Gặp Tiểu Nhan vào khoảng đầu xuân. Nếu không có sự xuất hiện của cô, Quỳnh nhất định sẽ vẫn yên phận với những tháng ngày tựa hồ như không bao giờ thay đổi, cô ngỡ rằng mình sẽ cùng Trác sống như thế cho đến già.
Về sau, cả Trác và Tiểu Nhan đều nói Quỳnh nhân hậu, nên mới cứu Tiểu Nhan về. Nhưng Quỳnh lại nghĩ vì Tiểu Nhan sinh ra đã có một khuôn mặt khiến người khác phải thương xót, nên cũng khiến cô phải động lòng. Về sau Quỳnh thấy tựa như đó là một thứ duyên phận. Cô đã đứng nơi đầu đường đầy vận mệnh đón đợi Tiểu Nhan xuất hiện, còn Tiểu Nhan cũng đứng đợi chờ Quỳnh nơi ngã rẽ của vận mệnh, nơi Quỳnh ngơ ngác dõi trông ra bốn phía. Họ cuối cùng đã gặp nhau.
Hôm ấy Quỳnh từ tiệm cà phê đi về, đã quá nửa đêm. Đang đi chợt nhìn thấy Tiểu Nhan đang xông thẳng về phía mình. Mái tóc rất dài của cô xoã tung tơi bời, cô mặc chiếc váy ngủ dài màu xám cũ kỹ. Chiếc váy rất dài, vướng hết chaâ nọ đến chân kia, đã mấy lần cô gái suýt ngã. Dãy phố họ ở đều là những người không lấy gì làm dư giả. Chồng đối với vợ thường khá thô lỗ. Trên đường đã không ít lần người ta nhìn thấy những phụ nữ bị chồng rượt đuổi. Nhưng lần này không giống các lần trước. Ban đầu, Quỳnh chỉ nghĩ rằng đó là xô xát trong nội bộ gia đình, nên thái độ dửng dưng. Nhưng lần này, cô nhìn vào đôi mắt Tiểu Nhan, bỗng tin chắc rằng cô gái này có một hoàn cảnh rất đỗi phức tạp và đau khổ.
Đôi mắt ấy, Quỳnh vẫn luôn nhớ rõ. Bởi vì quá tròn, quá sáng, khiến cảm giác như không phải mắt loài người. Quỳnh nghĩ tới loài nai. Trong đôi mắt ấy Quỳnh luôn nhìn thấy nước đầy ăm ắp. Đôi mắt ấy khiến Quỳnh tin rằng nó thánh thiện, trong vắt thấu đáy.
Quỳnh phát hiện ra cô gái đi chân trần. Giữa đêm tháng ba lạnh lẽo, cô nhất định bị lạnh cóng. Cô gái đã sắp ngã xuống, vẫn loạng choạng lao đến, vừa vặn đâm sầm vào Quỳnh. Quỳnh đỡ cô gái, một tay nắm chắc tay cô ta, cả hai chạy thật nhanh. Quỳnh cảm thấy cô gái sắp dừng bước, sắp sửa ngã xuống. Vừa may phía trước có một chiếc tắc xi vừa trả khách. Quỳnh lập tức kéo cô gái chạy tới. Ngồi vào trong, xe bắt đầu chuyển bánh, Quỳnh quay đầu còn nhìn thấy bóng đen kia vẫn cố gắng đuổi theo thêm một đoạn nữa.
