Edit: kaylin
Beta: sâu sugar
Lâm Cẩm Vân một đường phi như bay đến rạp chiếu phim nhân dân trấn Cao Hồ, tìm được chỗ đậu xe xong liền kéo Tưởng Lan đi mua vé.
Vận may của các cô không tệ, khi đến nơi suất chiếu gần nhất vẫn còn thừa vé, hơn nữa chỗ ngồi cũng coi như lý tưởng.
Lâm Cẩm Vân nhìn đồng hồ đeo tay một cái, phát hiện còn khoảng bốn năm phút nữa, liền chạy tới quầy hàng gần đó mua một túi hạt dưa, lại ra cửa rạp mua hai chai nước cam, rồi mới vội vàng theo Tưởng Lan vào trong.
Bộ phim này có tên "Những người làm công ở đặc khu", kể về câu chuyện của những cô gái nông thôn tới đặc khu Thâm Quyến làm việc. Có lẽ là đề tài quá thực tế, không phải loại phim tình cảm hay võ thuật mà người trong trấn thường thích xem nên tỷ suất người xem cũng không cao, nhưng Lâm Cẩm Vân và Tưởng Lan lại thấy rất hứng thú.
Nhất là Tưởng Lan, nghiêm túc mà nói đây là lần đầu tiên nàng tới rạp xem phim. Ở thôn của nàng không có rạp chiếu phim, điều kiện kinh tế gia đình cũng không cho phép nàng tới rạp chiếu phim "xa xỉ" một lần, trước kia chỉ xem qua màn chiếu phim ngoài trời thường xuyên chiếu trong thôn. Dù chiếu phim ngoài trời là miễn phí nhưng xung quanh ồn ào, thiết bị chiếu phim cũng kém, so về mọi mặt đều kém xa rạp chiếu phim vừa an tĩnh rộng rãi, vừa có thiết bị hiện đại.
Nội tâm Tưởng Lan rất kích động cũng rất trân quý, ngồi ngay ngắn chăm chú nhìn màn chiếu phim, xem vô cùng nghiêm túc, rất sợ bỏ lỡ một phân cảnh hay lời thoại nào.
Giữa lúc xem phim Lâm Cẩm Vân quay đầu, thấy dáng vẻ chuyên chú nghiêm túc của Tưởng Lan, trong lòng mừng khấp khởi. Cô lại sợ nhìn lâu khiến Tưởng Lan chú ý, chỉ có thể khi thì xem phim, khi lại trộm nhìn Tưởng Lan, cứ như vậy suốt buổi chiếu đầu óc bận để ý nhiều hơn là để mắt xem phim.
Nhưng cô cam tâm tình nguyện, thậm chí còn thấy rất vui.
Cô cảm giác như có thứ gì đó, mặc dù vô hình vô dạng, nhưng lại từng chút từng chút lấp đầy trái tim cô. Lồng ngực dần dần được lấp đầy, dào dạt, ấm áp. Đây là loại nhận thức chưa từng có trong lòng cô, rất mới mẻ cũng rất hiếm lạ. Tạm thời cô không nghĩ ra từ nào để hình dung thứ này, chỉ cảm thấy rất thoải mái, rất mãn nguyện, cảm thấy chuyến đi này thật không uổng công.
Tưởng Lan đang xem phim, còn Lâm Cẩm Vân lại đang xem nàng.
Sau khi bộ phim kết thúc, hai người đều kinh ngạc phát hiện, đồ mua trước khi vào rạp đều chưa ai ăn. Hai người đồng thời nhìn nước cam và hạt dưa cầm từ đầu phim trong tay đối phương, lại ngẩng đầu nhìn nhau, không hẹn mà cùng bật cười.
"Sao đều chưa ăn uống gì cả thế này?"
"Chỉ chú tâm xem phim, nên mới quên cả ăn."
"Vậy những thứ này mang về cho Vĩ Khang cũng được, coi như bồi thường cho anh ấy."
"Mang hạt dưa về thôi. Nước cam cũng đã mở ra rồi, trên đường về cũng đổ ra mất, em nghĩ chúng ta vẫn nên uống hết đi."
Tưởng Lan cảm thấy lời này cũng có lý, không phản đối, đi theo Lâm Cẩm Vân ra khỏi rạp chiếu phim.
Tối nay trăng sáng sao thưa, gió hiu hiu thổi, là một buổi tối rất thích hợp cho việc đi dạo.
