Sáng sớm, lúc đi vệ sinh, tôi phát hiện chút nước còn sót lại trong chậu đã đóng thành một lớp băng mỏng trên bề mặt vì tối qua tôi quên không đóng cửa sổ.
Tôi phấn khích nói với Hà Xứ, nhiệt độ đã xuống 00C, có thể tuyết sẽ rơi rồi.
Hai đại hội trong tỉnh khai mạc ngày Hai mươi lăm, chúng tôi quyết định sẽ xuất phát vào ngày này. Buổi chiều vừa thi xong, ai nấy đều trở về ký túc, vội vàng thu dọn đồ đạc. Buổi tối mọi người ngồi ăn với nhau một bữa thịnh soạn, rồi quay lại phòng học, tham dự liên hoan chia tay.
Nhiệt độ càng lúc càng thấp. Buổi tối khi bước ra từ phòng học có bật điều hòa, chúng tôi mới rùng mình nhận thấy giờ đã bước vào khoảng thời gian đất đóng băng lạnh giá của mùa đông. Trời đổ mưa rả rích, tôi nghiêng đầu, chăm chú lắng nghe, hiểu rằng đó không phải mưa, mà là tuyết.
Tôi gọi điện cho Lỗ Nguy, nói ngày mai sẽ về đến nhà, và có khả năng tuyết sắp rơi rồi. Anh hết sức vui sướng, bảo tôi phải mặc thật ấm, trên đường đi đừng có ngủ gật.
Buổi tối tôi sạc đầy pin cho di động, định nghe nhạc suốt lộ trình dài ngày mai. Nhưng vì ổ cắm trong ký túc xá quá ít, Hà Xứ cũng cần sạc điện, nên tôi chỉ sạc đầy một cục pin, rồi nhường lại ổ cắm cho cô ấy.
Ngày Hai mươi lăm tháng Một.
Vừa mở cửa đón bình minh, tôi thật sự bị chấn động trước khung cảnh bên ngoài, nửa buổi trời vẫn không thốt được nên lời. Hà Xứ bước ra khỏi cửa, đứng sau lưng tôi, nhìn khung cảnh trước mắt cũng nín thinh, hồi lâu không nói lời nào.
Hôm qua không có tuyết, nhưng trước mặt hiển hiện một khoảng không trắng xóa như tuyết.
Dưới mặt đất không có nhiều băng, song những giọt nước trên lá cây đã đóng băng. Mưa nhỏ vẫn đang giăng khắp không gian, giọt nào rơi xuống mặt lá sẽ lập tức đóng băng. Tôi chạy như bay xuống lầu, ngắt một lá cây trong sân, nó đã cứng ngắc. Tôi tỉ mẩn xé lá, biến nó thành chiếc lá băng hoàn chỉnh dù hơi mỏng một chút.
Tôi giơ chiếc lá trước mặt Hà Xứ, cười bảo: “Nhìn này, tác phẩm nghệ thuật đó.”
Ở miền Nam hiếm khi được nhìn thấy cảnh này. Hồi bé tôi đã được chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi ngập trời phủ kín mặt đất, nhìn thấy mái hiên bị đóng tuyết, nhưng chưa bao giờ chứng kiến lá cây bị đóng băng thế này. Những chiếc lá được phủ lên mình một lớp băng, trong suốt và lấp lánh, thật độc đáo.
Nền đất, vài chỗ trơn trượt vì đóng băng. Triệu An Phi cau mày nói: “Chúng ta phải đi ngay thôi. Cứ tiếp tục đóng băng thì chúng ta chẳng rời khỏi đây được.”
Xe vẫn là chiếc xe khách rộng lớn phía lãnh đạo thuê lần trước. Mọi người đã nhanh chóng chất hành lý đâu vào đấy, bỗng nghe tài xế lo lắng: “E rằng đường không dễ đi…”
Tim tôi co thắt lại, bất an nổi lên, sự hưng phấn khờ khạo khi nãy bất chợt bị nỗi lo lắng chiếm chỗ.
Vị lãnh đạo dẫn đầu đoàn mặt mày nghiêm túc bàn bạc với tài xế: “Vẫn phải đi thôi, nếu không đi, chẳng lẽ chúng tôi đón Tết ở đây sao? Hay anh móc thêm dây sắt trên bánh xe, chúng ta chạy chậm một chút, kiểu gì cũng phải về nhà.”
Tài xế vội vàng gọi người đen dây xích đến móc chằng chịt lên bánh xe, khó khăn lắm mới chuẩn bị xong. Đoàn chúng tôi đã có mặt đầy đủ, chiếc xe vừa khởi động liền bị trượt bánh. Tài xế tức thời giẫm phanh, khuôn mặt người trên xe đều nhuốm vẻ căng thẳng. Vốn là tay lão luyện, tài xế chẳng bận tâm lắm về cú trượt lúc nãy, khẽ xoay vô lăng, nhấn ga, chiếc xe chầm chậm rời đi.
Xe chạy ra đường lớn, tôi đưa tay quệt một khoảng nhỏ trên mặt kính phủ đầy hơi sương, ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài qua khoảng nhỏ đó. Trên đường xe cộ rất ít, không còn vẻ náo nhiệt như thường ngày, người đi đường thận trọng bước từng bước, người đi xe máy xe đạp thì di chuyển với tốc độ chậm chạp. Thấy xe có nhiệm vụ rã băng vừa đi vừa rải thứ gì đó xuống đường, tôi bỗng có cảm giác như toàn thành phố đang chìm ngập trong khối băng tuyết.
Xe chưa kịp rời khỏi khu vực nội thành, đã thấy một chiếc xe bị lật ven đường, trên xe lập tức nhốn nháo, mọi người ra sức phỏng đoán chiếc xe đó bị lật lúc nào. Cảnh sát giao thông đứng đầy đường, giống như lời cảnh báo, mọi người hết sức tập trung vào mặt đường.
“Bác xế ơi, không việc gì phải vội, an toàn là trên hết!” Lãnh đạo dẫn đầu đoàn nhắc đi nhắc lại với bác tài. Tôi tắt chương trình nghe nhạc, những giai điệu không sao khiến trái tim tôi bình ổn được, ngược lại còn làm tôi càng lúc càng nôn nóng chẳng yên.
