Một cảnh sát hình sự của ban chỉ huy báo cáo với Ba Du Sinh, lúc nãy thấy Na Lan đứng dựa vào ô tô đọc một tập tài liệu khá dày. Ba Du Sinh lập tức nghĩ đến tập tài liệu photo hồ sơ bệnh án của Mễ Trị Văn do Kim Thạc đưa cho Na Lan từ trước, anh bảo cảnh sát dân sự ở hiện trường thử đi tìm tập tài liệu đó. Quả nhiên họ đã tìm thấy nó trên một đống đổ nát gần đường Hoa Sơn.
Chắc là Na Lan quá vội, và bị uy hiếp phải đi khỏi hiện trường đang được khám nghiệm này, nếu không sẽ không phải ném đám tài liệu này đi.
Lòng anh như thắt lại.
Dù biết rằng có lẽ đã quá muộn nhưng anh vẫn điều động toàn bộ lực lượng cảnh sát đang có mặt phong tỏa toàn bộ khu vực và các ngả đường lân cận. Máy in của ban chỉ huy lâm thời in ra hơn ba mươi tấm ảnh Na Lan, các chiến sĩ cầm ảnh rồi đi đến các khu dân cư và khu thương mại quanh đây, hỏi xem có ai nhìn thấy cô gái trong ảnh không.
Ba Du Sinh nhận được điện thoại của cảnh sát giám sát Mễ Trị Văn, nói rằng lão vẫn nằm trên giường bệnh, ngủ say.
Ba Du Sinh hơi yên tâm, anh dặn dò đồng nghiệp nỗ lực tìm kiếm, sao đó lên xe phóng về khu tập thể của Trần Ngọc Đống.
Căn hộ của Trần Ngọc Đống chưa thể gọi là gọn gàng sạch sẽ nhưng không lộn xộn và không hề có dấu vết vật lộn. Anh nhận ra máy tính của Trần Ngọc Đống đang ở trạng thái tạm nghỉ, bèn nhấp một phím đánh thức.
Trên màn hình hiện lên tấm ảnh phóng to, mũi tên đang chỉ vào chữ “Lan” phồn thể trên bức tranh thủy mặc hoa lan treo trong phòng làm việc của Chu Trường Lộ.
Lẽ nào Chu Trường Lộ là hung thủ đích thực của vụ “ngón tay khăn máu”?
Và Na Lan cũng là mục tiêu cần xử lý?
Ba Du Sinh gọi điện cho Kim Thạc vẫn đang có mặt ở hiện trường nhà khách Thông Giang cũ. Kim Thạc nghe xong lập tức điều động hai nhóm hành động, một nhóm chạy về văn phòng giám đốc bệnh viện Phổ Nhân, một nhóm chạy đến nhà Chu Trường Lộ, tuy cả hai anh đều biết rằng nếu Chu Trường Lộ đúng là hung thủ, nếu Na Lan đã bị lão bắt cóc thì lão không thể ngồi nhà chờ chịu trói.
Ba Du Sinh lại tiếp tục suy ngẫm. Anh tin rằng nếu Trần Ngọc Đống gặp bất trắc thì không xảy ra ở nhà. Trần Ngọc Đống đã bàn bạc với Na Lan về khả năng Chu Trường Lộ là hung thủ, thì bước tiếp theo họ sẽ làm gì? Anh từng cộng tác với Trần Ngọc Đống, biết rõ Trần Ngọc Đống thuộc mẫu người hành động nhanh nhẹn dứt khoát, rất có thể đã tự đi tìm Chu Trường Lộ rồi.
Ba Du Sinh bèn nói với đồng nghiệp cùng đi, “Bây giờ chúng ta đi xem băng camera giám sát của khu tập thể!”
Trong băng, Ba Du Sinh nhìn thấy chiếc taxi chạy ra khỏi cổng khu tập thể vào khoảng thời gian di động của Trần Ngọc Đống liên lạc với ban chỉ huy khám nghiệm hiện trường khu hầm phòng không bỏ hoang.
Anh cảnh sát ghi lại biển số xe rồi lập tức liên hệ với công ty taxi.
Đúng như Ba Du Sinh dự đoán, công ty taxi không có chiếc xe đó.
Biển số giả, ai khéo tay có thể làm lấy, ai vụng về thì ra chợ đen mua với giá ngàn đồng trở lại.
Chiếc xe ấy đã chạy đi đâu?
Nếu người lái xe là Chu Trường Lộ thì ai bắt cóc Na Lan? Ba Du Sinh thấy rất khó hiểu, Trần Ngọc Đống và Na Lan gần như đồng thời biến mất, Chu Trường Lộ chỉ đi chiếc xe cà tàng, dù khứ hồi chạy như điên thì cũng không thể bắt cả hai con mồi.
