Quỳnh trước nay vẫn thầm phục mình có khả năng đoạn tuyệt với chuyện xưa đồ cũ một cách triệt để. Cô ta có một khả năng thích ứng hoàn cảnh mới thật tuyệt vời. Bởi vì cô ta không hề lưu luyến với cái đã qua. ngày đầu tiên Mạn đem Quỳnh đến nhà số 3 phố Đào Lý, khi họ còn đứng trước cửa, Mạn đã trịnh trọng tuyên bố với Quỳnh, rằng từ hôm nay trở đi, đây sẽ là nhà của mày. Nhưng ở đây hoàn toàn khác với nhà trước kia, mày phải biết phép lịch sự, phải có kỷ luật, lễ phép, biết chưa? Quỳnh đáp rằng biết. Mạn lại nói tiếp, mày phải nhớ, từ hôm nay trở đi, không bao giờ gặp lại những chuyện trước đây. Vào năm học này mày lên cấp hai rồi. Trong trường mày sắp đi học toàn là con em những người giàu ở xung quanh phố này, chúng rất có giáo dục. Mày không được chơi bời với lũ trẻ con trước đây nữa, càng không được rủ bọn chúng đến đây. Chúng nó sẽ ăn cắp đồ đạc trong nhà này, biết chưa? Quỳnh nhủ thầm, ai thèm vào đồ đạc của bà, nhưng miệng Quỳnh vẫn đáp biết rồi. Mạn lại nói, sau này bất kể ở nhà hay ở trường, đều không được bép xép, không được kể chuyện trước đây, cũng không được ngơ ngác như ở trong rừng mới ra, gặp cái gì cũng lạ lẫm, đã biết chưa? Quỳnh lại đáp, con biết rồi. Mạn bỗng nổi giận, quát, mày làm gì mà mặt mếu máo như vậy. Tao đem mày đến đây để sống sung sướng, có phải đem bán làm người ở đâu mà khóc.
Nhưng Quỳnh lại là người "hoài cổ". Trong những tháng năm đã qua, cái gọi là hạnh phúc chỉ chiếm khoảng thời gian thật ít ỏi. Còn lại là biết bao điều chua chát, khiến con người trở nên nhếch nhác, hèn kém. Nhưng cũng chính cuộc sống giản đơn, tằn tiện - giống như một người rất gầy tự gõ vào xương mình - cuộc sống ấy vẫn hiển hiện, như tiếng gõ lốc cốc rất vang, tiếng rõ và đanh. Cô thường nhớ về ngôi trường tiểu học nhỏ bé và hỗn loạn, nhớ đến con đường từ trường về nhà, xuyên qua khu chợ và dãy hàng xép bán đồ ăn khói lửa nghi ngút đen ám. Con đường ấy còn đi qua cổng sau của một bệnh viện, cách đó vài chục mét còn có một gian nhà xác. Hồi đó bà nội cũng bị đưa tới đây. Đoạn đường ngắn về nhà Quỳnh như bị thu gọn vào trong nó tất cả hình ảnh trần trụi nhất của cuộc sống dân thường, từ chợ rau, hàng sửa chìa khoá, hàng may vá, trà lá, tới bệnh viện, nhà xác v.v...
Trong khi đó, ngôi trường mới của Quỳnh chỉ cách phố Đào Lý không xa. Xung quanh không chút "khói lửa trần ai", chỉ có những công trường xây dựng khuất sau những đoạn tường rào bị phá vỡ. Trên tường có hình ảnh của công trình đang xây. Những toà nhà thương mại cao tầng màu trắng sữa đó chính là mục tiêu chiến đấu của rất nhiều các công nhân xây dựng đang miệt mài lao động cả đêm lẫn ngày. Họ nói rằng nơi đây mười năm sau sẽ trở thành trung tâm tài chính thương mại lớn nhất thành phố. Nhưng bất kể khu vực này có bị phá vỡ, hay được xây dựng thế nào đi nữa, trường cấp hai của Quỳnh sẽ được giữ nguyên. Là trường cấp hai có lịch sử lâu đời nhất thành phố, nó tiếp nhận các học sinh con em những gia đình giàu có và danh giá sống xung quanh, một bộ phận khác là con em lãnh đạo của thành phố, của tỉnh, đi học có xe hơi đưa đón.
Quỳnh làm theo lời căn dặn của Mạn, ở trường cô rất ít nói. Mỗi lần nghỉ giữa giờ, cô ít khi rời khỏi chỗ. Cô quan sát mọi thứ ở đây bằng con mắt hiếu kỳ: Nghỉ giữa giờ có nữ sinh được người giúp việc trong gia đình đưa sữa nóng và thuốc cảm đến cho uống. Có bạn nam mang khoe bộ quần áo may riêng cho cuộc thi biểu diễn dương cầm toàn thành phố mà cậu ta vừa đại diện cho học sinh toàn trường dự giải trở về. Bộ âu phục nhỏ màu đen sáng ánh như bằng nhung, sơ mi trắng, nơ màu đỏ tươi được là phẳng phiu cẩn thận. Một nữ sinh khác hãnh diện đem khoe bộ sưu tập tẩy cao su. Ít nhất cũng có tới một trăm cái. Xanh đỏ tím vàng đủ kiểu bày đầy trên mặt bàn. Trong lớp có rất nhiều người biết nói tiếng Anh. Họ đến từ các trường song ngữ, họ có nhiều bạn bè nước ngoài, viết cho nhau những bức thư tiếng Anh bằng bút nhũ óng ánh. Từ ngày đến trường này, hình như Quỳnh chưa hề gặp chuyện đánh nhau trong trường. Còn trường tiểu học trước đây của cô, chuyện đánh nhau thường xuyên hơn cả việc nộp bài tập về nhà. Học sinh của trường này trông cứ như những bông hoa nhỏ ốm yếu, hễ trời lạnh là không chịu ra sân tập thể dục giữa giờ, hơi ốm ốm một chút là xin nghỉ giờ thể dục. Con trai đọ nhau giày thể thao và xe đạp địa hình, con gái thi thố nhau váy áo và những bữa tiệc sinh nhật. Ngoài mặt bọn họ lễ phép lịch sự, nhưng trong lòng kiêu hãnh đến ngạo mạn.
