- Nguyên soái hãy chạy ra trước cho mau, để đệ đối phó với chúng nó.
Nhạc Nguyên soái rút gươm ra vừa đánh vừa lui dần ra ngoài, Ngưu Cao vung giản đánh túi bụi một hồi rồi chạy theo sau. Ra đến nhị môn, thấy Trương Bảo tay cầm bội đao, miệng kêu lớn:
- Nguyên soái và Ngưu tướng quân hãy lên ngựa cho mau để tôi đoạn hậu cho.
Nhạc Nguyên soái và Ngưu Cao vội vàng lên ngựa, chẳng dè phía trước cây gỗ, bàn ghế bỏ ngổn ngang, phía sau thì bọn lực sĩ ào theo. Trương Bảo vung đao chém ngã một tên rồi giựt cây thương đâm luôn một hơi chết mấy. tên nữa. Ngưu Cao cũng quay ngựa vung giản đánh chết hơn mười mấy tên, còn bao nhiêu đều lui lại hết không dám theo nữa.
Trương Bảo lấy đao hất cây gỗ, bàn ghế sang một bên dọn đường. Ba người vừa tiến ra khỏi nhị môn bỗng thấy từ trên nóc nhà quăng gạch ngói xuống như mưa. Ba người phải ráng hết sức che đỡ mới chạy đến đại môn. Đến đây lại bị năm tướng họ Lôi từ hai bên đánh dồn lại.
Ba người đang ngăn đánh, bỗng nghe quân hét vang dậy, Dương Tái Hưng từ ngoài giục ngựa xông vào vung thương đâm Lôi Nhân nhào xuống ngựa chết tươi, Lôi Nghĩa xách chùy lao đến tiếp bị cây thương của Tái Hưng đánh vẹt ra mạnh quá, chùy rời khỏi tay, chưa kịp bỏ chạy đã bị Tái Hưng chém đứt làm hai đoạn.
Kế thấy Nhạc Vân từ bên ngoài phi ngựa vào bảo hộ cho ba người ra khỏi trại. Dương Tái Hưng ở đoạn hậu, bị ba anh em họ Lôi hô quân bao vây. Tái Hưng giận làm đâm luôn một hơi cả ba Lôi hổ tướng đều chết hết rồi vừa giết lâu la một hồi mới chịu chạy theo Nhạc Nguyên soái về Đàn Châu.
Khi Nhạc Nguyên soái về đến nơi, chư tướng tề tựu đến hỏi thăm, Nhạc Nguyên soái sai quan ký lục ghi công cho Dương Tái Hưng, Trương Bảo và Ngưu Cao.
Nói về Vương Tá thấy việc bất thành vội đến yết kiến Dương Ma kể lại việc Nhạc Phi thoát hiểm, Dương Ma nghe tất cả, giận vì kế đã không thành lại còn chết mất năm viên hổ tướng, liền nói với Vương Tá:
- Thôi khanh hãy về dinh an nghỉ, để cô gia sẽ lo kế khác. Vương Tá từ tạ lui ra, trở về Đông Nhĩ Trại.
Hôm ấy Nhạc Nguyên soái đang thăng trướng, bỗng có quân vào báo:
- Nay Nguyên soái Hàn Thế Trung đại lãnh thủy binh hơn mười vạn cùng các chiến thuyền đã lập xong thủy trại nơi thủy khấu.
Nhạc Nguyên soái mừng rỡ vội đắt Trương Bảo thẳng qua thủy trại thăm Hàn Thế Trung. Hàn Thế Trung nghe quân sĩ vào báo, đích thân ra đón Nhạc Nguyên soái vào trò chuyện.
Hàn Nguyên soái hỏi:
- Chẳng hay Nguyên soái đến đây đã hội chiến với Dương Ma lần nào chưa?
Nhạc Nguyên soái nói:
- Tôi chưa rõ tình hình địch quân nên chưa dám giao chiến vội. Nếu muốn đánh gấp, tôi xin nhờ lão Nguyên nhung giúp tôi một việc mới được.
Hàn Nguyên soái Sai quân dọn tiệc thết đãi. Hai người vào tiệc ăn uống luận đàm về việc binh gia với nhau một hồi thì trời vừa tôi. Nhạc Nguyên soái từ biệt ra về,Hàn Nguyên soái tiễn ra khỏi thủy trại rồi mới trở lại.
Nhạc Phi lên ngựa đi dọc theo mé hồ về dinh để luôn tiện xem xét tình thế Động Đình hồ, Nguyên soái ngó thấy dưới sông mênh mông sóng gợn, trời nước một màu. Xa xa trên núi Quản Sơn, cung điện nguy nga, cờ xí rợp trời, mười phần oai nghi.
Nhạc Phi còn đang xem xét, bỗng thấy dưới sông một chiếc thuyền nhỏ chèo thẳng vào bờ. Trương Bảo nói nhỏ với Nhạc Nguyên soái:
- Chiếc thuyền kia không biết là thuyền chi, ta vào đám rừng ẩn nấp rình xem cho biết.
Nhạc Phi gật đầu đi thẳng vào rừng, còn Trương Bảo đứng nấp ngoài mé rừng để xem cho rõ. Chợt thấy chiếc tiểu thuyền kia ghé vào bờ rồi một bóng người từ trong mui thuyền chui ra, nhảy phóc lên bờ đưa mắt nhìn bốn bên rồi lẩm bẩm:
- "Lạ thật, ta mới vừa thấy hai người ở tại đây sao biến đi đâu mất dạng?"
Trương Bảo nhìn thấy người ấy không có binh khí trong tay nên nhảy xổ ra quát:
- Tên gian tế kia, ngươi là ai mà dám đến đây dò xét?
Người ấy đáp:
- Ta không phải là kẻ gian tế mà muốn đi tìm Nhạc Nguyên soái dâng một chút công lao.
Trương Bảo dịu giọng nói:
- Nếu vậy thì hay lắm, hãy theo ta đến ra mắt Nhạc Nguyên soái.
Trương Bảo dẫn người ấy vào rừng chỉ Nhạc Nguyên soái nói:
- Nhạc Nguyên soái đây này, ngươi muốn nói gì?
Người ấy bước đến quì xuống bẩm:
- Tôi chính là em họ của Dương Ma tên Dương Khâm, chỉ vì đã bao phen khuyên nhủ cho Dương Ma cải tà qui chánh mà Dương Ma quyết tâm phản nghịch, tôi không thể để cho tổ tông tôi bị nhục nhã, nên tôi
muốn tìm ra mắt Nhạc Nguyên soái để dâng chút công lao; nay tôi thoáng thấy hai bóng người đứng bên sông đoán chắc là người của Tống triều vội đến để nhờ chuyển đạt đôi lời đến Nguyên soái may lại gặp Nguyên soái ở đây thật là vạn hạnh. Nếu Nguyên soái không nghi ngờ tôi thì tối mai cũng đến chỗ này, tôi sẽ dâng cho một kế chinh phục anh tôi, xin chớ thất tín.
