Cơm quê
Có người Việt Nam sống nửa đời ở nước ngoài. Có người nước ngoài sống nửa đời ở Việt Nam. Cũng có người nửa một nửa hai, sống cuộc đời nửa here nửa there.
Tôi thích ăn các món Việt Nam - bún bò, bánh xèo, cao lầu, xôi. Nhưng mỗi lần bị ốm, bị cảm cúm hoặc viêm a-mi-đan, tôi chỉ thích ăn món Canada. Macaroni and cheese, marmalade and toast, scrambled eggs with maple syrup… là những món hồi tôi nhỏ và lúc tôi ốm thì mẹ tôi nấu và mang lên phòng.
Qua điều đó, tôi biết tôi là người Canada.
Thời buổi hội nhập, nhiều người đang tìm yếu tố xác định mình là người ở đâu. Dòng máu, giọng nói, hiểu biết văn hóa - một điều gì đó giúp mình biết trái tim thuộc về đâu. Bởi đa số chúng ta muốn trái tim mình thuộc về một nơi duy nhất. Thưởng thức các nơi đẹp nhất, nhưng nó phải thuộc về một nơi duy nhất. Cảm giác đó ẩn sâu vào lòng - không ai chào đời giữa hơn một đôi chân. Yếu tố đó phải gắn bó với tuổi ấu thơ. Những sở thích cảm giác và kinh nghiệm ghi vào bộ não hồi nhỏ được ghi vào rất sâu. Hồi ấy bộ não còn mềm, dây thần kinh vẫn còn là đất sét trong đôi bàn tay là môi trường xung quanh.
Tôi có nhiều bạn Việt Nam, lúc ốm đau họ chỉ muốn ăn cháo. Lúc khỏe mạnh họ thích ăn pizza, ham-bơ-gơ, sushi, cà-ri - ăn gì chả được. Nhưng lúc nằm giường chờ mấy con vi rút giải tán nốt, họ chỉ muốn ăn bát cháo hành thêm chút hạt tiêu và nước mắm.
Thèm món của nơi nào, trái tim thuộc về nơi đó. Bởi những lúc ốm đau mình không ăn cho đỡ đói. Mình ăn cho đỡ buồn.
Dầu xả tâm hồn
Trong lúc chờ nước tắm nóng lên, tôi đọc nhãn nhập khẩu dán trên lọ dầu xả Nhật Bản.
“Dầu xả siêu mượt giữ ẩm, giá 230.000đ. Công dụng: Giúp tóc hồi phục lớp sừng bị tổn thương, giữ màu và giữ nếp cho tóc, điều tiết quá trình sinh lý của tóc.”
Là người thích sáng tác vào những lúc chờ đợi, tôi thay từ “tóc” bằng từ “bạn”, “lớp sừng” bằng “tâm hồn”, “nếp” bằng “sức”. Sản phẩm sẽ “giúp bạn hồi phục tâm hồn bị tổn thương, giữ màu và giữ sức cho bạn, điều tiết quá trình sinh lý của bạn…”.
Tất cả chỉ có 230.000đ/760g.
Tầm hồn tôi đang bị tổn thương, màu nhạt dần, sức mất đi. Quá trình sinh lý cũng nên điều tiết lại một chút, ở đâu có sản phẩm cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho tâm hồn tôi? Ở đâu có dầu xả tâm hồn?
Tôi tự dưng nhớ quê. Chắc có tuyết rồi. Tôi sinh ra giữa một đêm mùa đông, tuyết rơi ầm ầm ngoài cửa sổ bệnh viện. Tôi có tuyết trong mạch. Nhưng sang Việt Nam lâu lâu, tuyết ấy đã tan. Tôi sợ trở về Canada, nó sẽ đóng cứng lại thành băng. Tôi mê nước này nhưng tôi nhớ nước tôi. Rồi tôi nhớ ra nước đang nóng lên ở phòng bên cạnh. Chắc tắm được rồi.