Trên thực tế, không phải Quỳnh cảm thấy tự ti trước mặt các bạn, cô chỉ cảm thấy một cuộc sống dựa dẫm vào những tứh màu mè như đạo cụ sân khấu kia thật chẳng có ý nghĩa là mấy. Nhưng cô cũng thấy lúng túng. Thế nào mới là một cuộc sống có ý nghĩa. Có lúc trong lớp, cô vẫn chìm đắm về trận ăn cuồng đêm trước, cô sợ hãi nhìn thấy cơ thể mình sưng phồng, bèn giấu hai tay vào trong ngăn bàn, rụt cổ vào trong chiếc áo đồng phục có mũ dệt sợi. Cô cảm thấy khát khô họng, muốn uống thật nhiều, thật nhiều nước. Cô liên tục răn đe chính mình, ko được ăn cuồng nữa, cũng không được lờ đờ vô định như một xác chết biết đi như thế này. Tiếp đến cô bỗng thấy mệt mỏi cùng cực. Quỳnh đã nhiều lần ngủ gục trong lớp.
Quỳnh là một đứa bé cực kỳ bình thường, nếu không tính một chút e thẹn. Chẳng bao giờ cô bày tỏ ý kiến của mình, cũng chẳng làm việc gì khác ý các bạn. Cô chẳng có một người bạn thân, cũng chẳng có kẻ đối địch. Không giáo viên nào ghét cô, cũng chẳng ai quý cô, hầu hết giáo viên đều không nhớ rõ tên Quỳnh. Ngay cả đến kết quả học tập của cô cũng bình thường không cao không thấp, ổn định tới mức đáng ngạc nhiên. Chỉ có một trường hợp khiến Quỳnh trở nên nổi bật, đó là vào giờ thể dục. Quỳnh ngày càng béo mập, cơ thể và ánh mắt cô đều giống như một người trải qua nhiều thăng trầm và tàn phá của thời gian, nay bỗng đến lúc gặp mùa xuân về, quần áo trở nên mỏng manh. Khi cô chạy bộ, các bạn trai đã khúc khích cười trộm, ánh mắt các bạn gái thì rất khi thị. Quỳnh chẳng bao giờ trao đổi với họ, tựa như ở hai quốc gia riêng biệt. Về sau cô mới biết, họ cười vì khi cô chạy bộ ngực đã rung ra rung rinh. Quỳnh nhìn bộ ngực đã lặng lẽ nhô lên, khi chạy, chúng biến thành một mối lo lắng bất an cho Quỳnh. Quỳnh cảm thấy dương như sắp có biến loạn.
Quỳnh từng nhìn thấy bộ ngực của mẹ. Mẹ giấu chúng dưới lớp áo lót lụa trắng sữa. Vừa phải, không đến nỗi kiêu hãnh "ngẩng đầu", cũng không đến nỗi phải buồn rầu tự ti. Cô bắt đầu thấy cần áo xu chiêng. Nhưng cô không muốn mở miệng xin Mạn. Từ khi Mạn đè đầu cô xuống bồn tắm, giữa hai người là chiến tranh lạnh. Mạn mải miết với những mối quan hệ và cuộc sống ca vũ, ngày ở nhà, đêm đi vắng. Quỳnh gần như không thấy mặt mẹ. Đâm ra họ là những người lạ đi khác đường nhưng ở cùng dưới một mái nhà. Ngày giỗ của ba Quỳnh, Mạn cũng không thèm nhớ, hôm ấy Quỳnh đi viếng mọ ba, oán giận nhét tờ tiền âm phủ và một bông hoa trắng nhỏ vào giường Mạn, khi đó vẫn đang say sưa giấc ngủ trưa.
Quỳnh muốn tự mua cho mình một chiếc xu chiêng, cô thích loại có hoa thêu ren, trông như hai bông hoa ngọc lan tinh khiết, sờ tay lên lại mềm mại rtơn tru, khi mặc cảm thấy mát mát. Quỳnh còn đang tính toán chuyện đi mua thì một sự việc nghiêm trọng đã xảy tới. Nhà trường may đồng phục cho học sinh. Mỗi người đều phải đứng trước bục giảng. XL, L, M, S.... Giáo viên dùng mắt ước lượng người Quỳnh xong, riêng cô phải làm rộng hơn. Tiếng cô giáo rất to, mọi người đều nghe thấy. Bọn con trai cười ầm lên, con gái thì lắc đầu thương hại. Quỳnh điếng người. Cô rất ít nói chuyện với mọi người. Xung quanh ai nhận xét gì về mình cô cũng không biết, vì vậy chẳng ai nói cho cô hay rằng cô có kích thước khác biệt với mọi người. Hôm đó Quỳnh rất buồn, chẳng thiết chuyện đi mua xu chiêng nữa, chắc là chẳng có loại vừa cho cô, người ta sẽ lại cười cô một lần nữa. Chẳng lý do gì lại tìm thêm bất hạnh cho mình. Cô có mặc gì đại khái cũng vậy mà thôi.