Chạy qua cầu vượt, chiếc xe đi vào đường cao tốc. Lúc đầu thấy đường cao tốc không bị đóng băng, ai cũng nghĩ có lẽ hiện tượng đóng băng chỉ là do nhiệt độ trong đêm quá thấp, chứ không nghiêm trọng lắm, chờ lát nữa mặt trời lên cao, băng sẽ tan hết. Đến tận lúc này, chúng tôi vẫn có thái độ lạc quan. Xa nhà đã hai tháng, ai cũng mong ngóng được về nhà ngay, vì thế dù lộ trình trở nên hung hiểm gian nan chúng tôi cũng mặc kệ, không muốn lùi về sau.
Lỗ Nguy gọi điện cho tôi, bảo ở nhà tuyết rơi rồi. Tôi nói mình đang trên đường về nhà, đã vào đường cao tốc, đầu dây bên kia im lặng hồi lâu, sau đó nói: “Em nói với tài xế, sau đoạn cao tốc XX đừng đi đường quốc lộ nữa, bảo tài xế vòng qua tỉnh XX rồi về thành phố.”
Tôi chẳng có khái niệm gì về lộ trình mà anh nói, chỉ nghe người khác bảo, nếu đi đường đó sẽ phải chạy vòng thêm hai trăm kilomet, mất mấy giờ đồng hồ vô ích.
“Sao phải đi vòng xa thế?”
“Mặt đường trên núi Phượng Hoàng đóng băng, có mấy xe hàng bị lật trên đó rồi, có lẽ sắp phong tỏa ngọn núi.”
Quốc lộ trên núi Phượng Hoàng là đoạn đường tương đối dài chúng tôi buộc phải qua để về thành phố. Thực ra vào mùa hè chính phủ đã bắt đầu khai phá chân núi, chuẩn bị xây dựng một thông đạo đường cao tốc, nhưng lễ khởi công chắc phải hai năm nữa mới diễn ra, hiện tại chúng tôi vẫn phải leo qua đường núi. Thực ra núi Phượng Hoàng không cao lắm, hơn nữa đây lại là miền Nam, nếu thời tiết không quá lạnh, thì cơ bản không bao giờ phong tỏa đường này, song một khi đã phong tỏa, con đường về thành phố trở nên vô cùng rắc rối. Nghe anh nói thế, tôi nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự việc. Cúp máy, tôi bèn đề nghị với tài xế đi đường vòng. Những người trên xe nghe tin núi Phượng Hoàng xảy ra vài vụ tai nạn, phải phong tỏa, liền xôn xao hẳn lên.
Tôi thầm rủa xả trong lòng, trận tuyết này đến chẳng đúng lúc chút nào cả.
Mưa vẫn không ngừng rơi, chốc chốc xe lại trượt bánh, dòng xe trên đường cao tốc càng lúc càng đi chậm hơn, mà mới chỉ chạy có một phần ba quãng đường. Nhưng đây vẫn chưa phải tình huống xấu nhất. Dòng xe trên đường từ tốc độ chậm chạp thành tốc độ bằng không, xe chúng tôi cũng không tiến thêm được nữa, bị tắc nghẽn trên đường cao tốc.
Không ngờ đường cao tốc rộng rãi là thế mà cũng bị tắc nghẽn.
Thời tiết thế này bị tắc đường cũng là chuyện khó tránh khỏi. Nghĩ vậy, chúng tôi vẫn còn chút lạc quan, hy vọng có thể sớm giải quyết ách tắc. Nhưng, đợi gần một tiếng đồng hồ, con đường vẫn chẳng có dấu hiệu thông thoáng, càng lúc càng tắc kẹt. Không biết phía trước tắc đến tận đâu, nghe nói có đoạn đường xảy ra tai nạn liên hoàn, cảnh sát giao thông bắt đầu tiến hành chỉ đạo sơ tán, song không thể giải quyết tức thì được.
Xe tắt máy, tất cả điều hòa trên xe tắt phụt, không khí càng lúc càng lạnh. Tôi run lẩy bẩy, Hà Xứ và Triệu An Phi ôm dính lấy nhau cho ấm. Hà Xứ quay đầu thấy tôi run lên từng hồi, định xuống ngồi cùng, nhưng tôi từ chối, bảo không muốn gián tiếp ôm Triệu An Phi. Cô ấy đành ngồi xuống.
Cơn mưa lạnh buốt ngoài kia giăng khắp không gian, tăng thêm độ dày của lớp băng.
Tôi nhớ Lỗ Nguy vô ngần, liền gọi điện cho anh, bảo đường cao tốc tắc rồi, có lẽ tôi sẽ về muộn một chút. Anh trấn an: “Từ lúc tuyết bắt đầu rơi, anh đã luôn chờ em về, em sắp trở thành cô dâu của anh rồi. Giờ anh chỉ ước giá như chưa từng có trận tuyết này, anh chỉ cần em bình an trở về.”
Tôi cúp máy, vội nhìn ra cửa, hồi lâu mới nén nổi nước mắt, tay siết chặt di động, trong lòng không cảm thấy lạnh nữa.
Chẳng ai ngờ được rằng, đường cao tốc bị tắc nguyên một ngày trời, cả ngày chiếc xe không nhích nổi một phân. Cách xe chúng tôi một kilomet có trạm xăng, một dãy người đang xếp hàng chờ được vào nhà vệ sinh ở đó. Người không muốn xếp hàng hoặc không đợi được nữa thì tìm bụi cây hai bên đường giải quyết tạm. Lá cây đóng băng thành một lớp dày, mỗi lúc gió thổi qua, cành cây rơi lộp độp xuống mặt đất. Cỏ mọc trên mặt đất cũng đã kết băng thành kem que to chừng một ngón tay. Lúc bước qua chúng, đám kem que ấy thi nhau đập vào chân, rồi rơi tan tác xuống đất.
Không có nước nóng, không có thức ăn nóng, vì chẳng ai ngờ sẽ tắc đường lâu như thế, nên cũng chẳng mang theo nhiều đồ ăn. Thời gian chậm chạp trôi qua, người trên xe mỗi lúc một lo lắng buồn phiền, không ai biết và cũng chẳng dám nói trước khi nào mới về đến nhà.
