Có lẽ tiếng kêu của Thành Lộ vào lúc sáng sớm là màn mở đầu của chuỗi bất hạnh.
Lúc này nghĩ lại, thấy rằng toàn bộ kế hoạch đi trượt tuyết trong kỳ nghỉ rõ ràng là một sai lầm cực lớn.
Tiếng kêu liên hồi chuyển thành tiếng khóc thút thít đứt quãng, tim tôi chùng xuống, mặc dù chỉ mặc áo ngủ, tôi vẫn lao ra khỏi phòng chạy như bay sang phòng Thành Lộ và La Lập Phàm.
Lúc này mới tờ mờ sáng, đèn trong phòng vẫn sáng, tay Thành Lộ đang cầm một tấm ảnh, ảnh chụp chung mọi người cùng tham gia kỳ nghỉ này. Tôi cũng có tấm ảnh như thế, người chụp ảnh là Giản Tự Viễn đã in cho chúng tôi mỗi người một tấm. Trong ảnh có Thành Lộ cùng chồng là La Lập Phàm, Giản Tự Viễn, tôi và hai người nữa.
Thành Lộ một tay bưng miệng, cố nén để không khóc to hơn. Tôi cầm lấy bức ảnh trong tay chị, tim tôi khi nãy chùng xuống bây giờ lại đập nhanh dữ dội: trong ảnh vẫn là mấy người chúng tôi nhưng riêng Thành Lộ đứng giữa, khuôn mặt vỗn dĩ mỉm cười có nét hơi buồn nhưng vẫn rất duyên, thì nay bị thay bằng một cái đầu người mặt quỷ!
Gọi là mặt quỷ, vì cái đầu ấy có mái tóc trùm kín cả khuôn mặt, tóc đen thấp thoáng vài sợi bạc, lờ mờ thấy đôi mắt không có con ngươi.
Bàn tay tôi cầm ảnh, run run, đầu tôi hơi nhức.
Tôi ngẩng nhìn La Lập Phàm, nói khẽ nhưng có phần gay gắt: “Mong rằng không phải trò đùa của anh.”
La Lập Phàm cũng bực tức đáp trả: “Tôi không vô duyên đến mức ấy đâu!” Tôi nhận ra ánh mắt anh lướt qua tôi rồi nhìn ra cửa. Tôi học khoa Tâm lý, nhưng con người ngày nay rất thông minh, chẳng cần biết tâm lý học cũng hiểu ánh mắt đưa ra xa phản ánh những tâm tư phức tạp.
Có phải ánh mắt chớp chớp liên tục tức là đang nói dối? Tôi cho rằng suy luận như vậy là cực đoan, nhưng chí ít ánh mắt như vậy cũng thể hiện sự kém thành thật.
Huống chi vợ chồng Thành Lộ và La Lập Phàm, trai tài gái sắc, giữa họ đang có một lớp băng mỏng, rất dễ rạn nứt và tan chảy bất cứ lúc nào.
Tôi ôm choàng Thành Lộ, nói nhỏ: “Chị đừng sợ, đừng bận tâm làm gì. Chắc đây chỉ là trò đùa của ai đó. Bất cứ ai cũng có thể dùng photoshop làm ra như thế.”
“Ai? Ai mà độc địa thế này?” Thành Lộ khóc gần như đã khản giọng, kiệt sức. Lẽ nào chỉ vì một tấm ảnh bị “bôi nhọ”? Chỉ có tôi biết gần đây Thành Lộ rất khác thường; từ hôm vào ở ngôi nhà gỗ, chưa đến ba ngày Thành Lộ đã khóc chục lần. Quan hệ giữa chị ấy và La Lập Phàm giống như tiếng thét của người mới tập trượt tuyết, đứng trên dốc tuyết dốc nhất hú một tiếng rồi trượt xuống.
Có thể là ai? Tôi lướt nhìn mọi người trong bức ảnh, cố đoán.
Hầu như ai cũng mang theo máy tính xách tay, nên chỉ cần biết vài thao tác photoshop cơ bản, rồi lên mạng tải về một tấm hình, là có thể làm được. Trong nhóm chúng tôi chỉ có Giản Tự Viễn là “chuyên nghiệp” hơn cả về việc này: ba-lô chứa mát ảnh Nikon D700 với một lô ống kính các cỡ, và cả máy in xách tay nữa. Nếu nói ai là “nghi can” số một thì chỉ có thể là anh ta, chỉ cần “nhấc” mặt Thành Lộ đi rồi thay thế, sau đó in ra bằng thứ giấy ảnh y hệt.
