Thanh Lam nghe thấy giọng nói rất thánh thót rót vào tai và người chàng cũng bị người đó lôi thẳng lên nữa. Chàng liền nín hơi lấy sức, khom lưng đạp mạnh một cái, người đã lên tới trên đỉnh sườn núi rồi. Khi chàng cúi đầu nhìn xuống thì thấy Bạch Mai đang rớt xuống rất nhanh.
Chàng đoán chắc Bạch Mai đã mạo hiểm đẩy mình lên trên đỉnh sườn núi, còn nàng thì vì đuối sức, nên trái lại đã bị rớt xuống bên dưới.
Vừa rồi chàng đã trông thấy Lan Nhi bị chìm xuống dưới đáy sông, không kịp ra tay cứu viện, bây giờ lại thấy Bạch Mai vì cứu mình mà rớt xuống dưới sông, chàng bỗng thấy đầu óc choáng váng như bị một chiếc gậy lớn đánh vào đầu óc, mắt nổ đom đóm, hai chân loạng choạng, và bỗng ngã luôn về phía sau.
Vì chàng đã học được Ly Hợp Thần Công, môn tuyệt học của phía Không Động, gần đây lại học hỏi được thêm môn Tiên Thiên Lưỡng Nghi chân giải của Trì lão Tàn, nội công càng tịnh tiến thêm, nay vì quá lo âu nên mới có hiện tượng như vậy. Nhưng chàng chỉ loạng choạng lui về phía sau có bước thôi đã đứng vững ngay. Chàng bỗng thấy có một làn gió nhẹ thổi hắt vào mặt, đồng thời trước mặt lại có bóng trắng thấp thoáng, vậy người đó chả là Bạch Mai là gì?
Chàng không tin là sự thật, chớp mắt mấy cái, rồi mở to đôi mắt ra nhìn kỹ, quả thấy Bạch Mai đang đứng ở trước mặt mình thật. Nàng còn lên tiếng hỏi:
- Đại ca làm sao thế? Có phải thấy khó chịu không?
Thanh Lam thở dài một tiếng rồi hỏi:
- Mai muội không bị rớt xuống bên dưới ư?
Thấy chàng lo âu hộ mình như vậy, Bạch Mai cảm thấy khoan khoái vô cùng, tủm tỉm cười đáp:
- Không, em có việc gì đâu? à, Lam đại ca, em tưởng đại ca thuần thuộc pho Vân Long Tam Hiện, ngờ đâu đại ca chỉ thuộc có một nửa thôi, làm em lo âu đến chết đi được. À, ai dạy đại ca pho khinh công ấy thế?
Thanh Lam ngượng vô cùng, mặt đỏ bừng, không biết trả lời như thế nào cho phải, vì pho khinh công đó là chàng đã bắt chước Hắc Y Côn Luân, chứ có ai dạy cho đâu? Nhưng chàng không hiểu tại sao Bạch Mai lại biết rõ được pho võ công tuyệt học của Côn Luân như thế?
Bạch Mai không đợi chờ chàng lên tiếng nói đã vội nói tiếp:
- Vừa rồi em thấy anh giở pho Vân Long Tam Hiện ra, nhưng chỉ thực hiện được có một lần thôi đã dùng kiếm đâm vào vách đá để mượn sức khiến em ngạc nhiên vô cùng. Sau thấy đại ca tránh hai tảng đá, đáng nhẽ người của đại ca phải lướt ngang sang bên, rồi lại tiếp tục phi lên trên cao mới phải, nhưng không thấy đại ca tiếp tục giở thức thứ hai ra, mà đã rớt xuống bên dưới ngay, em hãi sợ vô cùng, mới vội lôi đại ca lên. Pho Vân Long Tam Hiện này, em đã được người dạy võ cho mình giải thích cho hay, nhưng chưa hề luyện tập bao giờ, mà chỉ bảo em luyện Long Phi Cửu Thiên thôi. Ông ta nói Long Phi Cửu Thiên còn nhanh và cao hơn Vân Long Tam Hiện nhiều, vì một đằng cứ thế mà phi thẳng lên, còn một đằng phải lượn hai lần mới được. Khẩu quyết của Vân Long Tam Hiện em còn thuộc lòng, nếu đại ca muốn, em sẽ đọc cho đại ca nghe!
