Thời gian đôi khi trôi qua thật thong thả, nhưng cũng có lúc lướt đi thật nhanh. Thực ra thứ trôi qua nhanh ấy chính là một thời tuổi trẻ xa xỉ của tôi, còn thứ thong thả là tâm tình mãi chẳng chuyển biến.
Quay đi quay lại đã đến Tết âm lịch, tôi gọi điện cho mẹ nhắc bà phải chú ý an toàn, nhân tiện nói rằng mình có ca trực, tết âm năm nay không về được. Mẹ tôi cũng chẳng nhắc nhở thêm gì nhiều, chỉ khẽ thở dài nói rằng, một người nào đó nếu đã không thể gắng gượng được nữa thì vẫn còn gia đình làm chỗ dựa cho anh ta. Lúc nghe thấy câu ấy nước mắt tôi lại không kìm nén được mà lăn xuống. Gần đây tôi thật dễ khóc, đúng kiểu người càng sống lâu lại tính cách lại càng hóa trẻ đi.
“Tiểu Vân này, 25 tháng 2 đừng quên gọi điện về cho nhà đấy.”
“Sao thế ạ?” Tôi không nhớ ra nổi hôm đấy có ý nghĩa gì với mình.
“Có người nói, muốn ở nhà chờ điện thoại của con.”
……
“Tiểu Vân?”
“Tiểu Vân?”
“Con có về nhà không?”
“Tiểu Vân, mau cho mẹ số điện thoại mới của con đi……”
“Tiểu Vân……”
……
Ngày 25 tháng 2 là sinh nhật của Dịch Khiếu.
Còn của tôi là ngày 11 tháng 2.
Tôi hay nói giỡn rằng ngày sinh theo âm lịch của mình với ngày sinh theo dương lịch của em sẽ có một năm trùng nhau.
Nói là nói vậy nhưng tôi không ngờ Dịch Khiếu nghe thế lại đi dò lịch vạn niên, hơn nữa còn xem xét vô cùng cẩn thận.
Sau đó em nói với tôi rằng phải 148 năm nữa sinh nhật hai chúng tôi mới hoàn toàn trùng nhau.
Lúc đấy hai đứa đều đã thành xương trắng cả rồi. Tôi cười nghiêng ngả nói.
Vẻ mặt Dịch Khiếu hình như rất chán nản. Nhưng rồi rất nhanh em lại trở nên vui vẻ.
Cũng chẳng sao. Mộ của chúng ta nhất định phải thật gần nhau, như vậy đến ngày sinh nhật chung đấy, từ nắm xương của em photpho bay lên, từ nắm xương của anh cũng thế, hai ngọn ma trơi cùng quẩy party mừng sinh nhật.
Hôm ấy chắc chắn sẽ có thật nhiều thật nhiều ma trơi lập lòe xinh đẹp, sáng như sao, cũng nhiều như sao.
Dịch Khiếu thật là một người kỳ quái. Thường thì nghề thầy thuốc hay bào chế thuốc sẽ toàn là những người theo chủ nghĩa vô thần, căn bản không tin những điều sau khi người ta chết đi kia. Nhưng Dịch Khiếu lại tin, em tin linh hồn chắc chắn tồn tại, cho rằng con người sau khi chết đi trở nên nhẹ hơn là vì linh hồn đã bay đi. Tôi không rõ vì sao em lại tự tin như vậy, nhưng tôi rất thích ngắm khuôn mặt của Dịch Khiếu khi em tự vạch ra tương lai 100 năm sau của mình, bởi vì trên khuôn mặt ấy có cái hồn vô cùng xinh đẹp, tựa như đang tỏa ánh hào quang rực rỡ đến vô ngần.
Khi nghĩ tới chuyện 100 năm sau ấy, lòng tôi cũng trở nên mềm nhũn, cảm giác như chuyện đó ngay ngày hôm sau sẽ xảy ra.
Nhưng giờ, cùng lắm mới có một năm mà thôi.
Vật chẳng giống người.
