- Cẩn thận đừng có trượt chân đấy, nếu bị ngã xuống là không mong lên được đâu, - Văn Huê vừa thấy tôi đi loạng choạng đã cảnh cáo tôi.
- Anh cứ đi đi, tôi theo anh, và tôi sẽ cẩn thận hơn.
Trước mặt tôi là một hòn đảo nhỏ, cách xa chừng một trăm năm mươi mét. Từ giữa cái đảo tí hon ấy, khói hốc lên. Chắc đấy là chỗ đốt than. Tôi nhận thấy có một con cá sấu nằm trong bùn, chỉ có cặp mắt ló ra. Không biết con cá sấu này ăn gì để sống trong đống bùn này. Sau khi đi bộ hơn một kilômét dọc bờ ao có bùn này. Văn Huê dừng lại và cất tiếng hát một bài hát Tàu. Một bóng người hiện ra bên kia đảo. Đó là một người nhỏ nhắn, chỉ vận một cái quần cụt. Hai người nói chuyện với nhau rất lâu, tôi bắt đầu thấy sốt ruột thì vừa may họ cũng ngừng nói.
- Đi lối này - Văn Huê bảo tôi.
Tôi đi theo anh, chúng tôi lại lộn ra.
- Mọi việc tốt cả. Đây là bạn Quých-Quých, Quých-Quých đi săn cũng sắp về rồi, ta phải đợi ở đây.
Chúng tôi ngồi xuống.
Chưa đầy một giờ sau, Quých-Quých về. Đó là một người nhỏ và gầy, da vàng, răng nhuộm gần như đen bóng, có cặp mắt thông minh và thẳng thắn.
- Anh là bạn của Chang em tôi?
- Phải.
- Tốt lắm. Anh về được rồi đấy, Văn Huê ạ.
- Cảm ơn anh, - Văn Huê nói.
- Anh cầm con gà gô này về đi.
- Tôi không lấy đâu, cảm ơn anh.
- Anh bắt tay tôi rồi quay đi.
Quých-Quých kéo tôi đi theo con heo cứ chạy trước anh. Anh theo sát nó từng bước.
- Anh hãy chú ý đấy Papillon. Xảy chân, bước lỡ một bước là anh bị sa lầy ngay. Trường hợp bị nạn, không ai có thể cứu được vì không phải một mà cả hai cũng tiêu luôn. Đường đi lại thay đổi luôn vì bùn cứ xê dịch hoài, nhưng con heo vẫn tìm được lối đi. Có một lần, tôi phải chờ hai ngày mới đi qua được.
Quả vậy, con heo đánh hơi và nhanh chóng vượt qua quãng bùn. Anh người Tàu nói với nó bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi đi theo ngỡ ngàng vì thấy con vật nhỏ bé này nghe lời anh như một con chó.
Con heo đã đi qua được bên kia mà không lần nào lún sâu quá vài phân. Anh bạn mới của tôi cũng mau chân theo nó và nói:
- Anh bước theo bước chân tôi nhé. Phải đi rất nhanh vì những vết chân heo bị lấp rất chóng.
Chúng tôi qua ao bùn không khó lắm. Không lúc nào bùn ngập quá bắp chân tôi, mà có ngập đến bắp chân thì cũng chỉ ở đoạn cuối thôi. Con heo đi hai khúc quành dài, làm chúng tôi buộc lòng phải đi trên lớp đất chắc ấy một quãng dài hơn hai trăm mét. Mồ hôi tôi chảy dòng dòng khắp người. Nói là tôi sợ thật chưa đủ. Phải nói là kinh hoàng mới đúng. Đi quãng đường đầu tiên, tôi tự hỏi không biết số mạng tôi có phải chết như Sylvain không. Tôi như lại trông thấy anh bạn khốn khổ ấy trong giai đoạn cuối cùng, và tuy rất tỉnh táo tôi nhận rõ người anh nhưng mặt lại hao hao giống tôi. Cảm giác của tôi khi tôi đi qua đoạn đường đó thật là ghê sợ. Tôi không dễ quên ngay.
- Đưa tay cho tôi - Và Quých-Quých, anh chàng bé nhỏ chỉ có xương và da, đã giúp tôi leo lên bờ.
- Anh bạn ơi, bọn đi săn người không tới đây lùng chúng ta đâu nhỉ.
- Ồ anh yên tâm về chuyện này.
Chúng tôi đi sâu vào đảo. Một mùi thán khí xộc vào họng tôi. Tôi ho. Đấy là mùi khói của hai cái lò đốt than đang cháy, ở đây tôi không còn sợ muỗi. Một cái lán nhỏ, lợp lá, vách cũng bằng lá kết lại với nhau, đứng trước gió, chung quanh mù mịt khói. Có một cửa vào, và đứng trước cứa là cái ông già người Đông dương bé nhỏ mà tôi đã trông thấy trước khi gặp Quých-Quých.
- Chào me-xừ.
- Nói tiếng Pháp với anh ấy, đừng dùng tiếng địa phương, anh ta là bạn của em tôi đấy.
Ông già người Tàu, bé quắt một mẩu, nhìn tôi từ đầu đến chân. Hài lòng về cuộc quan sát của mình, ông chìa tay ra cho tôi, miệng mỉm cười móm mém.
- Vào đi, ngồi xuống đây.
