Tiêu Tương Thần Nữ lập tức nọc Phỉ nhi ra đánh mấy chục roi vì tội bỏ nhà trốn đi, khiến mọi người phải lo lắng.
Không dám vận công chống đỡ nên mông cậu bé sưng vù, nằm ngồi gì cũng đau. Phỉ nhi hỏi xin Tú Châu ít cao thuốc thì bị nàng từ chối :
- Ráng chịu đau vài ngày thì mới chừa được tật xấu.
Vương giáo chủ đã trở về Qui Sơn, chỉ có Khúc Mạc Sầu và đám thủ hạ thân tín rút về Sở gia trang.
Nhớ nghề xưa, Khổng Tước Thần Ma nuôi công, Hạc lão nhân nuôi hạc, còn Tỳ Bà Tú Sĩ huấn luyện bầy rắn hổ mang. Đám điển xà này sẽ là lực lượng hộ vệ Sở gia trang.
Thần Ma còn đem thủ pháp Khổng Tước Mao ra dạy cho mọi người, đẻ chuẩn bị cho cuộc chiến sắp đến. Bản thân Tứ ác ma cũng ráo riết ôn luyện võ công, vì biết mình đã lạc hậu, ngay cả Hắc Diêm La và Bạch Phán Quan cũng không địch lại.
Phiêu Trần suốt ngày ở ngoài vườn, khổ luyện pho Thủy Lãng kiếm pháp để nâng cao bản lãnh, đồng thời chỉ bảo thêm cho thê thiếp.
Giữa tháng chạp, trinh sát của Tỳ Bà Sương ở Hà Nam báo về rằng Thần Võ bang và Toàn Cơ bang đã chạm trán hai trận, thương vong khá nhiều nhưng không phân thắng bại. Sa Mạc Chi Vương giao đấu với Trương Tự Thanh cũng ngang tài. Hai đại cao thủ ấy bèn đình chiến, hẹn gặp ở Đại Hội bầu Minh chủ, ngày hai mươi tám tháng hai năm tới.
Trong bữa cơm chiều, Phiêu Trần thở dài nói với Sở Quyền :
- Hài nhi không hiểu sao phái Thiếu Lâm lại bày trò bẩu Minh chủ trong lúc này? Như thế có khác gì đem dâng võ lâm cho Trương Tự Thanh hay Sa Mạc Chi Vương? Hai người ấy võ công cao siêu nhất thiên hạ, còn ai địch lại họ?
Kim Nhãn Điêu trầm ngâm :
- Có lẽ Thiếu Lâm và các phái Bạch đạo đã có chỗ sở cậy nên mới làm thế. Từ ngày Trần nhi xuất hiện, thanh danh phái Nga Mi đã lấn át cả Thiếu Lâm tự lẫn Võ Đang. Sư tổ ngươi có viết thư cho ta, bảo rằng mỗi phái đang khổ công tài bồi cho đệ tử kiệt xuất để có thể tranh hùng với Trần nhi đấy.
Sách Siêu cười nhạt :
- Công địch không là đối phó, tranh giành chi chút hư danh? Phen này mà ngôi Minh chủ rơi vào tay Tà Ma thì nguy to!
Khúc Mạc Sầu gật gù :
- Xem ra gánh nặng này lại rơi vào vai Sở hiền đệ mà thôi.
Yên Hà phụng phịu nói :
- Chuyện của thiên hạ, hà tất tướng công phải đưa thân ra gánh vác. Chàng có mệnh gì chỉ khổ cho thê tử mà thôi!
Phiêu Trần mỉm cười :
- Nàng quên rằng Trương Tự Thanh là kẻ thù giết cha ta hay sao?
Chàng quay sang hỏi Miêu Vô Mi đang đứng sau lưng mình :
- Các hạ có biết gì về lai lịch của Sa Mạc Chi Vương Kim Mãn Lộ không?
Từ ngày được trở thành thủ hạ của Phiêu Trần, họ Miêu luôn có mặt đứng im như pho tượng gỗ mà chẳng hề biết mệt mỏi là gì. Ngay cả khi đêm xuống, gã cũng đứng ở cửa phòng, khiến các vị phu nhân thẹn thùng e ngại. Họ sợ gã nghe được những lời ân ái ngọt ngào hay âm thanh của hoan lạc.