Ngày 11 tháng 2, tôi không gọi điện về nhà.
Tôi ba mươi tuổi. Thật nhanh. Đã ba mươi rồi.
Ngày 25 tháng 2, tôi ở nhà đặt một chiếc bánh ngọt lớn, cắm lên đó hai ngọn nến đủ để thắp cả một đêm này.
Sau đó tôi dọn giá vẽ ra, trải giấy trắng, giữa ánh nến lòe sáng, vẽ tranh.
Vẽ tóc trước tiên.
Tôi rất thích mái tóc bay bay của em, nhất là trước kia tóc em còn hơi dài, khẽ bay loạn che đi vầng trán của em. Mái tóc em so với những người khác mềm hơn nhiều, từng sợi mỏng manh, lúc nào cũng nhẹ nhàng trước trán, khiến em nhu thuận vô cùng. Đương nhiên em không phải là người như vậy, tôi biết em là người rất kiên cường, luôn dùng những lời lẽ bén nhọn mà cự tuyệt người khác.
“Vì sao lại chỉ phân một mình em đến phòng ngủ của khoa y vậy?
“Em hoàn toàn có thể sống một mình.”
“Không cần. Em hoàn toàn có thể tự lo cho bản thân.”
“Một mình em là được rồi. Em sẽ không mang phiền toái đến cho thầy đâu.”
“Thầy —— căn bản không tin vào khả năng tự lập của em?”
Đúng là một đứa nhỏ thích đâm chọc người khác, chẳng đáng yêu chút nào hết. Nhưng tôi lại vừa vẽ tranh lại vừa nhung nhớ.
Sau đó vẽ tới khuôn mặt của em.
Mặt em nho nhỏ, đường nét rất rõ ràng, hốc mắt hệt như một hồ nước sâu nhưng lại có vẻ hòa nhã vô cùng. Khuôn cằm so với những nam sinh khác nhỏ hơn, cho nên khi em rơi lệ, nước mắt lướt qua xương gò má rồi sẽ trực tiếp rơi xuống, hệt như có linh hồn, dùng sức đập thẳng xuống đất.
Lần đầu tiên tôi thấy Dịch Khiếu khóc như một người bình thường là khi em bị người ta cường bạo. Em lặng lẽ rơi lệ, chậm rãi kéo tôi lại, kêu tôi ngồi xuống, vòng tay trái qua nách phải tôi, bắt chặt lấy vai trái của tôi, còn tay phải vòng ra phía trước gắt gao túm lấy vai trái tôi. Em ôm tôi rất chặt, như đang cố bắt chặt lấy nắm rơm cuối cùng.
Em nói, tối hôm trước em bị người cường bạo.
Em nói, trên thế giới này không có một tòa án nào có thể đòi lại công bằng cho em.
Em nói, vì mình bị đứt một chân, thế nên ngay cả cơ hội để chạy trốn cũng không có.
Lúc trước cứ nghĩ rằng, lúc ấy là thời điểm em đau khổ nhất, về sau mới biết được, thì ra nỗi đau lại là vô tận.
Tôi lau nước mắt, bắt đầu vẽ đôi mắt em.
Mắt em không lớn, nhưng đôi đồng tử đen láy của em dường như lại chiếm tất cả diện tích, thế nên ánh mắt em có vẻ tăm tối nhưng cũng sáng ngời. Hàng lông mi thật dài, rũ xuống, thực dễ dàng che giấu đi tâm sự thật của em. Ánh mắt ấy ngay từ đầu đã hấp dẫn tôi ——— ngay từ tấm ảnh chụp không thật kia ——- để tôi chờ mong trong vô biên vô tận.
Ánh mắt ấy từng do dự, từng lạnh lẽo châm biếm từng khờ dại, từng dịu dàng lại cũng từng khóc, từng cười mà đẹp nhất là một khắc kia rõ rang em đang cười rạng rỡ, nhưng rồi lại khẽ khàng rơi lệ, khiến cả thế giới, cả đất trời cũng trở nên ướt lạnh.