Quỳnh yêu cầu taxi chạy tới đầu kia của thành phố, nhằm cắt đuôi triệt để kẻ truy đuổi. Cô gái ngồi bên cạnh Quỳnh thở hồng hộc, cơ thể gầy nhỏ co cuộn lại. Quỳnh nhìn cô bất giác thấy thương xót. Cô khiến Quỳnh như quay lại những năm tháng trước đây. Quỳnh cũng còn là một cô gái nhỏ như thế này, giá lạnh vây bọc lấy cô. Điều nặng nề hơn, là cô cảm thấy sự cô độc, thiếu vắng tình yêu như con rắn bóng nhẫy đang cuộn chặt lấy cô. Lúc này, Quỳnh bỗng cảm thấy ấm áp, không còn là băng giá và lạnh lẽo nữa. Cô rút trong ba lô ra một chiếc lược, nhẹ nhàng chải tóc cho cô gái. Từng li từng tí một. Tóc cô gái đen dày và rất dài, che khuất nửa khuôn mặt. Quỳnh chải từng ít một và vén tóc cô ra sau gáy, một tay đỡ lấy suối tóc nặng trịch mượt mà, nghĩ thầm tóc đẹp thật, tựa như những sợi tơ để dành dệt một tấm lụa thượng hạng, mỗi một sợi đều lấp lánh chói mắt. Quỳnh rất ngưỡng mộ một mái tóc như thế vì cô chỉ có cuộc sống “vùi dập”, thức khuya, bữa no bữa đói suốt bao năm qua. Rất nhiều buổi sáng chải đầu, Quỳnh phát hiện ra tóc mình rụng từng nạm. Trong mơ, cô thường nghe thấy tiếng từng sợi tóc đứt gãy. Tóc cô luôn bị cắt lên đến vai, chẳng dài cũng chẳng ngắn.
Khi Quỳnh chải tóc cho cô gái, họ chẳng nói với nhau lời nào. Những động tác nhỏ bé đó dường như đã đưa cả hai đi qua thời gian hàng năm trời. Thế nên khi nói câu đầu tiên, hai người cảm giác như đã quen nhau từ lâu lắm.
“Ai đuổi theo em thế? Quỳnh hỏi.
“Cha dượng em“. Cô gái nói với giọng khàn đặc, Quỳnh đoán chắc đã lâu cô không uống nước.
“Bây giờ chị phải đưa em về chỗ nào? Mẹ em đâu?“.
“Mẹ em chết rồi. Em không về nhà được nữa đâu. Họ sẽ đánh em chết!” Cô gái xúc động, nhưng tiếng nói vẫn rất khẽ. Quỳnh vỗ về lưng cô, tỏ ý khuyên cô đừng sợ. Cô gái tựa vào cửa xe, nhắm nghiền mắt, Quỳnh tưởng cô ngủ, nhưng phát hiện ra cô đang nhíu mày, cơ thể không ngừng run rẩy. Quỳnh sờ tay lên trán mới biết cô đang sốt cao. Quỳnh ôm cô gái vào lòng, nhẹ nhàng bảo: “Đừng sợ, chị em mình về nhà thôi“.
Quỳnh bỗng cảm thấy, mình không còn là kẻ yếu. Cô đang gánh lên vai trách nhiệm chăm sóc cô gái yếu đuối này.
Thế là Quỳnh đem Tiểu Nhan về nhà. Cô cho cô ấy ngủ cùng giường, cách vài giờ lại cho uống thuốc, đun canh tẩm bổ. Trác cũng rất thương cô gái lạ, tan học về cậu mua một bó hoa nhỏ màu tím hồng đặt lên đầu giường cô.
Tiểu Nhan hôn mê suốt ba ngày. Quỳnh vì thế không đến trường cũng chẳng đi làm thêm, nhưng cô không cho phép Trác nghỉ học. Suốt ba ngày hai chị em thay nhau túc trực bên Tiểu Nhan, Quỳnh bỗng cảm nhận thấy một niềm hạnh phúc đơn giản mà cô đã mong đợi từ rất lâu. Một gia đình nhỏ ấm áp, một người ốm và những người còn lại bận bịu chăm sóc. Căn phòng tối tăm cũ kỹ này bỗng nhiên sáng lên ấm áp, nhộn nhịp.