Kẻ tòng phạm với Chu Trường Lộ là ai?
Ba Du Sinh lại gọi điện cho cảnh sát đang giám sát Mễ Trị Văn ở bệnh viện Phổ Nhân, anh ta báo cáo, đã vào tận giường kiểm tra, lão vẫn đang ngủ say.
Anh cảnh sát đi cùng cầm máy tính bảng đến, kết nối với ghi chép về các cuộc gọi qua lại trên di động của Na Lan, của Chu Trường Lộ và của Trần Ngọc Đống.
Ba Du Sinh xem ghi chép liên lạc của Na Lan, kinh ngạc nhận ra liên lạc cuối cùng của cô không phải với Trần Ngọc Đống mà là những tin nhắn, Ba Du Sinh yêu cầu tra cứu số máy nhắn đến, dù anh biết sẽ không thể cho kết quả.
Lúc ở hiện trường Na Lan đàm thoại với Trần Ngọc Đống hai lần, trước đó là điện thoại với Sở Hoài Sơn, trước đó nữa là điện thoại với Ba Du Sinh cho biết phán đoán của cô về công ty Thông Giang, và sớm hơn nữa là đàm thoại rất lâu với Sở Hoài Sơn.
Sở Hoài Sơn! Sao mình lại quên mất cao nhân này? Nếu cho anh ta biết tình hình thì rất có thể anh ta sẽ có chiêu lạ.
Gần đây Ba Du Sinh đã nghe không ít phản hồi về Sở Hoài Sơn, Na Lan quá đỗi khâm phục, Trần Ngọc Đống cũng hết lời khen ngợi. Nếu là ngày thường thì anh không gọi cho Sở Hoài Sơn vào lúc tờ mờ sáng như thế này, nhưng hiện này là lúc rất bất thường, đành xin lỗi vậy. Anh gọi vào di động của Sở Hoài Sơn.
Không có hồi âm.
Anh lại gọi vào máy để bàn của nhà họ Sở, cũng không ai nhấc máy.
Hay là chính Sở Hoài Sơn cũng đã gặp bất trắc?
Anh biết dì Tư của nhà ấy luôn theo sát anh chàng mắc chứng sợ đám đông này, và không thể đi ra ngoài vào lúc tờ mờ sáng. Anh gọi điện cho cảnh sát khu Văn Viên đề nghị đến tận nhà họ xem sao.
Mười phút sau các đồng nghiệp ở khu Văn Viên cho anh biết tin mà anh đang rất lo, nhà họ Sở không một bóng người. Sau mười phút nữa, cảnh sát Văn Viên lại gọi điện nói rằng, ở khu vực này không có camera giám sát an ninh nhưng bảo vệ ở cổng có nhìn thấy Sở Hoài Sơn ra khỏi khu chung cư vào lúc 9 giờ tối qua. Ba Du Sinh ngạc nhiên, “Đi một mình à?”
“Một mình. Nhưng kỳ lạ là sau đó ít nhất thì dì Tư của anh ta cũng ra rồi lên taxi đi đâu đó.”
Một sợi chỉ tách đôi, hai người mất tích.
Không thể là ngẫu nhiên!
Trán Ba Du Sinh lấm tấm mồ hôi. Anh lại xem ghi chép điện thoại của Chu Trường Lộ, mục tiêu đã rõ, kẻ liên lạc với Chu Trường Lộ nhiều nhất rất có thể là đồng bọn của lão.
Anh nhanh chóng nhận ra một số máy thường xuyên liên lạc với Chu Trường Lộ, bèn đưa cho kỹ thuật viên, nhanh chóng tìm ra chủ nhân của số máy đó là Đổng Bội Luân!
Nhưng Ba Du Sinh biết, manh mối này chẳng có mấy ý nghĩa, vì Đổng Bội Luân và Chu Trường Lộ cùng khởi xướng và tổ chức ra đoàn thể Tiếng Lòng chống lại bạo lực gia đình, tất nhiên họ hay liên lạc điện thoại với nhau.
Nhưng anh vẫn gọi cho Đổng Bội Luân, một công đôi việc, anh sẽ nhắc Đổng Bội Luân chú ý an toàn, mặt khác hỏi xem chị ta có biết rõ Chu Trường Lộ không. Rất áy náy vì gọi điện làm phiền người khác vào giờ này, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác.
Chuông reo. Giọng Đổng Bội Luân, “Xin chào.”
Ba Du Sinh hơi ngạc nhiên vì giọng Đổng Bội Luân rất tỉnh táo, không có vẻ ngái ngủ vì bị đánh thức, thậm chí giống như đang chở điện thoại gọi đến.
“Tôi là Ba Du Sinh ở Sở Công an, rất xin lỗi vì khiến cô thức giấc.”