Nhạc Nguyên soái:
- Ngươi biết lẽ phải đến với ta, sao chẳng theo ta về dinh cho rồi, lại còn hẹn đến mai ra đây làm gì nữa?
Dương Khâm nói:
- Nguyên soái há lại không biết việc ấy sao. Hễ việc làm không kín đáo tất nhiên không thành công, tôi đã quyết đem thân hiến cho Tống Triều thì lẽ nào không đến với Nguyên soái? Song sức tôi trói gà không chặt, binh pháp cũng không biết mảy may,'nếu đi ngay bây giờ có ích gì cho Nguyên soái đâu? Nay tôi có việc vô cùng bí mật, nếu lộ ra chẳng những không thành công mà còn xảy ra điều tai hại không lường trước được.
Nhạc Nguyên soái như hiểu được phần nào, nói:
- Được rồi, để mai ta đến đây tiếp thu lời chỉ giáo của ngươi.
Dương Khâm cúi đầu từ biệt Nhạc Nguyên soái rồi xuống thuyền đi mất. Nhạc Phi cùng Trương. Bảo dắt nhau về thành an nghỉ.
Tối hôm sau, Nhạc Phi bảo Trương Hiến, Dương Tái Hưng, Nhạc Vân và Vương Quới, mỗi người đến lãnh ba ngàn binh mã ra bốn phía mé hồ mai phục và dặn:
- Chư tướng hãy để ý khi nào thấy pháo sáng làm hiệu thì xông ra cứu ứng; bằng an nhiên vô sự nghe tiếng pháo nổ, kéo binh trở về.
Bốn tướng vâng lệnh, bí mật mang quân đi mai phục. Nhạc Nguyên soái đợi cho trời thật tối mới kêu Trương Bảo, dặn:
- Ngươi hãy đi một mình đến đó tiếp xúc với Dương Khâm, sẽ tùy cơ ứng biến, nếu có điều chi bất trắc thì phóng pháo sáng lên trời, tất nhiên có người tiếp cứu.
Trương Bảo nói:
- Không hề chi, với tài chạy nhanh của tôi, tưởng có điều gì bất trắc tôi chạy riết về đây một hơi là xong.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Tuy vậy, cũng phải hết sức cẩn thận.
Trương Bảo từ biệt Nhạc Nguyên soái đi thẳng đến chỗ đám rừng hôm qua đứng chờ đợi một hồi, quả thấy một chiếc thuyền nhỏ ghé vào bờ. Dương Khâm tung mình nhảy lên bờ rồi đi nhanh đến nơi ước hẹn.
Trương Bảo vui vẻ hỏi:
- Phải Dương tướng quân đó không?
Dương Khâm đáp:
- Phải đấy, Nguyên soái đâu?
Trương Bảo nói:
- Hôm nay Nguyên soái trong mình không được khỏe, nên sai tôi ra đây chờ đợi tướng quân.
Dương Khâm nói:
- Tôi xin gửi vật này cho tướng quân đem về dâng cho Nguyên soái, và nhớ đừng cho ai biết nhé?
Vừa nói vừa trao cho Trương Bảo một cuốn giấy nho nhỏ niêm phong rất kỹ. Trước khi từ giã, Dương Khâm còn dặn dò đôi ba phen rồi mới xuống thuyền.
Trương Bảo tiếp lấy cuộn giấy chạy thẳng về thành. Lúc ấy Nhạc Nguyên soái đang chong đèn ngồi xem sách chờ tin, bỗng thấy Trương Bảo trở về dâng cuộn giấy và thuật lại những lời Dương Khâm đã nói.
Nhạc Nguyên soái mở cuộn giấy ra xem, trong lòng mừng thầm liền sai Trương Bảo ra đốt pháo sáng để cho mấy đoàn quân mai phục trở về.
Hôm sau Nhạc Nguyên soái mang cuộn giấy ấy qua thủy trại của Hàn Nguyên soái để đàm luận. Nhạc Nguyên soái liếc mắt nhìn bốn bên và nói:
- Xin lão Nguyên nhung hãy đuổi hết kẻ tả hữu ra, để tôi thương nghị một việc cơ mật với ngài.
Hàn Nguyên soái nói:
- Đã làm tướng cần phải nhờ trên dưới đồng lòng mới được, vì vậy thủ hạ của tôi đều một lòng như tôi, Nguyên soái có điều chi cứ việc đem ra bàn không ngại gì cả.
Nhạc Nguyên soái trao cuộn giấy vừa mở ra và nói;
- Tôi xin dâng cho Nguyên soái một chút công lao để góp phần tiễu trừ quân thảo khấu.
Hàn Nguyên soái tiếp lấy chăm chú xem, thì là một bức bản đồ chỉ vẽ đường đi, cách bố trí binh lực trong địa phận Thái Hồ rất tỉ mỉ. Hàn Nguyên soái cả mừng nói:
- Nguyên soái nhường cho cái công vô cùng quí giá này, tôi biết lấy chi báo đáp.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Xây dựng Tống triều là nhiệm vụ chung của mọi người, Nguyên soái khỏi phải nói chi lời ấy?
Hàn Nguyên soái nói:
- Tôi còn nhờ Nguyên soái cho tôi ít vị Đô Thống sang giúp sức với tôi.
Nhạc Nguyên soái gật đầu nói:
- Phải đấy, để tôi về cho họ qua đây lập tức .
Nói rồi từ biệt trở về soái phủ cho gọi Thang Hoài, Vương Quới, Ngưu Cao, Triệu Vân, Châu Thanh, Lương Hưng, Trương Hiển và Kiết Thanh. Tám viên Đô thống qua giúp Hàn Nguyên soái và căn dặn:
- Chư đệ qua đó phải hết lòng giúp đỡ và phải cẩn thận chớ để phạm phải quân pháp không ai giải cứu cho đâu.
Tám tướng vâng lệnh lên ngựa ra thành thẳng đến thủy trại ra mắt Hàn Nguyên soái. Hàn Nguyên soái mừng rỡ vội bảo đại công tử Hàn Thượng Đức hiệp với bọn Tào Thành, Tào Lượng giữ gìn thủy trại còn Nguyên soái cùng nhị công tử Hàn Ngạn Trực hợp với tám vị Đô Thống dẫn năm nghìn quân kéo đến Xà Bàng sơn cách độ mười dặm an dinh hạ trại.
