Trước đó, tuần báo Đông Phương đã thông báo với bà con đồng hương ở đây về ngày giờ nó ra đời ... Tiếc rằng ngày giờ này không phải là đúng sáu giờ của một ngày thứ sáu, mồng sáu trong tháng để nó có đủ ba con 6 tức 666, một dấu hiệu của ma quỷ!
Buổi văn nghệ chào mừng ngày ra đời của Ma Cỏ thực vui nhộn, thật thân tình, bao dung và cởi mở. Các quan khách, thân hữu đã đón tiếp nó như một đứa con, một đứa cháu yêu dấu, nhưng bất bình thường! Tiếng nhạc đệm cuối cùng chấm dứt, xa dần ... Quán trở nên vắng lặng một cách dị thường. Trời đã tối từ lúc nào khôn,g hay. Một tha^n hữu cuối cùng ra về bằng cửa sau, đã khẽ nói với tôi:
- Ông hại người ta rồi nhé ... Từ nay ai còn dám đi mua giầy ở chợ cũ nữa ... Không có tiền mua giầy mới, chỉ còn nước đi chân đất!
Tôi cười trừ ... rồi ngẩn người ra. Đến lúc tỉnh trí lại thì người bạn đã biến vào trời đêm. Ngoài bãi đậu xe chỉ còn ánh điện vàng vọt vương đầy...
Tôi quay trở lại quán, phụ với chị em Thanh Thủy dọn dẹp vì chương trình văn nghệ cuối tuần ở đây cũng sắp đến giờ khai mạc. Nhìn từng dẫy bàn trống, cái ồn ào đã lui đi để một khoảng trống thinh lặng bập bềnh, buồn vô cùng. Vừa cúi xuống nhặt mấy mảnh giấy lau tay, những chiếc xiên, muỗm vương vãi dưới đất, tôi vừa suy nghĩ về lời nói của bạn. Lời nói nửa như đùa, nửa như thực làm tôi bỗng băn khoăn. Tôi biết, thường mỗi lời nói của bạn đều khiến cho người nghe phải suy nghĩ. Thế ra, mình đã từng óan trách những con ma đói hành hạ người tỵ nạn, bây giờ chính mình lại dùng câu chuyện, lời văn để hành hạ nỗi cực khổ của kẻ khác ... của chính độc giả thương mến của mình mới đau chứ, những người đã không ngần ngại bỏ tiền bạc ra giúp mình, lại bị chính mình chơi xấu. Hóa cho nên mình cũng là một thứ ma cỏ rồi gì !!!
Mình là ma ư? Biết đâu đấy! Nhiều con ma, nhất là loại ma cà - rồng, chính nó không biết nó là ma mà ... ban ngày thì sinh hoạt như người thường, cũng đi làm ăn, kiếm "bob", nhất là lại có tài tán đào, chài kép hơn người thường rất nhiều. Nhưng về đêm, tới một giờ linh nào đó, nó trở thành ma, và làm những hành động của loài ma cỏ! Còn tôi ...
Tôi vội đứng lên, trước mạt kia, có một tấm gương lớn treo sẵn trên tường, trog bóng đêm mờ mờ của ngọn đèn xanh lét từ phía sân khấu hắt qua, tôi ngập ngừng xê dịch tấm thân mệt mỏi tới bên gương, lấm lét nhìn bóng mình: Chao ôi, may quá, trong gương vẫn hiển diện cái đầu bù, khuôn mặt hốc hác của cái thằng tôi ... Nhưng không sao, miễn là còn có bóng hình trong gương là may. Hú vía, tôi không phải là ma, hay ít ra là chưa biến thành ma là hạnh phúc rồi. Vì nếu tôi là ma, tôi đã chẳng có bóng hình hiển hiện trong gương kìa!