Tôi hỏi La Lập Phàm: “Giản Tự Viễn đưa anh ảnh này à?”
Anh cười nhạt: “Hắn ky bo có hạng, hắn chỉ đưa cho Thành Lộ một tấm, nói rằng chúng tôi là vợ chồng, cầm một tấm là được rồi.”
“Kìa, ảnh tôi gửi vào hộp thư của anh là nguyên bản rồi! Sao anh lại nói xấu tôi?” Giọng Giản Tự Viễn từ bên ngoài bay vào.
Giản Tự Viễn cũng đang mặc đồ ngủ, khuy áo cài lệch trên dưới trông rất thộn, mái tóc thì bù xù. Miệng anh ta hôi rình nhưng cứ thích áp sát người ta để nói chuyện, nhất là đối với nữ giới. Tôi cố ý đứng nhích về phía sau La Lập Phàm, rồi hỏi: “Tôi nhớ rằng, hôm đó anh khoe cái máy in xách tay và bóc tệp giấy ảnh mới, anh có thể đếm lại xem có bị thiếu không?”
“Ý cô là gì?” Giản Tự Viễn chẳng hiểu ra sao.
Tôi hơi do dự, rồi vẫn đưa tấm ảnh cho anh ta. Anh ta lấy làm lạ, hỏi: “Gì thế?” Mặt ngái ngủ, dù đã đeo kính nhưng anh ta nhìn mãi mới nhận ra khuôn mặt Thành Lộ bị thay bằng cái mặt quỷ, “Ôi chao…” anh ta kêu lên rồi lùi lại mấy bước, gặp cái ghế dài bèn ngồi luôn xuống, miệng há hốc, thở hổn hển.
“Kẻ nào… mà mất dạy thế nào?” Sau một lúc im lặng, Giản Tự Viễn chửi rủa.
Tôi nói lại yêu cầu vừa nãy: “Liệu tôi có thể đi cùng anh, đếm lại tệp giấy ảnh xem có thiếu tờ nào không?”
Giản Tự Viễn đứng bật dậy: “Cô định sắm vai nữ Sherlock Holmes chắc? Cô nghi ngờ tôi à?”
Tôi thở dài, gắng bình tĩnh ôn hòa: “Không phải là nghi ngờ anh, tôi chỉ muốn biết liệu có ai đó lấy trộm giấy ảnh của anh không? Nếu đúng là có người thó giấy ảnh rồi in trộm bằng máy tính của anh, thì chúng ta sẽ cùng gắng nhớ lại xem ai trong chúng ta đã lẻn vào phòng anh rồi làm cái trò khỉ này?”
Kẻ làm cái “trò khỉ” phải có thời gian lẻn vào phòng Giản Tự Viễn để in ảnh, lại phải có thời gian lẻn vào phòng Thành Lộ để đánh tráo tấm ảnh. Điều tra hai khoảng thời gian đó thì sẽ phát hiện ra kẻ vô duyên ấy.
Nhưng tôi cũng cảm thấy dù là ai bày trò thì cũng không dễ gì truy tìm cho được.
Giản Tự Viễn đành lắc đầu: “Được thôi! Tôi dẫn cô sang xem, nhưng xin nói trước: tôi in cả thảy 4 tấm ảnh chụp chung, và in cho mình ba tấm ảnh chụp cảnh rừng thông và tuyết để thưởng thức. Tức là tôi đã dùng 7 tờ giấy in ảnh; cả tệp giấy có 20 tờ, vậy sẽ còn lại 13 tờ.”
Tôi đi theo Giản Tự Viễn rồi vào phòng anh ta, tệp giấy ảnh đang nằm trên bàn, hai chúng tôi cùng đếm. Cả thảy có 13 tờ!
“Vậy là tấm ảnh tầm phào ấy không dùng máy in của anh để in ra.” Tôi xem lại tấm ảnh, nó chỉ là giấy in ảnh bình thường, chẳng khác gì các tờ giấy in ảnh của Giản Tự Viễn đang nằm trên bàn. “Cho tôi xem ba tấm ảnh phong cảnh của anh được không?”
