Thấy lão phân vân, Thiên Cơ nghiêm giọng :
- Bang chủ đừng thả mồi bắt bóng vô ích. Chúng ta đã từng chạm trán và Bang chủ cũng hiểu được rằng Mục mỗ không phải là kẻ tham sanh úy tử, lúc cần thì sẵn sàng tự sát chứ không để lọt vào tay người.
Khang Nhẫn gượng cười :
- Thôi được. Xem như lão phu đã tính sai một nước cờ. Ngươi là bậc anh hùng trẻ tuổi tất chẳng nuốt lời, chỉ cần hứa rồi đi đi. Nếu ngươi trở mặt, đừng trách lão phu tàn nhẫn giết cả đàn bà con nít của Mục gia trang.
Bỗng một lão già trong đám cao thủ Hồng Liên Hội lên tiếng :
- Để đề phòng, xin Bang chủ bảo gã giao bảy sợi tóc gáy làm tin.
Khang Nhẫn khen phải :
- Đúng vậy. Nếu gã quên thì chúng ta sẽ lập đàn lục đinh lục giáp để nhắc nhở.
Tà pháp trấn yếm hình nhân của Hồng Liên giáo xuất phát từ những lễ nghi cúng tế, trai tiêu của đạo gia. Thiên Cơ không tin nên không sợ, thản nhiên bảo Phó Tương Như nhổ tóc trao cho đối phương. Hai bên đồng đóng ý địa điểm giào vàng là chân thác Bạch Long của núi Hồng Sơn, cách Hứa Xương trăm dặm về phía Nam và thời gian là ngày rằm tháng mười một.
Huyết Ấn Thần Quân để lại hai con ngựa rồi kéo quân đi. Ở đây, Sát Nhân Đồng Tử phá lên cười :
- Cơ nhi. Nhờ gánh bánh hấp kia mà chúng ta thoát nạn và còn chia rẽ dược bọn tà ma.
Thiên Cơ gượng cười, lộ vẻ lo âu :
- Đám mam đệ tử của Thánh cung đã chết gần hết trong trận đánh Dịch gia trang nên họ chẳng còn đáng sợ nữa. Tiểu diệt chỉ băn khoăn không hiểu nhân số Hồng Liên Hội đông đến mức nào.
Chàng lo xa là phải vì Huyết Ấn bang sẽ không tha cho Bắc Đẩu môn và lúc ấy chàng bắt buộc phải ra tay giữ gìn cơ nghiệp của họ Trầm.
Phó Tương Như trấn an :
- Cơ nhi chớ lo. Đại Hồng Chung của Thiếu Lâm tự chính là khắc tinh của tà pháp Hồng Liên giáo.
* * * * *
Lại năm ngày dong ruổi giữa cảnh thu vàng úa, Thiên Cơ và Tương Như rời đất Hà Nam, đi vào địa phận Sơn Tây. Đường đi ngày càng thêm dốc vì Sơn Tây là vùng cao nguyên. Càng vào sâu, vẻ thu càng rõ nét, gió thu lạnh lẽo thê lương. Để đề phòng Nguyệt Quý thánh cung nên Sát Nhân Đồng Tử đã đưa Thiên Cơ đi đường tắt tránh xa ngọn Nguyệt Sơn, nơi lão phải chịu cảnh tôi đòi suốt mười ba năm.
Đường nhỏ khó đi, luôn phải trèo đèo lội suối băng rừng. Nhưng Thiên Cơ lại vô cùng khoan khoái như được trở lại chốn quen thuộc. Chàng chỉ cần thủ một gói muối còn thực phẩm thì đã có rừng xanh cung cấp.
Xế chiều ngày hai mươi ba tháng tám, hai người chậm chạp thúc ngựa đi qua đoạn đường mòn giữa hai quả đồi. Vừa đến cuối hiểm lộ, họ giật mình nhận ra là đã bị chận đường, phía sau cũng đã bị khóa chặt.
Phó Tươnh Như rầu rĩ nói :
- Người đàn bà áo hồng ngồi trên chiếc kiệu trần kia chính là Cung chủ Thánh cung. Cơ nhi đừng để ý đến lão phu, hãy cố mở đường máu mà thoát đi.
Thiên Cơ chưa kịp nói gì thì Quảng Lưu Hoan đã cười rộ :
- Thiên Cơ. Dù ngươi có hàng trăm vạn lượng vàng cũng không mua nổi mạng sống của chính mình đâu.
Sát Nhân Đồng Tử xuống ngựa, vòng tay thi lễ :
- Lão phu bái kiến Cung chủ.
Tưởng Hạnh Hoa tuổi đã bảy mươi hai, tóc hoa râm nhưng da mặt vẫn mịn màng, trắng trẻo, trông như chỉ mới quá bốn mươi. Bà cười nhạt đáp :
- Giờ đây ngươi không còn là người của Thánh cung nữa, đó là lỗi của Hoan nhi.
Nhưng vì sao lão lại dám đem tuyệt học của bổn cung dạy cho tiểu tử họ Mục kia?
Thiên Cơ ứng tiếng :
- Cung chủ lầm rồi. Phó lão chưa hề tiết lộ sở học của quý cung. Tại hạ nhờ pho Phi Hoàn thất thập nhị thủ mà thắng được Quảng Lưu Hoan trước khi Phó lão trở thành người của Mục gia trang.
Chàng nói rất có lý nên Tưởng Hạnh Hoa hiểu ngay vấn đề. Bà giận dữ nói :
- Nếu vậy thì chính con tiện tỳ Thẩm Tường Vy đã dạy cho ngươi hai pho Phiêu Phiêu Ảo Bộ và Vô Tình kiếm pháp.
Thiên Cơ không chối mà hỏi lại :
- Sao Cung chủ không nghĩ đến Mẫu Đơn cốc chủ Thẩm Sĩ Doanh?
Chàng không quen gian dối nên kiếm cớ nói quanh, nào ngờ chạm trúng nhược điểm của đối phương. Tưởng cung chủ biến sắc hỏi :
- Thì ra chính ngươi là người vào Mẫu Đơn cốc để đoạt lại lệnh phù chứ không phải bọn hòa thượng, đạo sĩ?
Thiên Cơ gật đầu :
- Đúng thế. Quỷ kế Di Họa Giang Đông của Cung chủ đã bị bại lộ rồi.
Quảng Lưu Hoan nóng lòng muốn băm xác Thiên Cơ nên thúc giục :
- Xin nghĩa mẫu hạ lệnh trừng trị chúng nó.
Tưởng Hạnh Hoa xua tay ra vẻ không vội. Bà nhìn Thiên Cơ chăm chú rồi thở dài :
- Ngươi quả là đóa kỳ hoa của võ lâm đương đại rất nuối tiếc khi phải giết đi.
Nhưng cái tội mua chuộc Huyết Ấn Thần Quân thì chẳng thể tha thứ được.
