Thấy tôi, anh mỉm cười, nhưng nụ cười lập tức khựng lại khi nhìn rõ bộ mặt hầm hầm của tôi.
“Sao vậy? Sao về muộn thế này?”, giọng anh ấm áp dịu dàng.
Tôi hít sâu một hơi, cười nhạt bảo: “Sao muộn như vậy anh còn đến đây?’
“Anh vừa từ làng lên, đến đưa quà cho em, để ở phòng Đại Ba.” Thấy tôi cười, nét mặt anh nhẹ nhõm hơn, ánh mắt lấp lánh.
Tôi ôm hộp cách nhiệt, nhất thời không nói gì.
“Ân Khả, nấu cho anh chút gì đi, anh đói quá”, anh nhìn chằm chằm vào hộp đựng cơm trên tay tôi, nhõng nhẽo nói.
Không nhắc đến còn đỡ, vừa nói tới, nụ cười khó lắm tôi mới nặn được lập tức tắt ngấm.
“Em không biết nấu cơm, cũng không thích làm việc nhà, quét dọn không sạch sẽ, rửa bát thường xuyên làm vỡ, còn nữa, em ghét nhất phải giặt quần áo bằng tay.”
Anh sững người, vẻ mặt cứng đờ, một lát sau mới chậm rãi nói: “Anh không muốn em phải làm mấy việc đó đâu, chỉ là anh đói quá”.
“Anh về nghỉ sớm đi.” Tôi liếc anh một cái, khuôn mặt trẻ trung thiếu nét dịu dàng trầm tĩnh thường ngày, mà nhuốm vẻ ngơ ngác hiếm có.
Không được, tôi không được nhìn anh thêm nữa, sẽ không đành lòng mất!
“Ân Khả?”, anh khẽ gọi.
Tôi bước qua anh, đi qua cây hoa quế, ôm hộp cách nhiệt, tiến về phòng mình.
Tôi biết chắc anh vẫn đứng lặng nơi đó, vẫn đang nhìn tôi, nhưng tôi không thể dừng bước, bây giờ tôi không thể nói với anh tôi đang bị làm sao, bởi chính tôi cũng chẳng biết mình bị làm sao nữa.
Tôi bước vào phòng, đun nồi nước nóng, hòa thành hai thùng nước ấm, tắm gần một tiếng đồng hồ mới xong. Lúc mặc đồ, tôi phát hiện mình quên đem theo quần chíp, đành lau khô người, mặc luôn bộ đồ ngủ. Xong xuôi tôi lại phát hiện mặc ngược rồi, bèn bực bội loay hoay cả buổi trời trong nhà vệ sinh, rồi thất thểu leo lên giường. Nhắm mắt lại, đầu óc tôi quay cuồng loạn xạ, đột nhiên điện thoại reo vang.
Cái tên Lỗ Nguy liên tục nhấp nháy trên màn hình điện thoại, do dự một lúc tôi cũng quyết định ấn nút nghe.
“Ân Khả, em đến chỗ anh à?”, anh chậm rãi hỏi.
Tôi không nói gì.
“Trên đường từ Cửu Trại Câu về, anh đã nói với em, anh sẽ giải quyết dứt khoát, em cho anh chút thời gian, anh sẽ giải quyết dứt khoát.”
Tôi vẫn im lặng, trái tim càng thêm nặng nề.
“Ân Khả…”
“Lỗ Nguy!” Cuối cùng tôi cũng lên tiếng cắt ngang lời anh, “Anh có thể cho em biết, lý do anh thích em không?”
Dứt lời, tôi bất chợt nhận ra mình đã lỡ miệng, anh đã từng nói thích tôi sao? Chưa hề! Dù anh tỏ ra rất có thiện cảm với tôi, còn hy vọng hai đứa sẽ trở thành người yêu, nhưng anh chưa từng nói thích tôi. Ngày trước xem các đôi tình nhân trên tivi cứ dằn vặt nhau mãi về vấn đề này, tôi thấy thật chướng mắt, không ngờ có ngày tôi cũng quan tâm đến nó.
Hình như câu hỏi của tôi khiến anh sững sờ, hồi lâu không thấy anh nói gì, đầu dây bên đó chỉ vọng lại hơi thở khẽ khàng của anh, đợi một lúc, tôi nói: “Lỗ Nguy, trước khi em gọi điện cho anh, anh đừng gọi cho em, cũng đừng đến tìm em, em phải suy nghĩ cho kỹ, anh cũng phải suy nghĩ cho kỹ”.
Nói xong âm cuối, tôi lập tức ấn nút kết thúc cuộc gọi. Tôi sợ anh nghe ra nỗi hờn dỗi chất chứa trong giọng nói của mình, cũng sợ bản thân sẽ từ bỏ cách giải quyết lạnh lùng này.