Tiểu Nhan tỉnh lại khi Quỳnh không ở nhà, thuốc đã uống hết nên Quỳnh đi bệnh viện lấy thuốc. Trác đang ở nhà chăm sóc cô. Tiểu Nhan nhìn thấy Trác, hơi ngơ ngác, ngỡ là đang mơ, trước mặt là chàng hoàng tử mảnh khảnh kiểu quý tộc đã cứu cô ra khỏi chốn nước sôi lửa bỏng. Hai người ngượng ngập nhìn nhau, lặng lẽ.
Quỳnh về đến nhà, Tiểu Nhan đã có thể ngồi dậy, đang chậm rãi trò chuyện với Trác. Trác mở toang cửa sổ bị đóng kín nhiều ngày. Ánh nắng chiếu đang yếu dần chiếu vào trong phòng khiến người ta có cảm giác ngày đang bước vào sáng sớm chẳng hề cần tới một buổi đêm. Để cho ngày không còn đêm đen là cách thể hiện suy nghĩ của Quỳnh về một cuộc sống lý tưởng, suy nghĩ đó bắt nguồn từ những ngày ở nhà số 3 phố Đào Lý. Đêm xuống đồng nghĩa với việc cô không được gặp chú Dật Hán, đồng nghĩa với việc chú Dật Hán sẽ ở bên mẹ cô, có nghĩa là Quỳnh sẽ lại thức giấc giữa đêm, cô lại trốn dưới bếp và ăn điên cuồng để chống lại cảm giác sợ hãi và những kích động tâm hồn. Vì thế Quỳnh luôn mong mỏi đêm đen sớm tan đi, cô muốn ban ngày kéo dài mãi. Cô sẽ không phải lo nghĩ chuyên mất ngủ, nằm đếm từng tiếng chuông tựa như có người đang gõ cửa.
Tiểu Nhan thấy Quỳnh bước vào nhà, quay đầu lại nhìn cô vẻ ngần ngại, nhưng ánh mắt không hề tránh sang chỗ khác. Quỳnh rất thích đôi mắt sáng và ánh mắt thành khẩn của cô gái này. Cô mỉm cười nhẹ nhàng: “Mình quen nhau rồi, đúng không?“.
Cô gái gật đầu.
Quỳnh cùng lúc phát hiện Trác đang nhìn mình với vẻ kinh ngạc, nhất định là đã quá lâu cậu không nhìn thấy Quỳnh cười. Hôm ấy ba chị em cùng ăn tối. Sau bữa ăn Tiểu Nhan nhất định đòi rửa bát giúp Quỳnh. Hai người rửa cùng nhau. Cả Quỳnh và Tiểu Nhan đều là người ít nói, nhưng Quỳnh nghĩ cô ấy nhất định cũng giống như cô, cảm nhận không khí vui vẻ dễ chịu, trong lòng yên tĩnh và an bình.
Cảnh ngộ của Tiểu Nhan có nét tương tự với Quỳnh. Điều khác là cô ấy có mẹ, mẹ rất yêu Tiểu Nhan. Chính vì yêu con, bà quyết định tái giá để cho cô một gia đình trọn vẹn. Nhưng bà chọn nhầm người. Cha dượng của Tiểu Nhan là một kẻ vũ phu, ông ta cần cưới một người đàn bà về nhà, không phải vì có tình cảm gì với mẹ của Tiểu Nhan. Ban đầu ông ta đối với Tiểu Nhan khá tốt, bởi cô xinh đẹp. Đôi mắt như đoá hoa mai luôn khiến ông ta thấy lòng dạ phơi phới. Mẹ Tiểu Nhan không lâu sau mắc chứng ung thư vú, có lẽ toàn bộ gia tài cũng không đủ chữa bệnh cho bà. Vì thế bà kiên quyết không nằm viện mà trở về nhà. Thế nhưng, điều bà thấy khi về đến nhà là gã đàn ông kia đang đè lên con gái mình. Người đàn bà điên cuồng xông tới, nhưng đã bị gã đàn ông đánh gục xuống sàn. Sau đó chỉ khoảng một tuần, bà qua đời. Tiểu Nhan không đủ sức để đau buồn, cô trở thành trò chơi ô nhục trong tay gã cha dượng. Ông ta nghĩ rằng cưới vợ về là để hầu hạ mình, nên giờ đây con gái bà hiển nhiên phải thay mẹ tiếp tục hầu hạ ông ta.
