Những thay đổi này đối với Quỳnh giống như những bông tuyết lặng lẽ rơi trên cửa sổ trong đêm đông. Cô ngủ say trong căn phòng kéo rèm che kín, chẳng hay biết gì về sự biến đổi trên. Thtế rồi vào buổi sớm không khí rất đỗi trong lành, Quỳnh kéo rèm cửa ra, thế giới bên ngoài kia đã hoàn toàn khác. Chúng đột ngột, nhưng thân thiện, bày ra trước mắt Quỳnh. Chúng mời gọi cô bước ra, mời cô ném mình vào, cảm thụ chúng.
Phải, Quỳnh đã hoàn toàn khác trước. Thứ Hai, khi Quỳnh mặc bộ váy áo ấy bước vào lớp, cũng có thể nói, từ sớm hơn, vào buổi sáng, khi Quỳnh mặc chúng lên mình, tự tết cho mình hai đuôi tóc nhỏ, các bạn trong phòng trừ Ưu Di phải sững sờ nhìn mình, Quỳnh cảm thấy, tất cả thật sự đã thay đổi.
Mọi người đều nhìn Quỳnh, họ thấy những bộ quần áo mới cô mặc, họ nhìn thấy đôi bím tóc nhỏ cô tự tết cho mình, họ còn nhìn thấy ở cô nụ cười xinh tươi chưa từng gặp. Quỳnh vẫn chưa quen với những ánh mắt như vậy, cô đi lại với vẻ hơi ngượng ngùng, đầu hơi cúi, ánh mắt lấp lánh. Nhưng cô cảm thấy thật tuyệt, các bạn gái trong lớp không khỏi ngưỡng mộ cô.
Cô học hành rất tốt, điểm thi luôn xếp hàng đầu, đặc biệt là môn toán, lúc nào cũng xếp nhất. Cô biết viết văn, bài của cô đăng trên báo trường, luôn gây được những xôn xao nho nhỏ. Cô còn biết vẽ, những bức tranh bột màu rực rỡ của cô đã được mang đi thi triển lãm mỹ thuật học sinh toàn thành phố. Trước, cô luôn mặc những chiếc áo phông trung tính, quần rộng thùng thình, tóc thả sau lưng. Nhưng bây giờ cô đã khác hẳn. Cô mặc váy đầm, bước những bước hơi bối rối vì xấu hổ, dáng vẻ của một cô gái xinh đẹp và đáng yêu.
Nhưng họ không hề biết. Hai năm qua Quỳnh không có một bữa ăn no. Hằng đêm cô ngủ không ngon vì đói khát. Cô ngồi một cách bình thản trong lớp, thực ra trong lòng không lúc nào quên ước ao có một chút gì để ăn cho bớt đói lòng, dẫu đó chỉ là một trái táo xanh hay một mẩu bánh mì khô khốc. Họ không hề biết rằng, mỗi tối bất luận mệt đến đâu, cô vẫn đúng giờ ra sân chạy bộ. Cô không bao giờ cho mình một lý do bất kỳ để ngừng nghỉ. Lần nào cô cũng chạy tới lúc mồ hôi ròng ròng đẫm lưng, bất kể đông lạnh, hè nóng. Chân cô đã từng bị rộp bỏng, rồi khỏi, rồi lại rộp, tự chúng dần dần lành lại. Họ không biết, cô ngồi trước bàn làm bài tập, trong đầu không thôi cảnh cáo mình không được xao lãng dù một phút. Cô đặt ra nhiều kiểu tự trừng phạt. Bắt mình phải thực hiện. Họ cũng không biết, những dòng chữ lay động lòng người kia được viết trong đêm khuya. Cô thường xuyên chỉ ngủ ba tiếng, dùng một nửa của đêm để viết, cho đến khi tay nhấc không lên, cô vẫn chưa chịu đi ngủ. Có hôm viết tới lúc cảm thấy khó chịu hết mức, cô lặng lẽ khóc một mình. Cô không thể khóc to, sợ các bạn thức giấc. Họ dĩ nhiên càng không biết cô đến từ một gia đình như thế nào, cô có những ký ức đau khổ như thế nào? Họ không biết tình yêu trước sau không hề thay đổi cô dành cho ai.