Cái bếp duy nhất này trông rất sạch sẽ. Trên bếp là một cái nồi to không biết đun nấu gì. Chỉ có một cái giường bằng cành cây đan với nhau, cao cách mặt đất ít nhất là một mét.
- Ông giúp tôi làm thế nào cho anh ấy có chỗ ngủ đêm nay đi.
- Được rồi.
Chưa đầy nữa giờ sau, chỗ nằm của tôi đã xong. Hai người Tàu dọn thức ăn ra và chúng tôi ăn một món xúp tuyệt ngon, rồi cơm trắng với thịt nấu hành. Ông bạn Quých-Quých là người đi bán than củi. Ông ta không ở lại đảo, vì vậy tối đến, chỉ còn lại Quých-Quých và tôi.
- Phải, tôi đã lấy trộm cả bầy vịt của trại trưởng, vì vậy tôi phải vượt ngục.
Chúng tôi ngồi đối diện với nhau, ngọn lửa nhỏ chốc chốc lại bốc lên soi sáng mặt chúng tôi. Mặt Quých-Quých không vàng hẳn. Do phơi nắng, màu vàng tự nhiên đã chuyến thành màu đồng đỏ. Mắt anh xếch, đen nhánh, khi anh nói với ai là mắt anh nhìn thẳng vào mắt người ấy. Anh hút những điếu xì- gà dài mà anh dùng lá thuốc đen cuốn lấy. Tôi vẫn cuốn thuốc lá bằng tấm giấy bản mà anh cắt cho tôi.
- Tôi phải trốn vì trại trưởng, chủ đàn vịt, muốn giết chết tôi, chuyện ấy cách đây đã ba tháng. Khổ một cái là tôi thua bạc, không chỉ mất hết tiền bán vịt mà mất cả tiền bán than của hai lò than này.
- Anh chơi ở đâu?
- Chơi trong rừng. Đêm nào cũng đánh với mấy anh Tàu ở trại Inini và mấy anh tù mãn hạn từ bên Thác sang.
- Anh đã quyết định vượt biển chưa?
- Tôi chỉ mong có thế. Khi tôi bán được than củi, tôi tính mua một chiếc ghe, tìm một người biết lái chịu đi với tôi. Nhưng trong ba tuần nữa, ta bán than rồi là có thể mua một chiếc ghe và đi đường biển, vì anh biết lái mà.
- Tôi có tiền đây, anh Quých-Quých ạ, không cần phải chờ bán được than mới mua thuyền.
- Thế thì haỵ Có một chiếc thuyền tốt lắm, một ngàn năm trăm francs, của một người da đen làm nghề bổ củi bán.
- Anh đã coi chưa?
- Rồi.
- Nhưng tôi cũng muốn xem.
- Mai, tôi sẽ đi gặp Sô-cô-la, tôi vẫn gọi hắn như vậy Papillon ạ, anh kể cho tôi nghe chuyện vượt ngục của anh đi. Tôi tưởng không thể nào vượt ngục từ đảo Quỷ đi được. Sao Chang không đi cùng anh?
Tôi kể với anh chuyện vượt ngục, con sóng Lisette, cái chết của Silvain.
- Tôi hiểu tại sao Chang không muốn đi với anh. Thật là quá mạo hiểm. Số anh đỏ lắm đấy, cho nên anh mới sống sót mà tới đây được. Tôi mừng cho anh lắm.
Quých-Quých và tôi trò chuyện với nhau đã ba giờ. Chúng tôi ngủ sớm vì anh muốn đi tìm Sô-cô-la ngay lúc hừng đông.
Sau khi đặt vào bếp một cành cây to để nó cháy suốt đêm, chúng tôi ngủ. Khói làm tôi ho và tắc cả mũi, nhưng có điều lợi là không có lấy một con muỗi. Nằm trên giường, đắp chăn ấm, tôi nhắm nghiền mắt. Tôi không sao ngủ được. Tôi bị căng thẳng quá. Đúng là chuyến vượt ngục diễn ra thật tốt đẹp. Nếu tàu tốt chỉ tám ngày nữa là tôi sẽ ra khơi. Quých-Quých nhỏ và gầy, nhưng anh có sức mạnh phi thường, và sức chịu đựng của anh có thể vượt qua được mọi thứ thách. Chắc chắn là anh trung thực và đàng hoàng đối với bạn, nhưng có thể anh cũng rất tàn nhẫn với kẻ thù. Khó mà nhận xét được điều gì trên mặt một người á đông, nó chẳng bộc lộ chút gì hết. Tuy vậy, mắt anh đã nói thay anh. Tôi ngủ thiếp đi và mơ thấy biển khơi tràn đầy ánh nắng, tàu của tôi tưng bừng vượt sóng trên đường đi tới tự do.
- Anh uổng cà-phê hay trà?
- Thế anh uống gì?
- Tôi uống trà.
- Vậy cho tôi trà.
Trời vừa ló sáng, lửa vẫn cháy từ đêm qua, nước reo trong xoong. Một con gà vui mừng cất tiếng gáy. Chung quanh chúng tôi không có tiếng chim kêu, chắc chắn khói đã làm chúng bạt đi mất.