Chẳng bao lâu di động lại đổ chuông, tôi chán nản thở dài, nhưng trái tim cứ đập loạn xạ không tự chủ, vừa nhấc máy liền quát: “Đã bảo đừng gọi điện cho em mà…”
“Ân Khả, mai con về nhà ngay một chuyến.”
Mẹ?
Đêm hôm khuya khoắt, giọng điệu của mẹ làm tôi cảm giác thấy căng thẳng, bèn gặng hỏi xem có chuyện gì.
“Mai con về thì biết, hôm nay ngủ sớm đi, mai mới nói cho con biết được.” Mẹ cúp điện thoại đáng “cộp” một cái, nhưng càng nói thế tôi càng không ngủ nổi. Khi nãy thì bị chuyện tình cảm giày vò, giờ lại sợ hãi, mẹ thế này là sao, rắp tâm không cho người ta ngủ à?
Hôm sau là cuối tuần, sáng tinh mơ tôi đã bắt chuyến xe sớm nhất về nhà. Về đến nhà, mẹ đã đi chợ rồi, bố đang ngồi nghe kinh kịch như thường lệ, thấy trong nhà không có chuyện gì, tôi mới thở phào nhẹ nhõm, sau đó bắt đầu tò mò, không biết có chuyện gì nhỉ?
Bố tỏ vẻ vô cùng thần bí, kéo tay tôi định tiết lộ chút manh mối, mẹ vừa hay về kịp, câu chuyện của bố nhanh chóng đứt quãng.
Tôi quay đầu, bất giác giật mình, mẹ đem về giỏ lớn giỏ nhỏ, như chuẩn bị bữa Tất Niên vậy, hàng đống rau củ hoa quả thịt thà tươi ngon, tôi cảm động lắm lắm.
“Quả nhiên chỉ có mẹ yêu con nhất trên đời!” Thất tình cũng chẳng sao, gia đình là bến đỗ của tôi.
“Ân Khả, con còn đứng đó làm gì? Mau lên, đun nước mổ gà. Còn nữa, rửa hết chỗ rau này đi. Sau thì lộn lòng lợn, nhiều việc phải làm lắm! À mà, dọn phòng cái đã, ông già kia, còn nghe ngóng gì đấy, nhanh đi đốt chân giò đi.” Mẹ nhét hết đống đồ vào tay tôi, rồi vội vàng chạy ra ngoài, miệng lẩm bẩm những thứ cần mua thêm.
Tôi đứng chôn chân hồi lâu, mới nãy còn thấy gia đình là nơi ấm áp nhất, sao trong chớp mắt tôi đã biến thành cô bé Lọ Lem rồi?
Tôi quay đầu nhìn bố, ông đang mải mê cầm kìm sắt đốt cái chân giò trắng nõn, mùi khét lan tỏa kèm theo làn khói xanh.
“Bố, nhà mình có khách à?”, tôi hỏi.
“Ừ, mẹ con phấn chấn cả ngày hôm qua, hôm nay trời còn chưa sáng đã bắt bố phải làm cái này cái kia.”
Tôi ngẫm nghĩ, trong lòng lờ mờ đoán ra, liền gặng hỏi bố: “Lần này mẹ sắp xếp xem mắt cho ai thế? Còn đến tận nhà mình à?”
Bố khẽ “ừm” một tiếng, rồi lại tiếp tục đốt chân giò, cái kìm đỏ rực kẹp lên chân lợn, trông thật khủng khiếp!
Nhưng mà Ân Dĩ không có nhà, chả nhẽ đối tượng xem mắt là tôi?
Không phải chứ!
Tôi đần mặt, chẳng trách mẹ lại giục tôi về như thế. Không phải mẹ biết tôi đang “bắt cá hai tay” sao? Ôi mẹ ơi, cả ngày toàn nghĩ những chuyện gì không biết nữa.
Tôi ủ rũ đặt đống thực phẩm lên bàn, bố quay đầu liếc tôi: “Con còn không nhanh lên, lát nữa Con cừu non đến, mẹ không mắng cho một trận mới lạ đó”.
Con cừu non? Cái tên tiến sĩ già đó sao?!
Ha ha ha, tôi nhanh chóng vén ống tay lẩm nhẩm, là Con cừu non, của Ân Dĩ mà, chẳng liên quan gì đến tôi, tôi thà làm Lọ Lem, cũng không muốn làm Ân Dĩ.
“Bố này, Ân Dĩ có nhà đâu, Con cừu non một mình đến nhà ta để hỏi cưới chắc?” Tôi ngẫm nghĩ, cũng có thể lắm chứ, nếu không mẹ đã chả vui sướng đến mức đó. Con cừu non là cán bộ cấp cao, trình độ học vấn tiến sĩ, có xe hơi, lương tháng hơn vạn, nếu những điều kiện này còn chưa đủ để mẹ tích cực, thì chắc trên đời này chẳng còn điều gì khiến mẹ phấn khích đâu.