Những điều đó đều lắng sâu trong đáy lòng Quỳnh. Cô giờ đây đã biết cần chôn chặt chúng xuống đáy lòng. Mọi người hồ hởi cho cô mượn sách mới, đĩa CD nhạc hay, thậm chí giúp cô chụp ảnh dưới hoa anh đào. Bắt đầu có người viết thư tỏ tình với cô, gấp cẩn thận và nhét vào hộc bàn của cô. Có người mời cô đi xem phim, đứng đợi cô ở cổng rạp với những cốc kem màu hồng. Có người tặng cô những đồ trang sức nho nhỏ, tặng cô chiếc nhẫn sáng lấp lánh, chứa đựng tình yêu thấp thỏm. Nhưng tất cả đều không khiến Quỳnh động tâm. Những điều họ làm, đối với Quỳnh như những màn biểu diễn vô thưởng vô phạt. Quỳnh lặng lẽ xem, hoặc căn bản không hề xem. Trước sau cô vẫn ở nguyên tại vị trí của mình. Không ai khiến cho cô đứng dậy, thậm chí nhúc nhích một li.
Trác đến thăm Quỳnh, lần này rất khác. Cậu nhìn thấy cô gái mặc đầm trước mắt. Cô ấy cúi đầu, hai bàn chân hơi chếch vào nhau. Cậu không dám tin đây chính là chị nhỏ của mình. Đây đúng là chị nhỏ thân thuộc của mình hay sao? Chị mặc đầm, tết tóc khiến cậu không sao nhận ra. Thay đổi này chẳng khác đêm đen tịch mịch bỗng cháy sáng rực trời. Cậu thấy vui quá đỗi. Khi Trác từ từ bước tới, nho nhỏ nói với Quỳnh:
- Chị nhỏ, chị đẹp thật! Cô cảm thấy vui tràn trề.
Quỳnh yêu cầu Trác đừng kể với Dật Hán về sự thay đổi của cô, nói muốn cho ông ngạc nhiên.
Thời gian cuối của tuổi cấp ba thật ra vui tươi vào thoả chí. Sự thay đổi đã mang lại cho Quỳnh rất nhiều sự chú ý và tán tụng. Chúng biến Quỳnh thành con chim nhỏ, đem Quỳnh bay lên bầu trời cao. Trong lòng cô đầy ắp sự mong đợi, mong đợi mình mau chóng trưởng thành, mong đợi cuộc sống mau chóng sang trang mới, để cô được trở về với chú Dật Hán.
Bất ngờ nhất có lẽ là cô còn tham gia cả đội vũ đạo. Đó là ước mơ lớn của cô, cô nhất định phải biết múa. Múa là sở trường của Mạn. Muốn đánh bại thực sự cô ta, đó là điều không thể thiếu. Có thể không thật điêu luyện, nhưng ít nhất cũng phải có được động tác thanh thoát, tao nhã. Khi đứng trước gương của phòng tập múa, bắt đầu xoay vòng như con thiên nga kiêu hãnh, trong đầu Quỳnh luôn hiện ra hình ảnh của mẹ. Quỳnh còn nhớ cái cổ đẹp của mẹ, nhớ cái eo nhỏ và đôi chân thon dài. Quỳnh nhìn mình trong gương, cảm thấy bản thân đang ngày một đuổi gần kịp Mạn. Một sự biến đổi đáng để mong đợi.
Mẹ, tôi sắp trở về. Quỳnh nói khẽ trong đêm khuya, như một sự tuyên chiến, nhưng cũng giống như một lời than buồn bã.
Học kỳ hai năm lớp , Quỳnh bắt đầu liên lạc bằng thư với Lục Dật Hán. Trước đó, ông nhiều lần tới thăm Quỳnh, nhưng cô vẫn không chịu gặp. Đó là sự "cầm cự gian khổ", mà ông có thể không biết. Mỗi lần, Quỳnh đều nước mắt lưng tròng đứng trên cửa sổ nhìn ông đến, từng bước từng bước lại gần mình cho đến lúc phải vội vàng đi trốn, rồi lại đứng nhìn ông bước ra xe, cho đến lúc bóng xe mờ khuất. Dĩ nhiên ông biết Quỳnh không muốn gặp mặt, dần thôi không đến nữa. Còn Trác tuần nào cũng đến, lần nào cũng có những túi quà to. Mấy đứa trong hòng hết sức ngưỡng mộ. Lần nào Trác cũng bảo ba gửi lời hỏi thăm chị, còn Quỳnh lơ đãng gật đầu, mặc dù trong lòng rất vương vấn.
