Trong một đời, người ta có thể phải chuyển nhà nhiều lần, nhưng Quỳnh tin rằng mỗi người đều có một "cõi đi về" riêng. Số 3 phố Đào Lý chính là "cõi đi về" của Quỳnh. Mặc dù đó không phải là nơi cô sinh ra, cũng chẳng phải là nơi cô đã sinh sống thời gian dài nhất, chỉ vì đó là nơi cô thường mơ về, mỗi khi đi xe. Quỳnh thường cảm thấy những đoạn kí ức - như mầm bệnh đã gieo xuống - cứ đến một đêm nào đó lại bắt đầu phát tác như căn bệnh phong thấp, chầm chậm len ra từ trong xương tuỷ.
Cô bé Quỳnh lần đầu tiên đến số 3 phố Đào Lý, chỉ cảm thấy nơi đó tựa như một lâu đài cổ tích. Từ nhỏ, cô bé đã rất say mê những thứ trong thế giới cổ tích, ví như lâu đài, ngọn đèn thần, câu thần chú v.v... Nhưng cô quên mất, lâu đài cũng là nơi xảy ra những câu chuyện rùng rợn, là chốn âm u với những tia sét kinh hoàng. Cô đang đến gần một thứ mê cung kì dị mà không biết.
Mẹ của Quỳnh - Mạn - đang đi phía trước. Bà mặc chiếc áo khoác ôm sát, gấu xoè màu cà phê, kẹp chiếc túi rất nhỏ bằng da mềm. Quỳnh kéo một hòm gỗ rất to đi theo sau. Trong hòm chất đầy đồ chơi bà nội mua cho hồi trước, những quần áo bà may và những chiếc áo gối bà thêu. Mạn không cho Quỳnh đem theo những thứ này, bảo rằng sang bên đó cái gì cũng sẵn. Nhưng Quỳnh nhìn những con búp bê gãy tay hoặc gãy chân, những chiếc áo mùa đông đã lòi cả bông ra ngoài, cô chẳng nỡ vứt đi một thứ nào. Mạn trừng mắt với Quỳnh, quát cô bé nhu nhược, mềm yếu. Mạn không mang theo một bộ quần áo nào trước đây. Trước lúc dọn nhà, Mạn chỉ ngồi trước bàn trang điểm, đánh cho mình một khuôn mặt hết sức hoàn hảo, xịt nc hoa từ cái bình nhỏ xíu - lần này xịt nhiều hơn hẳn. Mạn luôn cảnh cáo Quỳnh không được động đến những chiếc bình nhỏ đó, giá trị của chúng đủ cho họ ăn cơm cả tháng trời. Nhưng hôm nay, cô dường như đã xịt cả lọ nước hoa ấy lên người.
Quỳnh bận kéo chiếc hòm, không thể giương ô lên được. Cô đi dưới cơn mưa. Xuyên qua làn mưa mờ mờ, cô thấy Mạn đang giương chiếc ô Tây nho nhỏ màu trắng có diềm hoa, đôi guốc cao gót dẫm lách cách trên đường. Trông Mạn giống như một con chim công đang đi về khu rừng rậm tự do của mình, toàn thân toát lên một vẻ đài các. Lúc đó, bất cứ ai cũng có thể quên rằng Mạn là một người mẹ có con gái đã mười hai tuổi.
Họ tiếp tục đi dưới mưa. Quỳnh biết nhiều người đang nhìn cô với ánh mắt thương hại. Họ nghĩ rằng Quỳnh là cô hầu nhỏ của thiếu phụ xinh đẹp kia. Có lẽ cô đã làm chủ nhân nổi giận và bị trừng phạt phải chịu ướt mưa. Nhưng Quỳnh không để tâm điều đó. Bà nội dặn rằng phải hết sức nghe lời người phụ nữ này. Trước khi đủ khôn lớn và trưởng thành, cô ta ít nhất cũng là người có thể cho cháu một chốn nương thân. Về sau lớn lên rồi, Quỳnh phát hiện ra bà nội và mẹ mặc dù luôn luôn căm ghét và nguyền rủa nhau, nhưng giữa họ có không ít điểm tương đồng trong tính cách. Sự tính toán nhỏ nhoi và tật thù dai của phụ nữ đã thể hiện rất rõ rệt ở cả hai người. Nó tất nhiên sẽ được tiếp tục bởi chính con người cô.