Sát Nhân Đồng Tử từng thọ ơn cứu mạng của bà ta nên thái độ rất kính cẩn :
- Bẩm Cung chủ. Đúng ra người phải cảm tạ Thiên Cơ. Chính y đã khiến Khang Nhẫn sớm để lộ tâm địa phản phúc, tham lam. Nếu không, khi lấy được kho tàng của Võ Lâm Chi Vương, chưa chắc lão đã để Cung chủ sống sót mà chia phần.
Tưởng Hạnh Hoa giật mình, thầm công nhận họ Phó nói không sai. Nhưng là người cao ngạo, bà chẳng bao giờ thừa nhận mình sai lầm, liền cười nhạt :
- Ngươi tưởng lão thân không tiên liệu biện pháp đề phòng hay sao? Khang lão quỷ nằm trong tay lão thân mà không tự biết nên mới dám trở mặt.
Bà quắc mắt quát :
- Dông dài thế là đủ rồi. nếu các ngươi muốn toàn thây thì mau bó tay chịu trói.
Phó Tương Như nghiêm nghị vòng tay nói :
- Lão phu tha mạng cho Thiếu cung chủ cũng là đã báo xong đại ân ngày trước. Nay Cung chủ tuyệt tình thì đừng trách lão phu thí mạng.
Lão vừa nói xong thì phe đối phương từ hai đầu ập vào. Kể cả Quảng Lưu Hoan, tổng số chỉ độ mười hai người nhưng đều là những cao thủ thành danh của Thánh cung.
Tưởng Hạnh Hoa và bốn tỳ nữ khiêng kiệu đứng yên quan chiến.
Thiên Cơ vỗ mạnh vào mông hai con ngựa. Chúng đau đớn lồng lên, phóng điên cuồng về phía trước. Sát Nhân Đồng Tử hiểu ý, cùng Thiên Cơ bám đuôi ngựa lao theo.
Hành động này của họ đã vượt ngoài dự đoán của đối phương. Quảng Lưu Hoan đã cho rằng phía bắc có Cung chủ Thánh cung, tất bọn Thiên Cơ sẽ chạy ngược về phía sau. Vì vậy gã đã bố trì ở đầu Nam đường mòn đến tám người. Nay hai con ngựa to lớn kia đâm sầm đến khiếp họ Quảng và ba lão nhân áo trắng lúng túng. Họ chỉ còn cách tung mình nhảy dạt sang hai bên và tấn công vào mé hông đối phương.
Tuy nhiên, Thiên Cơ và Phó Tương Như đã kịp nhảy lên yên, tránh được đòn tập kích và tiếp tục theo ngựa lao đi. Tưởng cung chủ kịp rút kiếm nhảy ra chận đường. Bà đề khí lăng không, từ độ cao hai trượng bủa lưới kiếm xuống đầu Thiên Cơ vì ngựa của chàng vượt trước tuấn mã của họ Phó nửa thân.
Thiên Cơ lập tức nhận ra Tưởng Hạnh Hoa đang thi triển chiêu thứ một trăm lẻ sáu của pho Vô Tình kiếm pháp. Chiêu “Tình Hải Cuồng Loan” gồm hàng hàng lớp lớp sóng kiếm cuồng loạn, lạnh lẽo và lấp lánh ánh vàng do màu sắc của lưỡi Vô Tình kim kiếm.
Thiên Cơ thuộc lòng các thế thức của chiêu này nhưng tự nhủ rằng không giải phá nổi. Với tu vi hơn hoa giáp, đường kiếm của Cung chủ Thánh cung nhanh gấp bội Quảng Lưu Hoan, che kín mọi sơ hở vốn có. Vả lại, chàng đang ngồi trên lưng ngựa nên khó mà ra tay chuẩn xác được.
Để tránh nhuệ khí ban đầu của đối thủ, Thiên Cơ đột ngột gò cương khiến con vật dựng ngược, cất vó hý vang. Tuy có võ công tuyệt thế nhưng đã mấy chục năm không giao đấu, Tưởng cung chủ thiếu hẳn khả năng phán đoán và biến hoá. Do vậy, bà chẳng tiên liệu được thủ đoạn này của Thiên Cơ và bị bất ngờ. Thanh Vô Tình kim kiếm chặt phăng hai vó ngựa và đâm nát đầu con vật tội nghiệp.
Trong lúc ấy, ngựa của Phó Tương Như vượt lên, Thiên Cơ bèn nhảy sang, điểm chân lên mông tuấn mã, đổi hướng lao chếch vào mé tả của Tưởng Hạnh Hoa, xuất chiêu “Thủy Quang Kiếm Diễm” (ánh nước lấp loáng).
Không kịp trở tay đối phó, Tưởng cung chủ đành chịu mất tiên cơ. Bà đập mạnh vào chiếc đầu ngựa đầy máu, bay rút ra xa để tránh đòn. Thiên Cơ bám sát như oan hồn, múa tít Thiết hoàn tấn công tới tấp. Sát Nhân Đồng Tử định giúp chàng nhưng đã bị bọn Quảng Lưu Hoan chặn lại. Họ Phó chỉ học được bảy mươi hai chiêu Vô Tình kiếm pháp nên thua kém Lưu Hoan và đám lão nhân. Nhưng bù lại, Phó Tương Như còn có pho kiếm gia truyền của dòng họ Phó. Với thanh Vô Tình ngân kiếm sắc bén trong tay, dù bị giáp công, Sát Nhân Đồng Tử cũng khó mà bị áp đảo ngay được. Phe đối phương không dám sử dụng những chiêu mà Phó Tương Như đã biết nên bản lãnh bị hạn chế rất nhiều.
Bên này, Thiên Cơ kiên cường đối phó với những chiêu kiếm thượng thừa. Dù quen thuộc nhưng mức độ biến hóa, ảo diệu thì vượt xa trí tưởng tượng của chàng. Hoàn cảnh hiện nay không khác gì thầy trò tỷ võ. Tuy sư phụ đã dạy hết nghề nhưng học trò cũng không sao hơn. Đó chính là đặc điểm của kiếm thuật Trung Hoa.
Nguyệt Quý cung chủ khổ luyện Vô Tình kiếm pháp từ ngày còn để chỏm, đạt đến mức tâm kiếm hợp nhất, không còn bị gò bó bởi ranh giới giữa các chiêu hoặc số thứ trong chiêu. Tóm lại, bà ta đã bước vào cảnh giới kiếm đạo.
Dẫu sự thật là thế nhưng Thiên Cơ cũng có lợi khi thuộc hết toàn pho kiếm của đối phương. Ít nhất chàng cũng biết chiêu nào đáng sợ mà thoái lui, né tránh tử thần.
Lợi thế thứ hai là ở phần khinh công. Xem ra Thiên Cơ quả là người có căn cơ võ học siêu việt khi phối hợp được hai pho Long Hổ thân pháp và Phiêu Phiêu Ảo Bộ. Chính nhờ thân pháp quái dị này mà chàng cầm cự được với đối phương.
Nguyệt Quý cung chủ cùng như Huyết Ấn Thần Quân, thường tự hào mình là người vô địch. Nay đánh mãi mà không thắng được Thiên Cơ, lòng Tưởng Hạnh Hoa vô cùng phẫn nộ. Bà dồn thêm chân khí, tăng áp lực và tốc độ. Tiếng thép chạm nhau không dứt mà cán cân vẫn chẳng đổi thay.
