- Nhị thiếu gia! Nhị thiếu gia! Xin mở lượng từ bi thương xót cho tiểu nhân...
Lạc Chí Ngang lướt tới, tay tả chỉ ra, tay hữu vòng qua một bên, hốt lại, tay tả chạm ngực Yến Thiên Y xô mạnh, tay hữu ôm ngang hông chàng kéo lại.
Yến Thiên Y ngã nhào.
Thuận thế, Lạc Chí Ngang tung luôn một ngọn cước, bắn Yến Thiên Y luôn xuống hồ, rơi ùm một tiếng, nước văng tung tóe.
Lạc Chí Ngang và bằng hữu ôm bụng cười lăn.
Vừa lúc đó, một tiếng nạt vang lên, âm thanh cực trong trẻo, rồi từ không trung, một bóng người đáp xuống mặt hồ, mình nghiêng nghiêng, tay vươn ra, chụp lưng áo Yến Thiên Y vừa nhấc bổng lên, vừa lộn người lấy thế lao vút lên không, uốn cầu vồng đáp xuống tòa lương đình.
Người đó là một thiếu nữ, dung nhan tuyệt vời, vận y phục màu nguyệt bạch.
Buông Yến Thiên Y xuống sàn lương đình, Lạc Chân Chân nghiêm ánh mắt nhìn Lạc Chí Ngang.
Nàng hằn giọng, hỏi :
- Nhị đệ không thấy thẹn à?
Lạc Chí Ngang sợ hãi lùi lại, nhưng dù sao thì trước mặt bằng hữu, hắn cũng phải làm bộ cứng, đáp :
- Tiểu đệ đùa cho vui mà, đại thơ! Ai ngờ gã vô dụng đến thế?
Lạc Chân Chân hừ lạnh :
- Đùa cho vui? Nhị đệ khinh khi ta quá, thế mà còn là đùa vui? Nhị đệ bảo gã vô dụng? Tự nhiên, người ta không học võ thì làm gì chống cự nổi với nhị đệ? Muốn đùa vui, thì đi ra bên ngoài, tìm kẻ cao cường mà thử sức, chứ sao lại nhè kẻ ăn kẻ ở trong nhà mà dùng làm công cụ đùa dai? Đùa như thế thì còn gì tư cách anh hùng?
Lạc Chí Ngang đỏ mặt, cãi :
- Tiểu đệ có cố ý nhục mạ gã đâu, sao đại thơ lại nổi giận, buông giọng nặng nề?
Lạc Chân Chân nổi giận thực sự, gắt :
- Ngươi còn ngụy biện nữa, phải không? Đi, đi theo ta đến trước mặt gia gia, rồi lý luận cho gia gia nghe!
Lạc Chí Ngang đâm hoảng, kêu lên :
- Thôi mà đại thơ, mắng tiểu đệ như vậy cũng đủ rồi, lại còn đưa nhau đến cho gia gia quở phạt tiểu đệ sao? Đại thơ nỡ nào?
Lạc Chân Chân vừa bực tức, vừa buồn cười, xì một tiếng :
- Rõ thật là mặt dày! Cút đi, cút hết cho ta nhờ!
Lạc Chí Ngang vẫy tay, gọi các bằng hữu chuồn nhanh khỏi lương đình.
Yến Thiên Y chỏi dậy.
Y phục ướt sũng nước, dán sát mình. Sắc mặt chàng nhợt nhạt đến thảm hại.
Lạc Chân Chân dịu giọng thốt :
- Trông ngươi như con gà nhúng nước! Em ta đùa ác quá, cũng tại nó được nuông chiều từ lúc nhỏ, thành ra hư hỏng, từ nay ngươi đừng đến gần hắn.
Yến Thiên Y ấp úng :
- Đa tạ... đại tiểu thơ! Suýt chút nữa, tiểu nhân phải chết ngộp!
Bật cười sằng sặc, Lạc Chân Chân nói :
- Làm gì có việc chết ngộp? Hắn đâu ác đến độ dìm chết ngươi! Nếu ta đến trễ, bất quá ngươi uống thêm vài ngụm nước nữa thôi, chứ chết làm sao được? Gia gia ta đâu có dung túng cho hắn làm quá lộng như vậy!
Yến Thiên Y chợt kêu lên :
- Chết tiểu nhân rồi!
Lạc Chân Chân hỏi :
- Cái gì nữa đó?
Yến Thiên Y mếu máo :
- Hộp giày thêu của đại tiểu thơ! Rơi xuống nước, thấm nước, chìm hết rồi! Làm sao bây giờ?