Trong lúc Thanh Lam nghe nàng nói, đưa mắt nhìn chung quanh, thấy có mười mấy đại hán đang nằm ngổn ngang trên mặt đất, và chàng còn nhận ra bọn người này chính là bọn phu thuyền đã lôi kéo thuyền cho mình, nên chàng đoán chắc mấy tảng đá vừa rồi là do bọn này đẩy xuống định ám hại mình, nhưng không hiểu tại sao, bọn chúng lại nằm chết thẳng cẳng ở trên mặt đất như thế?
Chàng liền quay đầu lại, hỏi:
- Mai muội, bọn thủ hạ của Đường Môn có phải đã do em giết chết đấy không?
Bạch Mai ngẩn người ra giây lát, rồi đi tới cạnh Thanh Lam mặt lộ vẻ hãi sợ, và lắc đầu đáp:
- Không phải, em ... chưa hề giết chết ai bao giờ. Vừa rồi ở trên thuyền, em lỡ tay đâm đại hán áo đen một nhát kiếm, đến giờ em vẫn còn sợ. Vừa rồi em dùng Long Phi Cửu Thiên đưa anh lên trên này, em bị rớt xuống luôn, phải giở pho khinh công đó đến lần thứ hai em mới lên được, nên những người này không phải là do em giết.
Thanh Lam nắm chặt lấy tay nàng, an ủi rằng:
- Mai muội đừng sợ, những người này độc ác lắm, tội của chúng bị giết chết như vậy thật không oan chút nào. Nhưng anh thắc mắc, không hiểu ai đã giết chúng? Em xem, mặt và da người của chúng đều tím bầm, chân tay lại co quắp, hình như lúc chết chúng cảm thấy giá lạnh. Nhưng bây giờ đang là mùa Hè sao lại có hiện tượng ấy được? Cho nên anh đoán chắc thế nào chúng cũng đã bị ám khí tẩm độc giết chết ...
- Phải, anh nói không sai, hình như chúng bị chết rét vậy. Lam đại ca, cái gì là ám khí thế?
Thanh Lam rất ngạc nhiên, vì chàng nhận thấy võ công của nàng cũng không kém gì chàng, nhưng tại sao nàng lại không biết ám khí là cái gì? Nghĩ tới đó, chàng lại nghĩ tiếp:
"Võ công của Thiên Lý Cô Hành Khách đã luyện tới mức xuất thần nhập hoá rồi. Vì ông ta là người trong chính phái, nên chỉ dạy Bạch Mai kiếm pháp với khinh công thôi, chứ không dạy nàng môn ám khí, nên nàng mới bỡ ngỡ như vậy.".
Nghĩ tới đó, chàng càng kính ngưỡng Thiên Lý Cô Hành Khách thêm. Chàng liền trả lời rằng:
- Ám khí là một thứ võ khí bé nhỏ, chuyên dùng để tấn công lén kẻ địch, nhân lúc đối phương không đề phòng, ra tay tấn công liền. Những thứ đó như phi đạo, phi tiêu, tụ tiễn chẳng hạn ...
- Trước kia, em vẫn thường dùng những hòn đá nhỏ ném chim chơi, như vậy những hòn đá ấy có thể gọi là ám khí được không? À, chắc đại ca thế nào cũng sở trường về môn đó, đại ca dạy em nhé?
- Luyện ám khí cần nhất là luyện mắt và chỉ lực, và phải tập tới khi ném cho thật đúng, nhưng môn này không khó khăn gì đâu, với người thông minh như em, anh chắc chỉ học qua một lượt là hiểu biết liền.
- Nếu vậy em nhất định phải học cho kỳ được mới thôi!
Nói tới đó, nàng bỗng chỉ tay lên vách đá và nói tiếp:
- Đại ca xem, trên vách đá có hoa kia kìa!
Thanh Lam liền ngửng đầu lên nhìn, quả thấy trên vách đá có một bông hoa đỏ mới nở vừa tươi vừa đẹp, đó là một bông hoa mai quế mới nở, nhưng không hiểu tại sao lại cắm ở trên vách đá như thế? Vách đá có phải là bình hoa đâu, sao lại có người cắm nó lên trên ấy như vậy? Huống hồ cành hoa lại rất mềm mại, nếu người cắm hoa không có nội lực rất tinh thâm, thì làm sao cắm nổi?
