Dịch: Hạo Thiên
Đả tự: Vạn Kiếm Chi Vương
Vốn là Nhất Trần nói muốn cùng Hoắc Nguyên Chân đi Lạc Dương, tham gia đại lễ khai quang Tề Vân Tháp Bạch Mã tự, nhưng Hoắc Nguyên Chân suy nghĩ một chút, cuối cùng vẫn không có dẫn lão theo.
Bởi vì lá thư này!
Lần này đi Lạc Dương, ắt có hung hiểm!
Mặc dù Nhất Trần là một cao thủ chiến lực rất tốt, nhưng đã có người mai phục, có thêm một cao thủ Tiên Thiên sơ kỳ căn bản không mang lại tác dụng quyết định gì.
Hơn nữa Hoắc Nguyên Chân tin tưởng bằng vào mấy môn công phu của mình, bàn về bản lãnh trốn chạy tuyệt đối không kém bất kỳ ai. Đến lúc đó vạn nhất thật sự đánh không lại bỏ chạy, cũng sẽ không bị người nào ràng buộc.
Sau lưng hắn mang một cái bao lớn, bên trong có áo cà sa để giữ thể diện, có Đại Hoàn Đan cứu mạng, có kim sang dược, còn có một bản kinh Phật, bình thời có thể xem ở trước mặt người một chút.
Dù sao mình đã xem qua mấy quyển kinh Phật, lãnh hội quán thông toàn bộ, đầy bụng kinh luân, cũng không sợ bị người lật tẩy.
Mặc dù biết sẽ gặp nguy hiểm, bất quá Hoắc Nguyên Chân vẫn cho là chuyến đi Lạc Dương lần này vô cùng cần thiết.
Bởi vì đây là một cơ hội tốt nhất để tuyên truyền Thiếu Lâm tự, cũng là để cho đồng môn Phật đạo coi trọng mình. Nếu như có biểu hiện tốt, được mọi người công nhận, vậy địa vị Thiếu Lâm trong Phật môn sẽ gia tăng một bậc.
Bạch mã lên đường gần trưa, ban đêm đi tới địa giới Lạc Dương.
Bạch Mã tự ở phía Đông thành Lạc Dương ước chừng hơn hai mươi dặm, bây giờ sắc trời đã tối, Hoắc Nguyên Chân không đi Bạch Mã tự, cũng không vào thành Lạc Dương nguy nga kia, mà ở một khách sạn nhỏ ngoài thành nghỉ một đêm, sáng hôm sau mới rời đi.
Đi tới Bạch Mã tự, Hoắc Nguyên Chân lại khôi phục hình ảnh cao tăng. Bạch Mã tự này có địa vị cao quý trong giới Phật học, năm đó Thiên Trúc Già Thập Ma Đằng, Trúc Pháp Lan được đặc sứ Hán triều mời, vượt qua thiên sơn vạn thủy tới nơi này thuyết pháp, cũng dùng bạch mã vận chuyển kinh Phật, tượng Phật. Đi tới Lạc Dương, Hoàng đế bệ hạ tự mình hạ lệnh xây chùa, hơn nữa vì ghi nhớ công lao bạch mã chở kinh cho nên đặt tên tự viện là Bạch Mã tự.
Từ Bạch Mã tự trở đi, tăng viện mới bắt đầu có cách gọi là tự, vì vậy Bạch Mã tự cũng được coi như nguồn gốc phát sinh Phật giáo của bản quốc.
Hôm nay những cao tăng biết danh tự viện này sẽ tập trung về đây xem kinh cầu pháp, cho nên trong Phật môn, Bạch Mã tự còn được tôn xưng là Tổ Đình và Thích Nguyên.
Một thánh địa Phật học như vậy, Hoắc Nguyên Chân tới đây dĩ nhiên phải ra vẻ cao tăng, không thể khinh thường.
Đến khi mặt trời sắp mọc, rốt cục Hoắc Nguyên Chân đã tới trước sơn môn Bạch Mã tự.
Ở sơn môn có tượng một con bạch mã bằng đá, kỷ niệm bạch mã năm xưa chở kinh.
Đến nơi này, Hoắc Nguyên Chân xuống ngựa, cửa chùa còn chưa mở.
Cửa chùa chưa mở, hắn cũng không tỏ ra nôn nóng, bèn đi quanh khắp bên ngoài. Bạch Mã tự này cổ mộc che trời, lúc này là đầu Đông, sương trắng lấm tấm trên cành lá, hoa tuyết bay bay, cảnh sắc vô cùng xinh đẹp.
Đi dạo một hồi, rốt cục của chùa mở ra.
Một tiểu hòa thượng cầm chổi từ bên trong chùa đi ra, đang muốn quét tuyết.
Hoắc Nguyên Chân quan sát tiểu hòa thượng này một chút, có vẻ như có chút võ công, đương nhiên không có cách nào so sánh với hòa thượng quét sân của Thiếu Lâm mình được.
Tiểu hòa thượng thấy Hoắc Nguyên Chân đứng yên ở cửa, vội vàng chắp tay hỏi:
- A Di Đà Phật, Đại sư từ đâu tới đây?