“Không biết làm gì, hôm qua cô Hoa bảo ông ta đặc biệt xin nghỉ phép một tuần, cộng thêm kỳ nghỉ tết Trung Thu và Quốc Khánh, định về thu xếp dứt điểm chuyện chung thân đại sự”, bố vẫn tiếp tục đốt.
Tết Trung Thu! Trái tim nhỏ bé của tôi khẽ giật đánh thót.
“Thật không ngờ, lâu thế rồi mà ông tiến sĩ đó vẫn nhớ đến con nhỏ Ân Dĩ”, tôi ngắt rau cần, vứt đống lá úa vào thùng rác.
“Có điều, bây giờ chưa chắc Ân Dĩ đã đồng ý. Con nghe nó nói, nó đã tìm được cậu bạn trai trong trường rồi.” Cũng chẳng biết là thật hay giả, lúc Ân Dĩ nói thế, tôi không để tâm lắm, ai lại tìm bạn trai vào năm cuối đại học chứ?!
Tiếp theo, hai bố con thong thả thảo luận về mười lý do Ân Dĩ có thể và không thể kết hôn với Con cừu non. Bố thành thạo vặt trụi lông con gà được quảng cáo là giống thuần chủng, một đao chém xuống, máu tươi phun trào, bố tôi thật dã man!
Hai bố con bận bịu suốt một buổi sáng, thứ cần nấu đều nấu rồi, thứ cần rửa cũng đã rửa, nền nhà được lau sáng bóng như gương, đống chăn để lung tung lộn xộn được tôi giấu kín rồi. Không phải tôi không biết làm việc nhà, không biết nấu nướng, tôi biết nhiều thứ lắm, chỉ là tôi chẳng muốn cho anh biết thôi.
Nhà tôi chưa phải mức khá giả, nhưng cũng xem như đầy đủ ấm no, thế nên dù gì cũng không thể để Con cừu non coi thường được. Không có ngưỡng cửa cao lớn, nhưng nhà cửa phải sạch sẽ ấm áp.
Cuối cùng, dưới sự chờ đợi mỏi mòn và đoán mò triền miên của hai bố con, mẹ đã dẫn về mấy người khách.
Họ vừa vào đến cửa đã nhốn nháo ầm ĩ, đúng là sự xuất hiện của mẹ khiến thế giới vĩnh viễn không được yên tĩnh.
Con cừu non đi ở giữa, theo ngay sau mẹ tôi. Nửa năm không gặp, ông ta dường như đã khác, không mặc áo khoác hai lớp cũ kỹ và quần bộ đội rộng thùng thình nữa, nhưng trông vẫn giống một ông già. Có điều lần này ông ta mặt mày tươi cười, chắc gặp chuyện vui nên tinh thần sảng khoái. Nhìn thấy tôi, ông ta càng cười rạng rỡ hơn.
Tôi vội vàng rót trà, bưng hoa quả lên, rồi tủm tỉm cười đứng một bên làm thục nữ, thầm nghĩ “lão già” cốt cán này tương lai là em rể mình, trong lòng đắc ý từng hồi.
Không ngờ hôm nay Con cừu non rất tùy tiện, dám gọi thẳng tên tôi bảo ngồi xuống, tay còn vỗ lên sofa bên cạnh nữa chứ.
Tôi khinh! Thế là sao?!
Mẹ chẳng buồn để ý, vì nhân vật chính hôm nay có phải tôi đâu, mẹ không thèm tốn công nhòm ngó tôi làm gì.
“Cháu xem nhà cô chú, chẳng phải gia đình khá giả gì, chỉ thế này thôi, cháu đừng để bụng nhé.” Chỉ mỗi câu này mà mẹ đã lặp lại đến ba lần rồi.
“Đứa con gái đó, thật không còn lời nào để nói, ở trường thì phát huy toàn diện, đức, thể, mỹ. Từ tiểu học lên đại học, giấy khen bằng khen chồng một xấp cao. Lĩnh vực nào cũng có đóng góp, từng tham gia cuộc thi đọc thơ của thành phố đó cháu ạ.” Mỗi lần khen em gái, mẹ lại lôi đống lời thoại cũ rích ấy ra.
“Người đến hỏi cũng không ít, nhưng con bé yêu cầu cao. Học lực thấp thì nói chê không có tố chất, có chút bản lĩnh nó lại bảo xảo quyệt quá, tướng tá thấp thì nó nói không tốt cho con cái…” Thấy Con cừu non vẫn im lặng ngồi nghe, bèn chuyển đề tài, “Tóm lại, bản thân con bé Ân Dĩ có điều kiện tốt nên mới kén chọn như thế, còn Ân Khả nhà chúng tôi thì lại khác. Nó dễ ‘tống tiễn’ hơn Ân Dĩ nhiều”.
Tôi dễ tống tiễn?! Tôi sững sờ, chẳng phải mẹ toàn chế tôi kén chọn quá sao?
Con cừu non lúc này mới toát lên chút vui vẻ, hình như đã yên tâm hơn.
