Từ khi trở về Nhậm gia mọi thứ có vẻ không còn giống như lúc trước. Nhị đệ ít khi ra ngoài gây sự đánh nhau, đã không còn đi không thấy hình về không thấy bóng. Thay vào đó, nhị đệ lại rất hay đến Mai viện của ta để trò chuyện cùng đại tỷ, tỷ ấy cũng rất nhiệt tình tiếp đãi.
Một điều không thể ngờ nữa là lão phu nhân luôn mai danh ẩn tích đã bắt đầu “xuất quan” và không có dấu hiệu sẽ trở về viện cũ trong rừng trúc nữa. Tính tình lão phu nhân hoạt bát hẳn lên, nói chuyện vui vẻ với mọi người, đặc biệt là khi có mặt đại tỷ.
Một nhà hòa thuận, con cháu ngoan ngoãn thế này thì còn mong mỏi gì hơn? Tất cả đều nhờ có đại tỷ, đáng lẽ ta nên thật tâm cảm tạ tỷ ấy nhưng có vì sao ta lại thấy thật khó chịu trong lòng!
Nhớ lại ít lâu lúc trước, khi chúng ta lo hậu sự cho nương xong thì chuẩn bị lên đường trở về Nhậm gia. Vẫn tưởng chỉ có Tổ nhi ra tiễn chúng ta nhưng thật không ngờ hình bóng đại tỷ cũng dần xuất hiện.
Diện trên người bộ y phục màu đỏ chói chang được tô điểm bằng những bông hoa mẫu đơn được thêu thùa tỉ mẩn trông thật sống động càng tôn lên làn da trắng như sứ của đại tỷ. Từng bước đi thật nhẹ nhàng mà khoan thai, môi hồng luôn nở nụ cười vui vẻ.
Ta nhìn đại tỷ rồi lại nhìn bộ y phục màu trắng tang tốc trên người mà không biết phải phản ứng thế nào. Quả thật tỷ rất xinh đẹp, đặc biệt là giữa khung cảnh thê lương khi vừa lo xong tan sự, hai chiếc đèn lồng màu trắng vẫn còn đu đưa trong gió.
Đại tỷ đến gần chúng ta và hớn hở nói với tướng công:
“May quá, vẫn còn kịp. Ta đã dậy từ sớm để trang điểm vậy mà…” Nhưng khi thấy tướng công không phản ứng thì biểu môi:
“Thật là, không khen nổi một câu à? Nhưng không sao, chúng ta còn nhiều thời gian.”
Ta vẫn còn đang suy nghĩ đại tỷ đang ám chỉ điều gì thì lại nghe tỷ ấy cao giọng nói với ta:
“Ta sẽ đến Nhậm gia ở một thời gian, ngươi tự mà thu xếp! Ta đến chỉ để xem vị muội muội xinh đẹp của ta sống có tốt không? Người tỷ này chí ít cũng chỉ có thể làm được như vậy.”
Ta nghe thế thì hoảng hốt. Muốn xem ta sống tốt không? Lừa người mà! Hơn nữa, đâu thể nói đến liền đến, ít nhất cũng phải đợi ta hỏi ý kiến trưởng bối Nhậm gia trước đã. Khi định lên tiếng phản đối thì tỷ ấy liền nghiến răng bảo:
“Ngươi liệu mà biết thân biết phận, nương cũng đã đồng ý. Hơn nữa, ngươi cản nổi ta sao?”
Sau đó, trước sự kinh ngạc của mọi người đại tỷ ưu nhã bước lên xe ngựa và ngồi cùng một chỗ với tướng công. Không thể làm gì khác ta chỉ đành ngậm ngùi chấp nhận.
Tổ nhi đến bên cạnh ta nói nhỏ:
“Nhị tỷ, xin lỗi. Lại gây phiền phức cho tỷ. Nhưng đại tỷ nhờ tỷ chiếu cố giúp đệ.”