Thiên Cơ tiến thoái nhanh như chớp, càng lúc càng tỏ ra lợi hại hơn vì đã quen với lối đánh của Tưởng Hạnh Hoa. Nếu đấu đủ ngàn chiêu thì chàng sẽ tóm thâu được tinh túy của pho Vô Tình kiếm pháp và không còn phải sợ mụ Cung chủ nữa. Nhưng dường như Tưởng Hạnh Hoa đoán ra thâm ý của chàng. Bà nghiến răng quát :
- Tứ Long Nữ hãy vây chặt, không để gã chạy quanh.
Bốn ả nữ tỳ rút kiếm tràn đến sau lưng Thiên Cơ. Họ không tấn công mà chỉ chủ yếu bó hẹp phạm vi di chuyển, bắt chàng phải đón chiêu của Tưởng Hạnh Hoa. Sau đó, Nguyệt Quý cung chủ tung ra những đòn chớp nhoáng, mong sớm kết liễu gã tiểu tử lì lợm kia.
Sát Nhân Đồng Tử biết Thiên Cơ đã rơi vào hiểm cảnh. Lão bi phẫn gọi :
- Cơ nhi mau thoát đi. Nếu không lão phu sẽ đâm cổ tự sát đấy.
Phó Tương Như đã trúng ba bốn kiếm nhưng sợ Thiên Cơ phân tâm nên không dám kêu rên. Tưởng Hạnh Hoa vừa tấn công vừa cười khanh khách :
- Có chạy cùng đã muộn rồi.
Nãy giờ Thiên Cơ kém thế vì xuống sức, thủ nhiều hơn công. Nhân cơ hội đối phương mở miệng, chân khí không đủ, chàng liều mạng xuất chiêu “U Linh Túy Hành” (Say đi đường vắng). Thân hình chàng lướt đến nhưng dáng diệu ngã nghiêng, chập chờn, Thiết hoàn ve vẩy, vẽ nên những đường nghệch ngoặc rối rắm. Đồng thời, tay hữu chàng cũng khua nhanh, chưởng ảnh mờ mờ nhưng lặng lẽ vô thanh.
Nguyệt Quý cung chủ nhờ Khang Nhẫn mà biết rõ Thiên Cơ không luyện được cách không chưởng, vì thiếu phần tâm pháp của Thiết Hoàn Ma Quân. Do vậy, bà chỉ chú tâm đối phó với chiếc vòng sắt kỳ dị. Kiếm dài tay ngắn, Thiên Cơ không thể vươn tới người bà được.
Tưởng Hạnh Hoa cười thầm, đánh chiêu cuối cùng của pho Vô Tình Kiếm. Chiêu này có tên “Tịch Mịch Khuê Trang”.
Người sáng tạo ra pho kiếm này là nội tổ của Tưởng cung chủ. Bà ta bị tình nhân ruồng rẫy, phụ bạc nên phẫn chí, dồn hết oán hận, đớn đau vào một trăm lẻ tám chiêu kiếm. Tuy gọi là Vô Tình mà kỳ thực chiêu nào cũng mang cái tên nói lên nỗi khổ của kẻ đã từng yêu mà không hạnh phúc.
Thiên Cơ thấy trước mắt mình là mấy trăm điểm sáng lung linh, chập chờn như ánh nến chốn phòng loan. Tất nhiên chàng nhận ra chiêu “Tịch Mịch Khuê Trang”, và biệt rõ nó sẽ đâm thủng người mình ở những vị trí nào.
Thiên Cơ bị lưới kiếm bao trùm, không còn đường thoát, thản nhiên đón tiếp tử thần. Bảo kiếm chạm vòng sặt liên hồi và lặng lẽ đâm vào ngực phải Thiên Cơ, vì chàng cầm vũ khí tay trái, bảo vệ rất kín vùng tim.
Vừa nghe mũi kiếm chạm da thịt, Thiên Cơ không né tránh mà lại bước lên, khiến thanh Vô Tình Nhân Kiếm xuyên thấu ra sau lưng, ngập đến gần hết lưỡi kiếm.
Nguyệt Quý cung chủ choáng váng trước sự liều mình của chàng trai không sợ chết. Bà vội buông kiếm tháo lui nhưng hơi muộn! Chân phải Thiên Cơ đã quất vào đùi trái, còn Thiết hoàn bay đến rạch một đường dài trên vai phải Tưởng Hạnh Hoa. Nếu bà chậm chân một chút thì đã bị tiện đứt cánh tay cầm kiếm.
Bàn chân Thiên Cơ đã chấn gãy xương đùi và đẩy đối phương ngã lăn xuống đất.
Chàng chưa kịp hạ thủ thì đã phải quay lại đỡ đòn của Tứ Long Nữ. Võ công của họ không cao nên dù bị thương, Thiên Cơ vẫn đánh bật ra được.
Nhưng Sát Nhân Đồng Tử đã tận số trước khi Thiên Cơ kịp tới cứu. Quảng Lưu Hoan chặt bay đầu Phó Tương Như rồi phi thân về phía chàng.
Ánh nắng đã tắt lâu rồi!
Trong chớp mắt, Thiên Cơ đã thót lên ngọn một cây cổ thụ già, ẩn mình kín đáo.
Phe Nguyệt Quý thánh cung mất dấu, lục soát qua loa rồi bỏ cuộc. Vả lại, họ tin rằng với vết thương đâm thấu phổi thì Thiên Cơ khó mà thoát chết được. Ớ giữa chốn núi rừng hoang vu này làm gì có linh đan, diệu dược?
Chờ kẻ thù đi khỏi, Thiên Cơ nhảy xuống, trở lại đấu trường lúc nãy.
Chàng ứa nước mắt nhìn cái xác đứt đầu của Phó Tương Như.
Nhưng việc trước tiên là chàng phải trị thương cho mình cái đã. Thiên Cơ lảo đảo đến bên xác tuấn mã, xô ra để tìm bọc hành lý, chàng mừng rỡ khi thấy vẫn còn đó.
Nó dẹp lép và dính đầy máu ngựa, nhưng lọ sành đựng linh đan vẫn nguyên vẹn.
Sau lần thọ thương dưới tay Huyết Ấn Thần Quân, Thiên Cơ rút kinh nghiệm dùng những loại thuốc quí giá mà Mục gia trang có sẵn, bào chế trăm viên Hồi Sinh đan.
Loại linh đan này là kết tinh của một đời Vô Tích Thần Y. Tuy không thể bì với Đại Hoàn đan của Thiếu Lâm tự nhưng cũng một tám một mười.
Thiên Cơ được ông truyền lại toa thuốc nên thực hiện rất dễ dàng.
