Hôm sau, khi ăn xong điểm tâm sáng chúng ta theo Nhậm thúc đến hiệu thuốc của Nhậm gia để học y thuật và cách tính sổ sách. Di huấn Nhậm gia đời đời quy định đã là con cháu Nhậm gia thì phải nối nghiệp tổ tiên, bốc thuốc hành y, chữa bệnh cứu người. Như cha là một đại phu có y thuật cao nhất thôn, được nhiều người kính trọng. Duy chỉ có bí quyết chữa bệnh mà tổ tiên nhiều đời tích lũy được đều phải truyền cho trưởng tử, không truyền con thứ. Nhưng tướng công khác người bình thường nên cha không thể để huynh ấy tiếp xúc với dược liệu. Vì vậy, để làm tròn di nguyện của người xưa, cha quyết định cho ta học y thay tướng công. Thê tử thay trưởng tử.
Lúc này, chúng ta đang đi trên đường lớn trong thôn, mọi người buôn bán đi lại tấp nập. Nhậm thúc cho ta biết Đàm Hoa tuy chỉ là một thôn nhưng rất rộng lớn và trù phú, đa số những loại dược liệu quý hiếm được tiến cung hay cho quan lại các vùng sử dụng đều có nguồn gốc từ đây.
Nhậm gia có một hiệu thuốc lớn nhất thôn và nhiều hiệu thuốc ở các thôn trấn khác đều do con cháu họ Nhậm làm chủ. Ngọn núi phía tây thôn là đất của Nhậm gia, ở đó trồng nhiều dược liệu và các loài hoa quý hiếm được trông coi rất cẩn thận. Địa thế hiểm trở vô cùng, lên đã khó xuống càng khó hơn.
Ta chăm chú nghe Nhậm thúc nói còn người nào đó thì đang vui vẻ chạy nhảy trên đường, không khác tiểu hài tử là mấy. Tướng công trông thật vui vẻ. Ta nhớ hôm qua lúc cha và nương nói chuyện này với ta là lúc tướng công đang “chơi” ngoài sân viện. Ta muốn từ chối vì đây là một chuyện hệ trọng, là cơ nghiệp trăm năm của Nhậm gia thì không thể giao cho một người con dâu mới vào cửa như ta được và ta cũng chẳng hiểu gì về y thuật. Nhưng cha nói người đã quyết định, y thuật ta có thể từ từ mà học. Đúng lúc ta định nói thuyết phục cha thì tướng công chạy vào nói:
“Ta cũng muốn đi.” Nét mặt rất nghiêm túc.
Mọi người rất ngạc nhiên, sao huynh ấy lại nghe được? Nhưng tướng công như thế thật không giống một người ngốc nghếch chút nào mà rất… khí khái. Ta cười và nhìn chăm chú. Cha vui vẻ nói:
“Được rồi, hiếm khi Khiết nhi muốn làm gì, con cứ đi với Phù nhi.”
Khuôn mặt nương hiện lên nét lo lắng, người muốn nói gì đó nhưng bị cha ngăn lại. Tướng công đi qua trước mặt ta, nhe răng nói nhỏ:
“Muốn ra ngoài chơi một mình à, xấu xa!”
Ta thở dài. Ta biết, khoảnh khắc đó chỉ là tơ tưởng, không thể nào là hiện thực.
Cuối cùng cũng đến nơi, chỉ tốn khoảng một khắc thời gian.Tướng công đi ở phía sau, tay cầm tay nắm rất nhiều thứ từ đồ chơi cho đến bánh kẹo trông thật buồn cười nhưng nhất quyết không cho ai đụng vào, ta thì càng không.
Hiệu thuốc có tên là Thuận An với mong muốn mọi chuyện đều thuận lợi, nhà nhà bình an. Một cái tên ý nghĩa. Bên trong rất lớn và được bày trí đơn giản, các tủ để thuốc luôn được coi sóc, lau dọn cẩn thận nên rất sạch sẽ. Dược liệu với nhiều loại khác nhau được sắp xếp theo các ngăn từ bình dị cho đến trân quý. Lúc này là sáng sớm nên không có nhiều người ra vào.
Đại phu ở hiệu thuốc là một trưởng lão lớn tuổi của Nhậm gia, hành y đã nhiều năm cùng hai tiểu đồng đang theo học y thuật. Mọi người đều gọi là Thiện lão. Sau khi hành lễ với Thiện bá xong, Nhậm thúc giới thiệu ta với chưởng quầy và mọi người.
Người làm đều được lựa chọn kỹ lưỡng, biết phân biệt các loại dược liệu hay có thể bắt mạch kê đơn. Hành y là việc liên quan đến mạng người, nếu bốc nhằm thuốc có thể hại chết người. Mà chết người thì đền mạng dù bất cứ lý do gì đi nữa, đại phu cũng không ngoại lệ. Ta thấy thật không tự nhiên khi có nhiều người nhìn như thế, hình như tướng công cũng thấy vậy, hai hàng lông mày chau lại, không vui.