Những đồ ăn ngọt, béo mà Trác mang đến đều được chuyển giao cho Ưu Di.
Trác và Quỳnh cũng thường xuyên trao đổi nhật ký. Hai đứa đều mua bút màu, vẽ những trái tim có cánh, những ngôi sao biết nhấp nháy mắt, và những lời trái tim man mác buồn. Chúng giúp cho hai đứa luôn thấy gần gũi thân thiết như không hề ở cách xa nhau. Bí mật nhỏ nhỏ ấy như dòng nước, len lỏi nhưng chảy thật dài, len qua thời trẻ trung của họ.
Vào kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, Quỳnh cũng vẫn không chịu về nhà, tựa như đã dứt khoát giã biệt căn nhà đó, thấm thoát đã đến năm thứ hai. Quỳnh vẫn nhớ sinh nhật của Dật Hán vào tháng Chín. Năm ngoái đã bỏ lỡ, năm nay tới gần ngày đó Quỳnh không sao kìm được cảm giác nhớ nhung vốn đang bị cố sức xoá đi.
Cuối cùng cô vẫn quyết định gửi quà tặng cho ông. Ưu Di gợi ý Quỳnh gửi bức vẽ chân dung Dật Hán. Nhưng Quỳnh sợ món quà có ý tứ quá rõ rệt, và gởi gắm quá nhiều tình cảm bên trong. Cô chụp ảnh những bông hướng dương đã trồng, dán vào bên trong một cái hộp gỗ và gửi cho ông. Kèm vào đấy là một lời chúc ngắn ngủi không hé lộ chút tình cảm nào:
"Đây là hoa cháu trồng, không ngờ chúng mọc tốt đến vậy.
Chúc Mừng Sinh Nhật Chú.
Bé Quỳnh"
Quỳnh bất ngờ khi Dật Hán lập tức viết thư trả lời, cũng rất ngắn gọn:
"Chú cũng trồng hoa hướng dương trong vườn. Mình sẽ thi nhau, xem hoa của ai mọc tốt hơn. Trác vẫn nói với chú là cháu rất ổn. Đó là điều làm chú yên tâm nhất.
Chú rất thích món quà, cảm ơn cháu.
Chú Dật Hán"
Quỳnh nhận được thư Dật Hán mừng vô cùng. Cô lôi Ưu Di cùng đi xem hoa hướng dương. Ưu Di lạ sao bỗng dưng Quỳnh lại quan tâm đặc biệt tới những bông hoa đã bị quên lãng ấy.
Về sau, họ thường xuyên liên lạc bằng thư, đều rất ngắn gọn. Những chuyện vụn vặt, tình hình hoa hướng dương, những cuốn sách mới đọc, những bộ tranh mới xem. Nhưng chúng đủ khiến Quỳnh thoả mãn. Cô trở nên hoạt bát năng động hơn. Quỳnh nghĩ, những cố gắng của mình quả là có ý nghĩa. Chúng giúp cô và chú Dật Hán trở nên gần gũi hơn.
Sẽ ngày một gần hơn nữa, cho đến lúc Quỳnh lại được ở bên cạnh chú. Quỳnh tin như vậy.
Mỗi tuần Trác đến thăm đều nhìn Quỳnh bằng con mắt ngạc nhiên. Cậu trợn mắt nhìn Quỳnh bảo: Chị nhỏ, chị lại gầy đi rồi. Quỳnh chỉ cười không nói. Trác rất ít kể chuyện ở nhà, họ ngồi như vậy, cũng không cảm thấy cần phải nói gì. Họ đã quá quen thuộc đối với nhau. Có lúc đang ngồi vậy, Quỳnh bỗng hốt hoảng nhớ lại việc hai đứa làm khi đang ngồi xem phim trên ghế bành ở nhà. Lúc đó cậu ta vẫn còn là một đứa trẻ, tóc mềm mềm, tay chân nhỏ nhắn như không có xương, thích hai tay ôm lấy vai một cách cô đơn. Có lúc ôm ngực vì bệnh tim hoành hành. Bây giờ Trác đã lớn lên nhiều, đã có chủ kiến, nhưng vẫn ít nói, lắng nghe nhiều. Quỳnh thì đang mong Trác nói nhiều hơn, kể cho cô nghe về cuộc sống của cậu. Cả hai đều ở trạng thái chờ đợi, tiêu hao thời gian một cách chậm rãi. Trạng thái đó giống như một cơn mưa nhỏ nhưng dày đặc. Cả không gian là âm thanh rì rào, khiến người ta cảm thấy dễ chịu, chìm đắm trong lặng lẽ.