Một ngày đầu hè, Quỳnh tan học về nhà. Trong nhà rất yên tĩnh. Mạn đi chơi, Dật Hán dự buổi thi học sinh tiểu học đọc thơ của Trác. Nhà chỉ có một mình cô. Khi đi qua ban công đang phơi đầy quần áo của Mạn, cô nhìn thấy váy và áo lót. Cô đi tới phía dưới chúng, ngửa mặt lên ngắm nghía. Động tác tựa như đang chào cờ. Cô lấy chúng xuống, đem về phòng. Cô để chúng lên giường, lật ra từng chiếc một.
Quỳnh cầm chiếc xu chiêng, đặt lên mũi hít một hơi thật dài. Vẫn còn mùi vị của nắng. Quỳnh mặc chúng lên người, chật căng, nhưng nhìn vào gương, cô cảm thấy mình đẹp hơn. Cô sờ mó ngực mình cách qua lớp gấm, chỗ đó xuất hiện một hạt nhỏ cưng cứng, cảm giác thấy hơi đau. Quỳnh thấy vừa sợ vừa có chút cảm giác phấn chấn. Dường như nó đang bọc chặt một bí mật lớn nào đó. Nó đang đấu tranh để thoát ra khỏi sự ràng buộc và che đậy, từng lớp từng lớp một. Quỳnh sờ nhẹ, bụng nghĩ trong này có bí mật gì nhỉ?
Lần đầu tiên nhìn thấy bé Trác, Quỳnh đã chú ý thấy trên cổ cậu ta có một chiếc vòng lấp lánh, nhưng Quỳnh nhầm mặt vòng là chiếc chìa khóa. Thực ra đó là một cây thập tự nhỏ. Chiếc vòng là kỷ vật của mẹ Trác để lại. Dật Hán nói rằng, mẹ Trác chết vì sinh khó. Khi ấy, Trác là mọt hài nhi hơn bảy tháng, đẻ non. Trác rất yếu, bị bệnh tim bẩm sinh. Lục Dật Hán rất ít khi nhắc tới người vợ trước, nhưng Quỳnh nghĩ rằng, sự việc hai số phận như đánh đổi sự sống cho nhau đó, đối với Dật Hán chắc chắn là một cơn địa chấn cực mạnh. Ông ta đã chuyển tình yêu dành cho vợ sang đứa con trai, chăm sóc nó cực kỳ tỉ mỉ chu đáo. Bệnh tim khiến bé Trác không được vận động mạnh, không được làm các việc nặng nhọc, không được trúng gió, cảm hàn. Những cơn cảm cúm hắt hơi dường như không đáng kể ấy có thể chỉ trong nháy mắt biến chứng thành bệnh viêm cơ tim, thậm chí đe doạ tính mạng của Trác. Chú bé xinh xắn như một linh hồn từ trên trời bay xuống, thực sự giống như một linh hồn vì chỉ trong chốc lát có thể tan biến vào hư vô. Trước khi Quỳnh gặp Trác, ít nhất đã có hai lần cậu đối mặt với cái chết. Cuộc sống của Trác không thể, không được thiếu sự tận tâm chăm sóc của Dật Hán.
Khi mới chuyển tới nhà số phố Đào Lý, Quỳnh đã từng hơi coi thường Trác, bởi sự sống trong cậu ta quý giá đến mong manh, lúc nào cũng cần đến người khác chăm lo, bảo vệ, bởi cậu ta làm phiền người thân quá mức. Nhưng rất nhanh sau đó, Quỳnh phát hiện ra Trác là một đứa bé khiến người khác không thể nào ghét nổi. Mặc dù phải được chăm sóc tỉ mỉ, nhưng Trác không hề có một chút nũng nịu. Cậu rất cố gắng để không làm phiền tới người khác, lúc nào cậu cũng rất lặng lẽ, nhưng cũng rất vui vẻ giúp đỡ người khác. Từ việc giúp cha tưới hoa, nhặt cỏ, cho tới giúp các bạn làm những bài tập thủ công tỉ mỉ phức tạp, chỉ cần có thể giúp được, cậu liền cảm thấy vui vẻ, không suy tính hơn thiệt, cho đến khi nào cậu sắp phát ốm, tình trạng trở nên nguy hiểm mới thôi. Nhiều năm về sau, mỗi khi Quỳnh hồi tưởng lại sự nhiệt tình giúp đỡ người khác một cách vô tư của Trác, cô đều nhớ tới ngày đầu tiên mình bước vào căn nhà số phố Đào Lý. Trác từ trên lầu bước xuống đón họ, đưa tay giúp cô kéo chiếc hòm gỗ một cách hào hiệp, định khuân nó lên tầng hai. Cậu ta gầy yếu, thật yên tịnh, lặng lẽ dùng phương thức của riêng mình để chào đón Quỳnh.
Tình yêu giữa bé Trác và Dật Hán mặc dù sâu sắc vô cùng, nhưng có lẽ vì thiếu vắng vai trò quan sát của người mẹ đã khiến cho cha con họ thiếu đi sự sống động, giữa họ rất ít lời. Trác chẳng bao giờ chạy tới kể lể với Dật Hán, cậu chọn cách nói chuyện với cây thánh giá của mình.