Lạc Chân Chân cười dịu :
- Tưởng là chi! Ngươi đừng lo ngại, lỗi tại em ta, đâu phải tại ngươi! Không sao đâu, để rồi ta sẽ thêu những đôi khác.
Rồi nàng bảo :
- Ngươi hãy đi thay y phục khô đi! Sáng sớm mà trầm nước thế đó, hẳn phải lạnh!
Nàng còn dặn dò :
- Nhớ lau khô mình, kẻo mắc phải bịnh cảm đấy!
Nói đến một tiếng lau khô mình, nàng hơi đỏ mặt.
Tại sao? Có phải chăng nàng đề cập đến hình hài của một nạn nhân, một hình hài không có y phục che giấu?
Yến Thiên Y thấy rõ gương mặt nàng thoáng biến đỏ, song chàng vờ chẳng biết gì.
Chàng nghiêng mình tỏ lời cảm tạ, đoạn bước đi.
Nàng còn thốt vói theo :
- Nam nhân gì mà khúm núm rụt rè thế? Hãy dạn dĩ thêm một chút, Tiểu Lang! Ngươi nhút nhát quá, thảo nào mà nhị thiếu gia chẳng trêu cợt ngươi?
Chàng lại lí nhí mấy tiếng đa tạ, rồi đi luôn.
Lạc Chân Chân còn hướng mắt theo chàng. Chừng như nàng có vẻ mơ màng...
Thực ra, Lạc Chân Chân đối xử với chàng rất có thạnh tình, lần nào song phương gặp nhau, nàng đều ân cần săn hỏi, hết dặn dò điều này lại chỉ bảo điều kia, như sợ chàng phạm lỗi trong Đại Sum phủ, rồi bị tống khứ vĩnh viễn vậy.
Một tiểu chủ nhân đối xử với gia nô như vậy, kể cũng rất tốt!
Về gian phòng nhỏ dành riêng cho chàng, Yến Thiên Y thay y phục xong, lại trầm tư mặc tưởng.
Chẳng phải chàng nghĩ về chị em nhà họ Lạc.
Mà cũng chẳng phải chàng nghĩ đến việc của vị Tổng quản họ Tôn.
Chàng nghĩ đến đêm nay! Đêm mà chàng có cuộc hội kiến vói người trong bổn Xã, một cuộc hội kiến đầu tiên, từ ngày chàng khoác cái lốt gia nô cam phận cơm thừa, cá cặn tại nhà họ Lạc.
Chàng ước hội với người trong bổn Xã đêm nay gặp nhau, để hoạch định chương trình hành động.
Đương nhiên, cuộc hội kiến này phải được an bài cực kỳ chu mật, có thế chàng mới lưu trú trong Đại Sum phủ lâu ngày, đủ thời gian thực hiện ý đồ hóa giải chiến thành hòa.
Người chàng sẽ gặp đêm nay, là vị Đệ nhị lãnh chúa Thanh Long xã, là Ưng Thanh Qua.
Thời gian là khi canh một bắt đầu.
Địa điểm là một gian phòng nhỏ trong một tòa lầu cũ kỹ, tàn hại, gần sụp đổ, một tòa lầu bình thường, chẳng có vẻ gì lạ hơn các tòa lầu khác.
Ngọn đèn trong gian phòng, được vặn thấp, vừa đủ soi sáng thôi.
Ưng Thanh Qua và Hùng Đạo Ngươn toan làm trọn lễ, Yến Thiên Y đang ngồi xếp bằng tròn trên nền, khoát tay, bảo :
- Lại đây, mình bắt đầu nói chuyện ngay. Thời giờ không nhiều, đừng thủ lễ quá độ mà thành phí phạm vô ích.
Ưng Thanh Qua nhìn sững bộ y phục của Yến Thiên Y, áo xanh, mũ xanh, loại y phục của hạng nô bộc.
Lão ta không giấu vẻ kinh ngạc.
Yến Thiên Y mỉm cười, hỏi :
- Ngươi thấy sao? Thích hợp chứ?
Ưng Thanh Qua nghiêm sắc mặt, hỏi :
- Khôi Thủ muốn nói...
Yến Thiên Y đáp :
- Ta muốn nói về y phục ta hiện tại.
Ưng Thanh Qua lúng túng một chút, đoạn thở dài, đáp :
- Vì muốn cứu sanh mạng của đệ huynh trong bổn Xã, vì tránh cuộc đổ máu cho bao nhiêu người, thuộc các môn phái, bang, hội trong liên minh đối phương, Khôi Thủ dụng tâm gian khổ như thế nầy! Bọn thuộc hạ hết sức đau lòng! Trong mấy ngày qua, hẳn là Khôi Thủ vất vả lắm!