Khi áo quần Quỳnh đã ướt sạch, họ vừa đến số 3 phố Đào Lý.
Phố Đào Lý không phải là nơi họ thường lui tới, khu vực này phần lớn là những ngôi biệt thự nhỏ có vườn hoa. Hai bên đường đều là những cánh cổng sắt sơn xanh, ra vào trong đó là những chiếc xe hơi sang trọng bóng loáng, ngồi trên xe là những phụ nữ xinh đẹp, tay ôm những con chó xù lông dài mượt. Quỳnh biết mẹ căm ghét bọn họ, nhưng lại thích sự thời thương phả ra từ người họ. Mỗi lần nhìn thấy những phụ nữ đó, Mạn lại nhìn họ với thái độ phức tạp. Một thái độ căm ghét chán ngán đối với họ, tựa như cô không muốn thấy họ thêm một lần nào, nhưng ánh mắt cô lại bám dính không rời - cô rất thích quần áo và đồ trang sức của họ. Lúc đó, Quỳnh chưa biết đến một ngày Mạn sẽ trở thành một trong số họ. Những quan sát tinh tế của cô trước đó không hề uổng phí. Mạn có được dánh vẻ một thiếu phụ đài các, sang trọng, đều nhờ những ánh mắt căm ghét mà cô đã bỏ ra dành cho họ.
Cổng nhà số 3 phố Đào Lý im lìm khép hờ. Mạn không nhấn chuông, đi thẳng vào trong sân với tư thế của một nữ chủ nhân. Xuyên qua giàn nho và những đám hoa tường vi, họ đến trước một ngôi nhà hai tầng. Ngôi nhà màu pho mát, tựa như một con cừu biếng ăn uể oải, lặng lẽ ngồi trong góc kín nhất của vườn hoa. Bây giờ Quỳnh mới biết những ngôi nhà ở phố Đào Lý đẹp đến vậy. Trước đây cô chỉ đi bên ngoài, chỉ thấy những cánh cổng có hoa văn và song sắt, những bông tường vi cao vượt lên trên bức tường, ló ra ngoài. Cả đến chúng dường như cũng có cái khí chất đài các phong lưu và trầm lặng.
Mạn bấm chuông cửa chính, cánh cửa mở ra. Quỳnh đi theo mẹ vào trong. Mạn nói với người đàn ông đứng sau cửa đang chăm chú nhìn họ rằng:
- Tôi dọn đến đây rồi!
Mùa thu, Mạn kết hôn với người đàn ông tên là Lục Dật Hán đó, trở thành nữ chủ nhân của nhà số 3 phố Đào Lý. Lục Dật Hán nhỏ hơn Mạn ba tuổi, là giám đốc một công ty bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, cũng là một nhà sưu tập có một gian trưng bày rất lộng lẫy. Trong nhà anh ta có rất nhiều tranh, chữ và đồ cổ quí giá, giống như một bảo tàng đầy ắp hiện vật. Lục Dật Hán cũng thích tự mình vẽ trnah và có một phòng vẽ rộng rãi. Tranh của anh ta đặt ở gian trưng bày của mình, nhưng chẳng bao giờ bán. Mạn cực kì ngưỡng mộ sự thanh nhàn của Dật Hán, chẳng ngày nào phải đến cơ quan, khi nào vui thì đến phòng trưng bày của mình lượn một vòng, gặp vài người bạn, nhưng tiền thì cứ thế chảy vào không ngừng nghỉ. Giao du với anh ta toàn những nhân vật danh tiếng của giới văn hoá. Những tiệc tùng triền miên càng làm cho Mạn nở này nở mặt.