Tôi không dám gọi điện cho bố mẹ, sợ họ lo lắng. Nghĩ ngợi hồi lâu, trước khi màn đêm buông xuống, tôi mới gọi về nhà bảo xe bị tắc đường, có lẽ sẽ về muộn một chút.
Thực ra có gọi điện hay không, bố mẹ tôi vẫn cứ lo lắng, chỉ là nhận được điện thoại của tôi, biết lúc này tôi vẫn an toàn, họ sẽ yên tâm hơn.
Đêm xuống, tuyết bắt đầu rơi, không lâu sau, cảnh vật bên ngoài đều được phủ một lớp trắng xóa. Tôi viết lên cửa kính xe bằng đầu ngón tay: Chúng ta cùng nhau gánh vác sóng biển, bão táp, sấm sét…
Không biết ai đó nói di động của mình hết pin, muốn mượn di động gọi một cuộc, mọi người mới nghĩ ra có lẽ pin di động của mình cũng chẳng chống được lâu. Triệu An Phi quay đầu bảo tôi: “Ân Khả, em tắt di động đi, di động của ba chúng ta dùng thay phiên, phải đảm bảo luôn có một chiếc mở máy, phòng khi bị tắc quá lâu, đến lúc đó di động hết pin thì không ai liên lạc được.”
Tôi thấy Triệu An Phi nói rất có lý, dù tắt máy rồi tôi vẫn sợ người nhà và Lỗ Nguy không liên lạc được với tôi, thế nên tôi gọi một cuộc về nhà, bảo họ nếu không gọi được cho tôi thì gọi vào máy của Triệu An Phi hoặc Hà Xứ.
Nghe tôi nói thế, mẹ đột nhiên lo lắng: “Bọn con còn bị tắc bao lâu nữa? Nhà mình mất điện rồi, cũng chẳng biết bao giờ mới có lại, di động của bố mẹ sắp hết pin, sợ không tìm được chỗ sạc. Máy bàn chẳng hiểu sao không hoạt động…”
Tôi đoán chắc trận băng tuyết này diễn ra trên diện rộng, tình hình ở nhà cũng không được lạc quan lắm, liền vội vàng cúp máy, gọi cho Lỗ Nguy.
“Đến giờ mà vẫn chưa di chuyển được sao?”
“Chưa”, tôi ấm ức nói với anh: “Đằng trước tắc nghẽn, đằng sau cũng thế, toàn xe là xe, xe của bọn em ở giữa, tiến thoái lưỡng nan, không thể động đậy nổi, nghe nói đến trưa mới phong tỏa đường cao tốc, chẳng biết đã kẹt cứng bao lâu rồi.”
“Hiện nay không đủ xăng phục vụ, đa số các trạm xăng đều có cảnh sát duy trì trật tự, anh vẫn chưa đổ được xăng, đợi đổ được rồi anh sẽ tới đón em.”
“Sao mà đón được chứ, tắc kinh khủng thế này, anh không chen vào được đâu.” Tôi vội nói.
“Nhưng mà anh không yên tâm!”
“Sẽ không sao đâu, kiểu gì cũng có cách mà, kiểu gì cũng thông được đường, anh đừng lo quá. Em phải tắt máy đây. Nếu không gọi được cho em thì gọi vào số của Triệu An Phi và Hà Xứ nhé.” Tôi đọc số của Hà Xứ để anh ghi lại, rồi dặn, “Không được đến đón em, em cũng không yên tâm.”
Anh nhận lời, tôi mới chịu cúp máy, rồi tắt luôn.
Trong đêm, tài xế mở radio, kênh giao thông đang phát bản tin nói về thiệt hại và khó khăn mà nhiệt độ giảm thấp trên diện rộng này gây ra cho ngành giao thông. Chốc chốc lại đưa tin tai nạn giao thông, đến đoạn nói về vụ tắc xe nghiêm trọng trên đường cao tốc, mọi người trong xe nhất thời loạn cả lên. Chỉ qua một ngày, đoạn đường cao tốc đã tắc hơn mười kilomet. Vị trí của chúng tôi được xem là đoạn đầu, có điều trước mặt vẫn có gần bốn kilomet xe ô tô nối đuôi san sát.
“Thật là thảm họa, mùa xuân là lúc giao thông tấp nập nhất, không ngờ lại gặp phải thời tiết này”, Triệu An Phi nói.
Nguyên nhân tắc nghẽn không chỉ vì xảy ra tai nạn giao thông, mà còn bởi mặt đường đóng băng nghiêm trọng. Đâu đâu cũng thấy dấu vết ngã trên nền đất. Chỉ trong vòng một ngày, lớp băng trên nền đất đã cao một tấc, cộng thêm tuyết roi liền mấy tiếng đồng hồ đêm qua, mặt đường đã bị che lấp.
Triệu An Phi và lãnh đạo dẫn đầu đoàn đội tuyết đội gió chạy đến trạm xăng, mua về một ít lương khô và nước khoáng. Triệu An Phi nói thức ăn ở đó không nhiều, cơ bản đã bị vét sạch rồi, giá đắt gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Giữa đêm, chúng tôi có thể khẳng định mình bị trói chân trên đường cao tốc này. Tuyết không ngừng rơi, băng không chịu tan, đi lại vô cùng khó khăn.
Ngày Hai mươi sáu tháng Một.
Tôi cuốn thảm ngủ trên xe, không ngon giấc chút nào. Đầu óc nặng nề, tôi mơ thấy mình về đến nhà, nhưng trong nhà chẳng một bóng người, lạnh lẽo quạnh hiu.
Lúc tỉnh dậy, trời sắp sáng, không gian chìm trong màu trắng mờ ảo, tuyết vẫn rơi lả tả, tạo thành lớp dày trên nền đất. Không thể đánh răng rửa mặt, nước cũng chẳng dám uống, ngoài nỗi lo không đủ nước uống, tôi còn lo cả chuyện đi vệ sinh.
Hôm nay, lực lượng công an và cảnh sát giao thông cuối cùng cũng đi dọc con đường mang thức ăn đến cho chúng tôi. Vừa nhận được cốc nước ngun ngút khói, suýt chút nữa tôi rơi nước mắt. Tôi hoảng loạn ngẩng đầu uống từng chút một, coi như sương mù thoảng qua khóe mắt.
