Coi chừng lối đi !
Bốn chữ này dường như khắc bằng một vật bén nhọn, song nhìn cho kỹ mới nhận ra, tựa hồ người dùng móng tay khắc nhẹ lên, song lẽ nét khắc nhất định là của hàng nữ lưu, chỉ vì nét khắc mỏng nhỏ mà móng tay của nam nhân không bao giờ có được.
Cừu Thiên Hiệp dùng bàn tay sờ nhẹ lên mặt bàn nhận thấy vết tích quá sâu, chứng tỏ người khắc ra mấy chữ này không phải là hàng liễu yếu đào tơ mà hạng nữ lưu anh kiệt.
Chàng cúi đầu trầm mặt và nghĩ ngợi mông lung, lại tưởng:
Lấy theo thời gian mà luận, thì vết khắc này chính là hành động của bóng đen ném ám khí, lúc bóng đen phi thân lên ngọn ngô đồng, hắn mượn bóng cây rậm mà chuồn vào cửa sổ phòng chàng, mà vẽ lên mấy nét như thế ! Theo chiếc bóng mà luận, thì người này mặt trường bào, chứng tỏ chiếc bóng đen là hạng mày râu nam tử.
Có phải là cái bóng đen mà ta đã thấy lúc trước hay chăng ?
Chắc đúng như thế ! Tuy chiếc bóng bay tới thoắt lui chập chờn chỉ hiện ra trong chớp mắt, nhưng chính mình thấy chiếc bóng xuất thủ ném ám khí vào bốn tên bảo tiêu sư, dáng vóc giống hệt chiếc bóng đen trước không sai một mảy.
Nhưng chiếc bóng nọ là ai ? Cừu hay bạn ?
Cừu Thiên Hiệp là hạng người thông minh, mẫn tuệ trí hóa hơn người, nhưng chàng càng nghĩ càng thấy mơ hồ, càng luận càng suy, lại càng không tìm ra manh mối kẻ lạ là ai ? Sau những mờ mệt, chàng đưa tay khoát thổi ngọn đèn rồi lên giường yên nghỉ.
Sau khi nằm thẳng trên giường, Cừu Thiên Hiệp trăn trở mãi không yên, đầu óc rối loạn bởi những chuyện không đâu, dồn dập xảy đến với chàng.
Sau khi ra khỏi địa huyệt, thì một chuỗi câu chuyện dài vây quấn lấy mình, khiến cho tâm trí con người như từ cung trăng rớt xuống đại địa. Câu chuyện xảy ra không thể được.
Bích Lệ Hồng, Lịch Huyết Kiếm và ta vô cớ đã trở nên mối Huyết cừu !
Phật diện kim thân Ngộ Phi đại sư, vô cớ mời hội ước.
Đã hai lần trông thấy chiếc bóng đen bí mật, nhưng bốn tên bảo phiêu sư khi nghe đến tên mình, đột nhiên tỏ vẻ khiếp sợ hãi hùng.
Chốn giang hồ lại xảy ra một câu chuyện mơ hồ nghi hoặc, về hành động bí mật, khủng bố của một chàng thiếu niên cao thủ, mà thiên hạ đồn đãi và thần thánh hoá câu chuyện !
Cừu Thiên Hiệp miên man nghĩ ngợi và thiếp đi một giấc mơ dài.
Hôm sau khi trống lầu đã trở canh năm, báo hiệu trời sắp sáng, bốn bang bảo phiêu cuộc đã thức giấc họ bươn bã đẩy bốn chiếc xe hàng hóa rời khỏi khách điếm ...
Khi ánh sáng mặt trời soi thấu cửa song, Cừu Thiên Hiệp mới giựt mình thức giấc, chàng bèn gọi chưởng quỹ tính tiền phòng, rồi mới rời khách điếm.
Trên bước lộ đường, những tiếng đồn của mọi giới về hành động của chàng thiếu niên cao thủ, họ nói hắn làm thế nào chống nổi mỗi bang mỗi phái, hoặc tiêu diệt nổi quá trình hoạt động của các danh môn, chánh phái thời bấy giờ.
Cừu Thiên Hiệp nghe bên tai rõ mồn một lời bình luận của mọi người, tuy nhiên hành động của chàng thiếu niên cao thủ không rõ được mười phân, chứ thâm tâm chàng lại nghĩ hễ kỳ nhơn tất có kỳ sự, tuy những lời đồn là những nguồn tin không xác thật, nhưng ở đời có câu chó đâu chó sủa lỗ không, chẳng phường ăn trộm cũng quân đứng đường !
Chàng bèn để bụng những lời nói này, mà dụng tâm lưu ý đến những việc xảy ra hẳn tìm sự hư thật.