Giản Tự Viễn cười nhạt gật đầu: “Được, được! Tức là vẫn còn nghi ngờ nhau!” Anh mở ba-lô lấy ra cuốn album ảnh bình thường, rút ra ba tấm ảnh phong cảnh. Tôi còn nhớ: một tấm chụp cảnh tuyết xa xa, hai tấm chụp cảnh tuyết bên bìa rừng nguyên thủy.
Đầu tôi hơi đờ ra. Ngoài Giản Tự Viễn ra, ai có thể có máy in đồng bộ để in được ảnh này?
Tôi chợt nhận ra trong phòng lúc này chỉ có hai chúng tôi, bèn hỏi: “Anh bạn cùng phòng với anh đâu rồi?”
Giản Tự Viễn nói: “Cậu ấy khó hiểu quá, trời chưa sáng đã biến mất.” Anh hạ giọng nói tiếp. “Mấy hôm nay cậu ấy thường xuyên biến mất khá bí hiểm. Tôi ngờ rằng cậu ấy đang làm chuyện khuất tất gì đó.”
Tôi dần cảm thấy chuyến đi trượt tuyết này là một sai lầm quá lớn, bèn buông một câu: “Ta thu xếp rồi ra về thôi!” Tôi vội ra khỏi phòng Giản Tự Viễn rồi chạy về phía phòng Thành Lộ, vừa chạy vừa gọi: “Chúng ta đi thôi! Đi khỏi đây ngay!”
Ở hành lang tôi chạm trán La Lập Phàm mặt hầm hầm, đỏ gay. Anh nói: “Đi à? Đi đâu?” Anh chỉ ra ngoài cửa sổ.
Ngoài kia, mênh mông tuyết dày.
“Dù tuyết lớn đến mấy cũng đi khỏi đây!” Tôi tiếp tục bước, khi đi ngang qua anh thì bị anh ngăn lại.
“Vừa nãy đài và ti-vi đều nói, sau trận bão tuyết bất ngờ thì đường xuống núi cũng đã bị lấp kín, bãi trượt tuyết ngừng hoạt động, các du khách ở khu nghỉ dưỡng dưới chân núi đều đã sơ tán, khu nhà gỗ chúng ta đang ở coi như bị cô lập, ta đành tìm cách duy trì mấy hôm vậy.”
Tôi định nói: anh đùa hay sao. Nhưng sắc mặt anh và tình hình tuyết ngoài kia cho thấy anh không hề cường điệu.
Không thể ngồi chờ chết, tôi thầm nghĩ, cách nghĩ rất không được khen ngợi. Tôi nói: “Nhưng ta nên gọi điện cho tổng đài, báo với họ rằng chúng ta có 7 người, để họ đừng quên chúng ta.”
“Điện thoại hỏng, tôi vừa thử gọi rồi, không có tín hiệu.” Thành Lộ tay cầm chiếc điện thoại không dây vốn đặt trong phòng, bần thần đứng ở cửa, khuôn mặt vẫn còn những vệt nước mắt chưa khô. Chắc chị ấy gọi điện cho cha mẹ để kể khổ! Trên núi không có sóng di động, chỉ có thể dùng điện thoại có dây dẫn.
Nhức đầu.
“Na Lan sao thế? Cô không sao chứ?” Thành Lộ chạy đến đỡ tôi. Thì ra tôi đã chống hai tay vào tường từ lúc nào không biết, tôi sắp ngã sụp xuống.
“Không… không sao. Em chỉ hơi nhức đầu. Chắc là vì đêm qua gió bão khiếp quá, toàn ngủ chập chờn.” Tôi lí nhí giải thích. Càng lúc càng cảm thấy bất an.
Lần này đến lượt Thành Lộ an ủi tôi: “Không sao. Tôi cũng muốn đi khỏi đây, chắc là tại bão tuyết… may mà vẫn có điện.”
Đúng vào lúc này thì bóng đèn phía trên nhấp nháy rồi tắt phụt.
Mùa này, gió ấm làm say lòng người, mồ hôi ngầy ngậy hương ướt tà áo mỏng, ve sầu còn chưa im tiếng, các thuyền hái sen đã giục nhau xuất phát. Năm nay mưa thuận gió hòa nên được mùa sen, tất cả các thuyền trong làng, từ thuyền chạm khắc tinh xảo của nhà Liễu viên ngoại cho đến thuyền thúng loe miệng của nhà Diêu Nhị trọc đầu, đều túa ra cái hồ trải dài hai dặm ấy.