Mạn và Dật Hán quen nhau cũng đã lâu. Bạn của Dật Hán làm ở đoàn ca múa nhạc, bản thân cũng thường đi xem biểu diễn ca kịch. Mạn biết Dật Hán có vợ đã chết từ nhiều năm trước, bên mình chẳng còn ai thân thích ngoài một đứa con trai chưa đầy mười tuổi. Mạn thích mẫu người đàn ông phong lưu. Còn Dật Hán là người đứng đắn, thận trọng. Biết Mạn đã có chồng nên mặc dù mến cô, Dật Hán chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi quá giới hạn. Cho đến lúc chồng qua đời, Mạn thấy Dật Hán là chỗ nương tựa lí tưởng nhất, cô bắt đầu chủ động tiếp cận anh. Cô làm cho anh thương cảm số phận trắc trở của mình, giờ lại mất việc ở đoàn ca múa nhạc, còn phải nuôi dưỡng một đứa con hơn mười tuổi, sự vất vả đó là quá lớn. Mạn đã trải qua với rất nhiều người đàn ông, hiểu đàn ông như lòng bàn tay. Quả nhiên, cô đã làm cho Dật hán phải thương xót.
Thoắt một cái, Quỳnh cũng trở thành một đứa bé sống trong khu phố Đào Lý. Trong nhà có xe hơi, có chó lớn, trước nhà có sân vườn rộng rãi, chỉ cần thắp sáng đèn là có thể tổ chức vũ hội lộng lẫy. Mỗi tuần lại có người làm vườn đến tỉa cây dọn cỏ, họ cũng tuân theo ý kiến của cô, trồng thêm ít dâu và trúc đào. Những ước mơ từ thuở đọc cổ tích bỗng dưng đều biến thành sự thật với cô. Cô bé Lọ Lem bỗng trở thành nàng công chúa nhỏ. Mọi người thường hỏi cô, vậy thì còn gì khiến cô không vui nữa kia chứ?
Nơi đó sáng trưng ánh đèn, mặc dù đang mùa đông cũng không thấy lạnh. Quỳnh bước lên bục gỗ trước ánh mắt của mọi người. Nàng khoác chiếc áo len kiểu lưới, có những cuộn rủ xuống sát đất. Mái tóc tuyệt đẹp với nhiều búp xoăn nhỏ, để lộ vầng trán tinh khôi. Đuôi mắt nàng kẻ màu tím lóng lánh, đôi môi màu sáng nhẹ, trông như một trái cây còn đọng vài giọt nước.
"Xin giới thiệu, đây chính là nữ văn sĩ trẻ của chúng ta, cô Quỳnh". Họ đã giới thiệu như vậy. Còn cô ấy, đã quen dần với những lời tâng bốc màu mè, như những tờ giấy gói kẹo đầy hoa sặc sỡ. Lúc này, cô mỉm cười đáp lại. Phía dưới có những tiếng trầm trồ ngạc nhiên, bởi vẻ đẹp trẻ trung và tươi sáng. Họ dõi theo cô ấy, cô ấy là tiêu điểm của buổi lễ, toả ánh sáng hào quang trong sự ngưỡng mộ thán phục của mọi người.
Đây là buổi ra mắt tác phẩm mới của Quỳnh. Trong đại sảnh rộng đầy những ký giả của các toà báo và đài truyền hình, cô đứng giữa sân khấu trả lời phỏng vấn, sau lưng một tấm panô quảng cáo khổng lồ về cuốn sách mới, hai bên là những chồng sách chất cao. B ìa sách thiết kế theo sở thích của cô từ trước đến nay: màu đỏ thẫm, xen những vệt cắt đen, trông như bờ môi gợi cảm. Từ chỗ mình, Quỳnh chỉ thấy nhấp nhô một dãy những chồng sách, gáy sách đề chữ: Tang bạch thanh bộ. Lúc này Quỳnh mới chợt thấy, bốn chữ này đọc liền nhau có vẻ giống như một câu bùa chú làm mê hoặc lòng người. Chẳng rõ từ lúc nào, cô có cảm giác hoảng sợ khi đứng cạnh những chồng sách chất cao của mình. Biết đâu đấy, chúng sẽ đột nhiên sụp cả xuống, đổ xoà ra đất, nát bét. Lúc đó, cô sẽ chẳng còn gì.
