Quỳnh đi trong hành lang lạnh lẽo của bệnh viện, lên cầu thang, rẽ ngoặt, lại lên cầu thang. Người phụ nữ có khuôn mặt tái nhợt, trong bộ đồ đen tuyền, đeo cặp kính đen, to đến mức khoa trương này đã là nữ nhà văn nổi tiếng trẻ tuổi nhất. Cô được mời sang giảng bài ở một đại học ở Ý, bởi không lâu trước đây, sách của cô được xuất bản tại Ý, đã tạo nên tiếng vang lớn ở đó. Nhưng trong buổi chiều mùa đông này, không ai biết cô lặng lẽ đến bệnh viện, đi thẳng lên tầng ba. Hành lang hết sức tăm tối, cô bước đi, bước đi chợt trào nước mắt. Cô nghĩ, tại sao mình lại sợ hãi đến vậy, em bé của vì lý do gì mà không dám nhìn người đời? Cô lên cầu thang, trong lòng liên tục nói lời vĩnh biệt với đứa bé. Cô đã quyết tâm như vậy, nên không cầu xin sự tha thứ của nó.
Sắp Tết, trong bệnh viện chỉ có vài bệnh nhân, một số phòng đã khoá cửa từ đầu giờ. Ngoài trời tuyết đang rơi, trong nhà như càng đen, càng lạnh hơn.
Quỳnh trông trên dãy ghế băng ở trước phòng khám khoa sản trên tầng ba có một khuôn mặt rất quen. Quỳnh sững người, lặng lẽ quan sát người đó. Chính là Mạn. Bà mẹ Mạn của cô. Trông Mạn giống một thị dân nghèo nhếch nhác, mặc chiếc áo khoác lông vịt màu lục trơn, đôi giày đế phẳng màu đen đã bục vết keo dán. Trong ấn tượng của mình, có lẽ đây là lần đầu Quỳnh thấy Mạn đi giày đế bằng. Mạn trở nên thô kệch, chiếc cằm nhọn đã biến mất, trên lớp da nhũn nhão là những vết ban màu nâu. Quỳnh bấy giờ mới nhớ ra trên đời này mình vẫn còn một người ruột thịt.
Quỳnh không hiểu tại sao mình lại có thể gặp Mạn giữa chốn này. Kinh nghiệm tổng kết của cô là Mạn luôn xuất hiện ở những nơi cô gặp xui xẻo, mất mát, cùng quẫn. Có lẽ lần này cũng vậy. Cô định quay lưng bỏ đi, lúc khác lại đến khám. Nhưng cô vẫn nhìn Mạn, rồi bỗng cảm thấy, giờ phút này, trong mắt Mạn ánh lên sự dịu dàng, hiền hậu. Đôi mắt đó không còn hung dữ, sắc nhọn như trước. Sự dịu dàng của tình mẹ con trong mắt Mạn kéo Quỳnh lại gần bà, thậm chí không để tâm đến việc có thể mình sẽ gặp những điều trắc trở.
Mạn không nhận ra cô, cho đến khi Quỳnh bỏ kính đen ra. Hai người nhìn nhau trong hành lang tối tăm của bệnh viện. Họ nhìn nhau. Quỳnh mặc áo khoác dài xám, bốt cao với màu xanh thẫm phối với màu hồng đào. Tóc cô bây giờ đã rất dài, dài hơn cả tóc Mạn trước đây. Son môi của cô đỏ sắc, trên người cô toả ra hương thơm của nước hoa cao cấp. Mạn ngắm Quỳnh, cô gái này thật đẹp, thật giống mình trước kia.
- Mẹ ốm à? Quỳnh hỏi. Cô vốn không thèm đếm xỉa đến bà, nhưng bộ dạng của Mạn thực sự khiến cô thấy xót xa.
- Không, mẹ đang có thai. Mạn trả lời, giọng điệu bình thản.
- Á... Hôm nay... làm phẫu thuật phải không ạ? Quỳnh kinh ngạc hỏi tiếp - cô và mẹ lại làm phẫu thuật cùng ngày.
- Không, đến khám thôi, mẹ muốn có đứa trẻ. Mạn lại bình thản đáp. Quỳnh dường như không tin vào tai mình. Người phụ nữ bốn mươi tuổi trước mặt cô là người từ khi sinh ra đã luôn oán hận, căm ghét cô. Một người mẹ căm ghét mọi đứa con, giờ đây muốn có đứa bé.