Tiểu Nhan liên tục chống cự, cho đến một ngày cô trốn được ra khỏi nhà, lúc đó đã ba tháng sau khi mẹ cô mất. Những chuyện trên, Tiểu Nhan đã kể cho Quỳnh vào một lần hai người trò chuyện riêng. Cô gái trạc tầm tuổi với Trác, thoạt trông thật yếu đuối, nhưng lại rất cứng cỏi, không muốn kể lể chuyện đời mình cho người khác. Quỳnh vì thế không bao giờ kể lại cho người khác nghe, kể cả Trác.
“Em cứ ở lại đây sống với chị em chị nhé, chúng ta như người trong một nhà“. Quỳnh nói.
Tiểu Nhan bước tới bên Quỳnh, ngả đầu vào vai cô, hỏi nhỏ: “Em có được gọi chị là chị nhỏ không, giống như Trác ấy?“.
Quỳnh đã khá lâu không khóc, cô ngỡ rằng sẽ không còn chuyện gì có thể làm mình khóc nữa. Nhưng phút giây này, bất giác mắt cô nhạt nhoà.
Những ngày sau đó, Quỳnh và Tiểu Nhan thường cùng nhau làm việc nhà. Có người làm cùng bao giờ cũng tốt. Mặc dù Tiểu Nhan ít đọc sách, nhưng trong cốt cách vẫn có dáng vẻ thanh nhã yêu kiều. Đó là điều Quỳnh rất thích, bởi bản thân cô không có. Điều đầu tiên Quỳnh tự học được là chống chọi những khó khăn cơ bản của cuộc sống, sao cho cô và Trác có thể sống dễ thở hơn chút ít, tiếp đó là làm sao để ứng phó với những điều đột ngột xảy ra từ đâu đó trong các ngóc ngách của cuộc sống. Tiểu Nhan biết thêu thùa, Quỳnh thì không. Tiểu Nhan yêu những con vật nhỏ bé và hoa lá cỏ cây. Còn Quỳnh, cô chỉ luôn nghĩ phải làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn.
Có lúc, Quỳnh cảm thấy Tiểu Nhan là cô gái bước ra từ trong tranh cổ. Mỗi đường nét của cô đều tinh tế đến mức người khác không dám chạm vào, tựa như một búp bê làm từ giấy bóng kính trong suốt. Nhưng vì cuộc sống của cô đầy trắc trở khó khăn nên cô không có tính làm mình làm mẩy. Quỳnh thường xúc động về sự tế nhị của Tiểu Nhan. Hằng ngày chỉ một mình Tiểu Nhan ở nhà, nên cô đảm nhận luôn công việc dọn dẹp và nấu cơm. Tiểu Nhan không những nấu ăn rất ngon, hơn nữa không cần hỏi cô cũng nhanh chóng nắm được Quỳnh và Trác thích ăn những thứ gì. Đặc biệt là với Trác, sức khoẻ cậu không tốt, trước đây được chú Dật Hán cưng chiều nên ăn uống rất kén chọn và ăn ít. Mỗi ngày Tiểu Nhan đều đổi món cho Trác ăn ngon miệng hơn. Cô đun canh trong nồi nhỏ, rồi múc ra những chiếc bát sứ xinh đẹp bốc hương vị thơm ngon, chỉ nhìn thấy thôi đã đủ khiến người khác thấy khoan khoái dễ chịu. Trác rất thích những món canh đó, sắc diện của cậu cũng ngày càng hồng hào hơn trước. Quỳnh không thể không thừa nhận cũng với một số tiền như thế, Tiểu Nhan có thể làm ra bữa ăn phong phú hơn cô, thậm chí còn dùng tiền thừa ra để mua hoa về cắm trên bàn. Căn phòng nhỏ trở nên ấm áp và thơm tho.