Quỳnh biết, đó thực ra là một nỗi sợ hãi hoang tưởng. Chưa bao giờ cô được hạnh húc vì những gì mình có được. Sự bất an của cô đã tới mức vô lí. Với cô, dù Thượng đế có đặt vào tay cô trái cân nặng tới bao nhiêu đi nữa, tất cả cũng sẽ bay mất, tựa như quả bóng bay chợt để tuột tay thời niên thiếu.
Cô sợ đám đông. Nỗi sợ hãi ám ảnh từ thuở nhỏ, không cách nào xoá mờ. Lớn lên, mỗi lúc Quỳnh nhớ đến câu nói của Tùng Vy - "Tôi thấy như có rất nhiều rất nhiều người bám dính vào da tôi, nhưng tôi không thể dứt ra, nếu dứt, máu sẽ vọt ra theo" - khắp người Quỳnh lại cảm giác như giòi bò.
Tình trạng hôm nay, cô đã gặp nhiều lần: thoạt nhìn có vẻ rất bình thường, thoải mái. Nhưng chỉ cần nghĩ lệch một chút, Quỳnh sẽ thấy đám người kia vụt biến thành bầy thú xông tới, lăm le cắn tai nhai mắt cô. Riêng hôm nay Quỳnh lại càng cảm thấy bất an, có thể bởi vì cái mầm non bí mật đang bắt rễ trong lòng mình. Nó đang cố sức sinh trưởng một cách vô tội mà chẳng biết thế giới bên ngoài biết bao niềm ác. Quỳnh lo lắng cho nó sẽ bị tổn thương. Ý thức che chở xuất phát từ bản năng làm mẹ. Cuối cùng cô đã hiểu, chỉ một ngày làm mẹ sẽ có mọi thiên tính của một người mẹ, ai ai cũng thế. Quỳnh không ngừng hỏi han mầm non trong bụng mình, rằng ánh đèn ở đây có chói mắt quá không, đám đông người kia có làm con sợ hãi hay không?...
Giữa lúc đang chìm vào mối giao tiếp ấy, câu hỏi của kí giả chợt cắt ngang:
- Trong Tang bạch thanh bộ, chị đã viết về quá trình trưởng thành của một cô gái có độ tuổi tương tự với chị, cô ta cũng là một cây bút. Xin hỏi, đây có phải là một tiểu thuyết tự truyện của chị. Nữ nhân vật chính trong truyện có phải chính là chị không?
- Một phần những trải nghiệm của nữ nhân vật chính là tương tự với bản thân tôi. Quỳnh trả lời nhỏ nhẹ. Cô thấy ghét sự soi mói đối với những gì đã xảy ra. Từ đáy lòng mình, Quỳnh luôn khát khao được chia xẻ, giãi bày. Nhưng càng lớn lên, cô càng cô độc, không tìm được cho mình một người có thể lắng nghe. Vì vậy trong tiềm thức, cô hy vọng những chuyện cũ có thể giống như đám rêu phong cũ kĩ, bong dần ra từng lớp. Bỏ đi những lớp vỏ rêu bám ấy, cô lại trở nên sáng sủa, trơn tru, những nỗi đau trong đó cũng không còn đáng ngại.
- Trong cuốn sách này, tuổi thơ của nhân vật nữ rất giống nàng Lọ Lem, phải chịu nhiều đau khổ, chị đã khắc hoạ rất tinh tế thế giới tinh thần của nhân vật. Có phải đó là vì chị cũng có một tuổi thơ giống nhân vật không? Một nữ kí giả khác trong chiếc áo sơ mi màu đỏ đặt câu hỏi.