Chàng nuốt một lần bảy viên, điểm huyệt chỉ huyết rồi rút thanh kiếm ra khỏi ngực, Thiên Cơ cởi áo, run rẩy vì đau đớn, bóp nát mười viên Hồi Sinh đan, nhét vào miệng vết thương trước ngực và sau lưng, rồi xé áo sạch băng chặt lại. Chàng ngồi xếp bằng, dùng chân khí hòa tan dược tính, đưa đến vùng phổi bị tổn thương Nửa canh giờ sau, nguy hiểm đã qua, máu trong phổi khôn.g còn trào ra miệng.
Thiên Cơ mừng rỡ, hết lòng khâm phục y thuật của sư phụ Vô Tích Thần Y.
Thực ra, Lý Dĩ xem chàng như con ruột, tuy miệng xưng là bá phụ. Còn Thiên Cơ cũng yêu kính ông như cha, và gọi lung tung, lúc thì bá phụ, lúc thì ân sư!
Thiên Cơ mày mò nhặt mấy cành cây khô, bật hỏa nhóm lửa. Gói bánh hấp tuy nát bét nhưng vẫn còn ăn được.
Đêm dần buông tiếng côn trùng tha thiết hòa với tiếng cọp beo gầm thét từ xa von lại, khiến lòng người càng sầu muộn. Thiên Cơ đã kéo tử thi của Sát Nhân Đồng Tử lại gần đống lửa, và ráp lại thủ cấp. Chàng nhìn gương mặt trẻ mãi không già kia mà khóc ròng!
Lát sau, Thiên Cơ giật mình vì tiếng vó ngựa đến gần. Chàng căng mắt nhìn và phát hiện con tuấn mã của Phó Tương Như. Nó đã chạy vào rừng khi xảy ra cuộc chiến.
Giờ đây, tiếng gầm thét của ác thú đã thúc giục nó tìm đến chỗ có ánh lửa hồng.
Đấu tháng chín, Thiên Cơ đến thành Tịnh Châu, thủ phủ đất Sơn Tây.
Việc đầu tiên chàng phải làm là đến lò rèn ở cửa Nam, mua một chiếc vỏ cho thanh Vô Tình kim kiếm. Thiên Cơ mất Ngân Kiếm nhưng lại được vật quý giá hơn.
Sau mấy lần bị thiệt thời vì sự khiếm khuyết của pho Phi Hoàn thất thập nhị thủ, Thiên Cơ chán nản, tự nhủ sau này sẽ khổ luyện kiếm pháp bằng tay phải để phối hợp với Thiết hoàn bên tay trái. Chàng tin rằng mình đủ trí tuệ để làm được điều ấy.
Hiện giờ, công lực chỉ mới khôi phục được bốn phần, Thiên Cơ đến đây vì mối gia thù và tâm nguyện của Phó Tương Như, nhưng chỉ là dò xét, tìm hiểu mà thôi, còn việc tiêu diệt Phi Điểu hội thì đành chờ dịp khác.
Từ cuộc đón đường của Nguyệt Quý cung chủ, Thiên Cơ biết rằng đối phương đã đoán ra lộ trình của mình. Có lẽ mười ba năm trước, Phó Tương Như đã thực thà tiết lộ việc mình đi Sơn Tây truy tầm Phi Điểu hội.
Nhưng liệu Nguyệt Quý thánh cung có biết sào huyệt Phi Điểu hội ở Tịnh Châu hay không? Họ hùng cứ đất Sơn Tây đã gần trăm năm, lẽ nào không biết? Vả lại, Nguyệt Sơn chỉ cách Tịnh Châu chừng ba trăm dặm!
Thiên nhiên đã dạy cho Thiên Cơ rất nhiều điều. Như con cáo thọ thương chạy trốn, chàng biết phải ẩn mình ở những chốn nào. Đó là bản năng chứ không phải sự xảo quyệt của một kẻ lão luyện giang hồ!
Thiên Cơ đã cạo sạch râu bằng chính thanh Vô Tình kim kiếm sắc bén.
Chàng không vào thành mà đi bọc ra cửa Tây, tìm đến một thôn nhỏ mà tìm chỗ nghỉ ngơi.
Nếu Thánh cung cho người đến Tịnh Châu truy tìm, tất sẽ chú ý đến những khách điếm sang trọng gần với dược phòng và các đại phu. Họ cho rằng chàng thọ trọng thương, có thoát được.đến đây cũng cần phải mời lương y chữa trị. Đơn giản là do họ không biết chàng là học trò của Vô Tích Thần Y!
Không phải Thiên Cơ sợ chết hay quá lo xa, mà vì chàng biết tầm quan trọng của thanh Vô Tình kim kiếm. Thanh Cung sẽ huy động toàn bộ lực lượng trở lại lục soát khu rừng già gần trận địa. Khi phát giác thi thể Phó Tương Như biến mất, họ sẽ biết chàng còn sống và lần theo dấu vết!
Thiên Cơ hài lòng ghé vào một quán trọ nghèo nàn ở đầu thôn. Mé Tây Tịnh Châu chỉ toàn đồi núi cao ngất, đường đi dẫn đến khu vực sinh sống của dân tộc thiểu số, và bị chặn lại bởi rặng Lã Lương Sơn và dòng sông Hoàng Hà. Do vậy, lượng khách và xe cộ qua lại không đông. Quán trọ vắng vẻ, đìu hiu.
Chủ quán cũng kiêm luôn nghề tiểu nhị, còn vợ lão thì lãnh công việc đầu bếp.
Họ hoan hỉ trước sự chiếu cố của vị khách hiếm hoi, cúi rạp mình chào đón.
Gương mặt đẹp xanh xao vì mất máu của Thiên Cơ đầy vẻ hiền lành, khiến chủ nhà yên tâm trước thanh bảo kiếm và bộ võ phục.
Chàng tắm gội, ăn uống và ngủ vùi đến tận xế chiều. Sau bữa cơm, chàng đưa cho chủ quán trọ đĩnh bạc mười lạng và vui vẻ nói :
- Tại hạ đến đây thăm người bạn thâm giao trong thành Tinh Châu, nghe nói y giờ đây rất giàu có. Tại hạ muốn mượn lão trượng một bộ y phục vải cũ để xem hoàng kim đã làm lòng người thay đổi đến mức nào?
Lão điếm chủ hồ hởi tán thành :
- Tráng sĩ cẩn thận như thế là phải! Cổ nhân thường nói :
“Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”!
Lão hỉ hả lấy ra một bộ quần áo cũ kỹ, có vài mụn vá nhỏ của đứa con trai lớn đã lấy vợ ra riêng.
Thiên Cơ gởi ngựa lại, xách hành lý và bảo kiếm ra đi. Thanh kiếm đã được tháo mảnh che tay và quấn vải nên trông giống một cây đoản côn.
Thiên Cơ lầm lũi đi vòng lên hướng Đông Bắc. Khi đến nơi thì hoàng hôn đã tím ngắt. Sau khi quan sát cẩn thận, Thiên Cơ xâm nhập khu rừng, theo lời chỉ dẫn của Trí Nang Tú Sĩ mà tiến vào.
Nửa đêm, chàng đến được khu nhà gỗ giữa rừng, có rào bằng thân cây vạt nhọn, cao hai trượng rất kiên cố!