Hoắc Nguyên Chân đáp lễ nói:
- Bần tăng đến từ Tung Sơn Thiếu Lâm tự, là phương trượng Nhất Giới.
Nghe nói hòa thượng xấp xỉ cùng tuổi mình này lại là phương trượng, tiểu hòa thượng vội vàng thi lễ lần nữa:
- Phương trượng Nhất Giới, không kịp tiếp đón từ xa, rất nhiều Đại sư đã đến, ngài cũng mau theo bần tăng vào tự đi.
Hoắc Nguyên Chân gật đầu đáp ứng, đi theo tiểu hòa thượng vào Bạch Mã tự.
Tiến vào bên trong chùa, rộng rãi sáng sủa, bên trái có một bia văn khắc lịch sử Bạch Mã tự, đi về phía trước chính là Thiên Vương điện.
Thân là phương trượng, rất nhiều chuyện nhất định phải làm, hơn nữa đến chỗ của người ta càng phải cẩn tuân quy củ. Đầu tiên Hoắc Nguyên Chân mặc áo cà sa vào, sau đó đến Thiên Vương điện tham bái Phật Di Lặc, sau đó theo tiểu hòa thượng tiếp tục đi tới.
Sau Thiên Vương điện là Đại Phật điện, bên trong thờ phụng Thích Ca Mâu Ni Phật, Hoắc Nguyên Chân tiếp tục tham bái.
Bên trong Phật điện còn có một chiếc chuông đồng to lớn, cũng không kém chuông của Thiếu Lâm tự là bao, trên đó vết rỉ loang lổ, lộ ra vẻ cổ kính.
Trên mặt chuông đồng có khắc hoa văn rồng cuộn tròn, còn có khắc tám chữ “Mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”, cũng có một bài thơ:
- Tiếng chuông vang dội Phạm Vương cung, dưới thông địa phủ chấn u minh. Tây đưa kim mã chân trời vắng, thúc giục Đông phương ngọc thỏ thăng.
Quy củ của nơi này, các tăng lữ dâng hương tụng kinh sáng sớm mỗi ngày, tiếng chuông Bạch Mã tự vang lên, lầu chuông Lạc Dương cũng vang lên tiếng chuông, nhiều năm qua chưa từng sai lệch nửa điểm, là một trong Lạc Dương Bát Cảnh.
Chỉ bằng vào tiếng chuông mấy trăm năm không đổi này, Bạch Mã tự ở Phật môn đã xâm nhập lòng người.
Qua Đại Phật điện, trước mặt lại có Đại Hùng điện, thờ phụng Tam Thế Phật: Thích Ca Mâu Ni Phật (hiện tại), A Di Đà Phật (vị lai) và Dược Sư Phật (Quá Khứ).
Qua hết điện này tới điện khác, Hoắc Nguyên Chân lộ ra vẻ buồn phiền ngoài mặt, chuyện mình cần làm còn không ít. Nhưng tiểu hòa thượng bên cạnh hắn thấy vậy tỏ ra hâm mộ vô cùng, tâm cảnh như vậy, tu hành như vậy quả thật mình chỉ có thể hít bụi ngoài xa, không hổ còn trẻ như vậy đã làm tới phương trượng.
Chỉ bất quá nếu như y biết được lúc Hoắc Nguyên Chân lên làm phương trượng, thủ hạ chỉ có hai người lại còn không phục, cũng không biết sẽ nghĩ thế nào.
Lạy Phật xong, xa xa nhìn thấy hướng Đông Nam có một tòa tháp cao.
Độ cao tháp này không kém gì Vạn Phật tháp của Thiếu Lâm, tháp cao mười ba tầng, chẳng qua là mỗi một tầng không cao bằng Vạn Phật tháp mà thôi.
Xa xa nhìn lại, đỉnh tháp chìm trong mây, không uống cái tên Tề Vân.
- Đây chính là Tề Vân Tháp quý tự sắp khai quang đó sao?
- Không sai, Đại sư, trước hết mời sang bên này, phương trượng Đạo Minh bản tự đã biết được ngài đến, đang chờ đợi ở trong điện.
Hoắc Nguyên Chân đi theo tiểu hòa thượng tới chỗ ở của phương trượng Bạch Mã tự.
Trên đường đi, rất nhiều hòa thượng thấy Hoắc Nguyên Chân đều rất ngạc nhiên. Phải biết tăng nhân phổ thông không mặc cà sa, chỉ có phương trượng trụ trì hoặc là cao tăng mới có thể thân khoác cà sa. Hòa thượng này còn trẻ như vậy, vì sao lại khoác áo cà sa?
Hơn nữa áo cà sa này tựa hồ không phải tầm thường, giữa ban ngày cũng lấp lánh rực rỡ, làm cho lòng người sinh ra kinh ngưỡng.
Không thèm để ý tới đủ các ánh mắt, Hoắc Nguyên Chân đi thẳng tới chỗ ở của phương trượng.
Sau khi tiểu hòa thượng vào thông báo, bèn mời Hoắc Nguyên Chân tiến vào trong phòng.
Vào chỗ ở phương trượng, chỉ thấy bên trong có một lão hòa thượng đang ngồi tĩnh tọa trên giường, thấy Hoắc Nguyên Chân đi vào bèn cười ha hả đứng dậy chào đón.