Lại nói về Trầm Hoà. Năm ấy Trầm Hoà ngồi trong phòng khách nhà số 3 phố Đào Lý. Anh là khách của Dật Hán, là biên tập sách cho Tùng Vy. Quỳnh không còn nhớ rõ hình dạng lúc đó của Trầm Hoà, chỉ nhớ anh ta gầy hơn sau này rất nhiều. Trầm Hoà và Dật Hán vốn xuất thân từ cùng một trường đại học. Lục Dật Hán tốt nghiệp khoa nghệ thuật, Trầm Hoà tốt nghiệp khoa văn. Hai người vì vậy trở nên thân thiện hơn. Họ trò chuyện chậm rãi vô cùng. Trầm Hoà tuy trẻ nhưng già dặn, trò chuyện với Dật Hán có phần ăn ý. Nói nhiều nói ít không còn là điều quan trọng. Còn nhớ lần ấy, cả hai người hầu như không nhắc tới Tùng Vy, chỉ nói những chuyện bâng quơ đại loại như đi du lịch. Trầm Hoà kể chuyện mới đi Tây Tạng, Vân Nam cùng vài người bạn. Vai đeo ba lô to tướng, đi bộ rất nhiều ngày đường, anh từng được xem nghi lễ thiên táng rùng rợn. Đến bây giờ, đi Vân Nam, Tây Tạng du lịch đã thành chuyện "đời thường". Nhưng lúc đó, khoảng mười năm trước chuyện đi Tây Tạng có ít nhiều dáng dấp của hào khí anh hùng. Hồi đó, đối với người mới trưởng thành như Trầm Hoà, là cả một sự đáng tự hào khi ngâm nga bài hát "Trở về Lhasa". Lục Dật Hán cười nói với Trầm Hoà, tôi rất ngưỡng mộ cậu, nếu tôi cũng trai tráng như cậu, tôi cũng sẽ đi đến những nơi rất xa, không vướng bận bất cứ điều gì. Trầm Hoà không đồng tình: bây giờ cũng vẫn đi được chứ sao, chỉ cần trái tim vẫn còn trai tráng là được. Có lẽ cả hai đều không đồng ý với nhau, nhưng đều cười.
Quỳnh mười bốn tuổi, chưa từng rời khỏi thành phố này. Cô nghe Trầm Hoà kể chuyện du lịch li kì, không nén được hỏi, nơi đó rất xa phải không, rất khó đến phải không, người bình thường có đi nổi không, em có đi được không?
Được chứ, chỉ cần toàn tâm toàn ý, là có thể trở thành một nhà lữ hành. Trầm Hoà trả lời. Trông anh ta đầy sức sống, dường như sức lực trong người anh ấy dùng mãi không hết.
- Đến khi lớn lên, để anh Trầm Hoà đưa cháu đi du lịch Tây Tạng nhé. Lục Dật Hán mỉm cười nói với Quỳnh.
- Thật không ạ? Quỳnh xoay đầu hỏi Trầm Hoà.
- Ừ, được chứ sao không. Trầm Hoà nói.
Thực ra Quỳnh đang nghĩ được đi du lịch cùng Dật Hán. Trong đầu Quỳnh, "đi Tây Tạng" với "thám hiểm" có cùng một nghĩa. Trong óc Quỳnh hiện lên hình ảnh con ngựa to lớn và thảo nguyên mênh mông, cô ngồi phía trước Dật Hán, Dật Hán ra roi cưỡi ngựa, ôm cô từ phía sau. Cô cảm thấy rất an toàn. Họ dõi tầm mắt ra vô cùng, nhìn thấy ánh hoàng hôn nơi chân trời mùa thu rực rỡ. Trí tưởng tượng của Quỳnh chỉ dừng lại được ở đó, không nghĩ ra thêm được gì, nhưng cảm giác ngọt ngào thì cô đã cảm nhận được.
Quỳnh của tuổi thiếu niên luôn cảm thấy, Trầm Hoà và Dật Hán có những điểm tương đồng. Họ có thể trở thành bạn tốt, nhưng rồi không biết tại sao, giữa họ như luôn có một cái gì đó ngăn cách, không thể lại gần nhau hơn.