Lâu la trông thấy vội chạy về núi phi báo, (Nguyên núi Xà Bàng này ở sâu trong những núi khác; đường đi vào đều là núi cao quanh co hiểm trở nếu không có bản đồ không thể vào được).
Trong núi ấy có một cái động gọi là Tàng Kim Hốt, chính là sào huyệt của Dương Ma. Cha Dương Ma là Dương Niệu ở tại đó với con thứ ba là Dương Tân, con thứ năm là Dương Hội, lại có Hộ Sơn Thừa Tướng là Ô Thiên Mỹ, Trấn Quốc Nguyên soái là Yên Tất Đạt, Tả Vệ tướng quân là Quảng Sư Ngạn, Hữu Vệ tướng quân là Trầm Thiết Kiến, ngoài ra lại có Hộ Sơn Thái Bảo mười hai tên, Hộ Sơn Đông Sĩ hai ngàn tên. Lâu la tụ tập ở đây để gìn giữ có tới vạn quân.
Nơi đây, Dương Ma thường tự khoe là nơi bất khả xâm phạm vì địa thế hiểm trở vô song, cho nên trước đây quan binh đến đó đều mang thảm bại. Nay Dương Khâm vẽ bức địa đồ chỉ vẽ đường đi nước bước tỉ mỉ dâng cho Nhạc Nguyên soái, vì vậy Hàn Nguyên soái đi đến đó đóng binh không khó khăn gì.
Khi Dương Niệu nghe quân phi báo thất kinh hồn vía nói:
- Làm thế nào quân Tống có thể vào đây được? Chắc chắn là trong sào huyệt ta có kẻ gian tế rồi.
Dương Tân và Dương Hội cùng bước ra bẩm:
- Bây giờ phải bắt cho hết Tống tướng rồi sẽ tra khảo cho ra gian tế.
Dương Niệu lớn tiếng hỏi:
- Có ai dám xuống núi phá quân Tống không?
Dứt lời, Nguyên soái Yên Tất Hiển bước ra xin đi. Dương Niệu sai Dương Tân đi theo yểm trợ, nhằm bắt cho được Tống tướng.
Hai người vâng lệnh tung mình lên ngựa dẫn lâu la xuống núi kéo thẳng đến dinh Tống khiêu chiến. Quân canh vào dinh phi báo, Hàn Nguyên soái bảo Hàn Ngạn Trực ra ngăn đánh, nhị công tử vâng lệnh dẫn quân xông ra hét lớn:
- Gian tặc kia tên chi? Nay binh trời đã đến đây sao không xuống ngựa bó tay chịu trói.
Yên Tất Hiển nói:
- Ta là Yên Tất Hiển, Đại Nguyên soái của Dương đại vương đây, còn ngươi là ai mà dám đến đây chịu chết?
Hàn công tử nói:
- Ta là Nhị công tử của Hàn Nguyên soái tên Hàn Ngạn Trực, quyết đến đây trừng trị chúng bay để cứu vãn sinh linh.
Yên Tất Hiển lửa giận phừng gan, vung cây Hiệp phiến đao nặng độ tám mươi cân, nhắm ngay đỉnh đầu Hàn Ngạn Trực chém sả xuống.
Hàn Ngạn Trực lẹ tay múa cây hổ đầu thương đỡ vọt ra rồi đâm lại. Hàn Ngạn Trực mặt đẹp như hoa, môi đỏ như son, còn Yên Tất Hiển thì đầu cọp mắt beo tướng mạo dị kỳ, hai tướng đánh với nhau cát bụi bay mịt mù, cây cối quanh vùng ngã lăn chật đất. Một đàng múa đao như mãnh hổ ly sơn, một đàng múa thương như giao long xuất hải.
Hai tướng đánh nhau hơn hai mươi hiệp chưa phân thắng bại, Hàn công tử giả thua chạy dài, Yên Tất Hiển giục ngựa đuổi theo. Đột nhiên Hàn Công tử quay ngựa lại rút roi đánh bổ xuống nhằm trúng vai bên phải đối phương. Yên Tất Hiển đau quá quay ngựa chạy dài, Hàn công tử giục ngựa đuổi theo thò tay nắm giáp kéo lại, chộp bắt được vật lên ngựa chạy thẳng về dinh.
Dương Tân đứng bên ngoài trông thấy Yên Tất Hiển bị bắt muốn xông vào tiếp cứu, song xét võ nghệ của mình không có bao nhiêu e đánh không lại; bằng lui binh thì ngại thiên hạ chê cười, nên cực chẳng đã phải hô quân xô vào tiếp ứng.
Lâu la được lệnh, biết rằng xông tới không tài nào đánh nổi binh Tống song phải tuân lệnh la hét om sòm xông tới một bước lại thụt lùi hai bước.
Hàn công tử thấy tình hình địch quân dao động nên ném Yên Tất Hiển xuống đất hô quân trói lại dẫn về dinh còn mình thì quay ngựa lại đâm lia đâm lịa, giết chết mấy mươi lâu la, Dương Tân biến sắc mặt toan bỏ chạy thì Hàn công tử đã lướt tới trước mặt đâm mạnh. Dương Tân ráng sức bình sinh vung cây Phương thiên Họa Kích đỡ, nhưng Hàn công tử đã đánh rơi cây kích lập tức đồng thời bắt sống Dương Tân trên ngựa một cách dễ dàng.
Lâu la thất kinh dắt nhau chạy tuốt về núi báo tin Hàn công tử liền đánh chiêng thu binh về dinh đợi lệnh.
Hàn Nguyên soái truyền dẫn hai tên giặc vào trướng. Quân sĩ vâng lệnh dắt hai người vào, đến nơi Dương Tân quì mọp xuống cúi đầu, còn Yên Tất Hiển thì đứng hiên ngang không chút sợ sệt.
Hàn Nguyên soái nói:
Loài mao tặc, đã bị bắt đến đây còn ngạo nghễ đến thế sao?
Yên Tất Hiển thản nhiên đáp:
- Ta là đại trượng phu đời nào biết quì lạy ai? Nay ta đã bị bắt tất nhiên cái chết đối với ta không nghĩa lý gì nữa, ngươi cứ việc giết ta đi, chớ có nhiều lời.
Hàn Nguyên soái thấy thái độ hai người khác biệt, bèn kêu tả hữu vào bảo:
- Hãy đem hai tên giặc này giam cầm sau hậu dinh để ta phá tan sào huyệt chúng bắt cho kỳ được Dương Niệu rồi sẽ chém đầu một lượt.
