Giấc mơ loáng thoáng còn hiện hữu nhưng chỉ có thể bắt được từng đoạn ngắn. Xem ra giấc ngủ hôm nay đành phải dừng lại ở đây. Tôi ngồi thần người một hồi, thở dài, đốt một điếu thuốc.
Giấc mơ vẫn là cảnh quen thuộc. Một đứa trẻ, chính là tôi, cố gắng nhẹ nhàng đẩy lớp lớp cánh cửa, từng cánh từng cánh một. Trái tim đập nhanh, dường như tôi biết rõ ràng phía sau cửa có một điều gì đó thật đáng sợ, lại như phía sau có người hối thúc, buộc phải đi tới. Mãi tới khi tới được cánh cửa cuối cùng, bàn tay nhỏ xíu, mập mạp đẩy ra, bước tới. Trong gian phòng chỉ có một chiếc giường thật lớn, trên đó có một người mặc đồ trắng nằm. Tôi chạy tới, kiễng chân nhìn mặt người đó. Không! Không thể nào! Làm sao đó lại là tôi!
Mỗi lần mơ tới đây, cả người tôi đều toát mồ hôi lạnh, bừng tỉnh.
Tôi biết người nằm đó là ai, tôi vẫn hằng biết.
Mọi người luôn bảo một đứa trẻ 4 tuổi sẽ không nhớ được nhiều, càng không thể hiểu được sự tình. Đối với những người khác tôi không biết nhưng vĩnh viễn khắc sâu trong trí nhớ của tôi buổi chiều hôm đó, vĩnh viễn nhớ rõ hình ảnh mẹ nằm bên cạnh vũng máu. Người mẹ xinh đẹp nhạy cảm của tôi đã dùng chính tính mạng của mình để đáp trả thói gió trăng của chồng, trả thù cho sự phản bội mà bà đã nhận. Có lẽ bà không bao giờ biết được tôi hận bà như thế nào, hận bà đã bỏ tôi mà đi không xót thương, hận bà đã để cho tôi cơn ác mộng đằng đẵng. Nhưng, tôi lại càng hận người đàn ông kia, người cha theo huyết thống của mình. Ông, và sự thiếu trách nhiệm của ông đã phá nát một gia đình. Từ đó về sau tôi không còn là bảo bảo của bất kì ai, cũng chẳng bao giờ còn tin vào người lớn. Tôi trốn trong góc nhà, lạnh lùng nhìn ông đi – về, lạnh lùng nhìn ông đón về một phụ nữ xinh đẹp khác, tận đến khi bà ngoại tới.
Sống cùng bà vài năm, đó chính là những tháng ngày hạnh phúc nhất của tuổi thơ tôi. Bà ngoại, luôn là người yêu thương tôi nhất trên thế gian này. Bà dịu dàng, bà hiền hậu bao dung. Chưa khi nào vì cái chết của con gái mình mà bà oán hận cha tôi, bà còn mở rộng vòng tay đón nhận đứa cháu dư thừa. Tôi hằng nhớ đôi bàn tay thô ráp, nhớ những nếp nhăn, nhớ từng câu nói ấm áp, nhớ rằng bà đã chở che cho tôi khỏi nỗi kinh sợ. Ngày đó, tôi đã từng tin rằng bà sẽ luôn là bình phong che mưa chắn gió, tin tưởng bà sẽ bảo vệ, chăm sóc tôi tới lúc trưởng thành.
Nhưng không, bà nhanh chóng rời khỏi tôi. Căn bệnh tim quái ác đã cướp bà đi. Tôi lại trở về căn nhà lạnh lẽo cũ, có người đàn ông xa lạ tôi phải gọi là ba, có người phụ nữ xa lạ tôi phải gọi là dì, cùng một đứa bé “bảo bối của gia đình” khác mà tôi phải nhận là em, tên nó là Gia Minh.
Ngày nối ngày lặng lẽ trôi, tôi chậm rãi trưởng thành. Dần dần nỗi hận đối với ba cũng phần nào phai nhạt, chẳng qua ông phạm phải lỗi thường của một con người, phải không? Có điều tôi vẫn không thể nào gần gũi ông, đối với tôi ông vĩnh viễn chỉ là một người xa lạ.
Mà từ rất nhỏ tôi đã hiểu được giá trị của tiền. Tiền, sẽ mang đến cho tôi tự do, sẽ đưa tôi thoát khỏi không khí gia đình ngày một nặng nề. Cái gia đình ấy, theo thời gian, theo sự già đi của ba và trưởng thành dần của Gia Minh, càng ngày càng thành bóng đen u ám áp chặt lên tôi. Bởi vì gia đình tôi có một công ty riêng, chẳng lớn chẳng nhỏ nhưng cũng đủ biến tôi thành cái gai trong mắt dì Lâm.
Tôi lặng lẽ mở cửa rời nhà. Không khí sáng sớm còn hơi lành lạnh nên chỉ thoáng chốc đã khiến tôi hoàn toàn tỉnh táo. Chẳng biết tự khi nào tôi đã thành thói quen sớm đi tối về. Đối với tôi, với ba và gia đình ấy, thói quen này cũng thực tốt.