Gia đình Trầm Hoà thuộc loại phong lưu, không phải lo lắng chuyện ăn ở. Nhờ thế anh ta mới có thể không tiếc công sức lần tìm Tùng Vy, xuất bản sách cho cô. Không phải anh ta tin vào con mắt đánh giá của mình, chỉ vì anh thích tác phẩm của Tùng Vy. Trầm Hoà sinh vào những năm 70, cũng giống nhiều thanh niên của thời đại ấy, phương thức tiếp cận sự việc của họ bắt đầu bằng sự kén chọn, phản đối và căm ghét. Sở thích của Trầm Hoà rất hẹp, bất luận là về người hay sách. Lúc mới đến làm ở nhà xuất bản, phải đọc tất cả những bản thảo chồng hcất từ trước đến nay và mấy cuốn sách đã xuất bản, anh ta cảm thấy rất khổ sở. Theo anh, mấy cuốn sách đó quá tệ. Trưởng phòng biên tập của anh là một phụ nữ gầy nhỏ, đã buồn bã bảo với cậu rằng: người như cậu không phù hợp với nghề biên tập đâu. Nhưng Trầm Hoà hiểu rằng, ngụ ý của bà ta là cậu không thích hợp làm trong phòng biên tập dưới quyền bà, vì sẽ gây trở ngại cho mọi người trong p hòng. Nhưng rồi chẳng ai ngờ rằng, người bị đánh giá là sẽ gây trở ngại ấy, hơn một năm sau đã biên tập một cuốn sách gây xôn xao dư luận. Sự hợp tác giữa Trầm Hoà và Tùng Vy đã bắt đầu từ đó. Có thể nói, sức sáng tạo của Tùng Vy được đánh thức bởi Trầm Hoà. Sau "Bóng thuỷ tiên", cô đã viết liên tục mấy cuốn tiểu thuyết nữa. Cuốn sau luôn có rất nhiều thay đổi so với cuốn trước. Dưới ngòi bút của cô, phụ nữ luôn lấp lánh sáng ngời. Những nhân vật đó không giống nhau. Người thì dịu dàng yếu đuối, người hào sảng hiệp khí, người điên cuồng dị dạng, bạo lực giết chóc, quỷ ám... chẳng thiếu kiểu gì. Các tác phẩm của cô rực rỡ như hoa nở rộ, nhưng điều khiến người đọc tò mò hơn cả là Tùng Vy sống như thế nào đằng sau những câu chuyện đó. Nhưng Trầm Hoà chỉ yên lặng, giữ tin tức kín như bưng.
Việc sáng tác của Quỳnh cũng bắt đầu từ lúc ấy. Viết lách tựa như một năng lực tiềm ẩn bên trong người Quỳnh đã im lặng suốt mười năm qua, đến đây bỗng bị Tùng Vy đánh thức.
Lục Dật Hán mua cho Quỳnh và bé Trác mỗi người một quyển sổ ghi nhật ký thật dày, có kẻ ô li. Cuốn của Quỳnh kẻ ô li màu đỏ tím và màu đen. Cuốn của Trác màu xanh lam và xám nhạt. Quỳnh tiếc rẻ, không nỡ dùng để ghi nhật ký. Quỳnh không thích cô giáo sẽ dùng bút đỏ ghi chữ "đã đọc" cùng với những câu nhận xét vô thưởng vô phạt vào cuốn nhật ký của mình. Vì thế, cô quyết định viết vào một cuốn vở kẻ ô màu vàng nhạt. Về sau, đến một trưa ngày nóng bức, Quỳnh ngủ mơ thấy bà nội. Bà đứng bên bếp lửa bóc tỏi. Dáng điệu bà có gì đó chẳng lành, cứ lặp đi lặp lại liên tục mà không sao dừng được. Tay bà nhanh thoăn thoắt, như những người máy trong dây chuyền sản xuất. Nhưng chân của bà lại cơ hồ đứng không vững nữa, người bà bắt đầu nghiêng ngả hai bên. Mỡ trong nồi bắt đầu nóng sôi, nhưng có vẻ như bà không hề nhìn thấy. Quỳnh biết bà sắp ngã ra đến nơi, cô gào khóc: Bà ơi, bà ơi, bà làm sao thế. Nhưng bà vẫn không đứng yên được, cả người càng chao đảo mạnh hơn. Quỳnh cảm thấy bà sắp đổ xuống, như một thân cây bị phạt gãy.
Tỉnh dậy, Quỳnh vẫn gọi bà, miệng khô khốc: "Bà ơi, bà làm sao vậy?".
Quỳnh nhỏm vậy, mồ hôi vã ra. Cô không biết làm sao để kiềm chế cảm xúc. Cô bật dậy muốn chạy ra khỏi phòng. Nhưng cô bỗng nhìn thấy cuốn nhật ký bên gối, các ô li màu tím đỏ. Cuốn nhật ký giống như một căn phòng trống thâm u đang hút lấy Quỳnh. Cô quay lại giường, cầm cuốn nhật ký lên. Cô ôm lấy nó, tựa như ôm lấy đứa con riêng của mình. Trái tim Quỳnh áp chặt lên đó, cảm giác như cuốn sổ cũng đang đập thình thịch, nhịp nhàng chia sẻ với nhịp đập từ trái tim cô. Sự xuất hiện của cuốn sổ bỗng làm cho Quỳnh trấn tĩnh. Cô bước tới trước bàn viết, ngồi xuống và lật cuốn sổ ra. Cô chọn cây bút màu xanh nhạt mình thích nhất, quyết định viết lên đó những dòng từ trái tim.