Ngọc Liên cảm thấy bất công cũng phải. Các thiếu nữ cùng tuổi hay khác tuổi Liên đều bơi thuyền đi hái sen, chỉ có cô – nhất là tên cô lại có “sen”[] – phải đứng nhìn hàng trăm con thuyền đua nhau lên đường, và ngẩn ngơ nghe tiếng cười đùa, tiếng hát của chúng bạn.
[] “Liên” có nghĩa là “hoa sen”.
Liên không thể đi, chỉ vì một điều cấm kỵ - một lời nguyền.
Tiếng hát ngọt lịm là của Xảo Vân con gái ông tú tài họ Ngô, vẫn bài quen thuộc ấy: “… Mùa thu hái sen hồ Nam, Sen cao quá đầu người, cúi xuống đùa với sen, Sen sáng trong xanh mượt, Em ôm sen vào lòng, Sen hồng sao hồng thắm, Nhớ chàng không đến, em ngẩng nhìn chim hồng bay…” Xảo Vân đã đến tuổi yêu đương, thuyền chưa ra khỏi tầm mắt người cha, cô đã bắt đầu đùa bỡn với cánh trai làng.
Ngọc Liên cũng đã đến tuổi ấy, thậm chí đã có ý trung nhân, người ấy cũng nặng tình với cô, chàng là Ngô Duy Lạc – anh trai của Xảo Vân. Ông tú Ngô sát sao kèm cặp quý tử dùi mài kinh sử để lều chõng đi thi mùa thu này. Nhưng ngay Ngô Duy Lạc cũng phá lệ, anh đang cùng hai thanh niên đồng tuổi bơi thuyền ra hồ. Duy Lạc đang hát một bài mới đặt lời, rất hồn nhiên, thiết tha tình ý.
“Lau lách đung đưa, Thuyền lan bồng bềnh, Nàng soi sen biếc dập dềnh sóng xô. Bãi tây, Tố nữa, Cò trắng tranh nhau khoe sắc, Mặt hồ vô tận nét kiêu sa.
Mắt nhìn theo xốn xang, mắt liếc lại đắm đuối, Ngày dài mà sao thuyền về muộn. Hồn sen vương vấn khắp hồ nước trong, Buộc mối duyên tơ hồng nồng nàn ba kiếp.”
Chỉ có ai quá ngố mới không nhận ra “hồn sen vương vấn”[] nghĩa là gì. Rành rành là hát cho Ngọc Liên nghe. Ngọc Liên hồi hộp, tim đập rộn ràng, không sao nén nổi cõi lòng khát khao cháy bỏng. Phía xa xa, có tiếng một cô gái ranh mãnh cố ý hỏi: “Ngô tiểu tú tài tặng muội bài hát này phải không đấy?”
[] Mấy chữ này có tên của hai người: Liên (sen), Lạc (vương vấn).
Xảo Vân cười, chữa thẹn cho anh trai: “Anh ấy nói là ‘mặt hồ vô tận nét kiêu sa’ kia mà! Dịp này hái sen, mỗi ngày anh ấy sáng tác một bài tặng cho một người.”
Tiếng cười, tiếng hát lại càng rộn ràng.
Ngọc Liên lại càng buồn thêm. Lẽ ra cô cũng được hưởng niềm vui!
Nhưng điều cấm kỵ kia, lời nguyền kia…
Không chịu nổi nữa, Ngọc Liên bỏ chạy về nhà.
Bà mẹ đang đứng nơi cửa, hình như đã lường trước là con gái sẽ về với bộ dạng này, bà buồn rầu nhìn Ngọc Liên miệng đang mấp máy mà không nói nên lời.
“Con vẫn muốn đi à?” Bà nhẹ nhàng hỏi.
Ngọc Liên gật đầu.
“Sao cứ ương ngạnh thế…” Nỗi bất lực xen lẫn trách móc.
“Mẹ ạ, con thạo sông nước chẳng kém bất cứ anh nào trong làng này. Hồ Chiêu Dương xưa nay vẫn êm ả, đâu có thể có bất trắc gì? Vả lại, đi hái sen, mấy chị em bạn cùng ngồi một thuyền, dẫu gặp chuyện gì thì vẫn có người cứu.” Liên cảm thấy lý do của mình có thể thuyết phục được cả trâu đá.