Bố mẹ và Lỗ Nguy lần lượt gọi đến, biết tôi vẫn đang tắc trên đường thì vô cùng lo lắng.
Chúng tôi giậm chân trên nền tuyết, nghe bản tin xèn xẹt tạp âm trên xe. Có người nhặt cành cây, nhóm lửa hồi lâu nhưng chỉ thấy khói mà chẳng thấy lửa. Ban ngày tuyết ngừng rơi, song đêm đến lại bắt đầu rơi.
“Tôi chưa bao giờ khao khát được về nhà như thế này.”, một đồng nghiệp trên xe nói.
“Tôi chỉ muốn ôm bà xã, chui trong chăn ấm, ngủ nguyên một ngày thôi.”, có người cười ha hả trêu chọc.
“Mơ ước của tôi đơn giản hơn cậu nhiều. Tôi chỉ muốn được ăn bữa cơm nóng hổi, chỉ cần một bát cơm trắng thôi, bên trên có mấy miếng bắp cải luộc, chỉ cần đơn giản như thế.”
Hai ngày trời ăn lương khô, giờ nhìn thấy nó là buồn nôn, nhưng không ăn không được. Từng người nói lên hy vọng của mình, còn tôi hy vọng điều gì? Tôi chỉ mong nhìn thấy bố mẹ và Lỗ Nguy thôi.
Lúc thì tuyết rơi, khi thì mưa đá đập vào cửa kính, trên xe đã có người bị cảm, chốc chốc lại vang lên tiếng hắt xì, ho hắng. Tôi thấy lạnh dần, không xuống xe nữa, mà ngồi co tròn thành một rúm trên xe. Hà Xứ đưa cho tôi thêm một tấm thảm, đêm đến, tôi run rẩy dữ dội, phát hiện ra mình đã bị cảm.
Ngày Hai mươi bảy tháng Một.
Radio thông báo tàu hỏa, máy bay đều hoãn lại do băng tuyết kéo dài, một trăm nghìn hành khách đang tắc lại ở ga tàu Quảng Châu. Hơn trăm nghìn người tắc trên đường cao tốc Kinh Châu đoạn XX. Mạng điện quốc gia vì tải trọng quá lớn nên nhiều nơi đã phải cắt điện, xăng dầu không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, vật giá leo thang…
Sau khi uống thuốc cảm, tôi rơi vào trạng thái mơ mơ màng màng, toàn thân đau nhức, bắt đầu phát sốt.
Nghe thấy di động của Hà Xứ kêu mấy lần, tôi biết di động của Triệu An Phi đã hết pin, giờ đổi sang dùng máy của Hà Xứ.
Thi thoảng các đồng chí công an lên xe bổ sung lương thực và nước uống, còn có y tá bác sĩ lưu động đi kiểm tra sức khỏe cho mọi người. Một cô y tá truyền nước cho tôi. Tôi lờ đờ nửa tỉnh nửa mơ. Vợ chồng Hà Xứ ngồi cạnh vô cùng sốt ruột, cách một lúc lại chạy đến sờ trán tôi.
Ngày Hai mươi tám tháng Một.
Tôi đã chẳng nhớ được mình bị kẹt cứng trên đường quốc lộ bao nhiêu ngày nữa.Có lúc nghĩ mình vĩnh viễn không về được nhà, tôi bèn lặng lẽ co ro trong chăn rơi nước mắt.
Bên ngoài bộ đội địa phương đang dùng xẻng xúc băng, những người đàn ông trên xe cũng tham gia phụ một tay. Hà Xứ nói có hơn vài nghìn bộ đội được giao nhiệm vụ phá băng, đôi khi phải phá băng trên xe vì có xe bị băng đóng kín, nhưng ban ngày xúc được vài chục mét, vài trăm mét, vài nghìn mét, đến tối mặt đường lại phủ thêm một lớp tuyết mới.
Có lúc tôi thấy đỡ hơn một chút, có lúc lại thấy toàn thân đau nhức, mơ mơ màng màng. Bác sĩ bảo nếu cứ sốt mãi thì phải tìm cách đưa tôi ra ngoài.
Dù rất muốn về nhà, nhưng trong gió tuyết bão bùng thế này, tôi không muốn bắt bao người phải đi bộ khiêng tôi ra khỏi đây để cấp cứu. Trên xe không chỉ mình tôi bị cảm, đằng sau biết bao chiếc xe bị tắc, nói không chừng rất nhiều người cũng đang bị cảm.
Ngày Hai mươi chín tháng Một.
Hôm nay chúng tôi được ăn thức ăn nóng hổi. Bộ đội đã điều đến tổ bếp núc, đẩy xe đưa đồ ăn nóng đến. Thức ăn rất đơn giản, cơm trắng và bắp cải luộc. Mọi người cười trêu anh chàng đồng nghiệp có ước mơ ăn cơm trắng bắp cải luộc hôm nào, lần này ước mơ đã thành thật rồi.
Tôi cũng cười, có lẽ chuyện sẽ tốt hơn theo từng ngày, tôi nghĩ, giờ khắc được gặp bố mẹ và Lỗ Nguy sẽ không còn xa nữa.
Mỗi khi tỉnh lại, tôi thường vô cớ nghĩ ngay đến hình bóng Lỗ Nguy, nghĩ đến cảnh anh phanh xe trước mặt tôi, cười toét miệng mắt cong cong, nghĩ đến cảnh hai đứa ngại ngùng bước bên nhau trên con đường pháo sáng rực rỡ hôm nào, nghĩ đến lần tôi ôm tâm trạng nặng nề theo sau anh chơi trận giả, nghĩ đến khuôn mặt đầm đìa mồ hôi lúc tìm tôi ở Cửu Trại Câu của anh, nghĩ đến cảnh anh cầm ô đứng nhìn ánh đèn trong phòng tôi từ rất xa...Nhiều lúc, tôi chìm trong hồi ức mà chẳng hề hay biết. Khi trấn tĩnh lại, mới nghĩ sao mình lại đột nhiên thích hồi tưởng quá khứ thế này, chẳng lẽ đây là điềm báo không lành?
Ngày Ba mươi tháng Một.
Cuối cùng di động của Hà Xứ cũng hết pin. Tôi mở di động lên, chỉ còn hai vạch pin. Cục pin còn lại tôi chẳn buồn sạc, lúc này tôi rất hối hận vì mấy hôm trước đã nghe nhạc bằng di động.