Chàng vừa đi vừa nghĩ ngợi:
Nếu gã thiếu niên cao thủ kia là danh môn chánh phái, thì nên tìm đến kết thân đổi trao võ thuật, còn trái lại hắn là phường độc tâm cước phu, thì cũng cố tìm hắn để trừ khử !
Chàng cúi đầu cất bước rất nhanh. Ngày nọ khi vầng đông vừa ló dạng thì chàng đã đến cửa Tiềm Long Cốc.
Cừu Thiên Hiệp lo ngại và cố tránh những điều cấm kỵ của thần y Hoa Tử Phong, vì thế chàng không dám đường đột đi ngay vào cốc động mà lần lên ngọn cao phong cúi đầu nhìn xuống cốc động quan, chỉ thấy nhà tre mái cỏ vẫn như xưa, song quang cảnh vắng lặng như bức tranh u u liêu lạc.
Chàng lại suy nghĩ:
Thực là một nơi vắng lặng u nhàn, cõi đào nguyên tại thế, khác xa cõi đời cát bụi, rất xứng đáng cho những ẩn sĩ, danh sư trú ngụ, ví như có bỏ xác tại đây nắm xương tàn cũng được đôi phần an ủi ... vì xa hẳn sự uể trược bụi đời.
Qua mấy khắc sau, Cừu Thiên Hiệp vận dùng luồng chân khí, cố bắt chưóc Thước y du long Thượng Quan Kiệt lúc trước. Khi đến đây phải hú lên những hơi dài báo cho lão thần y Hoa Tử Phong biết trước, chàng bắt đầu hú một hơi thật dài.
Tiếng hú cao nhẹ du dương, làm cho cả núi rừng hưởng ứng, ngân vang lên như gió cuộn ba đào.
Chàng thầm tính chắc là Thần y Hoa Tử Phong đã nghe tiếng hú vội ra khỏi mao lư, thì lúc đó chính mình mới được quyền đi vào hang sâu. Không ngờ tiếng hú dứt đã lâu, vẫn không thấy động tịnh gì, hình dáng của thần y Hoa Tử Phong vẫn vắng bặt.
Cừu Thiên Hiệp lấy làm lạ, chép miệng bảo thầm:
Có lẽ, thời gian mài dũa thần y Hoa Tử Phong đã lãng tai, không nghe chứ gì ?
Vì nghĩ như thế nên Cừu Thiên Hiệp thò đầu xuống miệng hang, tận dụng hơi thở hú một tràng dài, lần này tiếng hú thật trầm hùng, như rồng ngâm hổ rống vang dậy khắp bốn bề rừng núi.
Tiếng hú dứt, chỉ thấy rừng cây vắng lặng, lá úa đua rơi, dường như phiến đá chìm vào biển cả, từ phía dưới cốc động không vang lên tiếng động nhẹ nào, gian nhà tranh vắng lặng, ngoài những tiếng rì rào của cành tòng rặng liễu, tuyệt nhiên không có tiếng động nào khác.
Cừu Thiên Hiệp quá nóng ruột, liền cố gắng hú gọi lần thứ ba.
Tiếng hú vừa dứt, chàng không đợi phản ứng phía dưới nữa, mà uốn mình như vành cung bật ngược lên cao năm trượng, giữa khoảng không dùng thế Vân long hiện vĩ đầu hạ xuống đất, chân giơ lên trời như mũi tên nhắm vào đáy hang vọt mạnh xuống.
Khi rơi vào giữa đáy hang, trước thềm nhà cỏ, Cừu Thiên Hiệp quan sát cảnh vật, tâm thần rúng động mãnh liệt, linh tánh báo hiệu cho chàng biết đã có một biến cố gì xảy ra ...
Chỉ vì trước cửa mái tranh bụi đóng đầy cả tấc, lá rụng ngập thềm, nhện giăng trước cửa, tựa hồ như một ngôi nhà hoang giữa cảnh tiêu điều buồn bã.
Cừu Thiên Hiệp xô mạnh phên cửa, bước vào nhà vừa cất tiếng kêu to:
- Hoa lão tiền bối ! Hoa ... Ối trời !
Nguyên đôi mắt chàng vừa nhìn kỹ giữa nhà bất giác kêu lên thất thanh, chỉ vì chàng đã thấy giữa gian phòng khách dấu máu chảy loang, mùi tanh thối xông lên nôn mửa, bàn ghế ngổn ngang không còn thứ tự như trước. Bách Thảo đường hai cánh cửa lớn mở hoác ra, trên mặt đất đầy những ve to bình nhỏ, các loại cao, đơn, hoàn, tán đổ ngổn ngang, rõ ràng bị người đập phá, gây loạn.
Cừu Thiên Hiệp càng thêm phẫn nộ, vội chạy bươn bã ra phía sau, miệng không ngớt kêu inh ỏi:
- Hoa tiền bối ! Tiền.....bối ở đâu ? Hoa tiền bối đâu ?