Tôi đứng bên quan sát nét mặt mọi người nãy giờ, chợt cảm thấy kỳ quái. Mẹ nói Ân Dĩ đỏng đảnh khó chiều là thế, sao ông ta lại yên tâm hơn? Chẳng nhẽ ông ta thấy bộ dạng cao ngạo của em gái tôi vừa hay có thể đánh bóng chuyến đến thăm hiếm có này sao?
Con cừu non thật sự cho mình cao giá!
“Hôm qua cô gọi điện cho Ân Dĩ rồi, Trung Thu nó sẽ về, đến lúc đó chúng ta sẽ bàn tiếp, để xem tuần này…” Thấy Con cừu non vui vẻ, mẹ càng sôi nổi hơn, đang có hứng thì không ngờ bị ông ta cắt ngang.
“Chuyện đó không vội…”
“Ăn cơm thôi, ăn cơm thôi!” Bố ngồi bên, khẽ lau vầng trán đẫm mồ hôi, nói: “Vừa ăn vừa nói, cứ nói thong thả”.
Tôi lập tức đi bày bát đũa. Khi họ đã ngồi vào chỗ, tôi rót nước giải khát cho cô Hoa và mấy cô kia, rót hai cốc rượu nặng cho bố và Con cừu non.
Mấy cô đều khen tôi nhanh nhẹn ngoan ngoãn. Tôi chỉ khiêm tốn cười cười, sắp thành bà cô già rồi, còn được khen là ngoan ngoãn.
Mẹ vẫn không ngớt lời khen ngợi em gái, thuận miệng khen cả tôi, không biết thế nào, nói dông dài một hồi, cuối cùng lại nhắc đến hai “con cá” của tôi. Mẹ đắc ý vô cùng, nhấc đũa chỉ trời chỉ đất chỉ cả người ngồi trên bàn. Mấy cô đều thân thiết với mẹ nên cũng chẳng có biểu cảm gì khác thường, mỗi Con cừu non mặt mày biến sắc, hình như quá hoảng sợ trước tư thế của mẹ tôi.
Tôi lén kéo tay áo của mẹ. Mẹ nhanh chóng hiểu ra vấn đề liền ngừng câu chuyện ở đây, sau đó gắp đùi gà cho Con cừu non, nói đi nói lại rằng con gà này là gà thuần chủng nhất, mẹ phải nhờ bao mối quan hệ, tìm bao nhiêu thôn trại mới mua được con gà một cân rưỡi này đấy.
Con cừu non rõ ràng chẳng chút hứng thú với con gà kia, cả buổi không buồn cắn một miếng, rồi đột nhiên quay sang hỏi tôi công việc có bận không, giờ là chức vụ gì, một năm được nghỉ bao nhiêu ngày.
Tôi thành thật trả lời, tiệc tùng kiểu này chị đây còn lạ gì. Mỗi lần như thế, người ta vì cảm thấy nhạt nhẽo, chỉ với mục đích hâm nóng bầu không khí thôi. Trong mắt tôi thì mọi chuyện vẫn hết sức bình thường.
Nhưng mẹ và mấy cô lại bắt đầu trở nên khác thường, họ hoài nghi quan sát tôi và Con cừu non.
Tôi thầm cười họ có thái độ hơi quá đà, đúng là ít va chạm, không chịu nổi một chút gió lay cỏ động, nhìn bố tôi mà xem, ông chẳng thấy có gì khác lạ cả, còn chạm cốc với Con cừu non kìa.
Mẹ chuyển đề tài, hướng câu chuyện sang vấn đề khi nào thì sắp xếp để Ân Dĩ và Con cừu non đến gặp bố mẹ ông ta.
Con cừu non đặt cốc trên tay xuống bàn, nghiêm mặt, nói với mẹ tôi bằng giọng điệu vô cùng thành khẩn: “Cô à, lần này cháu đến, mục đích chính là muốn nói với mọi người, người cháu thích là Ân Khả, nếu em ấy đồng ý, cháu sẽ kết hôn cùng em ấy”.
Chiếc đùi gà lơ lửng giữa không trung của tôi đột nhiên “bụp” một tiếng, rơi tõm xuống bát canh, nước canh bắn tung tóe.
Những người khác đều lặng thinh nhìn tôi, bố thì há mồm trợn mắt.
Nhìn tôi làm gì chứ? Chuyện này có liên quan gì đến tôi đâu? Tôi còn đang muốn biết chuyện này rốt cuộc là sao đây?
Con cừu non chết tiệt, định hãm hại tôi sao?!
Ai cũng tròn mắt nhìn tôi, như thể tôi đã bắt cá hai tay rồi lại còn tham lam vồ thêm con nữa.