Chàng đang suy nghĩ, bỗng phát giác cạnh bông hoa có khắc một hàng chữ nhỏ:
"Mau đi Độc Cung cứu người".
Xem những nét chữ, chàng đã nhận ra chữ này là của một người đàn bà viết, và rõ ràng muốn dặn bảo mình. Chàng liền nghĩ thầm:
"Độc Cung không biết có phải là chỗ ở của Đường Thiên Sinh không? Người đó bảo ta đi đến đấy cứu người, chẳng lẽ Hồng Tuyến cô nương đã bị Thiên Sinh bắt giữ rồi chăng?".
Nghĩ tới đó, chàng nóng lòng sốt ruột vô cùng, vội bảo Bạch Mai rằng:
- Mai muội, chúng ta mau đi Độc Cung đi!
Bạch Mai rất thắc mắc, không hiểu tại sao Lam đại ca vừa trông thấy mấy chữ viết ở trên vách đá đã tỏ vẻ lo âu như vậy và nàng cũng không biết Độc Cung ở đâu? Nhưng nàng rất ngoan ngoãn, Lam đại ca bảo gì, nàng cũng nghe theo. Thấy Thanh Lam bảo đi nàng liền gật đầu đưa mắt nhìn bốn xung quanh một lượt rồi hỏi:
- Lam đại ca, Độc Cung ở đâu thế?
- Độc Cung chắc là chỗ ở của Đường Thiên Sinh, chúng ta cứ đi tới Tây Xuyên là tìm thấy liền.
- Lam đại ca, những người ở trên thuyền có phải là người của Độc Cung đấy không? Chúng hư thật, chắc chị Hồng Tuyến đã đi Độc Cung rồi, chúng ta phải mau đi tới đó mới được!
Hai người liền rảo bước đi luôn, cũng may lúc bấy giờ đã là chiều tối, không còn một chiếc thuyền nào đi ngược cả, vì vậy trên bờ sông không có một người phu nào hết. Hai người liền giở khinh công tuyệt diệu ra đi. Được một quãng, đã đến chỗ có núi cao, hai người lại vượt núi mà đi. Đi được hơn trăm dặm đã đến một dãy núi, hai người cũng đã bắt đầu thấy mỏi mệt, Thanh Lam liền cùng Bạch Mai ngừng chân lại, ngồi ở dưới gốc cây để nghỉ ngơi, chờ đến lúc trời sáng tỏ mới đi tiếp. Nhưng nơi đó là đỉnh núi, sương mù và mây dày đặc, mặc dầu mặt trời đã mọc lên cao rồi mà vẫn chưa trông thấy rõ lối đi. Tuy vậy hai người vẫn không quản ngại nguy hiểm, vội đứng dậy đi tiếp.
Trong lúc đang đi, Bạch Mai bỗng nghĩ đến ám khí, nàng liền nhặt hai hòn đá nhỏ, quay đầu lại, vừa cười vừa hỏi Thanh Lam rằng:
- Lam đại ca, thử xem thủ pháp ném ám khí của em có đúng không nhé?
Nàng vừa nói, vừa nhằm vào hai con chim bồ câu đang bay qua ném luôn. Chỉ nghe thấy kêu "bộp" một tiếng, hai con chim cùng rớt xuống một lúc.
Thanh Lam thấy vậy liền khen ngợi rằng:
- Thủ pháp ném ám khí này của hiền muội rất khéo! Để chờ công việc ở Tây Xuyên xong, anh sẽ làm một cái cung bắn đạn để dạy cho em luyện tập.
- Anh tử tế với em quá! À, chúng ta đi suốt một đêm trời mà vẫn chưa ăn uống gì cả, chi bằng chúng ta hãy ngừng chân lại, nướng hai con chim bồ câu này để ăn nhé?
Nàng chưa nói dứt, đã có hai người ở trong rừng nhảy ra.
Hai người đó là hai thiếu nữ mặc áo xanh. Họ ngắm nhìn Thanh Lam với Bạch Mai, rồi thiếu nữ lớn tuổi hơn lạnh lùng hỏi:
- Hai người to gan thật! Dám đến Triều Vân Phong ở Vu Sơn này quấy nhiễu! Chẳng hay hai người có biết chim bồ câu này của ai nuôi không?