Em nói, tâm nguyện cả đời đều được vui vẻ, là tâm nguyện xa xỉ nhất.
Em nói, Mặc Vân, chúng ta vĩnh viễn không rời xa nhau có được không? Vĩnh viễn cũng không……
Hóa ra, cũng là một tâm nguyện xa xỉ.
Khi vẽ xong đôi mắt em cũng là lúc tôi tạm dừng lại. Tôi phải ổn định lại tâm trạng của mình mới có thể xác định bản thân có cầm chắc được ngòi bút hay không. Tôi bước quay trở về chiếc bàn trước mặt, từng ngụm từng ngụm uống hết cốc nước, thấy nến đã cháy được hai phần ba rồi.
Tôi không muốn để tâm tới thời gian nữa, quay lại, tiếp tục vẽ mũi em.
Mũi em không thực xinh đẹp, nho nhỏ, nhưng so với người khác thì lại rất dài, rất thẳng. Nhìn từ bên cạnh thì thấy giống hệt mũi của Trương Tín Triết, nhưng giờ tôi chỉ có thể dùng đường cong để phác thảo nó sao cho thật đẹp mà thôi.
Tôi thích nhất là vẻ mặt của em, khi chóp mũi em hơi hếch lên, khẽ nhăn lại.
Lúc ấy đã về chiều, ánh dương quang nhiễm sắc vàng, khiến cảnh vật có chút hư ảo.
“Em vừa nói gì hả? Cái gì gần cơ? Nói to lên nào!”
“A, không có gì! Em chưa nói gì mà! Thầy nghe lầm rồi!”
“Không thể nào, chắc chắn thầy nghe thấy cái gì đó rồi mà! Dịch Khiếu, không được nói dối thầy ———“
“Thật sự không có gì mà. Thầy tha cho em đi.”
“Thầy nhận là mình không chăm chú nghe, Dịch Khiếu, em nhắc lại lần nữa cũng có chết người đâu ———–“
“Trời ạ ——– thầy năm nay mấy tuổi rồi chứ, thế mà cũng đi làm nũng……”
“Thầy ——– thầy ——– đâu có làm nũng đâu, em đừng có lôi vấn đề tuổi tác của tôi ra đây, như thế thật quá đáng mà!”
“Nhưng thầy đúng là già hơn em nhiều lắm đó nha.”
“Em không thể coi như mình không biết được hay sao? Không thể xem nhẹ chuyện này được sao?”
“A! Lần trước chẳng biết ai cứ liên tục nhấn mạnh bản thân ăn nhiều cơm hơn em những mười năm ấy nhỉ……”
……
Tiếng cười vui vẻ tựa như từ trong ***g ngực truyền ra. Tôi đột nhiên bẻ đôi chiếc bút trong tay, sau đó ngơ ngác nhìn bức tranh chưa vẽ xong trước mắt.
Điện thoại đặt ở ngay đằng sau tôi, không cần nhìn tôi cũng biết nó đang chờ đợi điều gì.
Mày đang đợi cái gì? Tôi tự hỏi chính mình, mày đang do dự cái gì?
Mày có yêu em ấy không? Có còn yêu em ấy hay không?
……
Có.
Mày có hy vọng em ấy luôn vui vẻ hay không? Có muốn khiến em ấy hạnh phúc hay không?
……
Có.
Gọi điện thoại cho em ấy đi. Em ấy đang đợi điện thoại của mày đấy.
………………………
Gọi cho em ấy đi!
………………………
Không.
Tôi không thể.
Tôi không muốn mình hại em thêm lần nào nữa.
Bởi tôi còn yêu em, muốn em luôn vui vẻ, luôn hạnh phúc. Cho nên, tôi không muốn thương tổn em thêm một lần nào nữa.
Tôi đã sai ngay từ đầu, nếu đã qua rồi, thì giờ tôi không muốn uống lại ly rượu độc ấy để giải khát nữa.