Khi Nhậm thúc về nhà để tiếp tục làm việc, chưởng quầy dẫn ta đến phía sau hậu viện. Đó là một khoảng sân thật lớn được chia thành nhiều gian dùng để phơi dược liệu. Chưởng quầy chỉ cho ta cách phân biệt một số dược liệu đơn giản như cỏ linh lăng dùng để trị sưng phù, cây bạch quả giúp tăng sự tỉnh táo, rễ nữ lang trị chứng mất ngủ, cam thảo… Ta cố gắng nhớ hình dáng và công dụng nhưng chẳng được là bao còn chưởng quầy thì lấy tay áo lau mồ hôi vã ra như trút nước.
Sau đó, chúng ta đi vào phòng xem sổ sách. Tất cả chất thành một núi cao, được viết rất rõ ràng và ngay ngắn chứng tỏ chưởng quầy là một người thận trọng.
Tướng công đi vào kéo lấy tay ta:
“Ăn cơm.”
“Huynh vừa ăn bánh đậu đỏ xong mà.” Ta nghi ngờ hỏi.
“Ta đói.”
“Thiếu phu nhân hay người đưa thiếu gia đi về dùng bữa trước, hôm khác đến xem vẫn không muộn.” Trưởng quầy lên tiếng.
Nhìn khuôn mặt đáng thương kia ta không đi cũng không được.Ra gần đến cửa thì tướng công dừng lại, chỉ sang đối diện và nói:
“Tiêu nhi.”
Ta nhìn theo hướng đó thì thấy có hai người đang đứng nói chuyện bên kia. Ta hỏi:
“Đó là đệ đệ của huynh?”
Tướng công nhìn chăm chú mà không trả lời. Trưởng quầy giải thích:
“Thiếu phu nhân chắc chưa gặp qua nhị thiếu gia, người mặc y phục màu xanh lục bảo là nhị thiếu gia và là nhi tử của Bạch di nương.”
Nhị đệ này nhìn có vẽ nho nhã, lễ độ, hình như tướng công rất thích đệ ấy. Nhi tử của Bạch di nương? Ta chưa từng nghĩ đến chuyện này, chỉ biết tướng công có đệ đệ nhưng cha và nương cũng chưa từng nhắc qua.
“Vậy tướng công còn huynh đệ tỷ muội nào nữa không?”
“Không có, lão gia chỉ có hai người nhi tử.”
“Người đứng bên cạnh thúc có biết là ai không?”
“Đó là Cổ Ngọc Hàn thiếu gia, nhi tử duy nhất của của Cổ lão gia.” Chưởng quầy nhìn ta rồi nói tiếp. “Hiệu thuốc Vạn Lợi đó là của nhà họ Cổ, một hiệu thuốc lớn có làm ăn với chúng ta, nhị thiếu gia thường xuyên qua lại với Cổ thiếu gia.”
Chưởng quầy vừa nói xong thì hai người cũng vừa đi vào bên trong. Tướng công muốn chạy qua nhưng ta kịp thời giữ lại. Chưa biết chừng họ đang bàn chuyện làm ăn thì sao, không nên quấy rầy. Tướng công khó chịu cằn nhằn:
“Tại ngươi mà tiêu Nhi đi mất rồi.”
“Huynh không đói, không muốn ăn cơm nữa sao?”
“Có.”
“Vậy giờ về nhà thôi.”
“Được.”
Nói chuyện được một lúc thì tướng công kêu đói bụng nên cha bảo chúng ta ở lại dùng cơm. Nương nói ta đến tây viện bảo với nhà bếp một tiếng. Ta vừa đi được một đoạn thì gặp Nhậm thúc. Thúc ấy thay ta đến đó và thế là ta trở về phòng. Vừa bước tới bậc cửa, ta nghe cha đang hỏi tướng công:
“Khiết nhi, nếu con đã tỉnh thì tại sao không ra ngoài, lúc đó sắc trời còn sớm mà?”
Tướng công trả lời: “Cô ta không cho.”
Nghe vậy, ta quyết định không vào mà đứng ngoài. Hôm qua, có người nói với ta không được ra ngoài cho đến sáng, thức ăn cũng do họ đem đến kia mà. Lão gia tiếp tục hỏi:
“Lúc tối hai con… ngủ thế nào?”
“Trên giường.”
“Vậy sao đó thì sao?” Cha sốt ruột.
“Ngủ.”
“Không phải, ý ta là các con… các con.” Cha ấp úng. Nương cười nhìn cha:
“Lão gia, con vừa mói khỏe lại sao lại hỏi thế.” Nhưng cũng vội vã không kém:
“Vậy con làm sao mà ngủ, giường không lớn lắm nha?”
“Nằm trên, cô ta nằm dưới.”
Quả là con trai ta. Cha gật gật đầu tán thưởng.
“Đã nói cô ta đừng nằm dưới mà không nghe.” Tướng công bĩu môi nói.
“Không được, con phải đương nhiên phải nằm trên, đó là chuyện thiên kinh địa nghĩa.” Cha quả quyết, con dâu quả nhiên là người hiểu chuyện.
“Rất phiền phức.”
Cha ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?”
“Cô ta cứ rên rỉ, không ngủ được.”