Phiêu Trần phải giải thích mãi gã mới bỏ những phiên gác đêm oái oăm ấy. Nhưng ban ngày thị họ Miêu luôn túc trực chẳng rời chủ nhân.
Giờ đây, được Phiêu Trần hỏi đến, gã cung kính đáp :
- Bẩm công tử! Kim Mãn Lộ là đệ tử của Thiên Sơn Đao Vương đất Tây Vực. Thuở nhỏ, họ Kim được Đao vương cho ăn chín viên Thiên Sơn Tuyết Liên Tử nên công lực rất thâm hậu. Lão ta lại thông minh tuyệt thế, ngoài đao pháp còn tinh thông sở học nhiều nhà. Sở thích của lão là vàng và gái đẹp.
Tỳ Bà Tú Sĩ cười khanh khách bảo Độc phụ nhân :
- Cũng may năm ấy bà đã sáu mươi, nếu không họ Kim cũng chẳng buông tha đâu.
Đỗ Thuyên vuốt tóc ỏng ẹo :
- Tại lão thân lỡ khai tuổi thực, nên gã chẳng dám làm càn. Chứ nhan sắc này đã khiến y cứ nhìn ta chằm chặp.
Cả nhà phì cười trước cảnh làm duyên của bà già quá chín mươi.
Ngay hôm sau, Sở gia trang nhận được thư của Chưởng môn phái Nga Mi, yêu cầu đệ tử đời thứ ba Sở Phiêu Trần thay mặt Vạn Niên tự tham gia cuộc luận võ ở Trung Sơn vào ngày đầu tháng hai. Đại biểu các phái Bạch đạo sẽ so tài, chọn ra người có bản lãnh cao cường nhất để thượng đài tranh chức Minh chủ.
Kim Nhãn Điêu cau mày :
- Đây không phải là ý hay, nhưng cũng còn hơn là đánh nhau trong ngày đại hội! Ra giêng lão phu sẽ đưa Trần nhi đi Trung Sơn!
Sáng ngày hai mươi sáu tháng chạp, trong lúc cả nhà đang rộn ràng chuẩn bị sửa sang, quét dọn để đón xuân, thì cả một đoàn xa mã dừng chân trước cổng Sở gia trang.
Tuy không hô hoán nhưng lá đại kỳ cắm ở cạnh xe song mã có ghi rõ năm chữ Hà Nam đại tiêu cục.
Nêéu không tính gã đánh xe thì còn có mười kỵ sĩ, do một lão nhân râu rồng thống lĩnh. Lão xuống ngựa, trao bái thiếp cho người gác cổng.
Do đề phòng Phi Đao môn và Toàn Cơ bang nên Sở gia trang được canh gác rất cẩn mật. Một trong bốn gã gia nhân mang thiếp vào trong bẩm báo, Kim Nhãn Điêu nhận thiếp, nhíu mày ngạc nhiên :
- Lạ thực, sao Tổng tiêu đầu Thiên Phương Họa Kích Lương Viễn Chinh lại đến đây vào lúc này nhỉ?
Khúc Mạc Sầu nói :
- Trụ sở của Hà Nam đại tiêu cục ở thành Nam Dương, có thể việc này dính dấp tới Toàn Cơ bang.
Lệnh báo động được ban bố và các cao thủ chủ chốt tiến ra đón khách.
Khúc Mạc Sầu ở Hà Nam nên nhận ra ngay Lương tổng tiêu đầu. Lão lạnh lùng hỏi :
- Năm hết tết đến, lão không ở nhà đón xuân, còn lặn lội tới đây làm gì?
Họ Lương hỏi lại :
- Vị nào là Nga Mi đại kiếm khách Sở Phiêu Trần?
Chàng bước lên điềm đạm nói :
- Chính là tại hạ!
Lương Viễn Chinh trầm giọng :
- Đêm mười ba vừa rồi, Toàn Cơ bang chủ cùng thủ hạ mặc tang phục, khiêng một cỗ quan tài đến nhà lão phu, bắt phải hộ tống đến Sở gia trang giao cho thiếu hiệp. Lão phu không nhận cũng không được vì sanh mạng toàn gia và cơ nghiệp đều nằm dưới quyền sinh sát của Trương Tự Thanh!
Phiêu Trần rúng động hỏi :
- Tổng tiêu đầu có biết danh tánh của người trong linh cữu hay không?
Họ Lương gật đầu :
- Trương bang chủ bảo rằng đây là thi hài của lệnh đường. Đại quận chúa Hà Tường Anh!