Hội chứng Tây sợ Tết
Khi được báo chí phỏng vấn về Tết Việt Nam, người phương Tây chúng tôi hay nhận xét một cách nhàm chán. “Không khí vui.” “Món ăn ngon.” “Con người thân thiện.” Chúng tôi thường bị hạn chế ở hai điều: điều mình có khả năng cảm nhận và điều mình nghĩ người Việt sẽ thích nghe. Ít ai cảm nhận sâu sắc, ít ai dám nói bánh chưng không ngon.
Khi trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt, chúng tôi bị hạn chế ở một điều nữa - điều mình có khả năng thể hiện, vốn từ chưa nhiều, cách diễn đạt chưa lưu loát; kể cả có cảm nhận sâu sắc cũng không thành lời cho ra. Thế là Tết vui. Thế là cơm ngon.
Sự thật là nhiều người Tây sợ Tết. Bản thân tôi cũng hơi sợ, nghe bài Tết Tết Tết Đến Rồi có cảm giác muốn chạy chạy chạy chạy xa rồi. Có nhiều người Việt sợ Tết vì vất vả - “Quanh năm suốt tháng đi làm đã mệt bở hơi tai, lại còn thêm mấy ngày Tết, chả ai được nghỉ ngơi chút nào!’ - và có nhiều người Tây sợ Tết vì căng thẳng.
Sợ thành cá cảnh
Người Tây không cần ở Việt Nam lâu mới cảm nhận giá tri cá cảnh của mình. Mời đi họp, rủ đi ăn, bảo lên sân khấu tra giải - vai trò chủ yếu là cười tươi và thể hiện làn da trắng
Công ty ta có chuyên gia là người Tây. Gia đình ta có khách quen là người Tây. Trong không ít trường hợp, chúng tôi thành logo, thành slogan, thành thương hiệu - và mất chất con người. Người ta không thực sự quan tâm đến mình mà chủ yếu tập trung vào những điều thương hiệu đó sẽ mang lại cho họ.
“Không ít” trường hợp thôi, chưa phải nhiều - nhưng đủ để chúng tôi biết cảnh giác, nghi ngờ mục đích của người khác.
Sợ phải thể hiện
Có lẽ điều chúng tôi sợ nhất là nguy cơ trở thành trung tâm của sự chú ý. Từ cánh gà, chúng tôi bị đẩy ra sân khấu, chưa học thoại, chưa biết vở kịch diễn ra như thế nào.
“Anh ơi, anh phát biểu một câu đi!” (câu gì?)
“Anh ơi, anh bước vào trước đi!” (vào đâu?)
“Anh ơi, anh chào bà đi!” (như thế nào?)
Trong các lễ hội phương Tây, khách mời chủ yếu được quan sát và thưởng thức, cưỡi ngựa ăn hoa quả. Nhưng ở Việt Nam, khách mời thường chủ động hơn. Khách ở tuổi a phải làm việc b, ở vị trí y làm việc z; còn có một số việc khách dù ở lứa tuổi hoặc vị trí nào cũng phải tham gia thực hiện.
Với người hiểu ngôn ngữ và rành văn hóa (diễn viên độc thoại), những việc đó là vinh dự, là niềm vui chung. Nhưng với người chưa giỏi tiếng, chưa hiểu lắm về văn hóa, thì những việc đó có thể là gánh nặng. Biết đâu mình làm hỏng? Biết đâu mình làm sai?
Sợ làm sai
Một điều khách Tây hay được dạy về Tết Nguyên Đán là sức ảnh hưởng đến năm tới. Tết đẹp, năm tới đẹp. Tết hỏng… Nói chung Tết đẹp, năm tới đẹp. Người ta giải thích một cách đơn giản, chúng tôi hiểu một cách đơn giản.
Không ai muốn làm hỏng năm tới của ai. “Cứ thoải mái đi!”, người Việt hay nói. Nhưng rất khó thoải mái khi biết một hành động vô tình có thể dẫn đến hậu quả lớn. Biết đâu cả năm tới, mỗi khi có chuyện không hay xảy ra thì gia đình lại nhớ đến mình. “Cái tòi cậu Joe đó mùng Một Tết vác bịch mực khô đến nhà đã biết ngay là xúi quẩy rồi mà. Cậu ta chưa hiểu văn hóa thôi, nhưng… rõ là xúi quẩy.” Một lễ hội phương Tây thường bắt đầu và kết thúc luôn cùng lễ hội đó. Người Việt thích đầu tư rủi ro hơn: thắng thì thắng lớn, thua thì thua nặng, tiền được cá là 12 tháng âm.