Em mới hai mươi tuổi, có thể sẽ sống thêm tám mươi năm nữa. Trong tám mươi năm ấy, em sẽ gặp được người tốt hơn tôi rất nhiều, yêu em hơn tôi rất nhiều, có tư cách yêu em, khiến em hạnh phúc hơn tôi. Mà… người ấy… chắc chắn không phải tôi.
Sự tồn tại của tôi là một sai lầm, tôi không thể tiếp tục ở bên em tám mươi năm ấy, tôi không xứng.
Tôi không thể trở thành đôi chân của em, không thể thay em chịu đựng mọi bi thương, không thể lau khô những đau xót khổ sở trong đôi mắt em.
Thực ra, tôi chẳng thể làm được bất cứ điều gì.
“Mày đã thề với cha mẹ em ấy rồi mà, không gặp em, không viết thư cho em, không gọi điện cho em, không giữ liên lạc với em. Mày đã đáp ứng rồi mà.”
Tôi thì thào lẩm bẩm.
Tôi vô ý thức nhấc tay, cẩn thận vẽ từng nét xuống dưới chiếc mũi của em. Bờ môi của em hơi mỏng, đường cong hơi ngạnh, lại còn có chút khó gần mà miết xuống, hệt như người ta thiếu nợ gì em vậy. Tôi lúc nào cũng khuyên em phải vui vẻ một chút, thử mỉm cười với người khác. Em nghe thấy lại có chút khinh thường mà khẽ nghiêng đầu, nói một loạt những câu chẳng hợp với tuổi của mình chút nào.
“Dịch Khiếu, em phải thật vui vẻ……. thật hạnh phúc nhé……” Tay tôi đột nhiên phát run, bờ môi kia mãi chẳng thể vẽ thêm được nét nào.
“Em phải cười nhiều hơn với người khác đấy, có biết lúc em cười lên em đẹp đến mức nào không? Mọi người khi thấy nụ cười của em sẽ cảm động đến phát khóc đó……” Đúng vậy, tôi đang khóc, cố gắng vẽ khóe miệng em cong lên, cong lên.
“Anh hy vọng em cả đời đều tươi cười, đều vui vẻ, hạnh phúc, xinh đẹp, cả đời này…… cả đời……”
Tiếng chuông điểm mười hai giờ từ một nơi thật xa vang tới. Dường như cũng đúng lúc ấy, cây nến cuối cùng trên bàn cũng đã cháy hết.
Không gian chìm vào bóng tối.
Tôi lẳng lặng ngốc nghếch ngồi đó, chân dung của Dịch Khiếu hiện ra thật rõ ràng trong đầu tôi. Em đang mỉm cười, ánh mắt dịu dàng vô tận.
Dịch Khiếu.
Sinh nhật vui vẻ.
Sinh nhật vui vẻ…
Sau đó tôi rời khỏi trường, rời khỏi thành phố này. Trước kia tôi biết một người bạn học chung trường đại học có mở một công ty bên ngoài, đã nhiều lần mời tôi đến làm nhân viên kỹ thuật ở chỗ cậu ta, đến giờ vị trí kia đã giao lại cho tôi. Hồi ấy tôi là một người hay giao du, cũng được khá nhiều người biết đến. Mà thật ra cũng chẳng cần phải là “hồi ấy”, giờ cũng vậy cả thôi.
Người bạn nọ vô cùng hoan nghênh tôi tới xin việc. Đảo mắt một cái tôi đã có một công việc mới, hơn nữa còn là một công việc có mức lương vô cùng hậu hĩnh.
Hàng ngày tôi không cần phải đi làm hay tan tầm theo giờ cố định, trái lại có thể ngâm người trong phòng thí nghiệm cả ngày lẫn đêm.
Tôi có thể dễ dàng mỉm cười với mỗi một đồng nghiệp của mình trong phòng thí nghiệm này, chẳng ai biết tới quá khứ của tôi.
Bọn họ luôn khen ngợi tôi, từ vẻ ngoài đến nhân phẩm, tài năng và đạo đức. Họ hỏi tôi trước kia tôi làm gì, ở đâu, vân vân,…. tôi nghĩ đi nghĩ lại, rồi nói: “Trước kia tôi đi dạy học.”