Khi chàng bước vào giữa gian nhà, bức họa Thần nông do nhà danh họa Ngô Đạo Tử trước tác, được treo giữa nhà như bức hoành phi, trên bức họa Thần nông có nhiều vết máu đã khô đặc, vẽ thêm bốn chữ bằng máu Cừu Thiên Hiệp giết !
- Trời hỡi !
Cừu Thiên Hiệp kêu rú lên kinh khủng, dường như một nhát búa bửa mạnh vào đầu, đôi mắt tóe lửa hoa lên, tai ù như sấm động, mặt nóng như phỏng dầu, toàn thân chàng run lên bần bật, suýt ngã, chàng với tay vịn lấy chiếc ghế tre để khỏi ngã gục.
Chàng cố vận dụng nhãn quang quan sát nét bút, theo sự nhận xét thì người viết dùng vải vụn quấn lại làm bút, chấm máu làm mực, viết theo lối thảo chân, nên khó giảo nghiệm được, chàng cúi đầu nghĩ ngợi.
Một khắc đã qua chàng vội bước nhanh ra sau hè, đấy là khoảng vườn trồng bá chủng thảo dược, nhưng chàng vội chùn bước vì chàng thấy trước mặt có sáu nấm mồ mới đắp, trước nấm mồ bên tả dựng một phiến đá to, dùng chỉ lực khắc một dòng chữ như sau:
Nhứt đại võ lâm thần y Hoa Tử Phong chi mộ.
Nấm mồ bên tả lại khắc:
Vũ nội nhứt lưu kiếm khách, Tuyệt tình kiếm, Thiết thương hận chi mộ.
Ngoài ra còn bốn nấm mồ con, Cừu Thiên Hiệp tối mặt không muốn xem nữa, đấy là bốn nấm mồ của bốn tên tiểu đồng hái thuốc.
Quả là trảm thảo trừ căn, chặt cùng giết hết, thật là một tên tán tận lương tâm, độc hơn sài lang thủ đoạn hơn hổ, báo.
Cừu Thiên Hiệp tưởng đến Tuyệt tình kiếm là hàng sư môn trưởng bối, còn Hoa Tử Phong là người ân đã có công chữa thương trị độc. Đột nhiên niềm bi phẫn trào lên tận cổ, bất giác rưng rưng mấy giọt anh hùng lệ.
Đột nhiên chàng chép miệng thì thầm:
- À ... à ... ta đã hiểu, sở dĩ Lịch Huyết kiếm đã cùng ta liều mạng, để rồi phải chịu tự ải, việc này tất có liên quan !
Thật là cái oan khúc tầy trời ! Một chuyện mà ta phải giải khai cái mê này mới được.
- Hừ !
Một tiếng hừ nhỏ nổi lên, làm Cừu Thiên Hiệp đang trầm tư bỗng giật nẩy mình tỉnh dậy.
- Có người !
Vừa thốt ra hai tiếng nhỏ, thân mình chàng như chiếc phao thăng thiên, nhảy dựng lên đứng trên phiến đá, vừa đưa mắt nhìn bốn phía, chỉ vì ánh thái dương vừa hé mọc, nên nhiều vầng sương mù còn xông tỏa lờ mờ, chàng chợt thấy một điểm đen mau như chim bay điện xẹt, chớp mắt đã biến mình chìm trong lớp khói mù sau rặng cây xanh ...
Cừu Thiên Hiệp phẫn nộ đến cùng cực chính mình lại bị người theo dõi như bóng với hình, mà không hay biết gì cả, đã rõ người lạ có môn pháp khinh công tuyệt luân không tưởng được.
Chàng thầm đoán người này không ai lạ hơn mà chính là kẻ được cách giới giang hồ nhắc nhở và đồn đãi tên thiếu niên cao thủ. Phải đuổi theo cho kỳ được ! Vừa nghĩ đến đây, chàng lắc mình vượt qua Bách Thảo đường.
Cừu Thiên Hiệp vì quá phẫn nộ nên tung mình lên cao mấy trượng, đã qua lại giữa khoảng không, đột nhiên thân mình chàng đáp xuống đất ... thì chợt thấy ở góc viện có một bóng người đứng co ro núp trong bóng tối.
Nhanh như chim cắt vồ gà, ngũ chỉ của chàng vươn ra như vuốt hổ chụp nhanh vào bóng kẻ lạ, thuận thế chàng điểm nhanh vào các ngôi huyệt đạo lớn, đồng thời vươn tay kẹp nách hắn xách đến trước cửa nhà, ném mạnh xuống sân và gằn giọng bảo:
- Tưởng ai lại ... hóa ra ngươi !
Nguyên người này là Không không môn Phú giáp thiên hạ Ngô Trung Sanh.
