Đại ca hoàng tẩu vẫn hay nhắc lại chuyện cũ, nói muốn tính hôn sự cho ta, ta ngẫm nghĩ cẩn thận, bèn đồng ý, đại ca hỏi về người trong lòng ta, ta nói hắn đã thành thân rồi. Đại ca cũng không nhắc về hắn nữa, chọn một vài đối tượng, để ta gặp mặt xem sao.
Ta cùng nam nhân này hoặc là nghe khúc, hoặc đạp thanh, hoặc là ngâm thơ tác phú …
Đạp thanh: đi chơi trong tiết thanh minh.
Nhưng vẫn không tìm thấy cái cảm giác khi ở cạnh hắn ấy, giống như dù xung quanh có ồn ào hơn nữa, ta vẫn có thể nghe tiếng tiếng thở của hắn, tiếng tim đập của ta.
Ta nghĩ, ta chung quy vẫn không muốn chấp nhận.
Đón tết cùng một kẻ mình không thích, thà một mình một người còn hơn …
Ta nói với đại ca: “Không vội, từ từ sẽ đến, chuyện duyên phận, không thể cưỡng cầu.”
Đại ca nhìn ta, chỉ biết thở dài.
Cuối mùa xuân, Dị Đạo Lâm trở về đế đô, nhưng không dẫn theo sư muội của hắn, một ngày sau khi bãi triều, ta không nhịn nổi tò mò hỏi hắn, hắn nói: “Cố hương khó rời, nàng vốn là người thuần phác, không thích chốn đế đô náo nhiệt.”
Ta ngượng ngùng cười nói: “Vậy ư …”
Ta không muốn thừa nhận, bản thân cũng hy vọng tiểu sư muội của hắn có niềm vui mới vứt bỏ hắn. Nhưng ngẫm lại cũng biết là không có khả năng, hắn tuấn tú nho nhã, là quan nhất phẩm, cô nương nhà nào nỡ bỏ được chứ.
Hắn lại hỏi ta: “Cô bao giờ thì thành thân?"
Ta cười nói: “Người xem mặt lúc trước ta nhận ra không hợp lắm, lại đi xem mặt vài người nữa thử xem, có lẽ là cuối năm.”
Cứ thế cứ thể, một năm lại một năm nữa qua đi, ta vẫn một mình đón năm mới. Lúc hắn lại hỏi về vấn đề này, ta liền nói, không hy vọng có người lấy ta vì ta là muội muội của Bùi Tranh, hắn cũng không hỏi thêm nữa.
Mà hắn, tết mỗi năm đều rời khỏi đế đô bảy ngày, có lẽ là trở về cùng thê tử.
Bên nhau thì ít mà xa cách thì nhiều, cũng làm khó cho hắn.
Tựa như câu nói lúc trước, cảm tình giữa ta và Dị Đạo Lâm không coi là tốt, nhưng đại để coi là có duyên. Không thành vợ chồng, nhưng tốt xấu coi như đồng nghiệp và hàng xóm. Thái độ hắn đối với ta tốt hơn một chút, thỉnh thoảng cũng có thể cùng uống ly trà ly rượu, đàm luận chuyện triều chính. Hắn kiến thức phi phàm, ta cũng học được rất nhiều.
Ta nghĩ, tốt xấu cũng coi như có chút tiến bộ, hắn không đẩy ta ra ngoài cả ngàn dặm, nhưng cũng chỉ thế không hơn. Với ta mà nói, có thể thường xuyên nhìn thấy hắn cũng đã đủ rồi.
Hai đứa cháu của ta cũng lớn dần, đại ca tìm Thái phó cho chúng, đương nhiên là tìm Dị Đạo Lâm, sau đó là tới ta. Luận về học thức, mặc dù ta không theo kịp hắn, nhưng cũng xuất thân là nữ trạng nguyên, hơn nữa hai đứa trẻ thân với ta hơn, hắn dạy bảo không nghe, ta nói nhẹ nhàng vài câu, khuyên hắn bớt giận, khuyên mấy đứa nhỏ cải tà quy chính, bỏ tối theo sáng, hắn diễn vai chính diện ta vai phản diện, phối hợp đến không chê vào đâu được.
