Ngày hai mươi bảy tháng chín là ngày cuối cùng Mạnh Nguyên ở lại khuê phòng. Sau hơn hai tháng tất bật, toàn thể Mạnh phủ dồn hết một hơi sau cùng, quyết tâm phải làm cho hôn sự của đích ấu nữ trong nhà thật tốt đẹp.
Mạnh Nguyên nhìn cả phòng đầy màu đỏ, còn có cát phục đại hôn và mão lược lục bảo nhị phẩm Cáo mệnh phu nhân do Mộ phủ đưa tới. Thế mới thật sự có cảm giác sắp lấy chồng. Dù trong lòng không nỡ nhưng vì việc nghĩa không chùn bước, nàng phải chạy đến bên Mộ Hoài thôi.
Hôm nay Nghê thị không bắt Mạnh Nguyên theo bà xử lý công việc nữa, mà thả lỏng cho nàng mời bạn bè đến khuê phòng chơi một ngày cuối cùng.
Hiển nhiên sau này, nàng gả làm thê tử cho người sẽ khó thể có được sự tự tại và tuỳ ý chốn khuê phòng như vậy.
Thường ngày Nghê thị khá giỏi giang, quản chuyện nhà đâu vào đấy. Nhưng hôm nay chẳng hiểu sao, bà lại cảm thấy hoảng hốt và mệt mỏi.
Có lẽ nữ nhi sắp phải thành gia thất thì khó lòng dứt bỏ chăng?
Vất vả lắm mới xử lý xong việc, bà toan lui về hậu trạch thăm nữ nhi, nhưng chợt nghe thấy một tiếng quát lớn ở cửa: “Không phải ta đã bảo ngươi dồn hết tâm trí (*) rồi sao, thậm chí lúc ngủ cũng phải mở một con mắt ra cho ta, bây giờ sao lại xảy ra chuyện thế này?”
(*) Nguyên văn 一百二十颗心: đây như kiểu một con số do người Hoa đặt ra đại khái vậy thôi, ví dụ 180 dặm, 72 dòng, 36 kế thì ở đây 120 trái tim cũng vậy.
Là giọng của nữ sử chưởng sự Tần nương tử.
Không bao lâu sau, Tần nương tử dẫn một vú già thô sử đang ủ rũ cúi đầu vào phòng.
Nghê thị vừa thấy chợt chú ý ngay: “Nhà Triệu Lão Tam à? Không phải ngươi đang trông chừng đồ cưới của Nguyên tỷ nhi ở Mộ phủ sao, về phủ làm gì vậy?”
Nhà Triệu Lão Tam vốn được cất nhắc lên từ thôn trang, được lựa ra làm thị tì cho Mạnh Nguyên, đó là nhờ nể mặt và nể tình Tần thị đã hầu cận lâu năm.
Bà ấy vừa nhớ đến sáng nay khi nhìn thấy tình cảnh thê thảm trong rương hồi môn của Mạnh Nguyên thì từng giọt mồ hôi lớn bằng hạt đậu không ngừng rơi xuống đất.
“Bẩm, bẩm phu nhân, đều do nô tì không trông chừng tốt khiến y phục cưới của cô nương bị chim tước mổ hư. Nô tì không dám để lộ ở Mộ phủ, bây giờ không còn cách nào khác, nên mới vội vàng về phủ bẩm báo với phu nhân ạ.”
Trong tám rương đồ may và tám rương vải vóc hồi môn của Mạnh Nguyên, những món khá quý giá là thuộc lông và da, còn có tơ tằm, sa tanh, lụa, gấm, thêm vài tranh thêu dùng làm quà lễ. Thế nhưng, thứ thật sự quý hiếm chính là tấm Liêu lăng trong suốt và rực rỡ kia. Chỉ riêng món dệt kim này thôi đã phải mất đến tận mấy tháng, năm nay cũng chỉ tạo ra được bốn thành phẩm.Nghê thị thấy nhà Triệu Lão Tam hoảng sợ như thế thì bỗng có dự cảm không lành: “Chất liệu nào bị hỏng?”
Nhà Triệu Lão Tam biết không thể tránh được nên đã “bộp” quỳ mọp xuống nền gạch đá xanh: “Là rương Liêu lăng thứ bảy mươi sáu ạ. Ban ngày nô tì trông chừng không rời một tấc, còn ban đêm khuê nữ Liên Kiều nhà nô tì thay nô tì canh giữ. Trong thời gian đó ngoài một vị phu nhân nô tì không quen mặt từng đến xem ra thì không có ai tiếp cận nữa ạ. Tối hôm qua, trước khi thắp đèn nô tì đã kiểm tra và thấy vải vóc đều ổn. Nhưng qua một đêm, chỉ có tấm Liêu lăng này bị chim tước mổ thủng mười mấy lỗ, tuy vậy các loại khác lại không hề gì. Nô tì cảm thấy chuyện này vô cùng kỳ lạ nên cả gan xin phu nhân điều tra kỹ... Nô tì chết muôn lần không dám chối từ nhưng chỉ cầu mong phu nhân mau chóng nghĩ cách lấp kín lỗ thủng này trước sáng mai, để cô nương nhà chúng ta an ổn và thuận lợi vào cửa.”