Đổng Bội Luân đáp, “Không sao, tôi đã dậy, tôi khuyên ngủ sớm dậy sớm, cũng vì cần chăm sóc làn da.”
“Tôi gọi điện sớm thế này, vì mong cô sẽ chú ý an toàn, và muốn tìm hiểu một chút về Chu Trường Lộ.”
“Thế ư?” Giọng Đổng Bội Luân có ý dè dặt đề phòng.
Ba Du Sinh nói, “Chúng tôi đang muốn tìm giám đốc Chu Trường Lộ nhưng ông ấy cứ như mất tích, không sao tìm được. Cô và ông ta cùng làm các hoạt động, chắc đã tiếp xúc nhiều, tôi muốn hỏi rằng ngoài chỗ ở và bệnh viện ra ông ta thường hay đến nơi nào nữa?”
“Sao lại nói 'cứ như mất tích'?” Đổng Bội Luân càng thêm nghi ngờ.
“Chúng tôi có lý do để cho rằng ông ấy không mất tích thật, mà chỉ là không về nhà, không ở bệnh viện, và có thể đã đi đến một nơi nào đó ít người biết.
Đổng Bội Luân nghĩ ngợi, rồi nói, “Tôi rất ít khi nghe ông kể mình đi đâu. Ông ấy gây ra chuyện gì vậy?”
Ba Du Sinh thầm khâm phục sự nhạy bén của Đổng Bội Luân, anh đành nói quấy quá, “Chúng tôi muốn tìm ông ấy để hỏi vài điều liên quan đến vụ án… À, tiện đây xin hỏi, cô tác động để Mễ Trị Văn được ra ngoài chữa bệnh có vì một lý do đặc biệt nào không, hay là Chu Trường Lộ khuyên cô làm thế?”
Đổng Bội Luân im lặng một lúc, chắc là câu này không dễ trả lời. Rồi mới nói, “Lẽ nào các vị ngờ rằng ông ấy và Mễ Trị Văn…” Ngập ngừng giây lát, Đổng Bội Luân lựa chọn từ ngữ. “Các vị ngờ rằng giữa hai người có quan hệ gì khác thường à?”
Ba Du Sinh thấy hơi sốt ruột, đang định hỏi thì Đổng Bội Luân đã nói trước, “Tôi có thể nói cho anh biết ý đồ thực sự của tôi nhưng mong anh đừng cười. Tôi bảo lãnh cho Mễ Trị Văn ra ngoài điều trị, vì hy vọng rằng vào những ngày cuối cuộc đời tệ hại và bất hạnh, ông ta có thể đóng góp phần nào cho xã hội, ít ra là về mặt y học. Bây giờ tôi trả lời anh câu hỏi kia, đúng là Chu Trường Lộ có nói với tôi về tính đặc thù của con bệnh Mễ Trị Văn, về tầm quan trọng đối với nghiên cứu y học. Nghe thế tôi hiểu ngay, thật ra ông ta có thể trực tiếp bảo lãnh cho Mễ Trị Văn nhằm phục vụ nghiên cứu, nhưng ông ta là phó giám đốc bệnh viện, nên e sẽ có người nói là ông ta mở lối thoát cho tội phạm cưỡng dâm, nên ông ta gợi ý tôi đứng ra, thuần túy chỉ vì muốn giữ ý… nhưng nay có vẻ như sự việc không hề đơn giản?”
Rất không đơn giản đâu!
Ba Du Sinh đáp, “Cảm ơn cô! Nếu cô nhớ ra điều gì khác thì cứ liên lạc với chúng tôi.” Anh bổ sung một câu, “Cô hãy chú ý an toàn.” Rồi tắt máy.
Gần như ngay sau đó Kim Thạc gọi cho anh, đúng như dự đoán, Chu Trường Lộ không có nhà và cũng không ở bệnh viện.
Lão đang ở đâu? Na Lan và Trần Ngọc Đống đang ở đâu?
Tại sao Sở Hoài Sơn và dì Tư của anh ta cũng ra khỏi lô cốt an toàn của mình?
Ba Du Sinh hiếm khi thấy hoang mang, đó là phẩm chất tốt của một cảnh sát hình sự có năng lực, nhưng lúc này anh thấy chơi vơi hẫng hụt và thấp thoáng cảm giác tuyệt vọng. Từng phút từng giây trôi đi, khả năng sống sót của những người bị hại cũng từng phút từng giây mất dần. Anh biết, trong các thi thể của vụ án “ngón tay khăn máu” khai quật được đêm nay không có Văn Nhược Phi, khiến tâm trạng anh bồn chồn không yên, anh cần trấn tĩnh trở lại để suy nghĩ cho mạch lạc.
Suy nghĩ cho thật kỹ.