Yến Thiên Y điểm một nụ cười :
- Ta chịu đựng nổi, Thanh Qua!
Ưng Thanh Qua lại thở dài :
- Khôi Thủ lại nhẫn nhục, còn bọn thuộc hạ thì an nhiên hưởng lạc tại nhà! An nhiên mà chờ cái kết quả tốt đẹp, nghĩ ra thực là thẹn!
Yến Thiên Y khoát tay :
- Gặp nhau là để bàn luận về đại sự, chứ chẳng phải để nói, để nghe những lời vô bổ ích, Thanh Qua! Bỏ đi! Trong chúng ta, bất cứ ai, làm được cái gì, cứ làm, làm để mưu lợi ích chung, thì sá gì kẻ thấp người cao, sá gì thân phận mà tránh né? Ta có thể làm gì khác nữa kia, thấp hèn hơn nữa kia, miễn sao hòa giải được cuộc chiến này thì thôi, dù là ta thất bại trong ý đồ, thì ít nhất ta cũng nắm được tình hình địch. Giả như cuộc chiến không tránh khỏi, thì chúng ta có nhiều cơ hội thắng hơn. Bảo vệ an toàn tối đa cho bổn Xã, là phận sự của mỗi người, ta đâu có muốn tự ngồi nhà để mặc các ngươi nhảy vào nước sôi, lửa đỏ?
Rồi chàng tiếp :
- Trước khi vào Đại Sum phủ, ta có giao phó cho các ngươi mấy việc, vậy các ngươi có y theo thứ tự mà thi hành chăng?
Ưng Thanh Qua đáp :
- Hoàn toàn tuân theo chỉ thị của Khôi Thủ. Mọi công việc đều được chuẩn bị chu đáo. Tổng đường cũng như các địa phương, đều ở trong cái thế sẵn sàng nghinh chiến. Đối phương bất cứ phút giây nào kéo đến, là các đệ huynh đều đầy đủ nhuệ khí ứng phó. Bình thường thì phân tán mỏng, rải rác mai phục tại các yếu điểm trong vùng, khi có báo động thì ai vào vị trí nấy, nhất định không để cho đối phương chiếm tiên cơ mà uy hiếp tinh thần. Ngoài ra, liên minh của chúng ta gồm sáu bang hội từ đất Bắc có sai phái người đến liên lạc, cả sáu tổ chức đó đồng thanh trợ giúp Thanh Long xã. Một đệ tam nhân là Tề Như Hận, vị lão anh hùng ẩn cư tại Bạch Dương sơn, mới đây, có ra mặt khuyên can Hồng Trù bang và Hắc Hạp Hội, nên từ bỏ ý đồ liền kết với Đại Sum phủ, chống đối lại Thanh Long xã. Lão anh hùng Tề Như Hận là bậc lão luyện giang hồ, đức cao, vọng trọng, đối với Khôi Thủ mười phần kính ngưỡng. Hồng Trù bang và Hắc Hạp phái cực lực phủ nhận sự gia nhập liên minh của Lạc Mộ Hàn. Dù cho chúng phủ nhận hay thừa nhận, Tề lão gia cũng chẳng cần biết, bởi khi khuyến cáo điều đó, tức nhiên Tề lão gia có sẵn chủ trương rồi.
Yến Thiên Y hỏi :
- Tề lão đầu có tỏ lộ ý tứ như thế nào chăng?
Ưng Thanh Qua đáp :
- Không hiểu được. Bọn thuộc hạ không hay biết việc lão khuyến cáo hai bang phái đó. Mãi đến sau này, vì theo sát Hồng Trù bang và Hắc Hạp phái, bọn thuộc hạ mới rõ lão có đánh tiếng giải hòa. Lão không muốn giang hồ lại trải qua một lần phong ba nữa, sở dĩ lão xuất hiện can thiệp với hai bang phái đó, là vì lão muốn bảo tồn hòa khí trong võ lâm thôi.
Yến Thiên Y gật đầu :
- Chủ trương đó đáng ngợi lắm!
Ưng Thanh Qua tường trình tiếp :
- Bọn thuộc hạ có mai phục một số tử sĩ tại Ma Thạch Ba, cách huyện Thường Đức độ năm dặm, số tử sĩ này, do Tam lãnh chúa Trang Không Ly điều khiển. Thuộc hạ sợ nhân thủ quá ít, nên có ra lệnh cho mỗi phân cuộc phái về năm hảo thủ, tăng cường số tử sĩ đó. Thôi Hậu Đức được đặt dưới quyền chỉ huy của Trang Không Ly, tiếp lão Trang cai quản đạo nhân quyết tử này. Họ luôn luôn ở trong tình thế ứng biến, nếu được lịnh Khôi Thủ gọi, là trong một khắc thời gian, họ sẽ đến tận Đại Sum phủ.