Tuy vẫn còn nhỏ mà lại hiểu chuyện thế này, phu nhân chắc kiếp trước cũng có tích chút phúc đức đi? Ta thầm nghĩ.
“Được, tỷ hứa với đệ. Đệ cũng phải cố gắng học hành không được lười biếng, còn phải chăm sóc cho cha và phu nhân.” Ta quyến luyến nhìn tiểu đệ, không biết bao lâu nữa ta mới lại quay về.
“Được, mọi người bảo trọng.”
Hình ảnh cuối cùng trong tâm trí ta có lẽ là nụ cười gắng gượng trên gương mặt phấn nộn của đứa nhỏ.
Hôm nay thời tiết đặc biệt tốt, một tầng nắng nhẹ, gió thổi hiu hiu, rất thích hợp để… ngủ trưa. Nhưng ở dưới mái đình có phần giản đơn lại nổi bật lên ba bóng dáng: nam thì tiêu sái, anh tuấn, nữ thì yểu điệu, ưu nhã. Họ cùng nhau nói cười vui vẻ nhưng không phải ngâm thơ đối câu mà đang uống rượu, ăn thịt. Xương gà, chân vịt nằm ngỗn ngan dưới chân bàn. Thật uổng phí cho một bức tranh đẹp.
Mai viện vẫn luôn yên tĩnh nhưng nhờ vậy lại được một phen náo nhiệt. Đại tỷ đang mở tiệc chiêu đãi gì đó, tỷ ấy nói có dịp cũng nên cũng cố tình cảm người trong nhà với nhau. Đại tỷ cho mời tất cả mọi người nhưng rốt cuộc chỉ có nhị đệ và một người nữa đến chung vui. Người sở hữu gương mặt khôi ngô tuấn tú nhưng lòng dạ đen tối không ai sánh bằng - cái này ta nghe dân làng bảo thế - không ai khác chính là bằng hữu tri kỷ của nhị đệ, đại danh đỉnh đỉnh: Cổ Ngọc Hàn thiếu gia.
Cha và nương từ đầu đến cuối luôn tỏ thái độ chừng mực: chủ - khách với đại tỷ. Hơn nữa, hai người cũng chẳng thích những lúc tiệc tùng thế này bao giờ nên viện cớ từ chối. Lão phu nhân cùng Bạch di nương đã ra ngoài từ sớm, nghe nói là lễ phật ở đâu đó đến chiều tối mới trở về. Ta và tướng công chỉ núp ở trong phòng rồi thò đầu ra xem, chứ ra ngoài kia ta thật không hứng thú, đại tỷ cũng đã một lôi hai kéo nhưng tướng công nhưng chàng một mực lắc đầu từ chối.
Người ta thường hay nói: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” nhưng nhị đệ thì khác ngay cả huynh đệ trong nhà cũng bán đứt. Ta thật không hiểu trên đời có gì quý hơn tình thân máu mũ? Rồi nhớ lại hoàn cảnh của mình thì đành thở dài cho qua.
Khi nhìn sang tướng công thì chàng đã ngủ ngon lành trên bàn, một tay gối đầu. Mái tóc thật đen cũng thật dày mà lại bóng mượt, một vài sợi tóc che đi gương mặt, tay ta từ tốn vén lên. Gương mặt hài hòa, ngủ quan cân đối, hai mắt khép hờ, chân mài đen dài, đôi môi… Càng nhìn lại càng làm ta tức giận. Ta lại chợt nhớ đến lời lão phu nhân nói lúc trước: “dung mạo quá sức bình thường” mà liền ném cho ai kia cái nhìn khinh bỉ. Xinh đẹp cũng có ích gì? Vẫn không thể thay cơm mà ăn được. Nhưng thật tình dùng để ngắm thì đặt biệt vừa mắt.