Quân sĩ vâng lệnh đem hai người ra hậu dinh giam giữ, Hàn Nguyên soái lại gọi quân sĩ vào bảo nhỏ:
- Chúng bây hãy y kế ta làm như vầy. . . như vầy. . .
Quân sĩ vâng lệnh đi ngay.
Yên Tất Hiển cùng Dương Tân đều bị xiềng nhốt vào hai cái ngục đối diện nhau, mỗi ngục đều có bốn tên quân canh giữ, tuyệt đối không cho nói chuyện với nhau.
Chiều tối hôm ấy, Dương Tân đói rã ruột đưa mắt nhìn chừng cơm đem đến nhưng không thấy đâu cả lại thấy bên ngục Yên Tất Hiển quân sĩ mang đến rau cải, rượu thịt ngon lành. Dương Tân thèm nhỏ dãi, đợi đến khuya mới thấy một tên quân mang vào một bát cơm lức và ít hạt muối bảo Dương Tân dùng. Phía trước cửa bốn tên quân canh lại bày rượu ngon, thịt béo ăn uống vui cười hỉ hả. Dương Tân thấy thế tức giận vô cùng, nhìn chén cơm hẩm của mình không nuốt vô, cực chẳng đã phải ăn đỡ vài miếng, lại bị mấy tên quân mắng chửi:
- Cơm đem đến còn chưa chịu ăn, hay mi đòi chúng ta cung phụng? Thôi hãy trói mi lại cho thật chặt để mấy ông đi ngủ cho yên.
Nói rồi lấy thêm thừng trói chặt Dương Tân vào cây cột, đoạn dắt nhau đi ngủ.
Lúc bấy giờ Dương Tân thấy mình đang sống trong cái chết khổ tâm vô cùng, nước mắt tự nhiên chảy xuống như hai dòng suối, qua hết canh một chợt nghe có tiếng chân người từ xa đi tới, Dương Tân dóng tai nghe đoán biết có ba bốn người đến ngục Yên Tất Hiển. Giây phút sau, nghe có tiếng chân người bước ra và nói rất nhỏ:
"Mọi việc đều ở trong tay tôi, các ngài cứ tin tưởng vào tôi chắc chắn mọi việc sẽ thành công".
Nói rồi dắt nhau đi mất hút, Dương Tân trong lòng nghi hoặc vô cùng.
Sáng hôm ấy Hàn Nguyên soái cho gọi Triệu Vân, Lương Hưng, Kiết Thanh và Châu Thanh bốn tướng vào trướng nói nhỏ những gì không biết, rồi dặn:
- Các ngươi hãy y kế mà làm chớ nên sơ xuất.
Rồi viết một bức tâm thư dán kín sai người sang Đàn Châu trao cho Nhạc Nguyên soái. Nhạc Nguyên soái tiếp thư giở ra xem rồi gật đầu ra vẻ thông cảm liền hối quân sĩ vào ngục lựa một tên tử tù giống hệt Vương Hoành dẫn vào hậu đường bắt quì xuống, Nhạc Nguyên soái hỏi:
- Ngươi tên gì?
Dạ bẩm Nguyên soái tôi tên Thái Huân.
- Ngươi phạm tội gì?
- Vì tôi uống rượu say đánh chết người nên phạm vào tử tội.
Nhạc Nguyên soái vỗ về:
- Say rượu lỡ tay giết người chưa đáng chết, nay bổn soái muốn giao cho ngươi một việc, như ngươi làm được thì chẳng những khỏi tội, lại còn có công nữa.
Thái Huân mừng rỡ cúi đầu bẩm:
- Nếu lão gia miễn tội cho tôi thì bảo tôi vào trong nước sôi lửa bỏng tôi cũng chẳng dám từ nan.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Bổn soái có tên Mã Hậu Vương Hoành thật đắc dụng, chẳng dè Hàn Nguyên soái lại sai người đến hỏi mượn y, nếu không cho mượn thì mếch lòng nhau, bằng cho mượn thì ta không muốn, vì vậy ngươi phải sắm sửa nai nịt mạo danh Vương Hoành qua chỗ Hàn Nguyên soái. Đến đó tất nhiên ngươi được trọng dụng song chẳng nên ở lâu, ngươi liệu làm được không?
Tên tử tù Thái Huân mừng rỡ vô cùng, quỳ lạy nói:
- Tôi đã mang ơn lão gia lẽ nào dám ở lâu hỏng việc? Tôi quyết giả dạng Vương Hoành cho đến khi nào lão gia hết cần nữa mới thôi.
Nhạc Nguyên soái truyền đem y giáp vào cho tên
Vương Hoành giả thay đổi, đoạn gọi người đem thư vào bảo:
- Hàn Nguyên soái viết thư yêu cầu ta cho mượn tên Vương Hoành mà dùng. Tên Vương Hoành này lâu nay giúp ta rất đắc lực, tuy vậy ta vị tình Hàn Nguyên soái nên sai hắn theo ngươi qua bên ấy phục dịch cho Nguyên soái ít lâu, lúc nào dẹp xong giặc rồi hãy thưa với Nguyên soái trả lại cho ta, chớ nên thất tín.
Người ấy vâng mệnh lui ra, Nguyên soái lại kêu "Vương Hoành'' dặn:
- Ngươi qua bên ấy phục vụ cho Hàn Nguyên soái phải hết lòng chớ có bê trễ.
Vương Hoành giả, bái tạ rồi cùng tên mang thư đi thẳng qua y trại. Lúc ấy Hàn Nguyên soái đang thăng trướng, hai người dắt nhau vào quì trước chờ lệnh.
Hàn Nguyên soái hỏi:
- Ngươi tên chi?
Tên Vương Hoành giả cúi đầu bẩm:
- Dạ tôi đây chính là Mã Hậu Vương Hoành vâng lệnh lão gia qua đây để phục vụ cho nguyên soái một thời gian.
Hàn nguyên soái gật đầu nói:
- Lâu nay ta vẫn nghe Nhạc Nguyên soái nói có Mã Tiền Trương Bảo, Mã Hậu Vương Hoành là hai tên gia tướng mười phần đắc lực, nay ta mượn qua đây tạm cho ngươi giữ chức đội trưởng cai quản một trăm quân sau này có công lao, ta sẽ thăng thưởng thêm.
Vương Hoành giả, cúi đầu tạ ơn rồi đứng sang một bên, Hàn Nguyên soái lại sai quân dẫn Dương Tân và Yên Tất Hiển ra.
Hàn Nguyên soái nhìn thẳng vào mặt hai người vỗ án hét lớn:
- Hai đứa bay đã bị bắt còn hy vọng gì trốn thoát? Có chịu đầu hàng không?
Yên Tất Hiển trợn mắt hét lại:
- Ta thà chịu chết chứ đời nào chịu đầu ngươi?