Thật là vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm! VốÂn Dĩ ai cũng nghĩ lần này Con cừu non đến để hỏi cưới Ân Dĩ, không ngờ đùng một cái ông ta lại quay ngoắt ba trăm sáu mươi độ, ngay cả cô Hoa là người đưa ông ta đến cũng ngồi đần mặt, không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Mẹ tôi trấn tĩnh lại đầu tiên, vội buông đũa xuống, vô cùng nghiêm túc nói với Con cừu non: “Nhưng Ân Khả nhà cô đã được định sẵn cho người ta rồi”.
Tôi được định sẵn cho ai chứ? Tôi giương mắt nhìn mẹ.
“Hơn nữa, cơ quan Ân Khả cứng nhắc lắm, một năm chỉ được nghỉ mấy ngày lễ, cháu lại làm việc ở xa, nếu đổi lại là Ân Dĩ, nó có thể đi cùng cháu, dù sao nhà cô vẫn còn một đứa con gái, nhưng Ân Khả…thật sự không được.”
Tôi chẳng còn lòng dạ nào mà ăn cơm nữa, nhưng không dám vứt đũa bỏ đi trước mặt đông người như thế, không phải ai cũng bằng lòng đổi từ cô bé Lọ Lem sang vai chính.
“Thực ra Ân Khả có thể bỏ phắt công việc đi cũng được, lương của em ấy không bằng một phần mười lương của cháu. Cháu hoàn toàn đủ khả năng cho em ấy mọt cuộc sống sung sướng hơn”, Con cừu non đủng đỉnh nói, tôi nghe mà lộn ruột.
Lúc ghép Con cừu non và em gái thành một cặp, ông ta có thế nào tôi cũng mặc kệ, nhưng màn kịch đột nhiên đổi vai, tôi liền cảm thấy con người này thật đáng ghét. Quả nhiên trên đời có vô số loại đàn ông, đàn ông tốt chẳng được mấy người.
Sau đó, những người khác không nói gì nữa, im lặng ngồi nghe Con cừu non phân tích mười lợi ích khi tôi lấy ông ta. Tôi nghe câu được câu chăng, bố tôi cứ lặng lẽ ăn cơm, mẹ tôi liên tục tống thức ăn vào miệng, các cô ai nấy mặt mày xám xịt.
“Cháu xin nghỉ một thời gian không dễ dàng, về đây một chuyến càng khó khăn hơn. Lần này cháu xin nghỉ dài như thế, mọi người đủ biết quyết tâm của cháu lớn nhường nào, cũng chứng tỏ mức độ chân thành của cháu tương đối cao. Vì thế, cháu muốn nhanh chóng tổ chức hôn lễ, vì thời gian hơi gấp, nên làm đơn giản là được, cụ thể thế nào cháu đều nghe theo ý kiến của Ân Khả, chi phí cháu thanh toán hết.”
Thật nực cười, câu chuyện cười hay nhất trong năm! Mới hôm qua nảy sinh xích mích với Lỗ Nguy, hôm nay lại có người đến bàn chuyện hôn lễ với tôi, chẳng lẽ ông trời muốn ngầm bảo tôi rằng, nên từ bỏ Lỗ Nguy?
Còn chưa quyết định có nên từ bỏ Lỗ Nguy hay không, nhưng Con cừu non quả thực đã vượt khỏi mức độ chịu đựng của tôi. Tôi hùng dũng đứng dậy, hùng dũng chỉ thẳng vào mũi ông ta, hùng dũng chất vấn: “Nói xem, anh có phải là trai tân không, có phải không nào?”
Hành động đột ngột của tôi khiến Con cừu non bất giác ngừng thở, khí thế ngạo mạn tự tin lúc nãy tan biến, rất lâu sau, ông ta mới thẹn thùng trả lời rành rọt từng chữ: “Đúng thế”.
Tôi chết ngất, bố phì cả miếng cơm ra ngoài, mấy cô vai rung bần bật. Mẹ tôi là người dũng mãnh nhất, bà hỏi thẳng vào vấn đề trọng yếu: “Không phải cháu có bệnh thầm kín chứ?!”
Cuối cùng, mẹ khách sáo trả lời ông ta rằng chúng tôi cần có thời gian suy nghĩ, rồi tiễn khách ra về. Thực tế thì, nhà tôi chẳng buồn suy nghĩ về chuyện này, chỉ một câu thôi: Căn bản là không thể!
Tôi phải mất bao công sức mới thi đỗ công chức, mặc dù lương không cao, phúc lợi bình thường, nhưng đó là thành quả nỗ lực của cả gia đình tôi! Chỉ riêng việc Con cừu non muốn tôi vứt bỏ công việc này, nhà tôi đã loại ông ta luôn rồi. Hơn nữa, bố mẹ đều cho rằng tôi đang bắt cá hai tay, dù con cá trong tay tôi đẳng cấp chưa chắc đã cao như Con cừu non, nhưng bố mẹ tôi là người biết chừng mực, chẳng ham mê quyền cao chức trọng, chỉ cần bình an hạnh phúc là đủ rồi.