Yến Thiên Y gật đầu :
- Tốt lắm! Ta chỉ dùng đến đạo quân quyết tử đó lúc tối cần thiết, và khi nào dùng đến, là máu sẽ đổ thành sông, thây chất thành núi! Huyết chiến mở màn!
Ưng Thanh Qua tiếp :
- Tại đầu đường, dẫn vào Đại Sum phủ, có một cửa hiệu buôn nhang đèn vừa khai trương, hiệu buôn đó do bọn thuộc hạ dựng lên, dùng làm trạm liên lạc với Khôi Thủ. Cần việc gì, Khôi Thủ cứ cho người trong hiệu buôn biết mà chuyển đạt lịnh dụ. Đại đầu lãnh Hồng Phúc Thái phụ trách trạm liên lạc này.
Yến Thiên Y gật đầu :
- Đặt con người đó vào chức vụ đó xứng người, xứng vụ đấy.
Ưng Thanh Qua tiếp :
- Theo thuộc hạ đến đây để gặp Khôi Thủ rồi, Hùng Đạo Ngươn sẽ không cùng đi với thuộc hạ, y phải rẽ qua Ma Thạch Ba, báo cái tình hình với Trang Không Ly.
Yến Thiên Y cau mày :
- Phân phối nhiều người tại ngoại như vậy, tại Sở Giác Lãnh, nhân thủ còn đủ dùng chăng?
Hùng Đạo Ngươn đáp :
- Đủ! Rất đủ! Tại đó có Đô đại lãnh chúa, Ưng nhị lãnh chúa, Âm đại chấp pháp, bọn Vệ Sơn Long, các hình đường Tư Sự. Ngoài ra còn có liên minh các phái trợ lực. Thuộc hạ thấy mình vững vàng lắm!
Yến Thiên Y thốt :
- Cứ mỗi hai hôm, chúng ta họp mặt một lần và lần sau thì tại Thiên Ân miếu. Sau đó ta sẽ chỉ định địa điểm khác. Mình phải thay đổi địa điểm luôn luôn mới được.
Ưng Thanh Qua tiếp :
- Khôi Thủ cần liên lạc gấp thì cứ đến cửa hiệu bán nhang đèn, còn không thì chờ đến lúc hội diện cũng được. Từ nay, Hùng Đạo Ngươn sẽ phụ trách phần liên lạc giữa Ma Thạch Ba và Sở Giác Lãnh.
Yến Thiên Y gật đầu :
- Ta nhớ!
Ưng Thanh Qua hỏi :
- Vào Đại Sum phủ mấy hôm rồi, Khôi Thủ có gặp Trung Châu Tể Lạc Mộ Hàn lần nào chăng?
Yến Thiên Y đáp :
- Thấy từ xa xa thôi và chỉ có một lần. Chừng như y có vẻ bận rộn lắm vậy. Y rất hòa nhả, thường thường xuất ngoại, mỗi lần trở về thì quang cảnh đại sảnh rộn rịp vô cùng, người vào người ra liên miên không dứt. Đại Sum phủ gồm ba đường: Tiền, Hậu và Trung, ngoài Đường chủ còn có số phủ vệ, tổng cộng độ hơn ba mươi người, ta xem người nào cũng có võ công cao cường cả. Lạc Mộ Hàn có ba tên hộ vệ, họ luôn ở sát bên cạnh y, và hai mưu sĩ sẵn sàng bất cứ lúc nào cũng có thừa mưu kế hiến dâng, nếu Lạc Mộ Hàn hỏi đến.
Ưng Thanh Qua hỏi :
- Còn Hội chủ Kim Cương hội là Bát Tý Vi Đà Bồ Hòa Kính?
Yến Thiên Y lắc đầu :
- Ta chưa hề thấy nhân vật đó.
Chàng cho biết luôn, Lạc Mộ Hàn có hai người con, một trai, một gái, võ công cực cao.
Ưng Thanh Qua hỏi :
- Khôi Thủ đã có kế hoạch gì chưa? Nếu cần mình cũng có thể học cái cách của Đại Ảo Tài Tử Công Tôn Hoang Mộc, là ám toán, tỉa dần, tỉa dần vây cánh chúng.