Ngô Trung Sanh mặt xám như đổ chàm, đôi mắt nhìn trực thị mũi thở phì phì, tựa hồ như người câm, mấp máy đôi môi nói không ra tiếng ...
Cừu Thiên Hiệp phẫn hận gào lên:
- Ngươi lại đây lâu mau ? Và người chạy là ai, nói mau !
Ngô Trung Sanh nhăn mặt nhíu mày, mấp máy đôi môi mấy lượt song chẳng thốt ra lời, hơi thở phì phò như trâu, tay chân co ra một cách thảm hại vì hắn bị điểm vào huyệt nên bị câm !
Cừu Thiên Hiệp chợt hiểu vội cúi người xuống thấp đưa hai ngón tay vuốt nhẹ vào á huyệt giải khai huyệt đạo cho hắn.
Ngô Trung Sanh kêu lên hai tiếng ối chao nghe rất đau đớn. Tứ chi hắn run lên bần bật, vội ngã người nằm sấp trên mặt đất giống con Ô quỉ, bằng giọng nói thiểu não:
- Lão ... thiếu gia ... Cừu Thiên Hiệp ... Xin tha mạng. Xin ... tha ... mạng !
Cừu Thiên Hiệp trông thấy vẻ mặt hắn đau đớn đến cùng cực, nên động lòng thương đưa tay giải hết các đại huyệt cho hắn vừa từ tốn bảo:
- Ngươi ở đây lâu mau ?
Ngô Trung Sanh chớp mắt mấy cái, bằng giọng nói đau đớn tiếp lời:
- Nghe tin vị thần y bị người sở hại, lúc sanh tiền người đã nghiên cứu và chế tạo nhiều loại thuốc ly kỳ, vì thế khi mãn phần ắt còn lưu lại ít nhiều ... do đó ... ta mới đến ...
Vừa nói, hắn vừa cho tay vào bọc lấy ra mấy cái bình thuốc nhỏ, hầu minh chứng lời nói của hắn là thật.
Cừu Thiên Hiệp phun một bãi nước miếng vừa gằn giọng bảo:
- Xì ! Thật là phường đạo chích ! Thừa cơ nước đục thả câu !
Ngô Trung Sanh tỏ vẻ kinh hoàng nói:
- Tiểu nhân không rõ thiếu hiệp còn ở lại đây, nếu tiểu nhân biết, dù có to gan lớn mật thế nào, cũng không dám mạo tử vào đây để làm gì !
Cừu Thiên Hiệp bất giác hỏi lại:
- Ngươi nói còn ở lại đây ? là ngươi muốn bảo ta ...
Ngô Trung Sanh nhanh miệng đáp:
- Vì tiểu nhân nghĩ sau khi Cừu thiếu hiệp thì hành một việc và bỏ đi, thì thiếu hiệp còn trở lại Tiềm Long cốc lần thứ hai để làm gì ? Vả lại Hoa lão thần y đã không còn ai hậu duệ, không dưỡng tử, lại không có một tên đệ tử chân truyền ... sở dĩ ...
như ... thế nên ...
Cừu Thiên Hiệp quát to lên:
- Ngươi bảo ta thi hành một việc ... rồi bỏ đi, vậy ta làm gì hử ?
Ngô Trung Sanh tái mặt lập cập:
- Sự thể ... còn đó ! Trên chốn giang hồ ai lại không rõ, ai lại không hiểu !
Có lẽ quá sợ, nên Ngô Trung Sanh đưa ngón tay chỉ vào nhà, vừa đưa mắt nhìn Cừu Thiên Hiệp.
Cừu Thiên Hiệp chột dạ rống to lên:
- Câm mồm ! Ai bảo ngươi rằng ta hành động như thế ?
Ngô Trung Sanh cả kinh kêu lên thất thanh:
- A ! Không phải ! Vậy ra không phải..... thiếu hiệp ?
Vì hắn sợ đến tột bực, nên đôi chân run lên bần bật, ngã quỵ xuống đất, hai tay ôm lấy đầu rền rĩ.
Cừu Thiên Hiệp thấy hắn quả sợ nên dịu giọng:
- Ngươi hãy bình tâm nghe ta hỏi, ai đã điểm huyệt ngươi và đem giấu vào hốc đá, lúc chưa xuất thủ ngươi có nhận rõ hắn là ai không ?
Ngô Trung Sanh bớt sợ, bằng giọng nói êm thưa:
- Thiếu hiệp ! Lúc tiểu nhân vào đây không bao lâu, chợt thấy một bóng người dao động, nhanh như cắt một luồng kình phong xoáy mạnh vào á huyệt, tiếp đấy khảm huyệt bị khóa ngay, thành thử tiểu nhân đứng trơ như tượng gỗ, người đó lại đẩy ra song chưởng đánh tiểu nhân lọt vào hốc đá này, rất may nơi đây là hầm cỏ nên tiểu nhân thoát chết ... vì thế tiểu nhân không rõ mặt mũi của người đó ra sao cả ! Chẳng nhẽ người giáo huấn tiểu nhân lại không phải là thiếu hiệp ư ?