Ta quay đầu nháy mắt với hắn mấy cái, cười. Hắn nhếch khóe môi, quay mặt qua chỗ khác, đáy mắt lại hiện ý cười.
Lúc từ cung trở về, ta cười nói: "Ta cũng quên hỏi, ngài cũng nên có con rồi nhỉ? Mấy tuổi rồi?"
Hắn lắc đầu, nói: “Không có.”
Nụ cười của ta cứng đờ, ta nói: “Chưa tới lúc thôi, chăm bái Quan Âm cầu tự một chút.”
Hắn trầm mặc không nói.
Aizz …. Chắc không phải có nỗi niềm khó nói gì đó chứ …
Nhưng cũng không phải chuyện ta có thể hỏi tới …
Hắn chỉ là chưa có con nối dõi mà thôi, ta thì ngay cả phu quân còn chưa có.
Chờ tới ngày, ta giật mình ý thức được việc này, tuổi đã qua đầu ba rồi.
Duyệt Nhi trưởng thành rồi, vóc người cũng giống ta, lanh lợi hỏi ta: "Cô cô, vì sao cô còn chưa lấy chồng?".
Ta nói: “Không muốn gả cho người ta thôi.”
Cô bé hỏi một cách khó hiểu: "Cô không thích Dị tiên sinh sao?”
Ta ngẩn người một lát, mới mỉm cười đáp : “Chúng ta chỉ là đồng nghiệp mà thôi.”
Ta chỉ có thể lừa nó như vậy, lừa văn võ cả triều, thậm chí lừa cả bản thân mình.
Cô bé mặc dù đã cập kê, có tri thức hiểu lễ nghĩa, nhưng chuyện tình cảm, lại không thể đơn giản dạy thế nào theo như thế, chỉ có thể gặp rồi mới hiểu được.
Ta cảm thấy nửa đời này của mình, đã định sẵn là phải cô đơn chiếc bóng rồi.
Nửa đời sau ... Ta cũng đã quen cái cảm giác cô đơn này rồi.
Trước thư lập thuyết, biên tu sử sách, mỗi ngày vào triều làm việc, mỗi ngày cũng đều qua đi như vậy. Thỉnh thoảng hẹn vài đồng nghiệp uống rượu làm thơ, lờ mờ như trở về lúc còn ở Thái Học phủ, chỉ có điều khi đó còn trẻ tuổi, hào hoa phong nhã, mở miệng là trời nam đất bắc, hoặc là nói, không biết trời cao đất rộng …
Trước thư lập thuyết: viết sách để bày tỏ chủ trương và học thuyết của mình.
Năm Sùng Quang thứ 29, đại ca mất, hoàng tẩu nhiều ngày không lên triều, tâm đã chết như ngọn đèn đã tàn lụi.
Sang năm tiếp theo, hoàng tẩu truyền ngôi cho thái tử Lưu Hy, sửa niên hiệu là Nguyên Trưng. Một ngày năm Nguyên Trưng thứ hai, nàng đột nhiên hỏi ta: “Có phải muội thích Dị Đạo Lâm?”
Ta cứ tưởng mình giấu rất giỏi, không ngờ cuối cùng vẫn bị nàng phát hiện.
Ta nói : “Hình như rất lâu trước kia đã từng thích, không nhớ rõ lắm.”
“Hắn là người tốt.” Nàng nói.
Hắn đương nhiên là người tốt, cả đời vì nước vì dân, cúc cung tận tụy.
Ta lại nhớ lại năm Sùng Quang thứ 25, vào một sáng sớm khi mai nở đóa đầu cành, ta và hắn đi giữa trời tuyết, khoảng cách chỉ là hai cánh tay, hắn bỗng nhiên nghiêng mặt lại, nhìn vào mắt ta nói:
“Bùi học sĩ, người nhà ta mang lên biếu một vò rượu quê còn chưa mở niêm phong, giao thừa năm nay cô có rảnh không, cùng uống với ta?”
Ngẩn ngơ nghĩ lại, đó là lần thứ hai hắn mời ta trong hơn 20 năm quen biết. Ánh mắt của ta chuyển từ đôi mắt đen trắng rõ ràng tới thái dương đã hoa râm của hắn, mỉm cười gật đầu.