Trời về đêm, khí lạnh dâng tràn khắp nơi. Chào chị em cô chủ quá, gia đình tôi, vợ chồng con cái lủi thủi dắt nhau ra về. Ma Cỏ bán được không nhiều, vì khách đâu có bao nhgiêu, không trên một trăm người. Tuy nhiên, số tiền thu được hơn giá của những con Ma Cỏ đã bán được đi, vì nhiều thân hữu đã trả giá cái giá của chúng. Ông anh ruột đã mua một con một trăm đô la xanh!
Không có gì quạnh quẻ bằng khi trở về nhà sau một buổi tiệc vui, quá vui. Vợ chồng con cái chúng tôi vào căn động của Ma Cỏ, cái động được Quỳnh Giao đặt tên từ ngày Ma Cỏ được thai nghén, tối nay sao mà vắng lặng làm vậy. Tôi nghe thấy cả tiếng bước nhẹ trên thềm của thằng con út ra đứng đón chúng tôi bên cửa. Nó cũng làm thinh luôn. Đồ đạc dọn từ buổi ra mắt quăng bừa khắp nhà.
Cháu gái lớn ở nhà trông em khẽ hỏi:
- Xong rồi hả bố?
- Ừ.
- Bố có quay được videokông?
- Có chứ. Bố cũng đang định thử coi lại xem sao ... Chắc cũng chẳng đẹp gì, vì anh mày mới tập quay lần đầu.
Cả gia đình tôi ngồi quây quần trước TV. thằng con trai lớn điều khiển máy ... Những tiếng động u u vang lên rồi hình ảnh nhập nhòe hiện ra. Những rằn tối, sáng làm nhức mắt. Cuối cùng, hình ảnh ở quán Ngàn Phương cách đây mấy giờ đã hiện ra. Hình ảnh, âm thanh đều dở, nhưng có còn hơn không.
Những khuôn mặt thân quen đều đầy đủ, không thiếu một ai.
- Kìa có bà phù thủy ... Ai thế?
Đứa con gái lớn hỏi. Nhà tôi cười, hỏi lại:
- Con không nhận ra bà ta sao?
Bà phù thủy, với bộ đồ đen, chiếc mũ cũng đen, chóp nhọn và cao vút, có những chiếc tua vat vẻo, lượn qua lượn lại trước mặt. Một lúc khá lâu, các con tôi đều reo lên:
- A, biết rồi ... cô Quỳnh Giao ... Ha ha, đẹp dữ!
Ánh sáng của cuốn băng cũng lại không đêéu, lúc bật đèn pha lên thì sáng lòa, đôi khi khôn,g có thì cảnh vật lại mờ đi như chìm trong sương khói. Thỉnh thoảng vài khuôn mặt không quen hiện ra, nhà tôi lại hỏi:
- Ai kìa? Cô nào ngồi bên chị Trọng đẹp vậy?
- Cô Vân, bạn chị Trọng và Quỳnh Giao ... cũng có "job" giống như anh Tòng, Loan Officer.
Một chốc sau:
-Ai ngồi đầu bàn, phía ngoài , có bộ ria mép đó?
- Ông chủ tiệm may Thái's Tailor ...
- Ai ngồi bên Bác sĩ Phương Thúy?
- À, anh Trung.
Ánh đèn pha lại tắt, hình ảnh trở nên tối hẳn. Nhưng âm thanh vẫn ồn ào, người qua lại nhộn nhịp. Chị Trọng và Quỳnh Dao có mặt khắp nơi, từng bàn, từng bàn để bán Ma. Bà phù thủy đi bán Ma trong ngày lễ Các Linh Hồn (2) thì hợp cảnh vô cùng. Bóng áo đen của nàng thoăn thoắt, chốc chỗ này, lát chỗ khác ... tiền bạc trên tay cả xấp. Mấy đứa con tôi ngồi xem xít xa, khoái trá:
- Mai bố cho một chầu Pizza đi bố.
Tôi đáp ứng liền:
- Ừ ... được.
Bỗng nhà tôi lên tiếng, giật giọng:
- Kìa anh, ai kìa?
- Ai?