- Vì sao? Quỳnh hỏi.
Mạn ngẩng mặt lên nhìn Quỳnh, chậm rãi nói:
- Đến độ tuổi như mẹ, con tự nhiên sẽ hiểu đứa con quan trọng đến mức nào. Với con, mẹ đã thất bại, giữa hai người không có tình yêu. Điều đó đã không thể bù đắp. Mẹ cũng không hy vọng con sẽ đối xử tốt với mẹ. Không có tình yêu mà chỉ là sự hiếu thuận, đó chính là mẹ nợ con quá nhiều. Mẹ không muốn vậy. Vì thế mẹ muốn làm lại từ đầu, cố gắng sinh hạ và nuôi dưỡng một đứa con. Con đã rất thành công hôm nay, nhưng mẹ chưa hề giúp đỡ con, con cũng không thực hiện giấc mơ của mẹ. Vì vậy, sự thành công đó không liên quan đến mẹ. Sau này mẹ sẽ tận lòng dạy dỗ đứa trẻ, nó sẽ biến giấc mơ của mẹ thành hiện thực. Lúc đó, mẹ sẽ tìm thấy niềm an ủi.
Mạn nói xong, lại ngẩng mặt nhìn Quỳnh mỉm cười. Người phụ nữ kiêu hãnh, dù lâm vào tình cảnh khó khăn, vẫn không cúi mình cầu xin gì ở con gái. Bà cũng không tùy tiện giơ tay, bà ta tin mình vẫn còn thời gian và tình yêu để trao đổi.
Mạn đã bán tin tức về Tùng Vy, được một khoản tiền không nhiều, nhưng rồi lại bị một gã đàn ông cặp kè khác lừa lấy mất. Đúng trong lúc cùng quẫn, bà bỗng phát hiện ra mình có thai. Điều khiến bản thân bà không tin chính mình là cảm giác ấm áp triền miên đang sưởi ấm khắp người bà. Mạn cảm thấy trong bụng mình là một đứa trẻ đầy sức sống, đang dùng thân nhiệt vỗ về an ủi bà. Ông trời cuối cùng đã cứu vớt Mạn, cho bà một niềm hy vọng.
Lời của Mạn khiến Quỳnh suy nghĩ rất nhiều, đồng thời cũng thấy ớn lạnh. Quỳnh đặt tay lên bụng mình một cách vô thức. Thời khắc này, cô thực sự hoang mang, cô đã từng muốn từ chối sinh mạng nhỏ bé này, bởi vì trách nhiệm phía trước quá nặng nề. Nếu cô không đủ tình yêu và hy sinh bảo vệ nó, khiến nó thất vọng với cuộc đời, thì chẳng bằng đừng bắt nó phải đến với đời. Nhưng lúc này, khi cô nhìn thấy người mẹ đã luống tuổi của mình đang nâng niu sự sống bằng lòng dũng cảm của tình mẫu tử, Quỳnh bỗng cảm thấy bao nhiêu cái gọi là suy nghĩ đắn đo kia bất quá chỉ là mượn cớ trốn tránh.
Quỳnh đối diện với người mẹ mà cô từng căm ghét nhất giữa hành lang âm u của bệnh viện, lòng ngổn ngang trăm mối. Cô không biết mình nên quyết định thế nào.
Người phụ nữ ngẩng mặt nhìn con gái mình. Bà dĩ nhiên nhìn thấy nỗi đau buồn, khổ sở ẩn chứa trong ánh mắt cô. Bà hiểu Quỳnh đến làm gì. Bỗng nhiên bà cảm thấy thời gian như quay lại. Con gái chính mình là mình trước đây. Nó đứng về phía mình của hai mươi mấy năm trước. Bà cảm thấy mình đang trở lại với quá khứ, bà đang chọn lựa lại từ đầu.
Cô gái nhìn mẹ. Cô cảm thấy mặt bà nghiêm trang, và vẫn thoáng nét kiêu hãnh, tự tin. Tất cả thật giống với nhiều năm trước, phía trước cô là một thiếu phụ như cánh chim khổng tước rực rỡ. Cô bỗng thấy, có lẽ đây chính là điều Trầm Hoà đã nói - thời gian thật ghê gớm. Thời gian trôi thật nhanh, những hận, những sầu của người phụ nữ này đã bị san bằng. Lúc này đây, bà lại lên đường, gọn gàng, ngay ngắn.