Vì thế sau khi Con cừu non về, mẹ cũng chẳng nói gì với tôi, chỉ coi như mối hỏi cưới cho Ân Dĩ bị đứt gánh giữa đường mà thôi. Bố dọn dẹp bàn ăn xong lại tiếp tục đi nghe kinh kịch của ông.
Nhưng mà chuyện không dễ dàng kết thúc như thế, buổi tối, di động của tôi reo.
Nhìn màn hình, tôi bỗng thấy thất vọng, không phải Lỗ Nguy, mà là một dãy số lạ lẫm.
“Ân Khả”, đầu dây bên kia vọng tới giọng nói nhẹ nhàng dài thượt, tôi rùng mình, là Con cừu non!
Ai cho ông ta số di động của tôi thế này?
Tôi hậm hực đáp: “Có chuyện gì?”
“Chuyện trưa nay, em đã nghĩ kỹ chưa?” Giọng nói của ông ta phát ra từ đâu vậy, hoàn toàn kém xa chất giọng ngang ngược ban trưa.
“Anh nôn nóng quá nhỉ! Nếu đã nóng ruột thế thì tôi cũng chẳng ngại cho anh biết, tôi có bạn trai rồi, hiện nay tình cảm của hai đứa rất tốt, xin lỗi nhé, anh đến muộn rồi.”
“Nhưng sáng nay mẹ em không nói thế, cô chỉ bảo có hai người theo đuổi em, em vẫn đang suy nghĩ mà. Anh không thể nào đến muộn được, lúc Tất Niên chẳng phải em vẫn chưa có bạn trai sao? Em không được như vậy.”
Tôi làm sao? Không phải anh cho rằng tôi đứng núi này trông núi nọ đấy chứ? Thế này cũng đòi là tiến sĩ ư, chỉ là một con mọt sách mà thôi, sách vở thì thông thạo, thực tế lại lơ mơ.
“Anh nghĩ em vẫn chưa hiểu hết những mặt ưu tú của anh, cũng chưa cảm nhận được thành ý của anh, thế này vậy, mai chúng ta đến Starbucks ngồi nhé, anh sẽ nói cụ thể với em.”
“Thật ngại quá, mai tôi muốn ở nhà đọc sách.”
“Đọc sách rất tốt, anh thích con gái nho nhã trầm tĩnh. Đã thế, ngày mại anh lại đến nhà em vậy.”
“…Ngày mai gặp nhau ở Starbucks đi”, tôi đành thỏa hiệp.
Hẹn giờ xong, cúp máy, tôi đau đớn kêu khổ, sao lại có người vớ vẩn thế nhỉ. Tôi chưa bao giờ gặp loại người này, thật hết thuốc chữa.
Sau đó, di động vẫn tiếp tục mở máy, nhưng cho đến sáng vẫn chẳng có thêm cuộc gọi nào.
Hôm sau, tôi cố tình ngắm vuốt rồi mới đến chỗ hẹn. Sau một đêm đắn đo cân nhắc, tôi nghĩ loại người như Con cừu non chắc chắn thích những cô gái dịu dàng, chất phác, thật thà, nên tôi quyết định làm ngược lại. Lần đầu tiên trong đời tôi mặc chiếc áo hai dây và váy ngắn cũn cỡn. Bộ đồ này tôi mượn của cô hàng xóm Lục Mạn, đồng thời là hoa khôi của trường. Trước khi ra khỏi nhà, tôi cứ thấy hở hang thế nào ấy, đành quay về phòng mặc thêm chiếc áo khoác ngắn nữa. Lục Mạn khăng khăng đòi đánh son kẻ mắt cho tôi, bắt tôi phải đeo đôi hoa tai mỏng dài đến vai, xong xuôi tôi phải che mặt lao nhanh ra khỏi khu tập thể nhà tôi.
Đến Starbucks, tôi thấy ngay Con cừu non đang ở đó. Ông ta khẽ liếc tôi một cái lúc tôi bước vào cửa, sau đó lại lén liếc thêm mấy cái nữa, nhưng khi tôi bước đến chỗ ông ta, ông ta lại cố tình nhìn ra hướng khác, tôi bèn đứng lại hỏi: “Chờ lâu rồi à?”
Con cừu non thất kinh, dán mắt nhìn tôi hồi lâu, cuối cùng quan sát tôi từ đầu tới chân, lắp bắp nói: “Em, em, em ăn mặc thế này là thế nào?”
Tôi cười nói: “Mốt mới nhất đó”.
Dọa cho anh chết!
Câu trả lời của tôi làm đôi lông mày đang cau có của Con cừu non đột nhiên giãn ra, vẻ mặt đắc ý lại hiện lên.
“Quả là con gái làm đẹp vì người mình yêu.”
“…!”
Tôi ngồi xuống, vì váy quá ngắn nên phải rất cẩn trọng, Con cừu non không hỏi ý kiến của tôi đã gọi cho tôi một cốc trà sữa lạnh.
