Hôm nay dinh thự Thiên Thành có khách, là một doanh nhân thành công đã vào tuổi trung niên, Trường Thịnh.
Ông tới để thăm hỏi ông Thành ấy mà, sẵn tiện bàn chút việc.
Thật may cho Trường Thịnh, với địa vị của mình, ông Thành không viện cớ thấy mệt trong người cần nghỉ ngơi, từ chối tiếp khách.
Hơn một tháng gặp lại, Trường Thịnh thấy đối phương tuy có ốm đi đôi chút nhưng tinh thần vẫn ổn.
Người dày dặn kinh nghiệm thương trường có khác, dù trớ trêu rơi vào cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh cũng vững vàng như kiềng ba chân.
"Nghe nói bác bệnh nhưng công việc bận quá, tôi không thể thu xếp được.
Dây dưa mãi tới hôm nay mới sang thăm, mong bác đừng trách! Ở đây có ít đông trùng hạ thảo và nhân sâm biếu bác dùng cho mau khỏe!"
Trường Thịnh vừa dứt câu thì thư ký Trung đi cùng đứng cạnh đã bước lên, đặt hai hộp quà trên tay xuống bàn.
Ông Thành liếc nhìn sơ qua, cười nhạt:
"Anh quả là có lòng nhưng ông già này sớm đã là đèn cạn dầu, có tẩm bổ mấy cũng vậy thôi! Mua chi cho tốn kém, anh sang đây thăm là quý lắm rồi, đâu phải ai cũng có được cái cơ hội này!"
"Ấy, bác nói thế tôi ngại chết! Bác làm sao mà cạn dầu được, còn chưa thấy mặt cháu chắt kế thừa sự nghiệp cơ mà!"
Trường Thịnh lăn lộn giới thượng lưu bao năm, quá quen với mấy kiểu nói thế này.
Ông cười thầm trong bụng, đối phương miệng thì bảo đèn cạn dầu chứ thâm tâm nghĩ khác.
Một người gần đất xa trời rồi vẫn không muốn buông tha quyền lực, dầu dẫu có cạn cũng tìm cách bơm cho đầy lại thôi.
"Làm sao mà được? Sống tới đó chắc thành yêu quái mất, anh Thịnh cứ thích đùa ông già này!"
Ông Thành rót cho Trường Thịnh chung trà, cả hai người tới kẻ đi, tuôn ra những câu nói ẩn ý.
Ông Tuấn ngồi ở bên cạnh ba mình, giống như thư ký, im lặng lắng nghe.
Ông ta ngoài mặt bình thản nhưng bàn tay lại nắm chặt, cảm giác bị xem nhẹ không dễ chịu chút nào.
Ông Tuấn tin chắc Trường Thịnh cố tình, tại sao nói "cháu chắt" thay vì "con cháu"? Đây rõ ràng là muốn ám chỉ không thể trông đợi gì ở ông.
Thời gian trôi qua, cách nói năng ẩn ý một lời hai, ba nghĩa vẫn không thay đổi.
"Thôi không làm phiền bác nghỉ ngơi nữa, tôi về còn lo việc công ty!"
Sau một hồi giả lả, Trường Thịnh ra chiều tiếc nuối phải ra về.
Thấy ông Tuấn hồn vía lên mây, ông bèn gọi:
"Tôi về nha anh Tuấn!"
Ông Tuấn lúc này sựt tỉnh, ông ta theo phản xạ:
"À, dạ?"
Ngay lập tức ông Tuấn nhận được cái lườm sắc lẹm từ ba mình.
Ông Thành đã nhiều lần tự hỏi tại sao đẻ ra đứa con ngớ ngẩn như thế này.
Được ăn những món ăn tinh túy nhất, đào tạ trong các ngôi trường tốt nhất, vậy mà chẳng bằng ai, đụng đâu hư đó, ngồi làm tượng mà nghe cũng không chú tâm.
Trong khi người ngồi đối diện ông, Trường Thịnh có thể tạo dựng một tập đoàn hùng mạnh từ đống đổ nát của gia đình thì con ông sẽ chỉ đạt đến vị trí ấy nếu được kế thừa.
Ba người ngồi cùng một chỗ, rõ là không cùng đẳng cấp, thằng con quý hóa có nhận thức được điều này chăng?
"Thôi anh về cẩn thận, thông cảm cho ông già này già sức yếu không thể tiễn được!"
"Không sao, chúng ta có xa lạ gì đâu, bác hãy lo giữ gìn sức khỏe!"