Cừu Thiên Hiệp lắng nghe hắn nói một hơi dài vừa tức cười vừa ngộ nghĩnh, nên dịu dàng bảo:
- Xì, ngươi đã thấy tên quỷ sống đó ! Vì cớ nào mà ngươi lại đoán người đó là ta ?
Ngô Trung Sanh mơ hoảng lên đáp vội:
- Chẳng phải người ? Thiếu hiệp ! Người đã đùa với tiểu nhân ư ! Không ! Dù cho mười tên Ngô Tiểu Sanh đầu thai chuyển kiếp, vẫn không quên ơn thiếu hiệp đã nhẹ tay, tiểu nhân ... ừ ! Không phải thiếu hiệp ! Tiểu nhân..... Cừu Thiên Hiệp thấy hắn nói vòng quanh chỉ một câu, nên vội khoát tay chận lời, hét to lên:
- Ta hỏi ngươi, tại sao ngươi đoán nhận người đó là ai ?
Ngô Trung Sanh sợ xám mặt, bằng giọng nói thất thanh hốt hoảng:
- Không phải thiếu hiệp ! À ... không ! Thiếu hiệp bảo không ! Tự nhiên là không !
Đúng rồi ... tiểu nhân ...
Cừu Thiên Hiệp thấy hắn nói vòng vo lục quốc, không ra câu nói nào cả, nên vẫy tay phất nhẹ vào hai chân hắn giải huyệt, đồng thời cao giọng quát to như sấm nổ:
- Ngươi đi khỏi đây mau !
Vừa quát dứt, Cừu Thiên Hiệp tung hai chân đá mạnh vào mông Ngô Trung Sanh một cái đá Tam tảo ngũ mái thế mạnh thần tốc, Ngô Trung Sanh cả kinh kêu lên úy chết ! thân mình hắn bị nhấc bổng lên cao, văng bắn ra ngoài hàng rào trúc, rơi mạnh trên bãi dược thảo, hắn cố gượng đứng dậy, ôm đầu chạy như bay, chẳng khác nào con chó nhà ma.
Cừu Thiên Hiệp nhận thấy lưu luyến nơi đây chẳng ích gì, bèn bước vào nhà, khi đến giữa phòng chàng với tay gỡ bức trượng Thần nông cuốn nhỏ giắt vào mình, bèn lần bước ra ngoài, chẳng bao lâu chàng rời khỏi Tiềm Long Cốc mà nhắm hướng Trường An đi lần tới.
Ánh thái dương vừa khuất núi thì Cừu Thiên Hiệp đã đi đến thành Tràng An.
Trường An về đêm, chợ nhóm như thường, người qua lại thật ồn ào náo nhiệt.
Cừu Thiên Hiệp thấy không có gì cấp bách, bèn thả bộ ngang qua tòa Hư phế cổ lâu, lúc bấy giờ tòa cổ lâu đài chỉ còn trơ đống gạch vụn, và một vài thân cây cháy nám đen chen lẫn giữa mớ tro tàn, hoang cảnh trông thật là hoang lương buồn bã.
Chàng tính trở lại ngôi khách điếm củ, thuê chỗ nghỉ ngơi, rồi sáng hôm sau sẽ tìm đến Chung Nam sơn, viếng thăm mẹ con Nhất Đại Yên Cư, đồng thời xem cô em gái mãi võ Hắc Phụng có đến đấy hay chăng ?
Cừu Thiên Hiệp bước lần về hướng khách điếm, đứng xa xa nhìn thấy ngôi khách điếm, có vô số người vây quanh, tiếng nói vang lên ồn ào như buổi chợ, chàng không rõ xảy ra sự gì, nên nhan chân chạy vọt đến trước cửa khách điếm.
Chợt thấy trước cửa lớn ra vào khách điếm, bị hai vật to chắn mất lối đi.
Một cái là pho thần tượng Hộ pháp di đà, bằng đá xanh tạc thành, thần sắc oai phong lẫm liệt.
Còn một cái là chiếc đại hồng chung đúc bằng gang.
Cả hai món đồ để chắn ngang cửa ra vào khách điếm, dù cố ép mình cũng khó chui qua lọt.
Tên chưởng quỷ của khách điếm cố chui dưới chân bức tượng Hộ Pháp di đà, cái đầu hắn lọt vào khoảng giữa một bên là chân, một bên là cây Giáng ma bổng. Hắn chỉ ló cái đầu vừa tỏ vẻ bi ai kêu lên:
- Nhị vị Phật gia nên mở lượng từ bi, di chuyển bức thần tượng qua một bên, tiểu điếm nguyện làm lễ cúng dương nhị vị !
