Edit: Sa Hội thao đầy biến cố cuối cùng cũng kết thúc trong loạn lạc. Vì lý do thời tiết, lễ bế mạc chỉ tổ chức qua loa, ngay cả xếp hạng cũng thông báo bằng loa phát thanh. Trừ lớp chuyên thể thao ra, việc lớp thử nghiệm lọt vào top toàn trường khiến ai cũng bất ngờ, vì vậy ít nhất cho đến hội thao năm sau, lớp họ sẽ thoát khỏi danh hiệu chẳng mấy vui tai là “cái lớp mọt sách”.
Còn Bùi Thời Khởi thi thay mà lại giành được giải nhất và Thi Âm thân tàn nhưng chí không tàn tham gia thi đấu phải vào phòng y tế thì được thầy chủ nhiệm lấy làm gương cho cả lớp trong bài diễn văn của mình, nói họ “mang tinh thần cống hiến” “hy sinh bản thân cho vinh quang của lớp”, mọi người cần “học tập hai em ấy”.
Tất nhiên, Thi Âm không nghe được những lời khen ngợi đó vì sau khi xử lý vết thương bị rách miệng ở cánh tay và mắt cá chân bị trẹo ở phòng y tế, cô được mẹ đón về nhà, sau đó là bị mắng cả buổi chiều.
Đi xem thi đấu thì bị thương ở tay, tham gia thi đấu thì bị trẹo chân, thi đấu xong lại bị cảm cúm do mắc mưa. Chiến tích vĩ đại này không phải ai cũng có.
“Quốc khánh năm nay con không được đi chơi, lo ở nhà dưỡng thương. Thật tình, có tham gia hội thao thôi mà cũng ra nông nỗi này.” Mẹ Thi nhìn bộ dạng thê thảm của con gái, vừa giận vừa xót, đưa cho cô ly sữa: “Uống đi, mẹ luộc trứng gà cho con, mấy ngày này phải bổ sung protein.”
Thi Âm ngồi trên giường ngoan ngoãn uống sữa, hỏi mẹ: “Mẹ ơi, chiều nay mẹ không đi dạy, mẹ đưa con tới trường Tiểu Ngạn được không ạ?”
“Tiểu Ngạn?” Mẹ Thi thoáng ngạc nhiên: “Ngày mai nó mới nghỉ mà?”
“Hôm nay đã nghỉ rồi ạ. Con hứa với nó là hai giờ chiều sẽ tới trường đón nó, nhưng bây giờ chân con bị thương, bèn làm phiền mẹ vậy.”
“Mẹ con mà phiền phức gì không biết. Con ở nhà đi, một mình mẹ đi đón nó là được.”
“Không, con đã hứa với nó rồi.”
“Nó có phải Uy Uy đâu, lớn to đầu rồi, cho dù chúng ta không đi đón, chẳng lẽ nó không tự về được? Con đó, lo cho thân mình trước đi, mẹ sẽ đi đón Tiểu Ngạn.”
“Nhưng mẹ mới nói là chiều nay phải đưa Uy Uy đi vẽ tranh mà, con sợ mẹ mải nói chuyện với mấy cô chú phụ huynh mà quên béng thời gian. Lần trước, cả lần trước nữa, mẹ đã như vậy đấy.”
“Con chớ lo, nếu mẹ không tới kịp, mẹ sẽ gọi báo cho nó biết. Mà thật cái tình, nó là con trai, lại lớn thế rồi, học tự lập dần là vừa, lần nào nghỉ cũng cần người nhà đưa đón còn ra thể thống gì.”
Không phải lần nào nghỉ cũng cần đưa đón, thậm chí vì mỗi lần cậu về nhà, dượng Hà đều bực bội khiến không khí ngột ngạt nên ngay cả chủ nhật, cậu cũng không về nhà, lần này là vì Thi Âm nài nỉ quá nên cậu mới đồng ý để chị gái tới đón.
…
Nữ sinh im lặng một hồi, chợt ngẩng đầu: “Mẹ, nếu Tiểu Ngạn và Uy Uy cùng rơi xuống nước, mẹ sẽ cứu ai trước?”
“Nói lung tung gì thế? Các con đứa nào cũng là máu mủ của mẹ, lòng bàn tay hay mu bàn tay đều là thịt, sao phân thân sơ cho được? Con mà còn nói thế nữa là mẹ sẽ giận đấy!”
“Nhưng con mới nói với mẹ về thời gian nghỉ của Tiểu Ngạn vào hôm qua, hôm nay mẹ đã quên, còn cả sinh nhật năm ngoái của nó nữa, mẹ làm bánh sinh nhật, chỉ nhớ Uy Uy thích ăn xoài mà quên mất Tiểu Ngạn bị dị ứng với xoài, nó phải nằm viện tới ba ngày. Ai cũng bảo trái tim không cân bằng, trên đời này không có cha mẹ nào không thiên vị, tuần trước, cô Tiếng Anh cho lớp con xem phim My sister’s keeper, trong phim…”
“Thi Âm!” Mẹ Thi nghiêm mặt, ánh mắt nhìn cô mang theo nỗi thất vọng: “Người ngoài không biết gì lại thích xoi mói mẹ, Tiểu Ngạn không hiểu chuyện nên hiểu lầm mẹ, mẹ đều có thể chịu đựng, nhưng mẹ luôn cho rằng con gái mẹ là người hiểu mẹ nhất, không ngờ con lại nói với mẹ như thế này đây, mẹ quá thất vọng về con!”