Trong vòng một phút sau khi mở máy, hàng loạt tin nhắn ồ ạt gửi đến.
Tin nhắn của Ân Dĩ, nó đã vượt qua trăm ngàn gian khổ về đến nhà rồi, bảo tôi chú ý giữ gìn sức khỏe.
Tin nhắn của lãnh đạo hỏi có phải tôi gặp sự cố gì không? Tin nhắn này gửi cách đây hai ngày, chắc sau đó ông ấy đã gọi điện cho Hà Xứ, vì đằng sao có thêm một tin nhắn, nói ông ấy đã biết chuyện chúng tôi bị tắc trên đường, bảo tôi phải chú ý giữ gìn sức khỏe. Đột nhiên tôi cảm thấy rất hổ thẹn, vì mấy ngày nay tôi đã quên tiệt vị lãnh đạo rất ân cần và quan tâm tôi này.
Còn có tin nhắn của bố mẹ, hỏi tôi đang ở đâu.
Tin nhắn của bạn bè trên mạng, ví như Tiểu Điểu, hỏi sao tôi mất tích lâu thế.
Tôi không tiện trả lời, cũng chẳng dám trả lời. Pin di động không còn mấy, cảm thấy lúc này chẳng cái gì đáng giá bằng cục pin đầy điện, vì thế tôi chỉ dùng vào lúc quan trọng thôi.
Không có tin nhắn của Lỗ Nguy, tôi đoán chắc hai hôm nay anh đã gọi điện cho vợ chồng Hà Xứ, nên biết tôi vẫn tắc nguyên tại chỗ.
Chẳng biết do bị ốm, hay thức ăn không đủ, mà tôi thấy toàn thân mệt nhoài, chẳng chút sức lực, trong lòng toàn nghĩ linh tinh, lúc đầy ắp lúc trống trải, người héo hắt, thi thoảng lại thấy chán ngán vô cùng.
Radio nói Thủ tướng Quốc vụ viện đến chỗ nào đó, để trấn an đám hành khách bị mắc kẹt. Tôi nghe thấy giọng ông ấy: “Mọi người yên tâm, rồi tất cả chúng ta sẽ được về nhà đón Tết!”
Đột nhiên tôi thấy vô cùng cảm động, chỉ biết hình dung khung cảnh lúc đó. Hàng nghìn người bị mắc kẹt, ai nấy đều lo lắng buồn bã, đều muốn về nhà đón Tết, muốn về đoàn viên cùng gia đình như tôi vậy. Đang lúc tuyệt vọng, lời nói của ông ấy thắp sáng ước mong được về nhà trong lòng mọi người, khiến người ta cảm thấy được chính phủ đang nghĩ cách, kiều gì cũng đưa được chúng tôi về nhà, chỉ là có chút khó khăn, tốc độ chậm chạp một chút.
Nhìn ra ngoài, thấy đám đông đang nỗ lực xúc băng, tôi lại cảm động lần nữa. Ai cũng dốc hết sức tìm biện pháp, những ý nghĩ tuyệt vọng của tôi rõ thật nực cười nếu so với họ.
Có lẽ do tư tưởng được đả thông, có lẽ cảm thấy sắp được về nhà rồi, tôi không còn nóng ruột, không còn u ám nữa, cơ thể dường như có chút sức lực. Tôi không nhốt mình trên xe nữa, mà xuống đường chạy nhảy vận động. Lúc đầu có cảm giác chơi vơi chân không chạm đất, nhưng sau đó tôi thấy khỏe hơn nhiều.
Rất nhiều ký giả đến phỏng vấn, gặp người dẫn chương trình của một tiết mục thường xuyên chiếu trên tivi, tôi thấy rất lạ, không nhịn được hỏi: “Các anh đến đây bằng cách gì? Thông xe rồi à?”
Đó chỉ là câu hỏi buột miệng, tôi cứ ngỡ nhân vật nổi tiếng như họ sẽ chẳng đời nào thèm để ý đến chúng tôi.
Nhưng không ngờ vị MC thở hổn hển, cười với tôi trả lời: “Chúng tôi chạy bộ hơn mười cây số đấy.”
“Chúng tôi bị tắc từ hôm Hai mươi tư, tôi không dám đếm xem đã được mấy ngày rồi”, tôi ủ rũ trả lời. Một số người trên xe nhìn thấy, lần lượt bước xuống, vây lấy vị MC. Chúng tôi bàn tán về cảm giác bị tắc lại nơi đây, MC hỏi: “Hay chúng ta làm một cuộc phỏng vẫn nhỉ?”
Anh ta nói thế, đám nhà báo bên cạnh lập tức vác máy chuẩn bị quay, tôi vội che mặt bảo: “Không được, không được, tôi xấu xí lắm.” Mấy ngày không rửa mặt, còn bị ốm nữa, tôi chẳng biết mình thành ra thế nào nữa.
Anh ta nói không sao, quay rồi phát lên tivi để người nhà nhìn thấy, biết tôi vẫn bình an.
Tôi kiên quyết không chịu, bảo: “Nhìn thấy bộ dạng này của tôi, họ còn lo lắng hơn.”
Có lẽ vẻ thất thểu trong ánh mắt tôi đã cảm động anh chàng MC, anh ta không miễn cưỡng nữa, quay sang phỏng vấn đám đồng nghiệp của tôi.
Phỏng vấn xong, ánh mắt mọi người bị thu hút bởi tiếng máy bay trực thăng trên trời. Tôi cũng ngẩng đầu nhìn, chẳng biết chiếc máy bay đến từ đâu, cứ lòng vòng mãi trên bầu trời. MC nói: “Đồng nghiệp của đài chúng tôi đều ở trên đó quay phim, năm nay tuyết rơi nhiều quá, cảnh tượng trăm năm mới gặp một lần, quay từ trên cao sẽ thấy rõ mức độ kinh khủng của thảm họa này.”
Một đồng nghiệp nói: “Giá mà họ quăng cái thang xuống, để mình leo lên, rồi mình được bay về nhà.”
Chúng tôi đều ồ lên cười, cười xong lại thấy xốn xang, thật ra ai cũng muốn được chắp cánh bay về nhà ngay lập tức.