Đúng thế, mẹ cô đã nao núng, chỉ nói thêm câu nữa, chắc bà sẽ gật đầu. “Chưa năm nào con được đi hái sen, không được đi hát đối, có lẽ đời con sẽ ế chồng mất thôi!”
“Con bé này thật là...” Bà mẹ đã chịu thua. Nhưng Ngọc Liên không ngờ bà vẫn còn một chiêu cuối cùng: “Nhưng, con được ra hồ hái sen hay không, mẹ đâu quyết định được?”
Ngọc Liên tiu nghỉu, nín lặng.
Hai mẹ con bước đến trước ngôi nhà nhỏ đen xỉn, do dự nhìn nhau không ai dám gõ cửa. Ngôi nhà nhỏ xây cất bằng gạch và gỗ này vốn dĩ không hề sơn đen, nghe nói là hậu quả của khói lửa hun suốt mấy trăm năm qua. Bốn mặt không cửa sổ, cửa chính hướng tây, trước cửa dựng một tấm bia đá không chữ, khiến các thầy phong thủy vừa nhìn thấy đã lắc đầu. Cả ngôi nhà đã nghiêng thấy rõ, tưởng có thể sập đổ bất cứ lúc nào, và nó toát ra một vẻ rùng rợn nanh ác. Hai bên trồng hai cây hòe đã héo khô ngả bóng xuống sân trông như hồn ma nhảy nhót, khiến ai định đến gần cũng phải dừng bước. Đương nhiên, dân chúng xung quanh vùng nói rằng lý do ngôi nhà bị đen xỉn là tại chủ nhân của nó.
Thân hình còm cõi của bà mẹ hơi run run. Ngọc Liên hiểu rằng người gánh lấy trách nhiệm gõ cửa phải là mình rồi. Cô hít một hơi thật sâu, bước đến trước cửa, tim đập mạnh.
Nhắm mắt lại, đưa tay lên, đưa tay gần hơn nữa, và ngập ngừng, gõ hay không gõ, người khởi xướng lại là người rút lui. Thôi vậy, đi về!
Nhưng cửa bỗng mở ra.
Nếu không có tiếng “két…” rền rĩ kéo dài tưởng như bất tận, thì có lẽ Ngọc Liên không nghĩ là cửa đã mở. Vì cửa màu đen, bên trong cửa cũng sâu hút một màu đen kịt.
Cô lúng túng ngoảnh lại nhìn mẹ.
“Đã đến rồi, sao không vào đi?” Giọng một bà già. Vẫn là giọng nói lần trước Ngọc Liên đã nghe, cô có cảm giác giống như chiếc cối xay kê không vững, khi chạy phát ra tiếng kêu ư ử rền rĩ đầy khổ đau.
Mậu A Bà là chủ nhân ngôi nhà đen này.
Có người nói Mậu A Bà là một nữ đạo sĩ, cũng có người bảo đó là một lão yêu; nhưng nói bà là phù thủy thì dễ chấp nhận hơn.
Phù thủy có thể biết quá khứ và tương lai, Mậu A Bà đã tiên đoán cái chết của Ấu Liên – em gái Ngọc Liên, cho nên khi gặp Mậu A Bà, cô như đông cứng hết mức, lòng can đảm mọi ngày đều tiêu tan hết cả. Mậu A Bà có mái tóc bạc buông xõa dài gần chấm đất, nhưng nét mặt thì trẻ hơn mẹ Ngọc Liên đến vài tuổi. Khi đứng dậy, lưng bà ta như muốn còng rũ xuống đất, đôi bàn chân trần thì trắng muốt, trắng hơn cả làn da Ngọc Liên.
Ngay dân làng cư ngụ bên hồ cũng không có phụ nữ nào đi chân đất cả!
Bên ngọn đèn dầu le lói như con đom đóm lại nhìn thấy Mậu A Bà quái dị như vậy, Ngọc Liên không khỏi thấy rùng mình.