Đó là lần cuối cùng ta được thấy hắn. Ngày hôm sau lúc lâm triều, chỗ của hắn đã trống, vĩnh viễn thiếu đi một người.
Thái y nói, vất vả lâu thành bệnh, bệnh trầm trọng khó chữa.
Ta cùng rất nhiều đồng nghiệp tới viếng hắn, chỉ nhìn thấy một cỗ quan tài đen kịt, giống như đang ép lên tim ta vậy. Vạn nhân đưa tiễn, ta chỉ là một giọt nước trong biển người. Tự có người đưa linh cữu của hắn về quê, ta và hắn, tính tử tế ra chẳng qua cũng chỉ là giao tình hời hợt.
Đúng là một giọt lệ cũng không chảy xuống được, chỉ là một đêm dừng chân trước cánh cửa đóng chặt kia, dường như thấy hắn bước ra mở cửa, dáng đứng cao cao, một đôi mắt trong trẻo như bầu trời được tẩy sạch sau trận tuyết, cứ như vậy nhìn ta, hỏi, Bùi học sĩ vì gì mà tới?
Dị đại nhân, ta là tới theo hẹn cùng ngài.
Thật ra mỗi năm trước đó, ta cũng đều là một mình đón năm mới, nhưng một năm này, dường như đặc biệt lạnh, rượu hâm như thế nào cũng không nóng, cuối cùng ta rưới ở trước đình, cười nói : “Dị đại nhân, đồng nghiệp, tửu lượng ngài tốt, thay ta uống nhé.”
Hắn từng nói, ở quê hắn, trưởng bối sẽ chôn một vò rượu vào ngày đứa trẻ ra đời. Nếu là con gái, thì sẽ mở niêm phong vào ngày xuất giá, gọi là nữ nhi hồng. Nếu là con trai, liền gọi là trạng nguyên hồng.
Vò rượu hắn để lại cho ta ấy, gia đinh nói, tên là rượu hoa điêu.
Hoa điêu giả, hoa chi điêu dã. (1)
Hoàng tẩu nói: “Nếu muội nhớ hắn, thì đi bái tế hắn đi, Bùi Tranh đã đi rồi, ta sợ là cũng không thể bên muội được bao lâu nữa.”
Tâm nàng đã chết, cuối cùng cũng không thể chịu đựng qua mùa đông năm ấy. Như hồi quang phản chiếu, đó là lần duy nhất thấy nàng vui vẻ từ sau khi đại ca rời đi, trong mắt lại hiện lên sức sống và thương yêu.
Nàng nói: “Ta rất nhớ chàng …”
Từ sau mùa đông năm đó, cái bàn bốn cạnh, ngồi như thế nào cũng không đủ người nữa.
Nàng và đại ca hợp táng ở hoàng lăng, sau khi tang sự xong xuôi, ta thu thập hành lý, lên đường tới cố hương của hắn.
Bởi vì, ta cũng rất nhớ hắn …
Đó là một thôn quê phong cảnh tú lệ vùng Giang Nam, kề sông gần núi, chẳng nhiễm bụi trần. gió đông tan tuyết, trẻ nhỏ túm tụm câu cá bên bờ sông, đầu xuân một hai cành hoa nở, hoa nở đầu cành, run rẩy trong gió xuân, thêm vài phần lạnh lẽo.
Ta hỏi đứa bé nọ: “Xin hỏi Dị Đạo Lâm tiên sinh nhà ở đâu?"
Chú bé giơ tay làm động tác suỵt, đột nhiên một con cá cắn câu, nó vui vẻ bỏ cá vào sọt, mới nói với ta: “Dị tiên sinh không có nhà, ngài đến tảo mộ ư?”
Ta gật gật đầu.
Cậu bé nhiệt tình ấy hát ngâm nga, dẫn ta lên một ngọn núi nhỏ, chỉ vào gò đất nói : “Đây là mộ Dị tiên sinh.”
So với tưởng tượng của ta … Thê lương hơn rất nhiều.
Trước mộ có mấy cọng cỏ mới mọc dài, ta nhổ lên, thu dọn sạch sẽ, sau đó đứng trước mộ hắn, tỉ mỉ quan sát chữ trên bia mộ.
Đó là chữ của hắn, thanh tuyển kiệt xuất, như người vậy.