Lại nhìn ra ngoài, người đang cười nói vui vẻ với vị Cổ thiếu gia vừa gặp đã thân chính là đại tỷ của ta, người tỷ tỷ danh không chính ngôn không thuận của ta. Khác với ta, đại tỷ là kim chi ngọc diệp từ lúc còn trong bụng mẹ, có cốt cách của thiên kim tiểu thư, chỉ có điều: cầm kỳ thi họa không thông, nữ công gia chánh lại càng không dùng được. Như vậy thì đã sao, đại tỷ luôn là một vị tiểu thư chân chính. Huống chi, thôn Lý Lâm nghèo nàn cơ cực, cơm còn bữa có bữa không, tiểu thư đương nhiên cũng có điểm khác người.
Đại tỷ xinh đẹp, hiểu ý người nên lão phu nhân vừa gặp đã thích cũng là điều đương nhiên. Vốn dĩ cha định sắp xếp cho tỷ ấy ở Mộc Uyển – gian phòng giành cho khách nhân - nhưng đại tỷ lại khéo léo từ chối và tỏ ý muốn đến Mai viện của ta. Cha định không đồng ý vì như thế sẽ có nhiều điểm bất tiện, đại tỷ là cô nương chưa gả ra ngoài sao có thể sống trong viện của nam nhân?
Lão phu nhân dáng vẻ không hài lòng, đi đến bên cạnh nắm lấy tay đại tỷ vỗ về:
“Diệu Hương đã nói ở Mai viện thì sẽ ở đó, tỷ muội người ta sao lại đành lòng chia rẽ?”
Ta nhìn lão phu nhân rồi nhìn xuống chiếc vòng phỉ thúy đang chểm trệ đeo trên tay người mà thấy chua xót cho phu nhân ở nhà. Đây là vật mà đại tỷ hảo hảo cất giữ từ trước đến giờ, ngay cả nương của mình cũng không cho sờ mó nhưng lại sẵn lòng tặng cho một người chỉ vừa gặp mặt.
Bạch di nương đang ngắm nghía cây trâm ngọc được điêu khắc tinh tế - vừa được đại tỷ tặng - cũng buông vài câu lý lẽ:
“Nương nói chí phải, tỷ muội lâu ngày gặp lại sẽ có nhiều điều cần hàn huyên tâm sự, Mộc Uyển xa Mai viện như thế cũng thật bất tiện.”
Nhị đệ luôn ngẩn ngơ nhìn đại tỷ từ lúc tỷ ấy bước vào cửa cũng vội vã không kém:
“Đúng vậy, Hương tỷ sao có thể xem là người ngoài, tỷ tỷ của đại tẩu cũng là tỷ của ta.”
Hai từ “đại tẩu” ta nghe mà thụ sủng nhược kinh, nhị đệ nói nghe thật dễ dàng như đã gọi ta như vậy từ rất lâu rồi.
Đại cuộc như thế đã được định đoạt, ta dìu tướng công đang mệt lã về phòng, còn đại tỷ thì để cho Tầm Nhi chiếu cố. Lão công của ta vẫn là quan trọng nhất đi!
Lại nói, bây giờ bọn họ ăn uống vui vẻ thế kia không biết bao giờ mới xong, đành để một mình Tầm Nhi lo liệu vậy, ta đi vào phòng đánh một giấc trước đã. Trước khi đi ta còn không quên đắp một lớp chăn mỏng cho tướng công, nhìn chàng ngủ ngon lành thế kia ta không nỡ đánh thức.
Buổi chiều khi thức dậy ta đã không thấy tướng công đâu, cái chăn thì bị vứt bừa bãi dưới sàn nhà. Ta uể oải ra ngồi xuống bàn rót tách trà để uống. Ngủ nhiều quá cũng thật không tốt chút nào.
Bên ngoài thật yên tĩnh, có lẽ tiệc cũng đã tàn, ai về chỗ nấy. Bình yên như thế này thật tốt.