Cùng thời gian đó, Mạn đang sống bức bối và trục trặc ở nhà số phố Đào Lý. Gã họ Trịnh đổ bệnh đã lâu, nằm liệt giường. Mạn không thể nào suốt ngày ở trong nhà chầu chực bên con người tàn tật đó để hầu hạ gã. Bà thuê cho gã một người giúp việc, bản thân mình vẫn đi chơi, thăm thú bè bạn, đánh bài, dạo phố. Bà luôn là người biết giữ đường rút lui cho mình. Nhưng lần này vì ham chơi mà mất cảnh giác. Gã họ Trịnh đến mùa thu thì ra đi, điều đó cũng chẳng làm cho Mạn thấy đau buồn, không phải lần đầu làm một quả phụ, hơn nữa cuộc hôn nhân đó đã sớm chỉ còn trên danh nghĩa. Nhưng vấn đề ở chỗ, gã họ Trịnh lại có chuẩn bị từ trước, lặng lẽ nhượng tài sản của mình lại cho con gái đang ở Mỹ, đặt cọc luôn cả ngôi nhà. Gã không để lại cho Mạn lấy nửa xu. Đó là sự trả thù dành cho Mạn. Khi Mạn được luật sư thông báo cho biết điều đó, bà vẫn đang mặc bộ lễ màu đen đưa tang chồng. Bà không tin vào tai mình. Quả thực bà đã sơ hở, bà hơi nhầm rằng ai cũng lương thiện thật thà như Lục Dật Hán. Trong buổi đưa tang, Mạn nổi cơn điên, dùng chìa khoá đập vỡ lớp kính trên di ảnh của gã họ Trịnh, rồi quay mình bỏ đi.
Mạn vừa về đến nhà số phố Đào Lý, người của công ty địa ốc đã tới, yêu cầu bà mau chóng rời khỏi. Mạn không hề ngờ rằng mình cũng có ngày như thế.
Mạn đứng trên ban công phòng ngủ trước đây của Lục Dật Hán, nhìn xung quanh ngôi nhà, bỗng cảm thấy nơi đây thật lạnh lẽo. Dật Hán đã chết ở đây, gã họ Trịnh cũng chết ở đây, giờ đây cái chốn này cũng đang dồn đuổi bà phải ra đi. Nhưng Mạn của bây giờ đã không còn là Mạn hơn hai mươi năm trước. Thậm chí đã không còn là Mạn của một vài năm trước. Bà đã luống tuổi, không còn khả năng, cũng không còn sức lực đi chinh phục trái tim của một người đàn ông nào khác. Mạn giờ đây không tiền không nhà, làm sao để sống đây! Mạn ôm lấy ban công và khóc, trong lòng nghĩ lẽ nào đây chính là báo ứng.
Hôm đó, Mạn nhận được bức thư của Tùng Vy gửi tới. Trên thực tế, từ khi Tùng Vy về nước, mỗi cách vài tháng lại gửi cho Dật Hán một lá thư. Tùng Vy chỉ nói rằng xin được Dật Hán tha thứ cho mình, mong Dật Hán đến gặp dù chỉ một lần. Tùng Vy không dám đường đột đến tìm Dật Hán, vì không biết nếu Trác bỗng nhìn thấy mình thì sẽ ra sao. Mặc dù thần kinh của Tùng Vy không được tỉnh táo, nhưng bà vẫn luôn biết mình từng khiến Trác phải tổn thương, nên một khi đã lùi ra phía sau giới hạn đó, thì sẽ không bao giờ dám đường dột quấy rầy cuộc sống của hai cha con họ. Tất cả các bức thư đều rơi vào tay Mạn. Bà ta bóc ra đọc một chút rồi huỷ luôn không suy nghĩ. Nhưng hôm nay, bà xem thư, vẫn là những nội dung như thế, Tùng Vy nói nếu anh có thể tha thứ cho em, mong anh đến gặp em một lần. Mạn định vứt bức thư đi, nhưng chợt phát hiện ra địa chỉ ghi trên phong bì. Mạn sững người - đó là một thôn nhỏ ở ngoại ô, ít người biết tới. Cũng không có gì ghê gớm, nhưng Mạn bỗng nghĩ hay là mình sẽ tìm gặp Tùng Vy, biết đâu có thể xoay được ít tiền từ đó.