Cha và nương nhìn nhau cười đầy ẩn ý, mặt ta nóng bừng bừng không thôi. Đoạn, tướng công nói tiếp:
“Đã nói dưới đất rất lạnh, kêu cô ta lên giường ngủ mà không chịu, đáng đời.”
Hai vị trưởng bối ngẩn ra. Nương hỏi lại:
“Hai con là người nằm trên giường, người nằm dưới đất sao?”
“Đúng nha, nương nói nằm dưới đó sẽ rất, rất khó chịu.”
Ba người đồng loạt thở dài. Tướng công nói thế ngay từ đầu có phải hơn không. Do không quen ngủ cùng người lạ nên ta phải làm vậy, mong cha và nương có thể hiểu cho ta. Mà cũng vì nằm dưới đất lạnh nên xương cốt của ta cũng nhức mỏi không thôi.
Có người mang cơm đến, ta đi nhanh vào phòng mặt vẫn chưa hết nóng. Đây là bữa cơm gia đình đầu tiên của ta ở Nhậm gia. Tuy chỉ có bốn người nhưng cảm giác thật trọn vẹn, không giống cuộc sống ở thôn Lý Lâm, rõ ràng là người một nhà hà cớ gì phải chia năm xẻ bảy, một chút tình nghĩa cũng không dành cho nhau.
Cha và nương thật tốt, họ lấy thật nhiều thức ăn cho ta, nương nói ta thật gầy cần phải ănnhiều mới tốt, thức ăn rất ngon có thịt, cá, có rau… Đáng ra ta phải vui mừng vì trong họa được phúc nhưng khi nhớ đến nương đang ở một nơi không “người thân thuộc” đó thì lại lạnh trong lòng.
Nương từng nói với ta, tình cảm giữa con người là một điều kỳ diệu của tạo hóa, không phải muốn dành cho ai đó thì họ cũng dễ dàng chấp nhận nên khi muốn có được nó từ người khác thì càng khó hơn. Vì vậy, ta chỉ cần sống thật tốt, đối xử thật lòng với người bên cạnh và không hổ thẹn với lương tâm là được. Ta không biết tình cảm của cha và nương đối với ta là thế nào, là cảm kích, là ái ngại, là quan tâm… Tất cả đều không quan trọng, thời gian sẽ trả lời tất cả. Bây giờ việc ta cần làm là một người con dâu tốt của Nhậm gia, chăm sóc tướng công chu đáo.
“Phù nhi, Phù nhi.”
“Vâng, nương gọi con.” Tiếng kêu của nương kéo ta về hiện thực.
“Con không khỏe sao?” Nương hỏi.
“Không có, con dâu rất tốt.” Ta ái ngại trả lời.
“Vậy được, con cũng đừng để ý đến những lời đồn thất thiệt kia.”
Nương nhìn ta, người nói tiếp:
“Thật ra, Khiết nhi không có khắc chết ba người thê tử trước của nó, bọn họ đều sống rất khỏe mạnh.”
“Vậy thì tại sao… ?” Tại sao người ta đồn như thế, còn nói tướng công là yêu quái.
“Chúng ta cũng chẳng rõ, chỉ biết khi tân nương vào phòng thì một lúc sau sẽ nghe thấy họ hét lên và nằm bất tỉnh. Sau đó, các cô nương ấy kiên quyết từ hôn về nhà mẹ đẻ của mình, sống chết không chịu ở lại, còn nói xấu Khiết nhi.” Nương ngậm ngùi nói.
“Con dâu biết.” Ta cười vui vẻ với mọi người. Tất nhiên là ta biết vì ta cũng từng trải qua, cái mặt nạ kỳ quái của tướng công thật lợi hại, đuổi được tận ba người, tốt xấu gì cũng không tha. Cũng may, ta chưa phải là người thứ tư và sẽ chẳng có người cuối cùng.
Sau khi dùng cơm xong, tướng công và ta trở về Mai viện. Tên gọi như thế vì trong viện trồng rất nhiều hoa mai. Trên đường về, ta nói với tướng công:
“Nương đúng là mỹ nhân quên năm tháng, huynh nói xem nương bao nhiêu tuổi rồi?”
“Hai mươi.”
“Ta không hỏi huynh mà hỏi… Sao lúc trước ta hỏi huynh bao nhiêu tuổi huynh nói không biết mà?” Ta đi đến trước mặt tướng công hỏi.
“Có sao?”
“Không có.” Ta lười tính toán với huynh.
Chiều đến, trong viện của ta có rất nhiều người đi lại, họ mang đến rất nhiều vật dụng mới thay cho đồ dùng cũ, có thêm cái bàn trang điểm bằng gỗ thật tinh xảo. Đáng nói hơn, một cái giường ngủ thật to được khiêng vào thay thế cái giường hơi nhỏ kia. Cái giường mới đủ lớn để chúng ta không phải lo “xuống đất” ngủ. Tướng công thì rất vui vẻ chạy đông chạy tây, hết sờ lại mó. Ta cũng chỉ biết đứng cười một cách khó coi, cha và nương quả thật rất chu đáo.