Một điều rất khó hiểu, Na Lan bị bắt cóc ngay gần ban chỉ huy khai quật hiện trường mà không ai biết. Vậy chỉ có thể đoán rằng cô đã chủ động rời khu vực.
Cũng có thể suy luận thêm rằng, người thôi thúc cô rời đi phải là người mà cô tin cậy, hoặc có kẻ đã điều khiển từ xa ép cô phải đi.
Những mẩu tin nhắn lạ lùng!
Tập hồ sơ bệnh án bỏ lại bên đường!
Na Lan tự chui đầu vào rọ. Chuyện này nghe quen quen?
Ba Du Sinh dần nhớ lại vụ hai vợ chồng Nghê Bồi Trung cùng chết một cách khó hiểu. Trước đó có kẻ gọi điện cho họ.
Bất cứ ai bằng lòng đi vào chốn hiểm nguy, ngoài cố ý tìm đến cái chết ra, chỉ còn một khả năng nữa là họ đã bị uy hiếp. Lúc này không thể xác định nội dung của các tin nhắn gửi đến Na Lan nhưng có thể đoán gần đúng, chúng đe dọa buộc cô phải đi vào chốn hiểm nguy.
Tại sao Na Lan không nói với cảnh sát ở hiện trường về tình thế nguy hiểm của mình, hoặc tại sao cô ấy không chuyển phát những mẩu tin ấy cho anh? Phải có lý do. Cũng tức là sự uy hiếp kia rất dữ dội. Tuy nhiên, anh đã hiểu về Na Lan, dù phải đi vào chốn hiểm nguy thì cô vẫn để lại dấu vết.
Cô đã để lại dấu vết gì?
Anh quay sang hỏi đồng nghiệp, “Tập hồ sơ bệnh án lúc nãy nhặt được ở hiện trường nào?”
Anh bắt đầu lật giở tập giấy photo hồ sơ bệnh án của Mễ Trị Văn. Và nhanh chóng nhận ra một khoanh tròn bằng bút bi đỏ, đóng khung con dấu họ tên “Chu Trường Lộ”.
Anh tiếp tục lật giở phía sau, có rất nhiều khoanh tròn tương tự quanh ba chữ “Chu Trường Lộ”.
Bên ngoài một trong những khoanh tròn đỏ ấy, có hai chữ “Huệ Sơn” viết nhanh.
Bút tích của Na Lan.
Họ bị bắt cóc đưa đi Huệ Sơn chăng?
Nhưng Huệ Sơn là vùng núi rộng mênh mông, có hai đường quốc lộ chạy từ Giang Kinh vào, nên đi đường nào để tìm?
Chu Trường Lộ. Huệ Sơn.
Ba Du Sinh bảo, “Cậu mau tra cứu quê quán, nơi sinh của Chu Trường Lộ. Tra xem quan hệ của ông ta với Huệ Sơn ra sao. Và liên lạc với các công ty taxi lớn của Giang Kinh, hỏi về điểm đến của các xe taxi đêm qua chở khách, hỏi xem có ai đi Huệ Sơn không, có ai chở khách đi từ khu tập thể trường trung học trực thuộc Học viện Âm nhạc không.”
Ba Du Sinh lại gọi cho cảnh sát giám sát Mễ Trị Văn ở khu buồng bệnh nhân nặng. Anh ta đến tận giường Mễ Trị Văn xem xét rồi trả lời, lão vẫn đang ngủ li bì.
Vừa nghe xong thì di động của anh lại rung lên. Anh nhìn vào máy, một số điện thoại quen thuộc. Đổng Bội Luân nói, “Tôi nhớ ra một điều… một địa điểm Chu Trường Lộ có thể đến. Khi chúng tôi hợp tác tổ chức đoàn thể, ông ấy thường nói về xuất phát điểm của tổ chức là để ngăn chặn bạo lực xâm hại phụ nữ, vì chị gái ông ta từng bị chồng đánh đập đến chết, còn kể ngày xưa nhà ông ấy nghèo khổ, cha mẹ mất sớm, sau khi chị gái chết, ông ấy không có tiền tang ma đành làm theo tập quán của dân nghèo thôn Huệ Sơn là đem chôn trong hang núi và đặt một tấm bia không chữ.”
Tuy đã quen bị lệ thuộc vào xe lăn nhưng Đổng Bội Luân vẫn chưa bao giờ từ bỏ hy vọng đứng lên đi lại như xưa. Cô biết mình còn trẻ, tế bào và các cơ quan chức năng vẫn có thể phát triển tái tạo. Cho nên ngày nào cô cũng diều trị phục hồi thể lực, trong mọi thời tiết.