Cũng trong ngày hôm nay, cuối cùng có thể khởi động xe rồi.
Không ai có thể miêu tả nổi cảm xúc khi đấy. Đột nhiên nghe thấy ai đó kêu lên một tiếng, mọi người dướn cổ ra nhìn thì phát hiện xe đỗ trước mặt đang từ từ chuyển bánh. Ai nấy phấn khởi điên cuồng, òa lên một tiếng, rồi lũ lượt chay về xe mình. Tài xế cũng nhanh chóng ngồi lên ghế lái, ấn ga, lúc sau chiếc xe chậm rãi tiến về phía trước với nỗi sốt ruột của đám đông trên xe.
Tôi quấn chặt chiếc thảm và chăn bông vào người. Giây phút chiếc xe chuyển động, tôi vùi mặt trong chăn, không biết muốn khóc hay muốn cười.
Tôi gọi điện cho Lỗ Nguy, không ngờ di động của anh không liên lạc được, gọi cho mẹ, cũng chẳng liên lạc được, gọi vào máy bàn thì máy đang bận. Cuối cùng tôi gọi cho Ân Dĩ, may mà nghe thấy tiếng đổ chuông. Nó nhấc máy, vô cùng sung sướng, hét lớn gọi bố mẹ, bảo tôi gọi điện về này. Nghe giọng hét hào hứng của con bé, cổ họng tôi đột nhiên nghèn nghẹn.
Chắc mẹ đã giằng lấy điện thoại từ tay nó, vừa mở miệng đã hỏi một tràng như súng liên thanh, hỏi tôi có ổn không, có lạnh không, đang ở đâu, rồi bảo sóng mạng nào cũng yếu như nhau. Ở nhà vẫn mất điện, không sạc pin được nên đều không dùng được, mấy ngày nay cả nhà rất lo lắng cho tôi.
Tôi khịt mũi nói: “Hôm nay xe có thể chuyển bánh rồi, con mọi thứ đều ổn, đồng nghiệp trên xe cũng an toàn không sao.”
Sau đó nghe Ân Dĩ đứng bên nói vọng vào: “Chị ơi, anh rể đi đón chị một ngày rồi, chẳng biết đi đến đâu nữa.”
Tim tôi bỗng thắt lại, sốt ruột hỏi: “Sao cả nhà lại để anh ấy đi? Xe cộ không di chuyển được, anh ấy đón thế nào đây? Thường ngày chững chạc vậy, sao đến lúc then chốt anh ấy lại hồ đồ thế?...”
“Anh ấy, anh ấy nói chị bị sốt...” Nghe tôi nói nhanh như chớp, Ân Dĩ vội trả lời: “Cơ quan anh ấy cũng phải phá băng cứu nạn, nhưng anh ấy vứt xẻng lại, không biết đào đâu ra chiếc xe, chạy đến nói một tiếng với bố mẹ rồi đi luôn, ai mà ngăn được chứ?”
Cúp máy, trong lòng tôi rất đỗi hoảng loạn. Vốn sợ mọi người lo lắng cho mình, giờ đâm ra tôi lại lo lắng cho một người. Tôi bực bội mắng thầm anh trong bụng.
Nghe bảo Lỗ Nguy lái xe đến đón tôi, Hà Xứ chậc chậc không ngừng, liếc mắt nhìn người đàn ông của mình, nói: “Nhìn mà xem, người ta quan tâm đến bà xã biết chừng nào.”
Triệu An Phi nhìn vợ, hỏi: “Anh còn chưa đủ tốt với em sao?”
Cô ấy thích thú, nói: “Không bằng đôi vợ chồng son, người ta mới cuồng nhiệt làm sao, vì tình yêu chẳng màng mạng sống.”
Tôi vội đưa tay đánh cô bạn, nói: “Cái gì mà không màng mạng sống chứ.”
Hà Xứ vội chữa cháy: “Lỡ mồm, lỡ mồm, là không tiếc thân mình, à không, phải là bất chấp tất cả.”
Lòng tôi hỗn loạn, chẳng còn tâm trạng đùa giỡn với cô ấy. Đang lo lắng cho anh, nên tôi không muốn nghe ai nói gì đến việc không màng mạng sống. Nỗi khổ sở bị bệnh tật giày vì mấy hôm trước cũng chẳng xót xa khó chịu như thiêu đốt tim gan như bây giờ.
Buổi trưa có vẻ sẽ có nắng, mặt đường không còn tuyết và băng nữa. Chiếc xe không đi được một đoạn lại dừng như trước, mà bắt đầu chạy liên tục trong khoảng thời gian dài. Mọi người đều vô cùng sung sướng, hy vọng tuyết đừng rơi thêm nữa.
Lúc đi ngang qua mấy chiếc xe hàng bị lật, chúng tôi biết đây chính là đầu mối gây ra vụ ùn tắc giao thông. Xe hàng giờ đã được kéo sang một bên đường, trên xe phủ lớp tuyết dày. Tôi bất giác thở dài, có người còn thê thảm hơn chúng tôi. Dường như mọi chuyện đang xoay chuyển theo chiều hướng tốt đẹp. Xe sắp lao ra khỏi đường cao tốc, tôi nhìn thấy rất nhiều xe Công an và Cảnh sát giao thông đang đứng trong gió tuyết, vài người vẫy tay chào tất cả những chiếc xe ngang qua. Trên xe có người thét lên rằng đó là lãnh đạo nhà nước, tôi lau cửa kính, cố giương mắt nhìn, nhưng chẳng rõ gì cả, trong lòng vô cùng rầu rĩ.
Xe cộ được phân luồng, dù phải đi vòng xa một chút song chúng tôi cũng chẳng hề bận tâm, chỉ cần xe chạy được là tốt rồi. Chúng tôi không muốn phải trải qua chuỗi ngày bị tắc nghẽn chẳng nhích nổi nửa bước nữa, khốn khổ quá chừng, ai chưa từng trải qua có lẽ sẽ không hình dung được cảm giác đó đâu.