Bạch Mai đang cao hứng, thấy thiếu nữ nọ hỏi như vậy, ngượng vô cùng, mặt đỏ bừng, nhưng vì thấy giọng nói của người đó ăn nói và thái độ rất kiêu ngạo, nên nàng cũng phùng mồm trợn mép nói:
- Chim bồ câu rừng này, rừng núi nào mà chả có? Nếu là chim của các người nuôi, thì đừng thả nó ra! Ai thèm hai con chim này!
Đấy, lấy lại đi!
Nàng hậm hực vứt hai con chim bồ câu chết xuống đất, quay mình định đi.
Thiếu nữ lớn tuổi liền cười nhạt, nói tiếp:
- Con nhãi này nói một cách dễ dàng quá! Ngươi đánh chết chim bồ câu đưa thơ của tiên tử chúng ta, như vậy lại muốn bỏ đi luôn phải không?
Bạch Mai nổi giận, quát hỏi lại:
- Con nhãi? Ai là con nhãi? Phải, ta đánh chết chim của các ngươi đấy, các ngươi đã làm gì nổi được ta nào?
- Con nhãi này không biết trời cao đất rộng là gì cả! Mi có biết Triều Vân Phong này là chỗ nào không? Khi nào lại để cho mi làm tàng như thế được! Có mau ngoan ngoãn theo chúng ta đi tới trước mặt tiên tử nhận tội, và để đợi chờ tiên tử xử trí không?
Thấy đối phương cứ gọi mình là nhãi con hòai, Bạch Mai không sao chịu nhịn được, liền giận dữ trả lời tiếp:
- Triều Vân Phong này có phải là tư sản của các ngươi đâu? Cô nương đã tới đây rồi, chả còn sợ tiên tử gì hết!
Thiếu nữ ít tuổi xen lời nói:
- Con nhãi kia! Mi dám ăn nói vô lễ như thế phải không? Có lẽ mi không muốn sống nữa chắc?
Thanh Lam sợ đôi bên xung đột với nhau, đang định tiến lên khuyên giải, nhưng thiếu nữ lớn tuổi đã tiến lên, giở môn đại cầm nã thủ ra định chộp lấy cánh tay phải của Bạch Mai.
Khi nào Bạch Mai lại để cho đối phương tới gần mình được, vội giơ hai tay lên phong toả, mồm thì quát hỏi:
- Giỏi thực, mi dám ra tay đánh nhau với bổn cô nương phải không?
Nói xong nàng liền giơ tay lên tát thiếu nữ lớn tuổi kêu đến "bốp" một tiếng.
Thiếu nữ lớn tuổi không biết người ta ra tay đánh như thế nào, mà đã tát được mình như vậy, nên cứ ngẩn người ra giây lát, rồi mặt lộ sát khí quát mắng lại:
- Con nhãi này không muốn sống chắc?
Nói xong, nàng ta rút luôn thanh đao ra xông lại tấn công Bạch Mai liền.
Thiếu nữ ít tuổi thấy thiếu nữ kia đã tấn công rồi nàng ta cũng rút song đao ra xông lên giúp sức liền.
Bạch Mai vừa thấy đối phương rút khí giới ra, nàng cũng rút ngay đoản kiếm ra. Động tác của nàng quá nhanh, khiến hai thiếu nữ áo xanh kia hoa cả mắt lên, ngay cả Thanh Lam muốn lên tiếng khuyên bảo cũng không kịp nữa. Chỉ thấy ánh sáng bạc thấp thoáng, sau tiếng kêu "loong coong", hai thiếu nữ áo xanh cùng thất thanh la lớn, bốn thanh đao của họ đã bị chặt gẫy ra làm đôi liền.
Còn Bạch Mai thì đã đứng ở chỗ cách xa hơn trượng, vẻ mặt hớn hở, khẽ cười và nói:
- Thế ra tài ba của các người cũng chỉ có thế thôi?
Nói xong nàng cất đoản kiếm đi, giơ tay lên phất một cái, rồi lại nói tiếp:
- Thôi, hai người đi đi!