“Sao lại đi dạy học thế, lương lậu các thứ ít lắm.” Mọi người không hiểu.
“Đúng vậy. Ít lắm.” Tôi cười nói, “Trước kia tôi thật là ngốc.”
“Ha ha, thế tại sao giờ lại thông suốt mà đi đổi việc vậy?”
Tôi lại nghĩ nghĩ, nói: “Con người ai cũng sẽ thay đổi mà.”
Đúng vậy. Con người ai rồi cũng sẽ thay đổi. Ví dụ như, trước kia tôi cười vì tôi thấy vui vẻ, còn giờ, chỉ đơn giản là cười mà thôi.
Sau khi ổn định mọi việc, tôi gọi điện cho mẹ nói rằng mình đã đổi việc. Giọng mẹ tôi bên kia vẫn ồn ào, ầm ĩ tranh cãi như trước, tôi nghĩ ngợi thật lâu, cảm thấy bản thân không có cách nào trả lời bà cho hợp lý, liền nhẹ nhàng cúp điện thoại.
Tôi nói, mẹ hãy cho con thêm thời gian, con muốn yên tĩnh một chút.
Mẹ giờ không biết tôi đang làm việc ở đâu. Khi bắt tay vào việc thay đổi cuộc sống của mình, tôi chân chính chỉ có một mình.
Hệt như một học sinh mới. Tôi cười cười, nghĩ.
Thứ duy nhất còn có thể liên hệ với quá khứ chính là hòm thư điện tử của tôi. Tuy rằng chưa bao giờ mở lại, nhưng tôi vẫn không nhịn được, muốn mở ra xem một chút, sau đó sẽ tự giác ôm một hộp khăn giấy, mắt nhìn máy tính mà nhăn mũi.
Tôi cũng không biết bản thân đang chờ đợi điều gì. Một loại cảm giác mong mỏi xa vời nào đó luôn không ngừng thúc giục tôi, giục tôi mở hòm thư nọ ra, mở cánh cửa quá khứ kia ra.
Có một ngày, trong hòm thư của tôi có một bức không giống những cái bình thường.
Người gửi muốn gặp tôi để nói và giải quyết chuyện gì đó.
Tôi nghĩ ngợi thật lâu, rốt cuộc vẫn trả lời. Sau đó đúng vào ngày đã hẹn trước, thay quần áo sạch sẽ, cạo râu, chải chuốt lại, chờ đợi.
Chuông cửa thực ngượng ngùng mà vang lên, rồi lại ngắt, và rồi lại thoáng vang lên.
Tôi mở cửa, cười với người kia, mời cậu ta vào nhà.
Người đó bước vào, theo sau là thùng đồ, vali các loại. Tôi cười cười.
Cậu hôm nay xuất ngoại à? Sao lại giống như lôi hết gia sản của mình đi theo như thế.
Cậu ta nở nụ cười, cúi đầu tránh ánh mắt tôi. Em trốn máy bay xuống đấy.
Tôi hoài nghi nhìn đống đồ của cậu ta. Thế mà cậu còn kịp lôi cả đống thùng trong cabin ra cơ à?
Vẻ mặt cậu ta như không nhịn cười nổi, sau đó bỏ mũ lưỡi trai xuống, lộ ra khuôn mặt anh tuấn gầy yếu.
Đúng vậy, em đứng trước máy bay, nói nếu các người không mau mang hành lý của tôi ra đây, tôi sẽ tự sát ngay trước bánh xe kia đấy. Thế là bọn họ sợ, chuyến bay vì em mà phải hoãn mười lăm phút.
Cậu ta đi lên ôm chặt lấy tôi. Thùng rương ném sang một bên.
Tôi cũng ôm chặt lấy cậu ta. Cậu ta thật gầy quá rồi, khớp xương dưới lớp áo sơ mi đâm tôi đến phát đau.
Thằng nhỏ này thật là ngốc. Tôi cười nói.