Lâm Cẩm Vân một tay dắt xe, Tưởng Lan đi bên cạnh cô, hai người đều cầm chai nước cam từ từ uống, vừa đi vừa nhắc tới bộ phim vừa rồi.
"Chị thấy phim này hay không?" Lâm Cẩm Vân hút một ngụm nước cam, cười hỏi.
"Ừ, chị thấy rất hay. Đặc khu Thâm Quyến thật hiện đại, nhưng cũng cảm thấy rất tàn khốc rất hiện thực."
"Thế giới bên ngoài rất xinh đẹp, nhưng thế giới bên ngoài cũng rất bất đắc dĩ."
"Không hổ là giáo viên Ngữ văn, tổng kết rất hay."
"Đúng rồi, trong mấy cô gái ấy, chị thích người nào hơn?"
"Chị thích nhất cô công nhân tên Điền Hạnh Tử."
"Nói xem lý do chị thích cô ấy là gì."
"Cô ấy rất tự lập, rất can đảm. Chủ quản công xưởng xem thường mấy người công nhân này, còn thường xuyên sỉ nhục họ, chỉ có cô ấy dám dẫn đầu đứng ra phản kháng. Chị rất thích người như cô ấy."
Lâm Cẩm Vân nghe lời nàng nói, trong lòng lại nghĩ: Chị cũng có thể trở thành người như vậy mà. So với Điền Hạnh Tử chị cũng không kém, chẳng qua là luôn bị hòn đá "trách nhiệm" đè nặng, cho nên mới không thấy được phía trên ngọn núi cao ngất ấy còn có một bầu trời, do đó mới yêu thích và ngưỡng mộ mà ngước nhìn những người đứng ở trên cao kia.
Tưởng Lan thấy Lâm Cẩm Vân không lên tiếng liền tò mò hỏi cô: "Vậy em thì sao? Em thích nhân vật nào?"
"Em thích Triệu Xuân Hoa."
"Cô ấy? Tại sao vậy?"
"Cô ấy nhìn rất giống chị."
"..."
Lâm Cẩm Vân vẫn luôn suy nghĩ đến chuyện của Tưởng Lan, vô ý trả lời theo tiềm thức, giờ mới kịp phản ứng mình vừa nói cái gì, trong chốc lát hơn nửa khuôn mặt xấu hổ đỏ bừng lên, lập tức nói thêm: "Khụ, ý em là, cô ấy nhìn rất giống chị, nhìn thân thuộc, rất hợp mắt em. Em xem mấy minh tinh điện ảnh đều thích người nhìn hợp mắt."
Cô nói xong cũng không dám nhìn Tưởng Lan, chỉ buồn bực cúi đầu hút nước trái cây, tay kia cầm tay lái đã nhớp nháp mồ hôi.
Lúc nghe được câu trả lời này Tưởng Lan không hiểu vì sao tim lại đập nhanh liên hồi, cũng may Lâm Cẩm Vân kịp thời nói thêm giúp nàng bình tĩnh đôi chút:
"Giống chỗ nào vậy?"
"Mũi rất giống nha, mũi cô ấy rất cao, của chị cũng rất cao, khí chất cũng thật giống." Lâm Cẩm Vân trực tiếp phân tích: "Còn nữa, ánh mắt cũng giống, hai người đều có mắt hạnh thật đẹp. Nhưng mà tên của chị hay hơn tên cô ấy, cái tên Xuân Hoa quá phổ biến, không hay bằng tên "Lan" này."
Lâm Cẩm Vân đang tự nói một mình, ai ngờ làm tim Tưởng Lan khó khăn lắm mới ổn định lại đập loạn cả lên, nàng cúi đầu lúng túng nói: "Tên có mỗi một chữ "Lan" thì hay thế nào được?"
"Lời này sai rồi. Tên "Lan" rất hay." Lâm Cẩm Vân nói đến cao hứng, bị gợi lên bệnh nghề nghiệp, tiếp tục giảng giải: "Khổng thánh nhân từng nói, "Chi lan sinh vu thâm cốc, bất dĩ vô nhân nhi bất phương." Những lời này ý nói hoa lan dù sinh trưởng ở nơi rừng sâu không người, cũng không vì không có người thưởng thức chúng mà không tỏa mùi hương, chứng minh Lan là một loại thực vật rất thuần khiết kiên cường. Lan là hoa trung quân tử, nên rất nhiều thành ngữ ca ngợi phẩm chất con người đều so sánh với lan, ví dụ như "chi lan ngọc thụ", "huệ chất lan tâm", "quế tử lan tôn". Từ xưa đến nay, lan vẫn là loài thực vật được văn nhân mặc khách ca ngợi nhiều nhất."