Hàn Nguyên soái hô to:
- Được rồi, mi nhất định không chịu đầu phải không? Quân sĩ đâu? Hãy dẫn hắn ra ngoài chém quách bêu đầu làm lệnh cho ta.
Quân sĩ vừa áp tới toan dẫn Yên Tất Hiển ra, bỗng thấy một vị tướng quân bước tới nói nhỏ gì với Hàn Nguyên soái nên Hàn Nguyên soái gọi quân đao phủ trở lại và bảo đem giam lại như cũ.
Hàn Nguyên soái lại kêu Vương Hoành dặn:
- Ngươi nên biết tên Dương Tân này không phải như tướng khác đâu, chính hắn là em ruột của Dương Ma nên phải giải về Lâm An để hiến công. Bây giờ ngươi cầm đầu bốn tên quân áp giải hắn qua cho Nhạc Nguyên soái liệu định, phải hết lòng chớ có thờ ơ nhé.
"Vương Hoành" vâng lệnh từ biệt Hàn Nguyên soái bỏ Dương Tân vào xe tù rồi bảo bốn tên quân đẩy ra khỏi dinh nhắm Đàn Châu đi thẳng.
Đi dọc đường bốn tên quân của Hàn Nguyên soái tỏ vẻ bất mãn không muốn đi, hễ tiến tới một bước lại lui hai bước, "Vương Hoành" ngồi trên ngựa nạt lớn:
- Bốn thằng ôn dịch kia hãy đẩy xe tù đi cho nhanh kẻo trễ việc quan bây giờ.
Bốn tên tức giận nói lảm nhảm:
- Ngươi bất quá một tên đầy tớ của Nhạc Nguyên soái chứ quyền thế gì đâu mà nạt nộ ai?
"Vương Hoành'' nổi giận nhảy xuống ngựa xách roi xốc tới vừa đánh vừa mắng:
- Quân khốn khiếp, hãy mở to mắt nhìn trời đã gần tối kia kìa. Từ đây đến Đàn Châu còn hai mươi dặm nữa mà giải tên trọng phạm như vậy nếu sơ xuất thì mang tội lớn đấy?
Bấn tên quân đang lúc giận dữ, không hiểu tại sao lại có một tên đổi giận làm lành, bước tới dịu giọng nói với "Vương Hoành":
- Xin tướng gia bớt giận, chỉ vì hôm nay Nguyên soái thăng trướng quá sớm nên anh em chúng tôi ăn chưa kịp no làm sao đi nổi. Hơn nữa, ngài ngồi trên ngựa không hề chi chứ anh em chúng tôi phải đẩy chiếc xe tù nặng nề như thế này nên cần phải no nê mới được, sẵn trước đây có tòa Linh Quan miếu, chúng ta hãy đến đó hỏi mấy đạo nhân kiếm rượu thịt ăn no rồi sẽ đi.
Vương Hoành gật đầu đáp:
- Nếu vậy hãy đi đến đó cho mau.
Nói rồi nhảy lên ngựa, còn bốn tên quân kia đẩy xe tù đi riết đến Linh Quan miếu.
Chúng để xe tù trước sân rồi một tên quân đi với "Vương Hoành" thẳng vào chánh điện kêu lớn:
- Trong chùa có đạo sĩ nào không? Hãy ra đây chúng ta bảo nào.
Tức thì có hai ông đạo sĩ trạc tuổi trung niên từ phía sau chạy ra hỏi:
- Ai mà đến đây kêu la om sòm như vậy?
Tên quân trợn mắt quát:
- Mấy lão đạo sĩ này cả gan thật, bọn ta đây là tướng quân của Hàn Nguyên soái có nhiệm vụ giải tội phạm vào thành, nhân vì đói bụng nên ghé vào đây kiếm chén rượu, sao các ngươi cứ ở phía sau uống rượu hay cờ bạc mà không ra nghênh tiếp? Để ta về thưa lại với Nguyên soái trừng trị cho bay biết mặt.
Hai lão đạo sợ hãi kiếm lời xoa dịu:
- Xin tướng gia bớt giận, vì cái miếu này trước kia hương hỏa rất thịnh, chẳng may trải qua thời gian loạn lạc hóa ra vắng vẻ. Hôm nay là ngày vía của ngài Linh Quan nên chúng tôi đến đây góp kẻ ít người nhiều mua đồ tam sinh, phúc vật cúng tế. Bởi mắc lo cúng phía sau nên không hay tướng gia đến để nghênh tiếp thật là có lỗi nếu các ngài không chê, xin mời ra hậu điện uống với chúng tôi vài chén rượu.
Vương Hoành giả này vốn kẻ tham ăn nên thấy đạo sĩ cung kính mời thì mừng lắm vội nói:
- Tốt lắm, để ta vào chung vui với.
Lão đạo lại nói với bốn tên quân:
- Chắc có lẽ bốn vị .phải ở đây coi giữ phạm nhân, vậy để tôi sai người bưng thức ăn ra cho liệt vị dùng.
Nói rồi cùng "Vương Hoành" bước ra sau hậu điện, ở đây gồm có bảy tám ông đạo sĩ, hai tiệc rượu đã dọn lên cá thịt ê hề, song chưa ai ngồi. Khi thấy "Vương Hoành ' bước vào ai nấy đều làm lễ nghênh tiếp.
"Vương Hoành" được mời ngồi trên hết, kẻ rót rượu, người mời mọc trông rất trân trọng, còn ngoài kia bốn tên quân ngồi giữ xe tù chờ đợi mãi gần nửa buổi mới thấy ông đạo già bưng ra vài món rau cải cùng một rá cơm với mấy đôi đũa để trước mặt bốn người rồi nói:
- Vị tướng quân trong ấy bảo tôi ra nói với bốn người phải ăn cho no để đẩy xe tù đi cho nhanh.
Nói rồi bỏ vào trong mất dạng; bấn tên quân tức giận vô cùng. Chúng ngồi dỏng tai nghe phía sau ăn uống cười cợt om sòm lại càng tức giận hơn nữa. Bỗng một tên trong bọn lên tiếng nói:
- Ai lại không biết cái thằng "Vương Hoành'' ấy chỉ là tên giữ ngựa cho Nhạc Nguyên soái, đâu có giá trị bằng anh em chúng ta, hôm nay may nhờ Hàn Nguyên soái đề cử chức bá tổng có danh vọng gì đâu mà hắn làm ra vẻ quan lớn. Nếu mai sau nó lập được chút công gì chắc nó nghênh ngang thấu trời. Chúng ta đây là thủ hạ của Hàn Nguyên soái họ lại chịu phục dịch một tên cẩu đầu như vậy sao? Chi bằng sáng mai chúng ta trả lại tiền lương, xin thôi chức về nhà buôn bán làm ăn có khi hay hơn.