Bé Trác đeo thánh giá không phải vì tôn thờ Đức Giê-su. Người cậu tôn thờ chính là mẹ. Khó lòng hiểu được làm thế nào mà bé Trác lại dần dần hình thành nên tín ngưỡng đó của cậu. Nhưng có thể khẳng định một điều, có sự tham gia của những câu chuyện về mẹ mà Dật Hán đã kể cho con. Phần còn lại chính là trí tưởng tượng và những giấc mơ. Tóm lại, trong trái tim của cậu bé gầy yếu này, mẹ cậu là một nữ đấu sĩ có pháp lực lớn lao, có thể trảm yêu trừ quỷ, là người anh hùng bảo vệ thế giới. Vì thế, cậu tự giải thích sự thiếu vắng mẹ lâu ngày chính là vì mẹ còn đang ở một nơi rất xa, đang chiến đấu chống lại quỷ dữ, để cứu những con người đang bị quỷ giam giữ và nô dịch. Dĩ nhiên mối liên lạc giữa cậu với mẹ không hề bị cắt đứt cho dù khoảng cách rất xa. Mỗi khi nói với cây thánh giá, cậu tin rằng mẹ nhất định đã nghe thấy, mỗi khi cậu cầu nguyện, mẹ nhất định đều biết và cố gắng giúp cậu thực hiện ước nguyện. Những điều đó là bí mật chưa bao giờ, Trác nói với người khác. Trong mơ, trong đêm khuya, bí mật đó như một mỏ vàng phát lộ ra, phát sáng lấp lánh.
Quỳnh vốn cho rằng, bé Trác sinh ra trong gia đình giàu có, lại có một người cha gần như hoàn hảo luôn chăm sóc cậu hết mực chu đáo, cho dù không có mẹ thì cuộc sống cũng chẳng còn gì đáng phàn nàn. Cuộc sống của cậu ta là ngủ sớm - dậy sớm, rất có quy luật. Vì vậy Quỳnh không thể ngờ được lại sẽ bắt gặp Trác lúc nửa đêm, hơn nữa, vì thế, hai đứa có thể trở nên gắn bó.
Đêm hôm ấy, Quỳnh lại mất ngủ trằn trọc, mồ hôi vã ra liên tục. Cô chịu đựng trên giường cho tới hai giờ sáng. Cuối cùng không tự kiềm chế được nữa, cô nhảy xuống đất, chạy xuống cầu thang. Chẳng cần bật đèn, cô cũng dễ dàng sờ được tới cái tủ lạnh, mở toang ngăn lạnh một cách quen thuộc, ăn luôn vài miếng đá to, để đè bẹp cảm giác nóng bức trong lòng.
Quỳnh cảm thấy cả quá trình ăn cuồng này đã trở thành một cái gì đó hiển nhiên, gần như không cần tới mệnh lệnh của lí trí, cả cơ thể cô là một sự phối hợp hành động một cách hoàn hảo, không thua kém một dây chuyền tự động hóa nào. Thấm thoắt, Quỳnh tới phố Đào Lý này đã được hơn một tháng. Tình trạng này của Quỳnh không hề có dấu hiệu suy giảm, vẫn tái phát một cách đều đặn, mỗi tuần đôi ba lần. Ban đầu Dật Hán bênh vực Quỳnh đến độ không ngại tranh cãi với Mạn. Ông ta cho rằng vấn đề của Quỳnh là sự chưa thích ứng với môi trường sống mới. Quỳnh cần có thời gian để thích ứng, để tiếp nhận. Nhưng rồi ông cũng dần dần phát hiện ra Quỳnh đang không ngừng phát phì, tình trạng ăn cuồng vẫn không hề thuyên giảm. Sự tham lam đối với thực phẩm của Quỳnh đã tới mức bệnh hoạn. Dật Hán bắt đầu thay đổi thức ăn trong tủ lạnh để điều chỉnh căn bệnh của Quỳnh. Ông giảm bớt sôcôla, pho mát, thay vào đó bằng nhiều hoa quả, bỏ tất cả loại kẹo, bánh ngọt, thay vào đó là sữa và trứng. Ông ta còn mua cả trứng bắc cải thảo để vào tủ lạnh. Đương nhiên Quỳnh nhận ra sự thay đổi đó, cô cảm thấy rất xấu hổ, xấu hổ với sự hướng dẫn khuyên giải lặng lẽ của ông. Rõ ràng, cô đã làm ông vướng bận quá nf. Nhưng cơ thể cô dường như không phải của chính mình, cô không thể điều khiển được chúng. Tựa hồ có một hồn ma của một đứa bé chết đói đang nhập vào người cô, đang kêu khóc, đòi hỏi cô. Cơ thể cô như biến thành một chiếc xe xử lý rác rưởi - tiêu huỷ một cách nhanh chóng mọi thứ thực phẩm.
Cũng như các lần trước, cô lại ăn cho đến lúc không nuốt được nữa mà nôn cũng không ra. Quỳnh đau khổ tựa vào bên cạnh tủ lạnh, một tay áp vào dạ dày đang biểu tình đến hồi sắp bùng nổ. Đúng vào lúc đó, chút ánh sáng lọt vào mắt cô cho thấy có một bóng người xuất hiện. Quỳnh hoảng hốt quay lại, nhìn thấy Trác đang đứng vật vờ bên cánh cửa. Suýt nữa Quỳnh đã hét lên. May mà trong bếp không tối lắm, nếu không cô đã tin rằng trước mặt mình là một hồn ma gầy gò ai oán.