Một lúc sau thì tướng công cũng vào phòng, trên người lắm lem bùn đất, đầu tóc rũ rượi. Bạch y công tử điềm tĩnh nho nhã nay lại biến thành hắc y nam tử lôi thôi lếch thếch nhưng trên môi trước sao luôn nở nụ cười tỏ ra vô tội.
Ta định hỏi nhưng lại thấy nên đi tắm trước đã, cái bộ dạng này thật là làm trò cười cho tiểu hài tử.
Đúng lúc đó, Tầm Nhi hớt hảy đạp tung cửa chạy vào, tim ta thót lên một cái. Tình huống này quả thật không phải tốt lành gì cho cam.
“Thiếu phu nhân, không xong rồi. Thiếu gia không biết vì cớ gì lại đi nhổ sạch vườn hoa lan trong viện Bạch di nương. Bây giờ Bạch di nương đang khóc lóc với lão phu nhân, người mau đến xem.”
Đúng là, thời tiết tốt chắc gì sẽ không có bão. Lần này lại thừa lúc chủ nhân đi vắng mà lẻn vào oanh tạc vườn lan nhà người ta. Tướng công, chàng nói xem ta phải thu xếp thế nào đây?
Thời gian thắm thoát thoi đưa, tưởng chừng chỉ mới mấy canh giờ ngắn ngủi nhưng ba ngày đã lặng lẽ trôi qua, thôn Lý Lâm lại trở về với vẻ bình yên vốn có. Tang sự của nương diễn ra chóng vánh, nhiều người xa lạ đến cúng viếng an ủi linh hồn người đã khuất nhưng người thiết nghĩ là quan trọng nhất lại không hề xuất hiện, liệu nương ra đi có an lòng?
Đã khuya, sắc trời mang một màu đen vô tận, đêm không trăng.
“Mở cửa, mở cửa ra.”
Tiếng người la lối, đập cửa inh ỏi chắc hẳn mọi người trong nhà đều tỉnh giấc nhưng chẳng ai buồn để tâm đến. Khí trời ngày càng lạnh hơn, ta gọi tướng công dậy ra ngoài mở cửa vì ta biết chủ nhân của giọng nói quen thuộc đó là ai, người tưởng chừng đã mất tích mấy ngày nay thì bây giờ lại trở về.
Chỉ mới mấy tháng không gặp mà cha ta như già hơn hẳn, mái tóc đã bạc màu, lởm chởm sợi trắng sợi đen. Gương mặt trở nên tiều tụy hốc hác, hốc mắt trũng sâu đo đỏ. Cả người lạnh lẽo, gầy ốm, quần áo xốc xếch nhăn nhúm. Cha ngồi tựa lưng vào cánh cửa, ánh mắt vô hồn còn hai tay thì vẽ vời lung tung gì đó. Duy chỉ có mùi rượu nồng nặc trên người cha dù cho đất trời xoay chuyển thì chỉ có tăng thêm chứ không cách nào thuyên giảm. Đã say bí tỉ như thế thì không biết cha về nhà bằng cách nào, biết cửa ở đâu mà nháo chứ?
Không ngờ cha lại có thể vô tâm đến thế, tận giây phút cuối cùng cha cũng không thắp được cho nương một nén hương mà chỉ lo vui vẻ với rượu chè. Nương cả đời khổ cực vì ngôi nhà này nhưng đổi lại là sự ghẻ lạnh, thờ ơ đến vô tình. Hai tay ta xiết chặt vào nhau, trắng bệch. Ta rất muốn quên đi sự tồn tại của người được gọi là cha này nhưng ta làm không được vì nếu ta làm vậy thì nương chắc hẳn sẽ đau lòng, không được yên nghĩ. Nương thật khờ còn ta thì thật yếu đuối. Cuộc sống chỉ ngắn ngủi mấy mươi năm, phải chăng làm người như thế là quá thất bại?