Ý nghĩ đó lập tức cổ vũ cho lòng tham của Mạn. Phải rồi, bà ta luôn gặp địa chỉ này trên thư, sao chưa bao giờ nghĩ tới việc đi tìm Tùng Vy. Mãi đến hôm nay, khi hết sức cần tiền mới chợt nghĩ ra. Có lẽ đây là ông Trời đã ban cho mình một con đường mới để đi. Quả là Trời không tuyệt tình người. Lần này cũng thế, bà ta nhất định tìm ra con đường giải thoát cho mình.
Mạn dựa vào địa chỉ trên phong bì để đi tìm Tùng Vy. Khi phát hiện ra đó là một khu bệnh xá, bà hết sức kinh ngạc. Vì vậy càng quyết định phải vào tận nơi xem sao. Mạn cứ theo địa chỉ, tìm đến tận gian phòng cần đến. Cái mà bà ta nhìn thấy là một phụ nữ trung niên tiều tuỵ xác xơ, ngồi xoay vào góc tối đang nghịch một cây bút bi. Mạn kinh ngạc vô cùng, nghĩ chắc là mình đã nhầm, bèn định trở ra. Nhưng rồi bà ta ngó lại người phụ nữ, không kìm được gọi thử một tiếng: “Tùng Vy?“.
Người phụ nữ kia cực kỳ hoảng sợ, vội quay đầu ra nhìn: “Chị gọi tôi à? Tôi không quen chị, tôi không quen chị...“.
Vốn Mạn chỉ định gọi thế thôi, nhưng không ngờ người kia đã quay đầu lại. Mạn càng ngạc nhiên hơn, người phụ nữ đó quả thực là Tùng Vy! Trời ơi, không phải là đang nằm mơ, người phụ nữ khô đét tiều tuỵ trốn trong góc tối của bệnh viện tâm thần này, chính là nữ nhà văn nổi tiếng Tùng Vy! Ngắm kỹ một chút, quả là có những nét giống như hình Tùng Vy đăng trên báo. Mạn bỗng thấy cảm xúc trong lòng dâng lên phức tạp. Nhưng bà cố gắng để tỏ ra bình thản, chậm rãi nói với Tùng Vy: “Chắc là chị nhầm rồi, tôi mới đi qua đây, có gọi chị đâu!“.
Tùng Vy đã hốt hoảng nép vào góc tường, run cầm cập. Đôi mắt sợ hãi và cảnh giác nhìn Mạn không chớp.
Mạn đi ra khỏi cánh cổng bệnh viện tâm thần, trong lòng phấn khích không nói nên lời. Bà ta nghĩ ông Trời quả thật không tuyệt đường của người. Đây chính là con đường mới mở trước mặt Mạn: Bà đã biết được một bí mật to lớn, hóa ra Tùng Vy trốn ở nơi này.... Đối với Tùng Vy, Mạn cũng có không ít căm ghét: Từ khi rời khỏi Lục Dật Hán, đến Lục Dật Hán chết, rồi lại họ Trịnh kia chết không để lại cho Mạn một xu, tất cả mọi việc này xảy ra với Mạn, nguyên nhân cốt lõi chính là Tùng Vy. Không phải cái bóng của Tùng Vy vẫn lởn vởn trong nhà số phố Đào Lý, mà luôn ở trong trái tim của Dật Hán. Nếu không vì điều đó, Mạn đã không cảm thấy mất an toàn đến thế. Nếu không có Tùng Vy, Mạn nghĩ, mình bây giờ có lẽ vẫn đang là bà Lục, ở yên lành thoải mái trong ngôi nhà ấy.
Bao năm nay Mạn vừa ghen tức, vừa hận Tùng Vy. Hôm nay nhìn thấy Tùng Vy thảm hại trong tình cảnh như thế không khỏi cảm thấy vui sướng, lòng cảm thấy nhẹ nhõm ra nhiều. Bà ta lại nghĩ, một bí mật lớn như vậy, nếu bán cho toà soạn, nhất định kiếm được một khoản tiền. Lúc này đây, thứ Mạn cần chẳng phải là tiền hay sao! Nụ cười nở dần trên môi Mạn, bật lên thành tiếng. Ông Trời vĩnh viễn không tuyệt đường của ta!
Chẳng bao lâu sau, sự việc bê bối đã diễn ra.
Tin tức về Tùng Vy được đăng tit lớn trên một tờ báo nổi tiếng. Tin đưa về câu chuyện ít người biết đến về sự thật của Tùng Vy. Quỳnh đã biết Tùng Vy ở trong bệnh viện, nhưng khi đọc được bài phóng sự, cô vẫn kinh ngạc đến nghẹn lời.