Suốt buổi chiều, Quỳnh ngồi lặng lẽ trước bàn, tay cô cầm chặt cây bút xanh và viết mãi không thôi. Đến chập tối, cô đã viết được khoảng năm ngàn từ, đầu đề là "Bếp của tình yêu". Quỳnh quyến luyến với tình yêu của bà nội trong bài viết ấy. Cô hồi tưởng lại những việc nhỏ bé nhất bà đã dành cho cô, cô nói về cả cái chết của bà. Khi viết đến đoạn bà nội bị bỏng ở chân đã bật khóc lên như một đứa trẻ tủi thân, Quỳnh cũng áp mặt lên bàn khóc rưng rức. Khi bà chết, cô cũng không khóc đến như thế. Nước mắt làm nhoè những con chữ màu xanh nhạt. Những câu chuyện đã qua bỗng chốc như những hàng chữ bị ướt kia, lồi lõm hiện về. Về sau, Quỳnh mới hiểu ra, khi cô chìm đắm trong văn chương, cảm xúc của cô mạnh mẽ hơn trong cuộc sống bình thường. Viết xong, Quỳnh chợt cảm thấy nhẹ nhõm chưa từng có. Cô đi tắm nước nóng, rồi ăn tối cùng mọi người. Sau đó về phòng làm bài tập. Hôm đó cô rất tập trung. Đêm đến cô ngủ thật say, không hề thức giấc ăn uống. Mọi thứ trở nên bình thản và hài hoà đến bất ngờ. Quỳnh dường như không dám tin, đó là những thay đổi mà năm ngàn từ kia mang lại cho cô. Chúng đổ ào ra, khiến cô đạt được sự bình yên chưa từng có trong đời.
Sớm hôm sau, Quỳnh ngồi bần thần bên cạnh giường. Rồi bỗng nhảy phắt xuống, chạy tới bàn viết để xem cuốn nhật ký. Nó vẫn nằm nguyên ở đó, những chữ viết cũng vẫn còn nguyên ở đó, toả ra một nỗi niềm ai oán nhè nhẹ. Quỳnh nhét chúng vào cặp sách, mang đến trường. Đó là lần đầu tiên, viết lách mang lại cho cô một niềm sung sướng tựa như bay lên chín tầng mây. Từ đó, dù đi đâu, Quỳnh cũng mang bên mình cuốn nhật ký. Quỳnh viết vào trong đó hết câu chuyện này đến câu chuyện kia, về ba cô, về ngôi nhà trước đây, về ngôi trường tiểu học, cả về bé Trác và chú Lục Dật Hán.
Nhưng Quỳnh chưa bao giờ đem cuốn nhật ký cho người khác xem. Cô viết ra những chuyện đó chỉ để giúp mình thấy dễ chịu hơn.
Mãi rất lâu sau, Trác mới nói với Quỳnh rằng, cậu đã lẻn vào phòng Quỳnh, thấy cuốn nhật ký của Quỳnh cậu đã không nén được tò mò mở ra. Trác nói điều đó khi Quỳnh đã học xong cấp II. Họ ngồi ăn kem trong một quán giải khát chật chội. Trác bỗng nhiên xin lỗi Quỳnh. Cậu bảo, có một chuyện em vẫn mong được chị tha thứ. Quỳnh hỏi: Sao lại thế? Trác nói, em đã xem cuốn nhật ký của chị. Quỳnh nhìn cậu, không sao nói được, cũng chẳng biết nên trách cứ cậu như thế nào. Trác tiếp tục nói chân thành.
- Chị nhỏ ơi, em thấy những câu chuyện đều hấp dẫn quá. Chị có năng khiếu viết văn.
- Nhưng chị chưa bao giờ nghĩ thế. Quỳnh trả lời lí nhí. Dẫu sao đến giờ nghĩ lại, chính Quỳnh phải cảm ơn Trác. Cậu chính là người đầu tiên trên đời này khen Quỳnh viết hay. Quỳnh không bao giờ quên cậu ta cầm cuốn nhật ký của Quỳnh, đôi mắt rạng rỡ, và bảo rằng những câu chuyện đó thật là hấp dẫn.
Tuy nhiên, sự thật không hẳn như vậy, Quỳnh quả đã từng nghĩ rằng mình sẽ viết mãi không ngừng. Bởi vì đó là công việc duy nhất mà cô thấy ưa thích.
- Sau này sẽ là thành một cuốn sách. Trác sờ mó cuốn nhật ký của Quỳnh, nói quả quyết.
Sách? Quỳnh ngẩng đầu, ngỡ ngàng nhìn Trác. Cô nghĩ tới Tùng Vy. Cô ấy giống như một nàng công chúa ngụ trong toà lâu đài xa xôi, thật cao sang. Quỳnh không biết phải nỗ lực đến thế nào, phải mất bao nhiên thời gian mới có thể có được vị trí như Tùng Vy hiện tại. Tương alị, đó là con đường mịt mù tăm tối, Quỳnh không đủ dũng cảm để mang đến cho nó những ước vọng tươi đẹp. Còn bây giờ, ở tuổi mười lăm, cô chẳng có gì cả, bài tập vẫn làm, không đúng hết, cũng chẳng sai cả. Cô không có bạn thân. Điều đáng nói nhất, là cô vẫn còn bệnh ăn cuồng, như một đứa chết đói. Lúc này Quỳnh đã biết lẩn trốn, cô sợ hãi tất cả những cái cân. Cô nhạy cảm với những từ như "lợn", "lợn béo", "gấu" v.v... Cô gắng sức để những bộ váy liền áo thắt eo nhỏ mới ra năm nay không thu hút ánh mắt mình.