Hai gã tiêu sư vội vén vải bạt quanh thùng xe, để lộ ra một cỗ áo quan bằng gỗ quý, trên nắp có bát hương nghi ngút và linh vị ghi rõ tên tuổi.
Phiêu Trần choáng váng như bị sét đánh. Chàng hít một hơi chân khí để trấn tỉnh rồi nói :
- Phiền Tổng tiêu đầu cho xe vào sân trong.
Trong lúc xe song mã tiến vào, Dạ Tri Thù Sách Siêu nói mau :
- Trần nhi nên cẩn thận! Đây có thể là độc kế của Trương Tự Thanh, lão rất yêu quý lệnh đường, đâu có lý do gì gởi xác đến cho ngươi!
Miêu Vô Mi lẳng lặng chạy vào nhà xách hai chiếc ghế dài, để bọn tiêu sư đặt quan tài lên.
Lương tổng tiêu đầu vòng tay cáo biệt :
- Lão phu đã hoàn thành nhiệm vụ, xin được phép quay về, may ra còn được hưởng chút hương xuân.
Biết Hà Nam tiêu cục bị cưỡng bách mà làm việc này, giữ lại cũng vô ích, Kim Nhãn Điêu vòng tay đáp :
- Xin cảm tạ chư vị.
Khi khách đi rồi, mọi người xúm lại bàn bạc. Phiêu Trần nói :
- Những mũi đinh gỗ trên áo quan đã đóng chặt, nhưng chúng ta cũng phải mở ra mới xác định được giả chân.
(Theo phong tục Trung Hoa xưa, quan tài được ghép bằng mộng, nắp đóng lại bằng chốt gỗ chứ không dùng sắt thép)
Tỳ Bà Sương lo ngại :
- Hiền đệ không sợ chất độc, nhưng nếu đối phương gài hỏa dược bên trong thì sao?
Mọi người giật mình, công nhận lão có lý. Chợt Miêu Vô Mi vòng tay nói :
- Bẩm công tử! Thuộc hạ có thể đánh hơi mùi hỏa dược, xin phép được xem qua!
Phiêu Trần gật đầu đồng ý. Họ Miêu nghiêm giọng :
- Mong chư vị lùi cả ra để đề phòng bất trắc.
Ai cũng lui vào hàng hiên, chỉ mình Phiêu Trần đứng im. Chàng hờ hững nói :
- Ta không có thói quen để thủ hạ chết thay cho mình, các hạ cứ ra tay đi.
Miêu Vô Mi giơ ngón cái mỉm cười rồi rút thanh tiểu đao mỏng như giấy, khoét một lỗ nhỏ ở cạnh quan tài. Mùi hôi thối bay ra nồng nặc, vì người này đã chết được ít nhất là mười ba ngày.
Thế mà họ Miêu vẫn thản nhiên kê mũi vào ngửi. Gã nhăn mặt bảo :
- Ngoài mùi thịt rữa còn thoang thoảng mùi diêm sinh. Xem ra hỏa dược được gài ở nắp hòm. Âm mưu này quả là thâm độc.
Phiêu Trần hỏi ngay :
- Nếu chúng ta dùng bảo kiếm rọc đứt mảnh ván dài bên hông, liệu có chạm cơ quan hay không?
Miêu Vô Mi suy nghĩ rồi đáp :
- Bẩm công tử! Có lẽ là không! Theo thiển ý của thuộc hạ, ngòi nổ và bộ phận đánh lửa phải cài ở nắp hòm để không bị ướt bởi nước vàng của xác chết.
Phiêu Trần gật gù :
- Vậy thì các hạ hãy lui ra để ta xuất thủ.
Chàng rút Tru Tiên tiểu kiếm, dồn chân khí vào, cắt bốn đường cạnh áo quan, lấy nguyên mảnh ván dài ra.
Mùi hôi hám càng nồng khi chàng và họ Miêu thận trọng kéo xác ra. Dù đã chương sình, nứt nẻ nhưng với dáng vóc cao lớn cũng có thể xác định tử thi này là nam nhân.
Phiêu Trần thở phào mừng rỡ :
- Không phải là gia mẫu!