Trước cửa trường học có một chiếc xe sang trọng màu đen đậu sẵn. Tôi lười biếng liếc mắt nhìn qua, rồi tò mò nhìn lại vài lần. Cửa xe đột nhiên mở ra, một người đàn ông cao to bước xuống.
Nhìn rõ mặt người đó, tôi đứng sững lại, ngây cả người. Tim đập loạn, tôi cảm nhận được nguy hiểm đang đến gần, trong đầu có tiếng kêu gào phải chạy nhưng đôi chân như hóa đá, không nghe theo mệnh lệnh. Nhìn thấy anh ta sắp sửa bước sang đường tôi thu hết sức, quay người bỏ chạy vào sân trường. Sân trường có rất nhiều người, ai ai cũng đều bận rộn nên chú ý đến một kẻ đang chạy như phát điên. Từ rất xa tôi chợt nhận ra bóng lưng quen thuộc, cố gắng chạy đến đó.
“ha ha, làm gì thế?” Lục Tử Kiện thấy tôi chạy thục mạng tới, giật mình đưa tay túm lại. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm tạ sự xuất hiện của nó, cũng bình tĩnh hơn, quay đầu nhìn thấy người kia không đuổi theo.
“Đổi tính rồi, sáng sớm cũng biết tập thể dục?” trên mặt nó viết to mấy chữ không thể nào ngờ. Vốn cái thói lười vận động của tôi luôn là sự bất mãn của nó, ngay khi có cơ hội phải lập tức nói móc tôi mới hả dạ. Tôi lườm, tôi coi thường nha, nhưng vẫn theo nó đến phòng tự học.
Chờ hết bốn tiết buổi sáng bụng tôi đã sớm rột rột. Biết làm sao được, tuy rằng phần lớn thời gian là gục xuống bàn ngủ nhưng cũng tốn sức lắm chứ. Được Lục Tử Kiện mời đi ăn trưa, nhà nó hẳn cũng có tiền, năm ngày dễ có ba ngày tôi được mời mà đến giờ chưa thấy nó kêu ca.
Bữa trưa ngon lành, tôi quay về kí túc xá đánh một giấc no. Đến lúc tỉnh giấc đã ba giờ hơn. Hai người cùng phòng không thấy đâu, chỉ có Lục Tử Kiện đang ngồi đọc sách, thấy tôi tỉnh nó vui vẻ chạy lại trước giường, kéo ghế ngồi.
“Khiếp, tớ bảo có khi kiếp trước cậu là heo, chỉ biết ăn rồi ngủ”, nói chưa xong đã cười ngặt nghẽo. Tôi chẳng thèm để ý, thấy thế nó vẫn không im miệng: “nhưng mà sao cậu vẫn không béo hơn được nhỉ, gầy tong gầy teo”, vừa nói vừa véo véo tay tôi.
“Thằng nhóc, muốn chết không?”, tôi đạp cho nó nhát chí mạng, trợn tròn mắt.
“Làm gì hơi tí là trợn mắt dọa người, còn không cho ai đụng vào, e lệ như con gái”.
Tôi nằm ườn trên giường, ngẩng mặt nhìn nó ba hoa. Nó bắt đầu cười tủm tỉm, hoa chân múa tay nhưng một lúc cũng hết cái để nói, ngồi im nhìn chằm chằm tôi. Một lát sau, mặt tự nhiên đỏ bừng.
Tôi thấy lạ, định giễu cợt vài câu nó lại giả vờ ho khan rồi tiếp tục huyên thuyên: “Lát nữa chúng mình đi chơi bóng đi!”
“Không đi”
“Cậu cũng lên luyện tập, để thế này vài hôm mập ù lên cho coi”.
“Không đi”.
“Haizzzz, mode bây giờ là cơ bắp cậu không biết à…” nó còn định thuyết trình nhưng thấy mặt tôi nhăn lại, lập tức dừng.
“Hay chúng mình đi thư viện, mượn sách đọc thêm”.
Dù sao cũng phải dậy, tôi lười biếng rời giường.
Trong lòng lo lắng, nghĩ một hồi cũng không dám ra cổng trường xem xét. Định bảo tên Bát Giới kia đi thăm dò nhưng lại sợ nó hỏi này nọ. Cuối cùng đành điện thoại về nhà, nói mới khai giảng trường có vài hoạt động ngoại khóa nên không về.
Ở lại kí túc xá liên tục hai đêm, nói chung tôi cũng chả phải kém giao tiếp, bạn cùng phòng ai cũng tốt nhưng phấn khích nhất vẫn là Lục Tử Kiện. Nó lắm miệng không ai bằng, nguyên cả hai tối nó đều nằm tán chuyện đến khuya, nói lằng nhằng đến nửa đêm làm giấc ngủ của tôi bị bớt xén nghiêm trọng.