Hai bên cánh cửa mỗi bên đứng một vị hòa thượng.
Bên tả là một vị hòa thượng tuổi trạc trung tuần, mặc chiếc áo vạt ngắn màu nâu, phơi cái bụng phệ to, đầy lông lá, mặt lớn thịt vồng ngang, đầu tròn nhẵn thín hiện rõ chín dấu thọ trì hương, trên tay cầm tràng hạt mỗi viên chuỗi bằng thép cứng tinh luyện thành, lông mày rậm và dài khỏi khóe, lão nhắm mắt không nói nửa lời.
Bên hữu thì trái ngược lại, cũng một vị hòa thượng trạc trung tuần, ốm tong như cây sậy, toàn thân khô đét như da bọc xương, nhưng có đôi mắt xanh như mắt rắn chiếu ra những tia hung ác cực kỳ, trên vai đeo cây phương tiện sáng, hai tay chắp vào ngực nín lặng như kẻ trầm tư.
Hai vị hòa thượng nín im, dường như không nghe tiếng van lơn của tên chưởng quỹ.
Cừu Thiên Hiệp không rõ hai vị hòa thượng này từ đâu đến, nhưng tư cách và hành động thật là phường dối thế gạt người, nên người ta muốn đuổi không đi, muốn dời không đứng.
Bấy giờ, mọi người vây quanh để xem, ho đi dãn ra và không ngớt xì xầm nghị luận. Kẻ thì nói tên chưởng quỹ cố ý làm chuyện khuy tâm, người lại bảo hòa thượng là Phật Kim Cang, La Hán hạ phàm ...
Cừu Thiên Hiệp thấy hàng ngàn câu chuyện quái dị hoang đường thường xảy ra trên bước giang hồ, nhưng hiện giờ chàng muốn vào điếm nghỉ ngơi, nên không cần đến chuyện gì xảy ra. Hai tay chàng vẹt nhẹ những người đứng phía trước vừa cao giọng nói to:
- Xin các vị nhường bước cho tôi vào !
Trong khách điếm tên chưởng quỹ nhìn ra thấy Cừu Thiên Hiệp vốn là thân chủ quen, nên hướng vào vị hòa thượng mập van nài cầu khẩn:
- Đại sư phụ ! Xin người phát bồ đề tâm, từ bị hỉ xả nhường một lối nhỏ cho khách vào ...
Cừu Thiên Hiệp mỉm cười, nhìn tên chưởng quỹ vui vẻ bảo:
- Không cần phải nói ! Ta đã có cách vào trong !
Vừa nói dứt, chàng bước sấn lên bực thềm tay hữu nắm lấy cái quai chuông đại hồng, tay tả nắm lấy cánh tay bức tượng Hộ pháp, không tỏ vẻ nặng nề dường như cầm hai món đồ nhỏ, lại điềm đạm nói:
- Xin nhường lối đi ạ ! Hộ pháp thần !
Vừa nói xong, chàng giở cao lên, một phiến đá một khối đồng nặng trên ngàn cân, thế mà chỉ cái thẳng tay hai món đồ đã cao ngang đầu hai vị hòa thượng, chàng lại bước chân vào cửa, hai tay đặt nhẹ tượng Hộ pháp và chuông đại hồng trở về vị trí cũ, vừa trầm giọng nói:
- Tất cả trở về nguyên vị, ta chỉ muốn vào cửa, xin thứ lỗi.
Bấy giờ mọi người đứng vây quanh, ai ai cũng lắc đầu, thè lưỡi. Một khắc sau họ nhao nhao lên khen:
Hay tuyệt.
Ngay lúc đó, hai vị hòa thượng vụt mở mắt to, hòa thượng ngồi bên tả vươn tay phải ra phát mạnh, một điểm hàn tinh xạ ra như tên bắn, nhắm sau ót Cừu Thiên Hiệp kích mạnh. Cừu Thiên Hiệp tuy không quay đầu lại, song nghe gió biết ngay ám khí, chàng vẫn điềm tĩnh như không, tay hữu vụt đưa nhanh ra sau, dùng hai ngón tay kẹp mạnh vật ám khí, đấy là hạt chuỗi thép đen huyền, chàng bèn cất tiếng nói to:
- Ta sẽ giao trả vật này lại ngay, vì ta cần vào phòng an nghỉ !
Chàng vừa bước chân đi, phía sau lưng vang lên tiếng quát to như sấm:
- Tiểu tử, hãy đứng lại !
Cừu Thiên Hiệp không lẽ làm ngơ, nên quay mặt lại cười tủm tỉm hỏi:
- Có phải gọi ta chăng ?