Ông Thành giấu cục tức trong lòng, điềm tĩnh tiễn khách.
Trường Thịnh gật đầu với ông ta sau đó đứng dậy rời đi, ánh mắt lại như vô ý liếc sang người còn lại, nhếch mép trào phúng.
Trên đời này không có gì vui sướng hơn được như ý nguyện, nhìn một người đàn ông lớn tuổi hơn mình mỗi lời ăn tiếng nói đều sợ ba bắt lỗi cũng thú vị lắm.
Phải làm sao đây, sở thích của ông hình như hơi thiếu lành mạnh.
Nhưng kệ đi, cuộc sống vô thường, ngày nào còn cười được thì cứ cười, bằng không lúc sa cơ thất thế chỉ toàn bị người cười chê, dè bỉu.
Có lẽ là ý trời, Trường Thịnh chung quy vẫn chưa thể rời khỏi dinh thự Thiên Thành như dự định.
Khi ông chuẩn bị lên xe thì Trà My cũng vừa về tới, đôi bên trông thấy nhau, không thể không chào hỏi.
"Cháu chào chú!"
"Chào cháu, trông tinh thần cháu tốt hơn nhiều so với lần
trước, hy vọng cháu sớm nguôi ngoai nỗi đau!"
"Dạ, cháu cảm ơn!"
Trà My hiểu lần trước đối phương nhắc đến là lúc đám tang, bộ dạng ngày đó nghĩ lại không khỏi xấu hổ.
Trường Thịnh thấy được sự bối rối trên mặt cô gái nhỏ, nhân lúc tài xế lấy tui đồ từ cốp xe mang vào trong, ông khéo léo đổi chủ đề:
"Đi mua sắm cũng là cách hay để thư giãn đấy nhưng sao cháu mua ít thế? Con gái chú mỗi khi buồn bực liền điên cuồng cà thẻ, túi đồ hai người đàn ông ôm còn không xuể!"
Và ông chính là một trong hai người đàn ông đó, điều này không nói ra thì hơn.
Nghe có vẻ Trường Thịnh kể xấu con gái nhưng Trà My cảm nhận được sự tình thương của người cha.
Ba cô cũng từng lảm nhảm như thế mỗi lúc đi theo làm chân sai vặt của hai mẹ con.
Những điều tưởng chừng như hiển nhiên ấy giờ ngẫm lại quý giá biết chừng nào.
"Cháu không có khiếu thời trang, phung phí mua nhiều cũng bỏ xó thôi ạ! Một chiếc áo không làm nên nhà sư, dẫu có là hàng hiệu đắt đỏ mà người mặc tầm thường thì cũng vứt!", Trà My nửa đùa nửa thật nói.
Trường Thịnh nhướng mày nhìn cô gái trước mặt, ông sao cứ cảm thấy đối phương đang đá đểu ai đó.
Tính ra, trong dinh thự này, người cuồng mua sắm hình như chỉ có một, mặc đồ hiệu như hàng chợ cũng chỉ một người đủ năng lực, là bà Quyên.
Ông suýt chút đã bật cười thành tiếng, lời ít ý nhiều khen:
"Cháu thật thâm thúy và thấu đáo!"
Trà My giật mình, cô không ngờ ông Thịnh lại hiểu được ẩn ý đằng sau.
Đúng là con ếch chết bởi cái miệng, cô vậy mà lơi lỏng đề phòng với người đàn ông này.
Âu một phần cũng do mấy ngày này bà Quyên cứ bắt Trà My tò tò theo sau đi gặp bạn bè.
Mỗi lần như thế, cô biến thành người cầm đồ, tay xách nách mang không xuể.
Hôm nay cũng thế nhưng giữa chừng họ nổi hứng đi xông hơi nên mới tha cho cô về sớm, dẫu thế thì chân Trà My đã bị cọ đỏ hết mấy chỗ.
Đang buồn bực trong người, nhất thời buộc miệng nói ra
nếu chẳng may đến tai người không nên nghe thì tiêu đời.
Trà My, mày phải giữ mồm giữ miệng cho kỹ vào!
Lúc sau khi đối đáp với Trường Thịnh, Trà My rất thận trọng, không dám để lộ sơ hở nữa.
Trên lầu, ông Thành chống gậy đứng bên khung cửa sổ, mắt tập trung vào khung cảnh bên dưới.