Chàng bỗng nhận ra trên ngực xác chết có một gói giấy dầu nhỏ, dẹp và vuôn vắn, liền lấy mở ra xem. Trong đấy chỉ có một bức thơ :
“Sở tiểu tử! Lão phu cũng không chắc rằng cái bẫy hỏa dược sẽ giết được ngươi, nên mới viết phong thư này. Chiều ngày mười hai tháng chạp, Linh Xà Lang Quân Đoàn Vĩnh Thanh đã tiết lộ việc giết người diệt khẩu ở Mã Sơn cho mẫu thân ngươi biết. Thế là bà ta nổi giận, lén đâm lão phu một nhát vào lưng, và hết lời nguyền rủa. Dù rất yêu thương bà ta nhưng lão phu cũng phải đoạn tình, đem giam vào Kiếm tháp. Mẹ ngươi hóa điên, không chịu ăn uống gì cả nên chắc chẳng sống được bao lâu nữa. Nếu ngươi muốn đem thân mẫu về phụng dưỡng thì cứ đến Nam Dương.
Toàn Cơ bang chủ Trương Tự Thanh cẩn bút!”
Phiêu Trần giao việc xử lý chiếc quan tài nguy hiểm và việc chôn cất xác chết cho Miêu Vô Mi cùng gia nhân, rồi mang thư vào trao cho Kim Nhãn Điêu. Họ Miêu cho nổ chiếc quan tài, gây ra tiếng nổ kinh hồn, khiến cho những nhà xung quanh sợ hãi.
Tắm gội xong, chàng trở ra thì mọi người đã tề tựu đông đủ. Sở Quyền rầu rĩ nói :
- Trần nhi! Đây là cái bẫy thứ hai của họ Trương, con tính sao?
Phiêu Trần thở dài đáp :
- Dù biết là hung hiểm trùng trùng, hài nhi cũng phải đi Nam Dương một chuyến. Phận làm con chẳng thể vì sợ chết mà bỏ mặc mẫu thân trong cơn hoạn nạn.
Tư Đồ Lan ấp úng :
- Thiếp chỉ sợ họ Trương đặt điều chứ A Nương không hề điên lọan gì cả.
Cả nhà đều tán thành ý kiến này. Tỳ Bà Sương bàn rằng :
- Nếu quả đúng là có việc ấy thì sẽ có tin về, trinh sát của lão phu gài đầy quanh Kiếm bảo, chẳng thể không biết một tin tày trời như thế được.
Sách Siêu gật gù :
- Đúng thế! Cứ chờ tin về rồi sẽ quyết định.
Quả nhiên, ngay tối hôm ấy đã có tin từ Nam Dương đến. Gã là thủ hạ của Tỳ Bà Sương nên trao báo cáo cho lão :
“Bẩm đại ca! Bang chủ phu nhân của Toàn Cơ bang đột nhiên phát cuồng, bị nhốt trên tầng chót của Kiếm tháp. Trương Tự Thanh còn ra lệnh truy lùng Linh Xà Lang Quân của Xà giáo Vân Quý!
Khúc Phong kính bút!”
Gã này là tiẻu đệ của Tỳ Bà Sương, chỉ huy đội trinh sát ở Nam Dương
Dạ Tri Thù nghiêm giọng :
- Đáng lẽ ngươi phải về trước đoàn người của Hà Nam tiêu cục chứ sao lại trễ hơn?
Lý Cửu biện bạch :
- Tại hạ phụ trách đoạn đường từ Gia Lăng về đây, sáng hôm qua mới nhận được tin, giờ đã đến nơi, việc chậm trễ là do bộ phận phát tin ở Nam Dương hoặc những trinh sát của các cung đường trước đó.
Họ Lý nói rất phải vì đường dây liên lạc chia thành nhiều đoạn, từ Tổng đàn Toàn Cơ bang về đến Trường Sa.
Khúc Mạc Sầu thấy thủ hạ có vẻ uất ức liền an ủi :
- Ngưoi mau mắn như vậy là tốt rồi, đẻ ta kiểm tra những anh em còn lại, giờ hãy vào sau nghỉ ngơi đi.
Tú Châu cũng nói theo :
- Mời các hạ theo ta!
Lý Cửu ủ rũ đi vào hậu viện, trông dáng điệu có vẻ mệt mỏi.
Phiêu Trần cười buồn :
- Nguồn tin đã được xác nhận, sáng mai hài nhi sẽ lên đường.
Sở Quyền quắt mắt đáp :
- Trần nhi cứ đi trước một bước, ta và mọi người sẽ âm thầm bám theo. Phen này dẫu chết cũng phải cứu cho được Đại quận chúa về.