Cuộc nói chuyện với Ba Du Sinh cách đây mấy giờ vẫn ám ảnh cô. Chu Trường Lộ có vấn đề thật ư? Là vấn đề gì? Là hung thủ thực sự của vụ án “ngón tay khăn máu”? Ý nghĩ nực cười, hoang tưởng! Năm xưa cô bị Mễ Trị Văn làm hại, Chu Trường Lộ ở bệnh viện Phổ Nhân phụ trách điều trị cho cô, nói rằng ông ta chữa trị cho cô rất mực tận tình chu đáo thì vẫn chưa diễn tả hết. Ông ta còn cống hiến rất nhiều cho đoàn thể Tiếng Lòng, vô cùng nhiệt tình, không hề giả tạo. Nếu nói ông ta là tên ác ma sát nhân suốt ba mươi năm qua thì chắc chắn sẽ là…
Tuyệt đối không thể!
Tuy nhiên cô vẫn chân thành cảm kích sự quan tâm của Ba Du Sinh. Cô quen biết Chu Trường Lộ đã lâu, không tin ông ta có thể làm hại cô, nếu nuôi dã tâm độc ác thì bao nhiêu năm qua chẳng thiếu cơ hội để xuống tay. Cô cũng không lo về Mễ Trị Văn, người đang oặt ẹo như thế, có trốn thoát cũng đi được bao lâu? Đêm hôm kia lão giở ngón khôn vặt chuồn ra khỏi buồng bệnh, rồi sao nữa? Vẫn chỉ là nhìn “tự do” mà thở dài!
Xe dừng lại, cô bảo anh lái xe cứ trở về công ty vì cô phải vào tập luyện nửa giờ. Cô điều khiển xe lăn vào phòng tập.
Trung tâm Phục hồi Chức năng Tiểu Bạch gồm một dãy phòng làm việc do chuyên gia chăm sóc sức khỏe danh tiếng Bạch Manh thuê của Viện Điều dưỡng Vĩnh Khang, hai bên sử dụng chung một hệ thống thiết bị tập vận động, kể cả bể bơi và sân gôn mini. Đổng Bội Luân là khách thường xuyên, cứ việc ra vào tự nhiên. Cô bố trí giờ tập vào sáng sớm để khỏi ảnh hưởng thời gian làm việc trong ngày và cũng vì cô thích sự yên tĩnh của buổi sớm mai.
Không thấy Bạch Manh trong phòng làm việc, chắc là đang ở gian điều trị phía sau.
Cánh cửa sau lưng bỗng sập lại, khóa trái. Tim Đổng Bội Luân bỗng thắt lại.
Một con dao dài nhằm vào mặt cô. “Hãy ngoan ngoãn, chớ kêu chớ động đậy, nếu không sẽ bất lợi cho cả cô lẫn tôi!” Con dao, lời nói, đều hệt như cách đây ba năm.
Đổng Bội Luân không kêu lên, cô chỉ khẽ nói, “Ba năm trước ông không ăn nhằm gì, ba năm sau ông đã gần hơn với nấm mồ, không rõ niềm tin của ông ở đâu ra?”
“Cô đã cho tôi niềm tin.” Mễ Trị Văn mỉm cười. “Vì cô không muốn tôi chết, cô muốn bệnh tật hành hạ tôi lâu hơn nữa, nên cô bảo lãnh cho tôi ra ngoài điều trị. Nhưng cô nghĩ rằng tôi sẽ cảm tạ ân đức của cô thật sao?”
Di động của Đổng Bội Luân rung lên trong túi xách treo bên xe lăn. Mễ Trị Văn nói, “Giờ tập luyện, dù ai gọi đến cũng phải để cho họ chờ.”
“Lý do tôi bảo lãnh cho ông ra ngoài điều trị, ông đoán sao được? Đầu óc ông quá nông cạn, xem ra ông không hiểu gì về tôi. Sao ông lại trốn ra được?” Nhìn lão mặc bộ trang phục công an, Đổng Bội Luân đã có thể đoán ra phần nào. Cổ tay lão bé tẹo khẳng khiu thò ra ngoài ống tay áo, nhưng Đổng Bội Luân đã từng biết công lực của cánh tay lão rồi.
“Cô nên hỏi tôi đã trốn ra lần thứ hai như thế nào mới đúng.” Lão không trả lời thẳng, lão không cần kể tỉ mỉ công trạng của Chu Trường Lộ làm gì, trong đó có ba ống thuốc tiêm gây mê nhét dưới đệm của lão.
Cho đến giờ lão mới dùng hai ống. Tay cớm giám thị cứ phút lại vào giường nhìn xem lão còn sống hay đã chết, xem lão có còn là Mễ Trị Văn không. Bọn cớm bị hớ lần trước đã khôn hơn, hiểu rằng hiện tượng bề ngoài có thể ẩn chứa cú lừa ngoạn mục. Cho nên khi tay cớm bước đến sát giường thì lão bất ngờ vùng dậy tiêm ngay ống thuốc mê vào gáy hắn. Lão không thể không đắc ý vì hành động chính xác, thật bõ công khổ luyện trong tù.