Ông bỗng nói với con trai đứng sau lưng:
"Mau tìm chỗ tốt để Trà My thực hiện vai trò của nó đi!"
"Dạ? Ý ba là sao?", ông Tuấn đã hiểu mà cố ý giả ngu.
Ông Thành xoay người lại, dùng cây gậy chỉ thẳng vào mặt con, cười khẩy:
"Anh thôi giở thói khôn vặt trước mặt ba anh đi! Anh đừng tưởng tôi không biết anh đưa Trà My về đây với mục đích gì, tôi đẻ ra anh được mà.
Khi cây còn mềm dẻo thì phải uốn nắn ngay, tránh để nó cứng cáp lại quật chết anh, rõ chưa?"
Ông Tuấn không đồng tình:
"Nó thì có thể làm được gì? Ba cứ lo xa!"
Ông Thành nhìn con trai, bất lực thở hắt ra, than chì mãi là than chì, dù cùng một nguyên tố thì chẳng thể biến thành kim cương.
Ông chỉ tay ra ngoài cửa sổ, nhắc nhở:
"Dựa vào việc Trường Thịnh thích thú khi nói chuyện với nó hơn anh! Kẻ bị đánh giá thấp luôn có lợi thế riêng, đừng bao giờ khinh địch, bất kể là ai! Nếu hôm nay anh không khiến nó phụ thuộc anh thì sẽ có ngày anh thua dưới tay nó.
Hãy nhớ nó là con gái của em trai anh, mang dòng máu của tôi!"
Không phải đến khi con trai út mất thì ông Thành mới biết đến sự có mặt của Trà My.
Cháu gái học ở đâu, ngành gì, thành tích ra sao ông đều nắm trong lòng bàn tay.
Thông qua Trà My, ông nhìn thấy được hình bóng người con quá cố.
Ẩn sau vẻ ngoài mong manh chứa đựng một linh hồn bất kham.
Một khi linh hồn ấy được tự do, Trà My sẽ thành mối đe dọa đáng gờm.
Trà My biết nhẫn nhịn, biết che giấu cảm xúc, biết thích nghi.
Những điều này Tú đều không có, điểm mạnh duy nhất của nó ở mỗi giới tính.
Ông Thành phân chia mọi thứ rất rạch ròi, Tú là người thừa kế, Trà My để gả đi.
Với vị trí một quân tốt trên bàn cờ mà lại sở hữu thuộc tính của con tướng thì thật tai hại.
Ông xưa này nhìn người ít khi sai, lần đầu trông thấy Trường Thịnh cảm thấy chàng trai trẻ đó sẽ làm nên nghiệp lớn, quả nhiên bây giờ đối phương đã ngồi ngang hàng với mình.
Trà My là ẩn số, thà giết lầm còn hơn bỏ sót, nắm đằng chui ai đó vẫn tốt hơn bị họ nắm thóp.
Phải ngay thời điểm rễ cây còn yếu, bắt nó bám vào mình, trở thành kẻ sống ký sinh.
Ví dụ như cho Luân hưởng dịch vụ có chi phí trên trời, tìm gia đình môn đăng hộ đối gả Trà My đi, buộc con bé phải nương tựa nhà nội để đứng vững ở nhà chồng chẳng hạn.
Nghe ba mình nhắc đến Tâm, ông Tuấn khó chịu trong lòng.
Ông không bằng người đã nằm dưới lòng đất sao? Trà My là con của em trai ông thì thế nào? Còn không phải mặc ông điều khiển ư? Nó không phục thì làm được trò trống gì, châu chấu muôn đời không thể đá xe!
Nghĩ vậy nhưng ngoài mặt ông Tuấn vẫn vâng dạ thuận theo ý ba mình:
"Dạ, con biết rồi ba, con sẽ chú tâm tìm đối tượng cho con bé.
Công ty còn có việc cần giải quyết, con xin phép đi trước!"
"Ừ! Anh đi đi!", ông Thành lạnh nhạt gật đầu.
Nhìn con trai rời đi, ông Thành khe khẽ lắc đầu, gậy gõ hai cái xuống sàn nhà.
Đứa con này không xài được, nó luôn đợi ông phải lên tiếng nhắc nhở và chưa bao giờ để tâm tới.
Phải chi con bé kia là con trai thì tốt biết mấy, ông sẽ bồi dưỡng nó.
Tiếc thay trời sinh nó ra làm phận gái, ông chỉ đành tìm mọt chỗ trông trên bàn cờ, đặt nó vào.