Hai thiếu nữ áo xanh ấy không ngờ thiếu nữ áo trắng đứng trước mặt mình đây lại nhanh nhẹn như thế, tay họ vẫn cầm cán dao gẫy và mặt thì lộ vẻ kinh hãi, không sao nói lên được nửa lời.
Đang lúc ấy, trên không bỗng có tiếng kêu "veo" rất khẽ, tiếp theo đó có tiếng một người đàn bà nói vọng xuống:
- Người nào dám to gan đến Triều Vân Phong này quấy nhiễu như vậy?
Giọng nói của người đó rất thanh thót và rất yểu điệu. Hai thiếu nữ áo xanh vừa nghe thấy tiếng nói ấy đã hãi sợ đến biến sắc mặt.
Thanh Lam ngửng đầu lên nhìn, thấy trên một cây cổ thụ đã xuất hiện một thiếu phụ, mình khoác miếng lụa mỏng trông rất mỹ miều, và đã tới từ lúc nào. Mặt của nàng rất đẹp, lông mày cong cong, lưng cột hai sợi giây lưng màu tía bay phấp phới trước gió, tay ôm một cái đờn, trông nàng rất khiêu gợi không có một điểm nào là không làm cho người ta say mê, nhất là đôi mắt thâu hồn, liếc nhìn từ Bạch Mai đến Thanh Lam, mặt đang giận dữ đã tươi cười ngay được, rồi cứ nhìn tròng trọc vào mặt chàng hòai, mắt không hề chớp nháy, xong nàng mới khoan thai nhảy xuống chưa nói đã cười một tiếng rất ngọt ngào và nũng nịu. Cười xong nàng mới khẽ hỏi:
- Hai vị thực là khách hãn hữu, chẳng hay các vị tới Triều Vân Phong này có việc gì chỉ giáo thế?
Tuy Thanh Lam không ưa dáng điệu và thái độ lẳng lơ của người nọ, nhưng vì Bạch Mai đã đánh chết một đôi chim bồ câu của người ta trước, rồi lại chặt gẫy đôi khí giới của người ta nữa. Dù sao bên mình cũng có lỗi trước, hơn nữa chàng sợ Bạch Mai trả lời không biết ăn nói, thế nào cũng lôi thôi rắc rối. Cho nên chàng vội tiến lên chắp tay chào và đáp:
- Anh em tiểu sinh có việc phải vào Tứ Xuyên, trong lúc đi qua quý địa, em gái chúng tôi tinh nghịch có nhặt đá ném chết hai con chim của quý phủ, nên mới có sự hiểu lầm với hai vị cô nương này ...
Không để chàng nói dứt, thiếu phụ đã liếc chàng rồi cướp lời nói:
- Thôi, thôi! Đừng nói nữa! Đánh chết hai con chim thì có nghĩa lý gì đâu mà hai vị cứ phải bận lòng như vậy?
Nói tới đó nàng bỗng quay đầu cười nũng nịu và quát bảo hai thiếu nữ áo xanh kia rằng:
- Hai người chỉ hay sinh sự thôi, có mau ra xin lỗi vị công tử với tiểu thư này không?
Hai thiếu nữ áo xanh liếc nhìn nàng ta một cái rất thần bí rồi lẳng lặng đi tới trước mặt Thanh Lam và Bạch Mai khẽ vái chào và nói:
- Xin công tử và tiểu thư thứ lỗi cho tiện nữ đã thất lễ.
Bạch Mai có vẻ ngượng ngịu, mặt đỏ bừng và đáp:
- Hai chị không nên đa lễ như thế, vừa rồi là tại tôi không nên, không phải trước.
Thiếu phụ mặc áo lục cười khanh khách đỡ lời:
- Cô em, không việc gì phải khách khứa với chúng như thế, vì ngày thường tôi dung túng chúng quá, nên chúng hỗn như vậy. Cũng may cô em không phải là người ngoài, bằng không có phải là tôi bị tai tiếng với đời không?
Giọng nói của nàng rất thân mật, nói xong nàng còn liếc Thanh Lam một cái, mới nói tiếp:
- Chà! Sao tôi lại hồ đồ đến thế? Nói chuyện với nhau lâu như vậy, mà tôi vẫn chưa thỉnh giáo hiền huynh muội quý tính đại danh là gì?