Tên quân kia lại nói:
- Trong buổi chinh chiến này, ai lại cho chúng ta thôi chức, trả lại lương? Chỉ còn có cách trốn qua Kim Quốc đầu hàng Hoàng tử Ngột Truật may ra tìm được chỗ xuất thân tốt hơn.
Bốn tên quân kẻ nói thế này người nói thế khác ai nấy đều bất mãn đem lòng oán hận, Dương Tân ngồi trong xe tù nhận thấy đây là cơ hội tốt cho mình thoát thân nên lên tiếng xen vào:
- Ta xem bốn người tướng mạo đường đường, đâu phải là hạng người hèn hạ, tại sao lại để cho đứa tiểu nhân nó lấn lướt như vậy? Chi bằng bốn người đi qua đầu hàng đại vương ta, nhất định được trọng dụng chẳng hơn sao?
Bốn người nghe nói mừng rỡ bảo:
- Thế thì hay biết bao nhiêu, nếu vương gia hứa sẽ bảo cử chúng tôi làm quan chức gì nho nhỏ cũng được, chúng tôi nguyện giết phắt tên "Vương Hoành" ngạo nghễ kia rồi thả vương gia ra cùng đi với chúng tôi lên núi, vương gia nghĩ sao?
Dương Tân lòng như nở hoa, vội nói:
- Bốn ngươi có lòng tốt cứu mạng ta, ta hứa sẽ bảo cử bốn người làm chức Đô Thống Điện Tiền.
Bốn tên quân mừng rỡ đồng thanh nói:
- Nếu vậy chúng ta phải ra tay tức khắc chớ nên chậm trễ.
Nói.rồi liền mở xe tù thả Dương Tân ra, bốn người đều tuốt gươm khỏi vỏ hiệp cùng Dương Tân chạy vào hậu điện. Mấy đạo sĩ vừa trông thấy vội vã nhảy vọt ra phía sau đóng cửa lại, còn Vương Hoành giả thì say mèm đang gật gù trên bàn tiệc, vừa muốn đứng dậy đã bị bốn tên quân áp đến chém chết ngay tại chỗ.
Sau đó bấn người dắt Dương Tân ra khỏi cửa bắt con ngựa của Vương Hoành giả cho Dương Tân cưỡi, còn bốn người chạy theo sau, noi theo tiểu lộ chạy thẳng về Xà Bàng sơn.
Lúc về đến chân núi đã nghe trống điểm canh hai, lâu la trông thấy Tam đại vương về được vội vàng mở cửa đón vào. Dương Tân mời bốn người thẳng vào Tàng Kim Hốt.
Bấy giờ Dương Niệu đang ngự tại điện hiệp với ngũ vương gia là Dương Hội và Nguyên soái Yên Tất Đạt để tìm cách cứu con mình về. Đột nhiên trông thấy Dương Tân về được, lòng mừng vô hạn, vội hỏi:
- Làm sao con về được?
Dương Tân đem hết đầu đuôi mọi việc bẩm lại một hồi. Dương Niệu kêu bốn người ấy lên điện hỏi:
- Bốn ngươi tên họ chi?
Bốn người quì xuống một lượt bẩm:
- Bốn đứa tôi tên Gian Thể, San Phụng, Thủy Hoa và Thạch Minh.
Dương Niệu nói:
- Nhờ ơn bọn ngươi có lòng tốt cứu con ta về đây, ơn ấy ví bằng sơn hải, vậy phong cho bọn ngươi làm chức Đô Thống để bảo hộ con ta.
Bốn người lạy tạ rồi thay đổi áo mũ rất oai vệ.
Sau đó Dương Niệu nói với Yên Tất Đạt.
- Nay lệnh huynh còn bị giam cầm nơi Tống dinh, làm sao cứu được? Khanh hãy đi vòng qua phía sau núi thẳng qua hồ khẩu noi theo đường sông lên Động Đình ra mắt đại vương xin quân đến đây tiếp cứu cho mau đặng hiệp nhau bắt cho đặng Hàn Thế Trung mới cứu lệnh huynh con ra được.
Yên Tất Đạt vâng lệnh lên ngựa đi suốt đêm thẳng qua Động Đình hồ.
Hôm ấy Hàn Nguyên soái thăng trướng, bỗng có quân thám tử chạy về báo:
- Bốn tên lính giải phạm nhân đã thả Dương Tân giết chết "Vương Hoành" rồi giắt nhau trấn theo giặc rồi.
Hàn Nguyên soái bèn truyền dẫn Yên Tất Hiển ra và nói:
- Ta xem ngươi tướng mạo đường đường quả là đấng anh hùng, nên chẳng giải ngươi về kinh làm gì. Sao người chẳng qui thuận cho rồi để lập công danh với đời?
Yên Tất Hiển đáp:
- Đừng nói bậy, em ta là Yên Tất Đạt hiện ở trên núi đang làm phụ quốc Đại Nguyên soái, hơn nữa gia quyến ta đều ở trên núi, há ta lại tham sống sợ chết phản bội để hại cả nhà ta sao?
Hàn Nguyên soái nói:
- Nếu vậy, tuy ngươi là kẻ phản nghịch song cũng có lòng trung nghĩa đáng khen, nay bổn soái cử binh thuận lòng trời, hợp chính nghĩa, có lo chi không tiêu diệt được Dương Niệu? Quân tiểu hiệu đâu? Hãy dắt ngựa và đồ binh khí đem trả lại cho Yên tướng để người được tự do về núi. Sau này bổn soái bắt được cha con Dương Niệu tất nhiên ngươi sẽ cải tà quy chánh chứ không lo chi.
Quân sĩ vâng lệnh dẫn Yên Tất Hiển ra khỏi dinh trả lại con ngựa và đồ binh khí cho hắn được tự do trở về núi.
Đến nơi, lâu la vừa trông thấy biết ngay Nguyên soái mình đã về được liền mở cửa ải cho vào ngay. Yên Tất Hiển vào điện ra mắt Dương Niệu. Dương Niệu hỏi:
- Tại sao ngươi về được?
Yên Tất Hiển đem hết việc trước sau bẩm lại, Dương Niệu cả giận nạt lớn:
- Chớ có xảo ngôn, nếu ngươi không chịu đầu hàng Tống, tất nhiên chúng chém chết rồi, hoặc chúng phải giải qua Đàn Châu chứ có đâu lại thả ngươi một cách vô cớ như vậy? Việc này không thể nào lừa ta được đâu, bởi ngươi đã đầu chúng trước rồi nên chúng mới giải một mình con ta qua Đàn Châu thôi. Quân sĩ đâu? Hãy dẫn Yên Tất Hiển chém phắt cho ta.