Lựa chọn lúc bình minh để hành động, không phải ngẫu nhiên hay tùy hứng. Từ hồi còn bé lão đã biết, bất cứ việc gì muốn làm thành công thì không thể tùy hứng mà phải có kế hoạch tỉ mỉ. Bỏ trốn lúc bình minh, có thể kịp đến chỗ Đổng Bội Luân tập phục hồi chức năng, mặc khác, lúc đó gã cớm trực đêm đã mệt mỏi, sẽ rất sơ ý, phản ứng chậm chạp. Cả mấy đứa y tá trực ban cũng vất vả chống đỡ cơn buồn ngủ, chúng sẽ không vào buồng bệnh làm phiền, và con bé y tá kia lớ ngớ bước vào bị gí luôn một mũi thuốc mê ngất xỉu, thì mấy đứa còn lại cũng không chú ý đến.
Cho nên lão có đủ thời gian để mặc bộ cảnh phục rồi ung dung đi qua phòng y tá, rời khỏi buồng bệnh, ra khỏi bệnh viện, thoát li cuộc sống bị giam cầm, sau đó mò đến viện điều dưỡng, bước vào phòng phục hồi chức năng, một lần nữa xâm nhập cuộc sống của Đổng Bội Luân. Tất nhiên, bộ cảnh phục cũng đã giúp lão đánh bác sĩ Bạch Manh chết mất.
Lúc này lão bỗng nghĩ xem có nên chọc mũi thuốc mê cho cô gái mà lão hằng nhớ nhung đang ngồi ngay trước mặt không. Nếu làm thế thì sẽ xóa bỏ cái giai thoại xâm hại bất thành một cách rất tự nhiên và đơn giản, lão sẽ thỏa nguyện, còn cô gái này vẫn sống nhưng còn khổ hơn chết.
Nhưng làm thế thì quá nhạt nhẽo buồn tẻ, phí hoài cả ba năm chờ đợi. Lão đã bao lần hồi tưởng và ngóng chờ Đổng Bội Luân giãy giụa, chửi mắng lão, giống những con mèo con chuột chống cự lão trong cái hố sâu ngày xưa. Trò chơi này thú vị ở chỗ cần có cả quá trình, nếu không, thực tế thời nay chỉ cần bỏ ra một tệp tiền thì sẽ có ngay một đêm hưởng lạc thỏa thuê, nhưng đó là thứ khoái cảm thấp kém.
Lão đưa tay nâng cằm Đổng Bội Luân lên. Vẫn là khuôn mặt sáng trong hoàn mỹ, chỉ hơi xanh xao khiến lão thấy xót thương.
Không hiểu sao lão bỗng nhớ đến Na Lan, con bé ấy rất giống một bản sao của Đổng Bội Luân, con bé khiến lão rung động. Tiếc thay lúc này nó đã ở dưới hố thậm chí đất đã ngập đến cổ rồi. Thôi đành, Na Lan là trò chơi của Chu Trường Lộ, là con mồi của hắn. Có phân công rõ ràng, là dấu hiệu của xã hội tiến bộ. Nghĩ mà xem, trong ba mươi năm thành công của vụ “ngón tay khăn máu”, lão chỉ trực tiếp tham gia sáu vụ.
Mễ Trị Văn nói, “Chúng ta bắt đầu đi! Tin rằng không có ai làm phiền chúng ta.” Mũi dao khẽ gạt, cổ áo sơ mi cô tông màu tím của Đổng Bội Luân trễ sang bên vai, để lộ làn da nõn nà. Mễ Trị Văn sáp lại, thở dài. “Ba năm rồi, chắc cô khát khao tôi nhiều lắm? Không được tình yêu chăm chút, nên làn da mịn màng ngày nào đã có phần héo khô. Đừng lo, hôm nay tôi sẽ bù đắp cho.”
Đổng Bội Luân lắc đầu, nói, “Thật ra ông không cần phải thế này, ông đã thuyết phục được tôi rồi, tôi đã nhìn nhầm người. Nếu lúc trước tôi trót bất cẩn gửi gắm trái tim tôi cho ông, thì sau ba năm trời, đã có đủ thời gian để tôi thu lại rồi.”
Mễ Trị Văn cười, “Đoán xem Na Lan gọi tôi là gì? Anh già văn nghệ. Cô là nữ thanh niên văn nghệ, số phận đã ấn định chúng ta ở bên nhau.”
“Nhưng tại sao ông cứ muốn chứng minh mình là một ác ma tái thế? Ông đã thành công hàng loạt vụ án 'ngón tay khăn máu' thì còn gì mà ông không làm nổi?!”