Sau khi Ưu Di vào tù, Quỳnh bắt đầu cuộc sống gian nan và cực nhọc của mình. Cô và Trác vẫn trọ trong căn phòng của Ưu Di. Quỳnh vĩnh viễn còn nhớ những thương cảm nhỏ nhặt nhất,dù chỉ tựa như những vết nhăn, cũng là những vết thương.
Quỳnh trở thành nhân viên phục vụ trong quán cà phê, mặc đồng phục màu hồng phấn, cười suốt ngày, bưng cà phê nóng một cách chắc chắn, hoặc bưng trà sữa, hoặc trà ướp hoa. Lúc nào cũng nhớ giá cả của các loại bánh ngọt, hạt dẻ.v.v... Cô luôn phải đứng trong giờ làm việc, không có thời gian ăn cơm. Thường chỉ đến lúc ra về vào nửa đêm, cô mới được một hộp nhỏ những bánh trái ngày cuối hạn sử dụng. Cô để dành cho Trác một nửa, còn lại, cô ngấu nghiến chúng trên đường đi bộ về nhà. Trước đây để đảm bảo trọng lượng cơ thể, những thứ như bánh ngọt đã bị cô triệt để xa rời. Nhưng giờ đây, Quỳnh luôn cảm thấy đói, cái đói bắt đầu từ trong tim, cô cảm thấy tủi thân vô cùng. Để ức chế cảm giác ấy, cô chỉ có thể dùng thực phẩm đắp vào. Giờ đây thực phẩm không còn là thứ mà cô có thể chọn lựa.
Trác cũng định đi kiếm việc làm thêm, Quỳnh không bao giờ đồng ý. Mùa hè năm ấy, cậu ta đành ở một mình trong căn phòng hơn hai mươi mét vuông. Cậu thường đứng bần thần bên cửa sổ, cho cá ăn lần này tới lần khác. Nhưng cậu cũng học được cách nấu cơm, việc làm vui thú nhất trong ngày chính là làm những món ăn khác nhau cho Quỳnh. Còn Quỳnh nhìn Trác vẫn cảm thấy lo lắng. Cậu ta lớn lên, đối với Quỳnh là một chuyện nguy hiểm. Bởi vì cậu ngày càng giống cha, ngày càng có thể khiến Quỳnh trở lại với tình cảm mù mịt của những tháng ngày vô vọng trước đây. Có lẽ chính vì thế mà Quỳnh không dám nói chuyện nhiều với Trác. Thậm chí có lúc cô cố ý tránh xa Trác, lo sợ ảo giác trong lòng ngày một lớn lên, khiến cho tình cảm trong sáng giữa hai người không còn nữa.
Người đã chết bỗng trở thành một rãnh sâu ngăn cách giữa Quỳnh và Trác. Hai đứa không ai tiến lại gần được ai, cùng lặng lẽ trên hai bờ ngăn cách.
Quỳnh thậm chí cả không biết bệnh mộng du của Trác ngày một nặng thêm. Cha cậu giờ đây đã thành một linh hồn xa xôi. Trác từ khi còn là một đứa trẻ đã một chân đứng trong đời thực, chân kia dẫm lên cõi mộng tưởng hư vô. Cái chết của Lục Dật Hán là một cú ngáng mạnh đối với cậu, khiến cậu hoàn toàn rơi vào thế giới bồng bềnh kia. Trác không còn để tâm tới chính bệnh mộng du của mình nữa, cậu hoàn toàn hy vọng cha hoặc mẹ sẽ đến đưa cậu đi.