Thoát khỏi đường cao tốc, xe chạy vào đường quốc lộ. Tôi đổi chỗ ngồi với người khác, chuyển sang ngồi bên trái, dính sát người vào cửa kính ô tô, ra sức quan sát từng chiếc xe lướt qua mình. Đoạn đường quốc lộ giao với đường cao tốc này xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông hơn cả đường cao tốc. Cứ chạy được một lúc tôi lại thấy có xe lật bên đường. Mỗi lần nhìn thấy xe con bị lật, tôi đều muốn bảo tài xế dừng xe, sợ chẳng may xe bị lật là của Lỗ Nguy.
Ân Dĩ nói anh đã đi được một ngày. Cứ ngỡ sẽ gặp anh ngay tại đường cao tốc, không ngờ lại chẳng gặp được, vì thế tôi càng lo lắng hơn, cảm giác sợ anh bị lật xe suýt chút nữa làm tôi phát điên.
Từ lúc nghe Ân Dĩ nói anh đi đón mình, tôi bắt đầu lo lắng, cũng hiểu ra rằng, anh đã bắt đầu lo lắng từ ngày đoàn chúng tôi khởi hành. Chỉ qua một khoảng thời gian ngắn, tôi đã cảm thấy nỗi lo lắng này thật khiến người ta khổ sở, vậy mà anh đã lo lắng mấy ngày nay rồi. Một mặt tôi trách anh không chịu nghe lời, mặt khác tôi có thể hiểu được cảm giác của anh, thậm chí chỉ một tiếng đồng hồ thôi tôi cũng chẳng muốn anh phải ở trong tình trạng nguy hiểm. Tôi bị tắc trên đường bao ngày nay, chắc anh khốn khổ lắm?
Đang chạy trên đường quốc lộ, mọi người yêu cầu tìm quán ăn nào đó, ăn một bữa đẫy đà, tài xế lập tức đồng ý. Trong lúc chờ thức ăn lên, tôi đứng canh ngoài đường, sợ xe của anh chạy qua mất. Sợ anh không nhìn thấy xe của chúng tôi. Hà Xứ nói: “Bệnh của cậu chưa khỏi hẳn, vào trong đi, đừng đứng ngoài này, lạnh lắm.”
Tôi không chịu, cứ khăng khăng đòi đứng ngoài đường giậm chân bịt tai.
Tôi để ý từng biển xe, đặc biệt là xe đi từ hướng chúng tôi vừa đi. Tôi cố giương mắt, muốn nhìn rõ người ngồi trong xe, nhưng từng chiếc xe cứ lũ lượt vượt qua. Có chiếc tôi không nhìn rõ người ngồi bên trong, nên cứ không ngừng hy vọng rồi lại thất vọng lo lắng.
Đang đứng trong tuyết nghển cổ nhìn đông ngó tây, di động chợt vang lên. Tôi vội vàng lấy ra ngay, nhanh chóng ấn nút nghe. Điện thoại mất chợt kêu một tiếng, báo hiệu pin sắp hết.
“Ân Khả.”
Là Lỗ Nguy, tim tôi như muốn vọt ra ngoài. Tôi gật đầu không tự chủ, kích động đến nỗi suýt nữa chẳng nói được nên lời.
“Là em, em đây. Bọn em ra khỏi đường cao tốc rồi, đang ở đường quốc lộ, đang ăn cơm. Anh đang ở đâu? Biển xe là bao nhiêu? Di động của em sắp hết pin rồi, sao anh lại đi đón em chứ?”
“Bọn em ăn cơm ở đâu? Đoạn đường nào? Tên quán là gì?”
“Từ đầu đường cao tốc XX thì xuống quốc lộ XX, ở thị trấn XX...”
Di động hết pin! Tôi bàng hoàng nghe tiếng tắt máy vẫn chưa dứt hẳn, màn hình di động đã đen ngòm. Pin di động tôi tiết kiệm lâu như thế, cuối cùng vẫn không dùng được vào phút quan trọng.
Tôi lao nhanh về quán, hỏi xem có di động của ai còn pin không, rồi lại hỏi chủ quán có điện thoại không, khó khăn lắm mới mượn được chiếc di động, nhưng tôi lại đần mặt ra. Tôi không biết nên gọi vào số nào, số vừa nãy không phải số của Lỗ Nguy, mà là một số lạ, hình như điện thoại công cộng. Tôi bắt máy nhanh quá, không kịp nhớ dãy số đó, giờ di động chẳng mở máy được, tôi không tài nào tra ra số vừa rồi.
Tôi bất lực trả lại di động cho người ta, cảm ơn một câu, rồi chạy ra ngoài đường chờ. Anh có thể gọi điện cho tôi, tức là anh vẫn ổn. Ít nhất, tôi có thể yên tâm rồi, bây giờ nỗi mong ngóng được gặp anh càng thêm mãnh liệt.
Từng chiếc xe lướt qua, ánh mắt tôi cứ nhảy từ chiếc này sang chiếc khác, song chẳng chiếc nào là chiếc tôi mong ngóng cả. Tôi hết ngồi lại đứng, hết đứng lại ngồi, Hà Xứ đem cơm ra cho tôi. Tôi vừa ăn vừa dán mắt vào dòng xe trên đường, không bỏ lỡ chiếc nào.
Bát cơm nóng bỏng môi đã bị tôi vội vàng ăn hết sạch. Đưa mắt về phía xa, thấy không có bóng dáng chiếc xe nào sắp tới, tôi mới quay người bước vào quán trả bát, nhưng còn chưa đi được mấy bước, đã nghe tiếng phanh xe ken két trên mặt đường. Tôi quay phắt đầu, một chiếc xe con màu đen có cản trước méo mó bê bết bùn đất vừa đỗ bên đường. Tim tôi bất giác đập loạn. Bộ dạng một tay cầm bát một tay cầm đũa của tôi lúc này buồn cười chết được, nên thấy tôi, người vừa trên xe bước xuống mới lắc đầu cười hớn hở như thế.
Tôi ngơ ngác nhìn anh bước đến trước mặt. Anh khẽ chớp mắt, tôi nhìn rõ ràng hàng mi dài của anh lay động, một lúc sau nghe tiếng anh thở dài, hai tay anh để hờ bên hông, cúi đầu nói: “Cuối cùng cũng đón được em rồi!”
Chẳng biết tại sao chiếc bát trên tay tôi đột nhiên rơi xuống, không vỡ, mà lăn hai vòng, dính đầy băng tuyết và bùn đất. Tôi cúi đầu nhìn nó, khẽ khịt mũi, không buồn nhặt lên, cũng chẳng muốn ngẩng đầu.