“…”
Thi Âm cụp mắt, không nói gì thêm, nhìn thì trông như chịu thua nhưng lại không có một câu xin lỗi nào, cho đến khi mẹ Thi lạnh lùng đi ra tới cửa, cô mới nói khe khẽ:
“Mẹ, Uy Uy có bố, có mẹ, có chị, ai cũng yêu thương em ấy, chiều chuộng em ấy, nhưng Tiểu Ngạn thì khác. Con không dám mong ước xa vời là mẹ công bằng với bọn con, con chỉ mong mẹ đừng lấy danh nghĩa công bằng để tổn thương Tiểu Ngạn. Nó có thể trưởng thành như ngày hôm nay, con cảm thấy nó vô cùng kiên cường.”
“Thi Âm, con có biết con đang nói cái gì không?”
“Con biết. Bởi vì con biết nên mới hy vọng mẹ thực sự nghe hiểu.” Cô nhìn chằm chằm cái chăn hình con mèo, giọng nói rất bình tĩnh: “Mẹ, tối qua con nghe mẹ nói chuyện điện thoại với bà nội. Mẹ bảo nội yên tâm, mẹ sẽ không động vào tài sản do bố để lại cho Tiểu Ngạn, còn về phần Uy Uy, mẹ sẽ tự lấy tiền mình lo cho nó, đúng không?”
“… Đúng, mẹ đã nói thế, hơn nữa ngay bây giờ mẹ cũng có thể đảm bảo với con là mẹ sẽ không động vào bất cứ thứ gì mà bố con đã để lại cho hai đứa. Nhưng con hẳn phải biết bao năm qua, nuôi hai chị em con tốn không ít tiền, mà nuôi con là nghĩa vụ của cả hai vợ chồng nên số tiền còn lại của hai đứa sẽ không được như lúc đầu. Con đừng có lấy lý do này để lên án mẹ thiên vị!”
Từ khi ông Thi qua đời, mặc kệ trong nhà xảy ra việc gì, kể cả cái ngày mẹ Thi dẫn dượng Hà về nhà, Thi Âm cũng chưa từng chỉ trích bà dù chỉ một câu. Hôm nay là lần đầu tiên cô chống đối bà, chiếc áo bông tri kỷ biến thành cây kim khiến mẹ Thi tức điên người, lời nói cũng mang theo sự cảnh cáo.
Nhưng con gái bà không hề có ý định dừng cuộc chiến, ngược lại, cô như muốn bộc phát hết thảy bất mãn tích tụ trong mấy năm qua:
“Luật pháp nước ta quy định người thừa kế hàng đầu tiên là chồng hoặc vợ, con cái, cha mẹ. Tài sản của bố để lại chia ra thành ba phần bằng nhau, phần của con và Tiểu Ngạn tất nhiên phải thuộc về bọn con, mẹ và Uy Uy với cả dượng Hà vốn dĩ không có tư cách lấy đi. Còn phần của mẹ, mẹ tính để lại hết cho Uy Uy đúng không?”
“…”
“Tài sản của mẹ, mẹ muốn cho ai là quyền của mẹ, bọn con không có tư cách xen vào. Nhưng nếu mẹ đã nghĩ việc nuôi dưỡng con và Tiểu Ngạn là trách nhiệm của cả mẹ và chồng cũ nhưng lại giao hết tài sản của mình cho đứa con riêng thì như vậy, mẹ à, rốt cuộc mẹ lấy cái gì để có thể thốt ra câu mẹ không thiên vị?
Như vậy nghĩa là trong lòng mẹ, bố là bố của con và Tiểu Ngạn, còn mẹ không phải là mẹ của bọn con đúng không?”
Nữ sinh nhìn bà, gương mặt điềm tĩnh, đôi mắt lại như cất giấu đại dương sâu thẳm:
“Mẹ, năm xưa chính vì mẹ, bố mới ra nước ngoài. Nếu bố biết sau khi bố mất chưa tới một năm, vợ mình đã hẹn hò với người đàn ông khác, hơn nữa còn giao hết tài sản mà mình để lại cho bà ta cho đứa con riêng với người đàn ông kia, liệu bố sẽ có tâm trạng ra sao, mẹ biết không?”
“…”
Mẹ Thi cầm tay nắm cửa, rất muốn phản bác nhưng lại không biết nên nói gì, bà đứng im, cả người như bị đóng băng, lạnh buốt.
Từ xưa tới nay, Thi Âm là đứa con ngoan ngoãn nhất. Hồi nhỏ, con bé rất thích làm nũng, thường giành giật với em trai, sau đó chồng cũ của bà qua đời, con bé không còn ỷ lại vào bà nữa và luôn mỉm cười ủng hộ tất cả quyết định của bà. Bao năm nay, bà luôn tự hào vì có đứa con gái tri kỷ như vậy, nhưng bây giờ, bà chợt nhận ra hình như trong nhà, người oán trách bà nhất lại chính là đứa con gái này.