Chàng ngạc nhiên khi sào huyệt Phi Điểu hội vắng lặng như tờ và không hề có một ánh đèn. Nghe vết thương nơi ngực nhói đau, Thiên Cơ nhảy lên chạng ba cây ngồi điều tức. Chàng không vội vì đã quyết định lưu lại đây hai, ba ngày để dò xét.
Mờ sáng, Thiên Cơ tỉnh giấc vì tiếng gà rừng, tiếng chim ríu rít đón bình minh.
Chàng ngồi yên, căng mắt quan sát và chờ đợi. Khi mặt trời lên cao được ba sào mà phía trong kia vẫn không người xuất hiện, không một biểu tượng của sự sống. Thiên Cơ cau mày nhìn đám cỏ và bụi rậm mọc dầy, hiểu rằng nơi này bị bỏ hoang đã khá lâu.
Chàng yên tâm nhảy xuống đất, vượt rào gỗ đi vào. Lục soát một vòng thấy nhà cửa đều sắp mục nát và chẳng còn vật dụng gì, Thiên Cơ thất vọng thở dài. Hành tung Phi Điểu hội cực kỳ thần bí, sau này biết đâu mà tìm!
Thiên Cơ buồn bã nhớ đến cái chết thê thảm và vô ích của Sát Nhân Đồng Tử.
Nếu biết thế này, chàng cùng lão đã không đi Sơn Tây và không chạm mặt Nguyệt Quý thánh cung!
Bỗng chàng nghe trên đầu có tiếng đập cánh liền ngẩng lên nhìn. Thì ra một con chim ưng lông xám điểm hung đang quắp chú thỏ rừng bay về hướng Bắc. Đấy là loài chim quý vùng Thiên Sơn, tuy thân hình nhỏ bé nhưng sức lực mạnh mẽ, có thể mang nổi một con mồi nặng gấp sáu bảy lần trọng lượng chính nó!
Năm xưa, rừng Thần Y Giá đã từng có một con bay lạc đến, và Lý Dĩ đã nói rõ đặc tính của loài Sa Ưng này cho chàng nghe. Chính vì vậy, Thiên Cơ hồi hộp đuổi theo con chim kia, hy vọng nó sẽ dẫn mình đến địa phương nào đó có liên quan với Phi Điểu hội. Chỉ có họ mới nuôi dưỡng được loài chim Linh Điểu này!
Khu rừng hướng Bắc khá thưa thớt nên Thiên Cơ không mất dấu con chim ưng.
Đước hai dặm, chàng thấy nó sà xuống thân một vách đá thấp.
Địa hình Sơn Tây gồ ghề, thường có những nếp đất trồi lên, sụp xuống.
Tập quán của loài chim ưng là làm tổ trên cao, vậy mà con Sa Ưng này lại bay vào một cửa hang sát mặt đất, khiến Thiên Cơ tin rằng trong hang có người. Chợt chàng nghe vọng ra tiếng kêu đứt quãng, bi thương của chú chim.
Rừng Thần Y Giá cũng có hàng trăm con chim ưng, và Thiên Cơ rất quen thuộc với cách biểu hiện cảm giác bằng âm thanh của chúng. Chàng lướt nhanh vào động khẩu, đến cuối hang thì thấy Sa Ưng đứng bên một xác người.
Nhận ra chàng, linh điểu giận dữ quát lên đe dọa, và dịu xuống ngay khi nghe người lạ phát ra những âm thanh hòa bình của loài ưng! Nó yên tâm để Thiên Cơ đến xem xét thi thể chủ nhân.
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chân con người bất hạnh kia bị xích chặt vào vách đá bởi một sợi thiết luyện dài hơn nửa trượng, nên người ấy phải tiêu tiểu tại chỗ.
Còn y phục của lão thì rách như tổ đỉa và cũng hôi hám khủng khiếp.
Lão nhân này có thân hình nhỏ bé, râu dài, tóc hói đỉnh, bù xù và bạc trắng.
Thiên Cơ nhớ lời miêu tả của Trí Nang Tú Sĩ, đoán rằng đây có thể là Điểu Ông Dương Nghi Chiếu, sư phụ của Hội chủ Phi Điểu hội.
Sau khi thăm mạch, biết lão còn sống, chàng rút bảo kiếm chặt phăng dây xích, bồng nạn nhân ra ngoài. Cạnh cửa hang có một chỗ trũng chứa đầy nước mưa trong vắt.
Thiên Cơ đặt lão xuống thảm cỏ bên hồ nước, cho uống sáu viên Hồi Sinh đan, rồi truyền nội lực vào kinh mạch. Chàng phát hiện lão bị phong tỏa hai huyệt âm đ*o, Quan Nguyên ở mạch Nhâm, và hai huyệt Huyền Khu, Dương Quan ở mạch Đốc, nên chân khí trong Đan điền không sao lưu chuyển được.
Thủ pháp triệt mạch này không khó giải nhưng phải có người bên ngoài dùng công lực thâm hậu đả thông giùm. Thiên Cơ tinh thông y lý, dễ dàng biết được việc ấy.
Lối đi đã thông suốt, luồng chân nguyên hùng hậu của lão nhân được Thiên Cơ thúc đẩy tỏa đều khắp châu thân. Nguy hiểm đã qua nhưng chàng không thể đưa lão nhân về khách điếm trong tình trạng như thế này.
Thiên Cơ cởi sạch mớ giẻ rách trên người lão, bồng xuống hố nước tắm rửa sơ qua.
Chàng lấy y phục của mình mặc cho lão, tất nhiên là dư cả chiều dài lẫn chiều rộng!
Chàng ở lại đấy đến sẫm tối mới dám bồng lão về quán trọ.
Cuối canh tư, nhân lúc trời còn mờ sương, Thiên Cơ mau chóng rời Tinh Châu, trở lại con đường rừng cũ. Tuy chẳng chắc rằng Nguyệt Quý thánh cung có cho người chặn ngõ ấy hay không, Thiên Cơ vẫn phải đi vì trong môi trường rừng rú quen thuộc, chàng vững tâm hơn.
Có thể Nguyệt Quý thánh cung suy nghĩ khác, cho rằng Thiên Cơ không dám quay lại đường cũ nên chẳng phong tỏa làm gì! Sau tám ngày trèo đèo vượt suối, Thiên Cơ về đến đoạn đường mòn đầy máu và nước mắt!
Sức khoẻ lão nhân thấp bé kia đã khá lên nhờ những viên Hồi Sinh đan và lương thực phẩm phong phú trong rừng. Điều đáng buồn là lão ta hoàn toàn quên sạch quá khứ, và chẳng biết mình là ai cả!
Lão cũng không nhớ vì sao mình bị giam trong thạch động. Điều duy nhất lão biết là tên của con Sa Ưng. Lão gọi nó là Tiểu quái!
Thiên Cơ đã thử đem cái tên Điểu Ông Dương Nghi Chiếu ra dò dẫm nhưng cũng chẳng có kết quả. Lão ngơ ngác lẩm bẩm rồi cười hì hì :
- Cái tên ấy nghe cũng hay! Thôi thì công tử cứ gọi lão phu như thế!