Tướng công và ta dìu cha về đông phòng, suốt đường đi cha cứ lẩm bẩm điều gì đó, ta nghe không rõ mà cũng chẳng muốn quan tâm làm gì, tướng công thì gật gật gù gù, chắc vẫn còn buồn ngủ lắm. Nương là sợ dây liên kết giữa cha và ta, nay người đã mất dây cũng chẳng còn, ta cảm thấy người trước mắt thật xa lạ, xa lạ đến ngỡ ngàng.
Khi đến nơi, chúng ta phải chờ một lúc lâu sau phu nhân mới ra mở cửa, bộ dạng phu nhân ngáy ngủ, sắc mặt bơ phờ nhăn nhó khó coi. Tuy bực tức nhưng phu nhân vẫn đỡ lấy cha vào phòng và không quên sỉ vả vài câu thật khó nghe. Đêm lại trở nên yên tĩnh.
Ta ở nhà của mình nhưng chẳng khác nào đi ở trọ nhà người khác, qua bao nhiêu ngày thì phải bỏ ra chừng ấy ngân lượng, một ít cũng không được thiếu, sau đó thì việc nhà ta vẫn phải làm còn chuyện của ta thì phải tự lo. Phu nhân vẫn như thế tính toán chi li, rạch ròi.
“Nhà này không chứa kẻ chỉ ăn mà không làm, hơn nữa ngươi cũng đã gả đi nếu muốn ở lại đây thì phải có chút thành ý.” Từng chữ, từng lời mang lại cho ta cảm giác thật quen thuộc, ký ức mười mấy năm dậy sóng.
Nhưng bù lại, Tổ nhi trước giờ vẫn luôn hiểu chuyện, học tập siêng năng nên ta không có gì phải lo lắng. Còn mọi chuyện trong nhà có Tầm Nhi lo liệu cùng ta nên cũng an nhàn.
Sáng sớm, nhân lúc tướng công còn đang ngủ ta đi dọc từng bờ sông mãnh ruộng, đặt chân đến những nơi đã bao lần ta mơ thấy mà không chạm tay vào được. Nhà của ta, thôn của ta, nơi mà nương ta đã gắn bó cả cuộc đời. Nơi người được sinh ra với hai bàn tay trắng, nơi đã chứng kiến niềm vui nỗi buồn của nương để rồi đến lúc ra đi mọi thứ lại trở về với cát bụi, nương chẳng có gì ngoài một nắm đất cô liêu lạnh lẽo. Năm tháng vô thường, đời người hữu hạn!
Lúc đi ngang qua nhà Tô thúc ta thấy một bóng người quen thuộc cũng đang đứng đó nhìn về phía ta. Lam y nổi bật nhưng không cầu kỳ xa hoa mà thanh tao phóng khoáng. Mái tóc đen dài óng ả giờ đã được buộc cao sau đầu, nụ cười vẫn luôn nở trên môi hòa ái nhưng dường như con người đã điềm tĩnh hơn trước.
Người đó bước đến trước mặt ta, âm thanh nhu hòa:
“Diệp tỷ, muội đã nghe cha nói chuyện của đại nương, người cũng đã mất tỷ đừng quá đau buồn, đại nương sẽ lo lắng. Muội rất muốn về gặp mặt đại nương nhưng vì kinh thành quá xa nên muội về không kịp, xin lỗi Diệp tỷ.”
“Cảm ơn muội, A Tình, tỷ không sao. Muội định ra ngoài?” A Tình cầm trên tay rất nhiều thứ có bánh có trái cây. Cũng đã lâu ta không gặp A Tình, muội ấy chững chạc hơn, hiểu chuyện hơn hẳn. Thời gian có thể làm con người thay đổi nhưng quan trọng là theo chiều hướng như thế nào.
“Muội vừa về nhà thì định đến viếng đại nương, không ngờ gặp được tỷ ở đây.” A Tình vừa nói vừa chỉ vào cái giỏ nặng trĩu trên tay.