Đều nói thấy chữ như thấy người, nhưng rốt cuộc cũng không bằng chính mắt được thấy người.
Hóa ra lúc sinh thời hắn sớm đã lập xong bia mộ cho mình rồi. Đây là cái dạng người gì chứ …
Ta bật cười, lắc đầu, lấy ra rượu mình mang tới, rót đầy cho hắn, rót đầy cho mình, nói: “Dị đại nhân, đồng nghiệp, hạ quan kính ngài trước một ly.”
Phía sau truyền tới tiếng bước chân sàn sạt, ta quay đầu nhìn lại, một ông cụ tóc trắng xóa chống quải trượng, nheo mắt nhìn ta, nghi hoặc hỏi: "Cô là …”
Ta đứng lên, làm lễ với ông, đáp: “Vãn bối là đồng nghiệp của Dị đại nhân, đi ngang qua đây, nên tới bái tế.”
Ông ngẩn người gật đầu, nhiệt tình cười nói: “Đồng nghiệp của Dị đại nhân, vậy cũng là quan tốt.”
Ta ngượng ngùng cười, không biết đáp lại ra sao, chỉ hỏi: “Không biết người nhà Dị đại nhân hiện đang ở đâu?"
Ông ngẩn người một lát, nói: “Dị đại nhân không có người nhà.”
“Thê tử của ngài ấy thì sao? Ý vãn bối là, không phải ngài ấy có thê tử sao? Nghe nói là sư muội ngài ấy.”
Ông cụ cười nói: “Dị đại nhân chưa nói ư, Tiểu Như sớm đã tái giá."
Tiểu Như, có lẽ là tên sư muội hắn.
Ta ngẩn ngơ hỏi: “Chuyện khi nào?”.
“Rất lâu trước kia …” Ông cụ tính toán, nói, “Hình như là mùa xuân năm Sùng Quang thứ bảy …”
Mùa xuân năm ấy, hắn xin nghỉ một tháng về nhà, nói là thành thân.
Ông cụ đưa ta tới ngôi nhà tranh nhỏ của ông ngồi một lát, nhà tranh đó ngay dưới chân núi.
“Thật ra chuyện kia, cũng không nhiều người biết, ta cũng coi là người trông Dị đại nhân trưởng thành, chuyện này ngài ấy không lừa ta." Ông khom mình, thở dài, “Là Dị đại nhân muốn từ hôn. Cha mẹ Dị đại nhân mất sớm, cha Tiểu Như với ngài ấy có ơn dưỡng dục, hai đứa trẻ lớn lên bên nhau, trong lòng cha Tiểu Như sớm đã coi ngài ấy là con rể tương lai. Dị đại nhân lại nói ngài ấy và Tiểu Như là tình cảm huynh muội, cha Tiểu Như đương nhiên là không chấp nhận, nghĩ là ngài ấy coi mình với cao, tức giận đánh Dị đại nhân một trận, bản thân cũng bị bệnh nặng một hồi. Dị đại nhân nói với ta, trong lòng có người khác, lấy Tiểu Như, là không công bằng với con bé.”
“Tiểu Như không có chủ kiến gì, cũng không oán Dị đại nhân, có lẽ giữa hai đứa thật không có tư tình. Cha Tiểu Như cũng nóng tính, muốn Dị đại nhân thề, từ hôn cũng được, cả đời ngài ấy không thể lấy vợ nữa, nếu không bội tín nghĩa, tất tang thê tuyệt hậu.”
Ta hít một hơi lạnh, “Lời thề này thật độc. Ngài ấy thề thật ư?”
“Phải” Cụ ông gật gật đầu, “Khi đó Tiểu Như cũng đã 17 tuổi, không nhỏ nữa, Dị đại nhân cho bọn họ một khoản tiền lớn, không lâu sau đó, Tiểu Như gả cho một ông chủ hàng tơ lụa thôn bên cạnh, dùng tiền này làm ăn, sống cũng coi như sung túc. Dị đại nhân vẫn quan tâm tới bọn họ, mấy năm gần đây, cũng không nghe thấy tin ngài ấy lấy vợ.”