Mậu A Bà cười nhạt: “Trời nóng như vậy mà rùng mình được, cháu nên cảm ơn bà già này đấy!” Thắp đèn xong, bà ta ngồi trong bóng tối, cúi đầu cầm mẩu đá nhám tiếp tục mài một hòn đá tròn tròn. Hình như đây là kế sinh nhai duy nhất của bà. Bà thường ra bờ hồ nhặt những hòn đá có thể được việc, đem về mài thành những viên đá tròn bóng láng. Ai đó dù sợ ngôi nhà đen của Mậu A Bà đến mấy, mỗi khi nhìn thấy những viên đá đã mài bóng của bà, vẫn phải luôn miệng trầm trồ tấm tắc. “Đá bà Mậu” là một bí mật rất có giá trị của phủ Nam Kinh, nghe nói các quan châu phủ dùng nó để thể hiện đẳng cấp sang trọng của mình ở kinh thành.
Bà mẹ Ngọc Liên hắng giọng định nói gì đó, thì Mậu A Bà đã lên tiếng: “Vẫn muốn đi, phải không?”
Rõ ràng câu này dành cho Ngọc Liên. Hai mẹ con chẳng ai bảo ai, cùng thấy gai lạnh.
Bà mẹ nói: “A Bà thật tinh tường… tôi khuyên không được cháu…”
“Thế thì bà cứ hỏi đi hỏi lại nó câu này: chuyện ba năm trước, là gì vậy?”
Ba năm trước, Ngọc Liên cho Ấu Liên cùng đi thuyền ra hồ hái sen, rồi Ấu Liên bị chết đuối.
Bà mẹ trào nước mắt: “Tôi… tôi…”
“Bà không có gan nhắc lại chuyện buồn khi xưa! Nhưng bà có nhớ bà chỉ còn nó là đứa con duy nhất không?”
Thấy mẹ bị mắng mỏ, Ngọc Liên tức lắm, nỗi sợ hãi bỗng tan biến. “Em cháu là bị sẩy chân, là tại cháu, chứ liên quan gì đến mẹ cháu?”
“Không liên quan gì đến bà ấy ư?” Mậu A Bà dừng tay đang mài đá, ngẩng lên nhìn Ngọc Liên: “Cháu phải nghe bố mẹ cháu kể từ đầu, khi sinh Ấu Liên, ta đã dặn dò những gì?”
Khi Ấu Liên chào đời, bố mẹ Liên đã đến nhà Mậu A Bà cầu phúc và xem số, Mậu A Bà chỉ nói bốn chữ đáng buồn “Xuống nước thì chết”.
Cho nên Ấu Liên từ nhỏ luôn bị cấm mon men ra sông hồ. Hằng năm đến mùa sen, Ngọc Liên thường cùng các bạn trong xóm đi thuyền hái sen, cô ngoái đầu nhìn Ấu Liên nước mắt lưng tròng nhìn theo con thuyền dần đi xa, rất thương nó, rồi cô nghĩ mình sẽ chiều lòng đứa em.
Ba năm trước, hậu quả của việc chiều chuộng ấy là Ấu Liên chết đuối, khi mới tuổi.
Nhớ lại cái tội lớn ấy của mình, Ngọc Liên cố kìm nước mắt nhưng miệng vẫn nói cứng: “Tại cháu giấu mẹ cho nó lên thuyền. Cháu đã sai. Hồi đó cháu chưa biết bơi, nếu không, đã cứu được nó. Nay cháu đã biết bơi, dù nước sâu đến mấy cũng bơi được, vậy tại sao không thể đi hái sen?”
Sau cái chết của Ấu Liên, Mậu A Bà bảo đừng cho Ngọc Liên xuống nước.
Xuống nước thì chết!
Bà mẹ gắt con: “Ngọc Liên!”
Mậu A Bà không hề nổi nóng, chỉ đưa bàn tay có những ngón tay xù xì như đốt tre lên vuốt mái tóc bạc lòa xòa rủ xuống. Hồi lâu sau mới hỏi: “Ta chúc mừng cháu, không chỉ không tránh xa sông nước như lời ta dặn, mà còn khổ công tập bơi.”
“Đúng thế, và suốt ba năm qua cháu chẳng làm sao cả!”
Mậu A Bà cười nhạt: “Cho nên cháu cho rằng ta toàn phán vớ vẩn chứ gì?”
Bà mẹ vội xen vào: “Cháu nó nói năng không cân nhắc, A Bà đừng cho là thật.”