Trác giờ mới hiểu ra sự quan trọng của vật chất, hiện tại cậu không có tiền, cả đến một chút an ủi, quan tâm đến Quỳnh cậu cũng không làm được - mỗi một lần định mở miệng khuyên Quỳnh, Trác lại liên hệ tới bản thân. Mình có tư cách gì để nói như thế? Sự bần cùng đã khoá miệng cậu, mọi lời nói an ủi đều trở nên giả dối và nực cười. Cậu chỉ biết ngày ngày cầu nguyện để mình không bị ốm, không mang lại thêm khốn khổ cho Quỳnh. Cả hai người đều trở nên trầm lặng, như hai con người xa lạ ở dưới cùng một mái nhà. Chẳng lẽ đó là điều mà cậu muốn sao? Chẳng phải hai đứa đã từng cùng ngồi dưới ánh sáng trăng cùng xếp khối gỗ, mong sao mau chóng lớn lên, bởi vì lớn lên rồi mọi việc sẽ tốt đẹp hơn đó sao!
Hai người bắt đầu quen dần với căn phòng nhỏ này, cho dù cách vài ngày lại bị mất nước, mỗi lần đổ rác phải chạy một quãng xa, còn tường bên là một dân nghiền nhạc rock, thường xuyên mở nhạc ầm ĩ, tựa như một vết thương viêm loét, mặc nhiên giải phóng ra mọi điên cuồng, kích động. Bởi trong căn phòng này còn có những mảng màu rực rỡ, màu đỏ thẫm hết sức ấm áp, màu vàng cam của ngọn đèn đang toả ra hơi thở của cuộc sống tươi trẻ. Căn phòng có gian bếp nhỏ xinh, có Trác đang mặc đồ ở nhà, đứng bên bếp làm cơm. Trong chiếc nồi nhỏ có những món chè trái cây thơm ngon. Trong nhà còn có những chú cá lớn lên mạnh khoẻ, nghịch ngợm gí đuôi vào những cây rong tươi rồi vụt đi như đứa trẻ gây ra rắc rối rồi bỏ chạy. Về sau Quỳnh và Trác còn phát hiện ra trên gác thượng có một chiếc sân con, và gia đình của một đàn bồ câu xám. Hai đứa thỉnh thoảng trèo lên thăm chúng sau bữa tối. Đám con vật cô đơn, mất tình thương của chủ, tối tối chúng hay kêu thảm thiết, mong chờ một chút thăm nom và chăm sóc. Quỳnh và Trác đem gạo lên thăm chúng, chúng thản nhiên đậu lên tay họ, như có mối duyên phận nào đó giữa hai bên, gần nhau không chút khoảng cách.
Kỳ nghỉ hè kết thúc, Quỳnh quyết định cho Trác vào ở nội trú. Chỗ ở này cách xa trường của Trác lẫn đại học của Quỳnh, hơn nữa Quỳnh vẫn phải đi làm thêm, cộng với việc học, cô không còn thời gian chăm sóc Trác. Cô hy vọng Trác có thể yên tâm học hành trong nội trú, làm một đứa trẻ đơn giản dễ sống. Quỳnh cũng định chuyển vào nội trú của đại học, như thế tiền nhà sẽ rẻ đi nhiều. Số tiền dôi ra, cô có thể giúp đỡ Trác thêm về vật chất. Quỳnh nói với Trác về quyết định này, nhưng cậu chỉ lặng im không nói. Quỳnh bắt đầu thu xếp căn phòng, chia những thứ có thể mang đi làm hai phần cho hai người chia nhau mang về trường của mình. Nhưng phần lớn đồ dùng trong nhà đành phải để lại. Trác ôm lấy bể cá đứng ở cẳ, Quỳnh nói em phải chăm chỉ học hành, không có thời gian nuôi cá đâu. Mình đem cho đi thôi. Trác vẫn một mực không nói. Quỳnh tiếp tục xếp quần áo cho Trác. Cậu không có nhiều quần áo, chỉ là mấy chiếc áo sơ mi và quần bò mà Quỳnh mua cho. Quỳnh đã giặt sách tất cả chúng, gấp cẩn thận. Quỳnh đưa cho Trác một ít tiền, nhét vào bên trong ba lô, nhắc cậu giữ cẩn thận.