Vị hòa thượng phì nộn ngồi bên tả đứng phắt dậy đưa tay nâng bức tượng Hộ pháp để sang một bên, một tay xốc xâu chuỗi thép nói rổn rảng:
- Ngươi là người gì ? Tại sao ngươi dám cản trở sự việc của Phật gia ?
Lão hòa thượng ốm tong ngồi bên hữu cũng đứng dậy rống to:
- Có phải ngươi muốn Phật gia siêu độ cho ngươi chăng ?
Tên điếm chưởng quỹ thấy hai vị hòa thượng có thái độ hung thần ác sát, sợ xảy ra đại sự, vội vòng tay khúm núm nói:
- Nhị vị Phật gia ! Xin nhị vị chớ phiền việc này tiểu điếm xin thay khách hàng chịu tội ...
Cừu Thiên Hiệp cười nhạt, đưa tay kéo tên chưởng quỹ lui ra sau, chàng bước nhanh tới trước, gằn giọng nói:
- Ai bảo các ngươi giở trò cản lối, vả lại ta đã nói trước hẳn hòi là đâu ta đưa về vị trí đó, thì có quan hệ hay sứt mẻ gì đồ vật của ngươi đâu mà nổi cáu hung hăng ?
Chẳng qua chốn này có Cố đô thắng địa, ta không muốn các ngươi hung ác, chẳng kể phép nước, luật trời và cái tội nặng nhất là làm nhục Kim diện Phật Như Lai, các ngươi hiểu chứ ?
Hòa thượng mập quay nhanh xâu chuỗi, vừa rống lên inh ỏi:
- Tiểu tử ! Ngươi dám ra mặt dạy bảo Phật gia hay sao chứ ?
Cừu Thiên Hiệp vờ như không nghe, tay cầm hạt chuỗi tung lên hạ xuống, sau cùng chàng ném mạnh vào giữa cái chuông đại hồng, bằng giọng nói trầm nặng bảo:
- Này Phật gia ! Chuỗi hạt của ngươi mất một viên ! Này trả cho ngươi đó !
Vừa nói dứt, thì phắt một tiếng ẪvèoỮ, hạt chuỗi ngọc bằng thép bay thẳng vào ngay mặt con rồng khắc trên cái chuông đại hồng. Con rồng bay đang mù đột nhiên có mắt, nội lực của chàng quá sung mãn, nên chỉ cái ném nhẹ mà hột chuỗi soi thủng gang thép dính cứng vào mắt con Phi long thật chẳng khác nào nhà danh họa tài ba vẻ rồng chấm mắt.
Mọi người đứng vây trước cửa khách điếm, trông thấy thế hoan hô và reo hò vang dậy, thật là một câu chuyện một ngàn năm một thưở.
Lão hòa thượng ốm tong như cây tre hơi xám mặt, song cố gượng quát lớn:
- Tiểu tử, ngươi chết đã đáng số !
Cừu Thiên Hiệp cười nhạt, đôi mắt sáng chợt nhìn thấy trên cái chuông đại hồng có khắc ba chữ Lữ Lương sơn, bèn cả cười hỏi:
- Các người từ Lữ Lương sơn đến đấy à ?
Hòa thượng béo tỏ vẻ đắc chí cười hô hố, làm rung rinh chiếc bụng đầy lông, vừa gằn giọng:
- Ừ, ngươi cũng biết đấy à ? Tốt lắm ... Phật gia sẽ siêu độ cho ngươi !
Cừu Thiên Hiệp cau mày khó chịu, gương mặt vui vẻ trẻ trung bỗng rắn lại, bằng giọng nói như ma lệnh trầm trầm:
- Hai gã hòa thượng ! Các ngươi thay thế Đại ma Thông Thiền tìm đăng viện mà đến phải chăng ? Vậy các ngươi chớ nên tỏ thái độ khinh đời ngạo tục ! Tạo con đường bất hảo ở đây chứ !
Nguyên Cừu Thiên Hiệp nhìn thấy ba chữ Lữ Lương Sơn đã đoán biết hai gã ác tăng này là hai tên trong nhóm Lữ Lương tam ma mà nhị ma là hòa thượng béo tên gọi Thông Tánh vị tam ma là hòa thượng gầy tên chữ Thông Linh.
Nhị ma Thông Tánh tay xốc xâu chuỗi thép, kêu rổn rảng, miệng hét như sấm động ba đào:
- Tiểu tử, ngươi là ai ?
Cừu Thiên Hiệp mỉm cười gương mặt đẹp trai phảng phất vài tia căm phẫn, bèn nặng giọng cả mắng:
- Không nên mở lời trái đạo làm tổn thương kẻ khác. Chẳng hay các ngươi đến đây để gây rối hay sao ?