Ngọc Liên lập tức xổ ngay ra những điều lâu nay cô vẫn nghĩ nhưng chưa dám mở miệng: “Mẹ ạ, bà ấy nói khoác thì có! Ấu Liên bị đẻ non mấy tháng, lúc mới sinh chỉ nặng chưa đầy bốn cân[], ai cũng bảo nó sẽ dặt dẹo hay ốm, không thể bơi lội gì; hễ xuống nước thì… hồi đó con còn bé, dại dột, nên đã cho nó cùng ra hồ rồi nó trượt ngã xuống nước; ba năm qua ai cũng trách móc con, con cảm ơn, nhưng tuyệt đối không nên cho rằng chuyện đó ứng nghiệm với lời tiên đoán của A Bà! Ai cũng biết ba năm qua tối nào con cũng ra hồ tập bơi. Suốt ba năm trời bơi lội rồi, có làm sao đâu?”
[] Cân ta, mỗi cân tương đương gr.
Bà mẹ lại gắt: “Ngọc Liên! Hồi đó con còn dại dột nhưng nay đã lớn mà vẫn chẳng hiểu gì cả?”
Mậu A Bà hình như không cảm thấy Ngọc Liên cáu kỉnh ra sao, vẫn tiếp tục cặm cụi mài đá. Khi thấy cả hai mẹ con cùng im lặng, bà mới chậm rãi nói: “Ngọc Liên, cháu có biết nhà ta vì sao từ trong ra ngoài đều một màu đen không?”
Ngọc Liên hơi kinh ngạc trước câu hỏi đột ngột. “Tại sao ạ?”
“Vì bị cháy. Không phải tại ta luyện đan hay nấu cơm rồi lỡ gây hỏa hoạn, mà là bị những kẻ bực mình với ta phóng hỏa. Tại vì ta tiên đoán quá đúng. Bọn họ mất người thân, vì họ bất cẩn, lại không chịu nghe lời ta dặn dò. Người đời là thế đấy, họ thường không nghĩ xem mình sai ở đâu, nhưng lại thích gắn sai lầm cho người khác. Họ cho rằng ta có vu thuật, tà thuật, ta phán ra lời nguyền đó, nên mới xảy ra các chuyện bi thảm. Thế là họ trút giận vào ta, họ muốn đốt trụi ngôi nhà trắng của ta. Nhà cháy, cây cối bên cạnh cũng cháy, nhưng lửa tàn rồi mà nhà vẫn không đổ, cây cũng không đổ. Chỉ là nhà trắng biến thành nhà đen, cây xanh biến thành cây khô.” Mậu A Bà kể lại rất thản nhiên.
Ngọc Liên định hỏi: bà nói thế là ý gì. Nhưng cô cảm thấy hình như mình đã hiểu ẩn ý sâu xa trong đó.
“Ta về thôi, mẹ ơi!” Ngọc Liên kéo tay mẹ.
Nét mặt bà mẹ vẫn đầy lo lắng: “Vậy con…”
Ngọc Liên cười: “Con xin nghe, con không đi nữa. Vừa nãy con bực mình, nói bừa cho hả giận như những người đã đốt nhà Mậu A Bà; nguôi giận rồi, con thấy A Bà nói là đúng.”
Ánh mắt bà mẹ nửa tin nửa ngờ, nhưng nụ cười của Ngọc Liên đã thuyết phục được bà.
Lúc sắp ra về, Ngọc Liên bỗng hỏi: “A Bà, cháu sẽ nghe lời, bây giờ bà giải thích giúp cháu: tại sao nói cháu xuống nước thì chết?”
Mậu A Bà trả lời xen lẫn tiếng mài đá rin rít: “Cháu từng nghe nói thiên cơ không thể tiết lộ chứ?”
“Cháu đã ba năm bơi lội mà không chết, lý do đó đã đủ để xin A Bà giải thích chưa?”
Tiếng mài đá ngừng bặt, rõ ràng là Mậu A Bà đang cân nhắc. Hồi lâu sau bà mới nói: “Ý bà già này là, cháu xuống nước bình thường thì không sao, nhưng đừng ra hồ sen. Nếu không… nó sẽ… đưa cháu đi đấy!”
Hai mẹ con ra về, không quên khép cửa ngôi nhà đen. Trong nhà lại yên tĩnh như thường; tiếng mài đá rin rít chứ không ồn ào, ồn ào là do tiếng người nói chuyện.