“Em mà ngốc á, anh mới ngốc ấy. Ít ra việc em làm còn có mục đích, còn anh ấy hả, mấy chuyện mù quáng anh làm đều hỏng bét hết cả.”
Cậu ta buông ra, không quan tâm tới vẻ mặt khiếp sợ của tôi, lúc lắc lúc lắc dạo xung quanh. “Thầy à, có vẻ như anh giàu lên rồi nha! Nhà các anh trước kia chỉ được mỗi cái bồn tắm to khiếp kia, giờ thì cả gian đều được bày biện đẹp quá rồi, treo gì mà lắm tranh vậy, muốn làm họa sĩ đấy à?”
Tôi vẫn chưa phục hồi được tinh thần.
Việc tôi làm thật sự rất mù quáng ư? Tôi đã làm sai điều gì đó ư?
Ti Viễn nhìn mãi một khung tranh nhỏ treo trên đầu giường, cười hì hì nhìn tôi: “Thầy ơi, bức tranh này đáng yêu quá nhỉ, tặng em nhé, cứ coi như là quà xuất ngoại đi.”
Tôi ngơ ngác, vô ý thức mà gật đầu.
Có thứ gì đó bay vụt tới, đập trúng vào đầu tôi.
Cúi đầu nhìn xuống, là chiếc gối trắng muốt của tôi. Ti Viễn lăn lộn cười như điên trên giường.
“Thầy ơi là thầy, mặt anh trông ngốc quá đi mất, cứ như kẻ đần ấy. Thật muốn túm anh vào bao đem sang nước ngoài!!” Ti Viễn chống đầu cười cười nhìn tôi, nhìn tôi từng bước một đi tới, quấn cậu ta lại tên giường hành hung một trận.
“Dám đánh thầy, tôi thấy hình như cậu chán sống rồi ——– có phải chán sống rồi không hả ———” Tôi nghiến răng nghiến lợi nói.
Ti Viễn vui vẻ cười to, hệt như không phải tôi đang đánh cậu ta mà là đang gãi ngứa cho cậu ta vậy.
“Đủ rồi đủ rồi, em thật sự cười đủ rồi mà…….. Cười đến đau bụng rồi……” Ti Viễn giãy ra, khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ bừng lên, “Đã lâu rồi em không cười lớn như thế, thật nghẹn chết em rồi.”
Tay tôi khẽ dừng một chút, vẻ mặt có chút hoảng hốt.
“Sao lại trưng ra bộ mặt đó chứ. Cũng đâu phải là vì anh đâu.” Ti Viễn bật cười nhìn tôi, sau đó gỡ cái chăn đang quấn quanh mình ra, ngồi xuống, “Là do cha em trước kia quản em, ngày nào cũng nhốt em trong phòng, thật khiến em nghẹn chết, cứ nghĩ đến việc một ngày mình có thể ra nước ngoài, thoát khỏi sự khống chế của ổng là em lại thấy thật vui vẻ, nên em liều mạng học tiếng Anh, không ngờ mình có thể học nhanh như vậy đó ——— em đúng là thiên tài mà ———” cậu ta cười hì hì nói.
Tôi kinh ngạc. Đi nước nào?
“Hà Lan. Em muốn tới đó, tìm bạn trai rồi kết hôn, cho cha em tức chết mới thôi.” Ti Viễn ha ha cười.
Thật à? Tôi nghiêng người liếc cậu ta.
“Đương nhiên rồi, chứ không sao em tự dưng lại chọn nước đấy chứ. Em đâu có giống người nào đó, trốn ở một góc xó xỉnh tự liếm miệng vết thương.” Ti Viễn hừ hừ âm mũi, “Em đã quyết chuyện gì thì sẽ làm cho bằng được, mặc kệ người ta nghĩ gì.”
Tôi khâm phục nhìn cậu ta.
“Cậu nhất định có thể tìm một người thực sự yêu mình, thực sự thực sự yêu mình.” Tôi khẳng định.