"chi lan ngọc thụ": chỉ con em ưu tú, bắt nguồn từ Tạ An thời Tấn có con em tài giỏi, thường nói "tử đệ như chi lan ngọc thụ".
"huệ chất lan tâm": dùng để khen người con gái có phẩm chất thanh cao như hoa huệ và tâm hồn hiền dịu như hoa lan.
"quế tử lan tôn": chỉ những cái tên hay cho con cháu, bắt nguồn từ câu chuyện "紫箫记·就婚" (Câu chuyện về Zixiao: Chỉ là hôn nhân)
văn nhân mặc khách: thường dùng là tao nhân mặc khách, ý chỉ giới văn chương, những người sành văn thơ.
Lâm Cẩm Vân dừng chút rồi lại nói: "Người đặt cái tên này, nhất định cũng hi vọng chị có thể có khí chất và phẩm cách như hoa lan vậy."
Lâm Cẩm Vân nói xong cười nhìn về phía Tưởng Lan, nhưng phát hiện nàng đang nhìn mình thì có chút không biết làm thế nào, thầm tự trách mình nói quá nhiều, cứ như đang khoe khoang kiến thức vậy, cho nên lúng túng cười một tiếng: "Haha, nghỉ lâu quá không lên lớp, lại tưởng nhầm chị là học sinh. Nghe những điều này chắc nhàm chán lắm phải không?"
Tưởng Lan cong cong đôi mắt hạnh, hướng cô cười nhẹ một tiếng, điềm đạm tao nhã như đóa lan trong rừng vắng.
"Không hề, chị thích nghe."
"Thích sao?"
Lâm Cẩm Vân cảm giác như tim vừa nảy lên một cái, một cơn sóng nhiệt dần dần tràn vào khắp người, cả cơ thể và tâm trí đều ấm áp lên.
Lúc này cô mới biết cái cảm giác mình cảm nhận được khi ở trong rạp chiếu phim, thứ vô hình từng chút lấp đầy trái tim cô, thứ mà cô không nói rõ được, hóa ra chính là yêu.
Lâm Cẩm Vân hút sạch ngụm nước cam cuối cùng trong chai, chợt cảm thấy ngọt ngào trong miệng, ngay cả trong lòng cũng ngọt theo, quay đầu nhìn Tưởng Lan, ánh mắt lấp lánh, nụ cười rạng rỡ: "Uống xong rồi, chúng ta về nhà thôi."
"Ừ, về nhà."
Trên đường về, vẫn là Lâm Cẩm Vân chở Tưởng Lan.
Lúc này không cần vội đi, Lâm Cẩm Vân tận lực đạp xe thật chậm.
Hai người như cùng hẹn mà không hề mở miệng nói chuyện, chỉ lặng im nghe tiếng dây sên dưới chân, tiếng gió bên tai, tiếng côn trùng kêu bên đường và nhịp tim đập thình thịch trong cơ thể mỗi người.
Lâm Cẩm Vân nghĩ, có lẽ mấy năm sau thậm chí mấy chục năm sau nữa, khi nhớ lại đêm gió mát say lòng này, cô sẽ quên hết tất cả những cảnh phim kia, nhưng nhất định sẽ không quên cái đêm đầy trăng sao, tiếng côn trùng hòa cùng tiếng gió thổi, và cả người con gái như hoa lan ngồi phía sau.
Đèn đuốc ở phía xa càng ngày càng gần, lần đầu cô mong con đường về nhà đã đi qua trăm ngàn lần vĩnh viễn cũng không đi tới.
Giữa lúc bất tri bất giác, đã gần đến cuối kì nghỉ, Lâm Cẩm Vân bấm tay tính toán, phát hiện chỉ còn một tuần nữa là phải về trường. Vì vậy trong mấy ngày còn lại, cô chỉ muốn cố gắng hết sức ở bên Tưởng Lan.
Muốn làm điều này thật ra cũng không dễ dàng, Lâm Vĩ Khang vẫn lạnh lùng thờ ơ với Tưởng Lan như cũ nhưng lại rất dính em gái, cho nên vô hình trung đã chiếm rất nhiều thời gian riêng của Lâm Cẩm Vân và Tưởng Lan. Mà Tưởng Lan cách mỗi hai ngày phải ra ngoài mua rau quả và đồ dùng hàng ngày, đôi khi vào buổi sáng, đôi khi lúc xế chiều. Nàng lại khăng khăng không chịu đạp xe đi, cũng không muốn Lâm Cẩm Vân đi cùng nàng, điều này lại uổng phí chiếm mất rất nhiều thời gian rảnh.