Ngày thứ ba, Gia Minh gọi điện tới kêu tôi về nhà, bảo rằng ba có việc cần gặp. Tôi cũng đang có việc muốn gặp ông nên đồng ý, cố ý bảo nhà đưa xe đến đón bởi vì tạm thời tôi cũng chưa chuẩn bị tốt để đối mặt với người kia.
Tôi cố tình hẹn người nhà thật muộn, qua giờ tan trường một lúc lâu mới ra cổng. Ở phía ngoài xe nhà đã chờ, tôi không dám nhìn ngó lung tung, chui tọt vào và bảo lái xe chạy thật nhanh.
Chưa tới giờ cơm tối, nhà vắng lặng. Tôi đoán ba ở thư phòng liền đi tới, gõ cửa. Thanh âm đầy uy quyền của ba vang lên: “Cứ vào”.
Bây giờ ông đang đứng trước mặt tôi, vẫn bộ dáng lạnh lùng. Tôi thường thường tự hỏi, trước đây tình cảm của ông đối với tôi như thế nào, khi ông chọn cho tôi cái tên, ông có từng yêu thương tôi chăng? Có lẽ chẳng khi nào tôi có được câu trả lời.
Ba thấy tôi đi vào, chỉ chỉ chiếc ghế bên cạnh, ý bảo ngồi xuống, rồi lặng yên. Tôi gượng gạo, không muốn đi tiếp nhưng nghĩ tới đang có việc cần xin cho nên không dám làm trái.
Ông cau mày, giống như đang khó xử, cuối cùng vẫn hỏi: “Mới khai giảng, bài vở có nhiều hay không?”
Tôi sửng sốt, dường như đây là lần đầu tiên người ba này quan tâm đến bài vở và việc học tập của tôi. Đang nghĩ ngợi nên đáp như nào mới thích hợp, nghe ông nói tiếp: “Có thời gian thì tới công ty thực tập, gia sản này sớm muộn gì cũng đều thuộc về con và Gia Minh”.
Tôi cơ hồ buột miệng “Không”, nhưng xét cho cùng tôi cũng thể vội vã mà bảo từ trước đên nay vốn tôi cũng chẳng trông mong gì vào cái gia nghiệp đó, đúng không?
Tôi lễ phép nói: “Bây giờ các môn học cũng nhiều, kiến thức cũng khó, có thể không nhiều thời gian rỗi ạ”.
Ông hình như đoán trước được câu trả lời của tôi, thở dài.
Tôi đoán tâm tình của ba lúc này cũng không tệ lắm, quyết định nói luôn: “Thưa ba, năm hai trường có thêm nhiều hoạt động ngoại khóa, bài vở cũng nhiều… ở ngoại trú đi lại phiền phức, con định chuyển tới kí túc thì tiện hơn”.
Ba thật lâu không nói, tôi còn nghĩ kiểu này fail rồi, thì ông lại hỏi:
“Vẫn muốn rời khỏi nhà?”, tôi nghiêm mặt, giả như không nghe được.
“… Được rồi. Con định khi nào thì đi?”
“Ngày mai ạ”
“… Bảo dì Lâm thu xếp đồ cho. Lúc nào không bận phải thường xuyên về thăm nhà. Đi đi”.
“Vâng, thưa ba”.
Quả thực may mắn không ngờ, tôi không thể tin là thật, người lâng lâng bay bay. Đi tới cửa, đột nhiên nghe tiếng ông ở phía sau nói nhỏ: “Gia Bảo, con đúng là bản sao của mẹ”.
Đi vào phòng riêng tôi mới cảm giác được cả người mình đang run rẩy. Mẹ, ông ta còn nhớ đến mẹ tôi sao?
Tôi chạy tới trước gương, nhìn hình ảnh trong đó. Khuôn mặt này giống mẹ sao?
Có tiếng gõ cửa khe khẽ. Là Gia Minh:
“Anh, anh không ở lại nhà nữa?”, trên gương mặt đẹp trai của nó buồn thật buồn.
Tôi ngạc nhiên. Sao thế, cũng lưu luyến tôi?
“Anh, anh không dạy em chơi bóng rổ à?”
Tôi cười gượng. Khi nào thì anh nói sẽ dạy mày chơi bóng? Là mày cứ nhất định vòi vĩnh thôi?
Gia Minh, thằng nhóc này kém tôi năm tuổi nhưng cao xấp xỉ tôi. Hình như từ nhỏ nó đối với tôi đã kính nể rất nhiều, có điều với người trong nhà tôi chẳng thích thân cận, tránh được tuyệt đối muốn tránh thật xa cho nên hai anh em chưa từng chơi chung một lần.
Gia Minh cứ đứng trong phòng tôi lân la cả buổi nhưng va phải bức tường lạnh như băng nên đành bỏ về.
Sáng sớm ngày hôm sau tôi xách túi hành lý nho nhỏ quay về trường. Vui mừng nhất là chiếc xe kia không thấy đỗ ở cổng nữa. Tôi biết sớm muộn gì cũng có ngày phải đối mặt, nhưng, trước khi đó hãy cứ để tôi hưởng thụ một cuộc sống tự do thoải mái đã.
Bình chọn