Thanh Lam thấy nàng ta khiêm tốn như thế, vội cười và đáp:
- Tiểu sinh là Giang Thanh Lam, còn cô đây là ... em tôi tên là Bạch Mai.
Thiếu phụ nghe thấy Thanh Lam xưng tên họ xong, hơi ngẩn người ra giây lát, nhưng lại bịt mồm cười và nói tiếp:
- Chà! Thế ra Giang công tử là Hòanh Thiên Nhất Kiếm người mà gần đây được giang hồ đồn đại nhiều nhất. Hôm nay thiếp được tiếp kiến thực là hữu duyên.
Nói tới đó, nàng xếch ngược một bên đôi mắt lên, đôi mắt lim dim trông rất dâm đãng, rồi lại liếc nhìn Bạch Mai và hỏi:
- Lệnh muội võ công cao siêu lắm, nhưng không nghe thấy người ta nói tới, chắc ngày thường cô ta ít đi lại trên giang hồ phải không?
Nàng rất giàu kinh nghiệm, vừa nghe thấy Thanh Lam xưng hô như vậy biết Bạch Mai không phải là em ruột của chàng, cho nên mới hỏi thế.
Quả nhiên Thanh Lam mặt đỏ bừng ngập ngừng đáp:
- Nàng là nghĩa muội của tiểu sinh!
Hai mắt của thiếu phụ bỗng lộ vẻ ghen tuông nhưng nàng lại cười rất lẳng lơ, rồi nắm tay Bạch Mai ra vẻ ngưỡng mộ nói tiếp:
- Cô em này tốt phúc thực! Có một người anh nuôi anh tuấn đến như thế này.
Bạch Mai rất ngây thơ không biết nói bóng nói gió gì hết, thấy người ta khen Lam đại ca chỉ cảm thấy khoan khoái thôi và nghe thấy giọng đối phương rất hòa nhã đáng yêu, chưa chi đã tưởng thiếu phụ này là người tử tế, liền thành thực đáp:
- Vâng! Lam đại ca tử tế lắm! À, còn chị quý tính danh là gì?
Thiếu phụ cười khanh khách đáp:
- Cô em, tôi họ Liễu ...
Nàng chưa nói dứt, một thiếu nữ áo xanh đứng cạnh đó đã vội đỡ lời:
- Tiểu thư chúng tôi là Liễu Giao Cơ, mà giang hồ vẫn gọi là Cầm Thất Tiên Tử đấy!
Giao Cơ khẽ lườm thiếu nữ đó, rồi vừa cười vừa nói tiếp:
- Ai khiến ngươi nhiễu sự nào? Có mau đi quét dọn để công tử với tiểu thư ở lại đây chơi vài ngày không?
Thanh Lam nóng lòng đi Độc Cung. Khi nào chịu ở lại nên nghe nói chàng vội đáp:
- Quả thực anh em tiểu sinh có việc cần phải đi ngay để ngày khác chúng tôi sẽ quay lại quý phủ quấy nhiễu.
Giao Cơ cứ nắm chặt lấy tay Bạch Mai, cười giọng lẳng lơ và đáp:
- Đã đi qua nhà chúng tôi, sao không cho chúng tôi được phép tiếp rước như thế coi sao được, có phải không cô em? Chúng tôi ở chốn sơn dã này, cũng không có cái gì để tiếp đãi quý vị đâu, chỉ mời hai vị đến xơi chén nước chè nhạt thôi.
Nàng vừa nói vừa lôi Bạch Mai đi luôn.
Bạch Mai thấy người ta tử tế với mình, lại tưởng là người ta có lòng tốt, không tiện từ chối liền quay đầu lại kêu gọi:
- Giang đại ca, chị Liễu đã nói như vậy, chúng ta hãy đến nhà chị ấy quẫy nhiễu chốc lát đã.
Giao Cơ cười giọng nũng nịu đáp:
- Phải, có thế mới là cô em ngoan ngoãn của tôi chứ!
Nói xong, nàng ta lại lườm Thanh Lam một cái rồi thúc giục:
- Giang công tử! Nhà chúng tôi ở trước mặt đây, mời công tử quá bộ đi lên vài bước.