Yến Thiên Y gật đầu :
- Cũng được, nhưng để ta nghĩ lại, biện pháp nào cũng được, miễn làm sao cho lực lượng đối phương suy giảm, Lạc Mộ Hàn chùn lòng, bỏ cái mộng thôn tính Thanh Long xã thì thôi.
Ưng Thanh Qua dặn dò :
- Khôi Thủ cẩn thận đừng để cho bọn chúng phát hiện vũ khí của Khôi Thủ.
Yến Thiên Y mỉm cười :
- Yên trí, Thanh Qua, ta luôn luôn đề phòng.
Ưng Thanh Qua hỏi :
- Tùng Triệu đã trở về Đại Sum phủ chưa?
Yến Thiên Y lắc đầu :
- Chưa!
Ưng Thanh Qua mỉm cười :
- Khi trở về đó, trông thấy Khôi Thủ, y kinh ngạc không tưởng nổi!
Yến Thiên Y gật đầu :
- Cái đó thì chắc rồi! Y cũng biết là chúng ta dọ thám hành động của Lạc Mộ Hàn, song không ngờ là ta dám mạo hiểm vào hang cọp.
Ưng Thanh Qua tiếp :
- Có y bên trong, đỡ cho Khôi Thủ lắm!
Yến Thiên Y dặn dò Hùng Đạo Ngươn :
- Ngươi không nên bén mảng đến gần Đại Sum phủ đấy, nếu cần thì ta đi tìm ngươi, mà ngươi thì tuyệt đối tránh xa khu vực đó!
Hùng Đạo Ngươn gật đầu :
- Thuộc hạ biết!
Song phương không còn gì để nói với nhau nữa, họ chia tay nhau, bất quá họ cùng khuyến cáo nhau là hãy thận trọng trong mọi hành động.
Rồi người về phủ, kẻ về Tổng đường.
Đại Sum phủ hôm nay có vẻ rộn rịp lại.
Hơn trăm đại hán vậy y phục chẹt màu đen, phân tán trấn đóng khắp nơi, cái nơi hiểm yếu trong khu vực phủ. Võ trang đầy đủ, có bọn cung tiễn thủ mai phục tại mỗi lối thông thường, người ta huy động đến cả những vị thủ lãnh các đội phủ vệ để sung vào các toán canh phòng.
Nhất là tại khách sảnh của tòa Quần Hùng đường thì sự phòng thủ cực kỳ nghiêm mật.
Dĩ nhiên, đám gia nhân cũng không thể nhàn rỗi như thường ngày, chúng chạy tới chạy lui, lo trà, lo nước, sắp đặt chỗ ngồi, nghinh đón tân khách.
Tôn tổng quản quả là tay nặng cân, trầm tĩnh phi thường, hôm nay có việc quan trọng như vậy mà đêm vừa qua, lão không hề hở môi cho ai biết, mãi đến sáng ra, lão mới truyền lịnh cho tất cả thuộc hạ và gia nhân, phân phối nhiệm vụ, sắp xếp ai vào việc nấy, chỉ một giờ thôi là đâu đó đều được an bài đúng theo ý muốn của phủ tổng.
Vào giờ ngọ hôm nay, sẽ có cuộc hội nghị quan trọng dưới quyền chủ tọa của Trung Châu Tể Lạc Mộ Hàn.
Người tham dự gồm toàn những tay có thành tích lẫy lừng trong võ lâm vùng Nam Bắc tỉnh.
Theo sự dò hỏi của Yến Thiên Y thì sẽ có những vị sau đây dự đại hội: Hội chủ Kim Cương hội là Bát Tý Vi Đà Bồ Hòa Kính, Phó hội chủ Thiết Quân Tử Hoàng Đơn, và bốn vị Đại A Ca.
Về Thiên Nhân đường thì có Đường chủ là Đạt Hồ Lang Tướng Đỗ Sơn Nông, Phó đường chủ Tề Quan Ưng Doãn Thiệu và năm vị Lệnh chủ.
Về Phác Hoa bang thì có Bang chủ Giác Long Báo Sở Hoài, Phó bang chủ Tuyết Dao Dao Phù Dương cùng ba Đường chủ.
Về Lực Tự giáo trường thì có Tổng giáo đầu Bạch Nhiêm Khách Tiêu Tiến, cùng sáu vị giáo đầu. Ngoài ra, còn có ba vị không thuộc bang phái nào, là Đơn Đảnh Hồng Mạnh Hạo, Liệt Hỏa Kim Hoàn Tào Quảng Toàn và Đại nương Công Tôn Mạc Sầu.