Trà sữa thì trà sữa! Dù tôi rất muốn hào sảng gọi rượu, nhưng quả thật tôi bị dị ứng với thứ đó.
“Ăn mặc thế này rất đẹp, nhưng không tiện lắm nhỉ? Lần sau đừng mặc như vậy nữa, đằng nào em mặc gì anh cũng thích”, Con cừu non nói năng thản nhiên như đúng rồi.
Tôi muốn khóc, những người tự cho mình là đúng thật khiến người khác không còn lời nào để nói nữa.
“Ý anh là sau này anh sẽ can thiệp vào tự do và cuộc sống riêng của tôi?”, tôi làm bộ bất mãn.
“Đó không phải là can thiệp, mà là nhân nhượng và hòa hợp. Hai người ở bên nhau nhất định phải nhường nhịn lẫn nhau, không ngừng uốn nắn chỗ chưa đúng của đối phương, như thế mới tiến bộ được”, ông ta nói như thể lãnh đạo của tôi.
“Nói đến đây, tôi nghĩ ra rồi, tôi không tài nào chụy được đàn ông lôi thôi nhếch nhác. Hơn nữa, tôi không thích bị sai khiến như người hầu, tôi không thích nấu cơm, không thích giặt đồ quét nhà, không muốn trông con vò tã…” Còn chưa nói hết câu tôi đã bị Con cừu non chặn ngang, ánh mắt ông ta không còn nét nhẹ nhõm lúc nãy, là có chút nghiêm nghị nhìn tôi hồi lâu. Tôi tưởng mình đã tấn công đúng điểm yếu của ông ta, ai ngờ…
“Đồng chí Ân Khả, suy nghĩ này của em rõ ràng không đúng, rõ ràng em không có dự tính và kế hoạch hợp lý cho tương lai, ngoài ra em có thái độ hời hợt với cuộc sống, thiết lập một cái khung tương lai quá bất hợp lý, anh cần phải uốn nắn thế giới quan của em.
Lại uốn nắn! Uốn nắn quả là một việc công phu, ông ta ra sức uốn nắn tôi từ một giờ đến hai rưỡi chiều. Từng đám người vào rồi ra, ánh mắt của nhân viên phục vụ từ kỳ lạ chuyển sang liếc xéo cuối cùng ngán ngẩm, tâm trạng tôi từ bực bội nổi nóng đến ủ rũ co ro như bông hoa héo bầm giập trong sương gió. Sau cùng ông ta hỏi: “Ngoài ra có cần anh giảng cho em nghe triết lý cuộc sống hàm ẩn trong triết học Mác – Lênin có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong việc khơi gợi nhân sinh quan không?”
Tôi đờ đẫn lắc đầu. Tôi chẳng cần gì cả, chỉ cần một chiếc giường thôi, tôi buồn ngủ quá rồi.
Bất ngờ, quả là rất bất ngờ, vị cứu tinh đã đến.
Nghe rõ tiếng gọi cuối cùng, tôi quay phắt lại, Hà Xứ, chính là cô ấy, vị cứu tinh của tôi.
Tôi chưa bao giờ cảm kích như vậy khi nhìn thấy cô bạn này, cô ấy thì trưng nụ cười kinh ngạc ngờ vực nhìn tôi.
“Suýt nữa thì mình không nhận ra cậu, chỉ mấy hôm không gặp mà đã xinh đẹp nhường này rồi”, cô ấy nói.
Tôi cười hì hì mấy tiếng, giờ không phải lúc bàn chuyện đẹp hay không, làm thế nào để thoát khỏi bàn tay ác quỷ mới là quan trọng.
Hết nháy mắt phải rồi lại dướn mắt trái, tôi cật lực ra hiệu cho cô bạn. Sững sờ một lúc, Hà Xứ mới hiểu ra ý đồ của tôi, ấp úng thêm một hồi mới bịa ra được cái cớ kéo tôi đi. Thật là một cô ngốc, nhưng thế này là được rồi, bất luận thế nào tôi cũng không muốn ngồi cạnh Con cừu non thêm một giây nào nữa.
Lúc tôi rời đi, Con cừu non có vẻ lưu luyến, hình như vẫn chưa nói sướng miệng, liền bảo: “Đồng chí Ân Khả, nói chuyện với em thật thoải mái, hy vọng tương lai không xa, ngày nào chúng ta cũng có thể hàn huyên như thế này”.
Không thể nào, chuyện này tuyệt đối không thể! Tôi cười khổ, tôi xin thề, nhất định tôi sẽ dùng mọi biện pháp không để cảnh tượng trong đầu ông ta trở thành hiện thực.
Ra khỏi Starbucks, Hà Xứ gặng hỏi: “Cậu đang xem mặt đó hả?”
“Còn thê thảm hơn xem mặt nhiều.” Mặt tôi nhăn nhó sắp khóc đến nơi.
Hà Xứ là đứa chẳng có lương tâm, còn cười rung cả người, đắc ý như vớ được món hời vậy. Cô ấy có bao giờ phải đi xem mặt đâu!