Ti Viễn nghiêng đầu nhìn tôi, trên mặt là nét cười thản nhiên. “Đúng vậy, em tài năng thế này nhất định sẽ tìm được một người còn tốt hơn, sáng sủa hơn, dịu dàng và đẹp trai hơn thầy!”
“Đừng có lấy tôi ra so sánh có được không hả?” Tôi dở khóc dở cười, “Tôi cũng đâu có đẹp trai.”
“Ừ nhỉ.” Cậu ta vẫn thản nhiên cười. “Thầy sắp ba mươi đến nơi rồi, già quá rồi ”
“Ừ……”
“Hơn nữa lại chẳng dịu dàng gì cả, ngoại hình cũng quá bình thường.”
“Ừ……”
“Lại còn ngốc nghếch, đến giờ vẫn chẳng hiểu gì cả.” Cậu ta cười, trong mắt lại vương ánh lệ.
“Ừ……”
“Hành động lời nói đều làm tổn thương người khác.”
“Ừ……..”
“Còn vô cùng ngu ngốc nữa, thế mà vẫn tha thứ cho em……” Ti Viễn túm chăn cuốn vào mặt tôi, cọ xát lung tung, sau đó ngừng lại, tựa vào người tôi, nước mắt thấm qua tấm chăn ướt đẫm vai tôi, “Sao anh lại ngốc thế chứ, ngốc đến mức……. khiến em không thể không thích anh……”
Chăn chắc chăn đã ướt hết rồi. Rồi tôi lại hốt hoảng nghĩ bức tranh Ti Viễn lấy kia thật ra là của Dịch Khiếu. Không biết điều ấy có thể tính là một hình thức, thay mặt Dịch Khiếu, tha thứ cho người này không.
Bữa cơm chiều ngày đó Ti Viễn nấu, tôi thật không ngờ cậu ta còn có tuyệt chiêu này. Chúng tôi ngồi đối diện nhau ăn cơm, không ngừng vì để tranh đoạt đồ ăn trên bàn mà “đánh nhau”. Cuối cùng có ăn no hay không tôi không biết, chỉ biết là mình cười no rồi. Ti Viễn nằm trên mặt đất sống chết cũng không chịu đứng dậy, nói mình cười đến đau bụng phải nghỉ ngơi một chút. Tôi báo thù giẫm hai chân lên, hài lòng vô cùng để lại dấu giày trên lưng cậu ta: “Cậu phải đem dấu giày này của tôi sang Hà Lan nhé, cứ nói với bọn họ, đến vé máy bay cậu cũng muốn tiết kiệm, bị tôi một cước đạp sang bên đấy.”
“Được, cho anh đá, em tiết kiệm được khối tiền.” Ti Viễn đứng lên, đi tới mở cửa sổ phía trước, “Làm ơn đá chuẩn một chút, đừng đá em bay nhầm sang Mỹ đấy.”
Cậu ta cứ thế đứng chắn trước cửa sổ, sắc vàng của nắng chiều uốn lượn theo dáng người của cậu.
Hệt như sắp bay lên, ánh mặt trời trên mái đầu của cậu ta chợt lóe, từng tia từng tia thấm vào trong từng sợi tóc.
Sau đó đột nhiên một đôi cánh bên đen bên trắng hiện ra, giang rộng, muốn bay lên…… bay lên……
Cậu đâu cần tôi đá, cậu có cánh, có thể bay mà……
Cậu ta thong thả quay lại nhìn tôi. Em có cánh á? Màu gì vậy?
Tôi nghĩ mình bị hôn, nước mắt không ngừng được mà rơi xuống.
“Không muốn sao?” Cậu ta khẽ rời ra, hỏi, “Uất ức ư?”
“Không phải……” Tôi đáp, “Mà là cảm động, không biết vì sao mà cảm động.”
Cậu ta trầm ngâm nhìn tôi. Tôi nghĩ cậu ta đang nhìn mình, nhưng vì khuất bóng nên tôi không thể nhìn rõ vẻ mặt cậu.
“Nếu không thích, anh hãy kêu em ngừng lại.” Cậu ta nói.