“Muội thật có lòng. Muội lại đến kinh thành xa xôi, Tô đại thúc nhất định rất lo lắng.”
A Tình rất thích đi nhiều nơi, gặp nhiều người và học hỏi nhiều thứ. Kinh thành là nơi muội ấy hay đến nhất, một nơi phồn hoa náo nhiệt, tấp nập người đi, một nơi có thật nhiều thứ mà ở thôn nhỏ như Lý Lâm vô phương có được nên cứ vài hôm A Tình sẽ cùng một vài cô gái trong thôn vào thành. Lúc đầu Tô thúc còn ngăn cản nhưng cuối cùng lại đành thôi, càng lớn lên thì tính tình ương ngạnh của A Tình chẳng còn ai bì kịp. Khi nào trở về A Tình cũng không quên mang thật nhiều thứ kỳ quái cho ta làm ta dở khóc dở cười, lấy thì không biết dùng làm gì không lấy thì A Tình sẽ không vui nên ta cứ cầm hết về nhà, chắc đến giờ cũng được một gương đầy.
“Cha sẽ không lo đâu Diệp tỷ vì muội…Muội đi cùng tướng công. Muội gả đến kinh thành đã được mấy tháng rồi, tướng công của muội là La Tự Kiên, bộ đầu ở nha phủ. Cứ khi nào thư thả hai người bọn muội sẽ về thăm cha và đại nương. Muội rất muốn báo tin cho tỷ biết nhưng không biết phải làm thế nào.”
“Xin lỗi muội vì tỷ đi mà chẳng lời từ biệt, muội sống có vui vẻ không?” Thì ra A Tình cũng đã lấy phu quân, tiểu nha đầu ngày nào còn khóc lóc thúc thích giờ đã trưởng thành thật rồi.
Mà cũng thật không ngờ chỉ đi kinh thành vài bận A Tình đã tóm được một lang quân như ý, thật đúng là vẹn cả đôi đường: vừa được mở mang tầm mắt, lại gặp được người sớm tối kề bên.
“Tỷ đừng nói vậy, không có lỗi gì giữa hai chúng ta cả…Tỷ đừng lo, phu quân rất tốt với muội.” Khuôn mặt trước giờ vẫn hừng hừng khí thế nay có thêm một rạn mây hồng đáng yêu. Ta cười thỏa mãn, chí ít A Tình đã có được hạnh phúc của riêng mình.
“Vậy thì tốt rồi. À phải, Tú cô là người thế nào? Đối xử với nương tỷ có tốt không?”
“Tú cô? Tú cô là ai vậy Diệp tỷ?” A Tình nhíu mày, nghiêng đầu suy nghĩ.
“Tú cô là người phu nhân đã tìm về để chăm sóc nương tỷ?”
Ta nghi hoặc hỏi A Tình, nếu thường xuyên đến thăm nương thì A Tình hẳn phải gặp qua Tú cô rồi mới phải.
“Không có, Diệp tỷ, không có ai là Tú cô chăm sóc cho đại nương. Đại nương vẫn làm việc nhà bình thường, tự chiếu cố mình tuy sức khỏe ngày càng yếu, muội có ngăn cản nhưng mỗi lần đại nương đều cười nói không sao cả.”
Không có, không có Tú cô? Không thể nào. Phu nhân đã hứa với ta sẽ tìm người về thay nương làm việc, chăm sóc người mà. Tại sao? Ta nắm chặt tay A Tình:
“Muội nhớ kỹ lại xem, là Tú cô…Tú cô?”
Tô Tình nhăn nhó vì đau nhưng vẫn cố gắng trả lời: “Đúng là vậy, Diệp tỷ muội không gạt tỷ.”
Ta như chết lặng khi nghe câu nói của A Tình. Phu nhân thật nhẫn tâm. Tại sao có thể nói mà không giữ lời như thế? Ta cảm thấy chán ghét, căm hận vô cùng. Nhất định chuyện này phải hỏi cho rõ ràng.