Con heo đen nằm trên giường với Quých-Quých. Con heo chắc làm biếng lắm, vì đến giờ nó vẫn còn ngủ. Những miếng bánh tráng làm bằng bột gạo đang được nướng trên than hồng. Sau khi pha trà đường, anh bạn tôi cắt bánh làm đôi, phết mỡ rồi đưa cho tôi. Chúng tôi ăn một bữa thịnh soạn. Tôi ăn ba chiếc bánh tráng đã được nướng kỹ.
- Tôi đi đây, anh theo tôi ra nhé. Nếu có ai kêu hay huýt sáo, đừng trả lời. Anh không phải lo, không ai đến đây được. Nhưng nếu anh ra chỗ mép bùn, anh có thể bị chết đấy.
Con heo đã dậy theo tiếng gọi của chủ. Nó ăn, uống rồi ra ngoài, chủ nó đi theo nó. Nó đến thẳng nơi có bùn. Nó đi xuống cách đoạn đường chúng tôi tới đây hôm qua hơi xa hơn một chút. Đi được vài chục mét, nó quay lại: nó không ưng lối này. Sau khi dò thứ ba lần, nó mới vượt qua chỗ bùn. Quých-Quých theo ngay nó, không e ngại, và đã tới được chỗ đất rắn.
Mãi tận chiều, Quých-Quých mới về. Tôi ăn một mình món súp anh đã đặt trên đống lửa. Sau khi nhặt được tám quả trứng trong chuồng gà, tôi lấy mỡ làm một đĩa ba quả trứng ốp-lết. Gió đã đổi chiều và khói ở hai lò bên lán đã bay về hướng khác. Buổi chiều trời mưa, tôi nằm trên giường gỗ của tôi, tôi không bị thán khí làm cho khó chịu. Buổi sớm, tôi dạo một vòng quanh đảo. Khoảng giữa đảo có một khu đất trống khá rộng, cây đổ và củi bổ tại đó chứng tỏ là Quých-Quých lấy gỗ ở đấy để đốt thành than. Tôi còn thấy một cái hố có đất sét trắng, chắc anh moi lên để phết vào gỗ làm cho nó cháy không thành ngọn. Lũ gà kiếm ăn ở khu đất trống. Một con chuột kếch xù chạy vụt dưới chân tôi, và cách đấy vài thước, tôi thấy một con rắn dài gần hai mét đã chết. Chắc hẳn con chuột đã cắn chết con rắn.
Suốt ngày hôm ấy, ở một mình trên đảo, tôi khám phá hết cái nọ đến cái kia. Ví dụ, tôi gặp một gia đình những con ăn kiến. Một mẹ và ba con. Một tổ kiến to đang sôi sục quanh chỗ chúng. Hơn một tá khỉ rất nhỏ nhảy từ cành nọ sang cành kia trên khoảng đất trống.
- Tôi không gặp Sô-cô-la, cũng không thấy chiếc thuyền. Chắc anh về làng ở vùng Thác mua thực phẩm. Anh ăn đủ chưa?
- Rồi.
- Anh còn muốn ăn nữa không?
- Không.
- Tôi mang về cho anh hai gói thuốc đen, loại sợi to của lính: vì chỉ có thứ này.
- Cảm ơn anh, thứ này được rồi. Khi Sôcôla đi vắng, thường anh ta ở lại làng mấy ngày?
- Hai ba ngày, nhưng mai tôi lại đi, ngày nào tôi cũng đi, vì tôi không biết anh ta về lúc nào.
Hôm sau trời mưa tầm tã. Nhưng Quých-Quých vẫn trần truồng đội mưa ra đi. Anh bọc quần áo trong một tấm vải sơn cắp dưới nách. Tôi không tiễn chân anh. "Anh đừng đi làm gì cho ướt". Anh nói với tôi thế. Mưa đã tạnh. Nhìn mặt trời, tôi biết là đã mười một giờ. Lò than thứ hai bị nước mưa làm sập. Tôi tới gần để ước lượng tai họa này. Mưa xối xà cũng không làm tắt hết củi. Vẫn còn khói từ trong cái đống dị hình đó bốc lên. Bỗng tôi dụi mắt rồi nhìn lần nữa vì những thứ tôi trông thấy thật bất ngờ: trong lò than có năm chiếc giày. Trông rõ ngay là mỗi chiếc giày đều đặt thắng đứng trên gót, đều được sỏ vào một cái chân còn nguyên từ bàn chân lên đến bắp. Như vậy là có ba người bị thiêu trong lò. Không cần phải mô tả phản ứng đầu tiên của tôi: khám phá ra chuyện này tôi thấy lành lạnh ở sống lưng. Tôi cúi xuống lấy chân bới chút tàn than cháy dở, thì thấy bàn chân thứ sáu. Quých-Quých cũng ghê thật, anh đã biến những người anh giết hàng loạt thành tro bụi.