Bên cánh màu đen nhẹ nhàng trùm xuống, ôm tôi vào trong. Trên người tôi chẳng có chút sức lực nào, mơ mơ hồ hồ biết điều này là không được, nhưng lại chẳng thể ngăn cản.
Là tôi thiếu nợ cậu ta, hay là cậu ta thiếu nợ tôi? Người phải cầu xin Thượng Đế tha thứ là cậu ta, hay là tôi?
Ha ha, ha ha…… Ha ha ha ha……
Trước ngực truyền tới tiếng cười rầu rĩ của cậu ta, chấn động hệt như tiếng sấm rền vang.
“Thầy……. thầy…… thầy thật đúng là không phải người thường…….” Cậu ta ghé vào hõm vai tôi cười không ngừng, nâng người tôi lên, “Em chỉ đùa anh thôi, em cũng không muốn đến một lúc nào đó sẽ bị anh đá văng đi đâu.”
Tôi không nói gì, nhìn lên trần nhà nhà mình. Sẽ đá văng đi ư? Sẽ đá đi ư? Đá đi ư? Đá đi ư?
Thật ra, anh đồng ý gặp em, em cũng đã rất thỏa mãn rồi.
Cậu ta thì thào nói, sau đó đứng lên thu dọn thùng đồ, vali của mình.
“Em phải đi rồi.” Cậu ta nhẹ nhàng nói.
“Máy bay đã cất cánh mất rồi.” Tôi nhìn cậu.
Cậu ta nở nụ cười, khuôn mặt bị nước mắt che phủ. Nhưng mà tàu hỏa đã chuyển bánh đâu.
Ngày mai bay à?
Ừm.
Tôi đến tiễn cậu nhé?
Anh có vé tàu à? Chuyến tàu tám giờ tối nay ấy.
Tôi sẽ đứng tiễn cậu ở trạm.
Thôi thôi. Nếu muốn tiễn thì đến nhìn em bị cha dìm cho một trận ở sân bay ấy.
Khi nào thì quay về?
Khi em có thể hãnh diện đứng trước mặt anh. Khi Dịch Khiếu…… bằng lòng tha thứ cho em.
Có lẽ, cậu ấy sẽ mãi mãi không tha thứ cho em.
Sẽ không như vậy đâu.
Hai đứa đều là những đứa trẻ ngoan. Trái tim hai đứa đều xinh đẹp tựa thạch anh vậy.
Cậu cũng vậy. Mà em ấy cũng thế. Em ấy sẽ tha thứ cho cậu, dùng một phương thức đặc thù nào đó.
Ti Viễn mang bức tranh Dịch Khiếu cho tôi lên máy bay bay sang Hà Lan. Ở trên máy bay cậu ta cẩn thận lấy bức họa ra vuốt ve thật lâu, đầu ngón tay khẽ khàng lướt qua từng nét mực.
…
Rất nhiều năm về sau, khi tôi nhìn thấy cậu ta, cậu ta đã công thành danh toại. Cậu ta chính là một người không bao giờ chịu thua như thế, khi cậu ta muốn nở mày nở mặt, người ta có ngăn cũng chẳng ngăn được.
Cậu ta ngồi đối diện tôi, ăn lẩu, uống bia, chuyện trò vui vẻ, hăng hái vô cùng.
Tôi nghĩ tất cả chuyện này đều thật khác lạ, thiếu niên ngây ngô ngày xưa rốt cục trở thành một thương nhân thành thục hôm nay, tinh quang nội liễm, thông minh mà giảo hoạt.
Nhưng lại có một điều mãi mãi chẳng bao giờ thay đổi. Ví dụ như – khi cậu ta nhìn thấy tôi mang theo một chuỗi vòng cổ làm từ vỏ đạn cũ – vẻ mặt của cậu…
Tôi nghĩ, chắc hẳn mọi chuyện đều là ý trời cả.
Ti Viễn, Dịch Khiếu, và tôi, mỗi người dùng một hình thức của riêng mình mà tồn tại, bắt đầu lại từ đầu.