Hai đứa đứng đối diện trong vùng sáng của ánh trăng chiếu qua cửa sổ. Vùng sáng trăng bị những thanh gióng cửa sổ chia thành nhiều vạch. Cửa sổ chưa đóng chặt, lay động chậm chạp theo gió, những vạch bóng kia cũng theo đó động đậy. Quỳnh chợt cảm thấy, họ đang ngồi trên một con thuyền độc mộc nguy hiểm, xung quanh là mặt nước đen ngòm mênh mông. Quỳnh chú ý thấy đôi chân của Trác thẳng tắp, tắm trong ánh trăng bạc không khác gì pho tượng quét sơn trắng. Quỳnh lại cảm thấy một cơn đau dạ dày. Cô ngồi thụp xuống trên nền nhà, làm vậy dường như dạ dày được thêm một tầng bảo vệ, nhưng quan trọng hơn, cô có thể dùng hai tay vòng lấy đầu gối mình, chui đầu mình vào sâu trong đó. Cô không muốn Trác nhìn thấy mình ăn uống một cách xấu xí như vậy. Đứng trước một cậu bé sạch sẽ tinh khôi, cô rất mong muốn bản thân còn chút mặt mũi.
- Chị vẫn rất đói à? Trác hỏi khẽ khàng. Âm thanh giống như một chùm ánh sáng dịu dàng, chiếu vào sâu thẳm bên trong cô bé, những vân sáng tan ra trên hai thái dương buồn bã của Quỳnh.
- Chị biết rõ là ăn những thứ này vào sẽ rất khó chịu, nhưng không làm sao dừng lại được... Giống như có một con quỷ đói, đang túm lấy tay chân chị thực hiện việc đó. Chị bị nó khống chế hoàn toàn. Quỳnh trả lời run run, nước mắt rơi lã chã. Cô nhìn thấy đôi dép nhung của Trác đang tiến về phía mình. Cô cảm thấy Trác đặt tay lên vai mình, bàn tay thật lạnh, Quỳnh hơi thót lại vì sợ.
- Quỷ... Bé Trác khe khẽ nói, vừa lay lay cánh tay đặt trên vai Quỳnh... làm chị thấy sợ hả. Bất giác Quỳnh nhận ra Trác chỉ là một đứa bé mười tuổi, lại vừa nhỏ vừa gầy, chắc là rất sợ quỷ.
- Không, em không sợ. Em không nghĩ là, chị cũng giống em, đều bị quỷ ám. Trác quỳ xuống trước mặt Quỳnh, dùng bàn tay lạnh giá lau những giọt nước mắt trên mặt Quỳnh.
- Gì? Bị quỷ ám à? Em bị quỷ nào ám vậy? Quỳnh thất kinh hỏi Trác.
- Quỷ mộng.
- Quỷ mộng? Quỷ mộng là loại quỷ gì? Quỳnh nhìn Trác khó hiểu. Không rõ có phải Trác muốn kể chuyện an ủi cô.
- Thực ra, không ai biết mỗi tối sau khi ngủ say, em lại mơ một giấc mơ khủng khiếp. Trong mơ, em thấy quỷ tóm lấy tay lôi em đi, chúng nó đè lên ngực em, rất đau. Em bèn gọi mẹ, mẹ em từ phương xa bay tới để cứu em. Nhưng mà lại có mấy con quỷ chặn mẹ lại, một con quỷ khác kéo em tiếp tục đi, em liều chết gọi mẹ. Thế rồi đột nhiên mọi thứ trắng xoá, cả mẹ cả quỷ đều không thấy đâu. Lúc đó em mới tỉnh lại. Trác nói nhỏ nhưng hấp tấp.
- À, đó chẳng phải là quỷ đâu, chẳng qua là một ác mộng. Ai cũng có lúc gặp ác mộng. Quỳnh an ủi Trác.
- Không, thực đấy. Khi em tỉnh dậy, thấy mình nằm ngay giữa phòng khách của tầng một, quần áo trên mình bị cào rách.
- Cái gì? Em bảo là em xuất hiện trong bếp giữa đêm khuya là sau khi tỉnh giấc em đã ở tầng một rồi à? Quỳnh kinh ngạc hỏi.
- Vâng, thường xuyên như vậy.
- Em bị mộng du đấy. Trời ạ, em có thể tự mò mẫm trong mơ để xuống đây. Quỳnh có nghe nói sơ sơ về mộng du, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng nó sẽ xảy ra với những người xung quanh mình.
- Vâng, là mộng du. Thực ra đó là vì bị quỷ ám thân. Cả người bị quỷ điều khiển.
- Chú Lục có biết em bị mộng du không? Quỳnh cảm thấy tầm nghiêm trọng của sự việc, vội vàng hỏi.
- Ba biết. Em bị mộng du từ sáu tuổi. Ba đã đem em đi khám bác sĩ, sau đó đã chữa gần khỏi. Nhưng gần đây bỗng nhiên hay bị. Ba còn chưa biết. Chị đừng nói với ba nhé. Ba sẽ rất lo. Thực ra lâu nay vẫn thế, lúc tốt lúc xấu, bác sĩ cũng chẳng biết làm sao. Em cũng quen rồi. Con quỳ đó không đem em đi quá xa. Em tỉnh lại được, là vì mẹ đã đến kịp, cầm chân bọn quỷ, giúp em trốn thoát. Lời của bé Trác có vẻ như chưa dứt, nhưng chợt nghĩ tới điều gì, đột nhiên ngừng bặt.
Quỳnh thò tay kéo Trác, hỏi khàn khàn:
- Sao thế Trác?