Tôi bị xúc động đến nỗi phải rời khỏi lò than ngay ra tận khu bãi trống để có chút ánh nắng. Tôi cần phải được sưởi nóng. Đúng, trong không khí ngột ngạt này, tôi bỗng thấy lạnh và cần phải có một chút mặt trời nhiệt đới. Đọc đến đây, chắc độc giả cho là chuyện vô lý: đáng lẽ sau khi khám phá ra việc này, tôi phải toát mồ hôi mới phải. Thế mà không, tôi thấy lạnh cóng người, về tinh thần và thể chất. Rất lâu, đến một tiếng đồng hồ sau, mồ hôi mới bắt đầu chảy trên trán tôi vì càng nghĩ, tôi càng thấy rằng, tôi đã nói với anh ta là tôi có rất nhiều tiền dấu ở trong plan thế mà đến bây giờ tôi vẫn còn sống thì thật là một điều kỳ diệu. Phải chăng anh ta để dành tôi cho một cái lò đốt than thứ ba? Tôi nhớ là Chang em của anh đã nói với tôi là anh bị kết án về tội ăn cướp và giết người trên một chiếc thuyền buồm. Khi họ tấn công một chiếc tàu để cướp của, họ giết cả gia đình, tất nhiên là vịn vào những lý do chính trị. Vậy thì đây là những người đã quen giết người hàng loạt. Thế mà tôi lại bị cầm giữ ở đây.
Tôi ở trong một hoàn cảnh thật gay go. Thứ điểm lại tình hình xem sao. Nếu tôi giết Quých-Quých trên đảo này rồi cho xác anh vào lò than, không ai hay biết được. Nhưng con heo lại không chịu nghe tô,i con heo được rèn luyện này cũng không hiểu tiếng Pháp. Vậy là không có cách nào ra khỏi đảo. Nếu tôi ép buộc được anh Tàu này nghe theo tôi, thì sau khi bắt anh đưa tôi ra khỏi đảo, tôi sẽ giết anh trên đất liền. Nếu tôi ném anh xuống bùn, anh sẽ biến mất, nhưng chắc anh phải có lý do gì để thiêu những người này mà không ném xác họ xuống bùn, làm thế dễ hơn nhiều. Bọn cai tù, tôi đếch sợ, nhưng nếu các bạn Tàu của anh khám phá ra là tôi đã giết anh, họ sẽ thành kẻ đi săn người. Họ lại thông thạo địa thế ở đây. Như vậy, bị họ đuổi theo chẳng phải là chuyện hay hớm gì.
Quých-Quých chỉ có khẩu súng trường một nòng, nạp đạn từ phía đầu nòng. Anh không chịu rời nó, kể cả lúc nấu ăn, lúc ngủ và ngay cả khi đi ngoài anh cũng mang súng theo. Tôi có con dao lúc nào cũng mở sẵn nhưng tôi còn phải ngủ. Thế mà anh lại là người tôi chọn để cùng vượt ngục đấy, thật oái oăm. Cả ngày hôm ấy tôi không ăn. Và khi tôi nghe tiếng anh hát, tôi cũng chưa quyết định làm gì. Quých-Quých đã trở về. Nấp sau các cành cây tôi thấy anh đi tới. Anh mang một cái bọc đặt thăng bằng trên đầu và khi anh đến bên tôi, tôi mới ló ra. Anh tươi cười đưa tôi gói đồ bọc trong cái bao bột mì, leo lên rồi đi vội vào nhà. Tôi đi theo anh.
- Tin mừng, Papillon ạ, Sô-cô- la đã về rồi, thuyền vẫn còn. Anh ta nói là tàu có thể chở được hơn năm trăm kí-lô mà vẫn nổi. Thứ anh đang cần là những bao bột mì để ghép lại thành buồm chính và một buồm mui. Đây là bọc hàng đầu tiên. Nhưng thứ còn lại mai ta sẽ lấy về nốt, vì anh sẽ đi xem thuyền với tôi.
Quých-Quých vừa đi vừa nói, không quay mặt lại. Chúng tôi nối gót nhau đi. Trước tiên là con heo, rồi đến anh ta, còn tôi đi sau cùng. Tôi thoáng nghĩ rất nhanh là anh không có vẻ gì có ý định cho tôi vào lò than, vì ngày mai anh sẽ đưa tôi đi xem thuyền, và anh đã bắt đầu tiêu pha để chuẩn bị cho cuộc vượt ngục: anh còn mua cả những bao bột mì.
- Một cái lò bị sập đổ kìa. Chắc tại trời mưa.
- Mưa nhiều quá nên cũng chẳng có gì là lạ.
Anh cũng không ra thăm lò, cứ đi thẳng về lán.
Tôi không biết nói gì, cũng không biết nên làm gì. Coi như không trông thấy gì cũng không xong. chẳng lẽ suốt ngày tôi lại không mò đến gần lò ở cách lán có hai mươi lăm mét, nghĩ cũng kỳ.
- Anh để tắt lửa đấy à?
- Phải, tôi chẳng để ý đến nữa.
- Anh đã ăn chưa?
- Chưa, tôi không đói.
- Anh bệnh à?
- Không.
- Thế tại sao anh không ăn súp đi?
- Quých-Quých, anh ngồi xuống đây, tôi có chuyện muốn nói với anh.
- Để tôi châm lửa đã.
- Đừng. Tôi muốn nói chuyện với anh ngay, trong lúc trời còn sáng.
- Có điều gì vậy?
- Có điều là lò sập đã để lộ ba cái xác người bị anh thiêu trong đó. Anh hãy giải thích cho tôi nghe việc này.
- À! Thảo nào tôi thấy mặt anh là lạ.