- Người mặc bộ áo phù thủy vừa đi ngang qua chỗ ông Nại.
- Thì Quỳnh Giao còn lảng vảng ở đây sau đêm Halloween mà thôi ...
Tôi nói giỡn cho vui vì thực sự lúc tôi nhìn lên thì cũng chỉ thấy có hình ảnh của Quỳnh Giao đang cúi xuống thối tiền ở gần bàn vợ chồng tôi.
Nhà tôi cãi:
- Không, rõ ràng thấy một cô nữa ... Chắc cô nào mới tới mà mình không hay.
- Đâu?
- Vừa thoáng đây mà.
Ánh đèn lại bật sáng vì Phương Thúy đã lên giới thiệu Lệ Thủy hát ...
Máy video lại lượn đi một vòng ... hai đứa tôi cố tìm kiếm cô phù thủy thứ hai, nhưng đâu có thấy ai ... vì làm gì có đến hai Quỳnh Giao?
Cuối cùng, buổi giới thiệu Ma Cỏ chấm dứt bằng mấy lời cảm tạ của tôi. Tiếng tôi nói nghe sao lạ hoắc! Chính mình không nhận ra tiếng mình mới kỳ chứ!
Cuốn băng thâu không tệ như lúc đầu tôi tưởng. Nhưng vì để tại một vị trí cố định, nên nhiều khi trên màn ảnh chỉ thấy một cái đầu to tướng của một vị khách ngồi trước ống kính.
Mấy bố con lại ngả thịt heo quay của Võ Sư Bão truyền tặng để đãi khách, nhưng còn dư khá nhiều, ra ăn tiếp, thực sự không phải là ăn tiếp ... vì trong lúc tiếp khách, vợ chồng tôi chưa ăn gì cả, nên bụng hiện đang đói meo.
Mười giờ, các con tôi lên lầu đi ngủ. hai vợ chồng còn ngồi lại, lúc này mới cảm thấy mệt đừ.
Tôi uống ly cà phê đen thường lệ. Nhà tôi ngồi bên yên lặng . Ngọn đèn nhỏ trong hồ cá chỉ đủ soi mờ mờ căn phòng "family room" rộng rãi.
Bỗng nhà tôi nói:
- Anh này, lúc nãy rõ ràng em thấy cô phù thủy thứ hai đi từ trên sân khấu xuống đi ngang qua bàn ông nội chúng nó ngồi.
Tôi cười:
- Chắc là cô Quỳnh Giao chứ ai.
- Không. Lúc đó Quỳnh Giao đang ở bàn các ông báo Trống Đồng.
- Thế ai? Người như thế nào?
- Tối quá không nhìn rõ. Với lại cái mũ đen rộng vành che cả mặt thì làm sao thấy được.
Tôi thở dài, cười chán nản:
- Cãi nhau làm gì nữa. Quay lại mà xem.
Nói xong, tôi đứng lên "rewind" cuốn băng, rồi cho chiếu lại từ đầu.
Tôi lơ đãng hỏi:
- Em thấy ở khúc nào?
- Lúc Diễm Châu vừa hát xong. Đúng Diễm Châu có dặn đừng pha đèn nên thàng con mình mới tắt đi.
Tôi kiên nhẫn ngồi xem những hình ảnh qua lại trên màn TV.
Cuối cùng, tiếng hát của "Dân ca chi bảo" cũng đến ... Bài Ngậm Ngùi được lồng với bài .. "Em Pleiku .. má đỏ môi hồng ..." vang lên, dìu dặt, dễ thương ... Giọng ca của Diễm Châu thực nổi .. trong vùng ánh sáng mờ ảo. hai đứa tôi hồi hộp theo dõi mọi người trên khung kính TV ... những nụ cười, những ánh mắt vui ... những miếng ăn thật tình ... và cuối cùng chả thấy cô phù thủy thứ hai của nhà tôi đâu ... làm nhà tôi hơi bực mình, giọng cắm cẳn :
- Thì ra mắt mình đã kém đến thế ư ? Rõ ràng mình thấy cô ta đi qua chỗ tấm gương kia mà ... !