Sợ phải ăn
Sự thật phũ phàng là nhiều người Tây thấy các món Tết Việt Nam không ngon. Thịt đông, gà luộc, bánh chưng. Lạ quá, lạnh quá, nhiều mỡ lắm. Đơn giản các món ấy không phù hợp với lưỡi của họ, cũng như nhiều món truyền thống của Tây không phù hợp với lưỡi của không ít người Việt mặc dù thấy bánh nướng bí ngô không ngon chút nào nhưng vẫn cười tươi, xin thêm miếng: “It’s delicious”
Muốn hay không, các miếng, sợi và chiếc sẽ xuất hiện trong bát theo phép màu kỳ diệu của văn hóa Việt Nam. Vì chúng tôi là những khách mời đặc biệt nên cả nhà sẽ xem kỹ chúng tôi cảm nhận như thế nào, thích món gì nhất. Tất nhiên những món khó ăn nhất, chúng tôi sẽ giả vờ thích ăn nhất (ăn càng sợ, cười càng to). Thế là các miếng, sợi và chiếc của chính các món ăn đó sẽ tiếp tục xuất hiện trong bát theo phép màu kỳ diệu của ma xó xã giao.
Sợ cô lập giữa đám đông
Tôi chia các lễ hội văn hóa thành hai loại: lễ hội hành động và lễ hội tâm lý. Tết Thái là lễ hội hành động. Té nước và ném hoa là hai việc không cần sự hỗ trợ của ngôn ngữ; một người không biết tiếng có thể làm cùng người dân và thấy vui. Tất nhiên có những phong tục đòi hỏi sự hiểu biết văn hóa sâu; nhưng bên cạnh đó có những phong tục hết sức “dễ chơi” đối với du khách mới sang.
Đón xuân về, người Việt không té nước mà té chữ. Thăm, chúc, đón, hát - những động từ gắn bó nhất với Tết Việt Nam dựa trên ngôn ngữ. Vì thế, không biết tiếng là hơi khó tham gia. Phim hành động, nếu không ‘biết tiếng thì vẫn xem được; phim tâm lý, nếu không biết tiếng thì cựa quậy trên ghế, nhìn đồng hồ, nhắn tin cho người yêu cũ.
Trong suy nghĩ của một số người Việt, đã mời đàng hoàng đã xếp vị trí tốt, đã gắp miếng ngon, đã thể hiện sự ý mến và tình cảm bằng ánh mắt - là đủ để khách Tây cảm thấy vui. Sự thật là nếu không làm bất cứ một việc nào như thế mà đơn giản giải thích kỹ càng về chuyện đang xảy ra thì khách sẽ vui hơn. (Nghe người xung quanh cười mà không hiểu vì sao là cảm giác rất căng thẳng).
Những lúc đông vui nhất, người Việt hay quên khách Tây ngồi đối diện chưa hiểu tiếng. Người khách ở đâu cổ trách nhiệm học ngôn ngữ và phong tục của nơi đang ở. Nhưng việc đó mất thời gian. Vậy người mời khách Tây đến nhà chơi cũng có trách nhiệm tạo điều kiện để khách cảm thấy thoải mái và “hiểu phún”. Có nghĩa là phải mời cẩn thận; sự thân thiện không bù được ngôn ngữ, và trong một lễ hội như Tết Việt Nam, ngôn ngữ luôn là chính.
Tôi viết bài này không phải vì chán đời, trầm cảm hay muốn làm các bạn cảm thấy áy náy. Đơn giản tôi biết các bạn từng thấy nhiều bài phỏng vấn trong đó các ông bà Tây ca ngợi Tết Việt Nam với những tính từ tích cực nhất. Tôi không nghĩ họ nói dối - với đa số người Tây ở Việt Nam, Tết là dịp lễ thú vị mang lại nhiều niềm vui - nhưng cái gì cũng có hai mặt. Họ sẵn sàng nói về mặt phải, còn tôi, chắc vì ở Việt Nam lâu và không tự coi mình là khách mời lịch sự nữa, rất sẵn sàng nói về mặt trái.