Không lộ vẻ xúc động chút nào, anh nhìn thẳng tôi nói:
- Sau khi nhìn thấy như vậy, anh không yên tâm phải không? Tôi hiểu, chuyện dĩ nhiên thôi. Cũng may cho tôi là anh chưa đâm vào lưng tôi. Anh Pappillon, ba thằng cha ấy là ba thằng đi săn người. Và tuần qua, mười hôm thì đúng hơn, tôi bán một mớ củi cho Sô-cô-la. Ông người Tàu mà anh đã thấy, giúp tôi đưa các bao than ra khỏi đảo. Chuyện này rắc rối lắm: chúng tôi dùng thừng dài hơn hai trăm mét kéo những bao than cho trượt trên bùn. Đại khái là như vậy. Từ đây đến một con lạch nhỏ, thuyền của Sô-cô-la đậu ở đấy. Chúng tôi đã để lại rất nhiều dấu vết, mấy cái bao rách đã để rơi vài cục than. Thế là bắt đầu xuất hiện kẻ săn người đầu tiên. Nghe thú kêu, tôi biết là trong rừng có người. Tôi thấy được thằng cha nọ, nó lại không trông thấy tôi. Tôi lén đi qua phía bên kia đảo, vòng sau lưng nó đánh bất ngờ, chẳng có gì khó. Nó bị giết chết mà không hề biết ai giết mình. Tôi để ý nhận thấy các xác chết chìm xuống bùn sau vài ngày lại nổi lên, cho nên tôi mang nó về đây, cho vào lò.
- Còn hai người kia là thế nào?
- Chuyện xảy ra ba ngày trước khi anh đến đây. Đêm ấy tối đen như mực và hoàn toàn im ắng, điều này ít khi thấy ở rừng lắm. Hai thằng này ở bờ ao từ chập tối. Một đứa hễ bị khói bay tới là lên cơn ho. Do có những tiếng ho mà tôi biết là có chúng ở đấy. Trước khi trời sáng, tôi đánh liều đi qua phía trước mặt, chỗ bùn mà tôi đã nhớ là có tiếng ho. Muốn cho nhanh, như tôi đã nói với anh, tôi đã cắt cổ tên săn người đầu tiên. Nó không kêu được một tiếng. Còn thằng sau nó, có một khẩu súng săn, nó chỉ lo nhìn về phía trên đảo xem có chuyện gì xảy ra, nên đã để tôi trông thấy. Tôi cho nó một phát súng, và thấy nó chưa chết hẳn, tôi lại bồi thêm cho nó một nhát dao vào tim. Đấy là ba thằng mà anh đã trông thấy trong lò than đấy Papillon ạ. Một thằng A-rập và hai thằng Pháp. Vác chúng lên vai mà đi qua đống bùn không phải dễ. Chúng nặng lắm, cho nên tôi phải đi làm hai chuyến. Rồi tôi cũng cho nó vào lò được.
- Chuyện xảy ra đúng như vậy chứ?
- Đúng thế, Papillon, tôi thề với anh ấy.
- Tại sao anh không cho chúng xuống bùn?
- Tôi đã nói rồi, bùn đẩy xác chết lên. Thỉnh thoảng có con nai bị rớt xuống đấy, chỉ một tuần sau, nó lại nổi lên. Hôi thối lắm, mãi đến khi kền kền đến ăn mới hết mùi. Phải lâu lắm, tiếng kền kền kêu và bay lượn làm cho người ta tò mò tìm đến. Papillon ơi, tôi thề với anh là đi với tôi anh không phải sợ gì. Đây để anh yên tâm, anh cầm lấy khẩu súng này, nếu anh muốn.
Tôi muốn nhận khẩu súng đến chết, nhưng tôi đã nén được và tôi cố hết sức nói thật tự nhiên:
- Tôi không cầm đâu anh Quých-Quých, tôi đến đây vì tôi cảm thấy được bảo đảm, như đến với một người bạn. Ngày mai anh phải thiêu tiếp mấy tên săn người ấy cho hết dấu vết đi. Dù tôi không có mặt ở đây tôi cũng không muốn bị buộc tội là đã giết ba người.
- Được, mai tôi sẽ thiêu nữa. Nhưng anh yên trí. không ai đặt chân được lên đảo này. Không thể có ai dám qua đây nếu không muốn bị sa lầy.
- Thế với một chiếc xuồng bằng cao su có qua được không?
- Tôi không nghĩ đến việc đó.
- Nếu ai dẫn bọn hiến binh đến đây, và chúng muốn vào vào, anh cứ tin là với một cái bè, chúng có thể vào được. Vì vậy nên phải đi càng sớm càng tốt.
- Đồng ý. Ngày mai, sẽ nhóm lò lại, nó cũng chưa tắt hẳn, chỉ cần làm hai ống thông hơi nữa.
- Thôi chào anh Quých-Quých.
- Chúc anh ngủ ngon, Papillon. Tôi nhắc lại là anh cứ ngủ cho kỹ, anh có thể tin tôi.
Nằm kéo chăn lên tận cằm, tôi thấy ấm áp khoan khoái, Tôi châm thuốc hút.
Mười phút sau, Quých-Quých đã ngáy, con heo nằm cạnh anh cũng thở phì phò. Lửa không bốc lên nhưng than ở thân cây còn hồng và khi có cơn gió lùa vào lán, nó tạo ta một cảm giác thanh bình, êm ả. Tôi tận hưởng tiện nghi này và tôi đã ngủ với những ý nghĩ sau đây trong đầu? Ngày mai, tôi sẽ thức dậy và giữa Quých-Quých với tôi mọi việc đều êm đẹp; nếu không, chú ba tàu này quả là một nghệ sĩ đã che dấu những ý định của mình và kể chuyện tào lao còn giỏi hơn cả Sacha Guitry* (*Sacha Guitry: diễn viên kịch nói và điện ảnh rất nổi tiếng của Pháp còn là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu và phim (1885 –1957) - ND) và nếu thế tôi sẽ không thấy ánh mặt trời, vì tôi đã biết quá nhiều về anh, anh sẽ ngại.