Bài báo nói, qua nhiều năm tìm gặp Tùng Vy và bạn bè, hàng xóm, bạn học của Dật Hán, thậm chí cả bà cô mà Tùng Vy không hề lui tới - đã bị thuyết phục bởi một khoản tiền đáng kể - đã đồng ý “chia sẻ” bí mật với mọi người. Phóng viên của báo thậm chí đã ra nước ngoài tìm hiểu. Nhờ đó, họ đã tập hợp được hình ảnh đầy đủ về một cuộc đời ít ai biết được nữ văn sĩ Tùng Vy.
Hai mươi mốt năm về trước, Tùng Vy một thân một mình đến Bắc Kinh, tìm đến một chàng trai mà cô quen trong một lần đi du lịch - Lục Dật Hán. Đó là thời gian con đường sáng tác của Tùng Vy vừa mới bắt đầu. Bỏ lại đằng sau sự phản đối của gia đình, cô đã ra đi để đến với tình yêu. Có lẽ Lục Dật Hán lúc đó cũng không thể ngờ rằng người con gái cùng anh nảy sinh tình cảm trong chuyến du lịch ấy đã không hề chùn bước trước mọi trở ngại. Từ đó, Tùng Vy và Dật Hán chung sống bên nhau, cô bắt đầu sáng tác. Nhưng Tùng Vy sống nơi tha phương, không họ hàng thân thích, lại gặp không ít trắc trở trên con đường sáng tác của mình, cô dần dần trở nên yếu đuối, mẫn cảm, ròồ tâm lý không ổn định, thường cáu giận, tự hành hạ mình, thậm chí nảy sinh cãi cọ với mẹ của Dật Hán. Không lâu sau, mẹ Dật Hán qua đời trong u uất, Dật Hán vô cùng đau đớn, quyết định chia tay với Tùng Vy. Tùng Vy đau khổ tuyệt vọng, rời khỏi căn nhà của Dật Hán, nhưng cô đã không đi khỏi thành phố này. Bởi khi đó, cô đã mang trong mình giọt máu của Dật Hán. Nghe nói Tùng Vy quyết định sinh hạ đứa con đó, là để báo thù Dật Hán. Vì sự báo thù đó, Tùng Vy đã chịu vô vàn cực khổ. Vì tinh thần bất an, dằn vặt cả về thể xác lẫn tinh thần, Tùng Vy nghiện rượu, hút thuốc lá. Thai nhi bị ảnh hưởng xấu, bảy tháng sau Tùng Vy đẻ non, sinh ra một đứa trẻ yếu ớt bệnh tật. Tùng Vy ôm con đến đưa cho Dật Hán, bảo với ông rằng đó là dấu ấn mà cô để lại trong cuộc đời ông, không bao giờ có thể xoá nhoà. Mỗi khi nhìn thấy nó, ông sẽ phải nhớ đến cô. Tùng Vy nói rồi bỏ đi, sau đó ra nước ngoài. Nhưng lúc này, Tùng Vy không còn là một người bình thường nữa, thêm vào đó là thời gian ở nước ngoài khiến bệnh tâm thần của Tùng Vy ngày một nặng thêm. Còn Lục Dật Hán, hết sức gian khổ với sinh mệnh bé bỏng chợt đến với mình. Sinh mệnh đó đến bởi vì lòng căm hận, ông quyết định sẽ không bao giờ nói với con trai rằng nó đã đến với thế giới này như thế nào. Vì vậy, từ nhỏ ông đã nói với nó rằng, mẹ của nó mất từ khi còn rất trẻ. Dật Hán đã từng vì chuyện này mà sống khép kín một thời gian, nói với mọi người mình đi du lịch đường dài. Mọi người đều ngỡ Dật Hán đã kết thân với một phụ nữ trong chuyến du lịch đó và sinh ra đứa trẻ. Hầu như không có ai biết Trác chính là con trai của Tùng Vy. Chỉ có gia đình anh trai của Tùng Vy xác nhận về điều đó, cũng nói rõ động cơ của chuyện này là báo thù.
...
Lại một sự thật nữa phơi bày. Quỳnh xem hết bài phóng sự, vẫn nắm chặt lấy tờ báo run rẩy. Cô lập tức chụp lấy điện thoại, gọi cho Trầm Hoà, vừa nghe thấy tiếng của Trầm Hoà, Quỳnh liền bật khóc:
“Trầm Hoà, em nghĩ, em nghĩ... Trác chính là con trai của Tùng Vy...”