Gương mặt Nghê thị như sương bay tháng sáu, hồi lâu không nói bất cứ lời nào.
Vì Tần nương tử là người tiến cử Triệu Lão Tam nên lúc này cũng cảm thấy căng thẳng, bà ấy cẩn thận hỏi dò: “Hay là chúng ta thay bằng cuộn gấm Tứ Xuyên vừa có trong phủ, tóm lại còn chưa tới ngày chính, chắc hẳn sẽ không ai chú ý đến ban đầu là Liêu lăng được khiêng tới đâu.”
Nghê thị không tỏ vẻ gì nhưng trong lòng vô cùng căm tức. Song lại nghe Tần nương tử nghĩ kế bậy bạ, bà mới lạnh lùng bật cười: “Danh sách đồ cưới đã được Mộ gia xem qua rồi, vậy mà lúc này chúng ta lại đổi Liêu lăng thành gấm Tứ Xuyên, ai không biết còn tưởng Mạnh gia chúng ta cố tình nhét cho đủ số, thậm chí còn dám làm giả danh sách đồ cưới. Nếu bị người ta vạch trần ra thì sau này Nguyên tỷ nhi không cần làm người nữa đâu.”
Nhà Triệu Lão Tam quỳ dập đầu liên tục: “Hay phu nhân đến phủ cô gia một chuyến? Cố lão Phong quân là người sáng suốt, chúng ta nói thật rằng chim tước đã làm hỏng vải, thiết nghĩ nhà bà ấy sẽ hiểu cho chúng ta thôi.”
“Chuyện thế này cũng dám nói ra? Ngươi bảo ta đến Mộ phủ khởi binh hỏi tội, nói trong phủ họ có người cố ý dùng thủ đoạn xấu xa để gây sự? Hay thừa nhận Mạnh gia chúng ta làm việc thiếu sắc bén, không trông coi nổi cả đồ cưới của mình?”
Lần này không ai dám lên tiếng nữa.
Qua một hồi lâu, Nghê thị dịu lại đôi chút: “Ra nhà sau mời cô nương tới, đừng quấy rầy đến khách quý trong phòng con bé.”
Tuy Liêu lăng hiếm thật nhưng không phải Nghê thị không tìm ra cuộn thứ hai bổ sung vào. Bà tức giận là vì nữ nhi còn chưa gả vào đã bị người trong Mộ gia hãm hại, lỡ như nó xảy ra vào hôm đám cưới thì thể diện của cả Mạnh gia sẽ bị kéo theo cùng.
Đến lúc đó chỉ sợ trăm người nghìn ý (*) bảo nhau rằng Mạnh gia không tìm được Liêu lăng mà còn dám vung tay quá trán.
(*) Nguyên văn 众口铄金: một thành ngữ của Trung Quốc có nghĩa là để mô tả sức mạnh của dư luận, thậm chí kim loại có thể tan chảy.
Nghê thị vốn định tự tay lo liệu nhưng ngẫm nghĩ sau này nữ nhi khó tránh khỏi sẽ phải đối mặt với khốn cảnh như vậy, nên bà tạm thời thay đổi suy nghĩ, quyết định lấy chuyện này ra để thử tài nghệ của nữ nhi.
*
Mạnh Nguyên được mời đến phòng trên chính viện. Thỉnh an xong, nàng chợt phát hiện thị tì nhà Triệu Lão Tam đang quỳ gối dưới đường.
Nghê thị kể sơ lược rõ mọi việc, giúp Mạnh Nguyên chỉnh lại trâm ngọc trai trên đầu rồi mới lạnh nhạt nói tiếp: “Chuyện đã rồi, tức giận cũng vô dụng. Con của mẹ thử suy nghĩ xem, con định sẽ giải quyết cục diện này thế nào đây?”
Mạnh Nguyên không có tâm tư nghiền ngẫm xem có phải mẫu thân đang ra đề thử nàng không, trái lại nàng chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Kiếp trước không xuất hiện màn kịch đồ cưới hồi môn bị hủy mà!
Thành thật mà nói, trước khi Mộ Hoài chết, nàng chưa bao giờ gặp phải bất cứ chuyện bẩn thỉu nào khiến mình phải phiền muộn.
Cố đè nén sự hoang mang trong lòng xuống, Mạnh Nguyên đắn đo mở lời hỏi nhà Triệu Lão Tam vài chi tiết.
“Hiện nay có ai biết được vụ Liêu lăng bị hủy này?”
“Hồi bẩm cô nương, sáng nay nô tì dậy sớm kiểm tra đồ cưới mới phát hiện ra điều khác thường. Nhưng nô tì cảm thấy chuyện này quá kỳ quặc nên không dám để lộ ở Mộ gia vì sợ sẽ bứt dây động rừng. Trước khi về phủ báo tin, nô tì đã nhanh chóng nhét Liêu lăng bị hỏng đó xuống dưới mấy tấm vải khác, tạm thời chỉ có nô tì và tiểu nữ Liên Kiều biết thôi ạ.”