Ngoại trừ lúc ăn và lúc ngủ, Lâm Cẩm Vân phát hiện cũng chỉ có khoảng thời gian buổi tối sau khi rửa mặt đến trước khi ngủ mới có thể ở riêng với Tưởng Lan.
Cô đột nhiên nổi lên oán giận bản thân tầm thường, không biết đàn hát, cũng không biết kể chuyện cười hay diễn hài kịch gì, không thể giúp Tưởng Lan luôn buồn lòng thêm chút vui vẻ.
Tối hôm đó, cô nhìn chằm chằm tủ sách đối diện giường suy nghĩ một lúc lâu, đang định dừng suy nghĩ thì chợt lóe một ý tưởng.
Vì vậy, chờ lúc Tưởng Lan về phòng, Lâm Cẩm Vân đưa tay bấm tắt máy hát, liền hỏi nàng có muốn mình đọc văn cho nàng nghe không.
Tưởng Lan còn chưa học xong cấp hai đã thôi học, tính ra đã hơn mười năm chưa nghe đọc văn. Nàng nghĩ đến thường ngày quen nghe máy hát, thỉnh thoảng nghe một chút thơ văn chắc sẽ cảm thấy mới mẻ. Vả lại, Tưởng Lan cho là Lâm Cẩm Vân nổi bệnh nghề nghiệp, liền vui vẻ chấp nhận đề nghị của cô.
Lâm Cẩm Vân vui mừng cầm một quyển sách giáo khoa trên tay lật lật, chỉ một lát sau, cô dùng tiếng phổ thông rõ ràng câu chữ đọc lên: "«Từ vườn Bách thảo đến thư phòng Tam vị», Lỗ Tấn. Đằng sau nhà tôi có cái vườn rất lớn..."
Nhịp điệu trầm bổng, giọng nói khí phách.
Nghe Lâm Cẩm Vân đọc văn xong, Tưởng Lan phát hiện việc nghe đọc văn này mới mẻ và thú vị hơn nhiều so với tưởng tượng.
Giọng của Lâm Cẩm Vân không chỉ truyền cảm mà còn nhấn nhá đúng chỗ, khi thì nhẹ giọng thì thầm, khi thì sang sảng như chuông, khiến người nghe rất dễ cuốn theo, làm người nghe như muốn hòa mình cùng thanh âm này đi vào bài văn, theo dòng cảm xúc của người đọc mà suy ngẫm và lĩnh hội. Một bài văn tưởng như nhạt nhẽo vô vị, nghe vào lại thành thú vị.
Tưởng Lan cực kỳ thích, không đợi Lâm Cẩm Vân hỏi xem mình nghe xong cảm thấy thế nào, liền lay lay tay cô bảo cô đọc thêm một bài nữa.
Lâm Cẩm Vân thấy nàng thích thú như vậy, dù miệng đã khô nhưng vẫn không thấy mệt mỏi, lại đọc thêm một bài văn khác.
Lời đề nghị bất ngờ này làm cả người đọc và người nghe đều cảm thấy hài lòng và vui vẻ. Sau đó mỗi buổi tối, hoạt động cố định trước khi ngủ của hai người biến thành đọc văn cùng giảng văn.
Lâm Cẩm Vân vì muốn Tưởng Lan càng bị cuốn hút vào việc nghe giảng văn này, mỗi tối đều đọc các thể loại khác nhau, văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngụ ngôn, có lúc thậm chí còn đọc cả mấy bài thơ cổ.
Tưởng Lan quả nhiên đối với việc này sinh ra hứng thú, càng nghe càng say mê, hơn nữa có khi còn đặt câu hỏi hoặc nhận xét về nội dung bài văn vừa được nghe.
Hành động này cứ yên lặng tiếp diễn đến đêm ngày thứ năm, đã trở thành kiểu nửa giải trí nửa dạy học.
Bất kể là người đọc hay người nghe, đều sẽ có lợi riêng, mà còn là lợi không ít.
----------
Tác giả có lời muốn nói:
"Những người làm công ở đặc khu" (特区打工妹) là một bộ phim có thật, trong đó có một nhân vật tên Triệu Xuân Hoa, nếu mọi người tò mò có thể đi tìm xem tên diễn viên, sẽ có kinh hỉ.
Sâu: Ỏ ỏ ỏ, vâng, và đó chính là chị đẹp Du Phi Hồng