- Lần nào cũng vậy, mẹ cầm chân lũ quỷ, em thì mê man không hay biết gì, thế rồi tỉnh lại. Nhưng mẹ lại không quay trở lại. Mẹ chắc vẫn đang đấu nhau với bọn quỷ. Mẹ chưa trở về bên ba và em được. Trác nhún vai, âm thanh ngày càng run rẩy. Quỳnh ôm Trác vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về lưng cậu. Đối với cái chết, Quỳnh lại hiểu rất sớm. Khi bà nội ra đi, chẳng ai nói với cô những lời nói dối đẹp đẽ, cô đã nhìn thấy bà nằm cứng đờ. Người bà đã chết không còn thân thiện, mùi vị trên người bà cũng không phải là mùi Quỳnh vẫn quen thuộc. Đến khi ba Quỳnh chết, chính Quỳnh vuốt mắt ba khép lại, đôi lông mày của ba không bao giờ cau lạ nữa, những đường gân xanh cũng không còn nổi lên. Sự ra đi của họ rất thực, đó là sự ra đi vĩnh viễn. Còn bé Trác lại chẳng biết gì về cái chết. Mẹ cậu đã biến thành vị thần bảo hộ cho cậu, đấu tranh với quỷ dữ trong những cơn ác mộng, cứu cậu ra khỏi vùng dầu sôi lửa bỏng.
- Mẹ của em... Bà nhất định có thể chiến thắng quỷ dữ và trở về bên em và ba em. Quỳnh kể tiếp phần sau câu chuyện mà bé Trác đã xây dựng.
- Vâng, mỗi lần mẹ về trong mơ, mẹ đều nói như thế. Mẹ bảo để một thời gian nữa, đánh thắng bọn chúng xong sẽ về ngay. Mẹ em nhất định sẽ chiến thắng, vì mẹ rất giỏi. Trác nói.
Quỳnh gật gật, trong lòng cảm thấy kỳ dị. Không ngờ bé Trác lại yêu thương mong nhớ hình ảnh một người mẹ chỉ tồn tại trong giấc mơ, hay trong ảo giác của cậu đến như vậy. Tình cảm ấy gần như đã trở thành một sự tín ngưỡng, thắp lên ngọn lửa trong trái cim có cái vẻ bề ngoài rất lặng lẽ ấy.
Quỳnh và Trác tựa vào nhau, quỳ giữa một vùng có ánh trăng rọi chiếu với những vạch của song sửa sổ. Hồi lâu sau, Quỳnh bảo:
- Chị sẽ cùng em đợi mẹ về. Mẹ em nhất định sẽ quay về.
Quỳnh cảm thấy sự tưởng tượng ấy thật là đẹp, còn bé Trác so với Quỳnh có lẽ là hạnh phúc hơn nhiều. Mặc dù mẹ Trác không còn nữa, nhưng họ có thể trùng phùng trong giấc mơ, bà trở thành mối quan tâm, thành lòng mong mỏi của Trác. Còn Quỳnh thì ngược lại. Ngày nào cũng gặp mẹ mình, nhưng họ lại căm hận đến thế. Quỳnh đang phải sống trong một thế giới thực, trần trụi và không hề có những giấc mơ.
Về sau, Quỳnh và Trác thường hay gặp nhau trong đêm khuya. Đó thường là sau khi Quỳnh ăn ngấu nghiến xong mọi thứ, tinh thần và cơ thể đều thấm mệt. Còn bé Trác thì vừa mới thức tỉnh và cơ thể đều thấm mệt. Còn bé Trác thì vừa mới thức tỉnh sau cơn ác mộng, thần hồn vẫn còn hoảng hốt. Hai đứa gặp nhau vào thời khắc chúng yếu đuối nhất, cần có sự nương tựa nhất. Nhà bếp trở thành nơi chúng giành giật cuộc sống. Hai đứa như hai kẻ thương binh tụt hậu khỏi đội ngũ, buồn bã ngồi trên sàn nhà, trao đổi với nhau những nỗi niềm ngổn ngang.
- Em gọi chị là Chị Nhỏ, được không? Chị có thích em gọi chị như vậy không? Trác hỏi.
- Sao lại là Nhỏ? Chị là chị chứ?
- "Chị" nghe lớn hơn em nhiều quá, cảm giác hơi xa lạ. Nhưng mà Chị Nhỏ thì khác. Chữ Nhỏ tức là chị rất gần với em. Chị em mình như hình với bóng, em kể với chị bí mật của em. Trác cười thoáng nét ranh mãnh. Cậu bé rất hài lòng với cách xưng hô mà mình vừa nghĩ ra.
Cách gọi Chị Nhỏ đã được sử dụng về sau. Dần dần nó chỉ còn là một xưng hô đơn thuần. Quỳnh quên mất ý nghĩa ban đầu Trác đã nói. Nhiều năm sau, trong một đêm mò mẫm tỉnh dậy vì mất ngủ, định uống một ly nước, Quỳnh phát hiện ra mình quên kéo rèm cửa sổ. Khi đó cô đang ở trong căn hộ trên một chung cư cao tầng. Ban đêm nếu không kéo rèm, căn hộ đối diện có thể nhìn thấy cô rõ mồn một. Quỳnh đi tới định kéo rèm, cô cúi đầu phát hiện trên nền nhà là một vùng ánh trăng và cũng bị chia thành rất nhiều đường sọc. Chúng đang lay động nhè nhẹ. Cô nhớ tới cô đã từng cùng với bé Trác ở trong khung cảnh tương tự, hai đứa như cùng ngồi trên con thuyền độc mộc. Khi Quỳnh dẫm chân lên con thuyền ánh trăng mà cô hằng tưởng nhớ, bỗng thoáng như nghe thấy sau lưng có tiếng người gọi Chị Nhỏ. Cô lại nhớ tới chữ Nhỏ theo ý Trác tức là cô đang rất gần cậu ấy. Quỳnh lại nhìn quanh, cố gắng tìm kiếm ai đó trong màn đêm đen.
Còn có một lần, Trác hỏi Quỳnh:
- Chị Nhỏ, em thấy có một quyển sách nói là, ma quỷ chỉ bắt nạt trẻ con thôi. Đợi đến ngày chị em mình đều thành người lớn, ma quỷ sẽ không bao giờ dám bắt nạt chị em mình nữa. Chị em mình sẽ vĩnh viễn không còn sợ hãi. Chị bảo có thật không?