Một lúc sau A Tình đến thắp cho nương nén nhan và phải về lại kinh thành gấp vì La bộ đầu phải giải quyết một vụ án quan trọng. Trước khi đi muội ấy còn cho ta biết một số chuyện, đặc biệt là chuyện của đại tỷ.
“Thiếu phu nhân, sao người lại đứng một mình ở đây mà không vào nhà?” Tầm Nhi lên tiếng hỏi, không biết đã đứng gần ta tự lúc nào.
“Không có gì. Muội ở đây còn tướng công đâu?” Thì ra vẫn mãi mê suy nghĩ nên ta vẫn đứng yên một chỗ trước hiên nhà từ lúc A Tình đi đến giờ.
“Thiếu gia…Thiếu gia đang nói chuyện với Diệp tiểu thư.”Tầm Nhi ấp úng trả lời.
Nói chuyện với đại tỷ? Chàng thân thiết với đại tỷ từ khi nào mà đại tỷ không chê bai tướng công là ngốc tử thì đúng là may rồi. Hai người họ có thể nói chuyện với nhau thật không thể tưởng tượng được. Ta nhấc cái chân đã tê cứng lên: “Cũng trễ rồi, chúng ta vào nhà thôi.”
“Nhưng mà, thiếu phu nhân…thiếu…” Tầm Nhi vò đầu bức tóc khó khăn mở lời.
“Tầm Nhi, có gì muội cứ nói không cần ngại với ta.” A đầu này thật là.
“Thiếu phu nhân, mấy ngày nay thiếu gia rất gần gũi với Diệp tiểu thư, họ cười nói rất vui vẻ, Diệp tiểu thư còn tặng thiếu gia rất nhiều đồ và thiếu gia đều cất giữ cẩn thận.”
Có sao? Tại sao ta không biết gì cả? “Như vậy không phải tốt lắm sao, ta sợ đại tỷ sẽ ghét bỏ chàng làm cả nhà bất hòa với nhau nhưng xem ra ta lo xa rồi.”
“Nhưng mà…” Tầm Nhi còn định nói gì đó.
“Được rồi Tầm Nhi, chẳng lẽ muội muốn bọn họ đánh mắng nhau mới là bình thường sao? Đừng nghĩ nhiều nữa, chúng ta về dùng cơm thôi, ta đói lắm rồi.”
Ta nắm tay Tầm Nhi đi về, nếu còn ở đây thì không biết muội ấy sẽ lải nhải đến lúc nào.
“Vâng, thiếu phu nhân.” Dường như Tầm Nhi vẫn chưa cam lòng, sắc mặt không được vui.
Khi vào đến phòng, ta thấy thức ăn đã được dọn sẵn trên bàn nhưng không thấy tướng công đâu. Thật lạ, không phải bình thường vào giờ này chàng đã đói đến kêu trời gọi đất hay sao?
“Thiếu phu nhân, thiếu gia đang ở đông phòng dùng bữa.” Tầm Nhi nói khẽ.
Tại sao lại chạy đến đông phòng, thức ăn ở đó ngon hơn sao? Tướng công đang nghĩ gì thế. Ta và Tầm Nhi đi đến trước cửa tiền sảnh thì nghe tiếng cười nói vui vẻ của hai người. Một người là đại tỷ, người còn lại là phu quân của ta. Phu nhân và Tổ nhi đã ra ngoài từ sớm nên đương nhiên chỉ có hai người họ dùng bữa với nhau, ta chắc thế.
Ta bước vào phòng thì thấy đại tỷ đang dùng khăn tay lau miệng cho tướng công, chàng không cự tuyệt. Cử chỉ của đại tỷ dịu dàng, sóng mắt nhu hòa chứa chan tình cảm. Ta đã từng nhìn thấy ánh mắt đại tỷ như thế, đó là khi tỷ ấy đang nhìn vào món đồ yêu thích nhất của mình.