“Vấn đề chính là ở chỗ này!” Mễ Trị Văn bỗng nói như rắn thè lưỡi định phun nọc độc, “Vụ án 'ngón tay khăn máu' không phải mình tôi thực hiện, nhưng tôi thừa sức để làm một mình!”
Đổng Bội Luân cười nhạt, “Thì ra giữa ác ma với nhau cũng có cạnh tranh, cũng muốn lên ngôi đầu bảng!”
Mễ Trị Văn sờ túi lấy ra một sợi dây đàn. “Thử chìa ngón tay ra!”
Đổng Bội Luân hiểu ngay, thì ra ngón tay đứt là kiệt tác của một sợi dây đàn? Cô bỗng thấy ruột gan nhộn nhạo, chỉ chực nôn ọe.
“Khi xưa cô gần tôi quá, ấy là tự cô nên tôi phải chiều ý cô. Nhưng lần trước không hiểu tại sao bộ mặt đen tối của tôi lại trỗi dậy, thế là hỏng việc. Hôm nay sẽ không lặp lại sai lầm ấy.”
“Tôi nghĩ ông nên nhanh chóng đi khỏi đây, công an đã biết ông trốn khỏi bệnh viện thì họ sẽ tìm đến đây bất cứ lúc nào…”
Mễ Trị Văn cười ha hả rất ngông nghênh. “Lại thương anh rồi, phải không? Thực chất, anh trốn ra ngoài không vì điều gì khác, mà chỉ nhằm được gặp lại em. Công an đến, anh sợ gì nhỉ? Trên đời này anh còn mấy ngả đường để đi nữa? Được, tạm gác chuyện ngón tay lại. Ta nên vui vẻ thì hơn.” Nói rồi lão lại đưa mũi dao xuống dưới vài phân, cắt đứt dải treo áo lót của Đổng Bội Luân.
Lúc này trong phòng chợt vang lên tiếng chuông điện thoại.
Đó là chiếc điện thoại đầu rời kiểu mới, bệ máy và đầu cầm tay màu trắng, cài đặt tiếng chuông kêu theo kiểu cũ “tinh… tang tang…” như rót vào tai người ta lúc sớm mai.
“Vẫn cứ có kẻ làm mất hứng.” Mễ Trị Văn hầm hầm nhìn máy điện thoại, ánh mắt như muốn chặn đứng tiếng chuông.
Chuông lại reo một chập nữa, sau đó máy tự chuyển sang chế độ lưu tin nhắn.
Một giọng nữ nói, “Văn ơi…” Giọng có ý do dự, bùi ngùi.
Con dao trong tay Mễ Trị Văn dừng lại, lão nhìn máy điện thoại. Một đốm đèn đỏ nhấp nháy, tức là vẫn đang ghi âm.
Một chuỗi tạp âm xè xè vang lên, hình như là một cái máy chạy băng cổ lỗ sĩ đang chỉnh kênh.
Giọng nữ lại nói, “Cậu Ba! Liệu sau này cậu còn nhớ em nữa không?”
Thân xác khô gầy của Mễ Trị Văn run rẩy.
Vẫn đang ghi tin nhắn.
Sau giọng nữ là một giọng nam hơi khàn, “Sao lại không nhớ? Sao em lại hỏi anh như thế?” Thì ra đây là cậu Ba, người được Minh Phượng yêu, chàng cũng có tình cảm với Minh Phượng.
Mễ Trị Văn có thể đọc thuộc lòng mọi lời thoại của Minh Phượng.
Minh Phượng nói, “Em rất sợ cậu sẽ quên em.”
Cậu Ba, “Anh không bao giờ quên em, mãi mãi không quên! Em tin chứ?”
Minh Phượng, “Em tin.” Giọng mơ màng.
Cậu Ba, “Còn em thì sao?”
Minh Phượng, “Em sẽ nhớ cậu, sẽ nhớ… nhớ đến khi em chết. Chết rồi em vẫn nhớ cậu.”
Mễ Trị Văn bỗng kêu lên, “Mẹ! Mẹ ơi!” Con dao trong tay lão rơi xuống đất. Lão nhào đến chiếc điện thoại, sững sờ, ôm chặt nó vào lòng, dây điện thoại và dây cắm điện nguồn thõng xuống đất.
Trong điện thoại vẫn là giọng cậu Ba, “Không! Anh muốn em sống luôn nhớ đến anh, chứ chết rồi thì đừng nhớ.”
Mễ Trị Văn thầm nghĩ, đến lượt mẹ ta nói.
Minh Phượng, “Đã yêu ai đó thì mình phải rải lối đi bằng phẳng cho người ấy chứ đừng biến thành một gánh nặng cho người ấy.”