Bàn bạc xong, Phiêu Trần vào trong thu xếp hành lý và an ủi thê thiếp. Đêm ấy chàng ngủ ở phòng Vệ Yên Hà, không mang kiếm theo vì phòng chàng đã có Tiêu Tương Thần Nữ thiêm thiếp sau cơn ái ân nồng thắm.
Giữa canh tư, Bảo nhi bật khóc đòi bú khiến Phiêu Trần tỉnh giấc, Yên Hà thì ngủ lại dễ dàng sau khi nhét núm vú vào miệng con thơ.
Phiêu Trần trằn trọc nghĩ đến thân mẫu, lát sau rón rén trở về phòng. Chàng kinh hãi nhận ra thanh Vô Danh kiếm không còn để ở đầu giường nữa. Chàng thở phào nhẹ nhõm khi thấy ngực Tư Đồ Lan vẫn nhấp nhô đều đặn chứ không đẫm máu đào. Phiêu Trần lay nàng dậy :
- Lan muội! Lan muội!
Thần nữ ngơ ngác ngồi lên, che miệng ngáp rồi cười tình tứ :
- Trời còn tối mịt, tướng công vội đi làm gì?
Phiêu Trần nhăn mặt nói :
- Có ai vào phòng mượn bảo kiếm của ta không?
Thần nữ biến sắc :
- Bẩm tướng công không ạ!
Chàng lao vút ra ngoài cổng trang hỏi gia nhân :
- Đêm qua ai đã rời khỏi gia trang?
Một gã đáp :
- Bẩm công tử! Lý Cửu khởi hành đầu canh tư để về vị trí, lát sau Miêu hộ vệ cũng xuất trang, dáng điệu rất cấp bách.
Tư Đồ Lan đã đánh động nên mọi người đều dậy cả, xúm lại hỏi :
- Ai đã lấy trộm Vô Danh kiếm?
Chàng rầu rĩ đáp :
- Lý Cửu! May mà Miêu Vô Mi đã đuổi theo. Tiếc rằng chúng ta không biết họ đi về hướng nào?
Độc phụ nhân lại nghĩ khác :
- Hay là chính gã họ Miêu đã lấy? Lão thân chẳng có thiện cảm với gương mặt không có một sợi lông mày của gã.
Phỉ nhi bực bội nói ngay :
- Bà bà đừng nghi oan cho Miêu đại ca. Y là bậc anh hùng chứ đâu phải tiểu nhân.
Cậu bé dừng lại, cười hề hề :
- Còn nếu như vì không có lông mày mà trở thành kẻ xấu thì Bà bà cũng đâu có cọng nào?
Độc phụ nhân gương mặt ngượng nghịu :
- Lão thân thì khác, trước đâu vẫn có, nhưng vì già cả nên mới rụng đi thôi.
Tú Châu xuất hiện sau cùng. Nàng đưa cho Phiêu Trần một chiếc còi bằng đồng, dài gần gang tay :
- Tướng công mau nhảy lên nóc sảnh, dồn hết chân khí, thổi một hơi thật dài.
Dù không hiểu nguyên do, nhưng chàng rất tin tưởng ái thê nên thi hành ngay. Một âm thanh cao vút và mỏng như tơ lan đi tứ hướng, vì Phiêu Trần quay đủ một vòng.
Khổng Tước Thần Ma cười khà khà :
- Té ra Châu nhi đã thả cổ trùng vào người gã Lý Cửu. Nhưng sao ngươi lại đoán ra gã là gian tế?
Tú Châu mỉm cười :
- Khi nghe Sách nhị thúc căn vặn, tiểu nữ cũng sinh lòng nghi ngờ nên hạ thủ để phòng xa, nào ngờ đắc dụng. Néu y còn trong bán kính ba chục dặm tất sẽ ngã lăn ra và bị Miêu hộ vệ bắt sống.
Khúc Mạc Sầu hổ thẹn nói :
- May mà Tứ muội cơ trí hơn người, nếu không lão phu sẽ phải ân hận!
Cuối canh tư, tiếng vó ngựa lọc cọc khua vang và Miêu Vô Mi về đến, cùng với một xác người vắt vẻo phía sau yên.
Thấy vai gã rỉ máu, Phiêu Trần vội hỏi :
- Ngươi thọ thương có nặng không? Sao không băng bó ngay đi?