Quân đao phủ vừa muốn ra tay, Ngũ Vương gia Dương Hội bước ra bẩm:
- Xin phụ vương bớt giận, cứ theo sự nhận xét của con thì Nguyên soái Yên Tất Hiển trước nay vẫn có lòng trung nghĩa lẽ đâu hôm nay người lại đầu hàng kẻ địch? Hơn nữa, sự việc hôm nay chưa biết thật giả, há lại đi giết mất một đại tướng sao? Xin hãy tạm giam lại đó để đi thám thính điều tra cho rõ hư thiệt rồi mới thi hành cũng chẳng muộn.
Dương Niệu nói:
- Con ta đã khuyên giải, vậy kẻ tả hữu hãy tạm giam hắn lại.
Rồi quay lại nói với Dương Tân:
- Nay Yên Tất Đạt là em nó đang lãnh nhiệm vụ sang Động Đình hồ xin binh cứu viện, nếu hắn biết anh hắn như vậy ắt sinh khác lòng. Con phải dẫn hết bốn viên Đô Thống đi đón hắn giữa đường, chờ cho hắn đem binh về gần đến sơn trại hãy nổi lửa lên làm hiệu lệnh, ta sẽ dẫn binh xuống núi để hai phía hiệp công, chớ nên sơ xuất.
Dương Tân lĩnh mệnh hiệp cùng bốn viên Đô Thống ra phía sau noi theo đường nhỏ thẳng qua Hồ Khẩu.
Nhắc lại chuyện Hàn Nguyên soái sau khi thả Yên Tất Hiển liền sai người đi thám thính đã rõ ràng tình hình của địch, liền sai người báo tin cho Nhạc Nguyên soái hay để phát binh ra trận đánh binh cứu viện của địch nơi Hồ Khẩu, một mặt truyền Ngưu Cao, Vương Quới, Thang Hoài và Trương Hiển, mỗi người đều dẫn binh mã kéo đến Xà Bàng sơn phân ra mai phục bốn phía.
Nhạc Nguyên soái tiếp được thư Hàn Thế Trung, lập tức sai Dương Tái Hưng, Từ Khánh và Kim Bưu dẫn ba nghìn binh mã đến tại Thanh Vân sơn mai phục.
Lại nhắc đến việc Yên Tất Đạt vâng lệnh Dương Niệu đến Động Đình quan vào triều kiến Dương Ma và dâng bức thư của lão đại vương lên. Dương Ma xem qua tức giận vô cùng liền trao qua cho quân sư là Khuất Nguyên Công xem.
Khuất Nguyên Công xem xong nói:
- Nay trong triều ta đây nhất định có đứa gian tế rồi, .nếu không làm sao Hàn Thế Trung có thể đến đóng dinh được tại Tàng Kim Hốt? Vậy bây giờ cần phải xuất quân đi giải vây tại Xà Bàng sơn trước đã rồi sau sẽ liệu.
Dương Ma liền sai Kỳ Vương là Chung Nghĩa hiệp cùng Yên Nguyên soái lãnh năm nghìn quân đi cứu ứng.
Kỳ Vương vâng lệnh kiểm điểm binh mã hiệp cùng Yên Tất Đạt xua quân qua Động Đình hồ.
Quân kéo đến Hồ Khẩu bỗng gặp Dương Tân cùng bấn vị Đô thống, mọi người cùng nhau theo đại lộ tiến quân.
Đại binh đi vừa đến núi Thanh Vân bỗng nghe một tiếng pháo nô vang, hai bên phục binh ào ra, có viên đại tướng giục ngựa xông tới hét lớn:
- Ta là Dương Tái Hưng vâng lệnh Nhạc Nguyên soái đến bắt bọn bay đây, hãy mau mau xuống ngựa chịu trói cho rồi.
Kỳ Vương không thèm nói năng gì cả cứ việc vung đao chém liền. Dương Tái Hưng đưa thương tiếp đánh không đầy mười hiệp đã bắt sống được Kỳ Vương trên lưng ngựa giao cho Từ Khánh rồi giục ngựa theo bắt Dương Tân. Dương Tân liệu thế không xong chăng dám giao phong liền quay ngựa bỏ chạy, nhưng phía sau có bốn viên Đô Thống đón lại nói lớn:
- Dương Tân chớ sợ hãi, có anh em ta đây.
Dương Tân vừa đứng lại đã bị bốn người ấy bắt trói ngay. Dương Tái Hưng coi rõ lại bấn tướng ấy là Triệu Vân, Kiết Thanh, Châu Thanh và Lương Hưng.
(Nguyên bốn người này vâng lệnh Hàn Nguyên soái giả làm quân giải xe tù giết chết Vương Hoành giả, thả Dương Tân để đột nhập vào Tàng Kim Hốt làm nội công ngoại kích nên mới đoạt được thắng lợi dễ dàng như vậy).
Dương Tái Hưng giao Dương Tân cho Kim Bưu và Từ Khánh rồi nói:
- Chư đệ hãy dẫn hai đứa giặc về thành chờ lệnh.
Hai người vâng lệnh dẫn hai tên giặc trở về Đàn Châu, còn Dương Tái Hưng hiệp cùng bọn Triệu Vân bao vây năm ngàn lâu la. Thế đánh ngặt nghèo quá, lâu la không tài nào thoát khỏi nên xúm nhau đầu hàng không sót một tên.
Dương Tái Hưng dẫn hết tinh binh về dinh ra mắt Hàn Nguyên soái, còn Triệu Vân, Lương Hưng, Châu Thanh và Kiết Thanh, bốn người chạy đến Xà Bàng sơn kêu quân mở ải.
Quân sĩ trông thấy bốn viên Đô thống liền mở ải cho lên. Bốn người vào ra mắt Dương Niệu và nói:
- Yên Nguyên soái quả nhiên đã qua Đàn Châu đầu Nhạc Phi rồi, nay Tam đại vương là Kỳ Vương đã lãnh binh tuốt qua phá dinh Hàn Thế Trung. Đại vương hãy dẫn binh xuống núi, Kỳ Vương sẽ nổi lửa lên làm hiệu lệnh đại vương sẽ hiệp công bắt Hàn Thế Trung cho rồi.
Nói chưa dứt lời, bỗng thấy lâu la chạy vào báo:
- Phía dưới chân núi lửa cháy bừng trời, tiếng hét la vang dậy, chắc là binh cứu viện đã đến rồi.