- Tôi có trải qua những kỉ niệm tương tự hay không, điều đó không quan trọng. Nhưng tôi tin một điều, nàng Lọ Lem biến thành một công chúa xinh đẹp là giấc mơ của mọi cô gái tự ti. Tôi viết cuốn sách này với niềm mong ước chúng ta được nhìn thấy ánh sáng của hi vọng. Quỳnh tránh khỏi vấn đề liên quan đến bản thân một cách hơi gượng gạo. Cô trở nên càng nhạy cảm hơn nữa. Có thể đó là một câu hỏi hết sức bình thường, đối với bất kì một tác gia nào, nhưng với cô, nó bỗng giống như một sự tọc mạch ác ý.
- Sách của chị được rất nhiều độc giả ưa thích, chị đã trở thành một ngôi sao trẻ trên văn đàn. Có người nói rằng chị đã gặt hái được nhiều vinh dự hơn cả nữ nhà văn Tùng Vi, chị nghĩ sao?
- Không ai có thể thay thế được Tùng Vi! Cô trả lời kiên quyết.
- Vậy chị cảm tưởng thế nào về những bất hạnh của nữ văn sĩ Tùng Vi? Một ký giả khác nhân cơ hội đặt câu hỏi thăm dò.
- Xin lỗi, tôi không muốn trả lời câu hỏi này! Quỳnh nói xong, lạnh lùng đi xuống khỏi sân khấu. Buổi họp báo kết thúc trước dự định.
Buổi họp báo giới thiệu tác phẩm mới kết thúc, Quỳnh không dự bữa tiệc trưa, một mình vội vã bỏ đi. Tổng biên tập tiễn cô ra cửa. Đó là một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, ngậm tẩu thuốc, khi cười trên cằm xuất hiện một nếp gấp nho nhỏ. Cô để ý thấy chi tiết này vì nó giống với Trầm Hoà. Anh ta hết sức quan tâm đến Quỳnh, thậm chí có chút cưng chiều. Những lần xuất bản mới với Quỳnh đều là một niềm vui. Mỗi khi đọc xong bản thảo, anh ta đều phấn khởi nói với Quỳnh rằng anh rất "kết". Thế nhưng nhiều lúc đang bàn về nội dung với anh ta, Quỳnh bỗng thấy bần thần nhớ hình ảnh Trầm Hoà ngồi trước mặt, nói chuyện với cô về sách. Trầm Hoà chẳng bao giờ thoả hiệp khi trao đổi, thậm chí một số ý kiến không khác gì mệnh lệnh. Quỳnh lại cứng đầu không chịu. Hai người ngồi giữa quán cà phê tranh cãi kịch liệt khiến người xung quanh phải quay sang nhìn. Họ trông như đôi tình nhân đang mâu thuẫn nặng nề, tranh cãi về những vấn đề dường như rất nghiêm trọng, nhưng chẳng ai biết đó đều là tình tiết trong truyện. Quỳnh mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy bật cười. Họ đã cãi nhau xem chàng trai nên chết vì rơi máy bay hay bị sát hại vì tình, xem cô gái nên tại làm sao mà rời bỏ chàng trai. Thậm chí họ còn tranh cãi vì tên gọi của một thằng cu, tựa hồ đang đặt tên cho đứa con của họ.
Tổng biên tập theo Quỳnh đi ra khỏi phòng. Quỳnh bảo với anh ta buổi chiều còn nhiều việc phải làm, không ở lại ăn trưa với mọi người, anh bèn tiễn Quỳnh ra cửa, cũng chẳng hỏi han gì thêm. Anh ta cũng chẳng biết chút gì về cuộc sống riêng của Quỳnh.
Chẳng ai biết gì về cuộc sống của mình. Đó là điều mà Quỳnh hi vọng.