Tam ma Thông Linh với tấm thân gầy guộc hắn rút cây phương tiện sang quay vòng trước mặt, liếc mắt ra hiệu với Thông Tánh đoạn đưa ngón tay chỉ vào mặt Cừu Thiên Hiệp quát to:
- Hay cho tiểu tử dám vô lễ với Phật đà tăng pháp ! Ngươi hãy lắng nghe ta bảo, chính chúng ta đang đi thăm dò và tìm kiếm tin tức đại sư huynh ta hạ lạc, người nói như thế tất nhiên ngươi biết rõ. Vậy hãy trả lời mau !
Cừu Thiên Hiệp thấy hai gã hung hăng mỗi lúc càng tỏ ra lý sự muốn bày điều gây gỗ bèn cả giận đưa mắt nhìn những người hiếu kỳ đang đứng hai bên vệ đường vừa quát to:
- Các vị nên tránh ra hai bên !
Những khách háo kỳ đang đứng xem nghe chàng nói thế tưởng đâu sẽ xảy ra trận thư hùng quyết liệt, tất cả đều sợ chiêu qua chiêu lại sẽ bị vạ lây, nên dang ra thật xa tuy vậy họ cũng cố chen nhau xem việc gì xảy ra ...
Chỉ thấy Cừu Thiên Hiệp xích chân tả về phía trước ngang chiếc đại hồng chuông, tay hữu đưa ra nắm lấy quai chuông nhấc bổng lên vừa quát lớn:
- Cút mau !
Chiếc chuông nặng trên trăm cân, bị ném tung lên cao, bay vun vút nhắm ngay giữa đường cái quan bay tới !
- Ầm !
Một tiếng động rung chuyển khắp mặt đất, chiếc chuông đại hồng rơi xuống giữa đường, lún sâu hàng thước, cát đá bị bể vụn bao lên dậy đất ngộp trời.
Cừu Thiên Hiệp vừa ném xong quả chuông, tay tả chống vào mạn sườn, tay hữu chỉ vào mặt hai tên ác tăng quát to:
- Đúng canh ba đêm nay, ta sẽ gặp mặt các ngươi phía Bắc thành khu Mã trường, chừng ấy sẽ nói chuyện sau nhé !
Dứt lời chàng quày quả đi vào khách điếm, không thèm quay trở lại, chỉ đi thẳng vào phòng an nghỉ.
Lữ Lương song tăng lấy mắt nhìn nhau, Nhị ma Thông Tánh cúi xuống vác pho tượng Hộ Pháp Di đà tam ma Thông Linh dùng cây phương tiện săng xéo nạy quả đại hồng chuông cả hai quá tức giận gầm rống lên:
- Không đến đó là ... tiểu nhân !
Kỳ thật ra Cừu Thiên Hiệp tính vào phòng, sớm nghỉ ngơi, mới bày ra trò ném chuông để thị uy, và thiển nghỉ nói vài lời Cống Quỳnh của ta thôi, chứ không chắc gì hai tên hung hăng nghe theo mà đến Mã trường.
Hai tên hung hăng đi rồi, những khách háo kỳ đua nhau bỏ đi tứ tán.
Tên chưởng quỹ của khách điếm lấy làm lo lắng cho Cừu Thiên Hiệp, nên vội đến phòng ngủ của chàng, xô cửa bước vào.
Lúc bấy giờ, Cừu Thiên Hiệp đang ngồi xếp bằng tròn trên nệp vận khí dưỡng thần.
Tên chưởng quỹ có lòng kính mến, nên nói những lời cảm tạ rối rít, sau cùng hắn nhẹ giọng:
- Tiểu khách quan ! Đêm nay khách quan nhất định đến Mã trường gặp họ chứ ?
Cừu Thiên Hiệp cả cười đáp gọn:
- Phải đến.
Chưởng quỹ tỏ vẻ lo lắng nói nhanh:
- Tiểu khách quan nghĩ kỹ lại ! Theo tôi thấy dường như hai tên hòa thượng có ý không tốt, tiểu khách quan nên dẹp bỏ đi thôi !
Cừu Thiên Hiệp gật đầu nói:
- Đa tạ tấm lòng của chưởng quỹ, nhưng mà sự ước hẹn là do ta đề ra, thì lý nào ta không đến ? Chưởng quỹ, ngươi hãy an tâm ... ta đã có cách !
Tên chưởng quỹ thấy chàng quá cương quyết, nên xét thấy nói thêm chỉ vô ích, bèn thở dài từ giã xuống nhà ...
Vành trăng non vừa chớm ửng tại hướng Đông, nền trời như rửa sạch chỉ còn một màu xanh ngắt, tiếng trống canh vừa điểm hai nhịp. Cừu Thiên Hiệp đẩy cửa song bước ra ngoài, nhận rõ phương hướng khu Mã trường, vội tung mình lên cao và trở thuật khinh công chạy như bay biến.