Đầu dây bên kia im lặng hồi lâu, chỉ nghe thấy tiếng Trầm Hoà đang thở. Lâu sau Trầm Hoà mới trả lời: “Anh cũng mới đọc báo“.
“Anh ơi, muộn mất rồi. Nếu em không vì lòng đố kỵ, không tuyệt tình với Trác như vậy, nếu em quan tâm Tiểu Nhan hơn, lắng nghe cô ấy nói, thì mọi việc đã không như ngày hôm nay. Biết đâu mẹ con họ đã có cơ hội gặp nhau. Vậy mà bây giờ, họ không bao giờ gặp được nhau nữa, vĩnh viễn không bao giờ... Tiểu Nhan hận em, bởi vì em không chăm sóc con của Trác, giờ đây Tùng Vy cũng sẽ hận em vì đã không để cho mẹ con họ được gặp nhau...” Quỳnh khóc thảm thiết.
“Thôi mà Quỳnh, em đừng tự trách mình như thế. Em cũng biết là Tùng Vy đối với Trác không có nhiều tình cảm, cậu ấy chỉ là một thủ đoạn báo thù của Tùng Vy mà thôi. Cũng có thể bà ấy không muốn gặp lại Trác“. Giọng Trầm Hoà thật thấp, chậm rãi an ủi Quỳnh.
“Nhưng Trác muốn! Trầm Hoà anh biết không, Trác đã mong được gặp mẹ đến như thế nào. Cậu vẫn luôn có một linh tính kỳ lạ, cậu ấy luôn tin rằng mẹ vẫn còn sống, một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Cậu ấy nói với em, em còn không tin, nhưng em vẫn giả vờ đồng tình, em còn nói sẽ đợi mẹ cùng với cậu ấy, cho đến khi mẹ cậu ấy quay trở về...” Quỳnh nghẹn ngào.
“Quỳnh, nếu em là Trác, vừa gặp Tùng Vy em đã đột ngột ra đi, điều đó được coi là một ân huệ sao? Gặp nhau như thế không có sự tồn tại của tình yêu, đó chỉ là sự thật lên tiếng. Sự thật luôn là thứ khiến người sống phải chịu giày vò. Cũng như em phải chịu giày vò về chuyện đứa con của Trác. Thế nhưng sự thật đối với một người buộc phải rời bỏ cõi đời này, có còn quan trọng lắm không? Cái chết thật nhẹ, cũng thật nặng, thật cao xa, chúng ta cần để cho người chết được nhẹ nhàng khi ra đi“.
“Làm thế nào để người chết được nhẹ nhàng?” Quỳnh bình tĩnh trở lại, ngơ ngác hỏi.
“Cũng giống như đóng nắp quan tài hạ huyệt, chôn những thứ liên quan mật thiết đến họ, không bao giờ xới tung chúng lên nữa. Không nên khuấy động bất cứ chuyện gì khiến người chết chẳng an. Hãy để cho thời gian lấp bằng khoảng đất đó. Nghe anh, Quỳnh ạ, em đã từng nghĩ nỗi đau của em đến từ nơi nào chưa? Nó đến từ việc em cứ giữ khư khư lấy người đã khuất, không chịu quên đi. Tiềm thức của em luôn nhắc nhở em, ông ấy rất quan trọng, em không được quên. Vì thế, em đã không chịu để cho những thứ liên quan đến người chết được nằm yên trong đất. Một khi có những sự việc động chạm đến ông ấy, em lập tức cuốn mình vào trong đó, thậm chí lựa chọn cách hành hạ chính mình. Bởi vì làm như thế, em sẽ thấy ít nhất mình đã không quên được ông ấy. Nhưng đó không phải là điều người đã khuất mong muốn. Ít nhất nếu em chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn đó, anh sẽ chỉ mong rằng mọi chuyện được yên nghỉ, phẳng lặng dưới lớp đất bằng, sẽ không ai đào chúng lên, khiến cho anh cảm thấy được an toàn“.
Quỳnh cảm thấy Trầm Hoà nói rất đúng. Bao lâu nay, cô vẫn chọc vào thần kinh đang gần như tê dại của mình, bởi cô sợ mình sẽ lãng quên những tình cảm vốn rất sâu đậm. Nhưng điều đó với cô là một sự dày vò.