“Mẹ.” Cô gọi bà, ánh mắt hờ hững như không có cảm xúc lại như giễu cợt: “Mẹ muốn đi về phía trước, con hiểu, cho nên bây giờ mẹ sống hạnh phúc quá, hạnh phúc đến nỗi quên mất thứ bảy tuần trước là ngày giỗ của bố cũng không có gì đáng trách. À, hôm nay là sinh nhật của Tiểu Ngạn đấy, mẹ có nhớ không?”
…
Thi Âm không muốn cãi nhau với mẹ, thật sự. Cho nên thứ bảy tuần trước, cô đã xin nghỉ buổi chiều để đi viếng mộ bố cùng Tiểu Ngạn, về đến nhà, thấy mẹ đang ôm con trai út, vừa dịu dàng làm giúp bài tập thủ công cho nó vừa nói cười vui vẻ với dượng Hà, trong lòng dâng lên nỗi căm giận ghê gớm nhưng cô vẫn không nói gì. Dẫu sao cũng là xã hội hiện đại, chuyện lập đền thờ trinh tiết nói ra chỉ gây cười, chuyện qua đã lâu, ép một người phụ nữ phải nhớ ngày giỗ của chồng cũ là hành vi không mấy đạo đức.
Nhưng hôm nay cô thực sự không chịu đựng nổi nữa.
Chỉ cần nhớ đến giọng nói ngượng ngập và mong đợi của Tiểu Ngạn qua điện thoại, nghĩ đến cú điện thoại đối phó qua loa của mẹ với bà nội tối qua, cô vô cùng giận dữ. Thậm chí cô còn nghĩ nếu không phải bao năm qua cô luôn sắm vai “đứa con gái vừa giỏi giang vừa thấu đáo”, có phải mẹ cô cũng đối xử với cô như với Tiểu Ngạn?
“Ầm!” Cửa nhà đóng sầm lại.
Nữ sinh luôn kiên cường từ nãy tới giờ, trong phút chốc, vành mắt đỏ ửng.
“Ting!” Tiếng thông báo có tin nhắn mới từ Wechat hơi phá hỏng không khí.
Bùi Thời Khởi: Thi Âm, điện thoại của tiểu gia có ở chỗ cậu không?
Thi Âm xoa cặp mắt đỏ hoe, lục tung cái cặp trên bàn học, tìm thấy một chiếc điện thoại di động màu đen xa lạ.
Thi Âm: Ừ, ở chỗ tớ nè.
Bùi Thời Khởi: Mẹ!
Bùi Thời Khởi: Tiểu gia biết ngay mà.
Bùi Thời Khởi: Sao cậu lại đem đồ của người khác về nhà thế hả?
Bùi Thời Khởi: Cậu có biết như thế là phạm pháp không hả?
…
Thi Âm: Là cậu tự bỏ vào cặp tớ đấy nhá!
Thi Âm: Cậu còn không nhớ đồ của mình bỏ ở đâu thì sao mà tớ nhớ nổi.
Bùi Thời Khởi: Thôi cho qua.
Bùi Thời Khởi: Nhà cậu ở đâu, tớ tới lấy.
Thi Âm gửi địa chỉ cho cậu. Sau đó nhớ ra một việc.
Thi Âm: Chừng nào cậu tới? Tớ sắp đi ra ngoài rồi.
Bùi Thời Khởi: Tay tàn chân phế mà còn muốn lết đi đâu?
Bùi Thời Khởi: Thấy mình sống lâu quá rồi đúng không?
Bùi Thời Khởi: Cậu ngồi yên ở nhà đó.
Bùi Thời Khởi: Tớ bảo tài xế chạy sang nhà cậu rồi, ba phút nữa là tới, cậu đưa điện thoại cho chú ấy.
Nữ sinh đơ hai giây, bỗng nhớ ra hình như cậu từng nói sẽ về Bắc Kinh nghỉ lễ, chiều nay đi.
Thi Âm: Cậu ra sân bay hả?
Bùi Thời Khởi: Ừ.
Thi Âm: Là sân bay ở phía tây thành phố hả?
Bùi Thời Khởi: Ừ.
Thi Âm: Xe cậu có dư chỗ không?
Bùi Thời Khởi:?
Bùi Thời Khởi: Cậu muốn làm gì?
Thi Âm: Cho tớ đi nhờ được không?
Thi Âm: cười ngượng ngùng
Năm giây sau, người bên kia gửi tin nhắn thoại. Thi Âm đeo tai nghe, trong tai vang lên giọng nói cà chớn của nam sinh:
“Sao cậu tàn phế rồi mà cứ muốn đi lung tung thế nhỉ? Bị thương một cánh tay còn chưa đủ đúng không? Khỉ còn không nhảy nhót lung tung bằng cậu. Rốt cuộc cậu muốn đi đâu?”
Thi Âm: Tớ đi đón em trai tan học.
Thi Âm: Nhân tiện bỏ nhà đi bụi.
Thi Âm: khóc