Thấy chủ nhân quan tâm đến mình chứ không hỏi thần kiếm còn hay mất. Họ Miêu nghe lòng ấm áp, nhảy xuống ngựa cười đáp :
- Chút thương tích nhỏ này chảng đáng để công tử phải lo lắng.
Gã vác Lý Cửu quẳng xuống đất rồi thở dài :
- Thuộc hạ đã sinh nghi nên bám theo chặn lại. Nhưng không ngờ bản lãnh của gã này lại rất cao siêu. Với thần kiếm trong tay, gã đã áp đảo được thuộc hạ. May mà đối phương bị tự nhiên ngã lăn ra, nếu không cũng chưa biết kết quả thế nào.
Tỳ Bà Sương ngơ ngác kêu lên :
- Chẳng lẽ đây là người giả? Vì Lý Cửu chỉ thuộc hạng nhị lưu, đâu thể hơn được Miêu hộ vệ?
Tú Châu bước đến soi đuốc quan sát rồi cười bảo :
- Gã này mang mặt nạ!
Đoạn nàng dùng trâm cẩn thận khều một góc rồi lật ra. Chân diện mục của người này trắng trẻo, dễ coi, dù tuổi tác không dưới ngũ thập.
Tú Châu quay sang bảo Tỳ Bà Sương :
- Khúc đại ca hãy dùng thủ pháp “Tỳ Bà Thác Cốt” hỏi cung lão này, không được để sót một chi tiết nào cả. Sau này ta cho người giả làm lão mà trà trộn vào Kiếm bảo để cứu ra Hà gia nương!
Ý nghĩ của nàng tuyệt diệu đến nỗi Phiêu Trần tát yêu lên gò má sần sùi :
- Châu diệu kế! Nàng đúng là Khổng Minh của ta vậy!
Tỳ Bà Tú Sĩ Phó Phúc Thuần đắc ý đáp :
- Trò sao bằng thầy được! Để lão phu ra tay cho! Bảo đảm rằng gã sẽ khai đủ lai lịch mười tám đời không sót!
Khổng Tước Thần Ma cười nhạt :
- Tra tấn sao cho kết quả bằng Miêu Du thần pháp của lão phu?
Tú Sỉ cười bảo :
- Nếu lão còn nhớ trò quỷ ấy thì cứ làm thử xem?
Đến sáng thì tù binh đã khai hết những chi tiết quan trọng. Té ra lão ta là Phong Lưu Khách Cốc Quân Lạc, một cao thủ Hắc đạo Sơn Tây, mới về đầu phục Toàn Cơ bang. Lão có tài hóa trang rất tài tình nên được Trương Tự Thanh phong chức Đường chủ. Kế hoạc giả làm Lý Cửu đến Sở gia trang trộm kiếm và bắt cóc Bảo nhi cũng do Cốc Quân Lạc đưa ra.
Nhưng vì Phiêu Trần ngủ chung với con thơ nên họ Cốc chỉ dám lấy trộm thần kiếm mà thôi.
Họ Cốc khai rằng Toàn Cơ bang đã khám phá và bắt gọn bốn người trong đường dây liên lạc của Tỳ Bà Sương từ Nam Dương về Trường Sa nhưng lại không tìm ra Vô Ảnh Điểu Khúc Phong cùng số thủ hạ còn lại.
Tỳ Bà Sương cho tập trung toàn bộ thủ hạ, tìm người có chiều cao, dáng vóc tương tự với Cốc Quân Lạc, kẻ được chọn là Ngân Bất Thân Hồ Cát Tường.
Họ Hồ là tay đạo chích lừng danh, tinh minh, quỷ quyệt như hồ ly và là đàn em thân tín của Tỳ Bà Sương.
Việc tiềm nhập sào huyệt đối phương có tầm quan trọng sống còn cho kế hoạch giải cứu Hà đại quận chúa. Do đó, Hồ Cát Tường phải mất đến mấy ngày để học hỏi phong thái, thói quen cũng như những mối quan hệ của Phong Lưu Khách Cốc Quân Lạc.
Mãi đến canh tư sáng mùng một tết Ngân Bất Thân, Trong dung mạo giả, mới rời khỏi Sở gia trang đi Nam Dương. Họ Hồ đã mang theo thanh Vô Danh kiếm của Phiêu Trần để Trương Tự Thanh khỏi nghi ngờ.