Ta im lặng hồi lâu, cười gượng nói: “Ngài ấy thật ngốc…”
“Phải ngốc.” Ông cụ thở dài, “Khi đó, ngài ấy dưỡng thương ở chỗ ta. Ta hỏi ngài, có phải đã thích công chúa, quận chúa nào rồi không. Thật ra ta biết, ngài không phải loại người ham mê phú quý, làm quan nhiều năm như vậy mà vẫn nghèo khó như trước. Ngài ấy nói, trong lòng người ngài thích không có ngài, đã có hôn ước với người khác rồi. Thật ra, yêu không yêu gì đó, sách đọc nhiều rồi, ngốc rồi, chúng ta là nông dân, không phải đều là tùy tiện tìm một người kết bạn, sống cả đời cũng cứ thế mà qua đi. Gì mà tình cảm huynh muội , gì mà tình yêu nam nữ, đâu có phức tạp như vậy."
Ta cắn môi nói: “Ngài ấy ngốc quá …”
“Ngài ấy ngốc, nhưng vẫn là một vị quan tốt. Cha Tiểu Như trước khi chết cuối cùng vẫn tha thứ cho ngài, cũng phục rồi. Linh cữu của ngài ấy được đưa về, nơi an táng, cũng là trong khu đất mộ gia tộc nhà họ. Nơi đó, giờ đều là ta trông giữ mộ.” Ông cụ nói tới đây, dừng một chút, “Ta nhìn thấy cô vừa mới nhổ một ít hoa cỏ.”
“Trên mộ cỏ dại mọc dài, cho nên vãn bối …”
“Không phải cỏ dại.” Ông nói, “Ngài ấy thích hoa lan, ngài từng nói, muốn trồng cỏ hoa lan trên mộ mình. Đó là ta trồng giúp ngài ấy. Bia mộ là vào tháng chạp năm Sùng Quang thứ 24, ngài ấy viết xong để lại. Khi đó bệnh của ngài ấy cũng đã không nhẹ, có lẽ biết là không còn nhiều thời gian. Ta không biết chữ, cũng không biết là viết cái gì.”
Cổ họng như bị siết chặt, mắt căng ra, ta kinh ngạc nhìn ông.
Ông như đột nhiên nhớ ra cái gì, vỗ tay, đứng dậy vào phòng, vừa đi vừa nói: “Ngài ấy còn có chút di vật, ta đưa cho cô xem thử …”.
Chỉ là một ít đồ vụn vặn.
Hắn làm quan 20 năm, thanh liêm, tất cả di vật, thậm chí còn không đầy một hộp gỗ nhỏ.
Chỉ là một vài con dấu, tranh chữ.
Ta cầm lên một miếng ngọc bội, màu sắc không đẹp, không đáng vài đồng, trên mặt khắc một đóa hoa lan.
“Cô nhận ra vật này?”
Đương nhiên ta nhận ra. Là mẫu thân để lại cho ta, năm đó ta tưởng đã lạc mất trong hồ Thái Thanh rồi.
Ta để lại chỗ cũ, nói: “Chắc là vật tùy thân của Dị đại nhân, vẫn nên chôn trước mộ ngài ấy.”
Ông cụ gật đầu nói: “Cũng tốt, cũng tốt. Đại nhân thật sự rất thích hoa lan …”
Ta cười nói: “Phải.”
Ta đào một cái hố nhỏ trước mộ, vùi xuống hộp gỗ kia, đầu ngón tay xẹt qua tên hắn trên bia mộ.
Lạnh như băng.
Tận đến trước khi ta rời đi, ông cụ mới hỏi: “Đúng rồi, còn chưa biết tên đại nhân.”
Ta nhếch khóe môi, nói: “Vãn bối họ Bùi, tên Sanh, tự Nhược Lan.”
Năm đó ở đế đô, ta cười hỏi hắn: “Dị đại nhân, còn nhớ Bùi Nhược Lan chăng?”
Hắn phất tay áo, lãnh đạm nói: “Năm đó là cô đẩy ta xuống hồ.”
Như thế, vạn kiếp bất phục.
Có lẽ ta không nên thích hắn như thế, làm phiền hắn, lại khiến hắn không thoát khỏi kiếp số.