Chuyên viên giết người hàng loạt đánh thức tôi dậy, tay cầm một ca cà-phê, và như không có chuyện gì xảy ra, anh chào tôi với một nụ cười vô cùng cởi mở. Ngày đã rạng.
- Này, anh uống cà phê, ăn bánh tráng đi, đã cho mỡ rồi đấy.
Ăn uống xong, tôi ra ngoài, rửa ráy ở một thùng ton-nô lúc nào cũng đầy nước.
- Anh giúp tôi nhé, Papillon?
- Ừ! - tôi nói mà không hỏi xem anh ta cần giúp việc gì.
Chúng tôi kéo chân mấy cái xác chết đã bị thiêu dở dang. Tôi để ý thấy mà không nói ra, là cả ba cái xác đều bị mổ bụng, anh chàng tàu dễ thương này chắc đã tìm xem họ có dấu tiền trong ruột không. Có đúng họ là những kẻ săn người không. Biết đâu lại chỉ là những người săn bướm và săn thú? Anh ta giết họ để tự vệ hay để lấy của? Thôi, không nghĩ thêm về chuyện này nữa! Mấy cái xác chết đã được đưa vào trong hố lò có củi và đất sét đắp lên trên. Hai ống thông hơi đã được mở ra và lò đã bốc cháy với hai nhiệm vụ: làm ra than củi và thiêu cho ba cái xác thành tro.
- Đi nào, Papillon.
Con heo con tìm ra lối đi trong nháy mắt. Chúng tôi nối đuôi nhau đi qua quãng bùn. Lúc sắp dấn bước đưa chân, tôi lo đến chết khiếp. Chuyện Sylvain bị sa lầy rồi chết đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc đến nỗi tôi không thể nào đi trên bùn một cách thanh thản được. Cuối cùng, toát mồ hôi hột, tôi cũng phải lao theo Quých-Quých. Chân tôi đặt từng bước lên vết chân anh, không có cách gì khác: anh qua được thì tôi cũng phải qua được chứ. Sau hai giờ đi bộ, chúng tôi đi đến được nơi Sô-cô-la lấy gỗ. Trên đường đi chúng tôi không gặp ai và cũng không phải lẩn trốn lần nào.
- Chào me-xừ.
- Chào ông Quých-Quých.
- Anh có khỏe không?
- Khỏe lắm.
- Anh cho bạn tôi xem thuyền.
Cái thuyền rất khỏe, đó là một loại sà lúp chở hàng, nặng nề nhưng bền chắc. Tôi lấy dao sỉa vào mọi chỗ, dao không bao giờ ngập sâu quá nửa phân. Sàn tàu cũng còn nguyên. Tàu này được đóng bằng một thứ gỗ đã được chọn kỹ lưỡng.
- Anh bán bao nhiêu?
- Hai ngàn năm trăm francs.
- Tôi trả anh hai ngàn.
Ngã giá thế là xong.
- Tàu này không có ky. Tôi trả thêm cho anh năm trăm francs nữa, anh phải làm thêm cho tôi một cái ky, một bánh lái và một cột buồm. Cái ky và bánh lái phải bằng gỗ tốt, cột buồm, cao ba mét, bằng gỗ nhẹ và dẻo. Bao giờ xong?
- Tám ngày nữa.
- Đây là hai tờ giấy bạc một ngàn và một tờ năm trăm. Tôi xé đôi, đưa anh một nửa, nửa kia sẽ đưa anh khi tôi nhận tàu. Anh giữ một nữa nhé. Bằng lòng không?
- Đồng ý.
- Tôi cần một ít thuốc tím, một ton-nô nước ngọt, ít thuốc lá và diêm, thức ăn đủ cho bốn người trong một tháng: bột mì dầu, cà-phê và đường, những thứ này tôi trả tiền riêng. Anh giao tất cả trên sông ở Kourou nhé.
- Me xừ ơi, tôi không thể theo ông ra đến cửa sông được
- Tôi có bảo anh theo đâu. Tôi bảo là anh giao tàu cho tôi trên sông chứ không phải ở cái vũng này. Các túi bột mì, một cuộn dây thừng, kim khâu và chỉ buồm đấy.
Quých-Quých và tôi lại quay về nơi ẩn náu. Chúng tôi về trước khi trời tối, không gặp chuyện phiền phức gì. Trên đường về, con heo mệt nên anh vác nó lên vai. Hôm nay, tôi đang khâu buồm một mình, bỗng nghe có tiếng kêu. Tôi nấp vào rừng gần quãng có bùn và trông sang bờ bên kia. Quých-Quých tranh cãi khoa chân múa tay với người trí thức Tàu. Tôi đoán là anh ta muốn sang đảo mà Quých-Quých không cho sang. Tay người nào cũng cầm một con dao phát. Người cụt tay có vẻ nóng hơn. Mong sao anh ta đừng giết Quých-Quých. Tôi quyết định lộ diện. Tôi huýt sáo. Hai người quay về phía tôi.