Do sự khai báo của Cốc Quân Lạc, Sở gia trang đã bắt trọn tám gã trinh sát của Toàn Cơ bang ở thành Trường Sa, họ khống chế chúng phải đưa tin giả về Tổng đàn cho Trương Tự Thanh.
Nhờ vậy, bọn Kim Nhãn Điêu có thể cải trang xuất quân mà không sợ đối phương hay biết. Nhưng mặt khác, Phiêu Trần và Diệp Tú Châu vẫn phải lên đường vào sáng mùng hai để đánh lạc hướng họ Trương. Miêu Vô Mi cũng đồng hành với chủ nhân.
Trinh sát Toàn Cơ bang ở bờ Bắc Trường Giang đã phát hiện phu thê Phiêu Trần sang sông và báo về Tổng đàn. Trương Tự Thanh đắc ý, cho khởi động những chiếc bẫy của mình trên đường.
Tuy không còn thần kiếm trong tay nhưng Phiêu Trần vẫn yên tâm khi có Tú Châu đồng hành, nàng có công lực thâm hậu và tài phóng độc kỳ tuyệt thiên hạ, dẫu đối phương dùng số đông cũng chẳng ngại. Chàng thầm tự hào vì đã chọn được người vợ tài trí vẹn toàn.
Trong chuyện ái ân, Tú Châu có đủ những đức tính của Tư Đồ Lan, Vệ Yên Hà. Lúc thì nồng nàng, lúc thì e ấp. Có khi nàng lại gợi cho chàng nhớ đến Hồ Ty Tinh Du Huệ.
Phiêu Trần biết Tú Châu không còn trinh tiết khi về với mình nên chẳng hỏi han quá khứ của nàng. Có lẽ quá khứ ấy chẳng vui vẻ gì vì Tú Châu không bao giờ nhắc đến. Chàng chỉ biết rằng lòng mình càng lúc càng yêu hương nữ lang xấu xí này hơn.
Sáng ngày sau, phu thê Phiêu Trần đến Giang Lăng, vào Khôi Nguyên lữ điếm nghỉ trọ. Họ mướn hai phòng đối diện nhau để dễ bề chiếu cố.
Cơm rượu được dọn lên, Phiêu Trần nghiêm nghị bảo họ Miêu :
- Tuy danh phận là chủ bộc, nhưng Miêu hộ vệ đừng quá khách sáo, cứ ngồi xuống dùng bữa với vợ chồng ta.
Miêu Vô Mi tuân lệnh nhưng chỉ ăn hai chén đã buông đũa. Ra ngoài cửa phòng canh gác.
Tú Châu cuời bảo :
- Tướng công đừng bận tâm, bản chất người Tây Vực là vậy. Chàng bắt gã phải cư xử khác đi, tức là gây khó khăn cho gã đấy.
Phiêu Trần cười mát :
- Nàng chỉ bằng tuổi ta, sao kiến văn lại rộng rãi như vậy?
Tú Châu ngượng ngùng thỏ thẻ :
- Thiếp mồ côi, sớm phải bôn ba, lại thường theo tiên sư đi khắp nơi hái thuốc nên thu thập được chút thông tin.
Phiêu Trần thở dài :
- Ta có linh cả nàng giấu diếm ta điều gì đó?
Tú Châu liếc chàng :
- Tướng công mới là người thiếu thành thực. Chàng ôm thiếp mà nửa đêm cứ gọi tên Du Huệ vào đấy? Thiếp chưa bắt lỗi tướng công thì thôi.
Phiêu Trần lúng túng :
- Quả có việc ấy sao? Để sau này ta sẽ kể nàng nghe, giờ thì chưa đến lúc.
Tú Châu ranh mãnh nói :
- Dù tướng công không tiết lộ, thiếp cũng đoán ra phần nào. Có phải người ấy ở núi Vũ Lăng và đã từng giúp chàng trấn áp độc tính của Tam Sắc Bích Hổ? Hôm ấy trở về Trường Sa, thấy tướng công chỉ trả lời ậm ừ là thiếp và hai nàng kia nghi ngay rồi.
Phiêu Trần hổ thẹn đánh trống lảng bằng cách vươn vai ngáp dài và nói :
- Không hiểu Lan muội và Hà muội có giữ nổi tiểu quỷ Phỉ nhi không nữa? Chỉ sợ nó lén trốn đến Nam Dương tham chiến thì nguy to.