Ngoài việc mất hẳn ký ức của quãng đời đã qua, Điểu Ông là một người bình thường, có phần tinh quái, ranh mãnh và vui vẻ. Nhờ vậy, đường xuyên rừng cũng đỡ tịch mịch, cô đơn.
Giờ đây, trong lúc Thiên Cơ quỳ bên mộ phần của Sát Nhân Đồng Tử thì Điểu Ông Dương Nghi Chiếu tung tăng chạy nhảy, hái những bông cúc rừng nở sớm. Lão ôm cả bó chạy về, đặt trên gò đất rồi cười :
- Được chết giữa cảnh rừng núi kỳ vĩ và đầy hoa rừng là đại phúc, lão phu cũng mong được như gã họ Phó kia!
Tuổi tác Điểu Ông đã quá chín mươi nên xưng hô như thế cũng là phải. Phó Tương Như chỉ đáng tuổi con của lão.
Thiên Cơ gượng cười :
- Vãn bối nghĩ đến cảnh vùi thây rừng vắng của Phó sư thúc nên buồn đấy thôi!
Lòng này cũng muốn đem hài cốt về nhưng không dám đốt lửa đành phải bó tay! Điểu Ông gãi đỉnh đầu hói bóng mà cười toe toét!
- Có gì khó đâu! Lão phu thấy chỗ kia có ổ kiến rừng khá lớn. Chúng ta đem xác họ Phó quăng vào đấy thì khoảng nửa canh giờ sau chỉ còn toàn xương trắng, bảo đảm sạch sẽ, không còn chút thịt nào!
Thiên Cơ nhăn mặt bất nhẫn nhưng vẫn phải công nhận đấy là cách hay nhất.
Chàng bới đất, mang tử thi thối rữa của Sát Nhân Đồng Tử đi theo Điểu Ông, đặt xuống gần tổ kiến. Chàng quay mặt đi không dám nhìn cảnh đàn kiến xâu xé da thịt người thân. Hàng chục vạn con kiến màu hung tràn kín tử thi, và chỉ ba khắc đã hoàn thành công việc. Ngay cả những sợi gân bền chắc cũng không còn, các khớp xương rời ra một cách dễ dàng!
Thiên Cơ lặng lẽ gói tất cả vào áo choàng, cột chặt và treo nơi khấu yên.
Sáu ngày sau, Thiên Cơ và Điểu Ông vào thành Lạc Dương. Công lực chàng đã khôi phục trọn vẹn nên không còn phải sợ ai nữa. Đó là chưa kể bản lãnh siêu phàm của Điểu Ông. Chàng biết lão có đến hơn bảy mươi năm công lực!
Thiên Cơ ghé vào tiệm bán y phục mua vài bộ cho Dương lão và cho mình.
Chàng cố nín cười khi thấy lão bất tử này thích thú như trẻ nhỏ, chọn toàn những bộ có màu sặc sỡ!
Lúc mua xong, Điểu Ông vui vẻ nói :
- Xem ra công tử là người nhân hậu rộng rãi. Nay lão phu côi cút, không chốn nương tựa, tốt nhất làm em của công tử cho xong!
Thiên Cơ giật mình nhăn mặt :
- Sao Dương lão lại nói năng ngược ngạo như vậy? Vãn bối chỉ đáng hàng con cháu của tiền bối!
Điểu Ông xua tay, nghiêm mặt :
- Công tử nói sai rồi! Lão phu đột nhiên cải lão hoàn đồng, tính tình như đứa trẻ lên mười, làm em là phải đạo! Nếu công tử nhận ta làm con cũng còn được!
Dứt lời, lão quỳ xuống lạy lia lịa, hối hả gọi :
- Đai ca!
Thiên Cơ thất kinh hồn vía. Chàng vội cúi xuống đỡ lão già dở hơi lên.
Lạ thay thân hình nhỏ bé kia như gắn chặt vào nền gạch! Điểu Ông cười hì hì, nheo mắt nói :
- Công tử mà không chịu thì lão phu sẽ gọi bằng cha đấy!
Thiên Cơ ngượng chín người, bực bội nói :
- Thôi được! Lão đã muốn làm em thì ta cũng đành chịu!
Dương lão đứng phắt lên, cười khanh khách :
- Thế là lão phu đã có anh em rồi! Đai ca phải tận tâm với tiểu đệ đấy nhé Thiên Cơ dở khóc dở cười, lôi lão ra khỏi tiệm. Kể từ lúc ấy, Điểu Ông luôn miệng kêu huynh xưng đệ, cứ như đứa trẻ con!
Thiên Cơ bị gài vào thế kẹt, nổi đóa nạt :
- Ngươi nói gì nhiều thế?
Điểu Ông tròn mắt kinh hãi, im bặt, nhìn chàng bằng ánh mắt sợ hãi, tôn kính!
Lão cười cầu tài :
- Đai ca đừng giận! Tiểu đệ đã từng phát nguyện rằng sẽ tôn người cứu mình khỏi cảnh lao lung làm huynh trưởng!
Thiên Cơ phì cười, chấp nhận số phận éo le. Hai người lên ngựa đủng đỉnh đi tìm phạm điếm. Ngang qua một hiệu bán đồ chơi trẻ em, thấy chiếc mặt nạ Hồng Hài Nhi phất bằng giấy bồi, Điểu Ông thích chí bắt Thiên Cơ phải mua cho mình. Chàng cho rằng lão mang vào thì mình sẽ đỡ bị chú ý vì lối xưng hô kỳ cục kia nên ghé vào mua!
Tây Du Ký đang làm say mê cả nước nên giới làm đồ chơi đã nhanh tay sản xuất những mặt nạ của các nhân vật trong truyện bán cho lũ trẻ con!
Chiếc mặt nạ Hồng Hài Nhi này được vẽ rất đẹp, che kín đến đầu mũi nên người đeo vẫn có thể ăn uống được. Song bộ râu dài trắng như cước và chiếc đầu hói với vành tóc bạc buông xõa ngang lưng, đã tạo cho lão Hồng Hài Nhi già cả này một vẻ hoạt kê đặc biệt!
Lạc Dương là một trong bảy cố đô cổ xưa của Trung Hoa, và cùng là điểm khởi đầu của “con đường tơ lụa” nổi tiếng nhất thời cổ đại! Trong thành có đền thờ Tam Tạng pháp sư Trần Huyền Trang, dù ông ta khởi hành đi Tây Trúc từ đất Tràng An, vào năm thứ ba đời Đường Thái Tông!
Sau mười sáu năm, ông về đến nơi xuất phát. Ngoài việc mang về sáu trăm năm mươi bảy bộ kinh Phật bằng tiếng Phạn. Huyền Trang còn tự viết bộ Đai Đường Tây Vực Ký gồm hai mươi quyển chép những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến thỉnh kinh. Tác phẩm này chính là cơ sở để Ngô Thừa Ân thời Minh viết Tây Du Ký!