Thời gian đó Quỳnh rất bận rộn, đầy ắp việc phải làm. Học tập, chạy bộ, đọc sách, vẽ tranh, thậm chí trồng hoa. Đương nhiên còn có cả việc viết thư và nhớ nhung. Quỳnh không để cho mình dừng lại dù một phút. Cô biết rõ nếu dừng lại, lập tức thấy lòng trống rỗng ghê gớm, trong khi những hy vọng của cô vẫn mỏng như không khí trên cao nguyên Tây Tạng. Tình hình đó thật tệ, vì nó làm Quỳnh rất dễ rơi vào tình trạng ăn cuồng vô độ như trước. Điều đó sẽ đồng nghĩa với đổ hết bao công sức xuống sông. Ưu Di hết lòng phối hợp với Quỳnh, chẳng bao igờ ăn gì trước mặt Quỳnh. Lý do của cô là cái tướng ăn của mình quá xấu, khiến người không đói cũng cảm thấy đói. Cô biết, Quỳnh lúc nào cũng đói cồn cào nhưng nghiến răng chịu đựng. Lúc dạ dày đau cô cũng chỉ tỏ ra thất thần đôi chút, kỳ thực trong ruột đang muốn lộn nhào, còn đứa trẻ ám vào Quỳnh đang gào khóc từng chặp cũng bị Quỳnh ra sức kìm chế. Mỗi lần như vậy, Ưu Di lại xoa đầu Quỳnh và nói với cô như đang dỗ trẻ:
- Khi nào ấy muốn ăn, ấy cứ việc nghĩ rằng, mấy thứ đó có Ưu Di chịu trách nhiệm ăn giúp rồi. Dù sao thì ấy với mình thân nhau đến thế - tuy hai mà một. Ấy ăn hay mình ăn thì có gì khác nhau!
Trong sự giày vò của cơn đói và sự an ủi của Ưu Di, trong nỗi nhớ về Dật Hán và sự mong đợi Trác đến mỗi tuần, trong sự cố gắng và đợi chờ dài dằng dặc cái ngày mình có thể "hoàn hảo hơn", bên trong người Quỳnh đang xảy ra sự thay đổi âm thầm. Sự thay đổi đó rất chậm, khiến cho người ở sát bên Quỳnh là Ưu Di cũng không kịp phát hiện.
Một ngày chủ nhật mùa thu năm lớp , Quỳnh và Ưu Di rủ nhau vào trung tâm thành phố chơi. Họ dạo phố, nhìn ngắm các cửa hiệu. Quỳnh rất ít khi ra phố bởi cô vốn sợ đám đông. Đám đông thường làm cô nhớ lại hồi học tiểu học, những đứa trẻ vây tròn lấy cô, châm chọc trêu ghẹo cô một cách ác ý. Lên cấp III mọi việc có khá hơn. Các bạn trong lớp đối với cô tương đối hoà nhã, các cô bạn cùng phòng cũng rất nhẹ nhàng, hơn nữa lại có Ưu Di bầu bạn. Thực ra Quỳnh gần như chỉ sống trong một thế giới nhỏ chỉ có hai đứa. Thế giới nhỏ đó cũng chỉ là trường học và gò đồi phía bên ngoài. Bây giờ, Quỳnh đang bước ra một thế giới lớn hơn, trong lòng chợt cảm thấy bất an. Trước nay cô luôn từ chối đi xem những cửa hiệu quần áo và trang sức dành cho nữ giới, mặc dù rất thích.