Nếu được, Quỳnh muốn tìm một căn nhà tự giam mình lại. Cô sẽ ở trong đó đọc sách và viết lách, mơ mơ màng màng cả ngày. Vĩnh viễn cô không bao giờ phải nhìn thấy những kẻ vẫn hay coi khinh và chế giễu cô ở ngoài kia.
Quỳnh lần đầu tiên nhìn thấy ảnh chụp của Tùng Vy ở trong phòng vẽ của Dật Hán. Căn phòng sáng tác rất rộng, có một cái tủ cổ xưa, bên trong để những đồ cổ Dật Hán sưu tập. Hôm ấy Quỳnh lẻn vào phòng vẽ, thấy ông đang lau chùi những đồ cổ của mình. Cách một thời gian Dật Hán lại lau chùi đồ cổ một lần, không bao giờ bảo người khác làm giúp. Dật Hán không nhận tháy Quỳnh lẻn vào. Lau xong, ông cầm lên một khung ảnh cũ bằng đồng, nhìn đăm đăm trong trầm tư. Đó là bức ảnh một phụ nữ, màu nhạt. Màu nhạt là vì vốn bức ảnh là đen trắng, người ta dùng màu tô thêm lên, nhạt màu hơn ảnh màu thực sự, trông hơi gióng tranh màu nước.
"Ai đấy ạ?" Quỳnh không nén được tò mò, đột ngột hỏi. Quỳnh cảm thấy rất tò mò với tất cả những người phụ nữ xung quanh Dật Hán.
Dật Hán giật mình, nhìn thấy Quỳnh, sững ra mất một lúc. Nhưng ông không tỏ vẻ muốn che đậy điều gì, thái độ vẫn bình thường.
- Cô ấy là một người bạn trước đây của chú.
- Bạn gái ạ? Quỳnh không ngờ mình thẳng mồm thẳng miệng như vậy.
- Ờ... Ông trả lời, vẫn với vẻ bình thản.
- Bây giờ cô ấy thế nào ạ, tại sao không ở với chú?
- Cô ấy ra nước ngoài rồi. Chuyện đã lâu, lúc đó chú còn chưa lấy vợ. Ông không tỏ ra khó chịu vì Quỳnh hỏi gốc tìm ngọn, vẫn nhẹ nhàng trả lời.
- Cháu có thể xem xem bức ảnh không? Quỳnh được đằng chân lân đằng đầu. Nhưng điều này với cô cũng rất quan trọng. Người phụ nữ trong ảnh có phải là người tình đầu tiên của chú Lục không nhỉ? Hay là người mà chú yêu nhất?
Lục Dật Hán đưa bức ảnh cho Quỳnh. tấm khung đồng rất nặng. Đó là một cô gái trắng trẻo, người thợ ảnh tô cho hai má cô thật hồng. Khuôn mặt cô gái gần như hoàn hảo, hai má hơi tròn, cằm hơi nhọn, thậm chí đẹp hơn cả Mạn. Cằm của Mạn thon thật, nhưng hai má không được đầy đặn bằng, nên trông có vẻ không lành. Còn cô gái này rất thuần khiết. Quỳnh nghĩ cô ấy nhất định trẻ rất lâu. Nhưng điều này, về sau khi Quỳnh lớn lên, biết cách đánh giá phụ nữ cô mới hiểu. Mặc dù mọi người xem tấm ảnh đều không tìm thấy một nhan sắc rực rỡ, nhưng đó là vẻ đẹp Quỳnh thích nhất. Đôi mắt cô gái rất đen, nên trông rất sáng. Trán cô khá cao, có thể nhìn thấy rõ sự tinh hoa phát tiết ra từ đây.
Từ hôm đầu tiên nhìn thấy ảnh Tùng Vy, trong Quỳnh là một dấu hỏi to lớn. Quỳnh cảm thấy giữa Tùng Vy với Dật Hán nhất định đã xảy ra những câu chuyện phi thường. Lúc đó Quỳnh mười bốn tuổi, đã ở trong nhà số phố Đào Lý được hơn một năm. Dật Hán hết sức cưng chiều cô, lúc nào cũng bênh vực cô, không để cho Mạn đuổi cô đi. Hiện tượng ăn đêm của Quỳnh bắt đầu thuyên giảm, chỉ lúc nào cô thấy thật bất an, hoặc rất đau buồn mới tìm cách trốn xuống bếp tìm sự giải toả trong thực phẩm. Bé Trác đối với cô rất tốt. Sinh nhật cô, cậu ta tặng chiếc vòng tay và vòng cổ có khắc tên Quỳnh. Trong đêm nếu phát hiện ra Quỳnh đang ăn, cậu bèn vào ngủ cùng với chị. Nhưng Quỳnh vẫn cảm thấy không vui. Bởi sự quan tâm chăm sóc cha con Dật Hán dành cho cô vẫn có giới hạn. Đó là nếu xa rời khỏi họ, mọi ánh mắt và khuôn mặt xung quanh cô đều giống như những cái gương, khiến cô thấy rõ sự thấp kém và xấu xí của mình vẫn không thay đổi chút nào.