Cuối cùng thì cô cũng thoát khỏi cái hội trường ồn ào ấy, khoác chiếc áo màu đen, đi dưới bầu trời tháng mười hai đầy tuyết của Bắc Kinh. Khăn cổ liên tục tuột xuống, lại bị cô vắt lên. Đi qua một quảng trường trống vắng, cô nhìn thấy trên ngôi nhà có mái chóp nhọn bên cạnh có một đàn bồ câu đang gọi líu lo. Tuyết rơi bịt mất ô cửa sổ của chúng, nhưng bầu không khí lạnh ngắt và trong lành dễ khiến lòng hưng phấn, và đàn chim đều tập trung bên cửa sổ thập thò cái đầu, tựa như người hút ống điếu, vừa hút vừa nhả khói. Quỳnh dừng lại ngắm nghía chúng. Cô đoán chú chim đang thò đầu ra là một con chim non mới chào đời, một con khác đang đứng sát bên cạnh cho nó dựa vào, nó hết sức chú ý mọi động tác của con. Đó chính là chim mẹ. Từ khi có đứa con trong bụng, Quỳnh nhìn vào bất kì sự vật bình thường nào cũng dường như thấy tình mẹ con ở trong đó. Thậm chí lúc sắp sửa sang châu Âu giảng dạy, cô thấy hết sức quyến luyến với cái thành phố khổng lồ của phương Bắc này - đường nét của đô thị bỗng trở nên mềm mại. Những trân mưa dông nhỏ, màn sương mù bao trùm mỗi ngày cũng giống như bàn tay ôm ấp của người mẹ.
Vừa từ hội trường đến đây, cô đi hết sức cẩn thận. Chỗ này tuyết tan rồi lại rơi, rơi rồi lại tan. Mặt đường chỗ dày chỗ mỏng, những nơi thường có người bước qua đều trở nên trơn tuột. Cô đi rất chậm, thèm có một hàng cây, để vịn vào. Quỳnh chưa bao giờ vì đi bộ mà lại căng thẳng đến thế, cô rất sợ sẽ bị ngã, sợ làm tổn thương đến con mình. Thật buồn cười, Quỳnh nghĩ, tại sao mình lại sợ hãi đến thế. Chỉ cần vài tiếng đồng hồ nữa, cô sẽ làm phẫu thuật, chia lìa với con. Nó sẽ không còn thở nữa, không còn hấp thụ dinh dưỡng nữa, từ đó sẽ vĩnh viễn xa lìa với cô. Cô đang trên đường đưa nó đến nơi hành hình, mà lại tỏ ra quan tâm đến nó như vậy, cô cảm thấy mình thật nhục nhã.
Cảm giác chua và xót tràn tới, ngực cô bỗng ứ nghẹn. Cô dừng lại dưới một gốc cây, khom người nôn oẹ. Cô đã quen với nôn oẹ, lúc này cô thậm chí thấy tiếc nuối sự nôn oẹ ấy. Cô đang sắp sửa mất đi hiện tượng đặc trưng này. Cô rụt đầu dưới cổ áo dựng đứng một hồi lâu, dựa vào thân cây. Có người lại gần, vỗ vỗ vào cô, hỏi xem cô cần giúp gì. Quỳnh lắc lắc đầu, rằng mình chẳng sao cả. Người ta bèn bỏ đi. Quỳnh lại nghĩ, sự quan tâm dành cho người lạ như thế này, cũng là quyền lợi đặc biệt chỉ phụ nữ mang thai mới có, chợt cảm thấy cảm giác thoả mãn thoáng qua, rồi lại thấy thật chua xót.
Quỳnh dựa bên thân cây, nhìn đồng hồ, còn sớm mới đến giờ hẹn buổi chiều với bác sĩ. Cô thấy không muốn đi ăn cơm. Quỳnh nhìn quanh bốn phía rồi tới trước quầy bán hàng, chìa cho họ mấy đồng tiền xu đổi lấy một bình sữa chua lạnh. Cô thèm chua, như mọi bà bầu khác. Hai tay đỡ bình sữa chua bằng sứ lạnh lẽo, cô ngồi trên chiếc ghế băng của công viên, chợt thấy rất muốn nói chuyện với con. Dường như cô đang nhìn thấy, từ trong dạ con của mình, một khuôn mặt nhỏ nhắn, sáng như dạ minh châu.