- Chắc là thế, chị chẳng biết nữa. Quỳnh trả lời thiếu tin tưởng.
- Nếu thật vậy, chị sẽ làm gì?
- Chị muốn đi du lịch đến những nơi rất xa, tìm một hòn đảo nhỏ trên đó chỉ có các con vật sinh sống, không một bóng người. Quỳnh trả lời xong, Trác im lặng rất lâu. Quỳnh bèn hỏi:
- Em sao thế?
- Nếu mà như thế, em thà cứ để ma quỷ cứ bắt nạt em. Trác nói buồn buồn.
- Á, tại sao?
- Bởi vì, chị lớn hơn em hai tuổi. Đến khi chị lớn lên, còn em vẫn chưa lớn, chị sẽ bỏ mặc em một mình để đi du lịch. Mà chắc em sẽ không ra hòn đảo hoang ấy của chị.
Quỳnh bật cười, cào cào vào mũi Trác nói rằng:
- Ngốc quá, lúc đó chị sẽ mang em đi theo, ma quỷ sẽ không dám bắt nạt em đâu. Chị đã là người lớn, chắc chắn có thể đánh bại ma quỷ.
- Trác à, em bảo tại sao ba em lại thích mẹ chị? Bỗng Quỳnh chợt bật ra một câu hỏi như vậy.
- Ừm, mẹ chị xinh đẹp, lịch sự, nói chuyện cũng hợp với ba em lắm. Bé Trác suy nghĩ giây lát rồi trả lời.
- Họ hợp nhau thế à? Nhưng chị không thấy vậy. Quỳnh cười nhạt. Cô quá hiểu Mạn. Trước mặt mọi người, Mạn luôn tỏ ra mình là người được đào tạo bằng cấp, tỏ ra mình là người đã đọc rất nhiều sách.
- Cái này em cũng không biết nữa. Nhưng trước khi chị và em tới đây, có một thời gian chẳng hiểu tại sao ba rất buồn. Lúc đó em đang ốm. Ba chăm sóc em rất vất vả. Ba gần như không nói năng gì, chỉ hay mím môi, rất nghiêm. Về sau chắc tại ba gặp được mẹ chị, bệnh của em cũng đỡ nhiều nữa, nên ba đã rất vui. Trác đang cố gắng hồi tưởng lại. Khi nói đến Dật Hán, bé Trác luôn gọi ba chứ không phải ba em. Cậu khẳng khái rộng lượng chia sẻ với Quỳnh tình yêu cha con.
- Thế à... vậy em thấy bây giờ ba có đang vui hay không?
- Tất nhiên rồi, ba có mẹ chị bầu bạn, lại có thêm chị nữa.
- Chị á? Chị... chị cũng quan trọng đối với ba à? Ba nói về chị thế nào? Quỳnh dò hỏi, cảm thấy rất hồi hộp.
- Đương nhiên ba rất quý chị, ba nói chị biết điều, lại thông minh.
- Thế à?... còn gì nữa? Quỳnh nghe thấy đánh giá của Lục Dật Hán về mình, tim đập thình thịch, nhưng vẫn hăm hở hỏi tiếp.
- À, ba nói mong rằng hai mẹ con chị sẽ không mâu thuẫn với nhau nữa, có thể thân thiết với nhau như mẹ với con. Ba rất không muốn nhìn thấy hai mẹ con cãi nhau. Trác càng nói tiếng càng nhỏ.
Quỳnh trầm ngâm một lúc, bỗng chợt hấp tấp hỏi:
- Vậy nếu chị và mẹ vẫn tiếp tục cãi nhau, chú Dật Hán có đưa chị ra khỏi nhà không?
- Làm gì có, đây là nhà của chị, chị còn đi đâu nữa? Trác nhấn rất mạnh vào chữ "nhà".
Nhà, ừ nhỉ, đây chính là nhà của mình đấy, đừng lo sợ. Quỳnh nhầm tự nhủ.
Một đêm mùa đông của năm ấy, Quỳnh lại chạy xuống bếp như mọi khi. Cô mở tủ lạnh ra thì thấy rau xà lách, cà chua đã rửa sạch và những trái kiwi. Thế nhưng cô không còn thấy muốn ăn tí nào. Đã rất nhiều ngày, trong tủ lạnh chỉ có những thứ đồ ăn như vậy. Cứ mỗi lần nghĩ đến chúng, miệng Quỳnh lại ứa nước bọt chua. Cô thèm có một miếng sôcôla. Cái vị ngọt ngậy đó khiến cô thèm và nhớ, trong lòng xốn xang mãi không yên.
Quỳnh lần mò từng hốc nhỏ trong tủ lạnh, hy vọng tìm thấy một mẩu sôcôla còn sót lại. Cô đang chuẩn bị thất vọng hoàn toàn, bỗng quay ra đã thấy Trác đứng một bên cửa. Trác vẫn đang lơ mơ chưa tỉnh hẳn. Quỳnh bước lại túm tay Trác hỏi:
- Trác, Trác, em có sôcôla không? Cô lay đi lay lại cánh tay cậu một hồi, Trác mới hoàn toàn tỉnh táo.
- Sôcôla á, em không có.
- Ôi, thế à! Quỳnh thất vọng. Cảm giác thèm muốn hương vị ngọt đắng xen kẽ đã lên tới cực điểm.
- Chị sao thế? Chị thèm sôcôla à? Trác quan tâm hỏi.