Nhà tôi mệt mỏi, bỏ đi ngủ trước. Tôi còn một ít việc nữa phải làm xong, vì mấy bữa nay lo tổ chức buổi văn nghệ nên việc làm hàng ngày bỏ bê dễ sợ.
Một ly "rượu lễ " để lấy sức. Một ông bạn thân mới cho hai rượu này, thứ rượu mà chỉ có quý cha khi dâng lễ Mi-sa mới được dùng. Nhưng có nó là tôi cứ tự " làm lễ " lia lịa ... bất kể chủ nhật hay ngày thường, buổi sớm hay chiều hôm. Mùi rượu thơm, vị ngọt lịm từ đầu môi, chót lưỡi ... 18 độ nồng rưng rức.
Buổi ra mắt sách chiều nay kể như thành công mỹ mãn. Đó là nhờ những người đẹp như Thanh Thủy, Tuyết Minh, Lệ Thủy , Diễm Châu, Phương Thúy ... Giàu sang đến nơi lại phải nhờ tới tay của chị Trọng, phù thủy Quỳnh Giao ...
Tôi muốn xem lại cuốn băng một lần nữa, nghe lại những bãn nhạc mà người đã hát cho ta ... chẳng mấy khi .... Đúng chẳng mấy khi mà được cả bốn năm giọng ca vàng hát tặng mình ...
Cuốn băng được chiếu lại ... ồn ào ... cười nói ... hát ca ... và kìa, đã tới chỗ Diễm Châu hát ca khúc Ngậm Ngùi ...
- Rõ trông gà hóa quốc, một phù thủy thành hai.
Tôi vừa nhấp rượu vừa lẩm bẩm một mình. Và kìa Diễm Châu vừa ca dứt, đang bước xuống khỏi sân khấu, thì bỗng nhiên, tôi giật mình vì vừa thấy một bà phù thủy, trang phục giống hệt Quỳnh Giao đi theo sau nàng. Tôi liếc nhanh sang chỗ Quỳnh Giao, cô đang cúi xuống thối tiền cho mấy người mua sách. Lạ quá, bà phù thủy kia, nón rộng vành đang len lỏi đi giữa hai dẫy bàn, ngang qua chỗ ông nội các cháu ngồi, qua tấm gương mà nhà tôi nhắc tới lúc nãy. Tôi bất chợt nhìn vào tấm gương tương đối sáng rõ dưới ánh đèn vàng nhạt, trong đó, hình ảnh của một số quan khách đang linh động ... nhưng lại không hề thấy hình ảnh của người phù thủy lúc nàng đi ngang qua trước gương.
Tôi lạnh người ... phút chốc, bóng nàng ra khỏi vùng thu hình, đèn pha cũng vừa bật sáng, và mọi người vẫn cười nói vui vẻ, ồn ào ... chẳng ai để ý đến một nàng phù thủy thứ hai vừa xuất hiện bên mình.
Tôi hồi hộp "rewind" cuốn băng, cho chiếu lại một lần nữa ... khúc phim quan trọng. Nhưng lạ thực, lần này lại chỉ thấy Diễm Châu bước xuống một mình !
Căn phòng trở nên lạnh lẽo vô cùng. Tôi phát run lên vì sợ.
Một mối hoang mang chợt đến. Người đi qua trước gương là Quỳnh Giao hay người đang thối tiền ở gần bàn mấy bạn báo Trống Đồng là Quỳnh Giao ... vì tôi bỗng tin rằng một trong hai nàng chính là Ma Cỏ. Và có thể, lúc nào đó, nàng ta cũng đã từng cùng Quỳnh Giao bán sách giúp tôi ... ở đâu đó ... mà nào ai hay biết! Ôi tấm thịnh tình âm dương ngàn đời làm sao quên!
Tôi cúi đầu mà nước mắt rưng rưng.