Hâm 3.0
Nhiều người nói với tôi rằng đàn ông bước qua tuổi ba mươi mà vẫn chưa có gì sẽ bắt đầu hâm hâm. Thuộc dạng trên, tôi bắt đầu lo lo.
Tôi là người càng lo về một chuyện càng phân tích xem tôi có thực sự hiểu chuyện đó không - càng phân tích càng cảm thấy chưa hiểu. Và càng lo. Chết đuối trong xoáy nước này, tôi xác định hai câu hỏi mấu chốt:
1. Đàn ông ngoài ba mươi, chưa vợ có thực sự bị hâm không?
2. Nếu có thì:
a. Hâm vì chưa có vợ.
b. Hâm từ trước nên không cô nào muốn lấy.
Sự khác biệt giữa (2.a) và (2.b) rất quan trọng. Theo lôgíc (2.a), đa số các anh ở tuổi hai mấy là đàn ông bình thường. Nếu lấy vợ trước khi lên tuổi ba mươi, họ sẽ tiếp tục là đàn ông bình thường, đến cõi mộng vẫn là đàn ông bình dị, thường kỳ. Còn các anh bước qua tuổi ba mươi vẫn chưa có gì sẽ bắt đầu hâm hâm, bộ não bắt đầu phân hủy… Điều quan trọng là đa số “đàn ông ngoài ba mươi chưa vợ và đang hâm” (ĐONBMCV&ĐH) đã từng có cơ hội tránh số phận đen đủi này. Đã từng có và đã từng bỏ.
Theo lôgíc (2.b), đa số ĐONBMCV&ĐH đã không có cơ hội ấy đâu. Họ bị hâm từ hồi nhỏ, thậm chí hâm bẩm sinh. Lúc hai mấy tuổi, họ rất muốn lấy vợ. Nhưng phụ nữ Việt Nam nhận ra mùi hâm như con nai nhận ra mùi khói lấy vợ làm sao được khi các em đến gần một chút là tự nhiên chạy ra như vừa thấy thần chết.
Theo lôgíc (2.a), xã hội nên trách ĐONBMCV&ĐH. Vì quá lười, quá đa tình, quá yêu sự nghiệp nên họ đánh mất tương lai - tự mở cửa cho gió hâm thổi vào. Theo lôgíc (2b) xã hội nên thương họ. Vì sinh ra là thế nên họ nỗ lực đến mấy cũng không bao giờ có tương lai hạnh phúc. Họ khổ. Họ phải chịu áp lực cuộc sống như mấy chiếc ghế nhựa ở quán bia hơi phải chịu áp lực cái mông của các chú béo phì.
Nhưng trả lời câu hỏi (2) trước khi trả lời câu hỏi (1) là gửi hết tiền trước khi uống cốc bia nào. Vậy câu hỏi (1) thì sao? Đàn ông ngoài ba mươi và chưa vợ có thực sự bị hâm không? Có lẽ cách tốt nhất để biết về các anh nói chung là nhìn vào một số trường hợp nói riêng.
Nên chọn trường hợp ai cũng biết đến, người nổi tiếng ai cũng có thể đánh giá riêng dựa trên cảm nhận cá nhân. Thế là phải chọn sao. Bắt đầu với sao Tây. Robbie Williams? Simon Cowell? Ronaldo béo? Hâm, hẩm, hấp. Tiếp tục với sao ta.
Hay thôi. Sao ta thuộc bầu trời khác. Tất cả mọi việc từ sức khỏe tâm thần đến phong cách ăn mặc tốt nhất không nên bình luận. Báo mạng bảo sao lầy ăn mặc xấu, sao ta cười. Báo mạng bảo sao ta ăn mặc xấu, sao ta kiện. Tuy nhiên tôi đang hình dung vài “anh sao” Việt Nam, đang xoa tay và cười - cứ coi như câu hỏi (1) đã được trả lời.
Thế là phải quay trở lại với câu hỏi (2). Hâm vì không lấy ai, hay hâm nên không ai lấy? Hâm vì thiếu sữa, hay hâm vì không chịu bú.