Gần như sau khi không nghe thấy tiếng bước chân của mẹ con họ nữa thì Mậu A Bà cũng vừa mài xong một hòn đá, bà ngắm nghía tác phẩm của mình dưới ánh đèn mờ nhạt, thở dài. Bà do dự khi đặt nó vào cái âu bằng gốm đặt trên bàn, rồi lại thở dài.
Thiên cơ không thể tiết lộ. Mình đã nói hơi nhiều thì phải? Đây là cái tật cố hữu của bà: bà không thể không thương xót người đời, nhưng người nghe cứ không ưng, còn bà thì bị họ ghét.
Nhưng vẫn còn một điều bí mật bà không nỡ nói ra: hôm nào bà mài xong một viên đá thì hôm đó sẽ có một người quen bà phải từ giã cõi đời.
Sự đời xưa nay cứ tàn nhẫn như thế đấy!
Trời đã tối hẳn, một con thuyền nhỏ nhẹ nhàng rời bờ, bơi trên hồ sen, rồi dừng lại ở một vùng nước trống vắng hiếm thấy giữa đám lá sen dày đặc.
Ngô Duy Lạc cầm mái chèo, Ngọc Liên ngồi ở mũi thuyền. Ngọc Liên chăm chăm nhìn vào vùng nước xám xịt trước mặt, tâm trạng cô rối bời, trái hẳn với mặt hồ đang tĩnh lặng.
Ấu Liên, chị đây mà! Sau ba năm trời, chị đã sẵn sàng rồi.
Em nói xem, ai dã đưa em đi? Là con ma nước trong truyền thuyết, hay là con ác ma Lã bổ đầu[] của phủ Giang Kinh thời xưa, bao năm qua vẫn luôn tìm cách hại người?
[] Tức bổ đầu họ Lã. Bổ đầu: nhân viên (thời phong kiến) chuyên trách bắt tội phạm.
Chị mong truyền thuyết của làng ta là thật, chị được gặp em vào ngày giỗ của em.
Nếu đúng là kiếp sau em không thể đầu thai trở về dương thế vì em bị chết đuối, thì đó là điều chị phải ân hận suốt đời, chị sẽ bù đắp cho em tất cả những gì chị có, sau ba năm bị giày vò, chị đã sẵn sàng cả rồi.
Em gái thân yêu hãy tha thứ cho chị.
Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên gò má giá lạnh của Ngọc Liên.
Nhìn qua làn nước mắt, Liên thấy tất cả đang mờ ảo, ánh trăng nhàn nhạt mong manh phủ lên vạn vật. Trong màn ảo ảnh này, một cô gái mảnh mai từ từ dâng lên khỏi mặt hồ.
Ngọc Liên kinh ngạc đờ đẫn, cô đưa ống tay áo lên quệt nước mắt, tim cô dường như ngừng đập.
Ấu Liên vẫn yếu ớt như ba năm trước, khuôn mặt trắng xanh dưới ánh trăng, vô số những giọt nước đang chảy xuôi theo làn tóc rối ướt đẫm; trông Ấu Liên thật đáng thương, hệt như ba năm trước, khi được vớt lên.
“Ấu Liên…” Ngọc Liên khẽ gọi em.
Ấu Liên từ từ đưa tay về phía chị gái, những giọt nước rơi xuống từ ngón tay Ấu Liên.
Ngọc Liên định hỏi: có ai đó hại em phải không? Nhưng cô bỗng có ngay câu trả lời: “Chính chị đã hại em.”
Sự hối hận giày vò cô suốt ba năm trời, giờ đây như nước lũ phá đê lạnh lùng xô đến khiến cô như sắp nát tan trong khoảnh khắc.
Nhưng Ấu Liên không hề có ý trách móc, chỉ đưa tay ra, nói: “Chị ơi, cứu em với!
Ba năm trước chị không cứu được em, hôm nay chị phải thực hiện lời hứa của chị, dùng đời mình để cứu em.
Ngọc Liên đưa tay ra, không chút do dự.
“Ngọc Liên!” Ngô Duy Lạc kinh hãi kêu lên.
Nhưng đã muộn.
Ngọc Liên dường như tan vào trong màn đêm lạnh lẽo, không giãy giụa, không kêu cứu, biến mất trong im lặng. Hình như chỉ trong chớp mắt, mặt hồ đã trở lại êm ả phẳng lặng không một gợn sóng, im ắng như một tấm vải đen không chút sinh khí.