Quỳnh không thích ra khỏi nhà, không muốn gặp người khác. Phần lớn thời gian rảnh rỗi của tuổi học cấp hai Quỳnh đều ngồi xem sách trong phòng đọc của Dật Hán. Nhà ông có một phòng đọc cực lớn. Cả ba mặt tường đều là những tủ sách cao ngất. Những gáy sách dày đặc toả ra ánh sáng chào gọi hấp dẫn qua những lớp kính cửa. Khi Quỳnh đứng trước giá sách, liền cảm thấy như bản thân đang đứng trong hang núi huyền ảo mọc đầy linh chi. Trong hang chứa đầy những báu vật thiên nhiên. Quỳnh thấy thích chúng, hi vọng chúng có thể cứu vớt cô.
Vào một chiều hè nóng - suốt ngày trốn trong phòng sách - Quỳnh đọc cuốn "Thế giới đau buồn". Trong đó kể về người không hề gặp được hạnh phúc. Nhiều lần cảm thấy nhân vật bị dồn tới đường cùng, sắp sửa quyên sinh từ giã cõi đời, nhưng anh ta đã không làm vậy. Cuộc đời của anh ta tựa như đi trong hầm tối, vẫn tiến lên phía trước, không hề bỏ cuộc. Quỳnh đọc "Cuốn theo chiều gió", cuốn sách làm cô rất xúc động. Người phụ nữ ấy lúc nào cũng ngẩng cao đầu, không ngừng đi tìm ngày mai, không biết mệt mỏi, cho dù không ngừng hứng chịu mất mát cũng không hề ngã xuống. Quỳnh ngồi trong góc phòng, chìm đắm trong trang viên của nữ nhân vật chính và người tình mà cô ta ngưỡng mộ từ thuở bé. Lúc này, Quỳnh dường như đã đến bên họ, cùng họ sát vai chiến đấu.
Đáng nên xem cuộc sống là một trận chiến. Trận chiến đầy hiểm nguy.
Quỳnh đọc cuốn "Người tình của nữ bá tước". Quỳnh bất giác nhớ lại hình ảnh trong lỗ khoá, vẫn cảm thấy nóng hổi. Nhiều năm sau, Quỳnh vẫn nhớ đến nữ nhân vật chính sắp đặt những khu rừng rậm và những bông hoa. Đó quả thực là những đạo cụ tình ái xinh đẹp. Chúng đem lại cho Quỳnh những tưởng tượng đầu tiên về tình dục.
Sách đã trở thành người bạn tốt nhất của Quỳnh. Cô không có bạn trong đám học sinh cùng lớp, họ vẫn thích cười chế giễu cô, cho dù cô ăn mặc không còn sơ sài như trước, không còn đeo cặp sách có hai chiếc quai khác nhau. Sự thật không thay đổi được là cô vẫn là một người béo phì. Bởi vì trường học cách nhà khá xa, nên Quỳnh bắt đầu đạp xe đi học. Cả đoạn đường dài không hề có bóng cây, ánh nắng dữ dội khiến cô đen đi. Quỳnh thành ra một nữ sinh to lớn, đen bóng, chắc cũng có một tâm hồn thô thiển, giản đơn tương ứng với ngoại hình. Chẳng ai chú tâm tìm hiểu một tâm hồn như vậy. Quỳnh tự nhủ mình cũng không cần họ. Trong mắt Quỳnh, chính bọn họ mới là thô thiển, suốt ngày chỉ biết xem những thứ truyện tranh thô thiển, đầy rẫy âm mưu và sự độc ác. Nam sinh nhỏ to với nhau về khuôn mặt, thân hình các bạn nữ, ánh mắt họ bắt đầu ánh lên những ham muốn của giai đoạn bước vào tuổi trưởng thành. Nữ sinh cũng bắt đầu tranh nhau mắt ai to, da ai trắng, eo ai nhỏ, ngực ai cao. Quỳnh thấy chán ghét họ, cô cảm thấy ở họ một cuộc sống đáng chán và vô vọng. Quỳnh ước ao một cuộc sống với buổi chiều đầy ánh sáng, dễ chịu trong căn phòng đọc, được ngồi hẳn xuống nền nhà, thoải mái thay đổi tư thế nếu thấy mỏi, mắt không rời trang sách. Tối tối được đi ngủ sớm, chẳng phải lo nghĩ gì, cũng chẳng thức giấc nửa đêm, cho đến khi mặt trời lại ghé thăm cửa sổ...