Tôi đã thực sự không kiềm chế nổi. Lúc tôi bị ốm trên đường cao tốc, tôi chỉ dám lén khóc trong chăn, cho dù là lúc thất vọng não lòng tưởng rằng cả đời sẽ bị kẹt cứng tại đó, cũng chẳng dám khóc thành tiếng. Nhưng lúc này đây, anh đứng trước mặt tôi, tôi bất giác không muốn nói gì cả. Tất cả cảm xúc nhất thời hóa thành hàng lệ lăn dài trên má, tí tách rơi xuống nền băng tuyết.
Anh ôm tôi vào lòng. Tôi bắt đầu thút thít thành tiếng, nắm chặt ngực áo anh, nhận ra cằm anh đang không ngừng dụi trên đỉnh đầu tôi. Đang khóc lóc nghẹn ngào dữ dội, tôi loáng thoáng nghe thấy giọng trầm ấm của anh: “Không sao nữa rồi, anh đến đón em đây. Chúng ta đã thống nhất từ trước, nếu tuyết rơi, anh sẽ cưới em mà.”
Ngày Ba mươi mốt tháng Một.
Hôm nay là ngày Hai mươi tư tháng Mười hai âm lịch, là ngày Tết ông Công truyền thống.
Về đến ngôi nhà mới của chúng tôi, trời đã hửng sáng. Căn nhà được bài trí rất đỗi ấm áp và dễ chịu. Tôi lượn qua lượn lại ngắm nghía, dù vô cùng mệt mỏi nhưng vẫn không nỡ rời mắt khỏi chúng.
Tôi nghĩ mình sẽ vĩnh viễn không quên nổi những khung cảnh bên đường tối qua, khi ngồi cạnh Lỗ Nguy trên chiếc xe của anh. Chúng tôi theo sau xe khách chở bọn Hà Xứ, vòng vèo vài trăm kilomet, vật lộn trên những đoạn đường bùn lầy khủng khiếp, ngắm thành phố đen ngòm như đã chết, nhìn dây cáp điện to lớn bị rơi đứt vì không chịu nổi sức nặng của băng tuyết, nhìn cây cối hai bên đường gần như đã bị băng tuyết đè bẹp cong queo, nhìn những chiếc xe con, xe lớn đủ loại bị lật trên vệ đường, tất cả các trạm đổ xăng đều treo biển hết xăng, một vài trạm xăng cỡ lớn bị băng tuyết làm sập nóc. Khung cảnh hoang tàn khiến người ta vừa kinh hãi vừa run sợ.
Ngày hôm nay, cuối cùng cũng đã có điện.
Đã hai tháng rồi, giờ tôi mới được nhìn thấy ngôi nhà mới của mình, ngôi nhà với những đồ trang trí mới tinh sáng loáng, ấm áp dễ chịu. Lỗ Nguy mở điều hòa, rồi vào phòng tắm, bật bình nước nóng. Tôi cởi áo khoác bẩn thỉu, ngồi xuống sofa, bật lò sưởi. Bật tivi lên, chương trình truyền hình trực tiếp đang liên tục cung cấp tin tức mới nhất về công tác phá băng tuyết. Lỗ Nguy ngồi xuống bên cạnh, tôi rưng rưng dòng lệ quay sang nhìn anh. Anh đưa tay lau nước mắt cho tôi, tôi nói: “Từ bé đến giờ, chưa lúc nào em thấy ấm áp và hạnh phúc như thế.”
Sau khi tắm táp sạch sẽ bước ra, Lỗ Nguy gọi điện về báo cho bố mẹ tôi được an lòng. Anh vừa cúp máy, tôi liền hỏi: “Điện thoại gọi được rồi à?”
“Ừ”, anh cười với tôi, “Mọi thứ đều ổn rồi.”
Tôi nằm trong chăn xem tivi, Lỗ Nguy vào tắm. Tivi không ngừng phát tin tức về vụ thảm họa băng tuyết, bị sập bao nhiêu trạm xăng, cây cối bị tàn phá mức độ nào, cột điện bị đổ ra sao, những nhân viên điện lực dũng cảm đi sửa chữa hy sinh mấy người, giờ vẫn còn bao nhiêu hành khách bị kẹt cứng...Mỗi con số báo cáo đều khiến người ta kinh hãi. Rồi đến tin tức khác, ví như vào lúc đoạn đường cao tốc nào đó bị tắc, có người tốt đã mua số lượng lớn lương thực đem tới giúp đỡ hành khách, có người tốt mời một xe khách về nhà thiết đãi cơm nước, có người ăn mày cụt tay đã mua ba ngàn bát mỳ đến cho hành khách bị kẹt cứng ở ga tàu hỏa, có người treo ruy băng xanh lên xe của mình, sẵn sàng cho người đang đứng chờ trong gió tuyết đi nhờ...
Thấy Lỗ Nguy bước ra, tôi hỏi: “Anh treo ruy băng xanh trên xe là để làm việc tốt sao?”
Anh trả lời: “Ừ, trên đường đi đã cho một cặp vợ chồng, hai ông bà già và mấy học sinh đi nhờ.”
Anh cũng chui vào chăn, dang tay ôm tôi. Tôi ôm cổ anh, kề sát hỏi: “Xe của anh bị đâm gãy cản trước à?”
“Chỉ là đâm vào cây bên đường thôi. Lúc đó anh giẫm phanh, nhưng không kịp, bánh xe vẫn lún trong hố, may mà không lật xe.”
“Sao anh lại tìm thấy em? Còn đi đúng con đường mà bọn em đã qua?” Ngáp dài một cái, nằm trong lòng anh, tôi buồn ngủ díu cả mắt.
“Lúc đến đường cao tốc, thì xe cộ trên đó gần như được phân luồng hết rồi. Anh tìm được điện thoại công cộng ở đó rồi gọi cho em, may mà bọn em chưa đi xa lắm, may mà bọn em dừng lại ăn cơm...”
Anh vẫn cứ nói một hồi “may mà”, trước khi chìm vào giấc mộng, tôi chỉ loáng thoáng nghe anh nói: “May mà cuối cùng cũng gặp được em...”