Do vậy, việc Điểu Ông mang mặt nạ Hồng Hài Nhi chỉ khiến cho những thực khách trong Đông Đô Đại Tửu điếm mỉm cười chứ không lấy làm lạ.
Thời ấy, trong các xóm thôn, đô thị, bọn trẻ con đua nhau đeo mặt nạ, đóng vai Tế Thiên, Bát Giới, Sa Tăng, yêu quái mà đánh nhau chí choé!
Chân không biết chữ nhưng thường đứng rình ngoài song cửa các trà thất để nghe kể chuyện Tây Du Ký. Uống trà và nghe kể chuyện là một trong những nét độc đáo của văn hóa Trung Hoa!
Thiên Cơ cũng mỉm cười khi thấy Điểu Ông nói bằng giọng trong trẻo của trẻ thơ :
- Đại ca! Tiểu đệ chưa mọc đủ răng nên không thể ăn những món nào quá dai.
Thực ra thì lão đã bị rụng hết răng hàm do ăn uống kham khổ trong thời gian bị giam cầm.
Thế là những món chưng hầm mềm nhũn được dọn ra đĩa. Điểu Ông khoan khoái thưởng thức những cao lương mỹ vị và cũng không chê vò rượu Lan Sinh thơm phức!
Thiên Cơ ngồi quay vào trong chậm rãi ăn uống và nhìn qua song cửa ngắm ngọn tháp Tế Vân của chùa Bạch Mã ở phía xa xa. Tháp này cao hơn bảy trượng, mới được xây dựng vào thời Tống Hiến Tôn để sánh vai cùng những công trình của chùa có từ thời Hán Đương!
Do thế ngồi như vậy nên Thiên Cơ không nhận ra vị khách mới vào. Gã này chính là Đông Hải Thần Côn Vệ Đổng, người quen cũ trong trận Dịch gia trang!
Hôm nay, họ Vệ mất hẳn vẻ oai phong cố hữu. Gương mặt gã tái xanh như thiếu máu, ánh mắt lờ đờ, mờ nhạt. Nếu ai chú ý nhìn kỹ sẽ thấy ngực áo gã gồ lên và trên nền vải đen có chỗ thẫm màu hơn. Đấy chính là vết máu thấm qua băng làm ướt áo!
Tuy nhiên, giọng nói lạnh tanh khô khan của lão thì vẫn như xưa :
- Tiểu nhị! Mau dọn cơm rượu!
Thiên Cơ ngồi đấy cách sáu bảy bàn bỗng giật mình nhận ra Vệ Đổng. Chàng chỉ nhìn thấy nửa gương mặt nhìn nghiêng vì họ Vệ ngồi quay ra ngoài!
Chàng có nhãn lực tinh tường, lại thông thạo nghề y nên đã sớm cảm nhận rằng Vệ Đổng có một biểu hiện của một con thú bị thương đang chạy trốn!
Thấy họ Vệ vừa ăn vừa liếc ra ngoài cửa, chàng biết kẻ thù của gã đang bám theo sát nút. Thiên Cơ lùa vội cho hết chén cơm, chuẩn bị giúp đỡ Vệ Đổng Điểu Ông tinh quái phi thường, hạ giọng nói :
- Đai ca! Phải chăng gã tiểu tử áo đen đang thọ thương kia là người quen?
Thiên Cơ gật đầu :
- Đúng vậy! Có lẽ chúng ta phải giúp gã một tay!
Quả nhiên, Vệ Đổng vừa ăn xong hai chén cơm thì phe địch đã đến nơi.
Họ là năm lão nhân áo vàng, hông đeo kiếm. Trong số đó có Ngân Diện Quỷ Tần Trạch Nam. Lão này là đối thủ của Vệ Đổng hôm Huyết Ấn bang tấn công Thần Đao sơn trang!
Họ Tần cười nhạt :
- Mời Vệ thiếu hiệp theo bọn lão phu ra ngoại thành. Nơi này đông đúc, chẳng tiện cho việc tỷ võ!
Vệ Đổng thản nhiên uống cạn chum rượu, gọi tiểu nhị tính tiền, rồi đi theo kẻ thù.
Gã biết mình khó thoát chết nhưng vẫn giữ vẻ hiên ngang hảo hán miền Đông!
Thiên Cơ cũng rời quán, lên ngựa bám theo, giữ khoảng cách xa vài trượng!
Bọn Ngân Diện Quỷ đưa Đông Hải Thần Côn đi về hướng Tây, rời thành đến khu rừng vắng. Họ rẽ vào đường mòn, tìm chỗ trống mà giao đấu để khỏi làm kinh động lương dân và quan nha!
Thiên Cơ thả ngựa ở bìa rừng, cùng Điểu Ông âm thầm tiến vào. Chiến địa là một trảng cỏ xanh rì, lác đác vài khóm cúc dại vàng tươi. Hai người nép lại sau bụi rậm lắng nghe câu chuyện.
Năm người khi đã xuống ngựa, và Ngân Diện Quỷ lên tiếng :
- Vệ Đổng! Nể mặt Mộc Côn Tôn Giả nên bổn bang vẫn kiên trì mở ra con đường sống cho các hạ. Chỉ cần các hạ thực tâm qui phục sẽ trở thành Đông nam Đường chủ của Huyết Ấn bang. Sau này bổn bang phất cờ khởi nghiệp, các hạ lo gì không được một tước vương, vinh hoa phú quí suốt đời!
Thiên Cơ nghe xong mình mẩy lạnh toát trước dã tâm soán nghịch cơ đồ Đại Minh của Huyết Ấn bang. Thì ra họ muốn thu phục Vệ Đổng để nắm được mấy ngàn hải tặc Đông Hải, làm lực lượng nòng cốt tạo phản ở ba phủ Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến!
Vệ Đổng ngửa mặt cười vang :
- Tổ tiên họ Vệ đã từng tòng quân đánh đuổi Mông Cổ, lẽ nào ta lại theo bọn phản làm nhục nhã tông môn. Đừng nhiều lời nữa, Vệ mỗ không sợ chết đâu!
Dứt lời, gã quay thiết côn tấn công Ngân Diện Quỷ. Tần Trạch Nam rút kiếm đỡ đòn và quát lớn :
- Tứ Thiên Long! Mau nhập cuộc thanh toán tiểu tử này cho sớm!
Bốn lão nhân kia liền rút kiếm cùng Ngân Diện Quỷ vây chặt Đông Hải Thần Côn. Một mình Tần Trạch Nam cũng đủ hơn họ Vệ nên tình thế của chàng hảo hán biển Đông càng thêm nguy ngập.
Thiên Cơ cảm phục khí tiết của Vệ Đổng, rút Thiết hoàn nhập cuộc. Điểu Ông giữ Vô Tình kim kiếm nhưng vẫn đứng nhìn.
Bọn Ngân Diện Quỷ phát hiện chàng và nhận ra ngay lai lịch nhờ chiếc vòng sắt...
Tần Trạch Nam và lão già răng hô trong Tứ Thiên Long lướt tới chặn đường Thiên Cơ. Họ Tần nói lớn :
- Việc của bổn bang mong Mục công tử đừng can dự vào!