Chiều hôm đó, Ưu Di nhất quyết kéo Quỳnh đi dạo phố. Cô bảo Quỳnh, những nơi ấy chẳng có gì đáng sợ, ấy đi rồi sẽ thấy. Ấy sẽ thấy vui mới đúng. Ở một hiệu bán váy áo, Quỳnh nhìn thấy một chiếc áo trắng, bên ngoài lồng một chiếc áo sợi màu hồng để lộ cổ áo nhọn màu trắng thêu hoa, bên dưới là chiếc váy xanh biếc đến đầu gối. Chiếc váy rất đơn giản, mềm mại, hai bên còn có hai chiếc túi. Bộ váy áo treo trên tường, phải ngửng đầu lên mới nhìn thấy. Niềm đam mê thích thú với những vật đẹp đẽ vốn bị ức chế quá lâu cuối cùng đã không nén lại được nữa. Quỳnh không rời ra được, cứ thế ngắm nghía bộ váy áo. Ưu Di trông thấy, bảo Quỳnh: "Ấy thử xem!".
Quỳnh hoảng hốt lắc đầu:
- Mình mặc không được đâu. Thôi đừng. Quỳnh quay người định đi. Đó là cách tự bảo vệ của Quỳnh. Bất kỳ việc gì cũng có thể làm cô bị tổn thương, chẳng hạn như bộ váy áo đáng yêu kia. Nhưng Ưu Di đã tóm lấy Quỳnh:
- Sao lại mặc không được, ấy không còn mập nữa, thử đi! Quỳnh vẫn muốn đi, nhưng Ưu Di vẫn túm chặt không thả, nhanh nhảu yêu cầu chủ hiệu:
- Chị ơi, cho em xem bộ kia.
Ưu Di đẩy cả Quỳnh lẫn áo váy vào trong buồng thử. Quỳnh cầm bộ váy, đứng lặng ở trong đó. Chúng mát rượi, nhẹ nhàng, trơn tru như những lời an ủi nhã nhặn. Cuối cùng Quỳnh cũng mặc chúng lên người. Cô kinh ngạc vì chúng rất vừa vặn với mình. Cô dừng lại trước cửa vài giây rồi lấy hết dũng cảm bước ra ngoài.
Ưu Di đang xem mấy bộ quần áo khác, vừa thấy Quỳnh ra bèn quay sang. Mắt cô trợn tròn, nhìn chằm chặp vào Quỳnh, ánh mắt đầy ắp ngạc nhiên vui sướng. Cô chạy vụt tới kêu lên:
- Trời ơi!
Quỳnh vội vã hỏi:
- Sao thế, chật quá phải không? Phải không? Quỳnh như đang hoảng sợ, quay người định chui vào phòng thử quần áo. Ưu Di giữ cô lại, cười:
- Chật cái gì, đẹp chết đi được. Tuyệt diệu! Ưu Di không kìm được kêu lên. Các cô gái đang chọn quần áo trong hiệu đều phải quay lại nhìn. Ưu Di kéo Quỳnh tới trước gương, để cô tự ngắm mình.
Trong gương là một cô gái có khuôn mặt rất trắng, đôi mắt to và tròn, hàng mi đen rợp. Đôi môi đầy đặn đang hé mở. Chiếc cúc đầu tiên của áo không cài, để lộ chiếc cổ thon dài. Chiếc áo sợi bó sát người, có thể nhìn rõ eo. Đôi chân nhanh nhẹn và sống động, không hề lồi lõm. Đầu cô gái buộc tóc đuôi gà, hai tay ngoắc vào nhau thả phía trước, hơi có vẻ sợ hãi.
Cô gái này chính là Quỳnh sao? Khuôn mặt trong gương chính là Quỳnh sao? Gương có biết nói dối không?
Đã bao lâu rồi, Quỳnh không đứng trước gương. Đó là khuôn mặt bị cô bỏ qua. Hoặc có thể nói, tiềm thức bảo cô phải bỏ qua. Nó như một vết thương nhầy nhụa máu bị dính vào lớp băng dày phía bên ngoài, không được chạm đến, không được mở ra. Nhưng hôm nay, cô lại nhìn thấy nó. Làm sao nó có thể lành lặn lại được? Lành lặn vượt quá sức tưởng tượng của mình, khiến cô thấy kinh ngạc.