Một giọng nữ lạ, “Cô nói thế à?”[]
[] “Lời thoại của vợ cậu Ba.”
“Không! Mợ ơi! Cậu Ba muốn có một người con gái chân thành yêu cậu, người ấy không muốn cậu bị rắc rối hay buồn phiền một phút nào. Người ấy thực lòng mong cậu sẽ sống cuộc đời thật vui, sống như cậu vẫn nói là, can đảm, vươn lên và thành công!”[]
[] “Lời thoại của Minh Phượng.”
Cậu Ba, “Hôm nay em lắm lời quá!”
Mễ Trị Văn thầm nghĩ, cậu Ba khốn kiếp, dám chê mẹ ta lắm lời?
“Cậu từng nói là có một loài chim hễ cất tiếng hót thì sẽ hót suốt đêm, hót bật cả máu ở miệng ra.”
“Đúng! Loài chim đó đem lại niềm vui cho con người.”
Rồi đến những tiếng ồn, hình như có cả tiếng sấm vọng đến từ xa.
Minh Phượng, “Cậu Ba ơi, em cứ muốn nói thế này suốt đêm cho cậu nghe!
Tiếp đó là tiếng Hoàng Tuệ Trân tấm tức khóc. “Mẹ thực sự… cảm thấy mình sống vẫn chưa đủ… Văn ơi!”
Mễ Trị Văn ôm cái máy điện thoại, hai tay run bắn, cái máy sắp rơi tuột xuống đất. Nhưng không, lão không để nó bị rơi. Đây là báu vật, là sinh mệnh của lão. Bốn mươi năm trước, cái máy ghi âm của mình đã bị mấy tay công nhân cướp mất rồi đập nát nhân cơn hăng say vì đấu tố, đây là lần đầu tiên lão lại được ôm ấp những hồi ức và hoài nhớ của thời thơ ấu, được nâng niu giọng nói của mẹ.
Đó là giọng của mẹ trong vở kịch nói Nhà của Tào Ngu, bà sắm vai một a hoàn, vai bi kịch. A hoàn đã yêu cậu Ba lẽ ra không nên yêu, kết cục chỉ có thể là cái chết.
Mẹ cậu bé Mễ Trị Văn là một diễn viên, đã yêu một người không nên yêu là Mễ Dũng Hằng, rồi lại nổi tiếng mà lẽ ra không nên nổi, khiến cho Mễ Dũng Hằng thô kệch tầm thường ghen lồng ghen lộn, kết cục cũng là cái chết.
Vừa rồi bà nói gì nhỉ? Nói là sống vẫn chưa đủ!
Lão bỗng điên cuồng ấn nút trên máy điện thoại, rồi cũng bật được loa ngoài của máy cái.
“Mẹ ơi!”
“Văn ơi, mẹ rét quá, đau quá! Con đưa mẹ đi viện!” Bà mẹ nài nỉ.
Toàn thân Mễ Trị Văn run bần bật, hình như chính lão đang bị rét bị đau.
“Nhưng, bố… không cho… nếu ông ấy biết… ông ấy sẽ đánh chết con.”
Lão cũng bắt đầu khóc nấc lên.
“Thế thì… con đừng lo cho mẹ nữa… con đi ngay đi, đi khỏi nhà… kẻo sẽ có ngày ông ấy đánh con chết mất.”
“Mẹ ơi…” Mễ Trị Văn thốt lên trong tiếng nức nở, chẳng khác gì tiếng kêu của một con thú bị thương. Tay lão vẫn rất run.
“Văn à, con đang làm gì thế?” Giọng Hoàng Tuệ Trân trong máy điện thoại, yếu ớt bất lực.
“Mẹ… đừng trách con!” Mễ Trị Văn đặt máy điện thoại xuống, hai tay lão khua trên khoảng không.
Giọng Hoàng Tuệ Trân hơi nghèn nghẹn hình như rất khó phát âm, sau khi nói mấy câu nghe không rõ thì bắt đầu ho dữ dội. “Văn à, con đừng… con định chôn mẹ hay sao?”
“Mẹ đừng trách con, chôn sắp xong, sắp xong ngay thôi, rồi mẹ sẽ được giải thoát khỏi bể khổ.” Hai tay Mễ Trị Văn khua lên như điên.
“Con… nếu con gặp lại… con sẽ… giết ông ta ư?” Giọng Hoàng Tuệ Trân thấp dần.
“Tất nhiên con sẽ làm, con sẽ làm thế! Xin mẹ… đừng trách con.” Lúc này Mễ Trị Văn vô cùng đau buồn và cuồng nộ, lão đập tay xuống bàn rầm rầm.
Phía sau lão, Đổng Bội Luân lặng lẽ nhặt con dao lên.