- Có việc gì thế, anh Quých-Quých?.
- Tôi muốn nói chuyện với anh, anh Papillon ạ! - Người kia nói.
- Anh Quých-Quých không cho tôi sang bên ấy.
Sau mười phút tranh cãi bằng tiếng của họ, cả hai đã theo con heo sang bên này đảo.
Ngồi trong lán, khi mỗi người tay đã cầm một ca nước trà, tôi chờ nghe họ nói.
- Chuyện như thế này - Quých-Quých nói. - Anh ta muốn vượt ngục bằng được với chúng tạ Tôi nói cho anh ấy hiểu là tôi không có quyền gì trong chuyện này, anh là người trả tiền và chỉ huy tất cả. Anh ấy không tin tôi.
- Anh Papillon ơi, - anh kia nói, - Quých-Quých phải để cho tôi cùng đi mới được.
- Tại sao?
- Hai năm trước, chính anh ấy đã chặt cụt tay tôi trong khi đánh bạc. Anh ấy bắt tôi thề là sẽ không giết anh ấy. Tôi đã thề, nhận lời với điều kiện là anh ta phải nuôi tôi suốt đời, ít ra cũng phải nuôi tôi khi tôi đòi hỏi. Nếu anh bỏ đi suốt đời, tôi sẽ không còn nhìn thấy anh ấy cho nên một là anh ấy để anh đi một mình, hai là anh ấy phải để tôi đi theo.
- Lại còn chuyện thế nữa, cả đời bây giờ tôi mới gặp chuyện này là một đấy, được, tôi bằng lòng để anh đi theo. Tàu cũng tốt và rộng, có thể đi thêm nữa nếu ta muốn. Anh Quých-Quých bằng lòng, thì tôi để anh đi theo.
- Cảm ơn anh, - anh cụt tay nói. - Anh thấy thế nào, anh Quých-Quých?
- Đồng ý, nếu anh muốn.
- Có một điều quan trọng. Anh có thể ra khỏi trại mà không bị coi là mất tích và bị truy nã về tội vượt ngục, và anh có thể có mặt ở ngoài sông trước khi trời tối không?
- Không có gì nhiều đâu. Tôi có thể ra khỏi trại từ ba giờ và chưa tới hai giờ sau, tôi đã đến bờ sông rồi.
- Anh Quých-Quých ơi, ban đêm anh có thể tìm chỗ để chúng ta cho bạn anh lên tàu mà không mất thì giờ không?
- Có chứ, chắc chắn là có.
- Một tuần nữa, anh đến đây để biết ngày khởi hành nhé.
Anh cụt tay sau khi bắt tay tôi, vui vẻ quay đi.
Tôi trông thấy cả hai người chia tay nhau ở bờ bên kia. Trước khi từ giã, họ đã bắt tay nhau. Mọi việc êm đẹp cả. Khi Quých-Quých trở về lán tôi nói luôn:
- Anh đã giao kèo với đối thủ của anh lạ nhỉ, nhận nuôi anh ta suốt đời, chuyện lạ thường lắm đấy. Tại sao anh lại chặt tay anh ta?
- Chơi bạc rồi đánh nhau.
- Thà anh giết chết anh ta còn hơn.
- Không được, vì anh ấy là người bạn rất tốt. Khi ra tòa án binh, anh ta đã tận tình bênh vực tôi; nói là chính anh ta đánh tôi trước, còn tôi chỉ tự vệ thôi. Tôi đã tự nguyện cam kết, tôi phải giữ đúng lời hứa. Chỉ có một điều tôi không dám cho anh biết vì anh chi tiền cho cả chuyến vượt ngục.
- Thôi xong rồi, anh Quých-Quých ơi, chúng ta không cần nói đến chuyện này nữa. Nhờ trời, khi nào được tự do anh muốn làm gì tùy anh. Tôi sẽ giữ lời hứa. Nếu có ngày anh được tự do, anh tính sẽ làm gì?
- Mở tiệm ăn. Tôi là bếp giỏi, còn anh ấy chuyên về "hủ tiếu".
Việc này làm tôi vui hẳn. Câu chuyện buồn cười làm tôi cứ chọc Quých-Quých hoài.
Sô-cô-la đã giữ lời hứa: năm ngày sau, tất cả đã sẵn sàng. Chúng tôi đi xem tàu vào một ngày mưa tầm tã. Không có gì có thể chê trách cả. Cột buồm, bánh lái và ky đều hoàn hảo. Ở một khúc quanh trên sông, chiếc tàu cùng thùng ton-nô nước và thức ăn đã đợi chúng tôi. Chỉ còn báo tin cho anh cụt thôi. Sô-cô-la nhận đi đến trại để gọi anh kia, và sẽ đưa thẳng anh kia đến nơi giấu tàu để chúng tôi khỏi phải tới bờ sông đón anh. Cửa sông Kourou có hai cây đèn pha để xác định vị trí. Trời mưa, tàu có thể vượt qua được chỗ đó nếu đi ở giữa sông và dĩ nhiên là không kéo buồm lên. Sô-cô-la đã cho chúng tôi một hộp sơn đen và một cây bút vẽ. Chúng tôi sẽ sơn lên buồm một chữ K lớn và số 21, K.21 là số đăng ký một tàu đánh cá thỉnh thoảng có đi đánh cá đêm. Trường hợp ra đến biển, chúng tôi kéo buồm lên mà bị phát hiện, người ta sẽ tưởng đấy là chiếc tàu đánh cá kia. Chúng tôi quyết định tối mai, hồi mười chín giờ, một giờ sau khi trời sập tối, sẽ khởi hành.