Lờ mờ nhớ lại năm Sùng Quang đầu tiên, ta vừa tới tuổi cập kê, trong Thái học phủ có chút hung hăng, kiêu ngạo, trên cổng lớn viết một câu – Minh nguyệt hà thời chiếu ngã hoàn. (Khi nào trăng sáng chiếu ta về)
Ba ngày sau, một thiếu niên áo xanh múa bút viết – Xuân phong hựu lục Giang Nam ngạn. (Khi gió xuân lại khiến bờ Giang Nam xanh biếc) (2)
Một chữ lục, xuân mãn càn khôn. (xuân đầy cả đất trời)
Khi đó hắn áo dài nhạt sắc, quân tử như ngọc tựa trúc, một đôi mắt đen láy trong trẻo nhìn ta chằm chằm, mặt tươi như hoa, mắt chứa ý cười nhàn nhạt, tim đập thình thịch, nhịn không nổi trêu chọc một câu: "Dị huynh thật là sắc như xuân hiểu.”
Sắc như xuân hiểu: có lẽ là trong trẻo như sáng sớm mùa xuân.
Mặt hắn biến sắc, phẩy tay áo bỏ đi.
Nhân sinh nếu chỉ như thuở ban đầu gặp gỡ ...
(Nhân sinh nhược chích như sơ kiến)
Nay, xuân phong hựu lục Giang Nam ngạn.
Đầu ngón tay ta lưu luyến trên bia mộ, dừng trên chữ “minh nguyệt”.
-- Dị đại nhân, khi nào trăng sáng, có thể đưa ngài trở về bên ta ...
Nước mắt tới lúc này, mới rơi xuống.
Tác giả nói ra suy nghĩ của mình:
Tôi đang nghĩ … Dị Đạo Lâm rốt cuộc có biết Bùi Sanh yêu thầm hắn hay không ...
Dù sao sau mùa đông năm ấy Bùi Sanh cũng không tỏ thái độ gì nữa ..
Đây chính là kết cục của hai kẻ muộn tao, giữa hai người luôn cần một người bước lên trước một bước, bất chấp tất cả, nếu không có thể vì một hiểu lầm liền bỏ lỡ.
Muộn tao: hiểu đơn giản là ngoài lạnh trong nóng, biểu hiện bên ngoài và nội tâm không đồng nhất.
Sự kết hợp đúng đắn là Chu Tiểu Kỳ với Tần Chinh, Bùi Tranh với Tương Tư.
Vì viết lúc mới làm xong kết cục cho Qủa nhân, nên cùng một quan điểm.
Muốn giết, muốn róc xương cứ tới đi!
Về sau nếu có phiên ngoại thì sẽ để ở đây… Tôi phát hiện mình thật rất thích viết phiên ngoại, có điều đại đa số phiên ngoại đều … khụ khụ … bạn biết mà ….
Không phải ngược thì chính là thịt.
(1) Rượu hoa điêu, nữ nhi hồng và trạng nguyên hồng đều là một loại rượu, đúng theo phong tục kể trên, có người bảo vì trên thân vò rượu người ta khắc các loại hoa lá, chim muông, sơn thủy nên gọi là rượu hoa điêu (điêu trong tên rượu là điêu khắc); cũng có người nói nếu con gái chưa tới tuổi trưởng thành mà chết yểu - liền gọi là rượu "hoa điêu" (điêu ở đây là điêu tàn). Câu trên của Bùi Sanh có lẽ là "Hoa khắc, hoa cũng tàn lụi". Thông cảm là mấy loại thi từ ca phú, chi hồ giả dã này tớ chịu :|
(2) Hai câu này vốn nằm trong bài thơ Bạc thuyền Qua Châu (Thuyền đỗ bến Qua Châu)
Kinh Khẩu Qua Châu nhất thuỷ gian
Chung san chỉ cách sổ trùng san.
Xuân phong hựu lục Giang Nam ngạn,
Minh nguyệt hà thời chiếu ngã hoàn?
Bản dịch thơ của Trần Thế Hào:
Qua Châu Kinh Khẩu nước xa bờ,
Trước dãy Chung San núi vẫn mờ.
Xuân đến Giang Nam làm biếc sóng,
Khi nào trăng mọc chiếu dòng thơ.
Còn một bản dịch 2 câu cuối là:
Cỏ xanh nhờ ngọn gió xuân
Khi nào trăng sáng chiếu bờ nam ta về