Vào thời điểm này, Tùng Vy cũng đã xuất hiện với một sức mạnh kỳ lạ thu hút Quỳnh như một câu đố. Quỳnh trước nay vẫn thường nhặt bừa một cuốn trên giá để đọc. Bởi cô cũng chẳng có cách nào để biết được cuốn sách đó hay dở ra sao. Một ngày, Quỳnh rút trong ngăn kéo ra một cuốn sách bìa đỏ thẫm. "Ấm áp" Quỳnh đọc nhẩm. Quyển sách trông có vẻ cũ, nhưng được bảo quản cẩn thận, bọc kỹ bằng plastic trong suốt. Nhìn là biết Dật Hán đã xem cuốn sách đó nhiều lần. Quỳnh phấn khởi, vì cô vẫn muốn biết Dật Hán thích những thứ gì, để rồi cũng biến chúng thành những thứ mình thích. Hơn một năm nay cô vẫn làm vậy. Dật Hán thích màu xanh da trời, thế là Quỳnh bắt đầu thích màu da trời, mua quần áo màu xanh, đặc biệt là áo ngủ. Trong nhà, Quỳnh hay mặc áo xanh đi qua đi lại trước mặt Dật Hán. Quỳnh hy vọng làm thế Dật Hán sẽ thấy quý cô hơn. Quỳnh còn bắt đầu thích xem tranh sơn dầu, bắt Dật Hán cho mình theo để xem những cuộc triển lãm do ông tổ chức. Quỳnh không thấy mệt mỏi, trái lại, quá trình làm cho mình thích một thứ cũng mang lại sự thú vị.
Quỳnh bắt đầu rút vào một góc đọc cuốn sách đó. Cô thích ngồi vào góc, có lẽ vì căn phòng này rộng quá, ngồi trong góc có cảm giác yên tâm hơn là ngồi bên cửa sổ kính xuống sát chân tường. Quỳnh liếc qua tác giả cuốn sách, suýt nữa thì nhảy dựng lên: Tùng Vy! Là cô ấy, người tình trước đây của Dật Hán. Quỳnh vội vàng lật trang bìa, bên trong là ảnh tác giả. Vẫn khuôn mặt như trong tấm ảnh trong khung đồng, nhưng là đen trắng. Khuôn mặt hoàn hảo của cô ấy ẩn chứa một nụ cười thoáng qua. Dưới bức ảnh là một đoạn tự thuật:
"Tùng Vy, tuổi, người Giang Nam, yêu cái bóng của mình như Narcicuss trong thần thoại Hy Lạp. Chữ nghĩa là mặt hồ của tôi, nó khiến tôi nhìn thấy mình thật rõ, và có thể yêu chính mình".
Sách tập hợp mười mấy truyện ngắn. Quỳnh đọc hết liền một mạch. Gấp sách lại, trong tim Quỳnh vẫn run rẩy không ngừng. Trong những câu chữ kỳ diệu kia, cô nhìn rõ hình ảnh của Lục Dật Hán, nhìn thấy hình ảnh một người con gái mà cô khâm phục và mối tình ghi tâm khắc cốt giữa họ. Quỳnh thấy yêu quý người con gái này. Cô ấy có một thế giới hoàn toàn thuộc về mình, như một cõi ngoài thế tục, nó trong trẻo tự nhiên và bình thản, không một ai có thể phá vỡ hạnh phúc tự do ở đó. Từ phút ấy, Quỳnh tin rằng người con gái trong những dòng chữ này thật sự hoàn hảo, cô ấy phải là tình yêu của chú Dật Hán. Hôm ấy lần đầu nhìn thấy ảnh Tùng Vy, cô đã nghĩ rằng đó là một người con gái đặc biệt, không giống với bất kỳ một phụ nữ xinh đẹp nào khác, nhưng cô không nói được sự khác biệt đó là gì. Có lẽ tại vì Mạn, nên Quỳnh có thành kiến với những người phụ nữ sinh ra đã xinh đẹp, khiến cô không tin rằng những người phụ nữ xinh đẹp lại có trong mình sự tài hoa, kể cả Tùng Vy. Nhưng lúc này, những suy nghĩ của Quỳnh đã hoàn toàn bị phủ nhận. Quỳnh thán phục Tùng Vy vô cùng, đó là người con gái tài sắc vẹn tàn, và quan trọng hơn cả, đó chính là tình yêu của Dật Hán.
Quỳnh vẫn nghĩ, trên chặng đường trưởng thành của mỗi cô gái đều cần có một người chị. Không nhất định là quan hệ ruột thịt, nhưng phải là sự nương tựa về tình cảm. Người chị như là ngọn hải đăng giữa mặt biển sâu đen tối. Tùng Vy bỗng trở thành chị của Quỳnh. Quỳnh lo lắng cho Tùng Vy. Trong sách của Tùng Vy có nhiều điều u uẩn, trong khi đó là một cô gái đầy nhiệt huyết. Năm mười lăm tuổi, cô đã xăm tên chàng trai mình thích lên tay. "H, giống như một đoạn bị chặt ra từ cái thang, khiến tôi đứng nguyên tại đó, không lên được cũng chẳng xuống được, tình cảnh thật bẽ bàng". Cô ấy mô tả lại mối tình cảm đó như vậy. Vì người yêu, cô ấy dám bỏ nhà ra đi, không hề suy nghĩ hơn thiệt. Người ấy có lẽ chính là Lục Dật Hán. Thế nhưng bây giờ cô ấy lại không có ở đây, vậy cô ấy đã trở về chưa nhỉ? Cô ấy đã đi đâu? Quỳnh rất lo lắng cho Tùng Vy, có vẻ như cô ấy là kiếp trước của Quỳnh, dường như đã và đang có hàng trăm ngàn mối dây liên hệ giữa họ.