Sau lần chạm mặt Thần quân ở gần trấn Hoàng Hoa, Thiên Cơ trở thành đối tác làm ăn của Huyết Ấn bang. Họ không dám đụng đến chàng vì sợ mất một vạn tám ngàn lượng vàng ròng!
Thiên Cơ đình bộ, lạnh lùng nói :
- Vệ Đổng là bằng hữu của tại hạ, nếu tôn giá không muốn tổn thương hòa khí thì mau bãi binh! Thần quân có hỏi thì hãy nói rằng tại hạ chuộc mạng Đông Hải Thần Côn bằng hai ngàn lượng vàng! Bằng như tôn giá quyết giết Vệ Đổng thì hợp đồng cũ xem như không có, và đừng trách tại hạ nhẫn tâm!
Sau trận đánh Thần Đao sơn trang, thanh danh Thiên Cơ lừng lẫy bốn phương.
Việc chàng giết Thần Trượng Tẩu Sở Phong, đuổi chạy Huyết Ấn Thần quân đã trở thành thời sự nóng hổi, được hào kiệt võ lâm kể đi kể lại.
Ngân Diện Quỷ cũng ngán sợ Thiên Cơ nên đành phải nhượng bộ. Lão gọi lớn :
- Dừng tay! Nể lời Mục công tử chúng ta tha cho Vệ Đổng!
Ba lão nhân áo vàng nhảy lùi, tra kiếm vào vỏ. Tần lão nghiêm giọng :
- Lão phu sẽ về trình báo sự việc này với Bang chủ. Mong công tử giữ lời cho!
Bọn Ngân Diện Quỷ đi rồi, Thiên Cơ đến bên Vệ Đổng hòa nhã nói :
- Vệ huynh mau cởi áo, để tại hạ xem qua vết thương!
Đông Hải Thần Côn lắc đầu, lạnh lùng hỏi lại :
- Lúc nãy công tử bảo rằng ta là bằng hữu, lời ấy có thực không?
Thiên Cơ chỉnh sắc đáp :
- Tuy chúng ta chỉ sơ ngộ nhưng tại hạ thực lòng muốn có một bằng hữu như Vệ huynh!
Ánh mắt chàng bộc lộ hết sự trung thực, chân thành khiến Vệ Đổng cảm động.
Gã cũng là kẻ anh hùng ngang dọc, nay được bậc kỳ tài tuyệt thế như Thiên Cơ xem trọng, lòng cao hứng phi thường. Họ Vệ bước đến ôm Thiên Cơ rồi nói :
- Từ nay chúng ta sanh tử, họa phúc có nhau!
Điểu Ông chợt ngâm nga:
Đồng Thị Thiên Nhai Luân Lạc Nhân
Tương Phùng Hà Tất Tằng Tương Thức
Vệ Đổng cau mày hỏi :
- Mục công tử! Sao Phó tiền bối lại ăn mặc, hóa trang kỳ quái như vậy?
Thiên Cơ buồn bã đáp :
- Phó sư thúc của tại hạ đã bị Nguyệt Quý thánh cung giết ở Sơn Tây. Còn ngrời này là Điểu Ông Dương Nghi Chiếu!
Vệ Đổng choáng váng, vì từng thọ ơn Sát Nhân Đồng Tử. Hôm ấy, nếu họ Phó không can thiệp kịp thì gã đã chết dưới tay Ngân Diện Quỷ. Họ Vệ bùi ngùi hỏi :
- Sự việc xảy ra như thế nào?
Thiên Cơ cười thảm :
- Để tại hạ vừa xem vết thương vừa kể cho Vệ huynh nghe!
Chàng liền cởi áo Vệ Đổng, tháo băng cũ, để lộ một vết kiếm thương ở dưới vai phải. Do không có thuốc men nên thương tích đã làm mủ, xông mùi hôi thối.
Điểu Ông lon ton chạy đến góp ý
- Đại ca phải cắt sạch lớp thịt thối rồi hãy đắp thuốc!
Vệ Đổng biết Điểu Ông tuổi tác còn cao hơn sư phụ mình nên ngơ ngác hỏi :
- Sao tiền bối xưng hô lạ vậy?
Điểu Ông cười hì hì :
- Có gì mà lạ! Lão phu được Mục công tử cứu mạng nên phải gọi y là đại ca chứ sao! Hơn nữa, y phải nuôi dưỡng lão phu suốt đời thì làm anh là phải đạo!
Thiên Cơ tức cành hông, lạnh lùng nói :
- Nếu thế thì lão phải gọi Vệ huynh đây là anh, vì y là bằng hữu của ta!
Điểu Ông vui vẻ nói ngay :
- Tiểu đệ Dương Nghi Chiếu bái kiến Vệ đại huynh!
Vệ Đông nhăn mặt, nhủ thầm là lão họ Dương này điên hết chỗ nói!
Thiên Cơ điểm huyệt quanh vết thương, dùng kim kiếm khoét thịt rồi bóp nát ba viên Hồi Sinh đan đắp vào. Chàng lại cho họ Vệ uống năm viên linh đan.
Ba người ngồi xuống bãi cỏ chuyện trò. Thiên Cơ hỏi :
- Vì sao Vệ huynh lại rời Phúc Kiến vào Trung Nguyên?
Họ Vệ đáp :
- Đầu năm ngoái, gia sư bị ám sát bằng một cây thoa đầu phụng màu tía, có tẩm chất kỳ độc. Tại hạ điều tra ra rằng ám khí kia tên gọi Tử Phượng thoa, xuất xứ từ Tử Phượng cung. Nhưng tà hội này mất tích ba mươi năm nay, căn cứ cũ ở Ngũ Hành sơn cũng sụp đổ. Tại hạ đã đến tận nơi, chứng kiến cảnh điêu tàn ấy, và thất vọng trở về. Nào ngờ chưa đến sông Hoàng Hà đã gặp bọn Ngân Diện Quỷ!
Thiên Cơ an ủi :
- Vệ huynh yên tâm! Tại hạ sẽ nhờ Cái bang truy tìm tung tích những môn nhân sống sót của Tử Phượng cung! Hồng Liên giáo còn tìm được thì chắc Tử Phượng cung cũng vậy!
Cái bang có mặt khắp Trung Hoa, nổi tiếng về tài thu thập tin tức, vì vậy, Đông Hải Thần Côn vô cùng phấn khởi vỗ vai Thiên Cơ :
- Câu nói của công tử đã khiến tại hạ hồi sinh!
Ba người mau chóng lên ngựa đến Tổng đàn Cái bang ở trong thành Lạc Dương.
Tất nhiên là Thiên Cơ được Bang chủ Đai Phúc Cái và các trưởng lão tiếp đón trọng thể.
Họ hứa sẽ huy động đệ tử cả nước tiến hành việc điều tra manh mối của Tử Phượng cung.
Bàn bạc chuyện võ lâm hồi lâu, Thiên Cơ cáo từ xuôi Nam. Đông Hải Thần Côn ở lại Lạc Dương thăm bà con và chờ tin tức của Cái bang!