Dương Niệu bèn sai Ngũ công tử là Dương Hội hiệp với tả vệ tướng quân là Quản Sư Ngạn và hữu vệ tướng quận là Trần Thiết Kiên dẫn ba nghìn lâu la xuống núi tiếp ứng.
Ba người vâng lệnh dẫn binh nhắm dinh Tống tiến tới. Đi chưa được vài dặm bỗng nghe tiếng pháo nổ vang, bốn phía núi trống chiêng nổi lên vang dậy. Bọn Ngưu Cao và bốn tướng xua binh ào ra chặn bọn Dương Hội đánh tới. Lâu la hoảng kinh chạy lên núi phi báo, Dương Niệu cả kinh than:
- "Nguy tai rồi". Ta đã trúng kế phục binh!
Liền quay lại nói với Hộ Quốc Thừa tướng Ô Thiên Mỹ:
- Hiền khanh hãy giữ gìn sơn trại để ta đi cứu ứng mới được.
Dặn rồi cho gọi hai mươi tên Hộ Sơn Thái Bảo vào cung dẫn hai ngàn lâu la lên ngựa vung đao chạy ào xuống núi, bỗng nghe phía trước có tiếng la hét om sòm, Dương Niệu đoán biết hai bên đang giao chiến, liền giục ngựa vung đao xông vào giữa trận, bỗng thấy Dương Tái Hưng cũng từ ngoài xông vào đón đánh Dương Niệu.
Dương Tái Hưng đỡ vọt cây đao của Dương Niệu ra rồi bắt sống trói lại, vật nằm dài trên lưng ngựa chạy tuốt về Đàn Châu.
Dương Hội vừa muốn giục ngựa xông ra đã bị Ngưu Cao lẹ tay giáng cho một giản té nhào xuống ngựa, quân sĩ áp vào trói lại. Còn Quảng Sư Ngạn đang luýnh quýnh bị Hàn Ngạn Trực vút một thương văng xuống đất chết tươi. Trần Thiết Kiên thấy vậy, quay ngựa toan bỏ chạy bị Kiết Thanh đánh một roi bể óc.
Hàn Nguyên soái thừa thắng xua quân áp vào chân núi Xà Bàng sơn. Lúc ấy trên núi, bọn bộ hạ của Yên Tất Hiển đã vào ngục mở cửa thả Yên Tất Hiển ra rồi.
Yên Tất Hiển còn đang do dự, bỗng thấy bọn Kiết Thanh, bốn người chạy đến gọi:
- Yên tướng quân, lệnh đệ nay đã ở tại Đàn Châu, còn Dương Niệu đã bị bắt rồi sao không đầu thuận Tống triều để cứu lệnh đệ khỏi chết, còn đợi gì nữa?
Yên Tất Hiển nói:
- Việc đã đến nỗi này, để tôi bắt hết cả nhà họ Dương đem nạp lập công luôn thể.
Nói rồi liền hiệp với bốn tướng vào bắt hết cả nhà họ Dương hơn một trăm người rồi dâng cả Xà Bàng sơn cho Hàn Nguyên soái.
Hàn Nguyên soái dẫn chư tướng lên núi thu hết vàng lụa, lương thảo, bắt hết gia đình của Dương Niệu vào xe tù rồi nổi lửa đốt rụi sơn trại, đoạn thu binh về và sai người giải lương thảo cùng tù binh qua Đàn Châu giao cho Nhạc Nguyên soái.
Hàn Nguyên soái vào dinh ra mắt Nhạc Nguyên soái, hai người bàn chuyện với nhau rất vui vẻ. Nhạc Nguyên soái sai trói hết cả nhà Dương Niệu dẫn ra, còn Yên Tất Hiển trước kia không chịu đầu, để đến khi cùng thế mới chịu đầu xét không thiệt lòng nên cũng đều đem ra chém hết, rồi lấy thủ cấp sắp vào thùng sai lính hộ tống giải về Lâm An.
Sau đó Hàn Nguyên soái từ giã Nhạc Nguyên soái trở về thủy trại.
Sau khi Xà Bàng sơn thất thủ, quan thám tử chạy về Động Đình sơn phi báo:
- Yên Tất Hiển đã dâng Xà Bàng sơn đầu Tống rồi, cả nhà Đại vương bị Tống bắt đem về Đàn Châu chém hết và giải về Lâm An.
Dương Ma nghe báo liền khóc rống lên, bá quan văn võ đều rơi lụy. Sau đó ai nấy đều để tang. Lúc ấy nhị đại vương Dương Phàm trong mình đang bịnh nằm liệt trong phủ nên Dương Ma tuyên bố phải giấu nhẹm không cho hay sợ e Dương Phàm hay được bịnh thêm trầm trọng.
Dương Ma cùng quân sư bàn luận kế hoạch đánh với Nhạc Phi để báo thù cho cha mẹ.
Quân sư Khuất Nguyên Công nói:
- Binh ta mới bị thua, tinh thần đang hoảng loạn, cần phải chờ điều động binh mã các xứ tập trung về tạo nên một .lực lượng hùng hậu kéo qua Đàn Châu quyết giao chiến với Nhạc Phi một phen cho hắn biết tay.
Dương Ma y lời vội sai người đi khắp các xứ điều động binh mã về gấp để lo mưu báo thù.
Nói về đoàn quân của Nhạc Nguyên soái giải thủ cấp về Triều hiến nạp, đi chỉ ba ngày đã đến Lâm An vào dâng lên cho Cao Tông. Cao Tông cả mừng bèn sai Hình Bộ mang hết thủ cấp đi bêu khắp đô thành để răn dân chúng, một mặt sai Bộ Hộ phát lương thảo, lụa hàng thưởng cho quân sĩ, còn Bộ Công phải chuẩn bị cho đủ ba trăm hũ ngự tửu giao cho nội thần Điền Tư Trung mang ra Đàn Châu khao thưởng ba quân.
Điền Tư Trung vâng chỉ mang ba trăm hũ ngự tửu đến nhà Tần Cối để cho người niêm phong lại rồi mới được mang qua Đàn Châu ban cho Nhạc Nguyên soái. Lúc ấy Tần Cối mắc ở nha môn nghị sự chưa về. Một mình Vương thị ở nhà lén bảo gia tướng lấy thuốc độc bỏ hết vào các hũ rượu, ý muốn cho Nhạc Phi cùng ba quân cùng chư tướng chết hết để cho Ngột Truật dễ dàng vào thôn tính Trung Nguyên.
Phàm đàn ông dù độc ác đến đâu cũng còn chút lương tâm, còn đàn bà vì khí bẩm thuần âm, hễ giết ai thì phải giết cho tận tuyệt mới nghe. Thật là đáng sợ!