Mạnh Nguyên gật đầu rồi hỏi tiếp: “Ngươi nói trước đó có một mỹ phụ đến xem qua cuộn Liêu lăng này, vậy ngươi có nhớ nàng ta ăn mặc thế nào không?”
“Phụ nhân kia khoảng hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi, không cao không thấp, không mập không gầy, mặt ngỗng mắt hạnh, tướng mạo trung bình. Hôm đó nàng ta mặc sa y ngắn tay màu xanh lam, bên dưới mặc váy nếp gấp của Hàng Sa.”
“À, đúng rồi, trên đầu nàng ta còn cài một cây trâm Đông Châu lớn bằng ngón tay cái, trước khi đi còn gọi cô nương là em dâu nữa ạ.”
Mạnh Nguyên không cần nghĩ quá lâu cũng đoán được đó là ai rồi. Mai gia nổi tiếng ở Phụng Kinh nhờ vào việc sản xuất ngọc trai, vả lại quả thật trong số nữ nhi nhà ông ta cũng có người được gả vào Mộ gia Trung Nghị bá.
Hoá ra là “tam tẩu tốt” Mai thị của nàng.
Chẳng trách được, người này không chỉ tham tiền và thế lực mà lòng dạ cũng nhỏ như kim. Có lẽ nàng ta ghen tị với đồ cưới phong phú của nàng nên mới âm thầm giở trò xấu xa.
“Triệu nương tử có kiểm tra xem có vật gì lạ trong rương đựng Liêu lăng bị hư hại không?”
Nhà Triệu Lão Tam nghe vậy thì lấy ra một cái khăn vải từ trong ngực áo, đoạn quỳ đưa đến trước mặt Mạnh Nguyên. Mở ra xem thử, nàng thấy rõ đây chỉ là vài “hạt cát” vàng vô cùng tầm thường.
Mạnh Nguyên đưa mắt nhìn thử rồi đỡ bà ấy dậy: “Đã phiền Triệu nương phải tỉ mỉ vậy rồi.”
Sau đó nàng giải thích với Nghê thị: “Đây là thóc kê, rất dễ dụ chim tước đến.”
Nghê thị luôn bình tĩnh ung dung, đương nhiên bà biết Liêu lăng bị hủy do có người cố ý gây ra. Bà tiếp tục dẫn theo suy nghĩ của Mạnh Nguyên.
“Vậy bây giờ con đoán xem, ai sẽ là người làm ra chuyện xấu xa này? Con định sẽ đáp trả thế nào đây?”
Mạnh Nguyên không tiện nói thẳng ra người giở trò là Mai thị, bèn nói tránh đi: “Đợi ngày mai các nữ quyến náo phòng thì chúng ta sẽ nhờ Triệu nương tử nhận mặt là biết ngay thôi. Còn phương thức đáp trả, vậy con đành làm phiền mẫu thân rồi. Con nghe nói nương đã đặc biệt chế tạo một tấm Liêu lăng tặng sinh thần cho bá mẫu Triển gia vào tháng sau. Nữ nhi cả gan xin mẫu thân tạm thời bỏ những thứ mình yêu thích, tạm giúp cho tình huống cấp bách lần này của nữ nhi.”
Một bên là sinh thần của mẹ chồng của trưởng nữ, mặt khác là tân hôn của nữ nhi ruột, Nghê thị không quá bối rối đến việc nên lấy hay bỏ, hơn nữa vừa nãy bà đã dự liệu sẵn rồi.
Thứ bà quan tâm thật sự không phải là bổ sung của hồi môn thế nào.
“Vậy còn người suýt nữa đã hại con bẽ mặt thì sao? Con định sẽ xử trí thế nào?”
Mạnh Nguyên lắc đầu: “Người ta nói bắt trộm phải có tang vật, nếu chúng ta tận mắt thấy kẻ xấu đó rắc thóc lên vải dẫn chim tước tới thì lập tức bẩm cho tôn trưởng Mộ gia biết, cố nhiên sẽ có người lấy lại sự công bằng cho nữ nhi. Tuy vậy, giờ đây chúng ta không bằng không chứng, chỉ dựa vào lời nói một phía của lão bộc để kết tội người đó, sẽ khó lắm ạ!”
Nghê thị thấy Mạnh Nguyên không tức giận đến mức mụ mị thì thầm gật đầu, nhưng trên gương mặt lại cố ý không buông tha: “Chẳng lẽ chúng ta cứ để vậy sao?”
“Đương nhiên sẽ không để vậy rồi ạ. Mẫu thân đừng lo lắng, nữ nhi đã có tính toán rồi.”
Tác giả có lời muốn nói: Bấm chỉ tay tính toán, ngày mai sẽ đại hôn đó ~