Cuối cùng cũng có một buổi chiều chỉ có Quỳnh và Dật Hán ở nhà. Dật Hán ở trong phòng vẽ, ngủ quên bên cửa sổ một cách mệt mỏi. Dáng ngủ cô đơn đến đáng thương. Phảng phất như một tâm sự thất vọng với cuộc sống. Quỳnh nhẹ nhàng bước lại gần, nhặt những cây cọ vẽ rơi vãi trên nền nhà. Nhiều năm rồi, Dật Hán vẫn tiếp tục vẽ, nhưng hiếm khi cho người khác xem. Ông nói với mọi người đã bỏ vẽ nhiều năm rồi. Quỳnh ngồi đối diện với Dật Hán, tựa lưng vào rèm cửa sổ, lặng lẽ nhìn ông và cố hết sức giữ yên lặng. Dật Hán có vẻ ngủ không say, rất nhanh đã cảm nhận thấy có ánh mắt đang chiếu vào, bèn mở mắt ra. Ông nhìn cô, không tỏ vẻ ngạc nhiên mà mỉm cười. Kế đến, ông nhìn thấy cuốn sách Quỳnh đang cầm chặt trong tay. Quỳnh cảm nhận rõ ràng Dật Hán có thoáng chút thay đổi, ngầm hé ra là một chấn động mạnh trong tâm hồn ông.
- Thế là cháu cũng đã đọc được cuốn sách này! Dật Hán nói.
- Chú không muốn cháu đọc được phải không ạ?
- Tùng Vy đã nói rằng, người đọc sách của cô ấy tức là có duyên với cô ấy. Chú không muốn cố ý cắt đứt mối duyên biết đâu tồn tại giữa cháu với Tùng Vy.
- Cháu đến tìm chú để hỏi cô ấy hiện giờ đang ở đâu? Cô ấy đang sống thế nào?
- Cô ấy theo cha mẹ ra nước ngoài rồi. Chú nghĩ là cô ấy sẽ sống dễ chịu hơn ở trong nước.
- Nhưng mà... cô ấy yêu chú đến thế, sống ở nước ngoài sẽ dễ chịu hơn sống bên chú ạ? Quỳnh thấy khó hiểu.
- Chỉ có yêu không thôi thì không chắc đã sống dễ chịu, cháu ạ. Có lẽ sau này cháu sẽ hiểu.
- Thế bây giờ chú có yêu cô ấy không?? Quỳnh lại hỏi, cô hy vọng câu trả lời sẽ là tình yêu Tùng Vy lớn hơn tình yêu Dật Hán dành cho mẹ cô.
- Tình yêu vẫn còn, nhưng bây giờ, vợ của chú chính là mẹ cháu.
- Cô Tùng Vy vẫn cầm bút chứ ạ?
- Không...
- Thế cô ấy làm gì?
- Thôi nào, bé Quỳnh, đây không phải là chuyện của cháu nữa rồi. Dật Hán đứng dậy, vỗ vỗ vai Quỳnh.
- Đi nào, đi tham quan phòng trưng bày cùng với chú.
Quỳnh gật đầu, theo Dật Hán đi ra ngoài. Nhưng khi cô cúi đầu nhìn lại cuốn sách, trong lòng lập tức ngổn ngang bí bách. Câu đố đã bị tạm gác lại, có thể cô sẽ chẳng bao giờ biết được Tùng Vy đang ở đâu, Tùng Vy đang làm gì, cô ấy sống có hạnh phúc hay không...
Hồi đó, Quỳnh tò mò về tất cả những gì liên quan đến Tùng Vy. Lần đầu tiên gặp Trầm Hoà, là lúc cậu ta đến tặng sách cho Dật Hán. Cuốn sách mà cậu ấy cầm chính là sách của Tùng Vy. Nói một cách chính xác, là một cuốn sách khác của Tùng Vy, cuốn mới nhất. Trầm Hoà tốt nghiệp đại học được hơn một năm, đang làm biên tập cho nhà xuất bản nổi tiếng K. Cuốn sách của Tùng Vy chính là cuốn đầu tiên cậu làm biên tập. Về sau Quỳnh còn biết, hơn một năm trước, Trầm Hoà nhiều phen tìm hỏi, mới liên lạc được với Lục Dật Hán để hỏi thăm tung tích của Tùng Vy. Tính đến lúc đó, Tùng Vy đã biệt tăm được mười năm, cũng chẳng xuất bản thêm cuốn sách nào. Vài cuốn tiểu thuyết từng làm náo động văn đàn của Tùng Vy mười năm trước đã dần dần đi vào quên lãng. Văn đàn cũng chỉ thở dài rằng một nữ tài nhân "khi đến nổi đám nổi đình, ra đi bỗng chợt thình lình như không!". Chỉ có chàng trai chưa hết vẻ thư sinh này chịu bỏ ra biết bao công phu để tìm ra Dật Hán, để tìm hiểu về một nữ nhà văn đã "hết thời" đến mười năm nay. Trước khi tìm thấy Dật Hán, nhiều lần anh tưởng chừng đã đâm vào ngõ cụt. Mọi người bảo với anh ta rằng, cô ấy đã nhiều năm không viết, biết đâu đã cưới chồng, sinh con, làm một bà nội trợ rồi, hoặc đi làm ăn đâu đó rồi. Nhưng Trầm Hoà vẫn không chịu tin. Anh ta bị lôi cuốn bởi sự bí mật của sự việc. Trầm Hoà đang đi thám hiểm về con đường số phận của một nữ nhà văn bí ẩn chứ không phải chỉ là tìm tung tích của một cây bút mai danh ẩn tích. Dật Hán không khỏi kinh ngạc trước sự nghiêm túc và cố gắng của Trầm Hoà, cuối cùng ông cũng cho cậu ta địa chỉ liên lạc với Tùng Vy. Những khó khăn thăng trầm bên trong Quỳnh đều không được biết, nhưng cô hiểu rằng Trầm Hoà cuối cũng đã thuyết phục được Tùng Vy. Đến năm sau anh ta đã cho xuất bản cuốn sách thứ ba của Tùng Vy "Bóng thuỷ tiên".