Rất tiếc chúng ta cần có cuộc khảo sát quy mô lớn mới trả lời được câu hỏi đó. Có lẽ tốt nhất là tôi dành mấy dòng chữ còn lại để nhìn vào trường hợp của chính tôi; hy vọng từ cái nhỏ sẽ ra được cái to. Nếu như ở tuổi hai mấy tôi đã có khả năng thuyết phục một trong các em đến thăm nhà ở lại làm vợ thì chuyện tôi đang bị hâm bây giờ là do bản thân tôi phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Tôi không đám chắc, nhưng tôi nghĩ tôi đã có - có khả năng mà không dùng đến, có cơ hội mà không chớp lấy.
Mấy lần tôi suýt thành đức ông chồng. Cô ấy sẵn sàng còn tôi cũng hơi hơi sẵn sàng nốt. Nhưng cái “cũng hơi hơi” là cái khủng khiếp lắm - gần miệng hay không, cơm không vào bụng mình vẫn chết đói. Tôi thích tự do. Tôi sợ có em nào chết vì tôi thì em ấy sẽ kéo tôi xuống địa ngục để trả thù.
Dĩ nhiên đó chỉ là tôi. Tôi không phủ nhận sự tồn tại của một số đàn ông ngoài ba mươi, chưa vợ nhưng chưa chắc gì đã hâm (ĐONBMCVNCCGĐH). Nhưng dựa trên cảm nhận riêng, đa phần các anh ngoài ba mươi và vẫn độc thân có vấn đề. Chúng tôi đã hoàn toàn có thể lấy một phụ nữ tốt bụng làm vợ. Nhưng chúng tôi ích kỷ. Chúng tôi lười. Còn bây giờ chúng tôi hâm.
Vậy chúng tôi không xứng đáng để nhận lòng thương của xã hội. Nhưng chúng tôi vẫn giữ một hy vọng nhỏ nhoi. Nếu khi còn hai mấy tuổi, chúng tôi cần một người phụ nữ bình thường nhận chiếc nhẫn và duy trì độ hâm hấp của mình ở mức thường, thì bây giờ chúng tôi cần một người phụ nữ đặc biệt hơn. Đó là một em có khả năng kéo độ hâm hấp của mình xuống mức thường rồi nỗ lực cả đời để nó không quay lại mức cao.
Khăn tắm
Không có gì quý hơn một chiếc khăn tắm dùng qua ba tháng.
Với tôi, một ngày không bắt đầu với mấy phút tắm nước nóng dưới vòi hoa sen là một ngày không bắt đầu. Còn mấy phút tắm nước nóng không kết thúc bằng một chiếc khăn tắm mềm mại là mấy phút không kết thúc.
Các khăn tắm mới thường có lớp phủ ngoài bằng hóa chất - cho mượt, cho bóng. Khách vào siêu thị, khách sờ, khách thích, khách lấy ví ra. Nhưng lớp hóa chất đó sẽ can thiệp vào công việc chính của bất cứ một chiếc khăn tắm nào - là hút nước.
Từng ngày từng ngày, máy giặt và mặt trời sẽ cùng nhau xóa lớp phủ ngoài đi. Khăn tắm sẽ trở nên cứng hơn một chút, xấu hơn một chút - và tác dụng hơn nhiều. Sau khoảng ba tháng, nó sẽ ở giai đoạn lý tưởng nhất trong cuộc đời một chiếc khăn tắm: chưa hết mềm, đã hút tốt.
Rồi đến với thời xuống cấp. Khăn cứng đi nhiều, xấu đi nhiều, giảm mức hiệu quả. Máy giặt và mặt trời bắt đầu đánh mạnh, đấm lỗ, xé rách, cào cấu. Sờ tay vào sẽ có cảm giác như mình đang sờ chiếc bánh đa.
Lúc đó mình có hai lựa chọn. Tiếp tục với khăn cũ hoặc bắt đầu lại với khăn mới. Cuộc đời thường chỉ cho mình hai lựa chọn ấy thôi, ít người bán khăn tắm dùng qua ba tháng.