Thế rồi Quỳnh nói, chúng ta phải đi rồi. Trác vẫn ôm lấy bể cá, buồn bã nhìn Quỳnh, bất động. Quỳnh thở dài, trong lòng trách cậu không biết điều. Quỳnh xách ba lô của Trác lên, đeo lên vai cậu, đẩy Trác đi. Chúng mình phải đi rồi. Trác vẫn bất động. Quỳnh thấy trong lòng buồn ghê gớm, cô cảm thấy Trác làm vậy là vì bản thân, cậu hoàn toàn không thấu hiểu cho Quỳnh. Quỳnh bỗng trở nên nóng nảy, cô sợ rằng hai người dùng dằng thế này sớm muộn sẽ rơi vào tâm trạng tuyệt vọng. Quỳnh bèn nắm lấy tay Trác hét lên:
- Em phải biết điều, biết không. Chị không có thời gian chăm sóc em nữa, em có hiểu không?
Trác nhìn Quỳnh bằng thái độ thất vọng, để bể cá xuống mặt bàn, quay lưng chạy vụt ra ngoài. Quỳnh tủi thân, nhưng chẳng còn ai an ủi cô. Ưu Di không có, chú Dật Hán cũng không còn. Quỳnh chuyển dần ba lô của Trác, bể cá và hành lý của cô ra khỏi phòng, khóa cửa lại. Nhưng cô không biết phải tiếp tục đi đâu, bèn ngồi xuống nền hành lang, chờ chủ nhà đến thu chìa khoá.
Ngồi trên hành lang, tay ôm gối, Quỳnh ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Cuối cùng cô không còn kháng cự nổi những vất vả không ngừng suốt mấy tháng qua. Quỳnh không hề viết truyện, không đọc sách, không dạo phố, càng không hề mua cho mình một món hàng xa xỉ phẩm nào. Ngoài làm thêm ở quán cà phê, thời gian còn lại cô đi làm ở một siêu thị. Đồng phục hồng, đồng phục xanh, giá cả các loại bánh ngọt, trọng lượng của cải bắp hay đậu nành... Cuộc sống mỗi ngày đều chỉ có thế. Quỳnh ngỡ rằng cô sẽ thường xuyên phải đối mặt với ác mộng. Chú Dật Hán, Ưu Di, thậm chí là cha và bà nội của cô. Nhưng thực tế, một lần nằm mơ cũng không có. Nằm mơ là một việc quá xa xỉ. Cần phải nằm thẳng người, yên lặng chờ đợi, thế rồi giấc mơ mới từ từ như một đám mây trôi tới trên đầu. Còn trên thực tế, Quỳnh không có thời gian cho nó. Cô nằm xuống chẳng được mấy chốc lại phải bật dậy, chạy đi làm ca đêm hoặc chuẩn bị tiếp nhận ca sớm. Cuộc sống của cô rất sơ sài, thô tháp. Đây có lẽ là con đường sống mà cô đã mất công chọn lựa, không còn một chút thời gian cho cô ngần ngừ, hay buồn bã. Đúng như Ưu Di đã nói, Quỳnh là con quay đã bị xoay tít, không được phép dừng lại.