- Con quỷ trong người chị lại lên cơn rồi, nhưng mà mấy thứ ở trong tủ lạnh chị không ăn được. Chị ăn mấy thứ đó nhiều ngày nay rồi. Chị thèm đồ ngọt, thèm sôcôla...
- Thế thì... chị em mình đi mua đi. Trác im lặng một lúc, bỗng hào hứng đưa ra ý kiến.
- Cái gì? Em nói gì? Bây giờ là nửa đêm! Chị em mình cũng không có tiền...
- Lúc này, ăn được sôcôla mới gọi là ngọt ngào chứ. Nói rồi, Trác kéo Quỳnh lên phòng cậu ở tầng hai. Trác bật đèn rồi thẳng tới tủ sách. Trác nhón chân với lên ngăn cao nhất lấy một ống tiết kiệm hình con gấu. Con gấu màu nâu thật đáng yêu. Nhìn Trác bê con gấu là biết ngay khá nặng. Quỳnh hiểu ra Trác muốn đập gấu tiết kiệm. Lục Dật Hán đã hết lòng đáp ứng nhu cầu của con trai, nhưng ông không thích cho tiền tiêu xài quá nhiều. Số tiền này Trác phải tiết kiệm rất lâu mới có. Chú gấu vốn có vẻ mặt hơi cười cười. Nhưng lúc này con gấu đang rất buồn giận lẫn lo sợ, hai mắt nó nhìn chằm chặp vào cô.
Quỳnh rùng mình, định ngăn cản cậu bé, nhưng cô không nhúc nhích nổi. Cô đang bị phù phép, trong lòng cô chỉ nghĩ tới sôcôla mà thôi.
Thế là Quỳnh nhìn thấy Trác đập vỡ chú gấu. Đúng là chú gấu đã không thể tiếp tục cười được nữa, cái miệng của nó bị vỡ ra nhiều mảnh. Quỳnh nhìn thấy những đồng tiền xu sáng loáng lăn ra khắp nền nhà, âm thanh trong đêm rất vang. Cả hai đứa đều trở nên rón rén, đề phòng Dật Hán và Mạn bị đánh thức. Trác nhặt từng đồng xu lên, sau đó kéo tay Quỳnh chạy xuống dưới nhà, kéo chốt cửa và chạy ra sân.
Đã vào đông, đêm lạnh khiến da dẻ tê tái. Nhưng bọn trẻ rất hào hứng, cái lạnh đó chỉ có cơ thể cảm nhận được, nhưng không tác động được tới ý thức của chúng. Lần đầu tiên hai dứa nhìn thấy vườn hoa trong đêm khuya. Chúng đi qua thảm cỏ tranh tối tranh sáng, cảm thấy như đang ở trong rừng rậm âm u. Chỉ một đoạn ngắn, nhưng hai đứa lại tưởng tượng ra cả cánh rừng mênh mông rậm rạp, thậm chí chúng còn nghĩ có quái vật và rắn đeo kính.v..v... Hai đứa chạy rất nhanh, tiền xu trong túi văng ra ngoài, hết xu này đến xu khác. Nhưng chúng thấy sợ những con quái vật tưởng tượng, chạy trối chết, không kịp dừng lại nhặt, cứ thế chạy mãi.
Hai đứa ra đến ngoài đường mới dừng lại thở hổn hển, nhìn nhau cười, Quỳnh nói với Trác. Bọn mình làm rơi đồng xu cũng chẳng tiếc. Nếu chút nữa quay về không tìm thấy đường, mình có thể đi thoe những đồng xu lúc nãy làm rơi để tìm đường về. Nói xong, hai đứa lại khúc khích cười. Cả hai đứa đều đã từng nghe một câu truyện cổ tích. Có hai chị em đi vào rừng sâu, sợ lạc, bèn dùng những mẩu bánh mì để đánh dấu đường. Không ngờ chim bồ câu ăn hết cả những vụn bánh mì. Thế là hai chị em bị lạc, sau bị rơi vào tay mụ phù thuỷ chuyên bắt trẻ con. Giờ đây, hai đứa đang thấy mình là nhân vật trong câu chuyện đó, đang ở trong đúng tình cảnh đó, chúng cảm thấy cực kỳ phấn khích. Quỳnh dường như quên luôn lý do vì sao chúng lại có mặt ngoài đường. Sự thèm khát sôcôla tới mức không chịu được ban nãy đã bị xẹp xuống.
Khi hai đứa tìm thấy một cửa hàng bán thực phẩm, trời bắt đầu tang tảng sáng. Nhưng cửa hàng chưa mở cửa. Hai đứa bèn ngồi đợi bên vỉa hè. Trời rất lạnh, sương dày đặc. Hai đứa trẻ vừa giậm chân vừa run rẩy trong gió bấc. Hôm đó chúng là khách mở hàng cho cửa hàng thực phẩm, chúng mua hai lạng rưỡi sôcôla đen loại vừa tiền. Loại này rất cứng, đặc biệt là trong mùa lạnh. Nhưng Quỳnh quả quyết rằng đó là loại sôcôla ngon nhất mà cô từng ăn. Hai đứa chia nhau ăn hết chỗ sôcôla rồi vội vàng quay về, nói dối với Dật Hán mình dậy chạy thể dục sớm.
Sáng hôm đó, Trác ngã bệnh. Chắc chắn tại vì đêm qua ra đường bị nhiễm lạnh. Trác sốt cao mãi không bớt. Sau đó phải đi bệnh viện truyền dịch cả một tuần mới bình phục. Quỳnh rất hối hận. Cô tự hỏi tại sao lại có người tốt bụng đến vậy. Chỉ vì cô thèm mấy miếng sôcôla, mà sẵn sàng chịu bệnh tật đày đoạ.