“Nhưng mà Ân Khả này, thật ra cậu đâu cần phải đi xem mặt. Cậu ăn mặc thế này, bao người đang nhìn cậu đó”, Hà Xứ còn tiếp tục trêu đùa.
Tôi bĩu môi, mặc kệ cô ấy.
“Thật mà, Triệu An Phi cũng nhìn cậu đó.”
Tôi thất kinh, Triệu An Phi? Ở đâu? Ôi trái tim nhỏ bé của tôi, nó đã làm phản đập “thịch” một cái rõ mạnh.
“Lúc nãy mình ngồi trong Starbucks với họ mà, trên tầng hai, cậu không nhìn thấy đâu. Không chỉ Triệu An Phi, bạn anh ấy còn khoa trương hơn, không rời mắt khỏi cậu giây nào.”
“Bạn anh ấy là ai?”
Nói không chừng lại là một con thỏ khá khẩm nào đó.
“Lỗ Nguy.”
Thình thịch, thình thịch!
Tôi lấy tay chặn trước ngực, hỏi: “Sao mỗi cậu đi xuống thế?”
“Còn không phải nhìn thấy cậu, nên muốn xuống chào hỏi một tiếng sao? Hơn nữa bố chồng mình bị tiểu đường, mình phải về trước nấu cơm tối cho ông. Hai người họ đang ngồi nói chuyện với sếp, lát nữa mới ra.”
Lát nữa sẽ ra ư? Không còn gì để nói nữa, tôi phải trốn thôi.
“Vậy con dâu hiếu thảo mau về nhà đi, mình cũng phải về đây.”
Phải chạy thôi.
Hà Xứ ngờ nghệch tưởng tôi lo cho cô ấy thật, nói đi nói lại rằng có thể chờ Triệu An Phi ra, rồi sẽ đưa tôi về nhà trước. Tôi vừa vẫy tay vừa lao đi, sợ nhất họ bước ra đòi đưa tôi về đó, đồ ngốc!
Hà Xứ vừa vẫy tay vừa gọi với theo: “Hai tháng nữa phải đi tập huấn, đến lúc đó chúng mình buôn chuyện nhé!”
Tập huấn? Tôi “phanh” lại, quay đầu nhìn bỗng thấy Triệu An Phi bước ra từ Starbucks, tiến về phía Hà Xứ. Không còn thời gian để tâm chuyện khác nữa, tôi lao đi như tên lửa.
Chạy qua mấy con phố tôi mới nghĩ ra, mình đang sợ gì chứ? Sợ Triệu An Phi ư? Sợ họ nhìn thấy tôi ăn vận thế này? Không đúng, dù sao Hà Xứ cũng nhìn thấy, hơn nữa cô ấy bảo Triệu An Phi cũng thấy rồi, có gì mà phải trốn chứ?
Tôi cứ chạy đến mức mồ hôi nhễ nhại, đầu óc như cỗ máy, rối tinh rối mù. Lúc nghe thấy tiếng phanh xe, tôi mới giật mình trấn tĩnh lại, một chiếc Mitsubishi sáng bóng đỗ cách tôi hai mét. Chân tôi bất chợt mềm nhũn, suýt nữa thì ngồi bệt xuống đất. Đang lúc kinh hãi, định ngẩng đầu chửi rủa thì tôi đã bị người cầm lái làm cho khiếp vía, đầu óc đột nhiên tỉnh táo theo phản ứng có điều kiện. A! Đó chẳng phải là người tôi sợ nhất sao? Tai nạn giao thông đáng sợ hơn hổ, Lỗ Nguy đáng sợ hơn tai nạn giao thông!
Không phải tôi không muốn quay người bỏ chạy, mà quả thực đôi chân tôi mềm nhũn, hơn nữa người cầm lái mang ánh mắt nhuốm màu đe dọa. Tôi bị ánh mắt đó trói chặt, không thể chạy, không thể chửi rủa, thậm chí không dám thở dốc, không dám chớp mắt.
Cho rằng đã xảy ra tai nạn giao thông, một vài người ngang qua hiếu kỳ vây lại, thấy tôi đứng đó chả hề hấn gì, bèn bỏ cả đi. Vài người không cam tâm, cố đứng chờ tôi nổi khủng, nhưng thấy một người một xe đối mặt hồi lâu thật vô vị, nên cũng đi hết, nhất thời, gió thu xào xạc, trời đất im lìm.
Chẳng biết bao lâu sau, cơn gió đổi hướng, đồng chỉ Tiểu Lỗ gạt cần, quay vô lăng, chiếc xe Mitsubishi quay ngược một trăm tám mươi độ, nhanh chóng biến mất khỏi tầm mắt tôi.
Cửa tiệm bên đường vọng ra bài hát tôi không biết tên, sầu não bi thương: Cho đến khi trời xanh nhạt dần mới phát hiện anh không còn nữa…