Quỳnh thầm nhủ: “Trác, em có biết không, chị không hề muốn chia tay với em“. Quỳnh nghĩ tới khuôn mặt sợ hãi của cậu đang nhìn mình, cậu giận cô một cách sâu sắc. Quỳnh ngủ thiếp đi, cho đến khi có người vỗ vào vai mình. Cô lập tức tỉnh lại. Ra là chủ nhà đến lấy chìa khóa. Quỳnh vội vàng đứng dậy, rút chìa khoá trao cho chủ nhà. Ông ta ngẩn ra một lúc rồi bảo Quỳnh:
- Em cháu vừa mới đóng tiền thuê nhà tháng sau rồi, nói là các cháu tiếp tục ở đây. Có phải thế không?
Quỳnh nhìn ông ta, chẳng biết nói gì, chỉ chầm chậm rút tay đang đưa chìa khóa ra phía chủ nhà lại như một cái máy. Cô thả chìa khóa vào túi áo. Nó phát ra những tiếng lách cách, như tiếng rít của con chó nhỏ lạc đường tìm về được tới nhà. Quỳnh không nói gì thêm, gật gật đầu với ông ta, cô đã nhìn thấy Trác đang đứng phía sau.
Chủ nhà đi rồi, Trác từ từ tiến lại. Quỳnh hỏi: “Em lấy tiền đâu ra?“.
“Tiền làm tượng cho người ta“. Cậu trả lời.
Quỳnh chợt nhớ ra Trác thường hay ở nhà làm tượng, trước đó cô chỉ nghĩ cậu đang làm bài tập của lớp mỹ thuật. Hoá ra là thế.
Trác tiến lại gần hơn, nói với Quỳnh: “Chị nhỏ, tối qua em mơ thấy ba rồi“.
“Thế à? Ba vẫn thương Trác hơn chị. Xem đấy, ông có bao giờ đến trong mơ của chị đâu“. Quỳnh chua xót, trong lòng thêm chút buồn bã và tủi thân, tựa hồ như đang tranh được chiều chuộng với Trác thật.
“Không phải, ba đến là vì việc của chị đấy“. Trác nói.
“Á, việc của chị?“. Quỳnh rung động.
“Vâng. Ba nói với em là. Chị nhỏ đã quá vất vả rồi, con phải biết nghe lời chị, không được để chị giận. Các con phải ở với nhau, thương yêu nhau, biết không?“. Trác bắt chước giọng nói của cha cậu. Trác và cha vốn đã rất giống nhau về ánh mắt và động tác. Cậu đứng ở đó nói năng khiến Quỳnh bất giác không hiểu là ai đang nói trước mặt.
Quỳnh lại khóc, gật gật đầu: “Em nói dùm chị với ba, là Quỳnh sẽ chăm sóc em Trác cẩn thận, thương yêu em Trác, không chia rời“.
“Ba nói là ba nghe thấy rồi, ba rất vui lòng“. Trác vụt trả lời Quỳnh rất nhanh, khẽ mỉm cười. Cậu giống như một linh hồn xuyên giữa hai thế giới. Trác giúp Quỳnh bê hành lý, Quỳnh rút chìa khóa trong túi ra, lại mở cánh cửa. Quỳnh nhìn quanh phòng, màu tường đỏ thẫm, đèn cây dài hình trụ, những chú cá trong bể vẫn vui vẻ đùa giỡn. Cuộc sống đối với chúng chỉ là những trò chơi vui vẻ, không có bức xúc, không có che đậy. Tất cả mọi sự thật đối với chúng chính là nước, ánh sáng và thức ăn.
Đây là căn nhà của họ, nó như là cây nấm lặng lẽ nổi lên dưới trời mưa, mặc dù chỉ có thể chống chọi lại những giọt mưa nhỏ, nhưng cũng là cánh ô an ủi lòng người. Quỳnh nhìn mấy chú chim câu lướt xuống từ gác thượng, chúng đang nhìn hai đứa hết sức trìu mến, đó là những người hàng xóm thân thiện nhất của họ. Chúng học tập họ một cuộc sống đầy thương yêu, không xa rời.