Chẳng ai ngờ, cuốn sách này lại tạo ra tiếng vang rất lớn. Một nữ nhà văn đã thai nghén nó từ lâu, một chàng biên tập mới ra lò, một cuốn sách hỗn loạn rối rắm kiểu tâm thần, không ngờ đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong năm. Biết bao nhiêu bút mực cho cuốn sách, tranh luận có, phê phán có, thậm chí có cả chê bai chế giễu... Nhưng Tùng Vy vẫn chẳng thấy bóng dáng đâu, mặc kệ cho người ta tranh cãi đến đỏ mặt tía tai. Mọi sự rất náo nhiệt, trong khi chẳng ai biết cô ấy đang ở đâu, đang hưởng thụ sự yên tịnh của riêng mình. Trầm Hoà thay mặt Tùng Vy cảm ơn cách độc giả, và xin phép từ chối bất kỳ mọi phỏng vấn, cũng không tự mình lộ diện.
Nhiều năm sau đó, Quỳnh vẫn mang bên mình cuốn "Bóng thuỷ tiên" của Tùng Vy. Đó chính là cuốn sách đầu tiên mà Trầm Hoà đem tặng Dật Hán. "Bóng thuỷ tiên" kể về một cô gái đã gạt bỏ mọi sự ràng buộc, một con câu thúc, để đi trên con đường riêng mình, một con đường độc lập mà cũng rất hoang vắng. Cô đã chọn cho mình cuộc sống phiêu bạt. Trong sách hầu như chỉ có nữ nhân vật chính được khắc họa rõ ràng, những nơi cô đến, những việc cô gặp đều hết sức kỳ quái. Một con thuyền đắm bên bờ sông Nil thời cổ Ai Cập, tham gia lễ hội đọc kinh Coran, thưởng thức những bình hoa trong hiệu đồ cổ triều Minh của Trung Quốc... Khắp kim cổ đông tây, chẳng có mấy liên quan đến nhau. Tư duy của Tùng Vy luôn luôn "bay nhảy", chẳng ai biết tiếp theo cô ấy sẽ viết cái gì. Thuỷ Tiên trong tiểu thuyết đến từ thần thoại cổ Hy Lạp, chàng thiếu niên không yêu bất kỳ cô gái nào, chỉ thích ngồi bên mặt hồ để soi bóng hình chính mình. Cậu ta trầm trồ sắc đẹ của chính mình, và yêu chính nó. Cuối cùng cậu ta nhảy xuống nước để ôm lấy bóng mình. Không lâu sau, bên hồ nở ra những bông hoa thuỷ tiên xinh đẹp. Tùng Vy tự ví là hoa thuỷ tiên chỉ yêu mình, cô nói rằng:
".. trò chuyên, cãi cọ với bóng hình mình, chia sẻ với nhau cõi mộng trân trọng lẫn nhau, tôi chỉ cần bóng hình mình là có tất cả. Bóng thường đi theo tôi, dừng lại cùng tôi, vĩnh viễn ngửa mặt nhìn tôi với tư thế của kẻ thấp kém hơn. Nó thật nhẹ, thật mỏng manh, không hề khoác gánh nặng lên tôi, không làm tôi vướng víu. Bóng tình nguyện làm người hầu tận tuỵ của tôi. Vì thế, cho dù ngày dài trôi qua tôi cô độc, nhưng tôi không hề cô đơn. Tôi có bóng mình, thế là đủ...".
Hồi ấy tuổi Quỳnh còn nhỏ, không hiểu ý nghĩa sâu xa của Thuỷ Tiên, nhưng hình ảnh về một người con gái lưu lạc một mình, cô đơn, kiêu bạc, đã bắt rễ sâu vào bên trong tâm hồn cô. Đó là cô gái được hàng vạn người ngưỡng mộ.