Đó là khuôn mặt Quỳnh, đó là cơ thể Quỳnh. Chúng khiến Quỳnh nhớ tới những bông hoa không tên tình cờ gặp trên núi lúc đầu xuân. Vẻ đẹp khiến người ta thấy ngỡ ngàng nhưng không thể dùng lời để lột tả. Đây là lần đầu sau bao nhiêu năm Quỳnh không mặc váy đầm. Cô chẳng hề có váy đầm cho mình, thấy điều đó quá xa xỉ. Cô đã ngỡ rằng đời kiếp này, mình luôn phải giấu đôi chân thô nặng của mình dưới hai ống quần. Quỳnh cảm thấy chúng đang hít thở thật sâu bầu không khí tươi mát.
"Khổ thân chúng mày". Quỳnh khẽ nói với chúng, trong lòng gợn lên nỗi xót xa, nước mắt chực rơi xuống. Cô hy vọng mình có thể cứng rắn hơn, nhưng không kìm được nữa. Cô tiếp tục ngắm, rồi lại bật cười. Mắt cô không muốn rời, ra sức ghi nhớ hình ảnh đẹp đẽ ấy.
Quỳnh mua bộ váy áo đó. Ưu Di nói cô đừng thay ra nữa, cứ mặc nguyên thế. "Bộ kia của ấy khó coi lắm, như thế này ấy đẹp hơn nhiều".
Thế là Quỳnh mặc bộ y phục mới, đi dạo trên phố phường trung tâm. Cô cảm thấy mình đứng thẳng hơn trước đây, bước đi cũng nhẹ nhàng hơn, mỗi bước đều gọn gàng thanh thoát, như một cô gái tao nhã. Ưu Di đi bên cạnh cô, thỉnh thoảng lại liếc sang Quỳnh. Cô nhìn ngắm rồi lặp đi lặp lại:
- Ấy đã thay đổi nhiều quá, ấy xinh thật đấy!
...
- Quỳnh ơi, ấy không biết là bây giờ ấy xinh như thế nào.
Sự chân thành khiến Quỳnh xúc động. Cô nhỏ nhẹ hỏi Ưu Di:
- Mình xinh thật à?
- Còn phải nói! Xinh chết đi được. Sau này không mặc mấy chiếc áo phông thùng thình nữa.
Ưu Di nắm tay Quỳnh, hai đứa chạy trên đường lớn. Tóc Quỳnh xoã tung, chúng đã rất dài, đen óng, thoang thoảng mùi thơm thảo mộc, từng sợi từng sợi bay trong gió. Gấu váy cọ nhẹ trên chân cô, phát ra những âm thanh khe khẽ, thân thiết. Gió mùa thu trong xanh thổi vào bên trong, vuốt ve đôi chân cô, tựa hồ cô là đứa trẻ thất lạc lâu ngày của gió.
Quỳnh muốn nói với Ưu Di về cảm giác muốn bay lượn của mình, một cảm giác chưa từng có. Đúng, cảm thấy như mình đã bắt đầu bay lên rồi, qua những đám mây, càng bay càng cao. Ưu Di ơi, mình cảm thấy tất cả những điều tốt đẹp đang đến gần. Mình muốn nói về những điều đẹp đẽ, mình đã cảm nhận được chúng rồi, chúng đang bay tới với mình qua những tầng mây. Mình cảm thấy sắp sửa chạm tới chúng.
Hôm đó hai đứa mua rất nhiều, rất nhiều quần áo. Từ nhỏ tới lớn, cô chưa từng có ngày nào như ngày hôm đó, hứng thú với áo quần đến thế. Có trời mới biết niềm yêu thích những sắc màu tươi tắn ấy lớn đến nhường nào. Niềm yêu thích đó thực ra luôn ở trong cô, như một nguyên tố luôn có trong máu. Cô vẫn luôn yêu các sắc màu, yêu cảm giác khi thưởng thức nghệ thuật bằng thị giác. Nhưng cô đã phải ức chế bản thân, bởi vì bản thân quá cách xa cái đẹp. Xa đến mức không dám nghĩ tới và không thể theo đuổi.
Đột nhiên, Quỳnh có biết bao nhiêu là váy. Màu hồng, màu tím, màu đậm, màu nhạt, màu xanh, màu lục, váy trơn, váy xếp li.v.v... Quỳnh giặt chúng xong phơi lên ban công, đầy một hàng, tựa như một hàng cờ nhỏ được kéo lên trong tiếng kèn. Quỳnh chưa bao giờ cảm thấy yêu chính mình đến thế.