của huynh trưởng nhưng không dám nói gì. Y ngồi xổm xuống thử nước ấm, đưa tay lướt qua làm gợn nước tỏa đều, nhớ đến lời nói và hành động kỳ lạ của nam tử kia thì lòng y cũng lăn tăn sóng theo.
Luôn cảm thấy người kia sẽ còn xuất hiện nữa.
◊◊◊
Chú thích:
Tùng Dương nằm trong tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc.
‘Phủ’ ở đây với nghĩa là khu vực hành chánh dùng từ thời Đường đến thời Thanh, cao hơn huyện một cấp, tương đương với tỉnh. Hiện tại thì đã thành huyện Tùng Dương.