Quých-Quých tin chắc sẽ tìm được đường đi và bảo đảm đưa tôi đến thẳng nơi giấu tàu. Chúng tôi rời đảo hồi năm giờ để tranh thủ đi một tiếng trong lúc trời còn sáng. Tôi trở về lán rất vui vẻ. Quých-Quých vai vác con heo nói chuyện huyên thiên với tôi mà không quay lại, vì tôi đi sau lưng anh ta.
- Cuối cùng, tôi cũng ra khỏi trại giam. Nhờ có anh và chú Chang của tôi mà tôi được tự do. Sẽ có ngày, khi người Pháp cút khỏi Đông Dương, tôi được trở về nước.
Tóm lại, anh tin tôi, và thấy tôi ưng cái tàu, anh vui như khướu. Tôi ngủ đêm cuối cùng ở đảo, tôi hy vọng cũng là đêm cuối cùng trên đất Guyane. Nếu tôi ra tới sông và tới biển, chắc chắn là tự do rồi. Nguy cơ lớn nhất là bị đắm tàu, vì từ khi có chiến tranh, không có nước nào trả tù vượt ngục. Về điểm này, chiến tranh đã có lợi cho chúng tôi. Nếu chúng tôi thất bại, chúng tôi sẽ bị tử hình, đúng là thế, nhưng còn phải bắt được chúng tôi đã. Tôi nghĩ đến Sylvain. Đáng lẽ anh phải ở đây, ngay cạnh tôi, cùng với tôi, nếu anh không phạm phải điều khinh xuất kia.
Tôi đã thảo bức điện trong khi ngủ: "Gửi ông tổng biện lý Pradel - Cuối cùng tôi đã dứt khoát thắng được con đường của sự thối rữa mà ông ném tôi vào. Tôi đã mất chín năm". Mặt trời đã lên cao khi Quých-Quých đánh thức tôi dậy. Lại uống trà, ăn bánh trắng. Chung quanh đầy những hộp là hộp, tôi còn thấy hai cái lồng bằng mây.
- Lồng để làm gì vậy?
- Tôi nhốt gà để ăn dọc đường.
- Anh có điên không anh Quých-Quých? Ai lại đem gà đi theo. Trong một hành trình như thế này?
- Tôi muốn đem đi.
- Anh có bệnh không đấy? Nếu nước xuống, tận sáng chúng ta mới ra khỏi cửa sông, lỡ lúc ấy, gà sống gà mái gáy ầm lên trên sông, anh thấy có nguy hiểm không?
- Tôi không vất gà lại đâu.
- Anh luộc gà đi rồi bỏ vào mỡ hay dầu. Thế mới để được lâu và chúng ta sẽ ăn trong ba ngày đầu.
Cuối cùng Quých-Quých cũng phải chịu, anh đi bắt gà, những tiếng kêu của bốn con gà đầu tiên anh tóm được đã làm những con khác bỏ chạy hết, anh không bắt thêm được con nào, chúng trốn cả vào rừng. Đấy cũng là điều bí mật của loài vật, không biết tại sao cũng cảm thấy trước mối nguy cơ.
Theo sau con heo, chúng tôi vượt qua đống bùn, vai vác nặng như lừa. Anh van nài tôi để anh mang con heo đi theo.
- Trời đất ơi? Liệu nó có kêu không?
- Tôi bảo đảm với anh là không. Tôi bắt nó im là nó phải im. Chúng tôi hai ba lần bị một con hổ cứ lượn quanh rình chúng tôi. Lúc đó nó cũng không kêu, mà nó sợ chết khiếp, lông cứ dựng đứng lên.
Tin vào thiện ý của Quých-Quých, tôi bằng lòng để anh đem con heo thân yêu của anh theo, chúng tôi đến chỗ dấu tàu thì trời đã tối mịt. Sô-cô-la và anh cụt đã có mặt ở đấy rồi. Có hai cây đèn pin để tôi kiểm tra tất cả mọi vật dụng. Không thiếu thứ gì: vòng lồng dây buồm, buồm mũi đã được buộc sẵn sàng, có thể kéo lên ngay được. Quých-Quých kéo thử hai ba lần như tôi đã chỉ cho anh làm. Anh hiểu ngay công việc tôi nhờ anh. Tôi trả tiền anh da đen đã tỏ ra rất đứng đắn. Anh thật thà mang cả keo dán và nửa mảnh giấy bạc để nhờ tôi dán lại giúp. Anh không lúc nào sợ tôi lấy mất những tờ giấy bạc nọ. Họ không có những ý nghĩ xấu về người khác, bản chất họ thường là tốt và thắng thắn. Sô-cô-la là một người trung thực và lương thiện. Sau khi đã thấy tù khổ sai bị đối xử ra sao, anh không hề hối hận là đã giúp ba người tù thoát khỏi cái địa ngục kia.
- Từ biệt Sô-cô-la nhé. Chúc anh cùng gia đình gặp nhiều may mắn.
- Cảm ơn ông nhiều.